Trang mới   https://gpquinhon.org

Chúa Nhật XXII Thường Niên B

Đăng lúc: Thứ năm - 27/08/2015 05:54
CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN
Đnl 4,1-2. 6-8 ; Tv 14 ; Gc 1,17-18.21b-22.27 ; Mc 7,1-8.14-15.21-23

 

Anh chị em thân mến,

Trong bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta được thánh Marcô tường thuật sự kiện một số Pharisiêu và kinh sư phản đối Chúa Giêsu về việc vài môn đệ Chúa dùng bữa mà chưa rửa tay theo truyền thống: “Sao môn đệ ông không giữ tập tục tiền nhân mà lại dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch?”. Chúa đã chất vấn họ: “Hỡi bọn giả hình, ngôn sứ Isaia thật đã nói tiên tri rất chí lý về các ngươi, như lời chép rằng : “Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng ở xa Ta”. Nhân cơ hội này, Chúa đã dạy họ một bài học liên quan đến vấn đề cơ bản trong suốt cuộc đời của mỗi người, đó là tuân giữ giới răn Chúa và đem ra thực hành, không phải với thái độ hời hợt hay nghe suông, không phải với thái độ giả hình hay bóp méo, nhưng với tâm tình chân thành xuất từ đáy lòng yêu mến.

Thật thế, qua đáp ca mà chúng ta cùng tuyên đọc, tác giả Thánh vịnh 14 tự hỏi : “Ai sẽ được ở trong đền tạm Chúa?”, và ngài đã đã liệt kê những đối tượng được kể là xứng đáng. Đó là người chính trực: “sống thanh liêm và thực thi công chính”, có tâm hồn trong sạch: “trong lòng suy nghĩ điều ngay và lưỡi không bịa lời vu khống”; có đức bác ái: “không làm ác hại bạn đồng liêu cũng không làm nhục cho ai lân cận”; là người trung tín: “dẫu thề điều chi bất lợi cũng không thay đổi”; là người liêm khiết: “không xuất tiền đặt nợ thu lời cũng không ăn hối lộ hại người hiền lương”; có đức kính mến Thiên Chúa và yêu mến những ai tôn sợ Chúa: “coi rẻ đứa bất nhân nhưng kính yêu những ai tôn sợ Chúa” (c 2-5)...  

Nhưng do đâu mà có những người đạt những tiêu chuẩn như vậy? Bài đọc một trích sách Đệ Nhị Luật cho ta câu trả lời: vì họ đã ân cần vâng nghe các lề luật và huấn lệnh của Thiên Chúa và đem ra thực hành. Để ý những tiêu chuẩn trên, ta nhận ra họ là người tuân giữ 10 giới răn Chúa, được ban cho dân Israel qua Môsê trên núi Sinai. Môsê quả quyết với dân rằng nếu họ thành tâm thi hành như thế, họ “sẽ được sống và được vào chiếm hữu phần đất mà Chúa là Thiên Chúa cha ông các ngươi sẽ ban cho các ngươi” (4,1). Môsê cũng đã đưa ra những lý do thúc đẩy họ phải tuân giữ giới răn Chúa, đó là vì những giới răn này làm cho họ trở nên khôn ngoan và sáng suốt trước mặt muôn dân, làm cho muôn dân nhận ra rằng không có một dân tộc nào được các thần ở bên cạnh mình như Chúa Thiên Chúa Israel đang ở bên cạnh họ khi họ kêu cầu Người. Như vậy, thực hành lề luật Chúa không những đem lại hạnh phúc đích thực vĩnh cửu, mà còn mang tính chứng nhân, mang chất truyền giáo. Thư của Thánh Giacôbê trong bài đọc hai cũng đã xác quyết điều này khi nói rằng Thiên Chúa đã “muốn sinh chúng ta” trong Nước Trời “bằng lời chân thật” của Ngài, “để chúng ta nên như của đầu mùa trong các tạo vật”, và vì thế thánh tông đồ mời gọi chúng ta “anh em hãy khôn ngoan nhận lãnh lời đã gieo trong lòng anh em, lời có sức cứu độ linh hồn anh em”.

