Trang mới   https://gpquinhon.org

Sống đạo giữa đời II (Hoa Biển 13)

Đăng lúc: Thứ ba - 22/04/2014 13:20

NGƯỜI KHÁCH CỦA BA
* Maria Xí (Gx.Bàu Gốc)
 
Hồi đó, trong suy nghĩ của anh chị em nhà tôi, nghe có khách là mừng lắm. Dù phải bận rộn lo dọn nhà đón khách, nhưng bù lại chúng tôi được khách cho quà nên rất thích. Và nhờ có khách nên bữa cơm gia đình thêm vài món ngon, đó là thông lệ của gia đình tôi. Với tôi, những ngày có khách là những ngày vui.
Nhưng hôm ấy lại là một người khách đặc biệt, bởi khách không đến vào dịp hè hay dịp tết, mà vào một ngày cuối mùa đông. Khách đến không báo trước mà do được mời bất ngờ, khách không có quà để cho bọn tôi.
…Trưa hôm ấy, đi học về, tôi thấy Ba đang pha nước ấm trong một cái thau gia đình hay dùng cho khách rửa mặt.
-  Thưa Ba con đi học về! - Tôi lên tiếng.
-  Ừ! Thay đồ rồi xuống bếp phụ Má dọn cơm nghe con! - Ba tôi bảo.
-  Dạ! - Tiếng đáp của tôi thật gọn theo chân sào nhảy trên thềm nhà. Định nhảy tiếp, tôi chợt khựng lại: “Ai đây?”. Tôi tự đặt câu hỏi trong đầu khi đứng lại khoanh taychào khách:
-  Con chào Bà ạ!
Bà cụ già khẽ gật nhẹ đầu đáp lễ. Tôi nhẹ nhàng chầm chậm bước qua phòng học của anh em tôi. Từ phòng học nhìn qua phòng khách, tôi lén quan sát bà cụ già Bà khoảng trên 70 tuổi, lưng còng, mà nhất là ánh mắt đượm một vẻ buồn đầy lo toan. Cất cặp vở xong, thay đồ rồi tôi vọt nhanh xuống bếp.
-  Má ơi! Nhà mình có khách hả Má?
-  Ừ! Phụ Má dọn bàn đi con.
-  Dạ. - Tôi lon ton dọn lau bàn, bày chén đũa, phụ bê thức ăn lên. Vừa lúc đó, các anh chị cũng về đông đủ, bữa cơm đã dọn sẵn trên bàn.
-  Mời cụ rửa mặt rồi vào dùng cơm ạ! - Tiếng Ba tôi nói với người khách.
Bà cụ chậm rãi rời ghế, bước ra phía hè, nơi Ba tôi đã chuẩn bị khăn và nước ấm. Sau vài phút khua nước rửa mặt và tay, Ba tôi đưa Bà vào phòng ăn. Anh chị em bọn tôi đã chờ sẵn ở đó. Hôm ấy, Bà khách già không giống như khách thường khi, vì thường khi khách luôn gắp thức ăn cho bọn tôi, hôm ấy thì ngược lại, Ba tôi là người luôn gắp thức ăn cho khách.
- Mời cụ dùng ạ! - Mỗi lần lấy thức ăn cho khách, Ba tôi đều kính cẩn thưa mời như Ba tôi đã từng làm cho Bà Nội lúc Bà còn sống.
Trong bữa cơm, Ba Má và các Anh chị lớn cùng người khách nói chuyện về mưa gió bão lũ miền Bắc (hồi đó, cứ ngoài Huế trở ra, mọi người đều nói là miền Bắc). Lũ trẻ bọn tôi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, ngạc nhiên về sự hiện diện bất ngờ của người khách lạ mà chưa được hiểu rõ quan hệ với gia đình, đến cách tiếp kính cẩn của Ba Má, cách ăn dè dặt của khách, chuyện bão lũ mưa gió khi nắng ấm mùa xuân đang từng ngày xua tan lạnh giá...
Sau bữa cơm, Ba tôi kêu tôi pha trà mời khách, rồi Ba tôi mở lời mời:
-  Mời cụ ở lại với gia đình con!
-  Cảm ơn! Không thể được, để Bà về với con cháu của Bà chứ. - Bà cụ đáp lời mời của Ba.
-  Gia đình con sẽ phụng dưỡng Cụ. - Ba tôi thêm lời thuyết phục.
-  Dạ, không được đâu, cho tôi xin phép ạ! - Bà cụ lại từ chối.
- Vậy con xin biếu Cụ. - Má tôi đã chuẩn bị sẵn từ bao giờ một bị gạo khoảng hơn 10 lon gạo (phân nửa số gạo còn lại trong thùng gạo ở nhà) và 50 đồng bạc (50 đồng hồi đó phải là hơn nữa gánh lúa quê).
-  Ồ! Cảm ơn quá, cảm ơn quá! - Bà Cụ rối rít nhận về bị gạo và tiền. Lúc đó tôi đã lờ mờ hiểu chuyện.
-  Vậy Cụ về bình an, - Ba tôi chia tay người khách già và quay lại bảo người Anh lớn.
-  Con lấy xe đạp đưa Bà xuống đường lộ.
-  Dạ! - Anh tôi trả lời rồi dắt Cụ Bà ra xe.
-  Chở Bà cẩn thận nghe con. - Tiếng Má tôi vọng theo, và thế là người khách ra đi.         Ánh nắng xế chiều cuối đông trên đất Quảng theo sưởi ấm Bà. Không còn nghi ngờ gì nữa, tôi đoan chắc Bà là người hành khuất bất đắc dĩ bởi thiên tai lũ lụt ở miền xa, được Ba tôi mời về nhà dùng cơm trưa.
Đột nhiên Ba tôi nói như đang cầu nguyện: “Xin trời thôi đừng mưa gió nữa…”. Và cũng từ hôm đó tôi thấy mình lớn lên thêm.
Hôm nay viết lại câu chuyện này, xin như nén tâm hương dâng lên Ba, với lòng biết ơn đầy kính trọng về bài học làm người Ba đã để lại cho chúng con, bài học yêu thương. Bài học từ cách đón tiếp “Người khách lạ” của Ba Má đã dạy cho chúng con “làm người”.
 
