Trang mới   https://gpquinhon.org

Lễ Thánh Anrê Phú Yên

Đăng lúc: Thứ bảy - 23/07/2016 07:11
LỄ Á THÁNH ANRÊ PHÚ YÊN.
( Lc 9, 23- 26 )


“ Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo tôi”
Lịch sử truyền giáo của Giáo hội cho ta nhận ra biết bao thú vị, mê say trong nhiệm cục cứu độ.  Cha trên trời luôn dành cho loài người hèn mọn ngỗ nghịch, những tâm tình ưu ái. Lòng thương xót vô biên của Ngài luôn chiến thắng những ích kỷ xấu xa nơi loài người chúng ta. Những thăng trầm biến chuyển của hành trình truyền giáo nơi Giáo hội công giáo Việt Nam đã vẽ lên bề mặt đức tin nơi người tín hữu những ấn tượng sâu sắc, đã khắc ghi vào chiều sâu đức tin những mầu nhiệm thiêng liêng tuyệt vời. Thập giá và tử đạo luôn luôn đồng hành với sứ mệnh truyền giáo của Giáo hội.
“ Lý do thứ hai là điều mà những người tốt phải chịu đựng ở thế gian này phải được xem như ân huệ của Thiên Chúa vì bảo đảm được rằng chúng ta không còn dính bén với tình yêu thế gian và hằng luôn chạy đến với Ngài. Những đau khổ là phương tiện chân thật để đạt được nước Trời. Đây chính là những con đường mà các thánh đã chọn và chính Đức Giêsu Kitô đã làm gương cho chúng ta. Đến nỗi mà nếu sau này tôi gặp thấy một giáo dân kêu ca phàn nàn về thánh giá của mình thì dường như đó là cách từ chối những phương tiện chắc chắn mà Thiên Chúa đã trao ban để đạt được hạnh phúc muôn đời.
Lý do thứ ba là nếu không có gian truân thử thách thì ta không bao giờ có thể thực hành hoặc thủ đắc các nhân đức cần thiết cho người tín hữu để được ơn cứu rỗi và đặt biệt để nói lên lòng trung thành của mình đối với Thiên Chúa, Đấng hằng mong muốn dẫn dắt những người được tuyển chọn bằng con đường thập giá. Kinh thánh cũng không nói lên được lý do nào khác hơn là Thiên Chúa cho phép những đau khổ xảy ra cho người lành là bởi vì điều đó chấp nhận được dưới mắt Ngài cũng như sự thử thách là cần thiết. Quia acceptus eras coram Domino necesse fuit ut tentatio probaret te (Tobia 12, 13).” ( trích thư Đức Cha Lambert gởi tín hữu đàng trong khoảng năm 1664 )
Phụng vụ lời Chúa hôm nay, câu chuyện bảy anh em và bà mẹ trong sách Ma-ca-bê quyển thứ hai, trình bày cho chúng ta những tấm gương hy sinh can trường, những hình ảnh tuyệt vời về niềm tin . Với lối lý luận sắc bén, thật sâu sắc, hợp lý và đầy tính thuyết phục, một bà mẹ khôn ngoan biết cách nâng đỡ tinh thần các con. Bà làm cho họ trở thành những con người anh hùng dũng mãnh, biết chọn cái chết oai hùng, xứng đáng tấm gương anh dũng trong niềm tin: “ Bà là người rất mực xứng đáng cho ta khâm phục và kính cẩn ghi nhớ, bà thấy bảy người con trai phải chết nội trong một ngày, thế mà bà vẫn can đảm chịu đựng nhờ niềm trông cậy bà đạt nơi Đức Chúa. Bà dùng tiếng mẹ đẻ mà khuyến khích từng người một, lòng bà đầy tâm tình cao thượng; lời lẽ của bà tuy là của một người phụ nữ, nhưng lại sôi sục một chí khí nam nhi...” ( 2 Mcb7, 20 – 21 ). Bởi đâu có được một bà mẹ và những người con như thế, nếu không phải đó là những con người biết kính sợ Chúa hơn sợ người đời, biết khiêm tốn vâng lời hơn cái kiêu ngạo ích kỷ, lợi ích riêng mình. Trước hết, hình ành Bà mẹ, có lòng đạo đức theo truyền thống cha ông, kính sợ và vâng lời Chúa, nhờ đó bà nên gương hy sinh cả những người con quý báu của đời bà cho niềm tin khả kính, đáng cho ta tâm đầu bái phục,  kế đến những người con biết kính sợ Chúa, vâng lời giảng giải khôn ngoan mẹ mình, vui vẻ chấp nhận hy sinh đời mình cho một niềm tin truyền thống kiên vững kiêu hùng của cha ông. Đặc biệt hình ảnh người con út của bà nổi bật đức tính hy sinh can trường
