Trang mới   https://gpquinhon.org

Tương quan giữa cha sở và cha phó trong truyền thống Giáo phận Qui Nhơn

Đăng lúc: Thứ sáu - 22/07/2016 20:24


TƯƠNG QUAN GIỮA CHA SỞ VÀ CHA PHÓ

TRONG TRUYỀN THỐNG GIÁO PHẬN
(Khóa thường huấn các linh mục trẻ ngày 14.7.2016)

 
 
           


Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính


Một câu chuyện kể rằng: một cha phó kia thấy bị cám dỗ muốn hồi tục để lập gia đình, cha sở biết chuyện nhưng chẳng biết phải khuyên nhủ hay đối xử làm sao. Trong khi tìm các giải quyết, cha chia sẻ câu chuyện với một cha sở khác. Cha sở đồng nghiệp đầy kinh nghiệm kia mới bảo rằng: “Có gì khó đâu! Cha chỉ cần cho cha phó giải tội cho mấy bà thì lập tức cha sẽ đổi ý định ngay thôi!” Chỉ là câu chuyện vui nhưng nó nói lên mối tương giao tế nhị giữa cha sở và cha phó, có những điều thật khó nói! Không có một khóa trình nào dạy về mối tương giao này, mà nếu có thì cũng chỉ là một mớ lý thuyết, những quy tắc ứng xử rất chung chung trong các tài liệu của Giáo Hội trong khi đây là mối tương giao thực hành khá phức tạp giữa người và người, dù rằng các vị đều là những bậc “chân tu”! Kinh nghiệm trong mối tương giao này tùy từng trường hợp, mỗi người mỗi cảnh, mỗi nơi mỗi khác và hoàn toàn tùy thuộc vào tâm tính mỗi người. Học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau là điều đáng trân trọng nhưng đồng thời vẫn dựa vào nền tảng là các hướng dẫn của Giáo Hội hoàn vũ cũng như Giáo Hội địa phương, và đây là điều mà bài viết này xin được đề cập đến.   
 
I. BỘ GIÁO LUẬT 1983

“Bộ Giáo luật hiện hành, khác với bộ Giáo luật 1917, không còn phân biệt các cha phó theo chức năng như cha phó quản lý (vicaire – économe / đ. 472), cha phó thay thế vicaire – substitut / đ. 474) cha phó phụ tá (vicaire – auxiliaire / đ. 475) hay cha phó cộng tác (vicaire – coopérateur / đ. 476), chỉ giữ lại một chức năng duy nhất là “cha phó giáo xứ” (vicaire paroisial, parochial vicar). Điều kiện ắt có và đủ để làm cha phó phải là một linh mục (đ. 546)”.[1]Chương VI: Các Giáo Xứ, Các Cha Sở Và Các Cha Phó”, từ điều 515 đến 552, của Bộ Giáo Luật 1983 đã quy định rõ ràng chức năng nhiệm vụ của cha sở và cha phó. Ở đây chỉ xin trích dẫn và giải thích những điều luật có liên quan đến cha phó.