 
 
 
BỮA CƠM GIA ĐÌNH
* Anna Trần Vũ Khánh Ly (Gx.Đại Bình)
 
Năm giờ chiều, trống trường báo giờ tan học, bé Linh vội vàng thu dọn sách vở. Cả ngày học trên trường nên cô bé cảm thấy đói bụng, Linh chỉ muốn chạy thật nhanh về để thưởng thức những món ăn của “vị đầu bếp giỏi nhất thế gian” đích thân trổ tài. Trong mắt của cô bé 10 tuổi thì Ba Mẹ lúc nào cũng là nhất, là số 1. Vừa về tới nhà, cái miệng của Linh cứ liếng thoắng và không ngừng gọi Mẹ. Đáp lại điệu bộ dễ thương của cô bé chỉ là một sự im lặng đến đáng sợ, không có ai ở nhà cả. Một lát sau, tiếng chuông điện thoại bàn reo lên, là điện thoại của Mẹ: “Linh ơi! Con tắm rửa rồi qua nhà ngoại chơi nhé! Tối nay mẹ phải làm tăng ca nên về trễ”. Linh chỉ vừa đáp “Dạ” và chưa kịp nói gì thêm thì đầu đây bên kia đã kêu “tút tút…”. Thế là, lại một lần nữa Linh không được ăn cơm chung với Mẹ. Lâu lắm rồi Linh không được ngồi ăn chung bàn với Mẹ, Mẹ bận việc suốt, khi về đến nhà thì Linh đã ngủ. Nói là lâu vậy nhưng thật ra lần gần đây Linh ăn cơm chung với Mẹ là hôm chủ nhật, như thế là đã đủ lâu với cô bé rồi. Giữa Linh và Mẹ có một giao kèo là cứ tối thứ sáu, dù bận rộn hay mệt mỏi thế nào đi nữa, hai mẹ con cũng phải dành thời gian cho nhau. Cả tuần, Linh chỉ háo hức mong sao nhanh tới thứ sáu để thoả sức ăn những món Mẹ nấu, và hơn hết là có một khoảng thời gian để Linh kể Mẹ nghe những chuyện mà cô bé gặp phải. Đó là những con điểm 10 trong vở, những lần cô giáo khen, chuyện Linh được chọn đi thi học sinh giỏi, và cả những câu chuyện nhỏ nhặt hằng ngày, Linh đều muốn kể hết cho Mẹ nghe. Nhưng lần nào cũng vậy, chưa kể được bao nhiêu thì Linh đã ngủ trong vòng tay Mẹ lúc nào chẳng hay.
Hôm nay là thứ sáu, cú điện thoại làm cho bé Linh hụt hẫng nhưng rồi cô bé cũng đành làm theo lời Mẹ dặn. Tắm rửa xong, cô bé lủi thủi qua nhà Ngoại. Mấy năm nay, kể từ khi Mẹ được thăng chức, Linh ở nhà Ngoại nhiều hơn ở nhà, ăn cơm Ngoại nhiều hơn cả cơm của Mẹ. Cũng vì vậy mà Linh đâm ra ghét ăn cơm nhà Ngoại. Đứa con nít như Linh sẽ không ái ngại ánh mắt của Cậu Mợ dành cho nó, chỉ là vì con bé Hiền, con của Cậu Mợ cũng là bạn cùng lớp của Linh, luôn dành cho Linh một sự khó chịu và không mấy thiện cảm. Hiền ghét Linh ra mặt chỉ vì Linh học giỏi hơn nó, Linh có thứ đồ chơi mà nó ao ước có, và vì nhà Linh có điều kiện hơn Hiền. Không những Hiền mà các bạn bè cùng trang lứa trong xóm đạo nhỏ này cũng thế. Sự ghen ghét của trẻ con đó chỉ khiến ai nhìn vào cũng thấy đáng yêu và bật phì cười. Linh luôn tỏ ra là người ưu tú không những về việc học trên trường mà cả việc học giáo lý, việc đọc kinh xem lễ và cả mức độ ngoan ngoãn thì Linh vẫn luôn là nhất. Cũng chính khoảng thời gian ở hai nhà đã giúp Linh trở nên như vậy. Mẹ lúc nào cũng đốc thúc và luôn tạo điều kiện tốt nhất để cô bé được học tập tốt. Còn Ngoại là mẫu gương đạo đức, luôn bảo ban dạy dỗ Linh, đặc biệt là về vấn đề đạo hạnh, điều mà trước giờ Mẹ vì mải mê cơm áo gạo tiền mà không lo được cho Linh.  Linh luôn là tấm gương mà các bậc phụ huynh mong muốn con mình được như thế và luôn đem Linh ra so sánh mỗi khi dạy bảo con cái. Mọi thứ Linh có ai cũng ao ước, nhưng họ đâu biết có một điều mà Linh luôn ao ước có được. Điều đó không quá xa vời, cũng chỉ là một điều ước rất đỗi bình thường mà bạn Linh ai cũng đang sở hữu: Bữa cơm gia đình đạm bạc nhưng có cả ba và mẹ.
Bao lâu rồi nhỉ? Bữa cơm cuối cùng như ao ước của Linh là khi nào Linh cũng không nhớ rõ nữa. Linh chỉ nhớ bữa cơm ấy ba mẹ cãi nhau rất to, hình ảnh của ngày hôm đó luôn ám ảnh Linh. Người Ba mẫu mực mà Linh luôn xem là thần tượng đã mượn chén rượu đánh Mẹ, và người Mẹ dịu hiền lại không ngừng đay nghiến Ba. Linh chẳng biết lí do gì mà Ba Mẹ trở nên như thế, nhưng đối với cô bé như Linh mà nói thì điều đó thật kinh khủng! Ngay hôm sau, Ba đã chuyển công tác vào Nam và kể từ đó chưa về nhà lần nào.
