Trang mới   https://gpquinhon.org

Mồng Ba Tết - Lễ Tro

Đăng lúc: Chủ nhật - 07/02/2016 07:12
MỒNG 3 TẾT – LỄ TRO
Ge 2,12-18; 2 Cr 5, 20-6,2; Mt 6, 1-6.16-18
 

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ, khởi đầu Mùa Chay Thánh bằng Lễ Tro năm nay lại trùng với ngày mồng 3 Tết -  Ngày thánh hóa công ăn việc làm của mọi tín hữu. Mọi tín hữu băn khoăn trong việc làm thế nào để giữ chay và kiên thịt cách trọn vẹn. Hiểu được điều đó, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã quy định dời việc giữ chay đến thứ 6 ngày 12 Tết, sau Chúa Nhật I Mùa Chay.

Sự trùng hợp giữa thứ 4 Lễ Tro và ngày mồng 3 Tết mang một ý nghĩa đặc biệt. Bởi lẽ, theo truyền thống Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, ngày mồng 3 Tết là ngày các tín hữu cầu xin Thiên Chúa chúc lành và thánh hoá công ăn việc làm trong năm mới. Giáo Hội nhắc chúng ta ý thức hơn về việc làm sinh lợi cho Thiên Chúa qua ân huệ và khả năng mà Chúa đã ban cho mỗi người chúng ta. Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo, Người muốn con người cộng tác vào công trình tạo dựng của Người qua đời sống lao công, đồng thời Người ban mọi ân huệ: thời gian, sức khoẻ và tài năng cho con người, để con người hoàn thành những gì Người đã giao phó. Mùa Chay Thánh trùng với ngày mồng 3 tết với ý nghĩa là : một khi con người bước vào mùa thanh luyện chiến đấu, mùa của hy sinh tiết chế, mùa của việc đại tu làm mới lại tâm hồn thì cũng chính là lúc con người cần thánh hóa tất cả mọi hành vi, tư tưởng lời nói và ngay cả việc làm. Như thế, việc bước vào Mùa Chay Thánh là bước vào một lộ trình có cả 2 là : ý thức sám hối tự thân và ơn thánh hóa của Thiên Chúa. Và như thế, chúng ta sẽ thực sự sống Mùa Chay cách thiêng liêng và hoán cải cách cụ thể.

Khởi đầu Lời Chúa hôm nay của Tiên Tri Giô-en là một lời kêu gọi thống thiết, với tính cấp bách cho hết cả mọi người, từ tư tế và dân chúng, người già và trẻ em :“Nhưng ngay cả lúc này, các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta, hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van.” Với lý do duy nhất là tất cả hãy sám hối để được ơn tha thứ. Cách thức sám hối theo lời mời gọi của Tiên Tri Giô-en không chỉ là việc khoác lên mình chiếc áo màu tím u buồn tang thương chết chóc, cũng không chỉ là xức tro trên đầu nói lên thân phận bụi đất của con người, nhưng đó phải là việc “xé lòng”. Ai “xé lòng” ai, chúng ta tự xé lòng mình hay chính Chúa mới là Đấng “xé lòng” chúng ta. Trước đó, Giô-en đã dùng động từ “hết lòng” trong câu “…các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta” mang chiều sâu tận trong tử tưởng, tâm tư và tình cảm, nghĩa là phải thay đổi cách triệt để nhất bằng ân sủng của Thiên Chúa và nhờ ân sủng Chúa tác động sẽ làm rung động tâm hồn và ban cho chúng ta sức mạnh “xé lòng”.

Kính thưa cộng đoàn, ngày hôm nay chúng ta đang đứng trước bất công và bạo hành đang diễn ra trên thế giới do người khác gây nên, chúng ta mạnh mẽ “xé áo” của mình như bằng chứng để tỏ ra bất bình, tố cáo và lên án sự ác đó chỉ bằng hình thức bên ngoài, có mấy ai thực sự nhức nhối lương tâm, “xé nát” cõi lòng để đồng cảm, yêu thương và cầu nguyện cho họ. Thế giới hôm nay không còn thiếu tiền tài, danh vọng và địa vị cho bằng thiếu tình yêu thương, bác ái và sự giao hòa. Khi chúng ta biết nới rộng con tim để chứa đựng sự cảm thông với tha nhân, cũng chính là lúc chúng ta phải hành động trong sự nhân từ của Thiên Chúa, vì chỉ có Chúa là “Đấng từ bi và nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương…”, chỉ có Ngài mới giao hòa được sự rạng nức và chia rẽ ngày trong chính nội tại của chúng ta, giữa chúng ta với nhau và giữa chúng ta với Thiên Chúa như Thánh Phaolô đã hết lòng van xin: “ Nhân danh Đức Kitô, chúng tôi năn nỉ anh em hãy làm hòa cùng Thiên Chúa”. Để có sự giao hòa với Chúa, chúng ta cần phải chấp nhận Thánh Ý Chúa để Chúa sẽ hoạt động và làm chủ đời ta.

