Trang mới   https://gpquinhon.org

Giảng lễ Thánh Stêphanô Thể

Đăng lúc: Thứ năm - 13/11/2014 22:15
LỄ THÁNH STÊPHANÔ THỂ
GIAM MỤC TỬ ĐẠO GIÁO PHẬN QUI NHƠN

Nhà thờ Vĩnh Thạnh, ngày 14.11.2014

 
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính

Theo thần thoại Hy Lạp, Perséphone là con gái của nữ thần nông nghiệp Déméter và thần Zeus. Nàng bị bắt cóc đưa về Âm phủ. Bà mẹ rất tức giận, bỏ công việc mùa màng để tìm con. Bà đến nói với chồng và Zeus đã phái Hermès đến âm phủ truyền lại với thần Âm Phủ là Hadès hãy giải phóng Perséphone. Hadès chấp thuận, nhưng trước khi thả Perséphone, ông đưa cho nàng quả lựu. Vì đói bụng, Perséphone đã lấy 6 hạt trong số 12 hạt trong quả lựu để ăn. Và theo quy định của thần linh, người nào đã ăn lương thực dưới âm phủ, sẽ thuộc về âm phủ. Perséphone đã ăn lựu ở âm phủ nên nàng hiển nhiên trở thành người của âm phủ. Tôn trọng quy định của thần linh, thần Zeus phán xử rằng Perséphone sẽ phải sống ở âm phủ nửa năm theo số hạt lựu nàng đã ăn, và sống ở hạ giới nửa năm. Và thế là trong thời gian Perséphone ở dưới âm phủ, bà mẹ Déméter bỏ bê công việc canh tác cho đến khi cô con gái được về trên hạ giới, bà mới tiếp tục công việc trồng trọt, cây cối trổ mầm xanh tươi. Câu chuyện thần thoại đã giải thích cho hiện tượng bí ẩn của nông nghiệp : hạt giống bị chôn vùi xuống đất suốt một thời gian dài mùa đông, thối đi, và rồi đến mùa xuân nó lại như sống dậy, nứt lên mầm sống mới, ngoi lên trên mặt đất, rồi thành cây con sinh trưởng và mang lại hoa quả phong phú. Tiến trình này là một điều kỳ diệu của thiên nhiên mà người xưa đã giải thích bằng một câu chuyện thần thoại.

Sống trong vùng Palestine chịu ảnh hưởng của văn hóa Hy Lạp, Chúa Giêsu chắc chắn đã biết đến thần thoại này. Vì thế, trong bối cảnh của đoạn Tin Mừng Thánh Gioan mà chúng ta vừa mới nghe đọc, khi Chúa Giêsu lên Giêrusalem để để hoàn tất sứ mạng cứu rỗi, có mấy người Hy Lạp đến xin gặp ngài. Nhân cơ hội đó, Chúa Giêsu đã sử dụng hình ảnh này của thần thoại Hy Lạp để loan báo về cái chết của mình: “Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì sẽ trơ trọi một mình; còn nếu nó thối đi, thì sẽ sinh nhiều bông hạt”. Ngài đã dùng hình ảnh hạt giống để minh họa cho cái chết của chính mình và một chân lý ngàn đời là không có vinh quang nào mà không kinh qua gian khổ. Tự thân, một hạt giống chẳng là gì cả, nó yếu ớt và vô dụng, nhưng khi được trồng xuống đất, nó sẽ chết đi và nẩy sinh hoa trái. Cái đẹp nằm hoàn toàn trong hành động chết đi của nó. Cái hiệu quả cũng nằm trong hành động chết đi của nó. Hạt lúa mì vô hiệu và vô sinh bao lâu nó còn được cất giữ. Chỉ khi nào nó được ném xuống đất, chôn vào lòng đất lạnh, sau đó nó mới sinh hoa trái. Trong những ngôi mộ cổ Ai Cập, người ta vẫn tìm thấy có những hạt giống được đựng trong vò đất đặt bên cạnh người chết. Và sau hàng ngàn năm, khi nó được khám phá ra, nó vẫn là còn những hạt giống bởi vì nó chưa được chôn vùi, nó chưa phải trải qua tiến trình chết đi. Người môn đệ Chúa cũng phải trải qua quy trình biến đổi củahạt giống, như vậy mới sinh hoa kết quả. Mỗi người là một hạt giống trong lẫm lúa bao la của nhân loại. Mỗi người mang sự sống của Thiên Chúa trong mình. Và sự sống ấy chỉ phát sinh hiệu quả nếu để cho Thiên Chúa “trồng” chúng ta.