Linh nhớ Ba. Thỉnh thoảng, Ba vẫn gọi điện cho cô bé nhưng điều đó chưa bao giờ là đủ với đứa con nít luôn muốn gọi tiếng Ba mỗi ngày. Nhưng rồi, các cuộc gọi cũng thưa dần và nhạt dần. Linh nhớ Ba đến nỗi cô bé không muốn bước chân vào vườn, nơi đầy ắp kỉ niệm của Ba và cô bé. Trong vườn, Ba chỉ trồng toàn là hoa đồng tiền, hoa mà Linh thích nhất. Ba và Linh chăm bón cho hoa rất cẩn thận. Đối với Linh, dường như hoa là biểu tượng cho tình cảm của Ba và Linh. Kể từ khi Ba đi, hoa không còn nở nữa. Ba không bao giờ nói thương Linh, cũng chẳng bao giờ dành cho Linh một nụ hôn hay cái ôm nào, nhưng Linh là cô bé thông minh đủ để nhận biết tình yêu thầm lặng mà Ba dành cho cô con gái bé bỏng của mình. Vẫn nghe tiếng Ba qua điện thoại, ngày nào cũng xem ảnh Ba,  nhưng có một sự thật là Linh không nhớ nỗi khuôn mặt Ba và giọng nói của Ba. Mơ hồ lắm!
Linh nhớ Mẹ, người Mẹ luôn bên cạnh Linh. Nghe thật buồn cười, nhưng thật sự Linh và Mẹ giống như ở chung một nhà hơn là một gia đình. Linh luôn nhớ người Mẹ dịu dàng và đảm đang trước kia. Linh cứ đinh ninh rằng Mẹ không còn thương cô bé nữa, lúc nào Mẹ cũng la mắng cô bé, cũng đặt áp lực cho cô bé. Nhiều lúc, những gì Mẹ làm với Linh làm Linh nghẹt thở và mệt mỏi, nhưng Linh không ghét Mẹ vì Linh hiểu vì sao Mẹ lại làm vậy. Từ ngày Ba đi, Mẹ gánh vai trò trụ cột trong gia đình, người phụ nữ ấy đã trở nên một phụ nữ mạnh mẽ và luôn dạy con gái mình sống tự lập, không được dựa dẫm vào ai cả. Mẹ phải cố gắng gấp đôi, nỗ lực gấp đôi để lo cho Linh có một cuộc sống đầy đủ nhất. Cũng chính vì vậy mà Linh dần xa cách Mẹ, Mẹ dần không hiểu được Linh muốn gì, Linh cũng không mấy cười đùa khi về nhà hay sà vào lòng mẹ mỗi khi khóc nhè nữa.
Linh nhớ những bữa cơm gia đình, tuy đơn sơ đạm bạc nhưng thật ấm áp. Vẫn là những món ăn Linh thích nhất, vẫn là những câu chuyện không đầu không đuôi mà Linh kể với Ba Mẹ, những nỗi phiền muộn trong công việc của Ba, những câu chuyện Mẹ nghe được lúc đi chợ… nhưng ai nấy đều vui, tiếng cười giòn giã làm tan đi những mệt mỏi của ngày dài tất bật. Linh nhớ những lúc cùng Ba xem đá bóng khuya khiến Mẹ phải càu nhàu vì hai cha con cứ bình luận loạn cả lên làm Mẹ không ngủ được. Linh nhớ cả lúc Ba phì cười khi thấy hai mẹ con ngồi khóc thút thít vì coi phim tình cảm. Linh nhớ hơn cả là những lúc sau giờ cơm, cả nhà cùng quây quần bên bàn thờ và đọc kinh gia đình chung với nhau, Linh cố đọc thật to và rõ ràng những kinh mà cô bé thuộc… Những giây phút ấy thật linh thiêng và ấm cúng làm sao!
Những lúc mà nỗi nhớ cứ cồn cào da diết như vậy, Linh chạy đến với Ngoại và khóc thật nhiều. Ngoại hiểu những gì cô cháu gái mình đang trải qua. 10 tuổi, cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới như Linh mà phải chịu nhiều mất mát về tinh thần, cái tuổi đáng ra phải hồn nhiên vô tư nhưng lúc nào cũng suy nghĩ nhiều. Thật đáng thương! Những lúc thấy cháu như vậy, Ngoại chẳng an ủi gì cả, chỉ ôm cô bé vào lòng, vỗ vỗ vào lưng cô bé. Linh vẫn luôn nhớ lời Ngoại dạy: “Khi xảy ra bất cứ việc gì, buồn hay vui, để giữ bình tĩnh, con hãy đọc thật chậm Kinh Lạy Cha. Nỗi buồn của của con sẽ vơi đi và niềm vui sẽ nhân đôi”. Chính vì vậy mà dù Ngoại không làm gì nhưng bất cứ khi nào có chuyện gì, Linh vẫn tìm đến Ngoại trước tiên.
Trải qua kì thi cuối kì đầy căng thẳng, Linh được Mẹ thưởng cho một bữa cơm ngon lành, biết bao là món ngon. Cô bé say sưa ăn mà không biết chuyện gì xảy ra. Mẹ có gì đó rất khác lạ. Đang ăn, Mẹ đưa cho Linh điện thoại của Mẹ và bảo nghe điện thoại Ba. Linh ngạc nhiên vì bình thường Ba chỉ gọi vào điện thoại bàn mà thôi. Nhưng rồi Linh cũng vội cầm máy và nói không ngừng với Ba vì dạo này Ba ít gọi về cho cô bé. Ba im lặng nghe Linh kể hết mọi chuyện rồi chợt Ba lên tiếng:
