Trang mới   https://gpquinhon.org

Lễ Thánh Simon và Giuđa Tông Đồ

Đăng lúc: Thứ hai - 27/10/2014 02:56
LỄ THÁNH SIMON VÀ GIUĐA TÔNG ĐỒ



Ðọc lại tiểu sử của các Vị Thánh,có thể mọi người sẽ cảm thấy thật bất ngờ vì Chúa chọn các Ngài vượt trên những tiêu chuẩn của người đời,vượt trên những suy nghĩ của con người.Môsê trong Cựu Ước là một con người ăn nói ngọng nghịu,không trôi chảy,không lưu loát .Ðavít,cậu bé có mái tóc hoe hoe vàng,thua sút anh em.Nhiều ngôn sứ cũng ấp a ấp úng khi được Thiên Chúa chọn lựa.Mười hai tông đồ trong Tân Ước cũng thế. Chúa Giêsu lựa chọn họ không phải vì họ xuất chúng.Ngài chọn lựa họ thật bất ngờ.

Hai Ðấng thánh mừng kính hôm nay cũng đã được Chúa tuyển chọn sau nhiều giờ cầu nguyện,sau những phút giây Chúa Giêsu hỏi ý Thiên Chúa Cha.Việc cầu nguyện để nói lên tính cách quan trọng của sự chọn lựa.Vì không có Chúa,con người chả là gì cả,con người chỉ là không không.

Trước khi chọn 12 tông đồ, Chúa Giêsu đã cầu nguyện suốt đêm: Dù là con Thiên Chúa, Chúa Giêsu vẫn cảm thấy cần cầu nguyện thường xuyên, nhất là trước những việc khó khăn, quan trọng. Ngài cũng khuyên môn đệ: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa cám dỗ”. Phêrô đã sa cám dỗ chối Thầy vì trước đó trong vườn Cây Dầu, ông đã ngủ thay vì cầu nguyện. Giuđa, sau bữa Tiệc Ly, đã bỏ ra ngoài đang khi Chúa Giêsu và các tông đồ khác cầu nguyện. Cho nên Giuđa đã sa ngã nặng nề. Như vậy cầu nguyện rất quan trọng, ta có thể hiểu cầu nguyện là gì?

Để trả lời câu hỏi "Cầu nguyện là gì," ta phải biết rằng việc tìm hiểu mà ta nhắm tới đây không phải là một tác động; nhưng là một phương pháp thực hành. Cầu nguyện không hẳn là một công việc, nhưng đúng hơn, cầu nguyện là một tâm tình. Thật ra, theo như sáchGiáo Lý của Giáo Hội Công giáo cho biết, cầu nguyện là " một sự liên lạc sống động giữa cá nhân mỗi người với Thiên Chúa hằng sống... mối tương quan sống động của con cái Thiên Chúa với Cha trên trời" (số 2558, 2565). Để hiểu ý nghĩa của việc cầu nguyện, ta phải sẵn lòng từ bỏ chính mình cho tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Giống như Mẹ Maria trong lúc Truyền Tin, ta phải hăng hái tự mình đáp lại tình yêu tự hiến hoàn toàn của Chúa với tất cả trái tim, linh hồn, trí khôn và sức lực của ta.

 Như vậy, cầu nguyện nghĩa là đứng trước mặt Chúa và nâng lòng trí ta lên cùng Ngài với tất cả lòng tôn kính và thờ lạy. Cầu nguyện là con đường tươi đẹp dẫn ta vào nguồn mạch vô tận của Thiên Chúa là Đấng hằng sống thật và vô cùng tốt lành. Cầu nguyện là tất cả lòng dâng hiến nhiệt thành của ta trong Chúa Thánh Thần để dâng lên Chúa Cha qua Chúa Giêsu Kitô.