Và hôm nay, lễ thánh Stêphanô Thể, Giám mục tử đạo Giáo phận Qui Nhơn,  chúng ta mừng kỷ niệm sự chôn vùi của một hạt lúa. Và đây là hạt lúa mì Tây được Thiên Chúa đem gieo trồng trên mảnh ruộng Ta. Dĩ nhiên, tiến trình biến đổi của hạt lúa Tây này cam go hơn bội phần vì phải thích nghi với thổ nhưỡng khí hậu hoàn toàn khác lạ. Bước chân lên miền truyền giáo, lần đầu tiên ngài có vấn đề về sức khỏe. Tiểu sử của ngài còn ghi lại rõ ràng: “Chế độ ăn uống và khí hậu Châu Á đã vật ngã cơ thể lực điền này”[1]. Và đó chỉ là bước khởi đầu.

Khi chọn lấy tên thánh Stêphanô là tử đạo tiên khởi của Giáo Hội, ngài đã tự chọn cái kết thúc của cuộc đời mình: cái chết của một hạt giống. Cả cuộc đời ngài là lời hát của một bài ca và có lẽ là bài tự thân ca được cất lên suốt cuộc đời ngài: “Chúa ơi, thân con là thân lúa miến, gieo vào lòng đời và mục nát với thời gian”. Dù không chịu nhát chém của lý hình vào phút cuối, nhưng máu ngài đã đổ ra trước đấy rất lâu. Một hôm, khi băng qua đồng ruộng để chạy trốn, ngài bị thương ở chân, máu chảy lai láng. Ngài cười và nói với linh mục Gagelin, người bạn đường: “Thế đó, thế đó, một sứ vụ tốt đẹp đã bắt đầu rồi đấy!”[2]. Vết thương tử đạo đã được mở miệng với nhát chém đó ngay từ đầu, và từ đó máu cứ đổ ra cho đến giờ phút cuối. Ngài đã cho đi từng ngày, từng tháng, từng năm, và máu tử đạo cứ thế mà đổ ra và cứ thế mà rải đều trên khắp miền đất giáo phận này theo từng bước chân truyền giáo lẫn trốn chạy trong những cơn bách hại.

Hôm nay, mọi người chúng ta về đây để cử hành thánh lễ, ngay tại nơi ngài đã bị bắt trong cuộc bách hại cuối cùng của cuộc đời, không phải là để suy nghĩ về câu chuyện của quá khứ cũng không phải duyệt lại lịch sử của cuộc đời ngài nhưng để học biết ngài là ai đối với chúng ta, cuộc đời ngài nói gì với chúng ta và chính ngài đang nói gì với chúng ta hôm nay? Trước niềm tin đang bị xáo trộn và tinh thần vật chất ngày nay, chắc rằng ngài cũng sẽ mượn lời của Thánh Phaolô trong bài đọc II để nói với chúng ta rằng: “Các con thân mến, dù con người bên ngoài của cha có tiêu tan đi, thì con người bên trong của cha ngày càng đổi mới. Một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận. Vì thế, các con đừng chú tâm đến những sự vật hữu hình, nhưng đến những thực tại vô hình. Những sự vật hữu hình thì chỉ tạm thời, còn những thực tại vô hình mới tồn tại vĩnh viễn.” Giữa cái hữu hình tạm thời và vô hình tồn tại, ngài đã chọn cái vô hình. Thân xác của ngài hiện giờ ở đâu không ai biết chẳng ai hay, sông dài biển rộng biết đâu mà tìm, nhưng phải chăng đó là ẩn dụ cho chúng ta thấy rằng ngài đã lựa chọn tận căn cái vô hình tồn tại vĩnh viễn.

Triết gia và thần học gia Søren Kierkegaard đã nói rằng: “Khi một nhà độc tài chết đi, sự cai trị của hắn chấm dứt nhưng khi một vị tử đạo chết đi, quyền thống trị của ngài mới chỉ ở bước khởi đầu”. Chính trong ý hướng này, hôm nay Giáo phận tôn vinh và kỷ niệm năm thứ 153 của triều đại Stêphanô, đồng thời cầu xin Thiên Chúa, qua lời bầu cử của Thánh Giám mục Stêphanô Thể, xin cho mọi người trong giáo phận biết luôn can đảm sống đức tin của mình và làm chứng cho Chúa bằng một cuộc sống tốt đẹp, một cuộc sống luôn “chiếu tỏa niềm tin” như cuộc sống của ngài và đó cũng là chủ đề của Giáo phận trong năm 2015 sắp tới. 
 

[1] Jean Thiébaut, Thánh Giám mục Thể, bản dịch lưu hành nội bộ, Paris, 1988, tr. 8
[2] Sđd, tr. 112
 
Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 64
  • Khách viếng thăm: 59
  • Máy chủ tìm kiếm: 5
  • Hôm nay: 3631
  • Tháng hiện tại: 115787
  • Tổng lượt truy cập: 12260047