- Thôi nào con gái, đừng kể nữa, con nói nhiều quá rồi! Tết này Ba sẽ về, mặc sức cho con muốn kể gì thì kể, Ba đều nghe hết!
- Ba lại chê con nói nhiều nữa rồi… - Nhưng chợt Linh cảm thấy điều gì đó bất thường trong câu nói của Ba. Tết Ba về? Con bé sợ mình nghe nhầm nên vội hỏi lại.
- Không nhầm đâu con gái, Tết này Ba sẽ về với con nhé! Con chịu không?
Ba biết con gái đang bất ngờ và sung sướng đến mức nào. Nếu Ba không khẳng định lại bằng một lời xin lỗi thì cô bé sẽ không ngừng hỏi Ba “Có thật không Ba?”, và tiếp tục hoài nghi lời hứa Tết này sẽ về của Ba. Còn Linh, sau cuộc nói chuyện ấy, Linh cứ liên tục hỏi Mẹ có phải cô bé đang mơ không, và không hiểu vì sao mọi việc lại xảy đến bất ngờ như vậy. Linh không tin vào tai mình nữa. Đêm đó, cô bé không ngủ được. Hôm sau, cô bé liền vội chạy qua Ngoại và khoe với Ngoại. Không những là Ngoại, Linh còn khoe với bất cứ ai mà Linh gặp, kể cả với những người ghét cô bé. Ai nhìn Linh lúc này, nếu không biết chuyện gì xảy ra đều ngỡ con bé có vấn đề về thần kinh mất. Sự sung sướng thái quá của cô bé làm Mẹ thấy ái ngại, nhưng Mẹ cũng không làm gì cả và mặc kệ như vậy. Hôm đó, Linh được Mẹ đưa đến trường, vừa đến lớp cô giáo và mẹ nhìn nhau cười như thân thiết lắm nhưng lại ẩn chứa điều gì đó muốn giấu Linh.
Một tuần trước, cả lớp phải làm bài kiểm tra Tập làm văn cuối học kì. Cô giáo ra đề: “Các em hãy tả bữa cơm gia đình”. Đề văn dường như quá dễ với học sinh, cả lớp ai cũng cặm cụi với bài thi và viết không ngừng nghỉ, duy chỉ có một mình Linh là ngồi thần ra đó. Cô bé vẫn để giấy trắng và không viết gì cả. Đề văn này thực ra không quá khó với cô bé. Với sức học của Linh thì cô bé có thừa sức viết nên bài văn giàu cảm xúc. Linh có thể viết nên bài văn với cảnh gia đình bên nhau hạnh phúc như thế nào, nhưng sự lừa dối đó dường như là quá tàn nhẫn với  Linh. Cô bé chỉ nhớ tới bữa cơm gia đình cuối cùng, chỉ nhớ tới hình ảnh Ba Mẹ lúc ấy như thế nào. Ngoài bữa cơm ấy, mọi thứ khác đối với Linh đều mơ hồ và khó diễn tả. Mọi cảm xúc chất chứa, sự gắng gượng lâu nay lại ùa về. Cô bé chợt úp mặt xuống bàn và khóc. Cô giáo cầm trên tay bài làm của cô học trò cưng, những nét bút nguệch ngoạc hoà lẫn với những giọt nước mắt khiến bài làm chỉ là tờ giấy lem luốc. Sau giờ thi, cô giáo xin Linh số điện thoại của Mẹ. Linh sợ Mẹ sẽ biết bài làm của Linh nên không dám cho cô giáo. Hiểu được tâm trạng của Linh, cô giáo chỉ xoa đầu và an ủi Linh rằng sẽ không có chuyện gì xảy đến với cô bé đâu. Sau ngày hôm đó, cô giáo đã xin hẹn gặp mẹ Linh. Cô giáo nói rằng Linh đã bỏ giấy trắng trong bài thi cuối kì vừa rồi. Lúc đầu mẹ Linh giận lắm nhưng Mẹ cũng kịp lấy lại bình tĩnh và tiếp tục nói chuyện với cô giáo. Cô giáo đưa cho Mẹ bài làm của Linh. Nhìn đề bài, nhìn tờ giấy thì ít nhiều Mẹ Linh cũng hiểu vì sao con gái lại như vậy.
Đêm đó, Mẹ Linh đã suy nghĩ rất nhiều, Mẹ trằn trọc cả đêm và thỉnh thoảng lại nghe tiếng thở dài của Mẹ. Mẹ quyết định có một cuộc nói chuyện đàng hoàng với Ba Linh. Mẹ đã bỏ đi vỏ bọc mạnh mẽ và bảo thủ bấy lâu nay mà nói chuyện với Ba Linh, cũng như nói lên nỗi lòng và mong muốn níu kéo một gia đình. Mẹ Linh cho Ba Linh có thời gian suy nghĩ, và lúc mà Ba quyết định chính là lúc Ba nói chuyện điện thoại với Linh qua máy Mẹ.
Còn về phía Linh, sau bài thi hôm ấy, Linh cảm thấy sốc và buồn lắm. Vì đề thi hôm ấy đã làm Linh suy nghĩ về vấn đề của mình một cách nghiêm túc chứ không phải là trốn chạy, cách mà bấy lâu nay cô bé vẫn làm để vượt qua. Cô bé chạy vội về phòng, đóng cửa lại. Con bé khóc thật nhiều, con bé không chạy đến Ngoại như mọi khi nữa. Con bé vừa khóc vừa thầm trong miệng rằng:
“Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.
Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.
Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ…”.
 
