Trang mới   https://gpquinhon.org

Giảng Lễ Giỗ Tất Niên tại Làng Sông

Đăng lúc: Thứ sáu - 20/01/2017 17:31


XUÂN CỨ ĐẾN VÀ CHIẾC TÀU VẪN ĐI
BÀI GIẢNG LỄ GIỖ TẤT NIÊN TẠI LÀNG SÔNG
(20.01.2017 – 23 THÁNG CHẠP BÍNH THÂN)
 

(Hc 44,1-15 ; Dt 3,7-14 ; Mt 25,1-13)
 
Hôm nay, có thể tạm gọi là ngày “Đại Lạp” của giáo phận, ngày Giỗ kính nhớ các bậc tiền nhân đức tin mà thế hệ con cháu chúng ta không ít thì nhiều, không gần thì xa cũng đều mang ơn và hưởng nhờ phúc ấm, như một bài văn tế tổ ngày Chạp Mã đã từng nhắc nhớ :

Cây bản hồ cội/ nhân bản hồ tổ
Trời đất sáng/ nhờ vầng nhật nguyệt
Người lưu thùy/ nhờ phúc tổ tiên
Hưởng gạo thơm/ nhớ công lam lũ
Uống nước ngon/ nhớ nguồn nước trong xanh[1]
 
Và còn hơn thế nữa, Lời Chúa trong sách Huấn Ca hôm nay, đã khẳng định cái mối tương quan trung thành bền vững có được nơi con cháu hôm nay chính là nhờ âm đức rạng ngời mà các ngài đã dày công xây dựng và nêu gương thuở trước :

“Nhưng các vị sau đây là những người đạo hạnh, công đức của các ngài không chìm vào quên lãng. Dòng dõi các ngài luôn được hưởng một gia tài quý báu đó là lũ cháu đàn con. Dòng dõi các ngài giữ vững các điều giao ước; nhờ các ngài, con cháu cũng một mực trung thành. Dòng dõi các ngài sẽ muôn đời tồn tại, vinh quang các ngài sẽ chẳng phai mờ.” (Hc 44,10-13)

Chúng ta có thể dễ dàng cảm nhận được nội dung ý nghĩa nầy qua những hình tượng sống động vẫn còn thấp thoáng đâu đây :

- Nào chòm râu và cái bụng nhân từ của ĐC Dominicô, đôi môi cười dễ mến của ĐC Giuse…
- Nào mái tóc bạc với đôi mắt uy nghiêm nhưng chất chưa bao dung sâu thẳm của ĐC Phaolô,
- Nào những gương mặt, nụ cười hiền lành, khả ái của những vị cha già như cha già Tiên, cha già Hiến, cha già Đức, cha già Quyển, cha già Lành...
- Nào vẻ chân chất, bộc trực, thẳng thắn đượm chất bình dân của dân liên khu 5 của cha già Quảng, cha già Long, cha già An…
- Giọng nói chậm rãi, giản đơn mà sâu sắc, phong thái đĩnh đạc mà thanh thản của cha Tám Ân, cha Ngoan, cha Sồ, cha Du, cha Sanh...
- Giọng cười hào sảng, thẳng thắn hay nhỏ nhẹ khiêm nhu cùng với cách ứng xử trung thực, cương nghị, bất khuất của cha Tô Đình Sơn, cha Giuse Châu, cha Đỗ bích Ngô…
- Thêm vào đó, cái nét nghịch ngợm, tươi vui rất bình dân, rất huynh đệ của cha Bích, hiền lành tế nhị của cha Tổng Khương, cha Trí…bên cạnh cái vẻ hào hoa lịch sự phong nhả của cha Nhì, khắc khổ, cứng cáp bình dị nông dân của cha Tri, hay văn chương đài các đầy vẽ quý phái phong lưu của Cha F.X Văn, và mới đây, kín đáo, chỉn chu nhưng hồn hậu sang quý của cha Gioakim Hiền...

            Và có lẽ chỉ nơi vùng đất Qui Nhơn nầy mà cái sâu sắc hồn hậu của thực hành tu đức hay ngay cả những nội dung nghiêm túc của mục vụ  lại được lồng trong những ngôn từ rất bình dân, đôi khi hài hước mà ít ra, chúng ta dễ dàng tìm thấy qua 2 cụm từ thân thương đó là : “Nghe được” của ông Tám Ân, hay “Đủ xài” của cha già Hiên…

            Nếu chịu khó tổng hợp lại tất cả những tính cách của  những tiền nhân cao quý đó, có thể chúng ta sẽ nhận ra 3 đặc tính nhân cách có thể nói được là 3 đặc sản của hàng linh mục Qui Nhơn mà thế hệ con cháu hôm nay cần đào sâu học hỏi, đó là :

- Khiêm hạ giản đơn trong thể hiện Tin Mừng.
- Mộc mạc chân tình trong giao tiếp ứng xử.
- Bao dung cởi mở trong tình huynh đệ hiệp thông.

