Trang mới   https://gpquinhon.org

Sống yêu thương I (Hoa Biển 14)

Đăng lúc: Chủ nhật - 20/07/2014 18:51
MỘT BÀI HÁT - MỘT CHẶNG ĐƯỜNG
* Gioakim Nguyễn Vũ Hồng Kha (Gx.Cây Rỏi)
 
Tôi sắp xếp lại đống sách vở lại cho gọn gàng để chuẩn bị cho việc ôn thi tốt nghiệp. Vừa gác chồng sách lên kệ thì có thứ gì đó rơi xuống. Tôi nhặt lên: là cuốn sổ tay ghi những bài hát sinh hoạt trong Hội trại Đặng Đức Tuấn lần IV. Vừa lật ra tôi đã thấy ngay bài “Anh em ta về”, thấy vui vui, tôi lẩm nhẩm hát: “Anh em ta về cùng nhau ta quây quần nè 1, 2, 3, 4, 5. Anh em ta về cùng nhau ta sum họp nè 5, 4, 3, 2,1…”. Kỷ niệm những mùa Đặng Đức Tuấn chợt ùa về trong tôi.
- Một đều chân bước nhé!
Những bước chân nhịp nhàng theo điệu nhạc, vòng tròn di chuyển rập ràng, những bàn tay đan lấy bàn tay, những khuôn mặt rụt rè còn bỡ ngỡ hiện lên dưới ánh lửa bập bùng trong đêm lửa trại. Đêm nay khuôn viên nhà thờ Chính Tòa vui hơn hẳn vì có các bạn trẻ từ khắp Giáo phận về tham gia Hội trại Đặng Đức Tuấn lần thứ nhất. Mặt trời vừa tắt nắng thì ánh lửa trại cũng vừa nhen, và rồi ánh lửa ấy cứ cháy, cháy mãi trong lòng của những bạn trẻ yêu văn thơ trong gia đình Đặng Đức Tuấn. Đêm đã về khuya mà chẳng ai chịu ngủ, cứ hát hò, trêu chọc nhau. Hậu quả là bị anh trại trưởng “giáo huấn” cho một trận nên thân (thực ra có nghe được gì đâu vì giọng anh cũng như giọng chúng tôi, đã khàn đặc mất rồi). Rồi khi tạm biệt, đoàn người ấy bắt tay nhau, trao cho nhau những lời thân ái. Những bước chân hăng say khởi hành, ra đi về muôn nơi gieo niềm tin mới. Tôi còn nghe đâu đây những câu khẩu hiệu không đụng hàng mà chúng tôi dùng để “troll” nhau:
- Mùa Xuân… Héo úa!
- Mùa Hạ… Nóng nực!
- Mùa Thu …Im re!
- Mùa Đông…Lạnh lẽo!
Tôi cười, chẳng biết có ai còn nhớ gì không? Bài hát lại tiếp tục:
- Hai quay nhìn nhau đi!
Tôi quay nhìn những khuôn mặt ấy, có khuôn mặt say xe xanh như tàu lá của cô Tuyết Trinh, có khuôn mặt hớn hở của những đứa nhóc khi lần đầu tiên đến thăm linh địa La Vang, có những khuôn mặt mệt bở hơi tai khi leo lên tượng đài Đức Mẹ Trà Kiệu, và có cả những khuôn mặt của những người bạn mới quen. Điều tôi nhớ nhất chính là lần gặp mặt tình cờ với một người chưa từng quen khi ghé thăm Đan viên Thiên An. Chuyện là tôi có mua một bức tượng nhỏ làm quà cho người quen, nhưng vô tình tôi và một người nữa lại chọn phải hai bức tượng hoàn toàn giống nhau và cùng tặng chung một người. Thấy hơi kì kì nên tôi có ý định đổi lại nhưng không kịp nữa rồi vì đã đến lúc chuyến xe phải lăn bánh. Tôi vội bước lên xe thì chợt phát hiện ra còn một người nữa cũng có bức tượng nhỏ kiểu đó nhưng không giống của tôi. Tôi vừa nảy ra ý định làm quen rồi sẽ đổi tượng thì trùng hợp hơn khi tên đó chủ động làm quen trước. Hắn hỏi:
- Bạn là Kha phải không?
- Sao bạn biết?- Thoáng chút ngạc nhiên, tôi hỏi lại.- Mà bạn tên gì?
- Linh Vũ!
- Ở giáo xứ nào?
- Tui ở Kỳ Tân.
Thế là một tình bạn mới bắt đầu tình cờ như vậy. Thú thật đến bây giờ, đôi lúc tôi (một đứa “xứ nẫu”) cũng chẳng hiểu thằng bạn “Quảng Ngữa” nói cái gì. Chợt tôi ngĩ về Quảng Ngãi. Bài hát vẫn tiếp tục:
- Ba cầm tay chắc nhé, không muốn ai chia lìa.