 
 
 
GIÁNG SINH LÀ HY VỌNG     
* Matta Võ Thị Tuyết Trinh (Gx.Gò Thị)
 
Khí trời lạnh, sương mù dày đặc, đã hơn 6h mà nhìn qua khung cửa sổ cứ tưởng chừng mới 5h. Cái lạnh như muốn níu kéo tất cả lùi vào quá khứ của hôm qua. Cái lạnh ấy như làm đóng băng và khóa chặt sự mệt mỏi, chán chường của mọi thứ. Bởi sự ấm áp trong chăn và sự trông chờ vào mùa Giáng Sinh đã xóa tan hết những bận tâm của mọi người sau những giờ làm việc và học tập.
Vào những ngày đông, mọi người như chạy đua với thời gian, cuộc sống trở nên tất bật, bận bịu hơn. Ai nấy cũng háo hức chuẩn bị cho mùa Giáng Sinh. Ùa vào không khí ấy, hơn ai hết thì mấy cô cậu học trò là những người vui mừng nhất. Bởi mấy cô cậu mới vừa hoàn thành chương trình học kì 1 kéo dài gần 5 tháng. Giờ thì các cô cậu có thời gian nghỉ ngơi và đón mừng ngày Giáng Sinh vui vẻ cùng bạn bè. Chúng tôi cũng như ai đó, cũng háo hức cùng lên kế hoạch cho đêm Giáng Sinh. Chúng tôi dự định sẽ tổ chức tại nhà "nhỏ " Trinh, bởi nó là người theo Thiên Chúa Giáo, đã thế nhà nó lại gần nhà thờ, quả là nơi thuận lợi để chúng tôi có đêm Giáng Sinh vui vẻ.
Hôm ấy, mới 2h chiều chúng tôi đã tất bật lo trang hoàng, chuẩn bị cho bữa tối vui Noel với những món ăn ngon đã được định sẵn. Chúng tôi dự định sẽ hoàn tất công việc trước 8h tối để còn kịp vào nhà thờ xem "chương trình đêm canh thức". Cuối cùng, mọi thứ cũng kịp như dự tính. Trong sự phấn khởi, chúng tôi bước nhanh chân tới nhà thờ mà chẳng ai để ý tới cái sự "trầm lặng" lạ thường của nhỏ Trinh. Cứ thế cho đến khi kết thúc chương trình canh thức và rồi Thánh Lễ cũng qua, lúc này chúng tôi mới giật mình khi nhỏ Trinh biến mất. Nó bỏ chúng tôi lại đây, nó đi lúc nào chẳng ai biết. Và rồi cái ý nghĩ là nó đã về nhà trước rồi gieo vào đầu chúng tôi. Cứ thế, chúng tôi vẫn tiếp tục cuộc vui, tự "sướng" cho mình với những tấm ảnh chụp đẹp nhất, đặc biệt là những khoảnh khắc đẹp nơi hang đá. Trong phút chốc dòng người cũng ít dần, xa dần thánh đường. Cũng đã đến lúc chúng tôi phải quay về nhà nhỏ Trinh để tiếp tục cuộc vui của "Đêm Giáng Sinh". Khuất sau sự ồn ào, náo nhiệt của ngày hội Noel, chúng tôi không muốn xa nơi tuyệt đẹp này. Chúng tôi cố quay lại nhìn lần nữa nơi ấy thì thấy bóng dáng nhỏ nhắn của ai đó đang quỳ ở hang đá Đức Mẹ trong khuôn viên nhà thờ. Chúng tôi ngạc nhiên và cũng có phần tò mò trong đó, thế là chúng tôi quyết định vào lại nhà thờ xem thử là ai đang ở đó. Chúng tôi không khỏi bất ngờ khi nhìn thấy nhỏ Trinh đang quỳ gối, chúng tôi đi nhẹ nhàng đến để xem nó đang làm gì. Chúng tôi thấy nó chắp tay rồi nghe tiếng lắp bắp trong miệng nên cố gắng đi khẽ để không làm kinh động đến nó. Rồi, chúng tôi nghe được cái gì mà “cảm ơn, cảm ơn Mẹ… Xin Mẹ ban bình an cho gia đình con. Mỗi lần Giáng Sinh về là mỗi lần Mẹ mang đến cho con sự hy vọng. Năm nay có thể gia đình con không có đêm Noel ấm áp như mọi nhà vì anh Tư còn đang phải cải tạo ở nhà giam. Song con biết, con còn nhiều Giáng Sinh hoàn hảo hơn khi anh biết sửa sai…". Chúng tôi không biết con nhỏ Trinh đã nói gì trước đó, nhưng đấy là những gì chúng tôi nghe được khi đến chỗ nó. Lúc này chúng tôi mới chợt nhận ra cái trầm lặng lạ thường và sự biến mất không lý do của nó lúc nảy là vì niềm hy vọng trong nó.
Rồi chúng tôi cũng trở về nhà nhỏ Trinh để tiếp tục chương trình. Phải nói chương trình vui Noel của chúng tôi rất hoàn hảo. Nhưng tôi nghĩ nó sẽ hoàn hảo hơn nếu như tôi và các bạn đều biết đặt sự hy vọng như nhỏ Trinh. Thay vì chúng tôi gửi lời chúc tốt đẹp đến người thân, bạn bè hay những thứ trang trí cho bữa tiệc của đêm Giáng Sinh, thì tôi nghĩ, nên hy vọng vào một Đấng Tối Cao. Đấng ấy đã sinh ra làm người để hoán đổi những con người tội lỗi, để mọi người sẽ thấm nhuần được tình yêu thương của Thiên Chúa. Bởi vì Giáng Sinh là dịp để chúng ta, những người Kitô hữu khẳng định: "Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng ta".
 
 
 
 
TÌNH ĐÊM GIÁNG SINH
 * Anê Nguyễn Thị Thảo My (Gx.Quảng Ngãi)
   
Cột đuôi tóc thật cao ngúng nguẩy, My sãi nhẹ đôi giầy mới, từng bước nhè nhẹ tung tăng...
- My… My…
- Ừ, My đây, có chuyện gì không?
- Hôm nay My đẹp quá!
- Giầy mới, áo mới mẹ vừa mua cho mà không đẹp sao được! Vậy còn bạn, áo mới bạn đâu?
Ngân buồn buồn bỏ đi không nói lời nào, giấu đi đôi mắt ứa lệ. My thản nhiên tung tăng một cách hãnh diện, bỏ mặc bạn ở đó...
Tuổi thơ đi qua là thế. Hôm nay My cũng chưa đủ lớn để gọi là trưởng thành, nhưng với My những cái đẹp như quần áo giầy dép mới không còn quan trọng nữa. My chợt cảm thấy trống vắng, buồn và nhớ bạn.
 Giáng Sinh này bạn đang ở đâu hả Ngân?    
 Tiếng thở dài đưa My về với thực tại trong sự hối tiếc. Giá như ngày xưa mình biết sẻ chia, quan tâm đến nỗi niềm của Ngân, thì giờ đây My đâu có mất bạn. Nhà Ngân nghèo, mẹ thì mất sớm, một mình bố nuôi ba chị em Ngân, ăn còn chưa đủ no làm gì có áo đẹp… Ôi, My thấy hối tiếc vô cùng. Ngân ơi, bạn đang ở đâu?  
  Tiếng than thở não nề đưa bước chân My đến bên hang đá lúc nào không hay. My quỳ bên máng cỏ thì thào trong nước mắt: “Chúa ơi, ngày xưa cũng tại những ích kĩ của nhân loại như con đây mà Chúa phải chịu sinh ra trong hang lừa giá lạnh, chịu chết trên Thánh Giá đau thương… Chúa ơi, Chúa có bỏ nhân loại như con đã bỏ rơi bạn con không Chúa?”.
- My… My…
- Ôi… Ngân… Ngân ơi, mình nhớ bạn lắm!
My ôm ghì lấy Ngân thật chặt mà quên mất những giọt nước mắt hối lỗi thầm thì bên Chúa, thay vào đó là những giọt nước mắt vui mừng được gặp lại bạn xưa.
Lạy Chúa, xin cho con biết chia sẻ những niềm vui, những nỗi bất hạnh với những người xung quanh dù là việc nhỏ nhất, để đời con không bao giờ còn có những lần phải hối tiếc. 
 
