Trang mới   https://gpquinhon.org

Giảng lễ Anrê Phú Yên tại Mằng Lăng

Đăng lúc: Chủ nhật - 27/07/2014 06:06
LỄ Á THÁNH ANRÊ PHÚ YÊN
Ngày Hội Trại của giáo lý viên và giới trẻ giáo phận Qui Nhơn
Tại nhà thờ Mằng Lăng, 26.07.2014

 


Hôm nay giáo phận Qui Nhơn cử hành ngày giỗ lần thứ 370 (1644-2014), hay theo cách gọi của nhà đạo: ngày sinh nhật trên trời lần thứ 370, của một người trẻ gương mẫu, một giảng viên giáo lý nhiệt thành, một vị anh hùng tử đạo tiên khởi hay người chứng thứ nhất của Giáo Hội Việt Nam, đó là Chân Phước hay Á Thánh Anrê Phú Yên, tại chính quê hương của ngài là giáo xứ Mằng Lăng ngày nay. Nhân dịp này giáo phận cũng tổ chức Ngày Hội Trại của giáo lý viên và giới trẻ để học hỏi tấm gương sáng ngời của ngài. Giờ đây chúng ta hãy dành ra ít phút để cùng nhau suy nghĩ về đời sống và cuộc tử đạo của ngài.

Trong Lời nói đầu của tác phẩm nổi tiếng mang tựa đề "Người chứng thứ nhất", tác giả Phạm Đình Khiêm đã mở đầu bằng một khẳng định chắc nịch như sau: "Trong quá trình sinh hoạt của dân tộc Việt Nam, nếu có một nhân vật nào, ngay sau khi từ trần, đã được người đời viết sách ca tụng bằng nhiều thứ tiếng, xuất bản ở nhiều thủ đô lớn trên thế giới, làm vẻ vang chung cho cả dân tộc trên lãnh vực tinh thần, đạo đức và dũng cảm, người ấy chính là vị anh hùng trẻ tuổi mà chúng tôi sắp họa lại chân dung trong cuốn sách này: THẦY GIẢNG ANRÊ PHÚ YÊN, tiên khởi tử đạo miền Nam, nói riêng, và cũng đáng gọi là tiên khởi Tử Đạo Việt Nam, nói chung".

Ngài được gọi là "Người chứng thứ nhất" vì ngài là người đầu tiên của Giáo Hội Việt Nam đã làm chứng cho Tin Mừng một cách công khai và chính thức trước mặt quan quyền, mở màn cho cả một truyền thống chứng nhân tử đạo ở những thế kỷ tiếp theo tại Việt Nam nói chung, và tại giáo phận Qui Nhơn nói riêng với thánh Phanxicô Isidore Gagelin Kính, linh mục, tử đạo năm 1833; thánh Anrê Nguyễn Kim Thông, trùm cả, tử đạo năm 1855; thánh Stêphanô Cuénot Thể, giám mục, tử đạo năm 1861, nhiều vị tôi tớ Chúa và hàng ngàn người khác gồm linh mục, tu sĩ và giáo dân đã chết vì đạo Chúa trong 3 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên.

Cũng trong lời nói đầu của tác phẩm kể trên, tác giả đã viết: "Cuộc tử đạo này, lần thứ nhất xảy ra ở xứ Nam, đã gây nên một xúc động mạnh mẽ giữa đồng bào lương cũng như giáo, và các giới giáo sĩ, thương gia ngoại quốc. Kết thúc một cuộc sống ngắn ngủi nhưng nhân đức phi thường, cái chết anh dũng ấy lại càng nổi bật lên vì những phép lạ lớn lao liên tiếp xảy ra tại Quảng Nam, nơi ông thọ hình, tại Áo Môn (Macao), nơi ông gởi xác, trên mặt biển Thái Bình Dương, và cả bên trời Âu nữa".

Cuộc đời trần thế của Á Thánh Anrê Phú Yên tuy ngắn ngủi, mới chỉ tròn 19 xuân xanh, nhưng ảnh hưởng tinh thần ngài để lại thật mãnh liệt và phong phú, vượt cả không gian và thời gian. Thời gian có hạn của thánh lễ hôm nay không cho phép chúng ta nói hết về ngài, nhưng chỉ chọn lấy một nét tiêu biểu phù hợp với chủ đề sống của giáo phận. Chủ đề sống của giáo phận Qui Nhơn trong năm 2014 này là GIA TĂNG ĐỨC ÁI để thực hiện công cuộc Tân Phúc Âm Hóa. Chính trong định hướng ấy, Ngày Hội Trại năm nay của giáo lý viên và giới trẻ giáo phận Qui Nhơn mang chủ đề: "Giáo lý viên và giới trẻ sống đức ái theo gương Á Thánh Anrê Phú Yên". Vì vậy, giờ đây chúng ta hãy cùng nhau suy niệm về đức ái của Á Thánh Anrê Phú Yên dưới ánh sáng của những đoạn Thánh Kinh chúng ta vừa nghe.

