Trang mới   https://gpquinhon.org

Lễ Suy Tôn Thánh Giá

Đăng lúc: Chủ nhật - 14/09/2014 01:00
LỄ SUY TÔN THÁNH GIÁ, tước hiệu Hội Dòng Mến Thánh Giá
Tại nhà nguyện Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn, ngày 14/09/2014
 

Chúng ta đang cùng với Giáo Hội hoàn vũ cử hành Lễ Suy Tôn Thánh Giá. Đối với các Hội Dòng Mến Thánh Giá, trong đó có Hội Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn, thì đây là lễ kính tước hiệu Dòng. Tại sao Giáo Hội dành riêng một ngày lễ để suy tôn thánh giá và tại sao Đức Cha Phêrô Lambert de La Motte đã chọn thánh giá làm tước hiệu cho Hội Dòng mà ngài sáng lập ?

Chúng ta có thể tìm thấy câu trả lời nhờ ánh sáng Lời Chúa qua những đoạn Thánh Kinh trong thánh lễ hôm nay. Trong bài đọc I trích sách Dân Số (Ds 21,4-9), để trừng phạt tội bất trung của dân Chúa trong sa mạc, Thiên Chúa đã cho những con rắn lửa bò ra cắn chết nhiều người. Dân chúng đã biết lỗi, chạy đến kêu cầu Chúa, và Người đã thương tha thứ bằng cách truyền cho ông Môsê đúc một con rắn đồng và treo lên trụ cao, để những ai bị rắn cắn mà nhìn lên rắn đồng thì được sống. Không phải con rắn đồng tự nó có sức cứu sống, nhưng chỉ vì nó là biểu tượng của tình thương tha thứ của Thiên Chúa.

Con rắn đồng ấy là hình ảnh báo trước Đấng Cứu Thế bị treo trên thánh giá. Quả thế, trong đoạn Tin Mừng hôm nay (Ga 3,13-17), chính Chúa Giêsu đã áp dụng biểu tượng con rắn đồng cho chính mình, khi nói với ông Nicôđêmô: "Cũng như ông Môsê treo con rắn nơi hoang địa thế nào, thì Con Người cũng phải bị treo lên như vậy, để những ai tin vào Người thì không bị tiêu diệt muôn đời". Chính Chúa Giêsu chịu treo trên thập giá không phải chỉ là biểu tượng mà còn là hiện thân sống động của tình thương tha thứ của Thiên Chúa.

Trong bức thư gửi giáo đoàn Philipphê mà chúng ta vừa nghe ở bài đọc II (Pl 2,6-11), thánh Phaolô đã trình bày mầu nhiệm thập giá của Đức Kitô như con đường tự hạ đến độ tự hủy của một vị Thiên Chúa cao cả, đã vì yêu thương nhân loại mà sẵn sàng từ bỏ địa vị của mình để mang lấy thân phận tôi đòi, tự hạ mình vâng lời cho đến chết trên thập giá, nhưng Thiên Chúa Cha đã tôn vinh Người và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu, để ai kêu cầu danh hiệu ấy thì được cứu độ.

Qua những đoạn Thánh Kinh trên đây, chúng ta biết lý do tại sao chúng ta suy tôn thánh giá và tại sao các chị em yêu mến thánh giá. Suy tôn thánh giá không có nghĩa là chúng ta suy tôn bất kỳ cây thập giá nào, nhưng là cây thập giá có Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh. Chính vì thế, dựa vào đoạn thư thánh Phaolô gửi giáo đoàn Côrintô 6,14, Giáo Hội đã hát trong bài ca nhập lễ hôm nay: "Chúng ta phải được vinh quang nơi thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, chính nơi Người chúng ta được cứu độ, được sống và sống lại, và nhờ Người chúng ta đã được cứu chuộc và giải thoát".

Tự nó, thập giá không phải là điều đáng mơ ước. Nó chỉ là điều gây tủi hổ và khiếp sợ. Nhưng nó đã thay đổi ý nghĩa nhờ Đấng Thánh đã tự nguyện chịu treo lên nó và trở thành biểu hiệu của tình yêu. Cây thập giá hình chữ T, trên thập giá có hình Chúa Giêsu dang tay hình chữ Y, đó là hai chữ viết tắt của Tình Yêu.

Chúng ta suy tôn thánh giá không có nghĩa là suy tôn cây thập giá như một khổ hình, nhưng vì Đức Kitô đã tự nguyện chịu khổ hình trên đó vì yêu thương chúng ta. Nói cách khác, chúng ta không suy tôn đau khổ và cái chết, nhưng suy tôn tình yêu của Chúa Kitô đối với chúng ta đến độ đã sẵn sàng chịu đau khổ và chịu chết vì chúng ta. Không phải chính cây thập giá trần trụi, nhưng là Đức Kitô chịu đóng trên thập giá mới là đối tượng duy nhất của lòng trí các chị em nữ tu Mến Thánh Giá. Quả thế, từ ngày có một người tên là Giêsu Nadaret chấp nhận chịu treo lên đó, thì thập giá đã trở thành thánh giá, một biểu hiệu của tình yêu.

Thánh giá là biểu hiệu của tình yêu, vì chính ở đó Đức Kitô đã chứng tỏ một tình yêu tột độ đối với Thiên Chúa Cha và đối với mọi người là anh chị em của Người, như lời Người đã nói: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga15,13).

