Trang mới   https://gpquinhon.org

Giảng lễ Anrê Phú Yên tại Mằng Lăng

Đăng lúc: Thứ hai - 27/07/2015 02:32



LỄ ANRÊ PHÚ YÊN
Mằng Lăng, 27/7/2015
2 Mcb 7,1.20-23.27B-29; 2Cr 6,4-10; Lc 9, 23-26.



 
Sau trận động đất ở Nhật Bản, lực lượng cứu hộ bắt đầu tìm kiếm cứu nạn. Khi đến một ngôi nhà đổ nát, họ thấy thi thể của một phụ nữ trẻ qua vết nứt, nhưng tư thế của cô hơi lạ, giống như một người đang quỳ gối cầu nguyện. Cơ thể cô nghiêng về phía trước, hai tay như đang đỡ lấy một vật gì đó. Tường nhà sập lên lưng và đầu cô. Người đội trưởng cứu hộ luồn tay qua một khe hẹp trên tường để chạm tới thi thể nạn nhân, cơ thể lạnh và cứng đờ cho thấy cô đã chết. Thế nhưng khi tìm kiếm ở khoảng không nhỏ bên dưới xác chết. Bỗng nhiên, anh hét lên: "Một đứa bé! Có một đứa bé!". Cả đội đã cùng nhau dỡ bỏ những đống đổ nát xung quanh người phụ nữ. Một cậu bé 3 tháng tuổi được bọc trong chiếc mền nằm bên dưới thi thể của người mẹ. Rõ ràng, người phụ nữ đã hy sinh để cứu con mình. Khi ngôi nhà sập, cô đã lấy thân mình để bảo vệ đứa con. Sau khi mở tấm mền ra, người ta nhìn thấy một chiếc điện thoại di động bên trong với hàng tin nhắn trên màn hình: "Nếu con có thể sống sót, con phải nhớ rằng mẹ rất yêu con". Chiếc điện thoại di động đã được truyền từ tay người này sang tay người khác và tất cả những ai đã đọc mẩu tin đều không ngăn nổi dòng nước mắt (theo doisongphapluat.com). Tôi tin rằng chiếc điện thoại đã trở nên một kỷ vật vô giá đối với đứa con sau này một khi nó lớn lên. Cái thiết bị di động kia có thể bị lỗi thời chỉ trong một thời gian rất ngắn sau đó nhưng cái nội dung nằm trong đó là một chân lý trường tồn, còn mãi với thời gian: tình mẫu tử và sự hy sinh của người mẹ. Ca dao việt Nam có câu: “Nuôi con chẳng quản chi thân, chỗ ướt mẹ nằm chỗ ráo con lăn”, và ta có thể chỉnh sửa lại cho phù hợp với ngữ cảnh câu chuyện:  “Nuôi con chẳng quản chi thân, chỗ chết mẹ nằm chỗ sống con lăn”.

Bà mẹ nào cũng có thể hy sinh mạng sống mình để cho con được sống, từ người quyền quý cho đến thứ dân. Tôi tin rằng bà mẹ nào cũng thế chỉ trừ có bà mẹ mà chúng ta vừa gặp thấy trong bài đọc I trích sách Macabê, bà mẹ duy nhất chẳng những chứng kiến mà còn “xúi” cả 7 đứa con mình đi vào chỗ chết. Dường như bà nói với đám con rằng: “Chúng con cứ chết đi, có gì mẹ chịu cho!”. Chẳng nhẽ phải sửa lại câu ca dao vừa rồi sao? “Nuôi con chẳng quản chi thân, chỗ sống mẹ nằm chỗ chết con lăn!” Rắc rối quá!

 Tuy nhiên, ta thấy câu chuyện được viết một cách rất khéo léo, tác giả dùng cái chết của 7 người con để nói lên ý nghĩa của thần học tử đạo. Theo kinh Thánh, con số 7 là con số chỉ sự “hoàn hảo”,  và như vậy chúng ta thấy gia đình của người mẹ xúi con chết này được xem như là một gia đình hoàn hảo. Thêm vào đó, mỗi lý do chết của từng đứa con đều là một luận chứng thần học nói về sự tử đạo. Khi đọc hết câu chuyện, ta có thể liệt kê các luận chứng đó như thế này: (1) thà chết còn hơn là vi phạm luật Chúa; (2) Vua có thể lấy đi mạng sống nhưng Thiên Chúa sẽ làm cho nó sống lại; (3) Vua có thể chặt chân tay nhưng Thiên Chúa sẽ phục hồi chúng lại; (4) Những người chết vì Chúa sẽ được cho sống lại, còn nhà vua thì không; (5) Thiên Chúa sẽ trừng phạt nhà vua; (6) Những người chịu đau khổ như thế không phải là vì tội lỗi của riêng mình nhưng với tư cách là một dân tộc phạm tội. Với người con cuối cùng, bà mẹ nhắc lại rằng Thiên Chúa có quyền năng tạo dựng và phục hồi sự sống. Bà nói: “Đến ngày Chúa thương xót, Người sẽ trả con và các anh con cho mẹ." Và câu kết luận cho câu chuyện này nằm ở đâu? Nó không nằm ở ngay cuối câu chuyện mà nằm ở chính lời nói của Chúa Giêsu trong bài đọc Tin Mừng Luca ngày hôm nay: “Vì chưng, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất nó; còn ai mất mạng sống vì Ta, sẽ được sống. Vậy nếu con người được lời lãi cả thế gian, mà phải thua thiệt và mất mạng sống mình, thì được ích gì?”