 
 
 
QUYỀN ĐƯỢC KHÓC
* Maria Goretti Lê Thị Ry Na (Gx.Phú Hòa)
 
Một mình dưới ánh đèn lờ mờ của phòng ăn, tôi ngồi đó, những giọt nước mắt lặng lẽ rơi…
Cuối cùng, tôi cũng đã đưa được bọn nhóc vào trong giường ngủ. Trong hoàn cảnh một người chị chăm lo cho hai đứa em, tôi vừa phải làm cha, vừa phải làm mẹ của chúng. Hằng ngày, tôi phải tắm cho chúng, vừa chịu đựng những tiếng la hét inh ỏi, vừa phải tránh né những cú đập tay làm tóe nước khắp cả phòng tắm. Đó là chưa kể phải ngồi gần cả tiếng đồng hồ dỗ cho hai đứa ăn, rồi chạy theo chúng từng bước khắp căn nhà để thu dọn những món đồ mà chúng vứt lung tung. Đến khi lên giường rồi, chúng cũng chỉ chịu nằm yên sau khi tôi xoa lưng gần năm phút cho mỗi đứa. Nhưng một ngày của bọn trẻ sẽ chưa thể kết thúc nếu tôi không lấy cây ghita ra, và bắt đầu gẫy lên giai điệu của những bài dân ca quen thuộc. Cuối cùng là bài “Ngựa con xinh đẹp” mà cả hai đứa đều rất thích.Tôi hát đi hát lại bài này, dần dần giảm tiết tấu và âm lượng cho đến khi bọn trẻ đã chìm sâu vào giấc ngủ.
Cha mẹ tôi qua đời cách đây hơn sáu tháng rồi, nhưng quả thật, tôi vẫn không thể nào quen được cuộc sống thiếu cha mẹ. Điều duy nhất giữ cho tôi tỉnh táo và cố gắng sống tốt chính là hai đứa nhóc. Tôi đã cố sống bình thường như trước kia. Tôi cố giữ nét mặt tươi cười, cố giữ cho sinh hoạt của chúng không thay đổi gì nhiều so với những gì chúng đã quen. Cho đén hôm nay, có thể nói tôi đã làm điều đó rất tốt. Cuộc sống gia đình vẫn diễn ra bình thường, chỉ có một sự khác biệt duy nhất, nhưng cũng quan trọng không ít, đó là ba mẹ của chúng tôi đã vĩnh viễn ra đi không còn bên cạnh chúng tôi nữa.
Hôm nay, cũng như mọi ngày, tôi đã làm xong mọi công việc phải làm .Một ngày thiếu vắng mẹ cha lại sắp trôi qua… Đợi bọn nhóc ngủ say, tôi mới nhẹ nhàng đứng dậy, cố gắng không gây tiếng động. Bởi nếu chúng thức giấc, tôi sẽ phải hát thêm và kể thêm nhiều câu chuyện khác nữa. Nhón chân ra khỏi phòng, tôi khép cửa và đi xuống cầu thang. Buông mình xuống chiếc ghế tại bàn ăn, tôi chợt nhận ra từ lúc đi học về đến giờ tôi mới có thời gian để ngồi. Vừa về đến nhà là tôi phải vội vã nấu cơm và dỗ cho hai đứa ăn. Rồi đi rửa chén bát trong khi mắt vẫn không rời khỏi chúng. Xong phải giúp đứa lớn giải bài tập lớp hai, khen bức vẽ của đứa nhỏ và trầm trồ ngạc nhiên trước khối xếp hình lego của nó. Dọn dẹp, tắm rửa, kể chuyện, xoa lưng, hát ru… tất cả đã xong. Giờ đây, tôi mới có một ít phút nghỉ ngơi ngắn ngủi cho mình. Sự tĩnh lặng giúp tôi thanh thản, có vẻ như vậy.
Nhưng rồi cảm giác mệt mỏi, gánh nặng trách nhiệm, nỗi lo về các hóa đơn phải thanh toán…  lại ập đến. Chỉ mấy tháng trước đây, tôi vẫn còn bên cha mẹ, như những người bạn để chia sẻ những nỗi lo phiền trong cuộc sống… Vậy mà giờ đây, quanh tôi chỉ có sự cô đơn thôi. Tôi thấy mình đang chìm dần dưới hố sâu bế tắc. Cùng một lúc, tất cả bủa vây lấy tôi. Nỗi đau, niềm nhớ thương da diết, nỗi xót xa cho bọn trẻ, cho mình… xâm chiếm lòng tôi, biến thành những giọt mặn cay sè trên mắt. Bỗng nhiên, một vòng tay nhỏ nhắn từ phía sau ôm lấy tôi nhẹ nhàng. Tôi quay lại, là em kế tôi. Nó nhìn tôi với vẻ mặt thông cảm yêu thương lẫn lo lắng. Quá bối rối, tôi buột miệng:
- Chị xin lỗi Mina, chị không biết rằng em vẫn còn thức.
Tôi không hiểu tại sao mình nói điều đó, nhưng rất nhiều người xin lỗi khi họ khóc và tôi cũng không phải là ngoại lệ. Tôi cố điềm tĩnh lại :
- Chị không muốn khóc, chị xin lỗi. Chỉ tại tối nay chị cảm thấy hơi buồn thôi.
- Không sao đâu chị. Khóc không có gì là xấu cả - Mina thỏ thẻ.
Không thể diễn tả được nỗi vui sướng trong tôi khi đứa em gái bé bỏng nhưng  thông minh và sâu sắc đã cho phép tôi được khóc. Con bé như nhắn nhủ với tôi rằng, tôi không cần phải lúc nào cũng tỏ ra mạnh mẽ. Nước mắt sẽ là phương thuốc hiệu nghiệm để nỗi nhức nhối trong lòng mình vơi đi.
- Nhưng sao giờ này mà em còn thức hả, Mina? - Tôi thắc mắc.
- Có Giêsu gọi em dậy và dắt em vào đây, chị à! - Con bé vừa trả lời, vừa leo vào lòng tôi.    
- Thật vậy sao, thế Ngài có nói gì với em không ?
- Dạ không, Ngài chỉ mỉm cười. Nhưng chị biết không, bất cứ lúc nào em muốn em cũng gặp được Người, vì Người luôn ở bên gia đình mình đó chị.
Những lời của Mina khiến tôi như bừng tỉnh. Cảm ơn em Mina đã nhắc cho tôi điều ấy. Và cảm ơn Giêsu, người Cha hiền yêu dấu của con.
 