Câu hát này tôi muốn hát riêng cho Đặng Đức Tuấn lần III và chuyến hành hương Quảng Ngãi. Tôi đã chờ đợi, đã hi vọng nhưng cuối cùng chỉ còn lại số không, khi tôi biết tin mình không thể tham gia hội trại với mọi người. Những khuôn mặt thân quen, những lời hứa “Hẹn gặp lại” hiện lên như trách tôi tại sao không tham dự. Rồi ba ngày trại cũng qua, không biết Thiên Chúa có ý gì khi ngày kết thúc chuyến hành hương cũng là ngày bắt đầu đợt tĩnh tâm dự tu của Giáo phận. Hôm đó, tôi đang lủi thủi một mình nơi Chủng viện thì tụi bạn đi chơi Quãng Ngãi về, nghe tụi bạn kể lại chuyến hành hương vừa rồi mà tôi chỉ biết ganh tị. Tôi tự hứa với mình sẽ cố gắng thật nhiều để năm sau có thể gặp lại “Những vì sao thập tự” thân yêu ấy. Và rồi điều ấy đã thành hiện thực. Tôi tiếp tục bài hát:
- Bốn nhớ rằng chúng ta bốn bể anh em một nhà!
Một nhà! Đúng rồi, Đặng Đức Tuấn là một gia đình. Trong gia đình ấy có vị Cha già đáng kính và các cha đồng hành luôn nhiệt tình, vui vẻ. Có các chú luôn yêu thương, chăm sóc chúng tôi. Có các anh chị bên cạnh để quan tâm, chia sẻ và có cả những đứa em nghịch ngợm, tinh quái luôn bày ra những trò khác người. Còn riêng cảm nhận của tôi, Đặng Đức Tuấn lần IV là lần vui nhất: Vui vì có những câu nói đùa của anh Hậu “xì tai”, có cái điệu bộ nhí nhố lúc chụp hình của Lục Anh nữa, có cả thằng nhóc Thống lì như quỷ sứ chẳng chịu nghe lời… Cái gia đình ấy nghịch lắm, bày ra nhiều “phi vụ” khiến ban tổ chức phải đau đầu, từ chuyện “vượt ngục” ở Tuy Hòa, rồi lúc “sạc pin” bằng nước ngọt ở Hóc Gáo, cả chuyện bôi “mặt mèo” ở Trà Kê nữa. Vui quá đi mất! Đêm đầu thì chúng tôi bày trò chụp lén các kiểu ngủ “kinh hoàng”, đêm hai lại trốn ngủ để nói chuyện thâu đêm suốt sáng, đêm ba tiếp tục lên kế hoạch trốn lễ cùng ông anh ở Ngọc Thạnh . Tự dưng nhớ lại cái cử điệu “Ồ sao bé không lắc, ồ sao bé không lắc” của tổ I (do tôi cầm đầu) tếu chịu không nổi, tôi phì cười. Thoáng cái đã tới câu hát cuối cùng của bài hát rồi. Tôi hát khẽ:
- Năm giữ mãi tình này trong câu ca.
Tình này! Vậy mà nhanh thật, mới thế mà đã năm năm rồi, mái tóc Cha già đã trắng thêm nhiều, những vết đồi mồi cũng hiện rõ hơn trên khuôn mặt của các chú và chúng tôi cũng đã lớn hơn xưa thật nhiều. Chặng đường năm năm nếu nói dài thì không phải nhưng bảo ngắn cũng không đúng, vì dẫu sao năm năm cũng là nửa thập kỷ. Nửa thập kỷ trôi qua vậy mà trong chúng tôi chỉ như mới ngày hôm qua, hôm kia. Những nụ cười gặp mặt đan xen với những cái bắt tay tạm biệt cứ như một vòng tuần hoàn của tình bạn, của Đặng Đức Tuấn. Những bài học mới vẫn tiếp tục ươm mầm cho những chồi non mới. Năm năm: một khoảng thời gian, một chặng đường, một thành quả và một tình yêu ThiênChúa. Đặng Đức Tuấn: một cuộc thi, một hành trình, những người bạn và trên hết, là một gia đình. Tôi mỉm cười, gấp cuốn sổ lại mà còn nghe đâu đây lời chào nhau lúc tạm biệt: “Hẹn gặp lại”. Vẫn còn trong tiềm thức những câu khẩu hiệu mạnh mẽ tuyên xưng niềm tin của những người gieo giống:
- ĐẶNG ĐỨC TUẤN: TIẾN!
- ĐẶNG ĐỨC TUẤN: TIẾN!
- ĐẶNG ĐỨC TUẤN: TIẾN!
Còn tôi, tôi nghĩ rằng Đặng Đức Tuấn: PHẢI TIẾN! Nhất định phải tiến lên nhé “những vì sao Thập tự” để bầu trời đêm sáng rực ánh sáng của Chúa Ki tô. Ngoài kia, dưới bầu trời đêm đã hiện lên những vì sao mới.
 