1. Các điều khoản[2]

Ðiều 545: (1) Mỗi khi xét thấy cần thiết hay thuận lợi cho việc săn sóc mục vụ tốt đẹp của một giáo xứ, thì ngoài Cha Sở ra, có thể đặt một hoặc nhiều cha phó như cộng sự viên của Cha Sở và san sẻ mọi nỗi lo âu với Cha Sở, đồng tâm nhất trí và dưới quyền của Cha Sở để thi hành nhiệm vụ mục vụ. (2) Một cha phó có thể được đặt hoặc để lo toàn thể tác vụ mục vụ trong một giáo xứ hay một phần nhất định của giáo xứ hay một nhóm tín hữu nào đó thuộc giáo xứ, hoặc để đảm trách một tác vụ đặc định trong nhiều giáo xứ khác nhau một trật.
Ðiều 546: Ðể một người có thể được bổ nhiệm cách hữu hiệu làm cha phó, thì cần đương sự đã lãnh chức linh mục.
Ðiều 547: Giám Mục giáo phận được tự do bổ nhiệm cha phó, sau khi bàn hỏi ý kiến, nếu thấy tiện, với Cha Sở hoặc với các Cha Sở của những giáo xứ mà cha phó được cử tới, và cả với cha Quản Hạt, đừng kể quy định của điều 682 triệt 1.
Ðiều 548: (1) Mọi nghĩa vụ và mọi quyền lợi của cha phó được xác định bởi những điều luật của chương này, và bởi quy chế của giáo phận và văn thư bổ nhiệm của Giám Mục giáo phận, và nhất là do ủy nhiệm của Cha Sở.
(2) Nếu văn thư bổ nhiệm của Giám Mục không quy định minh thị cách nào khác, cha phó, chiếu theo chức vụ, có nghĩa vụ giúp Cha Sở trong toàn thể tác vụ thuộc giáo xứ, ngoại trừ việc dâng thánh lễ cho dân, và có nghĩa vụ thay thế Cha Sở nếu trường hợp xảy ra, theo quy tắc luật định.
(3) Cha phó phải thường xuyên báo cáo cho Cha Sở biết mọi chương trình mục vụ đã hoạch định hoặc đang tiến hành, ngõ hầu Cha Sở và cha phó hoặc các cha phó sẽ cùng hợp lực với nhau để dự liệu việc săn sóc mục vụ cho giáo xứ, mà họ đồng lãnh trách nhiệm.
Ðiều 549: Khi Cha Sở vắng mặt, nếu Giám Mục giáo phận không dự liệu cách nào khác theo quy tắc điều 533 triệt 3 và nếu không đặt Giám Quản giáo xứ, thì phải giữ những quy định của điều 541 triệt 1; trong trường hợp ấy, cha phó cũng có tất cả mọi nghĩa vụ của Cha Sở, trừ việc dâng thánh lễ cho dân.
Ðiều 550: (1) Cha phó buộc phải cư trú trong giáo xứ, hoặc trong một trong các giáo xứ nếu đương sự được đặt làm phó cho nhiều giáo xứ. Tuy nhiên, khi có lý do chính đáng, Bản Quyền sở tại có thể cho phép cha phó cư trú nơi khác nhất là trong nhà chung dành cho các linh mục, miễn sao việc chu toàn các nhiệm vụ mục vụ không vì thế mà bị thiệt thòi.
(2) Ở đâu có thể, Bản Quyền sở tại nên lo liệu để Cha Sở và các cha phó thực hành thói quen sống chung với nhau cách nào đó trong nhà xứ.
(3) Về thời gian đi nghỉ, cha phó cũng được hưởng quyền lợi giống như Cha Sở.
Ðiều 551: Ðối với những của dâng cúng mà các tín hữu dành cho cha phó trong khi thi hành tác vụ mục vụ, thì phải tuân giữ các quy định của điều 531.
Ðiều 552: Khi có lý do chính đáng, cha phó có thể bị Giám Mục giáo phận hoặc Giám Quản giáo phận bãi chức, miễn là tôn trọng quy định của điều 682 triệt 2.

2. Giải thích[3]

Là một giáo sĩ, cha phó có các quyền và bổn phận theo luật chung dành cho giáo sĩ (điều 273-289). Ngoài ra có các quyền và bổn phận của chức vụ cha phó được quy định ở các điều 545 – 552. Các bổn phận này bao gồm săn sóc mục vụ chung chung (điều 545 triệt 1), cộng tác với cha sở (điều 545 triệt 1 và 548 triệt 3), thay thế cha sở khi ngài vắng mặt (điều 549), và cư trú trong giáo xứ (điều 550 triệt 1). Cha phó có quyền nghỉ hè (điều 550 triệt 3). Ngài không bị đòi hỏi dâng ý lễ cầu nguyện cho giáo dân ngay cả khi thay thế cha sở khi ngài vắng mặt (điều 549). Những quyền và bổn phận khác có thể tùy theo giáo phận. Bài sai của giám mục cũng có thể ghi một vài quyền lợi hay bổn phận nào đó. Cha sở cũng có thể chỉ định bổn phận, công việc. Giám mục cũng có thể giới hạn nhiệm vụ của cha phó trong một phần nhất định nào đó của giáo xứ hay một nhóm tín hữu (điều 545 triệt 2).

