Trang mới   https://gpquinhon.org

Chúa Nhật XXVI Thường Niên

Đăng lúc: Thứ năm - 22/09/2016 18:31
CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN

Lm. Gioakim Nguyễn Ngọc Minh              
 
Trong quyển sách mang tựa đề “Nhóm Mười Hai”, ông Lespli Linda kể lại một câu chuyện sau:

Một thương gia giàu có kia, bước vào quán ăn bắt gặp một em bé đứng run rẩy vì đói trước cửa tiệm. Ông ta liền mời em cùng vào cùng ăn với mình. Nhưng ngạc nhiên làm sao khi ông ta thấy rằng: “Em bé không hề tỏ ra xúc động và thèm thuồng khi nhìn đĩa thức ăn trước mặt mình”.
Em đưa mắt nhìn qua cửa sổ một cách buồn bã. Người thương gia liền hỏi: “Tại sao con không ăn? Hay là con không thích món ăn này?
Em bé nghèo trả lời với giọng đầy xúc động: “Không, con đói lắm. Con rất muốn ăn, và ăn thật nhiều cơ mà... Nhưng làm sao con có thể ăn được, vì con còn một đứa em trai nữa, cũng đang đói đứng chờ ở ngoài kia”.
Vừa nói em bé vừa đưa tay chỉ cho vị thương gia thấy một em bé trai nhỏ hơn, mặc quần áo rách rưới, đang đưa đôi mắt thèm thuồng nhìn đĩa thức ăn đang đặt trên bàn.
Câu trả lời thành thật và đơn giản của em bé “Làm sao con có thể ăn được khi con còn một đứa em trai, cũng đang đói đứng chờ ở ngoài kia”. Có thể trở thành một câu nói mẫu mực về tình liên đới giữa người với người, giữa chúng ta và anh chị em bên cạnh đang thiếu thốn, cần đến sự trợ giúp thông cảm của chúng ta!

Điều đó hoàn toàn đối nghịch với “Người Phú Hộ” trong bài Tin Mừng hôm nay, sở dĩ phải trầm luân muôn kiếp, vì ông đã không nhìn người nghèo khó Ladarô với cái nhìn ấy. Thậm chí ông cũng không thèm nhìn con người khốn khổ, ngày ngày lê lết bên cổng nhà ông.

Người phú hộ phải “chịu cực hình” không phải vì ông nhiều của cải, nhưng vì ông đã không san sẻ của cải cho người thiếu thốn, ngay cả những của thừa thãi trên bàn tiệc, cũng chẳng đến tay người nghèo.
Người phú hộ phải tống xuống biển lửa không phải vì ông đã làm ra nhiều của cải, nhưng vì ông đã quá cậy dựa vào tiền của, trong khi người nghèo khỏ chỉ biết cậy dựa vào Chúa; Ladarô có nghĩa là “Thiên Chúa giúp đỡ”.
Vậy tội của người phú hộ chính là tội làm ngơ, tội phớt lờ, tội không nhìn, không nghe, không thấy những Ladarô đang van xin cứu giúp, trong cơn túng quẫn cùng cực. Tội của người phú hộ chính là tội thiếu sót, tội đã không làm những gì lẽ ra mình phải làm cho một ai đó đang cần sự trợ giúp. Bác sĩ Albert Schneitzer, người đã bán hết gia tài kết xù của ông, xây một bệnh viện và dấn thân cứu giúp những con người cùng khổ nhất Châu Phi đã đặt ra câu hỏi cho chính mình: “Làm sao chúng ta có thể sống hạnh phúc trong khi có biết bao nhiêu người đang đau khổ”

Điều đó được thể hiện trong bài giảng của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, trong chuyến viếng thăm đất nước Mỹ lần đầu tiên vào ngày 02/10/1979, đáng cho chúng ta suy nghĩ: “Chúng ta không thể thờ ơ vui hưởng của cải và tự do của chúng ta nếu bất cứ ở vùng nào đó, người nghèo khó Ladarô của thế kỷ 20 vẫn còn đang đứng chờ chúng ta ngoài cửa…”