 
 
TRÁI TIM
* Phanxica Nguyễn Thị Hồng Thắm (Gx.Tân Dinh)
 
Trái tim là gì? Một câu hỏi dường như rất dễ nhưng lại rất khó trả lời. Bởi vì ít ai có thể định nghĩa chính xác được khái niệm của trái tim… Theo y học, trái tim là một khối thịt nặng vài trăm gam, nằm bên trái cơ thể, có 4 ngăn (đối với động vật cấp cao), có nhiệm vụ đưa máu đỏ tươi từ tâm thất trái đến động mạch chủ đến các mao mạch nuôi cơ thể, biến thành máu đỏ thẫm theo tĩnh mạch chủ đến tâm nhĩ phải. Từ tâm nhĩ phải máu được đưa xuống tâm thất phải đến động mạch phổi, dẫn đến phổi để trao đổi khí, chuyển máu đỏ thẫm thành máu đỏ tươi, theo tĩnh mạch về tâm nhĩ trái, và cứ thế tuần hoàn. Đơn giản quá nhỉ, nhưng thiếu nó, ắt sự sống sẽ không tồn tại. Đúng vậy, nếu trái tim Thiên Chúa không bao la rộng lớn thì đã không tồn tại sự sống của chúng ta trên thế gian này.
Một trái tim bị lưỡi đòng đâm thâu, máu và nước chảy ra để cứu nhân loại khỏi chốn tội lỗi. Một trái tim gánh chịu biết bao sỉ vả của thế nhân chỉ vì lòng yêu thương thế nhân. Nào có ai biết và hiểu được trái tim đó bao la đến nhường nào! Chính trái tim ấy đã nói lên tình yêu mãnh liệt mà Thiên Chúa dành cho loài người. Người đã hiện ra và mạc khải trái tim Người nhưng nào có ai đón nhận. Chúa đã yêu thương loài người hết mực, đến tuyệt độ, đến chết trên cây Thập giá. Người dang rộng tay ra như muốn ôm trọn nhân loại vào lòng, Người nghiêng đầu xuống như tha thiết mời gọi chúng ta trở về với Chúa. Trái tim Chúa mở toác ra thể hiện lòng yêu thương không bến bờ của Người. Dù rằng đã có lúc Người tuyệt vọng và không muốn, nhưng Người vẫn tuân theo ý Đức Chúa Cha, một phần cũng là vì quá yêu nhân loại. “Lạy Cha, nếu có thể được thì xin Cha cho con khỏi uống chén đắng này. Nhưng đừng làm theo ý con, một xin vâng ý Cha… ”. Thế đấy, Người đã vì yêu thương mà chấp nhận hy sinh cả bản thân mình. Vậy mà loài người chúng ta đã làm gì để đáp trả tình yêu ấy?
Có bao nhiêu người đã đáp trả được tình yêu của Chúa? Có bao nhiêu người hiểu được lòng Chúa cao cả đến nhường nào? Và có biết bao người bội nghĩa, vong ơn Chúa cứu chuộc? Có lẽ con số những người vô ơn là cao hơn. Yêu thương là cho đi và sự cho đi ấy sẽ làm triển nở thêm nhiều tình yêu mới, góp phần làm sáng danh Chúa hơn. Nhưng nào có ai làm được điều đó! Trong thế giới ngày nay, con người dường như rơi vào tình trạng chỉ muốn nhận cho mình mà không muốn sẻ chia cho người khác. Ai đó đã từng vô tâm bỏ qua một mảnh đời cần được giúp đỡ? Và có biết bao người vì những ích kỉ, nhỏ nhen, vì chỉ nghĩ cho mình mà đã giết hại biết bao sinh linh bé nhỏ. Như vậy việc hy sinh của Chúa chẳng phải là vô ích hay sao? Máu và nước chảy ra để rửa sạch tội lỗi và tắm mát cho tâm hồn chúng ta. Chúng ta hưởng nhờ ơn cứu độ của Chúa nhưng lại không biết rằng chúng ta đang làm cho Chúa rất buồn.
Trái tim Chúa dường như không còn trong lồng ngực nữa mà đã vượt ra bên ngoài để tỏ cho nhân loại thấy Người yêu nhân loại biết nhường nào. Tình yêu của Chúa không ngôn từ nào có thể diễn tả được. Xuân Diệu đã từng viết: “Yêu là chết ở trong lòng một ít”, nhưng Chúa có chết một ít đâu? Người đã hiến dâng tất cả mạng sống, con tim của mình để đổi lấy tình yêu cho nhân loại. So với sự từ bi của Phật, khoan dung nhân thứ của Khổng Tử, cái vô ngã của Lão Tử và cái dũng thuật của Thần đạo Nhật Bản, thì tình yêu của Thiên Chúa được đặt lên trên tất cả. Thử hỏi có ai  dám hiến mạng sống vì người mình yêu hay không? Có mấy ai đã không tiếc thân mình vì người yêu?...
“Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo, thất bát sông cũng lội, cửu thập đèo cũng qua”. Thiên Chúa đã yêu thương loài người còn hơn thế nữa. Người đã trao ban trái tim Người cho chúng ta. Để đáp trả lại sự trao ban đó, chúng ta cũng hãy dâng trái tim mình cho Người, để cùng hòa hợp, cùng sẻ chia với Chúa. Bất cứ gặp gian nan hay thử thách, hãy cứ nhìn lên trái tim Chúa, chúng ta có thể chiến thắng tất cả. Xin Chúa cho chúng con nguồn sức mạnh, để chúng con biết rằng Người luôn nâng đỡ và che chở chúng con trong suốt cuộc đời, sẵn sàng hi sinh để bảo vệ chúng con. Amen.
 
