Trang mới   https://gpquinhon.org

Chúa Nhật V Phục Sinh

Đăng lúc: Thứ tư - 20/04/2016 18:27
CHÚA NHẬT V PHỤC SINH
NĂM THÁNH ĐANG TIẾP TỤC
 

Bài Tin mừng vừa nghe nhắc lại một số lời dạy của Chúa trong bữa Tiệc ly. Suốt 40 ngày sau khi Chúa sống lại từ cõi chết, các Tông đồ chỉ được gặp gỡ và chuyện vãn với Chúa mấy lần. Những lúc khác, khi gặp nhau, họ có gì vui hơn là kể lại những kỷ niệm về Chúa, những việc Chúa làm và những lời Chúa dạy, trong đó ấn tượng sâu xa nhất là bữa ăn cuối cùng và cuộc Thương khó của Chúa. Tiếp nối kinh nghiệm ấy, ngày nay, ngay giữa mùa Phục sinh, Phụng vụ Giáo hội cho ta ôn lại lời Chúa dạy trong bữa Tiệc ly, để ta hiểu rõ hơn và cùng đưa vào cuộc sống.

1. Khởi sự bằng tình yêu thương nhau

Ôn lại bữa Tiệc ly, sau khi Chúa rửa chân cho các Tông đồ, ông Giuđa rời cộng đoàn lao vào bóng tối. Trong phòng còn lại nhóm mười một người với Chúa, Chúa Giêsu thấy nhẹ nhàng hơn. Ngài bắt đầu chia sẻ với họ những điều mật thiết nhất, trước hết là luật yêu thương. Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Yêu thương nhau, nghĩa là tình yêu thương phải bắt đầu từ cộng đoàn các môn đệ. Phải đảm bảo được tình yêu thương nhau. Yêu thương hiệp nhất là dấu chỉ để mọi người nhận biết đó là cộng đoàn môn đệ Chúa. Đó cũng là dấu chỉ đem lại hy vọng cho mọi người giữa một xã hội đang cần được cứu vớt.
Mẫu mực của tình yêu thương ấy là Thầy: Như Thầy đã yêu thương anh em, đã rửa chân cho anh em, đã phục vụ anh em, đã trao tặng chính mình cho anh em. Khônh có tình yêu nào lớn cho bằng...

Nguồn mạch của tình yêu thương ấy là Thầy: Hãy ở lại trong Thầy, như cành nho gắn liền thân nho, để nhựa sống của Thầy nuôi sống anh em và làm cho anh em sinh hoa kết trái.

2. Thế giới đang cần được cứu rỗi

Sau những ngày ôn lại bài học yêu thương với Chúa Phục sinh và sau khi được lãnh nhận Chúa Thánh Thần, các môn đệ lên đường rao giảng. Thánh Phaolô (Bài đọc 1) rảo khắp để xây dựng các cộng đoàn, tạo lập những góc thiên đường trên trần gian, xây dựng những ốc đảo yêu thương giữa một đế quốc của vô cảm, bất công, thiếu vắng tình thương.

Càng dấn thân loan báo Tin mừng các môn đệ càng thấy luật yêu thương rực sáng lên như một định hướng cho bản thân, cho gia đình và xã hội.
Vấn đề không riêng cho thời các Tông đồ mà đang trở nên hết sức trầm trọng cho chúng ta trong thế giới ngày nay. Chính vì thế mà Đức Giáo hoàng mới mở ra Năm thánh Lòng Thương xót.

Cộng đồng Dân Chúa Việt Nam luôn được mời gọi sống luật yêu thương, rủ nhau cùng sống. Với chương trình mục vụ ba năm qua, sau nỗ lực của bản thân và gia đình (Năm A - 2014) và của giáo xứ (Năm B - 2015), chúng ta hướng tầm nhìn đến xã hội (Năm C - 2016). Thiết tưởng nhịp nỗ lực để sống yêu thương như vậy theo chu kỳ phụng vụ ba năm lần này cần được lặp đi lặp lại cho tất cả mọi chu kỳ ba năm A, B, C về sau.