Giáo luật 1917 có một cha phó đặc biệt để thay thế cha sở khi vắng mặt gọi là substitutus (CIC 474). Giáo luật hiện thời quy định như sau:

Giám Mục giáo phận có thể ban hành những quy tắc để trong thời gian Cha Sở vắng mặt, việc săn sóc giáo xứ sẽ được bảo đảm bởi một linh mục với những năng ân cần thiết. Vắng mặt có thể là do nghỉ “sabbatical”, nghỉ hè, tĩnh tâm, đau bệnh, hay một việc khẩn cấp nào đó. Nếu có nhiều cha phó thì cha phó được bổ nhiệm trước sẽ điều hành giáo xứ (điều 541 triệt 1). Nếu cha sở vắng mặt lâu như bị cầm tù, lưu đày, trục xuất, vô năng lực, bệnh nặng, hoặc vì lý do khác thì quản nhiệm được chỉ định để thay thế cha sở và cha phó thay thế tạm thời (các điều 539-540).

Cha sở buộc phải cư ngụ trong nhà xứ gần nhà thờ. Tuy nhiên, bản quyền địa phương có thể cho phép ngài sống ở nơi khác, đặc biệt là trong nhà chung dành cho nhiều linh mục (điều 533 triệt 1). Tương tự, cha phó cũng buộc phải cư trú trong giáo xứ hoặc một trong các giáo xứ mà ngài được chỉ định. Bản quyền địa phương có thể cho phép ngài sống ở nơi khác, đặc biệt là trong nhà chung dành cho nhiều linh mục.

Cha sở được bổ nhiệm với thời gian vô hạn định (điều 522); vì thế, để bãi chức ngài thì cần phải có một lý do nghiêm trọng (điều 193 triệt 1). Bộ giáo luật 1917 liệt kê 5 lý do mà luật cho là nghiêm trọng đủ để bãi chức một cha sở. Làm hại đến cộng đoàn giáo hội, bệnh tinh thần hay thể xác khiến không thi hành sứ vụ cách hiệu quả, bị giáo dân căm ghét, sao nhãng công việc, điều hành kém. Cũng có những lý do nghiêm trọng khác nữa. Tuy nhiên, cha phó được chỉ định là do sự thận trọng khôn ngoan của giám mục và có thể bị bãi chức vì một lý do chính đáng; một lý do không chính đáng hay tùy ý thì cần phải loại trừ. Tuy nhiên, bãi chức cha phó thì không cần phải có lý do nghiêm trọng, chỉ cần chính đáng. Một cha phó là tu sĩ thì có thể bị bãi chức do sự cân nhắc thận trọng của giám mục giáo phận sau khi báo cho bề trên dòng hay bề trên dòng có thể bãi chức sau khi thông báo cho giám mục. Không đòi hỏi sự bằng lòng của bên kia (điều 682 triệt 2).

II. TRONG TRUYỀN THỐNG GIÁO PHẬN

            Truyền thống giáo phận cũng lâu đời như chính sự hiện diện Giáo phận mà chúng ta sắp mừng kỷ niệm 400 năm. Bổn phận của chúng ta là bảo tồn, lưu truyền, đồng thời trong một vài trường hợp có thể cập nhật truyền thống này cho phù hợp với thời đại. Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy rõ ràng là những nguyên tắc lâu đời này vẫn còn nguyên giá trị. Xin được trích và trích dịch một số các tài liệu của Giáo phận nói về tương quan giữa cha sở và cha phó xếp theo thứ tự niên đại.