 
 
NIỀM TIN TÌNH YÊU THIÊN CHÚA
* Maria Madalena Nguyễn Thị Thanh Linh (Gx.Gò Thị)
 
Sáng chủ nhật hôm ấy, mẹ dắt tay nó xuống nhà thờ. Mọi ánh mắt cứ đổ ập vào nó với những nụ cười chế giễu. Nó thì chẳng quan tâm gì cả, vì nó chỉ mới khoảng hai tuổi, nó còn quá nhỏ để biết điều gì đang xảy ra với nó. Nhưng chắc hẳn mẹ nó đang rất đau lòng. Một người mẹ đã cam chịu tất cả những nỗi đau, những sự kì thị của mọi người để chăm sóc đứa con bị bệnh đao này. Nó cứ đứng theo sát mẹ nó, nhìn thẳng lên cung thánh đầy nghiêm trang. Trong khi đó, những đứa bạn cùng lứa tuổi với nó, lại đang đùa giỡn vui vẻ ở ngoài sân. Có đứa vừa chỉ vừa kêu lên: “Xem kìa tụi bay, sao mặt con đó ghê vậy?”. Câu nói rất to, hình như nó cũng nghe thấy. Nhưng tôi nghĩ nó sẽ chẳng có cảm xúc gì. Nào ngờ tôi thấy mặt nó cúi xuống và rất buồn, mặc dù nó không được bình thường như mọi người. Rồi bỗng đôi mắt to tròn của nó cứ nhìn thẳng vào tượng Chúa Giêsu đóng đinh trên Thập giá như hằng chứa một điều gì đó. Có lẽ rằng, Chúa đã thấu hiểu được điều đó.
Khi thánh lễ kết thúc, mọi người ra về, mẹ kéo tay nó, nhưng nó lại rán đứng lại. Tôi không biết nó định làm gì, và rồi nó nhìn lên Chúa, cúi đầu chào lạy Ngài, xong mới nắm chặt lấy tay mẹ ra về. Hành động của nó làm tôi rất nhớ và suy nghĩ mãi. Một câu  hỏi cứ đặt ra trong đầu tôi: “Tại sao lại như thế?”. Một cô bé nhỏ nhắn, khi chào đời lại mắc phải căn bệnh quái ác ấy. Nó đã mất đi cả một tuổi thơ và tương lai như tất cả mọi người mà nó đáng được hưởng. Một cô bé tuy còn quá nhỏ nhưng trong con người nó, tâm hồn nó, chứa đựng những nét đep mà không ai nhìn thấy. Nó tin vào Chúa, nó phó thác cuộc sống trong tay Chúa. Và nó vẫn đang mạnh mẽ chiến đấu với căn bệnh của mình. Thiên Chúa, Ngài không hề bỏ nó. Ngài đã ban tặng cho nó một gia đình hạnh phúc, một người mẹ hết mực yêu con, dù con bệnh tật, bị ruồng bỏ trong cái xã hội này, người mẹ vẫn sẵn sàng chịu đựng. Đây là điều hạnh phúc nhất mà Chúa đã bù đắp một phần cho cuộc đời bất hạnh của nó.
“GIÊSU, I TRUST IN YOU”.
Nhìn lại cuộc đời này, còn biết bao nhiêu trẻ em bất hạnh vì bệnh tật, bị bỏ rơi, bị hành hạ, đang và phải sống dưới những con mắt kì thị, chịu sự phân biệt đối xử của mọi người xung quanh.
Lạy Chúa, xin hãy cho tất cả mọi người biết yêu thương, giúp đỡ và san sẻ với những mảnh đời bất hạnh, nhất là trẻ em. Chúng cần được quan tâm, chăm sóc và cần có tình thương. Lạy Ngài, xin Ngài hãy gìn giữ, che chở cho những tâm hồn trẻ thơ bé bỏng này, hãy để chúng được hạnh phúc ở cả đời này và đời sau. Amen.
 
 
 
ANH EM THẰNG VÉ SỐ
* Anna Lý Hương Quỳnh (Gx.Sơn Nguyên) 
 