Nếu không có cầu nguyện thì chúng ta giống như chiếc thuyến mà chỉ có một mái chèo: Một thanh niên thời đại mới lên một chiếc đò của một ông cụ già. Hai mái chèo của chiếc đò này rất đặc biệt: một mái có ghi chữ “Pray” (cầu nguyện), mái kia ghi chữ “Work” (làm việc). Chàng thanh niên mỉa mai : “Ông ơi, ông lỗi thời quá rồi. Khi người ta đã làm việc thì sẽ có đủ mọi thứ, cần chi đến cầu nguyện nữa?”. Cụ già chẳng nói chẳng rằng, lẳng lặng buông bỏ mái chèo “cầu nguyện”, chỉ còn chèo mái “làm việc” thôi. Kết quả là con đò cứ xoay vòng vòng, chẳng tiến được chút nào. Và xin nhắc lại một lần nữa

Cầu nguyện là một việc rất quan trọng trong đời sống người Kitô hữu vì cầu nguyện là lúc ta có thể gặp gỡ, lắng nghe những hướng dẫn của Chúa nhằm giúp ta thăng tiến trong đời sống siêu nhiên và cả đời sống tự nhiên. Nhờ cầu nguyện mà ta ngày càng được biến đổi và trở nên giống Chúa Giêsu. Mặc dù là Con Thiên Chúa nhưng Chúa Giêsu vẫn luôn chăm lo cầu nguyện một các liên lỉ.

Theo Tin Mừng Luca, Đức Giêsu thường cầu nguyện vào những thời điểm quan trọng. Ngài cầu nguyện khi nhận phép rửa của Gioan Tẩy giả. Ngài cầu nguyện một mình trước khi loan báo cuộc khổ nạn, khi đang cầu nguyện trên núi Ngài được hiển dung, khi đứng trước cái chết gần kề Ngài cầu nguyện trong xao xuyến. Lúc bị treo trên thập giá, Ngài cũng cầu nguyện cho kẻ giết mình. Đức Giêsu suốt đời là con người cầu nguyện.  Cầu nguyện đối với Ngài đơn giản là một cuộc gặp gỡ Cha.  Ngài thích gặp Cha vì Ngài là người con thảo hiếu. Ngài cần gặp Cha vì Ngài là người được Cha sai, để làm việc Cha giao.

Hai Thánh Tông đồ mừng hôm nay, chính trong lúc cầu nguyện mà ngài có đủ sức lực để làm việc của Thiên Chúa giao. Hai Thánh Tông đồ cũng đã sống một đời sống cầu nguyện và sông hết tình với người tông đồ được Chúa giao nhiệm vụ. Các Ngài đã ra đi và làm chứng cho Tin mừng của Chúa.Thánh Simon với biệt hiệu là “nhiệt thành”, Ngài đã đi rao giảng Tin Mừng ở Ai Cập và Ba Tư.Còn Thánh Giuđa,có biệt danh là Tađêô, con của Giacôbê, anh em với Chúa Giêsu.,thánh Giuđa rao giảng Tin Mừng tại Mésopotamia.

Hai thánh tông đồ đã gặt hái được rất nhiều kết quả trong việc rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa, đã đem được nhiều người quay trở về với Chúa Giêsu,với GiáoHội.Ðược thúc đẩy bởi Chúa Thánh Thần,với lòng nhiệt tình truyền giáo,vì ghen ghét các Ngài,các Ngài đã như mọi tông đồ khác được phúc tử vì đạo để làm chứng cho Chúa Kitô tại Ba tư và hy lạp.

Lạy Chúa, Chúa đã dùng lời các tông đồ rao giảng mà cho chúng con được biết danh Chúa. Xin nhận lời hai thánh tông đồ Simon và Giuđa cầu nguyện, mà cho Hội thánh phát triển không ngừng khắp nơi trên trần thế. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con. Amen.
Tác giả bài viết: Lm. Luy Huỳnh Anh Trung
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 4
  • Hôm nay: 4410
  • Tháng hiện tại: 93619
  • Tổng lượt truy cập: 12237879