 
 
 
LỰA CHỌN
* Phanxica Nguyễn Thị Thảo Ngọc (Gx.Bàu Gốc)
 
Nó cảm nhận được sự vất vả nơi Bố Mẹ. Nó biết cũng là vì cái nghèo mà nhiều lần Mẹ nó càu nhàu Bố nó, Bố nó thì to tiếng lại với Mẹ nó. Những lúc như thế nó chẳng biết phải làm thế nào, cứ ngồi lặng yên trên chiếc giường gỗ, mặt cũng không lộ ra cảm xúc buồn hay chán ghét gì cả. Nó ngồi đơ mặt như thể tâm trí nó đang xuất thần dạo chơi ở một nơi nào thật xa…
Lần này nó lại hớn hở xếp quần áo vào vali, lên đường về quê đón cái Tết Giáp Ngọ 2014. Bố Mẹ nó tươi cười dang tay đón nó. Nó như đứa trẻ thơ đói lòng gặp cánh tay đưa ra đỡ nâng. Nó vui lắm cơ, một đứa con xa gia đình vào tận phương Nam ăn học. Nó chỉ mong nguyện ước của nó thành hiện thực: Trở thành một cô giáo cấp hai tài-đức vì trẻ em nơi miền núi nghèo. Nhưng đôi lần cái ước nguyện cao đẹp đó cũng làm nó đắn đo suy nghĩ thật nhiều, bởi cái nghèo vẫn vây quanh nó từng ngày. Bố Mẹ nó vẫn đang nai lưng ra nuôi nó ăn học. Học xong nó lại lên miền núi giúp đỡ trẻ em nghèo, rồi ai sẽ nuôi Bố Mẹ nó ở tuổi già yếu đây? Hay nó cứ xin vào trường gần nhà, mỗi tháng bèo bèo có vài ba triệu, an nhàn sung sướng tấm thân và con lo được cho Bố Mẹ. Nó vẫn đang mãi suy nghĩ phân vân về điều ấy…
Chiều nay, nó cũng lại ngồi trầm tư trên chiếc giường gỗ năm nào vẫn chưa được thay chiếu mới. Bố Mẹ nó lại cãi nhau, cũng chỉ vì Mẹ nó cố tráng thật nhiều bánh để kiếm tiền đưa cho nó cầm vào sau đợt tết này. Bố nó đuối sức (vì mới mổ hồi tháng trước) không làm nổi, thế là lại to tiếng với nhau. Nó chợt nhớ lại câu Lời Chúa nó “hái lộc” được đầu năm: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ Thầy, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28, 19).  Nó suy nghĩ mãi, hay là Chúa muốn mời gọi nó. Nó thấy lo sợ trước lời mời gọi đó. Nhiều lúc nó giả vờ như Chúa nói với ai đó thôi, hay là nó hái nhầm của người nào đó mặc dù trước khi lên hái lộc nó cầu nguyện với Chúa rất chân thành. Nó lo sợ điều gì? Nó sợ từ bỏ hạnh phúc của một mái ấm gia đình với những đứa con thơ. Nó sợ những cuộc vui chơi hát hò sẽ không còn tham dự được. Nó sợ cái Tết gia đình thiếu vắng hình bóng nó và nhiều thứ khác nữa. Có lẽ nó chưa dũng cảm và thật sự suy nghĩ nghiêm túc cho lắm. Nó vẫn thích chơi bời tung tăng nhảy hát. Nhưng chiều nay, câu Lời Chúa đó thốt nhiên lại vang lên trong tâm trí. Nó tự nhủ với lòng mình: “Hãy thử một lần đi!”. Và rồi nó có thêm một nguyện ước nữa cộng thêm vào cái ước nguyện  thuở nhỏ: Nó sẽ “lấy tình yêu thương để đáp trả tình yêu thương”.
 
 
 
 
CẢM TẠ HỒNG ÂN
 * Anê Trần Thị Cẩm Lệ (Gx.Kiên Ngãi)
 