“Ê, nhóc! Lại bán cho ta một tờ vé số”. Nó vừa nhanh tay rút ra một tờ vé số trên xấp vé số dày cộm kia, vừa lê tấm thân gầy còm yếu ớt về phía người khách. Chắc từ sáng giờ nó chưa ăn gì, bán cũng chẳng được mấy tờ vé. Đối với nó bây giờ bán được vé nào là vui lắm rồi…
Thằng bán vé số đó tên là Tâm. Ba mẹ nó mất sớm từ khi nó mới mười tuổi, để lại nó và đứa em trai sáu tuổi thơ dại, nheo nhóc. Nhà nó theo đạo Công giáo, ở cách nhà thờ vài căn nhà. Cái xóm đạo nó ở ai cũng biết nhà nó nghèo đến rớt mùng tơi! Đến cái ăn cũng không có nên hai anh em cũng chẳng được học hành gì. Tuy nhà nó nghèo tiền nghèo bạc nhưng không nghèo tình thương yêu nên được mọi người xung quanh mến và giúp đỡ nhiều lắm.
Năm Tâm lên sáu tuổi, sau nhiều lần đắn đo suy nghĩ, ba mẹ nó quyết định đưa gia đình lên thành phố kiếm sống để cải thiện cái nghèo, một phần là để có tiền cho anh em tụi nó được đi học. Công việc hằng ngày của ba mẹ nó là phụ hồ ở các công trình. Riêng hai anh em thì lang thang trên các ngõ ngách, các hẽm phố, các quán cafe hay quán cơm để bán vé số. Trước lúc lên thành phố, hai anh em Tâm được mẹ mua cho mỗi đứa một sợi dây chuyền inox có mặt Thánh giá. Vì mẹ biết một khi đã rời xóm đạo này lên thành phố kiếm sống, việc lễ lạc sẽ rất thất thường, và dễ bị quên lãng. Mẹ nó muốn Chúa luôn ở bên che chở và phù hộ cho hai đứa con thơ dại của mình nơi đất khách quê người.
Trớ trêu và đáng thương thay cho số phận của hai đứa nhỏ! Trong một lần tham gia làm công trình, tai nạn lao động đau thương xảy đến đã cướp đi sinh mạng của hai người thân yêu và quan trọng nhất trong cuộc đời của hai đứa trẻ. Chúa đã mang ba mẹ nó đi thật xa. Hai đứa không một ai thân thích, không  bà con họ hàng, cũng chẳng được sự giáo dục, dưỡng nuôi hay được ai quan tâm. Vì gia đình nó là dân nhập cư từ nơi khác tới. Cuộc sống của hai anh em vô cùng bất hạnh và tội nghiệp. Từ khi ba mẹ mất tới nay cũng đã hơn 4 năm rồi. Giờ Tâm cũng đã mười bốn tuổi. Ngày nào cũng thế, từ việc chăm sóc cho đứa em rồi lo cho bản thân, đến việc đi lấy vé số, nó đều một tay cáng đáng hết. Nó thương em lắm và cũng là thương cho chính bản thân mình. Cuộc sống vẫn cứ diễn ra như thế, ngày ngày nó vẫn đi bán vé số, bởi tuổi của nó còn quá nhỏ để lao động nặng kiếm tiền.
 Vẫn như mọii buổi sáng, hôm nay nó dậy thật sớm đọc kinh và cầu nguyện với Chúa. Không bao giờ hai  anh em quên đọc kinh sáng, tối và hôn lên Thánh giá Chúa trước khi ngủ, và trước lúc dậy sớm đi làm cũng thế. Bản thân nó tin tưởng tuyệt đối vào Chúa, tin một ngày nào đó Chúa sẽ giúp hai anh em vượt qua cảnh sống bất hạnh và đáng thương này. Hôm nay cũng như mọi ngày, sau khi đi ra đại lí lấy vé số về hai anh em dắt nhau ra bến xe, quán ăn… để rao bán, mời mọc khách mua vé số.
