Trang mới   https://gpquinhon.org

Chúa Nhật Lễ Lá

Đăng lúc: Thứ ba - 08/04/2014 13:49
CHÚA NHẬT LỄ LÁ
Is 50,4-7; Ph 2,6-11; Mt 26,14-27,66



Bản văn quá dài. Chúng ta không còn muốn nghe thêm gì nữa, chỉ muốn được yên lặng để tưởng niệm mầu nhiệm Chúa chịu chết. Nhưng việc tưởng niệm này sẽ ít có kết quả nếu không được hướng dẫn. Và nếu thiếu hướng dẫn, bản văn dài mà chúng ta vừa nghe đọc có lẽ cũng sẽ không để lại nhiều âm vang sâu sắc. Chúng ta phải nói với nhau về bài tường thuật việc Chúa chịu chết; chúng ta phải nhận ra ơn Chúa muốn cứu độ chúng ta trong Thánh lễ Chúa nhật Thương khó hôm nay.

 1. Bài Tường Thuật Việc Chúa Chịu Chết

Cả bốn sách Tin Mừng đều thuật lại việc Chúa chịu chết. Điều đó không có gì lạ. Vì, việc ấy "ai đã đến Yêrusalem" mà không biết? (Lc 24,18). Rồi các Tông đồ phải là "những chứng nhân về việc Chúa sống lại", cho nên việc dài dòng tỉ mỉ kể về sự kiện Chúa chịu chết; và dài dòng tỉ mỉ hơn nữa khi các ông giảng về việc Chúa phục sinh là chuyện đương nhiên. Sự kiện ấy khiến chúng ta phải khẳng định: không thể coi việc Chúa chịu chết như là chuyện đã biết rồi, không cần nói tới nữa. Trái lại đó là sự kiện phải suy nghĩ mãi mãi. Như thế việc Chúa chịu chết đã không thuộc về dĩ vãng, nhưng luôn luôn được hiện đại hóa vì Chúa chỉ cứu độ chúng ta ngày hôm nay trong sự chết và sống lại của Con Người mà thôi.

Tử nạn và Phục sinh không phải chỉ là hai sự kiện kế tiếp nhau: tử nạn qua rồi và hiện nay chúng ta chỉ cần biết Chúa phục sinh. Không, Chúa Phục sinh hiện mang các dấu thánh. Người nhắc nhở chúng ta nhớ đến việc tử nạn, không phải như một giai đoạn bi đát phải trải qua, nhưng như chính con đường loé sáng việc phục sinh. Và như việc phục sinh đã chói sáng trong việc Chúa chịu nạn, thì ơn cứu độ cũng rực lên trong chính cuộc đời đầy phấn đấu của ta. Như thế, suy nghĩ về việc Chúa chịu chết là nhận ra ơn cứu độ ngay trong đời sống nhiều thử thách của mình. Ðạo của chúng ta là đạo nhập thể, đạo dạy chúng ta biết sống, nên giáo lý của đạo phải nhấn mạnh đến việc Chúa chịu chết.

Cả bốn sách Tin Mừng đều thuật lại việc này. Và hơn nữa, cả bốn sách đều giống nhau khi làm công việc này hơn khi viết về những việc khác. Do đó người ta có thể quả quyết: khi thuật lại việc Chúa chịu chết, các tác giả đã trình bày suy nghĩ chung của Hội Thánh hơn là viết ra những ý nghĩ cá nhân của mình. Nhiều người nhìn thấy sự giống nhau ấy đã vội tưởng không có gì phải để ý trong cách thức tường thuật của mỗi sách Tin Mừng. Và họ nghĩ: biết một bài tường thuật là đủ; hơn nữa có thể chọn bất cứ bài nào làm cơ sở rồi thêm những chi tiết của ba bài khác vào. Nhưng làm như vậy là không hiểu gì hết! Chúng ta cứ thử để mỗi tác giả đưa chúng ta đi theo con đường tử nạn của Chúa. Tâm tình của mỗi vị sẽ giúp ta thấy mầu nhiệm Chúa chịu chết thật phong phú vô cùng.