            1.  Mémorial de Quinhon, số 152, 26 Juillet 1919, tr. 92-95.

I. Bổn phận của cha sở đối với cha phó

1/ Dạy dỗ và hướng dẫn : Cha sở có kinh nghiệm mà cha phó thường còn thiếu sót. Điều này thật đúng khi cha phó là một linh mục trẻ mới chịu chức. Đại chủng viện không thể dạy cho cha phó cái môn thực hành và thực nghiệm này mà thiếu nó thì ta chỉ có mò mẫm và sai lầm. Cha sở có bổn phận phải giúp cha phó đạt được điều đó. Chính vì thế mà cha sở phải nhìn cha phó không chỉ như một người cộng tác hữu ích mà còn là một linh mục mà ngài còn phải kết thúc và hoàn thành việc huấn luyện. Tùy theo việc ngài làm trọn vai trò của mình cách tốt xấu thế nào thì Chúa sẽ cũng được vinh hiển ít nhiều, con số các linh hồn được cứu rỗi cũng ít hay nhiều …

Mối tương quan với cha phó của mình cũng được rút ra từ nguyên tắc này.

Vì thế, cha sở phải khai tâm cho cha phó công việc quản trị phần đạo và đời của giáo xứ ; dạy cách làm sổ chi tiêu, sổ sách giáo xứ ; dạy cách điều khiển công việc ; hướng dẫn  những công việc mục vụ khác nhau ; nhờ giảng lễ thường xuyên để huấn luyện, báo cho cha phó sớm và cho ngài đủ thời gian để soạn bài giảng ; cảnh báo với lòng bác ái  những lỗi mà ngài có thể phạm phải khi rao giảng, khi dạy giáo lý, khi giao tiếp với giáo dân, etc…. Một cha sở sẽ phải thẹn với lương tâm khi không làm trọn những bổn phận này.

2. Ei invigilet. Sự trông chừng này không chỉ về cách mà cha phó làm trọn  những bổn phận khác nhau của sứ vụ, nhưng còn trên toàn bộ đời sống, trên  những sách báo ngài đọc, sự siêng năng học hỏi … sự trung thành với các việc đạo đức, suy gẫm, lần hạt, viếng thánh thể … về các mối quan hệ (relations).

Một sự cảnh báo đúng lúc và với thiện chí về những điểm khác nhau này có thể có một ảnh hưởng quyết định trên toàn bộ một đời sống linh mục.

Thiết tưởng không cần phải lưu ý rằng khi thi hành  những bổn phận này, Cha sở cấm ngặt mọi tra vấn không cần thiết, mọi phương pháp gây khó chịu, tóm lại, tất cả  những gì mà tự nhiên có thể gây thương tổn cho cha phó cách không cần thiết.

3. Ít nhất mỗi năm một lần, Cha sở buộc phải báo cáo cho giám mục về hạnh kiểm của cha phó. Báo cáo này phải thật chính xác. Nếu vì quá hài lòng, ta có thể một mặt nói quá về những phẩm tính tốt mà lại im lặng về những lỗi phạm mà chúng luôn hữu ích cho Giám mục nếu ngài được biết. Sự thái quá về điều ngược lại còn đáng chê trách hơn nữa; và cũng dễ dàng rơi vào điều đó nếu không lưu ý.

Tinh thần mà một cha sở phải có khi thực hiện những bổn phận khác nhau này được đánh dấu bằng từ paterne mà Giáo luật đã sử dụng. Cha sở phải có những tâm tình như một người cha đối với cha phó. Một người cha không ganh tị với những thành công của con mình mà trái lại phải hãnh diện, và không bỏ qua điều gì để giúp đỡ, làm gia tăng và trải rộng  những thành công này ra. Một người cha phải biết đúng lúc pha lẫn răn dạy và khuyến khích, trách cứ và khen tặng, không nói để vừa lòng hay nói gay nói gắt, nhưng với sự cương nghị dịu dàng và đầy tình cảm. Một người cha đối xử với con bằng một tình cảm chân thật, một sự tận tụy vô bờ, đầy tín cẩn. Để cho các bài học của mình thêm hiệu quả, người cha phải củng cố các bài học bằng chính gương sáng của mình.