  “Đi nhanh lên Út! Trời mưa rồi!” - Tâm giục em mình hối hả. Nó biết em đang đói rã và bản thân nó cũng thế, vì sáng tới giờ cả hai anh em chưa có gì vào bụng. Vả lại cũng chưa bán được tờ vé số nào, lấy tiền đâu mà mua đồ ăn. Quay sang nhìn em, mặt nó buồn bã. Trời bỗng mưa rã rích nghe buồn đến buốt lòng, những cơn gió mạnh hết thổi xào xạc rồi lại dập hoài không ngớt. Ngoài đường vắng tanh không một bóng người qua lại. Thỉnh thoảng có vài chiếc xe khách lao vụt qua trước mắt nó, hắt tung tóe nước lên người nó thật vô tình. Nhìn cái cảnh tượng ấy, một thằng bán vé số như nó cũng không muốn bước chân ra ngoài đường, huống chi là những người có cuộc sống sung túc, đầy đủ kia. Nhưng vì miếng cơm manh áo, hai anh em vẫn mặc cho trời mưa gió dìu nhau đi khắp các nẻo đường để mưu sinh. Riêng Tâm thì không sao, có lẽ đã trở thành thói quen nó không còn sợ cái cảnh tượng đó nữa. Chỉ thấy thương cho đứa em, nghĩ tới đứa em đang cõng trên lưng mà nó nghẹn ngào nước mắt.
 Bỗng có chiếc xe khách dừng lại ghé ăn trong quán cơm. Thấy khách lục đục xuống xe, như bản năng nó thả em xuống, cầm chặt tay em rồi chạy vội tới tốp người kia để mời vé số. Tuy yếu ớt, gầy gò nhưng nó cứng cỏi và siêng năng. Trông nó từng trải hơn những đứa trẻ cùng trang lứa. Đã bao lâu nó không được nhận sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ và người thân? Đã bao lâu hai anh em không được hưởng cái gọi là mái ấm gia đình? Mà ở độ tuổi của hai anh em nó đáng lẽ phài được nhận nhiều hơn như thế.
 “Chú ơi! Mua giùm cháu vài tờ vé số lấy hên nha chú!”. - Tâm mời mọc khách như nài nỉ. - “Tránh ra! Mưa gió thế này mà vé với số cái nỗi gì!” - Ông khách đưa tay hất, vô tình làm sấp vé số rơi hẳn xuống đất. Nó vội vã chạy đến nhặt xấp vé số lên, tay dúi vào áo, chùi sạch vết bẩn. Mặt nó trông rõ buồn và thương tâm, lấy thun buộc lại xấp vé số bỏ vào túi xách rồi cầm tay đứa em bước tiếp. Hai anh em dường như đã đói lã, lê từng bước mong gặp được những vị khách hảo tâm. Vẫn cứ bước qua những con đường, góc phố nơi nó ở. Tâm đưa tay lên cổ nắm lấy Thánh giá đặt vào đó một nụ hôn, nó đã cầu xin Chúa về một ngày mai tốt đẹp, sức khỏe và được yêu thương.
 Cơn mưa dần nặng hạt, gió thổi càng lúc càng mạnh hơn, hai anh em ướt đẫm. Tâm dắt em nó trú mưa dưới một mái hiên. Hai anh em ôm nhau ngồi nhìn những hạt mưa, hai đôi mắt mệt mỏi mờ dần rồi ngủ thiếp đi…
 
