Trang mới   https://gpquinhon.org

Chúa Nhật VI Phục Sinh

Đăng lúc: Thứ năm - 22/05/2014 20:51
CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH
(Gioan 14,15-21)

 



Nếu các Tin mừng Matthêu, Marcô và Luca mời gọi ta vào Vương quốc Thiên Chúa, thì Tin Mừng Gioan mời gọi ta vào tình yêu Đức Giêsu Kitô. Thánh Gioan là người sống sau cùng. Sau khi đã nghiền ngẫm tất cả cuộc đời và những lời giảng dạy của Đức Giêsu, thánh nhân nghiệm ra cái cốt lõi của cuộc sống người môn đệ là tình yêu Đức Giêsu Kitô, là kết hiệp với Đức Giêsu Kitô, là sống sự sống của Thiên Chúa.

Tình yêu đó không phải là thứ tình yêu mơ mộng lãng mạn nhưng là một tình yêu sáng suốt của lý trí. Tình yêu đó không phải là chuyện đuổi bướm, hái hoa, rung động, xúc cảm, nhưng là một tình yêu với những việc làm cụ thể. Việc làm cụ thể đó là tuân giữ những điều Đức Giêsu truyền dạy, là vâng lời.

Đó chính là bí quyết Đức Giêsu truyền lại cho các môn đệ, trước khi người giã từ các ông để đi vào thế giới đức tin. Từ nay để gặp gỡ Người, để yêu mến Người, để sống với Người, cần phải có đức tin và tình yêu.

Anh chị em thân mến,

Chúng ta thử hình dung cảnh tượng chia ly vĩnh biệt giữa những người thân trong gia đình, kẻ đi người ở : nếu người phải ra đi là người có trách nhiệm trong gia đình đó, thì họ sẽ làm gì, nói gì để có thể an tâm ra đi trước những lo lắng xao xuyến của những người thân còn ở lại ?

Toàn bộ Phụng vụ Lời Chúa hôm nay đặt ta trong một khung cảnh tương tự. Với khung cảnh chuẩn bị cho sự ra đi gần kề của Chúa Giêsu trong Lễ Thăng Thiên, Giáo Hội cho ta nghe bài Tin Mừng của Thánh Gioan, nói đến lời hứa của Chúa Giêsu ban Thánh Thần cho các tông đồ một khi Ngài từ giã các ông, để chính Chúa Thánh Thần tiếp tục nâng đỡ các ông và Giáo Hội trong hành trình giữa thế gian, và biến đổi họ nên những chứng nhân của Đức Kitô, Đấng đã phục Sinh (bài đọc 1&2).

Đặt mình vào tâm trạng của các tông đồ trong bữa tiệc ly, khi phải đối diện với sự ra đi gần kề của Chúa Giêsu, có lẽ ta gặp được ở đó nỗi hoang mang, lo lắng trước một tương lai xem ra vô định, nỗi băn khoăn xao xuyến vì khoảng trống vắng sự hiện diện thường xuyên của vị Thầy. Thấy được tất cả tâm trạng đó của họ, Chúa Giêsu đã an ủi và trăn trối với họ :"Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều của Thầy. Thầy sẽ xin Chúa Cha, và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần khí sự thật,..."(Ga 14, 15-17a).

Đấng Bầu Chữa khác, Đấng là Thần khí sự thật, đó chính là Chúa Thánh Thần ngôi Ba. Người được hứa ban và gửi đến cho các tông đồ ngay liền với sự ra đi của Chúa Giêsu. Và từ đó, một giai đoạn mới trong lịch sử cứu độ của Thiên Chúa được mở ra, để khai mở một sự hiện diện mới của Thiên Chúa. Sự thật, Thiên Chúa không ngừng hiện diện giữa nhân loại. Trong Cựu ước, Người đã hiện diện bằng lời quyền năng của Người. Đến thời Tân ước, Người đã hiện diện bằng chính Ngôi Lời trở thành xác phàm, và bây giờ Người tiếp tục hiện diện bằng Chúa Thánh Thần.