II. Bổn phận của các cha phó

Theo tinh thần của Giáo Hội, cha phó phải đặt ra một mục tiêu kép: tự rèn luyện mình về thừa tác vụ chăm sóc các linh hồn và giúp đỡ cha sở cách hữu hiệu trong việc thi hành bổn phận của ngài.

Tình trạng của cha phó trong giáo xứ là tình trạng của người dưới quyền: subest parocho (người dưới quyền cha sở) : đó là trật tự phẩm trật. Là người dưới quyền, cha phó không thể vắng mặt, dù là một thời gian ngắn, mà không có phép rõ ràng của cha sở ; cha phó không có quyền thay đổi gì trong việc điều hành giáo xứ, trong sự hiện hữu cũng như tiến trình các hội đoàn. Lời nói cũng như hành động phải mang dấu ấn sự vâng lời. Hẳn nhiên, cha phó không buộc phải đồng ý trong thâm tâm về một vài biện pháp, phương pháp tông đồ, một vài thói quen sống mà mình cho là không tốt, nhưng ít nhất phải giữ đừng chê trách chúng trước mặt giáo dân hay trước các anh em đồng sự với mình. Chẳng phải như thế là nghịch với bổn phận riêng của mình sao - Quod Deus avertat ! (Đó là điều Thiên Chúa cấm !) – nếu như ngài gây trở ngại bằng cách lập bè lập phái, chống đối, về phe với  những người phàn nàn cha sở, nói cho người lạ biết  những khó khăn mà có thể chính mình gặp phải với cha sở ?

Quyền và bổn phận có tính tương quan: nếu cha phó có quyền được cha sở đối xử như người cha (paternellement) thì ngược lại cha phó có bổn phận biểu lộ  những tình cảm của một người con yêu mến và tùng phục.

Kính trọng sâu xa, gắn bó thân thiết, phục tùng hoàn toàn, cộng tác tích cực và tận tụy, đó là bốn từ tóm gọn đường lối cư xử của cha phó đối với cha sở.

III. Chung sống và đời sống chung

Không buộc nhặt cha sở và cha phó phải chung sống, nhưng sống chung cùng nhau thì rất thuận lợi cho nhau, rất ích lợi cho các linh hồn và hoàn toàn nằm trong tinh thần của Giáo Hội…

Ngoài các bữa ăn, khuyên nên làm việc đạo đức chung và cuối cùng không khó khăn nào không thể vượt qua được trong đời sống chung giữa cha sở và cha phó, trừ vài trường hợp bất thường …”

            2. Mémorial de Quinhon, tháng Ba 1928, tr. 45

       “Chính vì lòng thương yêu đến thăm nhau, nhưng đừng lấy dịp viếng thăm làm vậy mà ăn uống bỉ bàng trọng thể chi, vì thường hay sinh mất thể diện thầy cả, nhất là cải cọ nhau om sòm, nói hành nói tỏi, xét đoán việc anh em cùng bề trên ta trước mặt trẻ giúp, trước mặt bổn đạo hoặc kẻ ngoại đến coi. Ta phải làm gương tốt ở mọi nơi mọi chỗ, mọi giờ mọi khắc luôn chớ quên.

Khi ta đi thăm người Tây hay quan quyền, thì chớ thị thường quá, chớ buông lời trách móc đứng bề trên, anh em cùng bổn đạo ta, vì tỏ ra gương mù gương xấu hoặc làm cho bổn đạo thường cùng người ngoài biết rõ việc trong hội ta. Hãy giữ thế khi ăn uống; chớ gì sự ta đi thăm viếng vậy nên gương tốt cho người mà chẳng hề để dịp cho họ khinh bỉ đạo thánh cùng chức quyền thầy cả ta.”