 
 
RANH GIỚI
* Maria Thân Thị Hồng Kiều (Gx.Cây Rỏi)
 
Cứ nhìn những lúc cô Mai la rầy, mà có thể nói như là quát lên với bà Bảy trong bữa cơm, là bao nhiêu ấn tượng đẹp đẽ, bao sự ngưỡng mộ trong lòng tôi vỡ vụn.
Có những lúc người ta thấy bà Bảy ngồi lặng yên nhìn vào không trung vô định, rồi khóc và tự đấm ngực mình. Nhiều người vẫn tò mò không biết vì điều gì khiến bà đau khổ như vậy. Không hiểu là lúc đó bà tỉnh hay lẫn, nhưng người ta vẫn thấy bà van xin người con gái của mình để được tha thứ. Cảnh này cứ diễn đi diễn lại tới nỗi những người hàng xóm xung quanh dường như không còn thắc mắc hay nhìn vào mỗi lần xảy ra, khi đến bữa cơm nhà bà Bảy.
Cô gái của tuổi xuân thì e ấp với nụ cười duyên, Mai – cô con gái của bà Bảy nổi tiếng đẹp nhất nơi xóm đạo. Tình yêu suốt 3 năm với người thanh niên đến xứ biển công tác đã xóa đi khoảng cách địa lí. Hai người hẹn hò cùng nhau, anh xin tiếp tục đợt công tác thứ hai sau 2 năm quen biết để cùng cô học đạo. Những tưởng những buổi tối 2 người tay trong tay đi đến nhà thờ học đạo sẽ là khởi đầu cho chuỗi ngày hạnh phúc viên mãn tiếp theo, nhưng nào ngờ hạnh phúc họ xây chẳng thể thành hình.
“Trung, con chọn cô ta, hay là ba mẹ? Nuôi con khôn lớn để rồi con ngu muội đi theo tình cảm bồng bột của mình vậy sao?” - Từng lời, từng lời của mẹ Trung nói ra làm tim Mai nhói đau. Cô không ngờ Trung đã giấu gia đình chuyện cô có đạo, và việc anh theo học đạo, để tới lúc này, trong bữa cơm ra mắt, cô làm dấu Thánh giá trước sự ngỡ ngàng của ba mẹ Trung. Bà không ngần ngại kêu Trung để nói chuyện, tiếng là nói chuyện riêng nhưng cô ngồi đó vẫn nghe không sót một lời, có lẽ mẹ Trung muốn nói để cô tự hiểu. Không nghe tiếng Trung trả lời nhưng nhìn thái độ của anh khi đưa Mai về, cô đã biết cô không thể hi vọng điều gì. Trung nhìn cô, nơi khóe mắt ngấn lệ:
“Mai, mẹ anh không đồng ý cho mình lấy nhau vì…” - Lời nói của Trung ngắt quãng, nhưng Mai gật đầu nhè nhẹ: “Em hiểu”. - Cô không biết cô hiểu cho Trung hay hiểu cho mẹ của anh. - “Nhưng mẹ anh chắc có thể chấp nhận nếu em theo anh… Em có thể mà, sau này em có quay lại cũng được…”- Trung thốt lên cái sáng kiến có lẽ mất rất nhiều thời gian để suy nghĩ. Mai tránh ánh nhìn của Trung, có lẽ tiếng nói của tình cảm trong cô đang chiếm giữ tất cả, cô bị đẩy vào sự do dự lúc nào không hay.
Bước những bước chân vào bậc cửa vô hồn, bà Bảy nhìn cô con gái của mình thở dài rồi lấy ly nước cho cô. Mai nhìn bà bằng đôi mắt nài xin, dẫu biết rằng mình đang sắp thành đứa trẻ hư hỏng khi vòi vĩnh một thứ sai trái. Bà Bảy lặng đi khi nghe con mình phân bày.  Mai có thai đã gần một tháng, nhà trai không chấp nhận con gái bà, buộc Mai phải bỏ đạo thì mới suy nghĩ lại… Những cái lắc đầu nguầy nguậy: “Không, không được! Mẹ không cho phép con làm điều đó. Đã sai lầm thì cứ sửa sai đi, không được sai thêm nữa.”- Bà lặp đi lặp lại câu nói đó với ánh mắt kiên định nhìn Mai.
Mai run sợ trước sự cứng rắn của mẹ, cô còn quá trẻ cho thử thách phía trước, tình yêu của cô sắp vỡ, dư luận sẽ đánh giá sao về cô khi cô sinh đứa bé. Tất cả với Mai như mờ mịt, chẳng có lối thoát nào cho cô để đi tiếp con đường sao?
Trung đến điểm hẹn, anh chua xót nhìn người yêu tiều tụy đi bao nhiêu, thì sau khi nghe Mai báo tin, lại phũ phàng thốt lên câu nói: “Bỏ nó đi!”- Mai những tưởng đó là điều cô có thể níu kéo Trung, để cho hai người thêm niềm tin mà có thể phấn đấu vì tương lai, nhưng giờ nó lại là động lực thúc đẩy cô buông tay anh để đi tiếp con đường chông gai khiến cô hãi hùng khi phải nghĩ đến. Cô cứ tưởng mình sẽ khóc òa lên nếu phải xa anh, nhưng mắt cô ráo hoảnh, hình như tận sâu trong lòng trái tim cô đã hóa đá khi nó phải chứng kiến sự tàn nhẫn từ người nó yêu thương.
Bà Bảy hằng ngày vẫn đi lễ, mỗi đêm vẫn răn dạy con gái mình, có nhiều lúc bà vẫn nặng nhẹ với Mai dù biết lỗi không phải ở cô. Có những đêm Mai ôm con khóc, còn bà quay mặt vào vách mà ngậm chặt môi để không bật thành tiếng, bà cố gắng để làm chỗ dựa cho con gái, hay ít ra cũng nghiêm cho nó vững lòng.
Ba mươi năm trôi qua, ở hiện tại người ta vẫn nghĩ cô Mai rất ghét mẹ mình nên mới hạch sách, la rầy, “bất hiếu” với bà Bảy. Nhưng có ai biết đôi mắt của người con gái đó rơm rớm nước khi phải nặng nhẹ với mẹ mình để bà tự ái mà cố ăn cơm. Lúc tỉnh lúc lại mơ hồ, bà Bảy vẫn mang nỗi sợ con gái bà lầm đường, không ai răn dạy. Những lúc khóc lóc là lúc bà nhớ về sự đáng thương của cô Mai khi phải bỏ tình yêu, sống độc thân nuôi con dù tuổi còn quá trẻ. Bà cũng vì yêu thương con, muốn giữ cho cô Đức Tin mà phải vào vai người mẹ nhẫn tâm, còn cô cũng vì thương mẹ mà sắm vai đứa con bất hiếu. Bước qua cái ranh giới tình yêu, Trung lại trở thành kẻ tàn nhẫn, một chút nữa Mai đã buông tay để bước qua Đức Tin của mình, ranh giới sao thật mong manh quá. Nhưng không ai biết rằng đã từ rất lâu rồi cô Mai không buồn khi nhớ đến quá khứ nữa, cô vui khi giữ được những điều thiêng liêng không gì đánh đổi được.
 