Lời Chúa qua hai bài đọc Thánh Kinh trên có nội dung chính, đó là hãy sám hối tận cõi lòng để trở về với ơn tha thứ qua lòng nhân từ của Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa, qua Đức Giêsu Kitô đã giao hòa chúng ta bằng Máu Thánh của Người,“Ðấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người”. 

Tiếp theo, qua Tin Mừng của Thánh Matthêu hôm nay, Chúa Giêsu đưa ra cho chúng ta ba điểm thực hành căn bản nhất trong luật truyền thống của Môsê, đó là làm việc phúc đức, cầu nguyện và ăn chay. Thực hành ba điểm này trong Mùa Chay chính là đáp lại lời mời gọi sám hối của Thiên Chúa “các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta”. Trước hết Chúa Giêsu cảnh báo với chúng ta về tinh thần sám hối Mùa Chay khi thực hành ba việc :
  • "Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy…”
  • "Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả…”
  •  "Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả…”
 
Chúa Giêsu cảnh báo thói giả hình tôn giáo, lối hành xử của những ai tìm kiếm sự tán thưởng và lời ca tụng. Người môn đệ đích thực không phục vụ chính mình lẫn công chúng, nhưng phục vụ Chúa của mình, trong sự đơn sơ và quảng đại “và Cha của anh, Ðấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh”. Chúa Giêsu nhấn mạnh chính phẩm chất trong cách sống của chúng ta và cũng chính mối tương quan giữa chúng ta với Ngài mới thực sự cần thiết. Một viên carbon nếu nó là lộ thiên thì nó là những hòn than rẻ tiền, người ta vất lăn lóc khắp nơi. Trái lại, nếu nó được vùi sâu trong lòng đất, sau ngàn năm nó trở nên những viên kim cương óng ánh rất có giá trị. Xem ra mới thấy : Phô trương, ồn ào chỉ được đền đáp bằng những giá trị tầm thường. Ngược lại, âm thầm, kín đáo lại nhận được sự trân trọng. Thiên Chúa luôn trả lại cho những tâm hồn khiêm tốn một sự đền đáp xứng đáng.
           
            Kính thưa cộng đoàn, để sống trọn Mùa Chay Thánh, điều cần thiết là phải sống và thực hành cùng một lúc ba việc : phúc đức, cầu nguyện và ăn chay. Chúng ta hãy nghe Thánh Giám Mục Phêrô Kim Ngôn giải thích trong bài giảng của Ngài : “Anh em thân mến, có ba việc giúp cho đức tin được đứng vững, lòng đạo được chắc chắn và nhân đức được bền bỉ. Ba v iệc đó là cầu nguyện, ăn chay và làm phúc. Cầu nguyện là gõ cửa, ăn chay là được nhậm lời, làm phúc là nhận lãnh. Cầu nguyện, ăn chay, làm phúc: ba việc ấy chỉ là một và bổ túc lẫn nhau.Thật vậy, chay tịnh là linh hồn của cầu nguyện, và làm phúc là sự sống của chay tịnh. Đừng ai tách rời ba việc ấy, vì chúng không thể tách rời nhau được. Ai chỉ làm một trong ba, hay không làm đủ cả ba một trật, là chẳng làm gì hết. Vì thế, ai cầu nguyện thì cũng phải giữ chay, ai giữ chay thì cũng phải làm phúc…”

            Vì thế, ước mong Mùa Chay Thánh năm nay trùng với mồng 3 Tết – Ngày Thánh hóa công ăn việc làm là dịp đầu năm để mỗi người trong chúng ta cầu xin Chúa thánh hóa công ăn việc làm của chúng ta, đồng thời cũng thánh hóa luôn tinh thần sống Mùa Chay theo tinh thần của Phúc Âm hôm nay. Thực ra, ăn chay thì có thể làm kín đáo, cầu nguyện thì có thể “vào phòng đóng cửa lại”, còn làm phúc bố thí thì làm sao có thể “không cho tay trái biết việc tay phải làm” được? Chúa dạy chúng ta phải làm những việc tốt đẹp để giống như “ánh sáng chiếu giãi trước mặt thiên hạ”, người ta “xem thấy mà ngợi khen Cha anh em ở trên trời” (Mt 5,16). Vì thế, điểm phân biệt giữa việc làm phúc thật với việc “làm phúc giả” chính là ở ý hướng và thái độ của người làm: làm việc lành phúc đức không phải để “phô trương cho thiên hạ thấy” mà chỉ vì vinh danh Chúa. Nhờ đó trong Mùa Chay Thánh này, chúng ta được đổi mới và hưởng trọn vẹn niềm vui Ơn Cứu Độ. Amen.
 
 
                                                                                             
Tác giả bài viết: Lm. Fx Nguyễn Văn Toàn
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 7
  • Hôm nay: 3162
  • Tháng hiện tại: 158969
  • Tổng lượt truy cập: 12135756