            3. Mémorial de Quinhon, số tháng Bảy 1928, tr. 111-112

Tóm bài giảng tĩnh tâm của cha G.B. Nguyễn Bá Tòng cho các linh mục địa phận Qui Nhơn từ ngày 15 đến 21 tháng Hai 1928.

« I. Phải yêu mến nhau thế nào ? Phải giúp đỡ nhau, phụ giúp nhau trong thừa tác vụ, bảo vệ nhau, cảnh báo cho nhau, correctio fraterna, xây dựng cho nhau bằng cách phục vụ nhau, làm sáng tỏ cho nhau (s’éclairer), cứu giúp nhau, tin tưởng nhau, luôn sẵn sàng phục vụ trong mọi sự và cho mọi người.

II. Phải tránh : 1. Vu khống : như vậy hãy nói tốt, hãy cẩn trọng, tôn trọng trong lời nói ; 2. Nói xấu : tốt thì khoe, xấu thì che, 3. Ghen tuông, từ đó phát sinh  những lời phê bình, đả kích, ác cảm và nhất là trả thù mà các linh mục hay có khuynh hướng này.

            4. Kim chỉ nam Địa phận Qui Nhơn[4]

Các cha phó

89. Các cha phó được gởi đến giáo xứ để giúp đỡ cha sở. Họ không có quyền chọn lựa phần thừa tác vụ của mình, cũng không được tự ý làm điều trái với ý muốn cha sở hay cha sở không biết. Họ không được vắng mặt mà không có phép. Vắng mặt ở đây phải hiểu là sự xa vắng  khiến họ không thể chu toàn  những bổn phận của cha phó. Phép lịch sự đòi hỏi họ phải báo cho cha sở biết ngay cả  những lúc vắng mặt ngắn hạn.

90. Cha phó có thể chứng hôn trong giới hạn giáo xứ được chỉ định, nhưng phải có phép rõ ràng của cha sở, trừ phi có lý do chính đáng.

Cha phó không có quyền cấp giấy chứng nhận rửa tội, thêm sức hay hôn phối trừ khi ngài giữ sổ sách của giáo xứ ở nhà mình, trong trường hợp này, ngài phải ký : ký thay cha sở (Tên) …

91. Khi vì thừa tác vụ của mình, một cha sở muốn nhờ một cha phó của giáo xứ lân cận, cha phó chỉ được làm với sự đồng ý của cha sở có liên quan.

92. Các cha phó phải tỏ ra dễ mến, dễ dạy, kiên nhẫn, tránh xét đoán vội vàng  những lời nói việc làm của cha sở mình ; các cha phó không phải tìm cách thoát khỏi sự bảo hộ của cha sở nhưng tìm cách thực hành  những bài học đạo đức và nhiệt tâm được trao ban cho họ.

KẾT

Tóm lại, có thể nói rằng cha phó có tất cả niềm vui làm một linh mục nhưng không có trách nhiệm nào cả. Cha phó không có trách nhiệm tài chánh, bảo trì sửa sang nhà xứ, nhà thờ, hội đoàn, sổ sách …. Một cha phó có niềm hạnh phúc và sự viên mãn của đời sống linh mục mà không thường xuyên mắc chứng « nhức đầu » kinh niên như một cha sở.