Suy gẫm sứ điệp lời Chúa hôm nay, chúng ta được mời gọi canh tân ba mối tương quan chính yếu trong cuộc đời của mình. Mối tương quan thứ nhất là với Thiên Chúa. Việc giữ Lời Chúa và đem ra thực hành phải là việc của lý trí và của con tim. Việc của lý trí, một lý trí được đức tinh soi sáng, là vì huấn lệnh và giới luật Chúa chính là sự khôn ngoan sáng suốt nhất, vượt cao trên giáo huấn của mọi hiền nhân quân tử nhân loại khắp mọi thời đại. Chỉ cần một chút so sánh, chúng ta sẽ thấy như vậy. Lời giáo huấn của Thiên Chúa được viên mãn trong Tin Mừng của Đức Kitô, có sức đem lại sự sống dích thực và vĩnh cửu, như có lần thánh tông đồ cả Phêrô đã nói: “Bỏ Thầy chúng con biết theo ai? Thầy mới có lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,68). Việc của con tim, vì chúng ta hết lòng yêu mến Ngài và ân cần tuân giữ những điều Ngài truyền. Yêu mến Thiên Chúa là giới răn trọng nhất. Chúa cần tình yêu của chúng ta chứ không phải là công việc bề ngoài: “Ta muốn tình yêu chứ không cần lễ tế”, hay nói đúng hơn, Chúa cần chúng ta làm mọi việc vì lòng yêu mến Ngài, như lời thánh Augustinô: “Hãy yêu mến rồi hãy làm”. Tình yêu mến Chúa dẫn chúng ta đến việc “thực thi lời đã nghe, chứ không nghe suông mà tự lừa dối mình” (Gc 1,22). Như vậy, chúng ta không giữ luật Chúa một cách hời hợt, qua loa, giả dối, bóp méo, sợ sệt, vụ lợi…, nhưng chân thành từ lòng mến sâu xa. Mối tương quan với Chúa như thế phải được xây dựng trên tình yêu và tinh thần thờ phượng đích thực.

Thứ đến là mối tương quan với tha nhân. Mối tương quan này đặt nền trên lòng yêu mến và sự tôn trọng phẩm giá của đối tượng. Chúa Giêsu đã dạy rằng yêu mến người khác cũng là giới răn quan trọng như giới răn thứ nhất. Ngày chung thẩm, khi quang lâm, Ngài sẽ chất vấn mọi người về đức yêu người này cũng như ân thưởng theo mức độ tình thương, vì “những gì các con làm cho một anh em bé mọn nhất của Thầy đây là các con làm cho chính Thầy” (Mt 25,40). Chính Chúa đã thực thi tình thương này bằng lòng bao dung, nhân hậu, tha thứ; bằng giáo huấn, bằng những phép lạ, và nhất là bằng cách hiến dâng mạng sống để bày tỏ tột cùng tình yêu của một vị Thiên Chúa nhập thể làm người. Tình yêu và sự tôn trọng tha nhân sẽ làm cho đức bái ái của chúng ta nên xinh đẹp và hoàn hảo.

Cuối cùng là mối tương quan với chính mình. Khi nhìn vào bản thân, chúng ta sẽ thấy mình như đám ruộng có cả lúa và cỏ lùng. Nhờ ơn Chúa, chúng ta sẽ làm cho những điều tốt phát triển và sẽ thanh tẩy những điều xấu. Chúa Giêsu đã điểm mặt những ô uế của con người, là: “ngoại tình, dâm ô, giết người, trộm cắp, tham lam, độc ác, xảo trá, lăng loàn, ganh tị, vu khống, kiêu căng, ngông cuồng” (Mc 7,21-23). Trong bài đọc hai, thánh Giacôbê đã hòa nhịp với Đức Kitô mời gọi chúng ta phải thanh luyện tâm hồn của mình: “Anh em hãy khử trừ mọi thứ nhơ bẩn và lòng đầy gian ác” để “giữ mình khỏi mọi ô uế đời này”. Vì thế, theo lời Chúa Giêsu dạy, chúng ta phải lục soát, phải chỉ điểm những sự dữ xuất phát từ tâm trí ta, và phải khử trừ tận căn, phải làm chủ bản thân, phải làm chủ dục vọng, để được một tâm hồn tinh tuyền thanh sạch.

Anh chị em thân mến,

Chúng ta không là những tôi tớ, nhưng là bạn hữu và là em của Đức Giêsu, là thành viên trong gia đình Thiên Chúa. Đức Giêsu đã mạc khải tất cả mọi sự trong gia đình Ngài cho chúng ta qua giáo huấn, qua việc làm, qua đời sống, qua cuộc khổ nạn và phục sinh của Ngài. Lời mạc khải đó chính là tình yêu của Ngài. Như vậy, việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa chính là sự tiếp xúc với tình yêu Thiên Chúa, một sự tiếp xúc đem lại sự hoàn hảo cho cuộc đời mỗi người, được thần hóa nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu.

Xin Đức Maria, khuôn mẫu trong việc lắng nghe và thực hành thánh ý Chúa, giúp chúng ta tuyên xưng niềm tin cao quý tốt đẹp của mình vào Thiên Chúa vào Hội Thánh. Xin Mẹ cũng giúp chúng ta đón rước Thánh Thể Chúa để tràn đầy sự sống và sức mạnh thần linh, mà hân hoan loan truyền ánh sáng chân lý Đức Kitô trên trần gian này. 


 
Tác giả bài viết: Laurensô M. Phan Ngọc Bích, CMC
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 18
  • Khách viếng thăm: 16
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 4924
  • Tháng hiện tại: 154066
  • Tổng lượt truy cập: 12130853