Cảm nghiệm được điều đó Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết trong Tông Huấn “Niềm Vui của Tin Mừng” từ số 197 đến số 199: “Trong trái tim của Thiên Chúa có một chỗ đặc biệt cho người nghèo, vì chính Thiên Chúa “đã trở nên nghèo khó” (2Cr8,9). Toàn thể thể lịch sử cứu độ được đánh dấu bởi một sự hiện diện của người nghèo. Ơn cứu độ đến với chúng ta qua lời thưa “Xin Vâng” thốt ra từ một thiếu nữ nghèo hèn xuất thân từ một làng nhỏ ở ngoài rìa của một đế quốc vĩ đại. Đấng Cứu Thế sinh ra trong một máng cỏ, giữa đàn súc vật, giống như bao trẻ em của các gia đình nghèo; Ngài được dâng trong Đền Thờ với một cặp bồ câu non, là loại lễ vật của những người không có khả năng mua một con chiên con (Lc2,24 ; Lv5,7); Ngài được nuôi dạy trong một gia đình lao động bình thường kiếm sống hằng ngày bằng bàn tay lao động của mình. Khi Ngài bắt đầu rao giảng Nước Thiên Chúa, đám đông dân chúng nghèo hèn đi theo Ngài,…”
Về vần đề này trong một cuộc phỏng vấn, Mẹ Têrêxa Calcutta đã phát biểu: “Trong 20 năm phục vụ người nghèo, càng lúc tôi càng ý thức cô đơn là căn bệnh khủng khiếp nhất của con người… Chính Chúa Giêsu cũng cảm nhận điều đó. Mang lấy thân phận con người, chia sẻ khổ đau với con người, Ngài cũng không thoát khỏi cô đơn. Nỗi niềm ấy đã dâng cao trong những giờ phút Ngài bị treo trên khổ giá, trong lúc Ngài cảm thấy như bị Chúa Cha ruồng bỏ!...
Nhờ đó Ngài mạc khải cho loài người chúng ta biết Thiên Chúa là Tình yêu., Chỉ trong tình yêu Thiên Chúa, loài người mới thắng vượt cô đơn. Với trái tim yêu thương của Chúa Giêsu, chúng ta được ban sức mạnh cần thiết để đáp trả tình yêu của Thiên Chúa qua người anh em chúng ta”.
Và Mẹ Têrêxa Calcutta nói tiếp: “Ngày hôm nay cũng như trước đây, khi Chúa Giêsu đến giữa những người thân yêu của Ngài. Ngài đến trong những thân thể hôi thối của người nghèo. Ngài cũng đến với những người giàu đang ngộp thở trong sự giàu sang của họ, trong cô đơn của trái tim họ. Chúa đến với bạn và cả với tôi. Và thường rất thương chúng ta đã để cho Ngài đi qua mà không mời gọi tiếp đón Ngài…” (Theo “Mẹ Têrêxa, biểu tượng của tình thương”)
Tất mỗi người  chúng ta biết rằng: “Sống ở đời, ai ai cũng có những lúc tối lửa tắt đèn, có lúc lá rách cần lá lành, có lúc chị ngã em nâng. Sống ở đời ai ai mà không cần tới tình yêu. Nhưng ít người thực hiện tình yêu. Hay nếu có, lại chỉ vọn vẹn trong khuôn cảnh gia đình hay trong một luỹ tre làng chật hẹp. Cho nên cũng vì vậy mà trần gian mất đi nhiều nguồn vui thật”. (TMCGK ngày trong tuần”)

Tình yêu phát sinh sức mạnh. Thánh Augustinô quả quyết: “Cứ yêu rồi  thì hãy làm điều gì mình muốn”. Tình yêu sẽ thúc đẩy chúng ta phải làm một điều gì đó cụ thể cho anh chị em mình, một điều gì đó mà anh chị em mình thực sự mong đợi. Chúng ta không thể nói yêu mến Chúa mà lại làm ngơ trước nhu cầu cấp bách của anh chị em mình.
Thánh Phanxicô đã hát lên trong lời Kinh Hòa Bình rằng: “Chính khi cho đi là khi được nhận lãnh. Chính khi thứ tha là khi được tha thứ, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời…”.

Và điều này Đức Hồng Y Danielou có nói: “Chúng ta hãy tự khai mở niềm hy vọng của người bất hạnh, cho dù điều đó đe doạ đến của cải chúng ta”.
Còn Cha Charles de Foucauld thì quả quyết: “Chỉ có một số người có khả năng làm chứng bằng lời nói, nhưng mọi người đều có thể làm chứng bằng đời sống lương thiện, gương mẫu, và bằng đời sống Kitô hữu sinh động”.
Vì vậy chúng ta hãy làm một điều thiện nào đó cho mọi người.
Sẽ có một ngày tất cả mọi người chúng ta sẽ bước vào một thế giới mà giấy thông hành không phải là tiền của nhưng chính là tình yêu. Chỉ có những ai yêu mến Thiên Chúa và yêu anh em như chính mình vậy, mới  được bước vào.
Sẽ có một ngày người phú hộ chẳng còn yến tiệc linh đình, chẳng còn vui chơi thâu đêm suốt sáng, trận cười suốt đêm, nhưng sẽ phải đuổi khỏi bàn tiệc và lao xuống hỏa hào muôn kiếp.
Sẽ có một ngày người Ladarô nghèo khó chẳng còn lê lết dưới đất đen, chẳng còn nhặt những miếng bánh vụn nơi bàn tiệc người phú hộ, nhưng sẽ được nâng lên “trong lòng Ápraham” vui hưởng hạnh phúc muôn đời.
Vì vậy chúng ta đừng bao giờ bằng lòng với những hành vi chỉ cho những người nghèo khó, những mẫu bánh vụn dư thừa nơi bàn tiệc. Chúng ta chỉ nên lo lắng cho đủ phần chính yếu của cuộc sống mà thôi, chứ đừng tìm cách sống cho sung túc dư thừa, để nhờ đó chúng ta có thể giúp đỡ những nghèo khổ. Đồng thời chúng ta đối xử với họ như những thực khách trong gia đình của mình. 

*Lạy Chúa, Thánh Phanxicô Atsissi đã hát lên trong lời Kinh Hòa Bình rằng: “Chính khi cho đi là khi được nhận lãnh. Chính khi thứ tha là khi được tha thứ, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời…”. Xin cho chúng con biết san sẻ cho nhau, để trái đất này trở nên sung túc và yêu thương, vì giàu có thật là yêu thương, và nghèo nàn thật là ích kỷ.
Xin Chúa dạy cho chúng con biết bí quyết làm giàu, bằng cách chia sẻ cho nhau những của cải Chúa ban cho chúng con. Amen.
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 5
  • Hôm nay: 1746
  • Tháng hiện tại: 77292
  • Tổng lượt truy cập: 12221552