“Cha phó cũng có những quyền lợi như cha sở tùy theo giáo luật ban hành, nhưng xét cho cùng quyền lợi lớn nhất mà cha phó được hưởng, đó chính là được thực tập làm công tác mục vụ sau khi chịu chức linh mục với một cha sở đầy kinh nghiệm trong một họ đạo lớn. Cha phó không những là cánh tay mặt của cha sở, mà còn là người cộng tác chia sẻ với cha sở những lo âu và khắc khoải cho sự sống còn của đoàn chiên, và sự phát triển của cộng đoàn dân Thiên Chúa trong giáo xứ, … đây là giáo xứ của tôi nên tôi hết lòng vì nó. Cha sở và cha phó đều là linh mục của Chúa Giêsu, nhưng đồng thời các ngài cũng là những con người với những tính cách không giống nhau, do đó mà khi làm việc mục vụ chung với nhau thì chắc chắn là sẽ có những lần to tiếng với nhau vì bất đồng ý kiến hoặc vì cá tính mỗi người, nhưng dù thế nào chăng nữa, thì các ngài vẫn luôn thấy một điểm chung phải đạt cho bằng được, đó là xây dựng một giáo xứ đầy tinh huynh đệ chân thành, và làm cho giáo xứ ngày càng phát triển hơn như lòng mong muốn của Cha trên trời…. Chuyện “Cha sở và Cha phó” là chuyện dài nhiều tập, nhưng nó không phải là chuyện dài nhiều tập, mà dài hay ngắn thì đều do nơi tác giả, mà tác giả không ngoài ai khác mà chính là cha sở và cha phó, nếu các ngài muốn viết dài thì nó dài, nếu các ngài muốn viết ngắn hay chấm dứt thì cũng tùy thuộc các ngài mà thôi...”[5]

Vậy thì hãy cố gắng viết ngắn câu chuyện dài này và viết dài một câu chuyện khác: cùng nhau xây dựng giáo xứ và giáo phận trong tình huynh đệ linh mục dù ở cương vị nào. Đức cha Đôminicô Hoàng Văn Đoàn, Giám mục giáo phận Qui Nhơn (1963-1974), đã viết trong thư luân lưu số 2 rằng[6] : «Tôi đã gần gũi với các cha đang vất vả khó nhọc trong nhiệm vụ nơi địa sở, hoặc ân cần đào tạo chủng sinh, hoặc âm thầm hướng dẫn tu viện, hoặc tận tụy giảng dạy trong các trường, hoặc phục vụ các linh hồn trong nhiệm vụ Tuyên úy ở các nhà thương, cô nhi, quân đội. Tôi thông cảm cảnh khổ cực, nỗi túng thiếu, tình hình bất an của các cha, can đảm vì con chiên, can đảm quyết sống ở những nơi đèo heo hút gió, bất chấp những nguy hiểm. Tôi nhớ lại với niềm cảm động và thán phục những mẫu chuyện hy sinh trong nhiệm vụ phụng sự, được nghe những buổi đàm đạo thân mật trước thềm địa sở giữa lúc gió mát trăng thanh, và tôi cũng không quên những câu chuyện hào hứng và hài hước được nghe trong những lúc tâm sự ấy.»

Dù «khổ cực, túng thiếu, tình hình bất an», các cha địa phận vẫn hiên ngang «hy sinh trong nhiệm vụ phụng sự» và điều rất quan trọng là các vị tiền bối đáng kính của chúng ta vẫn luôn «hào hứng và hài hước» … «bất chấp những nguy hiểm»! Và tôi tin rằng điều đó đã là một … truyền thống!




[1] Bernard David, « Paroisses, curés et vicaires paroissiaux dans le Code de droit canonique », La Nouvelle Revue Théologique (NRT), 1985, tome 107/6, tr. 864-865.
[2] Bản văn «Bộ Giáo Luật» 1983, bản dịch Việt ngữ của Ðức Ông Nguyễn Văn Phương, Lm. Phan Tấn Thành, Lm. Vũ Văn Thiện, Lm. Mai Ðức Vinh.
[3] Giải thích theo các tác giả John P. Beal, James A. Coriden, Thomas Joseph Green, New Commentary on the Code of Canon Law, Paulist Press, 2000, tr. 728-729.
[4] Directoire du Vicariat Apostolique de Quinhon, Imprimerie de Quinhon, 1942, tr. 42-43.
[5] Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. Bài «Chia sẻ mục vụ cha sở & cha phó”  trên website http://gpbanmethuot.vn
[6] Giám Mục Hoàng Văn Đoàn, Thư luân lưu số 2, Bản thông tin Địa phận Qui Nhơn, số 37, năm 1963, tr. 6

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 26
  • Hôm nay: 6133
  • Tháng hiện tại: 155275
  • Tổng lượt truy cập: 12132062