Hôm nay chúng ta theo thánh Matthêô. Người mở đầu bài tường thuật bằng việc Giuđa mặc cả với Hội đồng Dothái về số tiền thưởng y muốn được để nộp Ðức Kitô cho họ. Tác giả rõ ràng đã hàm ý vụ án sắp diễn ra là một chuyện mua bán, tội lỗi, và bẩn thỉu. Và bẩn thỉu thật, khi cái hôn thay vì yêu thương là dấu hiệu nộp thầy của Giuđa!

Còn thái độ của những người khác thế nào? Các Tông đồ muốn chống cự, lấy sức mạnh chống lại sức mạnh. Nhưng Ðức Giêsu gạt bỏ lập trường ấy vì là đường lối lẩn quẩn không có lối thoát: kẻ dùng gươm sẽ chết vì gươm. Người cũng phủ nhận ý kiến của những kẻ muốn xin Thiên Chúa một sự can thiệp lạ lùng, vì là đường lối không cứu được kẻ có tội và do đó không cứu thế. Người nhấn mạnh nhiều lần: hãy để cho lời Kinh Thánh nên trọn; hãy chấp nhận kế hoạch của Thiên Chúa, vì chết chưa phải là hết...

Hai chủ đề trên tiếp tục được Matthêô khai triển trong suốt bài tường thuật. Tội lỗi bẩn thỉu của Giuđa và Dothái lại được phơi ra trong câu chuyện Giuđa đem trả 30 đồng bạc. Người Dothái không muốn nhận nhưng rồi cũng phải lấy và đem mua thửa ruộng máu. Rõ ràng bọn chúng đã nhận tội; và một lần nữa rõ ràng việc Ðức Giêsu chịu chết đã được viết trong Kinh Thánh, mà Người chấp nhận làm cho nên trọn.

Nhưng như trên đã nói, Matthêô luôn suy nghĩ về Giáo hội trong khi viết Tin Mừng. Ở đây cũng vậy, trong bài tường thuật việc Chúa chịu nạn, tác giả đã có nhiều đoạn ám chỉ Giáo hội đặc biệt khi viết lại vụ án trước tòa Philatô. Ông quan ngoại đạo này muốn tha Ðức Giêsu. Vợ ông cũng can ông đừng nhúng tay vào vụ người công chính này. Ðang khi đó các tư tế lại xúi dân Dothái xin đóng đinh Người họ quen biết và xin tha bổng cho Baraba, một tên tử tội. Ðó là hình ảnh về Giáo hội gồm đa số dân ngoại và về cộng đồng Dothái tội lỗi. Hình ảnh ấy còn được Matthêô vẽ lại một lần nữa khi kể chuyện: ở dưới chân Thánh giá, các thượng tế cùng ký lục và hàng niên trưởng chế diễu Chúa (27,41), trong khi viên bách quân và tùy viên của ông là dân ngoại lại kinh hãi mà nói: "Ðích thực, Ông này là Con Thiên Chúa" (27,54).

Tuy nhiên, nói cho đúng, dân ngoại chỉ được ơn đức tin sau khi Chúa đã chịu chết. Lúc ấy màn trong đền thờ bị xé ra, cho phép mọi người kể cả lương dân được vào. Người Dothái không còn đặc quyền và độc quyền Lời Hứa nữa. Chức tư tế của đạo cũ cũng bị hủy luôn. Thế giới cũ đổ vỡ khi đất động và đá vỡ tung. Ðức Giêsu đã cứu thế rồi khi nhiều mộ mở ra và nhiều xác thánh sống lại. Sự chết của Người đã ban đức tin cho viên bách quân, đã tập họp môn đệ và các phụ nữ đạo đức lại, hướng họ về niềm tin phục sinh, đang khi khiến người Dothái lúng túng đặt lính gác mồ một cách vô ích.

