Trang mới   https://gpquinhon.org

Chúa Nhật I Mùa Chay

Đăng lúc: Thứ sáu - 20/02/2015 23:24
CHÚA NHẬT I MÙA CHAY                                            
 



Hằng năm, vào Chúa Nhật I Mùa Chay năm B, Giáo Hội cho chúng ta nghe lại việc Chúa Giêsu chịu cám dỗ trong hoang địa, để mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng Người như kiểu mẫu và bảo chứng trong cuộc chiến đấu chống lại ma quỷ và những mưu mô của chúng nơi trần gian nầy. Lời Chúa hôm nay có thể qui về hai chủ đề: 1. Chúa Giêsu chịu ma quỷ cám dỗ trong hoang địa. 2. Anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng. 

1. Chúa Giêsu chịu ma quỷ cám dỗ trong hoang địa

Chúng ta đã bước vào Mùa Chay thánh từ Thứ Tư Lễ Tro. Qua nghi thức nhận tro thánh, Giáo Hội mời gọi mọi người: “Hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1, 13). Giáo Hội nêu mẫu gương Chúa Giêsu đã chiến đấu chống lại các mưu chước ma quỷ cám dỗ Người như thế nào, để chúng ta cũng bắt chước sống và hành động như thế! Ngày xưa, ông Adong và bà Evà trong vườn địa đàng, dân Do Thái trong hoang địa và chúng ta ngày nay trong cuộc sống cũng đã, đang và còn sẽ đương đầu với các mưu chước cám dỗ của ma quỷ, thế gian và xác thịt như thế! Tất cả mọi người đều sa ngã, phạm tội và phản bội Thiên Chúa. Thánh Gioan Tông Đồ đã nói: “Ai nói mình không có tội, người đó tự lừa dối mình và nơi người đó không có chân lý” (1Ga 1, 8).

Thiên Chúa đã không bỏ rơi loài người. Ngài đã sai Con Một Ngài xuống thế, để giải thoát nhân loại thoát khỏi ách thống trị của ma quỷ, tội lỗi và sự chết. Trong hoang địa, Chúa Giêsu cũng đã phải đương đầu với mưu chước của ma quỷ về danh vọng, địa vị và chức quyền. Nhưng Người đã chiến thắng các chước cám dỗ của chúng cách vẻ vang. những nghịch cảnh đó và đã sống hài hoà giữa một vũ trụ được cảm hoá. Có thể nói, Chúa Giêsu đã đến, để tiếp nối lịch sử cứu độ nhân loại, một lịch sử đã bị vẫn đục bởi những tội lỗi của loài người. Người đã chiến thắng sự sa đoạ của nhân loại, qua việc Người chống trả các chước ma quỷ cám dỗ của ma quỷ và đã đem lại sự hoà giải và bình an và cho con người qua cuộc Khổ nạn của Người. Bài đọc I cũng đã cho chúng ta thấy rõ điều đó: Sau trận lụt Đại Hồng thủy, Thiên Chúa đã thiết lập một Giao ước mới qua chính Con Một của Ngài.  Qua bài đọc 2, thánh Phêrô cũng đã tuyên xưng: “Người đã chịu chết một lần cho tội lỗi chúng ta. Người đã tiêu diệt sự chết để cho ta được thừa hưởng sự sống đời đời”  (1Pr 3, 18-19).

Muốn cùng chiến thắng với Chúa Giêsu trên ma quỷ, tội lỗi, đau khổ và sự chết như thế, Người đã mời gọi chúng ta: “Anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1, 15).

2. Anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng

Ăn năn sám hối là khởi đầu của sự thánh thiện. Không chịu ăn năn sám hối là không muốn sống thánh thiện. Đây là điều kiện tiên quyết để được vào Nước Trời. Không chịu ăn năn sám hối và cải thiện đời sống, chúng ta sẽ khó lòng đón nhận Tin Mừng của Chúa. Nhiều lương dân đã nhìn nhận đạo Công giáo của chúng ta là đạo thật, nhưng họ không muốn dấn thân vào, vì đạo của chúng ta có những đòi hỏi gắt gao. Đương sự phải nhẫn nại và hy sinh, mới đáp những điều kiện Thiên Chúa và Giáo Hội của Người đã đề ra cho chúng ta: Cụ thể đương sự phải ăn năn sám hối và cải thiện đời sống. Nếu chúng ta  mở lòng đón nhận Tin Mừng, mà không chịu ăn năn sám hối và cải thiện đời sống, thì việc đón nhận Tin Mừng của chúng ta nào được ích gì.

