Trang mới   https://gpquinhon.org

Lễ Chúa Thăng Thiên

Đăng lúc: Thứ năm - 14/05/2015 18:49
CHÚA THĂNG THIÊN
(Mc 16,15-20)



Bài Tin Mừng hôm nay được trích từ phần cuối theo Tin mừng của thánh Máccô. Phần này thường được gọi là “phần kết quy điển của sách Tin Mừng thứ hai.” (Mc 16,9-20) Đây là đoạn kết được thêm vào sau, mặc dù không do tác giả Máccô biên soạn, nhưng phần kết này đã bắt nguồn từ một truyền thống rất cổ xưa và vẫn thuộc về quy điển Thánh Kinh. Dĩ nhiên, phần kết thứ nhất của thánh Máccô chỉ dừng lại ở sự im lặng và sợ hãi của các phụ nữ. Vì thế, một tín hữu nào đó đã thêm vào phần kết thứ hai này, và phần này vẫn thuộc về Kinh Thánh được Linh ứng. Tuy nhiên, nhờ vào đoạn kết thứ hai này, chúng ta phần nào thấy được cảm thức đức tin của các tín hữu tiên khởi về Hội thánh. Họ ý thức được tầm quan trọng và sứ mạng phổ quát của Hội thánh là "Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” Đó chính là cảm thức sống động và mãnh liệt khi họ đón nhận Tin mừng phục sinh và việc Chúa Giêsu vinh thắng về trời.

Qua bài Tin mừng chúng ta vừa nghe, chúng ta chú ý một chút sẽ thấy được một điều đáng chú ý, đó là trong đoạn này, tác giả đã không sử dụng bất cứ một chi tiết đặc biệt nào để diễn tả chính biến cố lên trời của Chúa Giêsu. Nhưng rõ ràng, tác giả chỉ quan tâm đến việc đầu tiên và trên hết là giúp các tín hữu sống sứ mạng của mình đúng theo thánh ý Thiên Chúa. Tiếp đến, tác giả cũng không bận tâm lắm đến thái độ và phản ứng của các Tông đồ, khi các ông chứng kiến việc Chúa Giêsu lên trời. Nhưng, tác giả chỉ bận tâm đến việc Hội Thánh lấy lập trường đức tin của mình như thế nào với mầu nhiệm phục sinh và lên trời của Chúa Giêsu. Lập trường cho đức tin ấy, chính là công trình tạo dựng mới đã được khơi nguồn nơi biến cố phục sinh của Chúa Giêsu. Vì từ nay, mọi bức màn ngăn cách, che khuất về Thiên Chúa đã bị loại bỏ. Từ nay, mọi rào cản giữa người với người đã bị lấy đi, và từ đây quyền lực ác thần ngày đêm giam hãn và dày vò con người đã bị đánh bại.

Chính vì thế, tác giả đã nhấn mạnh cho mọi Kitô hữu phải tin một cách chắc chắn rằng: Chính Chúa Kitô đang hiện diện một cách cụ thể và sống động trong hiện tại của Hội Thánh, chính Ngài đang điều khiển lịch sử và công trình tạo dựng mới của Ngài là Hội Thánh. Ngài hiện diện một cách sống động nơi những người tin, ngang qua những dấu lạ điềm thiêng “Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ.” (Mc16, 17-18)

Hôm nay, chúng ta cử hành mừng mầu nhiệm Chúa Giêsu lên trời, chúng ta có thể nói được rằng: đây là một thực tại huyền nhiệm nhưng lại có hai kía cạnh. Vì theo trình thuật của Thánh Máccô cho chúng ta thấy “Chúa Giêsu được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa.” Rõ ràng, ở đoạn này một bên là mầu nhiệm Đức Giêsu vào trong cõi của Thiên Chúa một cách vô hình “ngự bên hữu Thiên Chúa,” còn bên kia là một biến cố Ngài từ giã thế gian này một cách hữu hình mà các Tông đồ đang chứng kiến là Ngài “được đưa lên trời.”

Như vậy, qua khía cạnh thứ nhất, tác giả trình bày cho chúng ta thấy cuộc tôn vinh Chúa Phục Sinh trên cõi trời vượt quá những giác quan của con người, mà chúng ta chỉ có thể đón nhận mầu nhiệm này nhờ đức tin. Đây là khía cạnh chính yếu và thuộc về nội dung căn bản nhất của đức tin chúng ta qua mọi thế hệ. Còn trong khía cạnh thứ hai là một sự kiện xảy ra trong lịch sử, thuộc phạm vi của những thực tại khả giác mà các Tông đồ có thể chiêm ngắm được. Đây là việc Chúa Giêsu chia tay với các Tông đồ sau 40 ngày sống lại và ở với các Tông đồ. Biến cố này diễn ra như một ân huệ Thiên Chúa ban thưởng, trước là cho các Tông đồ, sau là cho mỗi người chúng ta. Vì nơi con người chúng ta vốn mang trong mình thân xác yếu hèn, lại nữa nơi chúng ta có các giác quan. Chúng ta cần có những cái gì đó cụ thể, khả giác có thể sờ đụng được, để củng cố cho đức tin yếu kém của chúng ta được thêm chắc chắn hơn.

Vì thế, khi chúng ta mừng biến cố Chúa Giêsu lên trời, là chúng ta nhắm đến điểm chính yếu của đức tin mà chúng ta phải tin là Chúa Kitô đã sống lại và siêu vượt khỏi cái thế giới tù túng, tội lụy, hay thay đổi và đầy đau thương này. Với thân xác đã được phục sinh, Chúa Giêsu đã đi vào một thế giới mới, thế giới của Thiên Chúa: “Người ngự bên hữu Thiên Chúa.” Thế giới đó là thế giới đích thực, mới mẻ và siêu việt. Chỉ trong Thiên Chúa mới có sự sống đích thực, sự sống mới, nơi đó chúng ta đạt đến hạnh phúc viên mãn và tình yêu tràn đầy trong Thiên Chúa. Hẳn nhiên, nơi cõi của Thiên Chúa ấy, tuy siêu việt nhưng lại không xa cách với thế giới của chúng ta đang sống. Chúng ta có thể “sờ đụng” vào thế giới đó trong lòng tin và nơi các bí tích cứu độ mà chính Chúa Giêsu đã để lại cho Hội Thánh. Chúng ta có thể cảm nhận được huyền nhiệm của Thiên Chúa một cách rất thật, rất gần gủi, thật và gần hơn tất cả những gì mà thế giới phàm tục chúng ta đang sống và thấy đây.


 
Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Văn Châu C.Ss.R
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 9
  • Khách viếng thăm: 8
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 4410
  • Tháng hiện tại: 93505
  • Tổng lượt truy cập: 12237765