Trang mới   https://gpquinhon.org

Chúa Nhật VIII Thường Niên

Đăng lúc: Thứ ba - 25/02/2014 05:45
CHÚA NHẬT VIII THƯỜNG NIÊN



«Thầy bảo các con: Chớ áy náy lo lắng cho mạng sống mình: lấy gì mà ăn; hay cho thân xác các con: lấy gì mà mặc. Nào mạng sống không hơn của ăn, và thân xác không hơn áo mặc sao?» (Mt 6,25)

Phải chăng là thiếu suy nghĩ!

Trong giáo xứ kia có một nông dân nghèo. Ông vất vả nhọc nhằn để nuôi dưỡng một gia đình đông con bằng nghề nông của mình. Vào một Chúa nhật, sau khi công bố Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe hôm nay, linh mục đã diễn giảng một cách mạnh mẽ khi nói rằng việc con người cứ băn khoăn lo lắng quá về của cải vật chất là không phù hợp với tinh thần Kitô hữu. Hơn nữa linh mục còn đề cao thái độ phó thác mà Đức Kitô đã khuyên dạy. Vừa xong Thánh lễ, người nông dân đó đã đến ý kiến linh mục này và khuyên ngài thực tế hơn mà rằng : "Có lẽ đối với cha, cuộc sống quá dễ dàng, cha không phải bận tâm nhiều về của cải vật chất ! Nếu cha ở vào địa vị của con, với những món nợ mà con phải chi trả, với những mối bận tâm cho cuộc sống gia đình mà con phải gánh vác, cha sẽ không nói những điều mà cha vừa nói trên bục giảng!"

Anh ta thật có lý. Ngày hôm nay, trong một xã hội mà nền kinh tế đang nhiều khủng hoảng, hơn bao giờ hết, chúng ta cảm nhận lời khuyên của Đức Kitô có vẻ ngây ngô một cách không tưởng, thậm chí có vẻ khiêu khích. Thật khó khi phải nói rằng đừng bận tâm lo lắng về ngày mai, rằng hãy tín thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa, mà người nghe là những người thất nghiệp, những người đang vất vả cho cơm bánh hằng ngày, những bậc cha mẹ đang bận tâm về tương lai con cái của họ.

Để hiểu đúng Tin Mừng

Vậy chúng ta phải đọc Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô như thế nào? Có chìa khóa nào giúp ta hiểu đúng Kinh Thánh không? Chúa muốn nói gì với chúng ta hôm nay qua đoạn Tin Mừng này?

Trước hết, Đức Giêsu chỉ phê phán thái độ lo lắng thái quá theo bản năng tự nhiên của con người. Thái độ lo lắng thái quá này là dấu chỉ chúng ta không tin tưởng vào Thiên Chúa. Kế đến, Đức Giêsu mời gọi chúng ta hãy tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa, hãy giải thoát mình khỏi sự nô lệ tiền của.

Phải chăng là lo lắng thái quá?

Trước hết, Đức Giêsu cho thấy chúng ta thường lo lắng thái quá. Vào thời Đức Giêsu, điều này thật đúng. Còn hôm nay thì sao! Chắc hẳn chúng ta có muôn vàn mối bận tâm lo lắng. Những bận tâm lo lắng này là kết quả của sự sợ hãi. Chúng ta sợ một nguy hiểm nào đó sẽ xảy đến, sợ cho tương lai, sợ cho giây phút hiện tại, sợ cho những gì mình sắp sửa thực hiện và những gì mình có thể đạt được. Con người hôm nay muốn được bảo đảm về mọi mặt. Không chỉ về nhà cửa và của cải vật chất, mà còn muốn được bảo đảm về cả mạng sống mình nữa. Đó là lẽ đương nhiên. Nhưng điều mà Đức Giêsu phê phán nặng nề, đó là thái độ đặt sự bảo đảm dựa trên những gì mình sở hữu. Con người thời nay lo âu về mọi sự, về những gì mình sở hữu được, về hiện tại, về tương lai và ngay cả về mạng sống của mình. Đức Giêsu nói với chúng ta: "Tất cả những thứ đó, dân ngoại đều tìm kiếm". Thái độ lo âu về mọi chuyện, ngay cả trong những điều nhỏ mọn, chứng tỏ chúng ta không nhận biết Thiên Chúa của chúng ta là Đấng nào.

Nếu chúng ta biết rõ Thiên Chúa chúng ta là ai, chúng ta sẽ không còn lo sợ, chúng ta sẽ không còn áy náy lo âu, chúng ta sẽ không còn bận tâm về ngày mai. Tự đáy lòng, chúng ta sẽ xác tín : "Ngày nào có sự khốn khó cho ngày đó". Tiên vàn hãy can đảm sống những gì Thiên Chúa cho xảy đến trong giây phút hiện tại. Ngày mai hãy để ngày mai lo.

