Trang mới   https://gpquinhon.org

Giảng lễ trao ban thừa tác vụ phó tế

Đăng lúc: Thứ tư - 17/09/2014 19:16
LỄ TRAO BAN THỪA TÁC VỤ PHÓ TẾ
tại nhà thờ Chính tòa Qui Nhơn, 17.09.2014
 


Hôm nay chúng ta cùng nhau tham dự thánh lễ trao ban thừa tác vụ phó tế cho 10 thầy đại chủng sinh vừa hoàn tất chương trình đào tạo linh mục tại Đại Chủng Viện Sao Biển Nha Trang. Trong tiếng Hy-lạp, người nhận lãnh thừa tác vụ này được gọi là diakonos, nghĩa là phụ tá, người phục vụ, kẻ giúp việc. Đây là ý nghĩa xuyên suốt của cả 3 đoạn Thánh Kinh chúng ta vừa nghe hôm nay.

Thừa tác vụ phó tế bắt đầu xuất hiện trong Giáo Hội tiên khởi tại Giêrusalem do nhu cầu sinh hoạt của cộng đoàn đòi hỏi, như thánh Luca đã ghi lại trong sách Công vụ Tông đồ mà chúng ta vừa nghe trong bài đọc I (Cv 6,1-7a). Lúc bấy giờ số tín hữu gia tăng, mười hai tông đồ không đủ sức và đủ thời giờ để vừa cầu nguyện và rao giảng Lời Chúa, vừa phục vụ việc ăn uống của các tín hữu, nên các ngài đề nghị cộng đoàn tiến cử 7 người có tiếng tốt, đầy Thánh Thần và khôn ngoan, để các ngài đặt tay trên họ và ban quyền cho họ làm những công việc ấy. Công việc của những người này trước hết phát xuất từ nhu cầu phục vụ bác ái, nhưng họ còn phụ giúp các tông đồ trong việc cử hành lễ bẻ bánh, tức là hành vi tế lễ, vì thế trong tiếng Việt Nam những người này được gọi là phó tế.

Sách Giáo lý Hội Thánh công giáo, số 1570, đã dạy: "Các phó tế tham dự vào sứ vụ và ân sủng của Đức Kitô một cách đặc biệt. Bí tích truyền chức thánh ghi cho họ một ấn tín không thể tẩy xóa và làm cho họ nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, Đấng trở thành 'người phục vụ', nghĩa là tôi tớ của mọi người (x. Mc 10,45; Lc 22,27)". Vị Thầy và gương mẫu tuyệt hảo của việc phục vụ không ai khác hơn là chính Chúa Giêsu. Quả thế, trong đoạn Tin Mừng hôm nay (Mt 20,25-28), Người đã dạy các môn đệ hãy tự nguyện trở thành tôi tớ để phục vụ mọi người theo gương Người là Đấng đã đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và phó mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người.

Trong cộng đoàn Giáo Hội tiên khởi, việc phục vụ của các phụ tá hay phó tế không chỉ được thể hiện trong việc từ thiện bác ái và giúp việc bàn thờ, mà còn trong việc rao giảng Tin Mừng. Do đó, tiêu chuẩn trước hết để được chọn vào thừa tác vụ này phải là những người có tiếng tốt. Trong thư thứ nhất gửi cho ông Timôthê mà chúng ta vừa nghe ở bài đọc II (1Tm 3,8-10.13), thánh Phaolô đòi buộc các phụ tá phải là người đoan trang, không ăn nói nước đôi, không nghiện rượu, không tìm kiếm lợi lộc thấp hèn, nhưng phải nắm giữ mầu nhiệm đức tin trong lương tâm trong sạch và không có gì đáng trách.

Ngoài ra các vị này còn phải là người khôn ngoan và đầy Thánh Thần. Bằng chứng là ngay sau khi được tuyển chọn, một trong 7 vị phó tế là Stêphanô đã mạnh dạn làm chứng cho Đức Kitô, đến độ "không ai địch nổi lời lẽ khôn ngoan mà Thánh Thần đã ban cho ông" (Cv 6,10). Cũng trong sự khôn ngoan và sức mạnh của Thánh Thần, một phó tế khác là Philipphê đã đi rao giảng Tin Mừng cho dân Samari và đạt được thành công lớn lao, cũng như đã rao giảng và làm phép rửa cho viên hoạn quan của nữ hoàng nước Êthiôpia (x. Cv 8,4-8.26-40).

Dưới ánh sáng của những đoạn Thánh Kinh được tuyên đọc trong thánh lễ hôm nay, chúng ta thấy thừa tác vụ phó tế là một chức thánh đã xuất hiện ngay từ đầu lịch sử Hội Thánh, là bậc đầu tiên trong phẩm trật chức thánh của Giáo Hội gồm phó tế, linh mục, giám mục. Qua bí tích truyền chức thánh, các phó tế được ghi một ấn tín thiêng liêng không thể tẩy xóa. Các phó tế là những người được tuyển chọn và trở nên dũng mạnh nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, để phụ giúp Giám mục và hàng linh mục của ngài trong việc phục vụ Lời Chúa, bàn thờ và bác ái.