Chúa Thánh Thần được Chúa Giêsu giới thiệu là Đấng Bàu chữa khác, là Thánh Thần Chân lý.

Trước hết, Chúa Thánh Thần được giới thiệu là Đấng Bàu chữa khác. KHÁC, vì chính Chúa Giêsu đã là Đấng bầu chữa, và hôm nay Ngài vẫn tiếp tục chức năng đó bên Tòa Thiên Chúa Cha. Trước khi từ biệt các tông đồ ra đi, Chúa Giêsu đã hứa gửi đến cho họ một Đấng bầu chữa khác để nâng đỡ, trợ giúp và biện hộ cho họ giữa lòng thế gian, và để biến họ thành chứng nhân của Tin Mừng Phục Sinh.

Chẳng phải vô tình mà Phụng vụ Lời Chúa hôm nay chọn bài đọc 1 trong sách CVTĐ, vốn là bài tường thuật việc dân Samari trở lại đón nhận niềm tin vào Chúa Giêsu. Lúc ấy, Hội thánh ở Giêrusalem đã phải trải qua những cơn bách hại nặng nề, các kitô hữu phải tản mác về các vùng quê. Trong một hoàn cảnh tương tự , lẽ ra người ta chỉ còn biết than van và khóc lóc. Ấy thế mà chính những bước đi phiêu bạt đó lại đã trở thành những bước đi gieo rắc Tin Mừng, chính cảnh ly tán ấy lại là thời cơ thuận tiện để thu họp muôn dân. Và cũng chính nhờ cơ hội đó, dân Samari ngoại đạo đã được nghe nói về Chúa Giêsu và tin vào Người. Được như thế là vì ẩn khuất trong những bước đi phiêu bạt mà thế gian áp đặt bằng quyền lực của nó, lại vẫn luôn hiện diện bước đi linh diệu của Chúa Thánh Thần với vai trò nâng đỡ, trợ giúp, bàu chữa những người môn đệ của Đức Kitô.

Chúa Thánh Thần còn được gọi là Thánh Thần CHÂN LÝ. Thánh Gioan là tác giả Tin Mừng duy nhất đã gọi Thánh Thần là Chân lý. Đấng an ủi, Đấng Bầu chữa liên kết với Chân Lý. Gọi là Thánh Thần Chân Lý vì chính Ngài là Đấng dẫn đưa các môn đệ vào tất cả sự thật, nghiã là đưa các ông đi sâu vào mầu nhiệm Chúa Giêsu, vì sự Thật ấy chính là Chúa Giêsu, như chính Người đã nói trước mặt Philatô :"Sự Thật chính là Ta". Mầu nhiệm ấy, thế gian đã  không đón nhận, vì đối với họ, tất cả cũng chỉ là điên rồ và khờ dại (x. 1Co 1,23). Và ngay cả các tông đồ cũng không hoàn toàn lĩnh hội mầu nhiệm ấy. Chính vì thế, trước biến cố khổ nạn thập giá, các ông chỉ nghĩ đến chuyện chạy trốn, hoang mang và thất vọng. Nhưng một khi Chúa Thánh Thần đã được gửi đến cho các ông, lúc đó các ông mới nắm bắt được tất cả sự thật, và hiểu được tất cả vinh quang của Thập giá Đức Kitô, để rồi từ đó, dám gắn bó hơn với sự thật đó, dám hiến cả cuộc đời mình để làm chứng cho Đấng đã chết và sống lại.

Anh chị em thân mến,

Ngày hôm nay chúng ta đang sống chính tâm trạng của các tông đồ lúc Chúa Giêsu sắp từ biệt họ. Cũng như các tông đồ xưa, tự sức chúng ta, chúng ta cũng không hiểu được tất cả mầu nhiệm của thập giá Đức kitô. Tâm trí chúng ta vẫn còn bị đóng khung trong những cái nhìn rất hạn hẹp : chúng ta khó lòng tin nhận mầu nhiệm Chúa Giêsu, chúng ta không xác tín vinh quang của Thập giá trong chính cuộc sống của chúng ta. Và như thế một cuộc xét xử mà các môn đệ đích thực của Chúa Giêsu vẫn phải luôn ra hầu toà là cuộc xét xử chân lý, và thực sự đó là cuộc xét xử chính Thiên Chúa, với nhiều hình thức tố cáo khác nhau : đó có thể là những phiền nhiễu đủ loại, những cảnh bắt bớ, cấm cách, đó cũng có thể là những tuyên truyền vô tín hay những dửng dưng thanh thản, những chế nhạo tinh tế, mà đó cũng có thể là những hình thức lôi kéo, cuốn hút người môn đệ của Đức Kitô vào trong những gì là hưởng thụ, vật chất và tục hóa.