Cuối cùng thì bà mẹ “xúi” con chết cũng đã chết theo con. Như vậy, chúng ta thấy đây quả thật là một gia đình hoàn hảo như số 7 biểu tượng của nó, một gia đình “mẹ tròn con vuông”. Nhưng mà tôi thấy cũng lạ, mẹ tròn mà con vuông thì khác nhau hoàn toàn chứ có gì là giống đâu, hay là chúng ta cứ phải sửa lại rằng đây là một gia đình “mẹ tròn con cũng tròn”!

Và vị Á thánh trẻ tuổi Anrê Phú yên mà chúng ta mừng kính hôm nay cũng có một bà mẹ “tròn” như thế. Tên họ bà là gì thì chẳng ai biết, chỉ có sử sách gọi bà bằng tên thánh Gioanna, điều này có nghĩa là bà đã thuộc về Thiên Chúa trước khi là người thuộc vùng đất Mằng Lăng thân yêu này. Là một bà góa di dân nghèo, chỗ dựa duy nhất của bà là đứa con. Thế nhưng bà đã hy sinh tất cả để người thanh niên trẻ tuổi này được thanh thản ra đi theo tiếng Chúa gọi ở phương trời xa. Bước chân ra đi thì người con ấy đối với bà như đã chết vì không biết bao giờ mới gặp lại con. Và Anrê Phú Yên đã không thể nào yên tâm ra đi nếu bà mẹ Gioanna này không “xúi” cậu đi. Khi làm điều đó, bà đã tự cắt đi chỗ nương tựa duy nhất của mình. Bà mẹ này còn sống mà dường đã chết. Bà đã chết khi người con cất bước ra đi, chết trước cả người con của mình. Và Anrê Phú Yên cũng chỉ là một người con can trường giống mẹ. Sẽ không có một Anrê Phú Yên nếu không có bà mẹ can trường, hy sinh này. Một gia đình chỉ có 2 người nhưng vẫn là một gia đình “mẹ tròn con cũng tròn”, rất hoàn hảo như gia đình 7 người con kia.

Mừng lễ kính Á Thánh Anrê Phú Yên hôm nay, chúng ta nhớ lại lời Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong thánh lễ phong chân phước đã lấy mẫu gương Anrê Phú Yên để nhắn nhủ các bạn trẻ: “Cuộc sống của Anrê Phú Yên đã cho chúng ta thấy quyết tâm của một con người không chấp nhận chối bỏ niềm tin, dù phải đối đầu với bạo lực!”. Kinh thánh đã từng ghi nhận gương can đảm của những người thà chịu chết khi đối đầu với bạo lực còn hơn là từ bỏ đức tin hay bất trung với lề luật Chúa. Bà Susanna thà chịu chết còn hơn chiều theo lòng ham muốn của hai vị thẩm phán bất lương ưa tòm tem. Gioan Tẩy Giả đã từ chối thoả hiệp với sự dữ và không bao giờ ngừng công bố lề luật Chúa để rồi cuối cùng hiến dâng mạng sống mình làm chứng cho chân lý và sự công bình. Các bạn trẻ, các anh chị giáo lý viên và mọi người có thể tìm thấy sự can trường từ tấm gương của những con người này và dĩ nhiên của Á Thánh Anrê Phú Yên để sẵn sàng đặt đức tin lên trên mọi lợi ích hay cả mạng sống, sẵn sàng “chiếu tỏa niềm tin” khi cần thiết và vào những nơi cần thiết. Xin cho mọi người tìm thấy nơi Á Thánh Anrê Phú Yên sự can đảm làm chứng cho Đức Kitô trong đời sống thường ngày trong một xã hội đang ra sức phủ nhận và đi ngược lại với những giá trị luân lý Kitô giáo ngày hôm nay. 


 
Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 6
  • Hôm nay: 2955
  • Tháng hiện tại: 91969
  • Tổng lượt truy cập: 12236229