Trang mới   https://gpquinhon.org

Đã có một ngày “khơi lại ngàn xưa”

Đăng lúc: Thứ bảy - 08/06/2013 19:08
Đã có một ngày “khơi lại ngàn xưa”
(Một chút cảm nhận nhân kỷ niệm 50 và 72 năm xây dựng nhà thờ Quảng Ngãi)

 
 

Có ai về đánh thức hồn non nước
Khơi lại ngàn xưa : đẹp trăng lên ?...
(Trần thoại Nguyên)
 
Trang Quảng Ngãi điện tử mấy ngày đầu tháng 6 cho tôi những tin tức vui buồn thế sự: nào là ngôi trường Ba Xa thuộc huyện miền núi Ba Tơ trống trước hở sau; nào là những nhà vệ sinh của các trường phổ thông trong tỉnh có giá xây dựng trên 600, 700 triệu cho một diện tích vài chục mét vuông…; nào là Trạm cứu hộ Lý Sơn đi vào hoạt động nhằm hạn chế  nỗi đau mất mát của người dân vùng biển đảo xa xôi hay  chuyện  khai quật tàu chứa  cổ vật tại  vùng biển Châu Thuận - Bình Sơn làm sáng thêm nền văn hóa Sa huỳnh …  

Không biết có được bao nhiêu người  may mắn như tôi, không chỉ đọc được những thông tin trên báo  mà còn tận mắt chứng kiến những tin vui: Tôi thấy những thanh thiếu niên từ Lý Sơn mang hương tỏi Đức Tin, vượt  trùng khơi  về đây đón nhận ơn thánh;  tôi thấy người thiếu nữ trong bộ áo dài  trắng  với vóc dáng và gương mặt dễ thương, người đang giữ tủ thuốc cho hội trại Hồng Ân  đứng vòng tay từ xa tham dự một thánh lễ dài hơn thường lệ trong chăm chú và sốt sắng như muốn tận hưởng những giây phút thánh thiêng chưa từng thấy trong đời. Nghe nói “người ấy” đến tận Bình Châu…; tôi thấy mấy em nhỏ  chỉ chỏ vào tấm bản đồ lớn bên phải nhà thờ bảo nhau rằng: Nhà thờ mình nằm  ở chỗ này,  nằm ở chỗ kia  với nét mặt tươi vui như tìm lại được ngõ về sau thời gian dài lưu lạc…Tôi không thấy nhưng nghe được, chắc là không sai, có những khách sạn, nhà nghỉ của anh em lương dân cho chúng tôi trú ngụ trong đêm 6/6/2013 miễn phí, nhiều gia đình trong giáo xứ đón tiếp chúng tôi đầy tình huynh đệ…Tôi còn thấy nơi trang cuối  của tập giấy phổ biến chương trình tổng quát mừng 72 và 50 năm xây dựng nhà thờ Quảng Ngãi có trang hướng dẫn một số địa điểm dịch vụ mà đọc qua tưởng chừng chỉ là trang hướng dẫn bình thường như giúp khách thuận tiện liên hệ khi cần. Nhưng không chỉ có vậy. Dẫu chưa biết Chúa nhưng họ muốn có mặt trong giáo xứ qua trang cuối của tập giấy này như một chia sẻ nhiệm vụ phục vụ của mình. Dường như họ hiểu rằng: Nhà thờ đâu chỉ của người Công giáo mà là của  những người thiện chí và hảo tâm. Tôi còn thấy nụ cười, cái nắm tay thật chặt của quý chức thuộc ban chức việc trong không khí rộn ràng, cấp tập trước  sự đông đảo đột xuất này; có lẽ giống như các Tông đồ của 2000 năm trước, họ được Chúa nhắc  nhở:  “Chính anh em hãy cho họ ăn” (Lc 9,13). Đặc biệt, tôi nhìn thấy người chủ chăn nhỏ con, sống trọn vẹn tâm tình phó thác và luôn lạc quan nhìn về phía trước khi ngài nói với tôi: “Thấy có bầu khí lắm”.