Trong ngày lễ Giỗ tất niên nầy, chúng ta hoàn toàn có thể mượn lời sách Huấn Ca hôm nay để cảm tạ ơn Chúa và biết ơn các ngài, biết ơn bao thế hệ cha ông đã để lại cho chúng ta cả một gia tài tinh thần Qui Nhơn sống động, mà khó nơi nào có được :

“Các ngài được mồ yên mả đẹp và danh thơm mãi lưu truyền hậu thế. Dân dân sẽ kể lại đức khôn ngoan của các ngài và cộng đoàn vang tiếng ngợi khen.” (Hc 44,14-15)
 
Nhưng nhắc lại những điều vốn đã nằm sâu trong quá khứ đó để làm gì ? Không phải để “một chút huy hoàng rồi chợt tắt”, mà để như chính lời thư Do Thái trong Bđ 2 hôm nay dùng lời Thánh vịnh 95 để nhắc bảo : “Ngày hôm nay, nếu các ngươi nghe tiếng Chúa thì chớ cứng lòng…ngày ngày anh em hãy khuyên bảo nhau bao lâu còn được gọi là ngày hôm nay, kẻo có ai trong anh em ra cứng lòng vì bị tội lỗi lừa gạt…”.

Vâng, thời khắc của những ngày cuối năm Âm lịch nầy có thể vừa khơi dậy tâm tình “ôn cố”, sống với những hoài niệm; và rồi những ngày đầu xuân lại đến, tiếp tục lôi kéo chúng ta hướng đến tương lai, dự phóng…; và như vậy, phần nào khiến chúng ta trốn chạy cái “hôm nay, cái hiện tại”. Thế mà chính cái “hôm nay, cái hiện tại” của cái tôi, của thiên chức linh mục, của ợn thánh hiến, của sứ vụ tông đồ, của tinh thần yêu thương-phục vụ…mới là chính yếu.

Chính Đức Thánh Cha Phanxico trong bài giảng hôm thứ Năm (12/01) vừa qua, khi chia sẻ nội dung trích đoạn thư Do Thái trên, đã nói rằng : “chính là giây phút hiện tại chúng ta nhận được tình yêu của Thiên Chúa, lời hứa của Chúa để tìm kiếm Ngài.” Do đó chúng ta thường bị cám dỗ để nói “Tôi sẽ làm vào ngày mai”, nhưng rất có thể là sẽ không có ngày mai.”[2]

Và đó cũng chính là sứ điệp mà Chúa Kitô muốn gởi gắm đến tất cả muôn thế hệ, sứ điệp tỉnh thức để chuẩn bị đón Nước Trời”, được Ngài ngụ ý cách thâm thúy qua dụ ngôn “10 cô trinh nữ” chúng ta vừa nghe lại hôm nay.

Chúng ta ước mơ, chúng ta hy vọng và chúng ta nguyện cầu cho những anh chị em đi trước chúng ta và tất cả chúng ta hôm nay luôn được trở thành những cô “trinh nữ khôn ngoan”, không chỉ cái khôn ngoan trong thái độ hiếu khách, chỉn chu, dễ mến của các chị Nữ Tỳ Chúa Giêsu tình thương trong ngày giỗ nơi từ đường Gp. Làng Sông nầy, mà nhất  là cái khôn ngoan theo những chỉ dẫn của Tin Mừng cùng với những giá trị tinh thần trong kho tàng đức tin của giáo phận.

Sau hết, có thể hôm nay, ngoài kia trên những ngọn sao, chim én đã báo tin mùa xuân đang đến. Những anh chị em thế hệ u 80, 70, hay rất có thể mọi người đang hiện diện ở đây, đều mang một chút ưu tư : thế là mình đã già thêm một tuổi ; và chuyến tàu đời đang di chuyển dần sang sân ga cuối cùng. Riêng các anh em linh mục, “sân ga cuối cùng đó không đâu xa lạ mà chính là nghĩa địa Làng Sông”. Tuy nhiên, như một lời nhận xét của Paulo Coelho : La vie, c'est le train, ce n'est pas la gare. Vâng, cho dù tóc có thêm bạc, sức có mỏi mòn, thì chúng ta cứ vẫn hăng hái lên đường để mang ánh sáng cho đời, ánh sáng của những “ngọn đèn dầu khôn khoan và tỉnh thức” sẵn sàng tiêu hao đi mỗi ngày cho yêu thương và phục vụ. Amen.
 
Giuse Trương Đình Hiền
 
 
 
 

[1] Nguồn : blog : huyviet.blogtiengviet.net
[2] Nguồn : trang web vietcatholicnews, bài viết của Giuse Thẫm Nguyễn.
 
Tác giả bài viết: Lm. Giuse Trương Đình Hiền
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 12
  • Khách viếng thăm: 11
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 3007
  • Tháng hiện tại: 92021
  • Tổng lượt truy cập: 12236281