Như vậy Matthêô đã có cả một lối suy nghĩ độc đáo về việc Chúa chịu chết. Như mọi người đã đến Giêrusalem vào dịp lễ Vượt qua năm đó, ông đã thấy các sự kiện diễn ra. Chính lúc ấy ông chỉ biết ghi nhận. Nhưng khi Ðức Giêsu đã phục sinh và đã tập họp các Tông đồ lại, đức tin của ông được củng cố đến đâu thì các việc đã ghi nhận kia cũng tập họp lại đến đó và dính vào nhau làm thành một bài tường thuật dưới ánh sáng của mầu nhiệm Phục sinh. Việc Chúa chịu chết không phải là chuyện tình cờ. Bề ngoài nó có do việc mua bán bẩn thỉu và tính toán gian dối cũng như sai lầm của kỳ mục Dothái. Nhưng bên trong đó là diễn tiến của kế hoạch cứu độ đã được viết trước trong Kinh Thánh để đưa dân ngoại vào Lời Hứa và người Dothái phải trở lại; và để như Lời Ðức Giêsu nói trước tòa Dothái, từ nay các ngươi sẽ thấy Con Người, ngự bên hữu Quyền Năng và đến trên mây trời; tức là từ lúc Ðức Kitô bị xét xử, người ta sẽ thấy Quyền Năng Thiên Chúa ở với Người và Người cứu độ chúng ta trong vinh quang Thập giá. Chính tội lỗi của loài người làm nổi bật sự vô tội của Người, và chính cái chết trong sự vô tội có giá trị cứu chuộc chúng ta. Do đó sự sống công chính của chúng ta không những đã chảy ra từ các thương tích của Người, mà còn phải được minh chứng và tăng lên qua mọi thử thách đớn đau.

 2. Bài Học Chúa Ðể Lại Cho Chúng Ta

Thánh Phaolô không bao giờ viết một bài tường thuật dài về việc Chúa chịu chết. Nhưng bài thư Philip hôm nay có thể thay thế. Thể văn của bài thư cho phép chúng ta có thể nghĩ đây là một ca vãn dùng trong phụng vụ thời thánh Phaolô, nói về mầu nhiệm Chúa Kitô. Và như vậy, đây là bản tuyên xưng đức tin của Giáo hội. Nó không thể khác với bài tường thuật của thánh Matthêô vì chúng ta cũng đã nói, các bài tường thuật về việc Chúa chịu chết trong bốn sách Tin Mừng đều khá giống nhau, nên cũng chỉ diễn tả giáo lý chung của Hội Thánh mà thôi. Ðọc các bài tường thuật này, chúng ta phải chia sẻ đức tin của Giáo hội. Thánh giá Ðức Kitô nói lên sự vô tội thánh thiện của Người ở giữa những người mà Người đã gọi là anh em nhưng lại thật là độc dữ. Chính cái chết vô tội thánh thiện của Người khiến chúng ta nhận ra Người là Người Tôi Tớ Thiên Chúa gánh tội thiên hạ để cứu chuộc chúng ta. Chúng ta chỉ tuyên xưng Người chân thật như thế khi tham dự vào mầu nhiệm Thập giá của Người để chấp nhận cuộc đời phấn đấu như là đường lối nên thánh và cứu thế.

Isaia ngày trước đã được linh ứng để viết về thân phận Người Tôi Tớ Thiên Chúa, tức là về thân phận Ðức Kitô và thân phận mọi Kitô hữu. Mọi người tôi tớ Thiên Chúa phải "sáng sáng, mở tai nghe Lời Chúa như môn sinh; phải có lưỡi trung thành của môn sinh để lấy Lời Chúa chống đỡ kẻ kiệt sức; và cuối cùng phải giơ lưng cho người ta đánh đập, chìa má cho kẻ nhổ râu, trơ trơ như đá trước mọi nhục nhằn khạc nhổ, biết rằng chung cuộc mình sẽ không phải thẹn thuồng...". Isaia thật đã vẽ trước khuôn mặt và đời sống của Ðức Kitô. Mọi lời của ông được bài tường thuật của Matthêu làm cho sáng tỏ. Phaolô trong bài thư Philip đã suy nghĩ và thấu hiểu đường lối Thiên Chúa trong cuộc đời của Ðức Kitô.

Phụng vụ hôm nay dùng cả ba bài đọc này đưa chúng ta vào mầu nhiệm Thánh giá cử hành trên bàn thờ để chúng ta nhận lấy Ðức Kitô chịu chết và sống lại, đem theo mình vào đời mà chiếu tỏa ánh sáng phục sinh ngay trong mọi phấn đấu của đời sống, tiếp tục con đường nên thánh và cứu thế của Ðức Kitô, xứng đáng với danh hiệu Con Thiên Chúa.


 
Tác giả bài viết: Lm. Phêrô Võ Thanh Nhàn
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 15
  • Hôm nay: 2183
  • Tháng hiện tại: 114339
  • Tổng lượt truy cập: 12258599