Thời gian thấm thoát trôi qua, một năm cũng đã đủ để cho ta lớn lên cả thể xác lẫn tâm hồn. Nhìn lại thời gian đó, đã có rất nhiều chuyện xảy ra với nó.
Nó nhớ như in ngày nó đạt được học sinh tiên tiến của trường THPT. Trong suốt 3 năm học ở đó, nó luôn mơ ước nhận được danh hiệu ấy. Rồi 2 năm  qua đi nó vẫn không đạt được. Đến năm cuối cùng, nó dường như bỏ cuộc. Thôi mệt lắm rồi, chấp nhận vậy! Nhưng đến lúc thi học kì 1 của năm 12, nó cũng cầu nguyện nhiều lắm. Và kết quả đã đúng như nó mong đợi, kì 1 rồi kì 2 nó đều duy trì được kết quả đó. Cầm cuốn vở phần thưởng trên tay, nó cảm thấy tự hào về mình, nó đã làm được điều nó muốn, và nó cảm thấy thật hạnh phúc.
Năm cuối cấp nên nó còn phải thi tốt nghiệp nữa, áp lực nhiều lắm chứ: Nào là phải thi đậu, nào là phải đạt điểm thế này, nào là… Nó sợ lắm! Không biết sao khoảng thời gian đó nó đến nhà thờ nhiều lắm, siêng năng hẳn ra. Sau mỗi giờ Thánh lễ, nó đều lẩm nhẩm một điều gì đó trước khi ra về. Chợt nghĩ, chắc lúc đó nó định “mua chuộc” Chúa để Ngài làm phép mầu cho nó vượt qua kì thi! Nhưng đó thật sự là thời gian mà nó cảm thấy lo lắng nhất vì các tin đồn: Đề năm nay khó lắm, giám thị coi gắt lắm... Nhưng nhờ ơn Chúa Thánh Thần soi sáng, nó cũng đã vượt qua kì thi quyết  định cuộc đời ấy. Cảm ơn Chúa, Mẹ, cảm ơn những người thân trong gia đình, cảm ơn quý Cha, Sơ, anh chị em đã thêm lời cầu nguyện cho các sĩ tử tụi nó. Nhờ những lời cầu nguyện đó mà nó đã tự tin hơn trong kì thi.
Mà đâu phải chỉ thi tốt nghiệp, nó còn phải thi ĐH-CĐ nữa. Thời gian ôn thi đó, nó không chú tâm gì mấy, cứ đến trường học rồi về nhà là ngủ, bài vở thì không xem lại, và cứ thế ngày này qua ngày khác. Vào Sài Gòn nó ở chung với anh chị nó và 2 người chị em họ bằng tuổi với nó. Nó nhớ mang máng câu Kinh Thánh: "Ở đâu có hai ba người họp lại vì danh Ta, thi Ta ở giữa họ". Chứ còn với nó thì: "Ở đâu có hai ba người họp lại tại một nơi, thì nơi đó có nô đùa!". Ba sĩ tử họp lại là không học hành gì nữa, suốt ngày chỉ đùa giỡn, xem phim, rồi chờ tới ngày để thi. Tự hỏi không biết tụi nó đi thi hay đi chơi?           Đợt 1, đợt 2 rồi đợt 3, tất cả cũng đã xong. Và nó không nghĩ ngợi gì nữa, chỉ chờ kết quả thôi. Nó nhớ nhất là đợt thi thứ 2, ba chị em nó được vào ở trong giáo xứ Tân Phước. Nó biết và vào ở đó được là nhờ người anh mà nó quen trên Facebook. Chỉ mấy ngày ở đó thôi mà đã có biết bao nhiêu kỉ niệm lưu lại trong nó. Hình ảnh người Cha xứ nhỏ nhắn mà tài giỏi, người anh Tư hiền từ, các anh chị huynh trưởng, bạn bè từ bốn phương sẽ còn đọng lại mãi trong nó. Lại một lần nữa nó cảm tạ Chúa.
Sau đợt vào Sài Gòn, về đến nhà nó nhận được thông tin là nó được đi tĩnh tâm với các chị em và 2 Sơ ở cộng đoàn MTG THANH HẢI - NHA TRANG. Nó vui lắm. Trước đây nó chưa từng đến một cộng đoàn nào để tim hiểu về ơn gọi hết. Thế mà giờ đây nó lại được.. Cảm ơn người đã giới thiệu nó với Sơ phụ trách dự tu nhiều lắm. Cảm ơn Chúa đã tạo cho nó một cơ hội để tìm hiểu về Dòng Mến Thánh Giá QUI NHƠN. Cảm ơn Ngài đã đánh động ơn gọi trong nó.
Niềm vui không ngừng ở đó, đi tĩnh tâm về nó lại được tham gia vào chuyến hành hương đến các giáo xứ ở giáo hạt Phú Yên. Đây là lần đầu tiên nó đạt giải trong cuộc thi mà nó đã thi 3 lần. Chuyến hành hương đã đưa nó đến thăm những giáo xứ mà trước đây nó chưa từng đến. Rồi những người bạn mới, những tấm ảnh kỉ niệm lại in dấu trong nó. Ôi, với nó tất cả là hồng ân.
Sau chuyến hành hương đó về nhà, nó biết được kết quả thi của nó. Và... rồi một thời gian nó hoang mang, sợ hãi vì một số lí do mà giờ nó không muốn nhắc lại nữa. Nhờ ơn Chúa nó đã vượt qua được quãng thời gian tồi tệ đó, và giờ nó đang theo học ngành nó thích. Nó được mời gọi vào sinh hoạt với các chị ở Cộng đồng MTG Gò Vấp. Rồi nó được tham gia trong một nhóm những Admin trên Facebook và đã được gặp gỡ giao lưu ngoài thực tế. Nó được sống và quen với những người bạn tốt. Nó được gặp những người chị mà trước giờ nó chỉ nói chuyện trên facebook chứ chưa hề gặp mặt. Người thì ở Đồng Nai, người thì ở Miền Tây, và đặc biệt lá người chị gái ở tận ngoài Thái Bình. Nó nhớ như in cái ngày chị em nó gặp nhau ở Dòng Chúa Cứu Thế.
Nó cũng tập tò đi làm thêm. Trước giờ nó chưa hề biết phục vụ cho ai, còn lúc đi làm thì  hoàn toàn ngược lại, nó làm trong các nhà hàng tiệc cưới. Ngày đầu tiên nó đi làm, nó bắt đầu đi lúc 3 giờ chiều và 11 giờ đêm nó mới mò về tới nhà. Sau đó nó nhận được số tiền là 55 ngàn cho buổi tiệc ngày hôm đó. Nó chợt thấm thía và hiểu ra kiếm được đồng tiền đâu phải dễ. Để có được tiền cho anh chị em nó ăn học thì ba má nó phải bỏ ra biết bao sức lực khó nhọc, công sức đó không thể nào đem ra mà đong đếm được.
Cản tạ Chúa đã ban cho nó có một gia đình với đầy đũ ba má, anh chị. Tự hỏi một năm qua nó đã làm gì tốt đẹp cho Chúa đâu mà Ngài lại ban cho nó nhiều ơn lành như vậy? Nhiều lúc nó còn thầm trách Chúa tại sao thế này, thế nọ. Lúc đau buồn thì nó luôn tìm đến và buông lời cầu xin, còn lúc vui sướng thỏa thuê thì nó lại bỏ mặc Ngài. Nó thật đáng tội mà!
“Thiên Chúa là tình yêu” là như thế đó các bạn! Ngài luôn bên ta dù ta có đối xử với Ngài ra sao. Một năm mới lại đến, xin Ngài ban cho nó và tất cả mọi người thêm ơn khôn ngoan để nhận biết được ơn lành của Ngài và thêm phần làm sáng Danh Ngài. Xin Chúa thứ tha mọi lầm lỗi của chúng con.
Vì muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương! Giờ đây nó đã tin tất cả là hồng ân.
 
 
 
Tác giả bài viết: Hoa Biển 13
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Từ khóa:

Hoa Biển 13

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 7
  • Hôm nay: 2495
  • Tháng hiện tại: 158302
  • Tổng lượt truy cập: 12135089