Trước hết là lòng yêu mến của ngài đối với Thiên Chúa. Trong đoạn Tin Mừng hôm nay (Ga 12,24-26), Chúa Giêsu đã nói đến hạt lúa mì được gieo vào lòng đất và chịu mục nát để ám chỉ Người và những kẻ đi theo Người. Vì tình yêu đối với Thiên Chúa Cha, Người đã sẵn sàng hy sinh mạng sống. Những kẻ bước theo Người cũng thế. Vì tình yêu đối với Thiên Chúa và để đáp lại tình yêu của Người, Á Thánh Anrê Phú Yên đã chẳng những bằng lòng mà còn vui lòng chịu chết cách đau đớn trên pháp trường, trong khi ngài có đủ lý do và điều kiện để thoát chết.

Khi được quan lớn kết án tử hình vì đạo, ngài hết sức vui mừng vì được chịu khổ vì Chúa, để chứng tỏ tình yêu của ngài đối với Chúa. Ngài tiến đến pháp trường bằng những bước thật nhanh như thể tình yêu đã chấp cánh cho ngài. Trên đường đến nơi hành quyết, trước mặt mọi người cả giáo lẫn lương, ngài tỏ ra vui vẻ, luôn miệng tuyên xưng tình yêu của ngài đối với Chúa Kitô và nói đám đông : “Hỡi anh em, đối với Chúa Giêsu yêu dấu của chúng ta, chúng ta hãy lấy tình yêu đáp lại tình yêu. Chúa đã chịu chết đau khổ vì chúng ta, nên chúng ta hãy lấy mạng sống đáp đền mạng sống”. “Hỡi anh chị em, ta hãy trung tín cùng Đức Chúa Trời cho đến chết; cho đến chết, không một điều gì có thể dập tắt lòng thương mến Chúa Giêsu Kitô trong trái tim ta”. “Hỡi anh chị em, chúng ta hãy giữ nghĩa cùng Đức Chúa Giêsu cho đến hết hơi, cho đến trọn đời”. Có thể xem đây là những di ngôn mà ngài đã để lại cho các thế hệ theo sau.

Ngài sẵn sàng chịu chết để đáp lại tình yêu của Thiên Chúa, nhưng cũng chính tình yêu của Thiên Chúa là sức mạnh nâng đỡ ngài trong cơn thử thách. Trong những thử thách ấy, ngài đã toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến ngài, bởi vì ngài xác tín rằng không gì có thể tách ngài ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa, như lời thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Rôma ở bài đọc II (Rm 8,31-39). Giờ đây linh hồn của ngài đã ở trong tay Thiên Chúa và chẳng cực hình nào động tới được nữa, như lời sách Khôn Ngoan ở bài đọc I (Kn 3,1-9).

Tiếp đến là lòng yêu mến của ngài đối với tha nhân. Tình yêu nồng nàn đối với Chúa Kitô là nguồn mạch và động lực của đức ái mà ngài thể hiện đối với tha nhân. Theo lời chứng của cha Đắc Lộ, sau khi được rửa tội và được gia nhập hội thầy giảng, Á Thánh Anrê Phú Yên đã tiến nhanh trên đường nhân đức, nhất là đức ái đối với tha nhân: ngài luôn luôn sẵn sàng phục vụ mọi người, nhất là những người đau ốm.

Tình thương mà ngài dành cho mọi người không phân biệt là điều mà những người đồng hương với ngài đã dễ dàng nhận ra trong đời sống khiêm tốn phục vụ của ngài, đặc biệt trong những giờ phút cuối cùng của ngài. Nơi cuộc đời và cái chết của ngài người ta có thể dễ dàng nhìn thấy nét đặc trưng của cộng đoàn Kitô hữu lúc bấy giờ, một cộng đoàn bác ái huynh đệ đối với nhau và đối với mọi người bên ngoài, đến độ người ta gọi đạo công giáo là “đạo của những người yêu thương nhau”.

Khi quân lính ập vào nhà cha Đắc Lộ là để bắt thầy giảng Inhaxiô, nhưng lúc ấy thầy đi vắng. Chẳng những vì tình yêu đối với Thiên Chúa mà còn vì tình yêu đối với bạn của mình, Anrê Phú Yên đã mạnh dạn xưng mình là thầy giảng để bị bắt thay cho thầy Inhaxiô. Đúng như lời dạy của Chúa Giêsu: "Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình" (Ga 15,12-13). Trên đường tiến ra pháp trường, những lời ngài khuyên nhủ các tín hữu hãy luôn trung thành yêu mến Chúa, mà chúng vừa nhắc lại trên đây, cũng nói lên tình yêu của ngài đối với những người đang phải đối diện với cơn bách hại, với ước muốn họ luôn trung thành với Thiên Chúa bất chấp mọi khó khăn thử thách.

Giờ đây ở trên trời bên tòa Chúa, xin Á Thánh Anrê Phú Yên chuyển cầu cùng Chúa cho tất cả mọi Kitô hữu, đặc biệt các anh chị em giảng viên giáo lý và các bạn trẻ, biết luôn trung thành đáp lại tình yêu của Thiên Chúa và nối dài tình yêu ấy đến tất cả mọi người như Á Thánh đã nêu gương.

ĐGM Matthêô Nguyễn Văn Khôi

 






















































 
Tác giả bài viết: ĐGM Matthêô Nguyễn Văn Khôi
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 23
  • Hôm nay: 34
  • Tháng hiện tại: 155841
  • Tổng lượt truy cập: 12132628