Tương tự như thế, chúng ta mừng lễ Á thánh Anrê Phú Yên mới 19 tuổi , vị Thánh bổn mạng của giáo lý viên. Thánh nhân cũng có một bà mẹ thật đạo đức thánh thiện, bà Gioanna. “ chúng ta biết rất ít về cuộc đời của bà Gioanna, thân mẫu của An rê Phú Yên, nhưng chỉ hai chi tiết nhỏ cũng đủ nói lên tất cả cuộc đời của người mẹ này. Tuy chồng chết sớm, nhưng con cái đã được bà giáo dục với tất cả lòng tận tụy và khôn ngoan. Bà đã không để con tim có khuynh hướng ích kỷ của một người mẹ ngăn cản lòng quảng đại đạo đức.” (trích lời dẫn nhập, Rực Sáng Một Vì Sao)
An rê Phú yên đã sớm trở thành gương anh dũng sống đức tin kiên vững, đức cậy thật vững bền và đức yêu mến nồng nàn thiết tha. Khi nói đến Á Thánh Anrê Phú Yên, ai cũng biết cuộc đời hy sinh hết mình của Ngài gắn bó với công cuộc rao giảng Tin Mừng lúc khởi đầu tại giáo hội Đàng Trong của Việt Nam. Thầy giảng Anrê đem cả cuộc đời mình diễn tả đậm nét lời mời gọi của Thầy Chí Thánh: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo tôi”
Cuốn RỰC SÁNG MỘT VÌ SAO, Trong Lời Dẫn Nhập, Đức Giám Mục Phêrô Nguyễn Soạn đã viết về Á thánh Anrê như sau: “ Tiểu sử đời Thầy không ai biết gì hơn ngoài chứng từ của cha Đắc Lộ. Vị thừa sai này đã đưa Thầy vào sống niềm tin Kitô và cũng chính Ngài chứng kiến Thầy chết anh dũng vì niềm tin. Đọc bài tường thuật cha Đắc Lộ ghi lại cuộc tử đạo của Thầy Giảng Anrê Phú yên, không ai không cảm phục lòng can đảm và đức tin sắt đá của Thầy. Khi bị hành quyết thầy mới 19 tuổi và chỉ sống niềm tin chưa tròn 4 năm. Ở buổi tinh sương của Tin mừng trên quê hương Việt Nam, làm sao một tân tòng như Thầy lại có thể lấy một lựa chọn dứt khoát sống sứ điệp Tin Mừng và kiên trì trung thành với lựa chọn này, bất chấp cái chết? Người ta nghĩ ngay đến phép lạ. Phải, tử đạo là ơn đặc biệt và giáo hội xem cái chết tử vì đạo, tự nó là một phép lạ.”( xem RỰC SÁNG MỘT VÌ SAO, trang 07 )           
Gương sáng anh dũng hy sinh vì đức tin của Anrê Phú yên gợi hứng những ước muốn hy sinh từ bỏ để sống gắn bó mật thiết với những đòi hỏi của Tin mừng, nhất là cho công việc rao giảng Tin mừng Nước Thiên Chúa bằng tinh thần tích cực đóng góp những khả năng có được nơi bản thân mình và bằng thái độ sống chứng tá niềm tin giữa đời thường nơi các giáo lý viên, các bạn trẻ nói riêng và cho các kitô hữu nói chung.
Ngày nay, có lẽ cảnh tử đạo máu chảy, đầu rơi không còn nhiều nữa, nhưng hơn bao giờ hết, chúng ta còn cần rất nhiều những con người có tinh thần tử đạo hy sinh, đổ những giọt mồ hôi, sức lực từng ngày, từng công việc, biết từ bỏ hy sinh những gì không phù hợp với đòi hỏi của Tin Mừng  trước hiện trạng xã hội và thực tế đau buồn ngày nay.
Khi nói đến hy sinh, từ bỏ, cũng có nghĩa là một cân nhắc chọn lựa, chọn điều này và bỏ điều kia. Đối với người ki tô chúng ta, chọn vinh quang Nước trời là một ưu tiên cho cuộc sống niềm tin của mình, cũng có nghĩa chúng ta được mời gọi từ bỏ chính mình và những gì thuộc về thế gian để chọn lấy thập giá và bước theo Đức Giê su trên con đường Ngài đã đi suốt đời người chúng ta. An rê Phú yên, bà mẹ Gioanna, cũng như  bảy người con và bà mẹ của họ hay các thánh tử đạo trong Giáo hội đều là những con người có một chọn lựa rõ ràng dứt khoát cho niềm tin vững mạnh, sống con đường thập giá với cả tâm hồn yêu mến, say mê với những bước chân trên đường nhân chứng hầu chiếm lấy vinh quang Thiên Quốc