Nếu việc qui tập những cổ vật ở vùng biển Bình Châu là cần thiết cho việc xác nhận sự có mặt của một nền văn hóa thì đêm hoan ca diễn nguyện lại cần thiết hơn nhiều để chúng tôi xác nhận lại sự có mặt của Tin Mừng Cứu Độ qua hình ảnh của các địa danh An Chỉ,  Bầu Gốc, Phú Hòa, Cù Và, Trung Tín… và xa hơn  là Nước Mặn, Gò Thị,  Mằng Lăng…

Trong bài thơ: Thương về núi Ấn sông Trà, thi sĩ Trần Thọai Nguyên có viết:

         …   Bồ xe nước con sông Trà chết giấc
                Thiên Ấn buồn nhìn Thiên Bút hết thiêng !
                Có ai về đánh thức hồn non nước
                Khơi lại ngàn xưa: Đẹp trăng lên ?...
 
Thưa nhà thơ, có rồi đó. Họ về từ vùng núi xa xôi Ba tơ; Trà Bồng, từ Lý Sơn sóng gió, từ Trà Câu, Gia Hựu, Châu Ổ, Châu Me…từ nhiều vùng đất xa xôi heo hút khác là hậu quả của một thời ly loạn, xiêu tán, từ những mảnh đời khốn khó, lẻ loi… để  quỳ gối chung nhau trong một băng quỳ, cuối đầu trước bàn thờ, lòng bồi hồi thổn thức như đôi tân hôn ngày cưới đón nhận sự chúc lành của Chúa.

Trăng đã lên, đẹp lắm. Quỳ trong ngôi giáo đường đã 50 năm xây dựng tưởng chừng như rệu rã theo thời gian nhưng hôm nay mặc chiếc áo cưới thanh khiết, trắng ngần, tôi thấy giáo đường bẽn lẽn  như cô thanh nữ lớn tuổi lần đầu trao nhẫn khi phận duyên đến chậm lúc chứng kiến những chiếc cột cao vút  được xức dầu thánh hiến.

Nếu Chúa chưa thực hiện quyền năng của Ngài nơi anh Nick, người không tay không chân, khi chậm trao cho anh đôi chân cụ thể để được mang giày thì Chúa đã làm phép lạ nơi ngôi thánh đường rộng lớn mà 50 năm qua chưa một lần qui tụ được số người đông đảo chật kín từ trong ra ngoài như thế. Khi thấy đông đảo tín hữu tuôn về, tôi tin rằng Chúa đã chia sẻ ưu tư, bức xúc của Giám mục Giáo phận khi trong thư gởi giáo hạt Quảng Ngãi nhân ngày cử hành năm đức tin trước đó, ngài viết … “Giáo hạt Quảng Ngãi   chỉ có 7 giáo xứ với tổng số giáo dân là 9.473 người, một con số quá khiêm tốn gây bức xúc cho mọi thành phần Dân Chúa”.

“Chuyện tình 50 năm Quảng Ngãi”  đã là chuyện thời sự nổi bật, là chuyện HOT mấy hôm nay.

Có những cái NÓNG (hot) như những bản tin thời sự, đọc xong hết nóng hoặc như đường dây nóng sẽ đứt khúc khi hai đầu dây không muốn nhìn nhau; có những cái nóng của nam thanh nữ tú (hotboy – hotgirl) sẽ không còn nóng khi thời gian đi qua; có những cái nóng như cái nóng của thời tiết, sẽ hết nóng khi Thu đến, Đông về nhưng có cái nóng không bao giờ hết nóng, cái nóng của Thánh Tâm, cái nóng của Lòng thương xót Chúa vì cái nóng này nuôi dưỡng tình yêu, lòng khoan dung tha thứ và liên kết vững bền. Chúng ta tin rằng cái NÓNG của nhà thờ Quảng Ngài sẽ khơi lại được ngàn xưa để ánh trăng đức tin không chỉ sáng đêm rằm nhưng sáng mãi nhiều đêm trong tháng, vì nơi đây có nhiều tâm hồn đang chờ ngóng trăng lên.
Tác giả bài viết: Trần Tuy Hòa
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 10
  • Khách viếng thăm: 9
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 6665
  • Tháng hiện tại: 157305
  • Tổng lượt truy cập: 12134092