Đứng trước tình yêu lớn lao của Đức Kitô được thể hiện trên thánh giá, các chị em chẳng những cùng với Giáo Hội suy tôn thánh giá, mà còn muốn đáp lại bằng tâm tình yêu mến thánh giá. Vì thế, hiến chương Hội Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn, điều 3, đã ghi: "Đặc sủng Dòng Mến Thánh Giá là yêu mến Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh và tham dự vào sứ mạng cứu thế của Người". Yêu mến Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh không phải chỉ là một bổn phận con người đáp lại tình yêu của Thiên Chúa, mà còn là đặc sủng, tức một ân huệ đặc biệt mà Thiên Chúa ban cho các chị em trong Hội Dòng, nhờ đó các chị em ngày càng trở nên giống Đức Kitô hơn.

Cuộc đời Kitô hữu là một sự đồng hóa chính mình với Đức Kitô chịu đóng đinh, như thánh Phaolô đã nói: "Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Kitô vào thập giá. Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi" (Gl 2,19-20). Và ngài quả quyết: “Đối với tôi, sống là Đức Kitô” (Pl 1,21). Nếu nhận lấy Đức Kitô làm sự sống của mình, thì cũng phải nhận lấy thánh giá và thể hiện sự chết của Người trong cuộc sống của chính mình. Thánh giá là điều không thể tránh được nếu chúng ta muốn gặp Đức Kitô. Địa chỉ chắc chắn nhất để tìm gặp Đức Kitô là thánh giá. Vấn đề đối với chúng ta không phải là có gặp thánh giá trong cuộc sống mình hay không, nhưng là làm thế nào để thánh giá không trở thành một gánh nặng miễn cưỡng có nguy cơ đè bẹp chúng ta, nhưng là một sức mạnh nâng cao chúng ta. Cũng như Chúa Giêsu, mỗi Kitô hữu nói chung và mỗi nữ tu Dòng Mến Thánh Giá nói riêng, phải cố gắng biến đổi thập giá mình gặp trên đường đời thành thánh giá.

Để biến thập giá thành thánh giá, chúng ta không những phải chấp nhận đau khổ, mà còn phải thánh hóa nó. Trước hết, chúng ta hãy thánh hóa đau khổ bằng đức tin. Tự nó, đau khổ không có một giá trị nào cả. Nó chỉ có giá trị như một cuộc thử thách đức tin. Đau khổ được thánh hóa và trở nên có giá trị cứu độ khi chúng ta chấp nhận đau khổ với lòng tin, nhưng không phải là tin ở đau khổ, mà là tin ở Thiên Chúa. Dù phải đau khổ đến đâu, chúng ta vẫn không mất niềm tin vào Thiên Chúa.

Tiếp đến, chúng ta thánh hóa đau khổ bằng đức mến, tức là bằng tình yêu, nhưng không phải là tình yêu đối với chính đau khổ, mà là tình yêu mãnh liệt đối với Thiên Chúa đến độ sẵn sàng để cho tình yêu đó chịu thử thách bởi bất cứ đau khổ nào. Vì thế, chúng ta hãy đón nhận mọi đau thương thử thách, không phải chỉ bằng mặt mà còn bằng lòng, không những chỉ bằng lòng mà còn vui lòng nữa. Dù xảy ra sự gì, chúng ta vẫn sống theo ý Chúa, chấp nhận mọi gian lao trong tinh thần phục vụ và yêu mến Chúa, dâng tất cả cuộc đời với mọi vui buồn thành bại làm lễ vật cùng với Chúa Giêsu chịu đóng đinh.

Ngoài ra, hình dạng cây thánh giá gồm một trụ đứng tượng trưng tình yêu đối với Thiên Chúa và một thanh ngang tượng trưng tình yêu đối với con người. Khi suy tôn và yêu mến thánh giá, chúng ta được mời gọi bắt chước Đức Kitô không những trong tình yêu đối với Thiên Chúa mà còn trong tình yêu đối với tha nhân và yêu họ như Người yêu thương chúng ta (x. Ga 13,34), tức là bằng một tình yêu hy sinh phục vụ. Cũng như trụ đứng và thanh ngang phải gắn liền với nhau mới thành cây thánh giá, thì tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân cũng phải luôn gắn liền với nhau như vậy. Và nếu nơi cây thánh giá, trụ đứng nâng đỡ thanh ngang thế nào, thì trên con đường thánh giá chúng ta đi, tình yêu Thiên Chúa cũng phải là động lực nâng đỡ tình yêu tha nhân như thế. Nói cách khác, chúng ta không thể thực sự yêu mến tha nhân, nếu trước hết chúng ta không có lòng yêu mến Thiên Chúa.

Cuối cùng, xin mượn lời của Hiến Chương Hội Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn để kết luận cho bài suy niệm hôm nay: "Thập giá của Đức Kitô biểu lộ tình yêu lớn nhất đối với Chúa Cha và nhân loại. Chị em Mến Thánh Giá đón nhận thập giá mỗi ngày làm bằng chứng tình yêu lớn nhất dành cho Đức Kitô và anh chị em đồng loại" (điều 63,2). Khi chọn bước đi trên linh đạo mến thánh giá, các chị em đã chọn cho mình con đường hoàn thiện theo gương Đức Kitô chịu đóng đinh. Dựa vào giáo huấn của Sách Giáo lý Hội Thánh công giáo (số 2015), Hiến Chương đã khẳng định: "Con đường hoàn thiện phải ngang qua thập giá, không thể nào đạt đến sự thánh thiện nếu không từ bỏ con người cũ, chiến đấu nội tâm và tu luyện" (điều 63,1). Vì thế, thật là chí lý khi có người nói: thánh giá là cái giá của sự thánh thiện.
 
ĐGM Matthêô Nguyễn Văn Khôi
 
Tác giả bài viết: ĐGM Matthêô Nguyễn Văn Khôi
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 14
  • Khách viếng thăm: 4
  • Máy chủ tìm kiếm: 10
  • Hôm nay: 1642
  • Tháng hiện tại: 109849
  • Tổng lượt truy cập: 12254109