Lời mời gọi sám hối của Chúa hôm nay không chỉ nhắm vào quá khứ, về mọi tội mình đã phạm, nhưng nó còn mang một chiều kích tích cực hơn: Đó là hãy tin vào Tin Mừng. Ăn năn sám hối mới chỉ là giai đoạn đầu. Điều cần thiết nhất và quan trọng nhất là phải mặc lấy con người mới theo gương Chúa Giêsu: Đó là tin vào Tin Mừng. Khi hành động chống lại tiếng nói lương tâm mình, nhiều lương dân cũng đã nghĩ lại, ăn năn sám hối và quyết tâm sửa đổi. Thế nhưng, hành vì quyết tâm sửa đổi của họ có lẽ còn nằm trên bình diện tự nhiên. Hôm nay, Chúa mời gọi chúng ta hãy bước sang bình diện siêu nhiên là tin vào Tin Mừng, nghĩa là thay đổi hướng đi, triệt để quay về với Thiên Chúa, mở lòng đón nhận Lời Chúa và quyết tâm sống theo lời răn dạy của Người.

“Có một tướng cướp nọ muốn trút bỏ mọi tội lỗi đang đè nặng lương tâm mình. Ông đã tìm đến với một linh mục để xưng thú mọi tội lỗi mình đã phạm. Nhưng khi vừa nghe những lời răn khuyên thẳng thắn của vị Linh mục, ông liền nổi giận, đưa tay rút gươm chém bay đầu vị linh mục. Một thời gian sau, ông cảm thấy hối hận về những việc mình đã làm. Ông liền tìm đến một vị linh mục khác. Lần nầy, vị linh mục cho biết: Để đón nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa, anh phải đến Toà Thánh xin ơn xá giải, vì anh giết người của Chúa. Như lần trước, ông cảm thấy mình bị xúc phạm, ông liền rút gươm sát hại vị linh mục kế tiếp.

Sau cùng, tên cướp này lại tìm đến xưng tội với linh mục thứ ba. Vị linh mục nầy sẵn sàng ban phép giải tội cho ông. Tuy nhiên, để làm việc đền tội, ngài yêu cầu ông hãy đi chôn xác kẻ chết, đồng thời ông cũng phải khóc lóc thảm thiết, như thể đó chính là người thân yêu của ông. Vị linh mục nầy còn trao cho ông một chai nhỏ và bảo ông hãy hứng những giọt nước mắt của ông vào chai đó. Tên cướp ra về và nơi nào có đám tang, ông đều đến chốn cất xác họ, nhưng mắt ông vẫn khô ráo.
Một hôm, trên đường công tác chôn xác kẻ chết, ông dừng lại trước một cây thập giá bên lề đường. Ông nhìn thấy Chúa Giêsu chịu đóng đinh đang khóc. Ông liền thổn thức với Chúa về những nỗi khổ tâm, mà Người đã phải chịu vì ông. Chính lúc đó, tự nhiên nước mắt ông tràn ra và nhỏ đầy vào chai ông đang cầm trên tay. Giờ đây, ông mới hiểu được thế nào là ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng. Sau đó, ông đã vào sa mạc, để sám hối mọi tội lỗi mình đã phạm và quyết tâm sống theo gương Chúa Giêsu Kitô” (Minh họa Lời Chúa, tập 1, LMTV, tr. 145). 

Anh chị em thân mến, mang thân phận con người, ai trong chúng ta cũng đã hơn một lần bị cám dỗ và đã sa ngã phạm tội,  nhưng chúng ta đừng chán nản và thất vọng và ngã lòng như Giuđa ngày xưa. Chúng ta hãy ngước nhìn lên Thánh giá Chúa, xem Người đã sống và hành động như thế nào, để chúng ta cũng bắt chước sống và hành động như thế. Nếu điều gì chưa làm được do yếu đuối và lỗi lầm, chúng ta hãy mau mắn chạy đến với Chúa, qua việc sốt sắng lãnh nhận hai Bí tích Giải tội và Thánh Thể, để Chúa nâng đỡ sự yếu hèn của chúng ta. Ngày xưa, khi bị chìm xuống biển, Phêrô đã thành khẩn cầu xin Chúa thế nào, ngày nay, khi bị chìm ngập trong bóng đêm tội lỗi, chúng ta cũng hãy thưa với Chúa: “Lạy Thầy, xin cứu con, kẻo con chết mất” (Mt 14, 30). Chắc chắn, lúc đó, Chúa sẽ đưa tay nắm lấy chúng ta và lôi kéo chúng ta về với Người..


 
Tác giả bài viết: Lm. FX. Lữ Minh Điểm
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 26
  • Khách viếng thăm: 21
  • Máy chủ tìm kiếm: 5
  • Hôm nay: 4752
  • Tháng hiện tại: 153894
  • Tổng lượt truy cập: 12130681