Trước hết, trong sự hiệp thông với Giám mục và linh mục đoàn của ngài, các phó tế được phục vụ dân Chúa bằng thừa tác vụ Lời Chúa qua việc công bố Tin Mừng và giảng trong thánh lễ, dạy giáo lý và khuyên bảo các tín hữu, kể cả lương dân. Vì thế, trước khi được trao ban thừa tác vụ phó tế, vị tiến chức phải công khai hứa với Đức Giám Mục và trước mặt cộng đoàn dân Chúa là "muốn gìn giữ mầu nhiệm đức tin trong lương tâm ngay thẳng như thánh tông đồ dạy và rao giảng đức tin ấy đúng theo Tin Mừng và truyền thống của Hội Thánh bằng lời nói và việc làm". Sau khi đặt tay và đọc lời nguyện truyền chức, Đức Giám Mục chủ tế sẽ trao cho mỗi tân chức quyển sách Tin Mừng và nói: "Con hãy nhận lấy Tin Mừng Đức Kitô mà con đã trở thành người rao giảng và con hãy biết là phải tin điều con đọc, dạy điều con tin và thi hành điều con dạy".

Tiếp đến, các phó tế phụ giúp các tư tế trong việc phục vụ bàn thờ và cử hành các bí tích, như ban bí tích rửa tội và trao Mình Thánh Chúa với tư cách là thừa tác viên thông thường, trưng bày và ban phép lành Mình Thánh Chúa, chứng hôn và chúc lành cho các đôi tân hôn, đem của ăn đàng cho người hấp hối, chủ sự các nghi thức an táng, cử hành một số á bí tích, chủ tọa các giờ kinh phụng vụ khi có cộng đoàn, cũng như chu toàn các giờ kinh phụng vụ để cầu nguyện cho dân Chúa và cho toàn thế giới, cho dù không có cộng đoàn. Các phó tế được tham gia vào công việc mục vụ giáo xứ theo sự phân công và hướng dẫn của linh mục chính xứ.

Cuối cùng, các phó tế được quyền nhân danh Giám mục hay linh mục quản xứ để chu toàn thừa tác vụ từ thiện bác ái. Đây là một lãnh vực rất quan trọng và hết sức cần thiết đối với việc rao giảng Tin Mừng trong một xã hội vẫn còn rất nhiều người đang chịu đau khổ vì bệnh tật, nghèo đói, như tại giáo phận Qui Nhơn chúng ta hiện nay.

Các thầy tiến chức thân mến,

Các thầy sắp lên chức phó tế để hiến thân phục vụ Thiên Chúa và tha nhân theo gương Đức Kitô là Đấng ở giữa các môn đệ như người tôi tớ. Qua bí tích truyền chức thánh được cử hành trong thánh lễ này, các thầy sẽ chính thức gia nhập hàng giáo sĩ giáo phận Qui Nhơn. Từ đây, trong cuộc sống, trước hết các thầy phải theo đuổi sự thánh thiện cách đặc biệt, bởi vì do việc lãnh nhận bí tích truyền chức thánh, các thầy được thánh hiến cho Thiên Chúa với một tước hiệu mới.

Trên hết mọi sự, các thầy phải là những người đầy đức tin để có thể tham gia vào việc hướng dẫn dân Chúa. Để được như vậy, các thầy phải gìn giữ mầu nhiệm đức tin trong lương tâm ngay thẳng, hãy chuyên cần suy niệm và thực hành các chân lý Tin Mừng mà các thầy rao giảng, nhất là đừng bao giờ đánh mất niềm tin cậy vào sức mạnh của Lời Chúa, để trở thành những thừa tác viên xứng đáng và những chứng nhân đáng tin của Tin Mừng.

Trước mặt mọi người, các thầy phải luôn là những người có tiếng tốt, đầy khôn ngoan và Thánh Thần. Vì không ai có thể làm tôi hai chủ, nên các thầy hãy coi mọi đam mê xác thịt và tiền tài là ách nô lệ tà thần. Hãy ăn ở trong sạch, không có gì đáng trách trước mặt Thiên Chúa và người đời, vì đó là điều phù hợp với các thừa tác viên của Đức Kitô là những người ban phát các mầu nhiệm của Thiên Chúa.

Đi đôi với đức tin vững vàng và đời sống thánh thiện, các thầy hãy chứng tỏ một tình yêu lớn lao đối với Thiên Chúa và tha nhân. Hãy đem hết sức mình phục vụ Thiên Chúa và tha nhân trong niềm hân hoan như lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô. Để được như thế, các thầy hãy vui vẻ và trung thành giữ luật độc thân vì Nước Trời, vì đó vừa là dấu chỉ vừa là động lực của đức ái mục vụ, đồng thời cũng là nguồn mạch của mọi hoa quả tốt lành. Với đời sống độc thân vì Nước Trời, các thầy chứng tỏ một tình yêu trọn vẹn đối với Thiên Chúa, dễ dàng gắn bó hơn với Đức Kitô bằng một tình yêu không chia sẻ, nhờ đó các thầy được tự do hơn và có thể đầu tư nhiều nhiệt tình hơn cho việc phục vụ Thiên Chúa và tha nhân, để trong ngày thế mạt các thầy được nghe lời Đức Kitô: "Hỡi tôi tớ tốt lành và trung tín, hãy vào hưởng sự vui mừng với Chủ ngươi" (Mt 25,21).
 
Tác giả bài viết: Gm. Matthêô Nguyễn Văn Khôi
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 11
  • Khách viếng thăm: 8
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 4482
  • Tháng hiện tại: 108135
  • Tổng lượt truy cập: 12252395