Tại sao? Bởi vì Thiên Chúa, Đấng luôn yêu thương chúng ta, Ngài như một người cha và hơn nữa như một người mẹ. Lời Chúa trong bài đọc I từ sách tiên tri Isaia hôm nay : "Nào người mẹ có thể quên con mình mà không thương xót chính đứa con mình đã cưu mang ư? Cho dù người mẹ đó có quên, nhưng Ta sẽ không quên ngươi đâu." Chúng ta phải đạt đến mức độ xác tín vào điều này. Phải sống tín thác vào Thiên Chúa.

Và để có thể tin vào tính xác thực của những lời Ngài đã nói, Đức Giêsu đưa ra hai luận chứng: chim trên trời và hoa huệ ngoài đồng. Ngài nói : Nếu chúng ta biết được Thiên Chúa yêu thương chúng ta dường nào! Ngài yêu thương chúng ta hơn chim trời, hơn bông hoa huệ ngoài đồng, hơn tất cả mọi kỳ công khác trên vũ trụ này. Khi đó, chúng ta sẽ có thái độ khác trong cuộc sống. Thay vì để cho mình bị co cụm lại trong những gì mình có, chúng ta sẽ thanh thản, không lo lắng, sẽ buông thả cuộc đời mình trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa như những đứa con đích thực của Người. Và rồi chúng ta sẽ có cái nhìn trong sáng về mọi sự vật trên trần gian: tất cả đều có giá trị tương đối, duy chỉ có sự sống đích thực của chúng ta mới có giá trị vĩnh hằng.

Lời mời gọi đến sự tự do

Theo lời mời gọi của Chúa Giêsu, chúng ta hãy chọn đi một con đường khác với thế gian. Tin tưởng vào Thiên Chúa Tình Yêu, thay vì lo sợ theo bản tính tự nhiên, chúng ta hãy hoàn toàn tín thác vào Thiên Chúa. Thông thường, để tự trấn an mình, ta cho rằng không gì bảo đảm hơn là thu góp thật nhiều của cải vật chất, và ta hy vọng khi đó có thể tin tưởng về tương lai của mình! Nhưng hệ quả nào sẽ đến? Thay vì tìm được sự bảo đảm vững chắc và sự thanh thản tâm hồn, ta sẽ chỉ gặt hái được sầu phiền. Ta tưởng những gì ta sở hữu sẽ phục vụ ta, nhưng trái lại, ta trở thành nô lệ cho chúng. Đức Giêsu gọi những người lo lắng thái quá như vậy là những người "ngoại đạo". Ngài so sánh hai việc phục vụ: phục vụ Thiên Chúa đem lại sự tự do và phục vụ tiền của đánh mất con người. Đức Giêsu mời gọi ta đi theo con đường tự do.

Đây là một kinh nghiệm đích thực đối với của cải vật chất mà ta sở hữu: nếu chúng ta giữ nó, chúng ta sẽ đánh mất chính mình. Trước hết, chúng ta sẽ phải sống trong sự lo lắng triền miên để giữ những gì mình có. Thứ đến, việc bám víu vào những gì chúng ta sở hữu có nguy cơ tạo ra những tương quan sai lạc với tha nhân, dù họ là người giàu hay người nghèo. Những tương quan sai lạc này thường là những tương quan thống trị hoặc bị thống trị. Sau cùng, sự giàu có của chúng ta, nếu không để ý, có thể quật lại ta và làm cho ta có những thái độ ngờ vực đối với tha nhân. Tất cả những điều trên đều sai lầm. Hệ quả là những phương tiện sống (đặc biệt là tiền bạc) trở thành quan trọng hơn chính cuộc sống.

Đức Giêsu mời gọi ta sống tự do. Ngài mời gọi ta bước vào cuộc sống đích thực: đừng lấy những phương tiện làm mục đích. Tiền của và những gì ta có, những gì ta sở hữu do công sức làm việc nhằm mục đích đem lại cuộc sống ổn định, tất cả chỉ là những phương tiện. Trái lại, cuộc sống thì hoàn toàn khác: sống là tạo tương quan, tương quan đích thực giữa người với người; sống là thiết lập tình yêu giữa người với người. Đó chính là Nước Trời mà Đức Giêsu mời gọi ta tiên vàn hãy tìm kiếm và dùng mọi phương thế để đạt tới. Đó cũng chính là thế giới của tình huynh đệ giữa những người con đặt niềm tin tưởng vào một Thiên Chúa Tình Yêu, một Thiên Chúa là Cha và là Mẹ mà Kinh Thánh đã mạc khải cho chúng ta.
 
 
Tác giả bài viết: Lm. Giuse Lê Kim Ánh
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 11
  • Khách viếng thăm: 10
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 1175
  • Tháng hiện tại: 156982
  • Tổng lượt truy cập: 12133769