Cần rao giảng yêu thương để làm cho người Việt lại trở nên tốt, làm cho xã hội Việt Nam lại trở nên một môi trường ai cũng muốn đến và muốn ở lại lâu dài. Thử đọc bài một bài tiêu biểu: Cái ác trỗi dậy khi người ta không còn niềm tin.
https://anhbasam.wordpress.com/2016/03/26/7617-cai-ac-troi-day-vi-nguoi-viet-khong-con-niem-tin/
Hầu như xã hội đang buông xuôi vì không thấy hy vọng gì về một phương dược cho bệnh dịch “vô cảm” đang hoành hành trên đất nước.

3. Thế giới mới đang đợi chờ, vẫy gọi

Tác giả bài báo trên đây đặt hy vọng nơi giáo lý Phật giáo. Nhiều anh chị em Phật tử đang dấn thân thực hiện tâm từ bi rất thành công và đầy an ủi ngay giữa cuộc sống xô bồ đầy oan nghiệt, và nhờ kinh nghiệm của họ, giáo lý Phật giáo đang rực sáng lên đối với nhiều người. Sự kiện ấy giục giã chúng ta phải chạy đua trên đường lành. Chúng ta được thách đố phải sống thế nào để mọi người nhận ra giáo lý chân thật của Chúa, nhận ra Chúa Giêsu Kitô chính là Đấng Cứu Độ duy nhất, hôm qua cũng như hôm nay và mãi mãi. Cơ may của mùa gieo và mùa gặt Tin mừng ấy vẫn luôn ở trong tầm tay, nếu chúng ta dám hết lòng với Lời Chúa, quyết sống triệt để luật yêu thương của Chúa... Chúa Kitô đã mua sắm ơn cứu rỗi cho mọi người bằng giá máu của Ngài. Chúng ta được mời gọi mở lòng đón nhận bằng một đức tin sống động, tức một đức tin có việc làm. Những giá Chúa đòi chúng ta đóng góp chẳng đáng gì so với chính công ơn của Chúa nhưng vẫn là những giá, cần đóng góp nghiêm túc. Như các tông đồ đã nhắn gửi chúng ta trong bài đọc 1: “Chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa” (Cv 14,22).

Chúa Giêsu thực hiện cuộc dậy men yêu thương hiệp nhất khởi đi từ chính Ngài. Tiếp bước Ngài, mỗi chúng ta cũng tái hiện cuộc dậy men yêu thương hiệp nhất bắt đầu từ chính mình. Cuộc thách đố không tránh được vì phải khởi đi từ bản thân, nhưng phải như vậy mới lan khắp gia đình, giáo xứ và vươn tới xã hội.
Đôi khi thật mỏi mệt, nhưng đôi khi ta cũng nhận được đôi an ủi, khi thấy những hy sinh của mình nở hoa, khi thấy bóng thiên đường thấp thoáng nơi bữa ăn, nơi giờ kinh, nơi những lúc sum vầy đoàn tụ.

Xin Thiên Chúa giàu lòng xót thương chúc lành để những khoảnh khắc thiên đường nơi gia đình và nơi cộng đoàn ngày càng thêm dày, thêm rộng, để nhờ đó chúng ta nhìn thấy được điều tác giả sách Khải huyền đã nói: “Bấy giờ tôi thấy trời mới đất mới, vì trời cũ đất cũ đã biến mất, và biển cũng không còn nữa. Và tôi thấy Thành Thánh là Giê-ru-sa-lem mới, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, sẵn sàng như tân nương trang điểm để đón tân lang. Rồi tôi nghe từ phía ngai có tiếng hô to: “Đây là nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại, Người sẽ cư ngụ cùng với họ. Họ sẽ là dân của Người, còn chính Người sẽ là Thiên-Chúa-ở-cùng-họ. Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất.” Đấng ngự trên ngai phán: “Này đây Ta đổi mới mọi sự.”

Vâng, mọi hy sinh cố gắng đều sẽ được ân thưởng.

***
Khi hết mùa Chay, nhiều người có cảm tưởng Năm Thánh Lòng Thương Xót thế là đã xong, nhiệm vụ đã hoàn thành. Lời Chúa hôm nay nhắc ta nhớ rằng lòng thương xót không chấm dứt với Mùa Chay, cũng không kết thúc với ngày bế mạc Năm Thánh nhưng sẽ kéo dài mãi tới tận cùng lịch sử và hơn nữa, còn phải nở hoa trong cõi đời đời.
 
Tác giả bài viết: Lm. Phêrô Võ Tá Khánh
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 5
  • Hôm nay: 4410
  • Tháng hiện tại: 94387
  • Tổng lượt truy cập: 12238647