 
 
NGÔI NHÀ CUỐI XÓM
* Maria Đồng Thị Bích Duyên (Gx.Đồng Tre)
 
- Bi ơi, xuống nhà mau còn chuẩn bị đi lễ nào con.
- Con đang chơi mà!
- Con không về mau là mẹ đi trước một mình đó.
- Mẹ cứ đi đi con không đi đâu. Tuần nào cũng đi hoài con chán lắm, không đi đâu!
- Nếu con không xuống mẹ sẽ đi thật đó.
- Dạ.
Bi tám tuổi, là con một duy nhất trong nhà nên rất được bố mẹ cưng chiều. Mỗi khi đến giờ đi lễ là mẹ Bi phải vất vả rất lâu mới có thể gọi được Bi đi lễ. Bi lúc nào cũng chỉ lo chơi game không bao giờ đoái hoài tới mẹ, đến khi nào mẹ lên phòng tắt máy thì Bi mới chịu xuống. Hôm nay cũng vậy, mẹ Bi quyết định không gọi nữa để Bi tiếp tục chơi. Một hồi lâu, Bi không còn nghe mẹ gọi xuống đi lễ, Bi rón rén bước xuống nhà xem thử. Khi xuống nhà, thấy mẹ đã dắt xe ra cửa lớn, Bi chạy ra hỏi:
- Mẹ không đợi con cùng đi với…
- Lúc nãy chẳng phải con bảo là không đi sao? Hôm nay mẹ sẽ để con ở nhà nhưng với một điều kiện.
Bi hí hửng:
- Điều kiện gì vậy mẹ? Chỉ cần con được ở nhà, đừng nói một chứ mười điều kiện cũng được, mẹ cứ yên tâm. Hi… hi…
- Không, chỉ một thôi… Con xuống dưới bếp lấy bịch gạo mẹ để sẵn đem xuống nhà bà Hai cuối xóm rồi con muốn là gì thì làm, mà nhớ là đừng có chạy ra đường nghe chưa.
-  Dạ, con biết rồi.
- Thôi mẹ đi đây con ở nhà ngoan nhé!
Mẹ xoa đầu Bi rồi lên xe. Bi nhanh nhảu chạy ra mở cổng cho mẹ.
- Mẹ đi bình an.
Bi đóng cửa xong, chạy thật nhanh lên lầu tiếp tục trò chơi còn dang dở. Một lúc sau, Bi cảm thấy chán với trò chơi của mình, chợt nhớ lời mẹ dặn liền đứng dậy tắt máy rồi đi làm việc mẹ giao. Bi xuống nhà lấy bịch gạo rồi đắt chiếc xe đạp nhỏ của Bi ra cổng. Bi đạp từ từ, vừa đi vừa ngắm cảnh. Bi cất tiếng hát mấy bài hát cho đỡ buồn: “Kìa con bướm vàng... Xòe đôi cánh...”.
Từ nhà Bi đến đó không xa lắm nên Bi không vội mấy. Đến nơi, Bi nhìn thấy một ngôi nhà tranh vách đất đơn sơ, cạnh cửa ra vào có một bà cụ nom khoảng bảy tám mươi tuổi ngồi đó, tay cầm tràng hạt Mân Côi lần lần. Bi dựng xe rồi gọi lớn:
- Bà ơi bà!
- Ai gọi già đó?
Bà cụ lọm khọm chống gậy bước ra.
- Con tìm ai ?
- Dạ, cho con hỏi đây có phải là nhà của bà Hai không ạ?
- Phải, là bà đây! Con tìm bà có việc gì không?
Bi chìa bịch gạo ra.
- Thưa bà, mẹ con có gửi cho bà ít gạo để bà ăn lấy thảo ạ.
Bà cụ đưa tay đón lấy, nở một nụ cười hiền hậu nói:
- Nói với mẹ cho bà cảm ơn.
Bi nhìn vào trong nhà thấy chẳng có ai ngoài bà, Bi thắc mắc hỏi:
- Bà ơi, ở nhà ngoài bà ra không còn ai nữa ạ?
-  Bà còn hai đứa cháu nữa nhưng chúng đều đi lễ hết rồi, chỉ còn mình bà ở nhà thôi… Mà cháu có đạo không?
- Dạ cháu cũng có đạo nhưng hôm nay cháu không đi lễ với mẹ.
- Thế là không được rồi, cháu phải siêng năng kinh lễ để còn học giáo lý, nghe lời Chúa mà còn sống tốt nữa chứ. Đi lễ đọc kinh cũng là một cách để con báo hiếu cho mẹ và đặc biệt là cho Chúa đó. Con không đi lễ mẹ con sẽ rất buồn, mà mẹ buồn sẽ dễ sinh bệnh, con có muốn mẹ bệnh không?
- Con không muốn đâu ạ! Con muốn mẹ mạnh khỏe để chăm sóc con cơ.
- Vậy con hãy cố gắng nghe lời mẹ siêng năng đi lễ cầu nguyện làm mẹ vui là được.
- Dạ con xin cảm ơn những lời dạy của bà. Cũng không còn sớm nữa, con xin phép bà về kẻo mẹ con về không thấy lại trông… Thưa bà con về ạ!
- Ừ, con đi bình an. Xin Chúa chúc lành cho gia đình con. Khi nào rảnh nhớ xin mẹ đến nhà bà chơi.
- Dạ.
Bi quay xe, đạp nhanh về nhà. Trên đường về, hình ảnh về bà cụ và những câu nói vẫn hiện rõ mồn một trong tâm trí của Bi. Bi về đến nhà thì một lúc sau mẹ cũng về. Mẹ hỏi Bi:
- Thế nào, con trai của mẹ hôm nay ở nhà có vui không?
Bi òa lên khóc. Bi vừa khóc, vừa nói:
- Mẹ ơi, từ nay con sẽ không bỏ lễ nữa, mẹ đừng buồn con nữa nha mẹ!
- Con của mẹ biết nghĩ vậy là tốt.  Con mà siêng năng như vậy thì không bao giờ mẹ buồn đâu.
- Dạ..ạ..ạ… con sẽ nghe lời mẹ… Mẹ ơi, hôm nào mẹ cho con đến nhà bà Hai chơi nha mẹ. Con thấy nhà bà ấy tội lắm.
- Ừ, con trai mẹ biết nghĩ đến người khác thế thì rất tốt. Khi nào rảnh mẹ con mình sẽ đến thăm bà.
- Dạ, con cảm ơn mẹ.
Bi ôm cổ mẹ cười. Từ hôm đó Bi không bao giờ bỏ lễ mà còn nhắc mẹ nữa. Khi rãnh rỗi, Bi cũng hay theo mẹ đến thăm nhà bà Hai, ngôi nhà cuối xóm.
                                         
 
Tác giả bài viết: Hoa Biển 14
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Từ khóa:

Hoa Biển 14

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 25
  • Khách viếng thăm: 21
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 4077
  • Tháng hiện tại: 159884
  • Tổng lượt truy cập: 12136671