Đôi chút tìm hiểu về kinh "A Rất Thánh Giá"

Đôi chút tìm hiểu về kinh "A Rất Thánh Giá"
Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu Kitô là một chủ đề thường xuyên được các tín hữu suy niệm và yêu mến. Kinh “A rất Thánh Giá”, một kinh thường được đọc trong mùa Chay và nghi thức cầu hồn-theo hiểu biết của người viết bài- là một kinh xưa của tín hữu miền Nam.

Kho tàng kinh nguyện của Giáo Hội Công giáo Việt Nam thật phong phú đa dạng. Những kinh nguyện xưa không chỉ quý giá ở giá trị về lịch sử của nó, phản phất lòng đạo bình dân mà sốt sắng của ông bà tổ tiên ta thời xưa, nhưng chúng còn phản ánh nếp suy nghĩ, nền văn hóa, cách diễn đạt tư tưởng và đức tin cách đơn sơ chân chất của những người tín hữu Việt nam xưa, có khi ngô nghê tức cười đối với chúng ta ngày nay (vì cách sử dụng từ đã đổi, do tư tưởng và cuộc sống thay đổi)...
 
Những kinh nguyện theo vùng miền khác nhau cho chúng ta hiểu phần nào về văn hóa, lịch sử, cách sử dụng ngôn từ rất riêng của vùng miền ấy. Lắng nghe và chiêm niệm những điều này thật là hay, vì không những giúp chúng ta thêm lòng đạo đức, nhưng còn giúp chúng ta hiểu được, hiệp thông được với truyền thống cổ kính của Giáo Hội Việt Nam, với biết bao thế hệ ông bà tổ tiên chúng ta đã sống niềm tin của mình cho dầu phải đổ cả máu đào để minh chứng.

Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu Kitô là một chủ đề thường xuyên được các tín hữu suy niệm và yêu mến. Kinh “A rất Thánh Giá”, một kinh thường được đọc trong mùa Chay và nghi thức cầu hồn-theo hiểu biết của người viết bài- là một kinh xưa của tín hữu miền Nam. Từng lời từng chữ thật sâu sắc, kinh này ca ngợi quyền năng của Thánh Giá Chúa Kitô và phản ánh niềm hy vọng Phục Sinh sau đời tạm này. 

KINH A RẤT THÁNH GIÁ.

(Kinh này được trích ra từ Thiên Chúa Thánh Giáo Nhựt Khóa, xuất bản năm 1955, do Nhà Xuất Bản Imprimerie de la Mission, 289 đường Hai Bà Trưng, Tân Định, Sàigòn. Do Lm Vũ Thế Toàn phổ biến.)

A rất thánh giá!
Chúng tôi kính mừng cây rất thánh giá,
là cây đã chuộc muôn dân đặng rỗi,
cho kẻ có phước đặng phần vui mừng,
cho kẻ có tội đặng lòng trông cậy,
cho kẻ yếu đuối đặng nhờ sức mạnh
cho kẻ khốn nạn[1] đặng sự an lành. 

Khen cây thánh giá ở giữa rừng phàm,
nên giống báu lành, nên cây sang trọng, 
nên đơn[2] linh nghiệm,
nên tàu vượt khỏi biển hiểm thế này.
Cây rất thánh giá thật là gươm giáo
dẹp giặc linh hồn, khử trừ đánh diệt tam cừu oan gia[3],
sát phạt tà ma, thịt mình, thế tục. 
Vì rất thánh giá là như chìa khóa mở cửa Thiên Đàng,
cho chúng tôi đặng vào đến nơi quê thật.

Cây rất thánh giá tốt lành rất mực, rườm rà im mát,
bóng che thiên hạ khỏi chốn hỏa hình.
cội rễ nhành lá, búp bông hoa quả,
từ xưa nhẫn[4] nay,
cây nào dám ví bằng cây thánh giá?
Từ cây thánh giá chở mình Chúa Cả
đóng đinh chịu chết trên cây thánh giá.

Vậy cây thánh giá nên giống[5] báu lành vô lượng vô biên,
lưỡi khen chẳng xiết, bút ngợi khôn cùng.
Tài rất thánh giá, ai dám ví bằng?
Sức rất thánh giá, vô số chẳng cùng.
Rầy tôi trông cậy rất thánh giá này.
Tôi nhớ Chúa tôi là Chúa Giêsu cực cao cực cả,
đã dùng thánh giá mà chuộc tội tôi.
Vậy nên tôi phải hết lòng khiêm nhượng, cảm ơn, thờ phượng.
Tôi kính, tôi lạy, tôi mừng thánh giá,
ngửa nhìn thánh giá thật giống chữa tôi.
chuộc tôi đặng rỗi, tha hết tội tôi.
Tôi cầu đã phỉ[6], tôi nguyện đã đáng.
tôi đặng cậy nhờ, đau thì liền đã[7], nghèo xảy lại an[8].

Vậy tôi trông cậy rất thánh giá này,
xin đưa chúng tôi qua khỏi gian nan,
tới nước Thiên Đàng,
đặng ở chốn an, chẳng còn khốn khó. Amen. 
 