 Những ai tâm huyết với đạo đức, niềm tin, với Tin mừng của Chúa đều phải suy nghĩ trước thực trạng xã hội hôm nay . Ai cũng nhận ra cách sống hưởng thụ lan tràn ồ ạt lấn chiếm tâm hồn con người khắp nơi. Con người ngày nay dường như muốn có cuộc sống dễ sung túc giàu có cho bản thân nhưng lại không mất nhiều công sức, họ lo toan tìm kiếm cách sống dễ dàng. Một trong những nguyên nhân tạo nên hiện tượng di dân đến những thành phố lớn, bỏ lại sau lưng nhiều vùng nông thôn không có người lao động, nhiều giáo xứ không có giới trẻ và người khỏe mạnh ngày nay là do người ta muốn thoát khỏi cảnh sống lao nhọc một nắng hai sương vất vả trên nương đồng. Họ tràn về những thành phố vì nghĩ rằng ở đó tìm kiếm những đồng tiền để trang trải cuộc sống dễ dàng hơn ở nông thôn. Thậm chí họ quan niệm chỉ có tiền mới giải quyết được các vấn đề cuộc sống và nhất là để có được cuộc sống tiêu thụ những thứ hàng hóa.
Trong tông huấn Niềm Vui của Tin Mừng, số 55, Đức Giáo Hoàng Phanxico nói như sau “ Một nguyên nhân của tình huống này được thấy trong mối quan hệ của chúng ta với tiền bạc, vì chúng ta thản nhiên chấp nhận sự thống trị của nó trên chúng ta và các xã hội của chúng ta. Cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay có thể làm chúng ta không để ý tới sự kiện nó phát sinh trong một khủng hoảng sâu xa về con người: sự chối bỏ địa vị tối thượng của con người! Chúng ta đã tạo ra các ngẫu thần mới. Việc thờ con bò vàng ngày xưa (xem Xh 32: 1- 35 ) nay đã trở lại dưới một dạng mới và sống sượng là việc sùng bái ngẫu thần tiền bạc và sự chuyen chế của một nền kinh tế phi nhân không có một mục đích nhân bản đích thực. Cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu bộc lộ rõ sự mất thăng bằng và trên hết là sự thiếu quan tâm đối với con người; con người bị giản lược vào một nhu cầu duy nhất của họ mà thôi: tiêu thụ”
 Một lối sống hưởng thụ như thế, việc tìm thấy ý niệm hy sinh từ bỏ phục vụ người khác nơi giới trẻ cũng khan hiếm dần theo thời gian. Nó cũng ảnh hưởng không nhỏ đối với cách sống của người ki-tô hữu hiện nay. Hay nói khác hơn, lối sống hưởng thụ đang xâm nhập, làm thay đổi quan niệm sống trong tư tưởng và dẫn đến tình trạng ô nhiễm niềm tin, nếu không muốn nói niềm tin bị đánh cắp nơi con người chúng ta nói chung và nơi các bạn ki-tô hữu trẻ nói riêng. Dần dần ý thức hy sinh, từ bỏ bị đánh mất một cách không hay biết theo thời gian. Thực tế này, chúng ta không thể phủ nhận, vì nó đang tồn tại,  đồng hành với nhịp sống.
“Nếu con cái của bạn đã trôi dạt, rời xa Giáo Hội, bạn không cô đơn. Giáo Hội Công Giáo đang xuất huyết người trẻ. Một nửa số trẻ người Mỹ lớn lên trong các gia đình Công Giáo (đúng 50%) không còn nhận mình là người Công Giáo nữa. Khoảng tám trong mười người (79%)đánh mất đức tin của họ trước tuổi 23. Một số thanh thiếu niên trôi dạt khi tìm kiếm bản sắc riêng của mình. Một số đã bị tổn thương bởi những người trong Giáo Hội. Những người khác trượt vào những lối sống xung đột với giáo huấn của Giáo Hội. Nhiều người vào đại học, kết thân với những người ngoài Kitô giáo hay những giáo sư hoài nghi, và dần dần mất đi niềm tin của mình. Một số bước vào thế giới, bắt đầu xây dựng một gia đình, bị cuốn trôi trong công việc, sở thích, và cuộc sống gia đình, và rồi mất niềm tin trong những tất bật này. Có rất nhiều câu chuyện nhưng hầu hết đều có chung một hệ quả tương tự: những người trẻ tuổi rời xa khỏi Giáo Hội.(trích “Ways Not To Lead Your Fallen-Away Child Back To The Church”, Brandon Vogt, Bản dịch tiếng Việt của J.B. Đặng Minh An )
Trước một thực trạng như vậy, điều chúng ta quan tâm đó là cần có những cách thức hiệu quả phục hồi lối sống theo những tiêu chuẩn của Tin Mừng, để có những con người dám sống mãnh liệt theo lời mời gọi của Chúa Giê Su : “ Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo tôi”
Từ khóa:

Anrê Phú Yên

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 43
  • Hôm nay: 5712
  • Tháng hiện tại: 154854
  • Tổng lượt truy cập: 12131641