Thì cũng ngày hôm nay, chúng ta phải luôn xác tín rằng cũng một Chúa Thánh Thần đang tác động trong ta, đang tiếp tục nâng đỡ, bầu chữa và hướng dẫn ta vào tất cả sự thật của Mầu nhiệm Chúa Giêsu.

Chính Chúa Thánh Thần đang dẫn đưa tâm hồn mỗi người chúng ta vào mầu nhiệm Chúa Giêsu, để rồi càng thấm nhuần , chúng ta càng có khả năng làm chứng về Người, sẵn sàng đáp trả cho bất cứ ai tra vấn về niềm tin và niềm hi vọng chúng ta đang ấp ủ, qua chính cuộc sống tin tưởng, lạc quan, phó thác phục vụ của chúng ta.

Sứ mạng ấy quả là cao cả, nhưng cũng không thiếu khó khăn và trở ngại khi chúng ta phải làm chứng cho Chúa Kitô giữa một thế gian được xem là thù nghịch với mầu nhiệm thập giá của Đức Kitô, nhưng nhất là khi toà án tra tấn Đức Kitô lại được dựng nên ngay trong chính cuộc sống và trong lòng của mỗi người chúng ta, mà ở đó người kết án buộc tội chết cho Đức Kitô không ai khác hơn lại là chính chúng ta. Đó là những khi chúng ta đã để cho những ích kỷ của chúng ta giết chết tình yêu, những khi chúng ta chọn những tiện nghi nho nhỏ của chúng ta thay vì chọn phục vụ Thiên Chúa, đó cũng là những lúc chúng ta đã để cho những ươn hèn lười biếng nơi chúng ta bóp chết tất cả mọi nhuệ khí của yêu thương và phục vụ, khi chúng ta an tâm với một cuộc sống hưởng thụ, khi chúng ta thờ ơ với những khao khát sự thật nơi các tâm hồn.

Hãy tin tưởng vào sức mạnh của Chúa Thánh Thần và sự hiện diện mới mẻ của Đức Kitô. Điều quan trọng là mỗi người trong chúng ta luôn biết sẵn sàng lắng nghe những lời chỉ bảo hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, để từ đó, với việc tuân giữ những điều Chúa truyền dạy, chúng ta luôn khám phá và tìm thấy sự hiện diện của Đấng Phục Sinh, như một ngọn lửa đang soi sáng và sưởi ấm cuộc sống đều đặn và tầm thường của chúng ta, như một sức sống không hề cạn giữa những mệt mỏi và nghi nan của cuộc đời chứng tá của chúng ta.

Trong Mùa Phục Sinh này, chúng ta hãy năng nhớ tới Đấng Bảo Trợ và van xin Ngài ban cho chúng ta được ơn đức tin và yêu mến Chúa. Hãy xin Ngài ơn khôn ngoan và ơn can đảm để chúng ta dám loan truyền và làm nhân chứng cho Chúa Kitô Phục Sinh. Hãy xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta chu toàn sứ điệp mà Chúa đã trao cho mỗi người trong nhiệm vụ làm cha mẹ, hoặc con cái trong gia đình. Và nhất là chúng ta hãy xin cho có một tâm tình yêu mến và trái tim luôn luôn mở rộng để đón mừng lễ Chúa Thánh Thần. Amen


 
Tác giả bài viết: Lm. Antôn Pađua Trần Liên Sơn
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 8
  • Khách viếng thăm: 5
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 8729
  • Tháng hiện tại: 90413
  • Tổng lượt truy cập: 12234673