Mùa Chay đã dần đi đến cao điểm là Tuần Thánh với Tam Nhật Vượt Qua. Suy niệm cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Chúa bằng những hình thức đạo đức bình dân như kinh nguyện, ngắm đứng, diễn nguyện, đàng Thánh Giá, các nghi thức như tháo đinh, táng xác, than hang đá... giúp cho người tín hữu bình dân cảm nghiệm sâu xa hơn sức tàn phá, nặng nề của tội là ghê gớm chừng nào và song song đó, tình yêu của Chúa dành cho nhân loại cao cả dường nào, khiến Người cam lòng chịu đựng tất cả mọi khổ đau, kể cả cái chết để cứu nhân loại.
 
Theo Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và phụng vụ (2001) của Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Các Bí Tích: Lòng đạo đức bình dân (piété populaire/ popular piety/ pietà popolare) chỉ “những thể hiện thờ phụng riêng tư hay cộng đồng khác nhau không theo những hình thức phụng vụ nhưng dùng những hình thức rút ra từ một quốc gia, một dân tộc hay từ nền văn hóa của họ”(số 9).  Trong số 62, Tài liệu này cũng nhận xét rằng một trong những chủ đề ưa thích của lòng đạo đức bình dân là quy chiếu về Cuộc Khổ Nạn của Đức Kitô và cuộc sống đời sau: “Lòng đạo đức bình dân có thể dễ dàng hướng sự chú ý đến Con Thiên Chúa, Đấng vì yêu thương nhân loại đã trở nên nghèo khó, bé thơ, sinh bởi người phụ nữ đơn sơ khiêm nhượng. Đồng thời, nó cũng có một sự nhạy cảm đặc biệt về mầu nhiệm Khổ Nạn và cái chết của Đức Kitô. Suy niệm về mầu nhiệm sự sống đời sau cũng là đặc điểm của lòng đạo đức bình dân khi quan tâm đến việc thông công với các thánh trên trời, Đức Maria, các thiên thần, và cứu vớt các linh hồn người đã qua đời”.[9]
 
Đối với những người tín hữu trẻ, có lẽ chúng ta cảm thấy khó cảm nhận những hình thức đạo đức bình dân này, vì không hiểu được cách diễn đạt và từ ngữ cổ xưa, vì cách suy niệm có phần hơi nặng cảm tính, cảm xúc. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, việc tham dự vào những hình thức đạo đức bình dân như kinh nguyện (cụ thể là kinh này) giúp chúng ta sống trong dòng chảy đầy sức sống của đức tin, của một Giáo Hội phong phú, đa dạng về truyền thống, nơi đã nuôi dưỡng đời sống đức tin của tổ tiên, ông bà, cha mẹ chúng ta, như thể một cuộc về nguồn vô cùng cần thiết giữa vòng xoáy cuộc sống hôm nay với sức li tâm đến vô định. Hơn nữa, những cách diễn tả đôi khi nặng phần cảm xúc này lại cho chúng ta cảm nghiệm rõ hơn, cụ thể hơn, rõ ràng hơn những điều mà đôi khi chẳng bao giờ người trẻ chúng ta nghĩ đến hay bắt gặp trong đời sống đạo của mình, để hiểu hơn về thực tại dữ dằn của tội cá nhân và tội thế gian và để cảm nghiệm sâu xa hơn tình yêu Thiên Chúa dành cho mình. Thế nên, những hình thức đạo đức bình dân như kinh “A rất Thánh Giá” này, nói cách nào đó, lại là một loại “của nuôi” đời sống đức tin của người tín hữu giữa nhiều thách đố của cuộc sống hôm nay. Nó giúp cho đức tin của người xưa sống mãi trong cuộc sống hôm nay, và giúp cho người trẻ hôm nay cảm nghiệm được sức sống và vẻ đẹp của đức tin của người xưa. Và dù có diễn tả bằng những cách thức khác nhau, bởi những thế hệ khác nhau, qua những thời gian và không gian khác nhau, song tất cả đều có chung một mục đích là giúp người tín hữu sống những ngày trọng đại nhất trong năm Phụng Vụ này thật sốt sắng và thấm đẫm tinh thần yêu mến. 
 
Những ngày áp Tuần Thánh 2017
Con chiên nhỏ
 
 
----------------
[1] Chữ khốn nạn xưa, nay hiểu là khốn khổ.
[2] Đơn= đơn thuốc
[3] Tam cừu oan gia= ba kẻ cừu địch (tiếng xưa của thù địch) là ma quỷ,  xác thịt và thế gian.
[4] Nhẫn=đến
[5] Giống=của, vật
[6] Phỉ=no thỏa
[7] Liền đã=lành mạnh
[8] Nghèo khổ thì lại được an lành
[9] http://gpquinhon.org/qn/news/than-hoc-kinh-thanh/Long-dao-duc-binh-dan-Hoi-nhap-van-hoa-de-rao-giang-Tin-Mung-phan-I-2921/#.WOg-B8Kg_IU




 

Nguồn tin: Conggiao.info