Yêu thương phục vụ khi được biến đổi trong Đức Kitô

Yêu thương phục vụ khi được biến đổi trong Đức Kitô
Mang trong mình thân phận mỏng giòn của con người là đồng nghĩa với bao lỗi lầm thiếu sót, bao bất toàn khiến chúng ta sa đi ngã lại nhiều lần trong tội lỗi, bao lần vấp ngã là bao lần muốn sám hối ăn năn và làm lại cuộc đời, muốn lên núi cao cùng với Đức Kitô để làm một cuộc biến hình toàn diện, biến đổi để trở nên con người mới, con người hoàn thiện


SUY NIỆM TUẦN 2 MÙA CHAY
CHỦ ĐỀ: YÊU THƯƠNG PHỤC VỤ KHI ĐƯỢC BIẾN ĐỔI TRONG ĐỨC KITÔ



LỜI DẪN: Mang trong mình thân phận mỏng giòn của con người là đồng nghĩa với bao lỗi lầm thiếu sót, bao bất toàn khiến chúng ta sa đi ngã lại nhiều lần trong tội lỗi, bao lần vấp ngã là bao lần muốn sám hối ăn năn và làm lại cuộc đời, muốn lên núi cao cùng với Đức Kitô để làm một cuộc biến hình toàn diện, biến đổi để trở nên con người mới, con người hoàn thiện, đặc biệt biến đổi cung cách ứng xử thiếu tế nhị và cảm thông, nhãn quan tiêu cực và thiên kiến, lối suy nghĩ thiển cận và phiến diện của mình thành con người sống tràn đầy tinh thần hòa nhã, hòa khí, hòa bình, một con người mang trái tim biết thương cảm, thương xót và thương yêu. Trong tâm tình đó, cùng với Giáo phận chúng ta đi vào suy niệm Tuần 2 Mùa Chay với chủ đề “Yêu thương phục vụ khi được biến đổi trong Đức Kitô” qua đoạn Lời Chúa Mt 17, 1-9.

SUY NIỆM:

Hôm nay Chúa Giêsu đưa ba môn đệ thân tín là Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi để bày tỏ vinh quang của Ngài bằng chính cuộc biến hình trên núi Tabor, một cuộc biến hình mang ý nghĩa tích cực, tiên báo vinh quang phục sinh huy hoàng sau khi cuộc Tử Nạn của Ngài trong chương trình cứu chuộc con người của một Thiên Chúa vốn là Chân, Thiện, Mỹ. Ngài đi vào một cuộc biến đổi khi báo trước cuộc khổ nạn Ngài sắp thực hiện cũng như việc dự phần của các môn đệ: biến cố này nhằm củng cố lòng tin của ba vị tông đồ sẽ có mặt vào những giờ phút cuối cùng của Đức Giêsu tại vườn cây Dầu (Mc 14,33) và trọng trách cao cả mà các ngài từng người sẽ đối diện. Trước hết, với Phêrô, người sẽ được trao quyền lãnh đạo Giáo Hội: từ đây, ông sẽ phải học ý nghĩa đau khổ theo Thiên Chúa và thay thế tư tưởng nhân loại bằng tư tưởng thần linh. Thứ đến, với Giacôbê, vị tử đạo tiên khởi: ông sẽ hân hoan đổ máu để làm chứng vì ông đã tận mắt nhìn thấy vinh quang Thiên Chúa. Cuối cùng, với Gioan, người môn đệ được Đức Giêsu yêu dấu: ông sẽ phải học biết rằng, đau khổ là bằng chứng của tình yêu.

Biến cố Hiển Dung của Đức Giêsu là một kinh nghiệm cho tất cả những ai muốn cùng được tham dự vào vinh quang của Người: chính kinh nghiệm này là chìa khóa, là sức mạnh giúp chúng ta dám chấp nhận những hy sinh, những từ bỏ để càng lúc càng gắn bó hơn với Đức Kitô, để chúng ta cũng biến đổi chính mình từ con người tối tăm, tội lỗi nên con người tươi sáng hoàn hảo; từ con người ích kỷ, tham lam thành người sẵn sàng yêu thương, hy sinh và phục vụ mọi người; từ con người kiêu căng, tự đắc thành người khiêm nhu tin tưởng và phó thác vào Chúa.

   Còn bạn, còn tôi thì sao? Liệu chúng ta đã đổi mới quan niệm, nhãn quan của mình theo quan niệm và cái nhìn của Chúa bằng việc thực thi giới luật yêu thương, sống tinh thần phục vụ, có những hành động tế nhị, hòa nhã, giúp đỡ, cảm thông và đón nhận anh chị em quanh ta, đặc biệt là những người chị em cùng chung lý tưởng đang sống bên cạnh ta chưa? Mời bạn, chúng ta hãy đặt mình trước tấm gương Đức Kitô, dưới sự hướng dẫn của Thần Khí, can đảm chạm đến những “ung nhọt” đang đục khoét tâm can chúng ta, xin Chúa Giêsu cho thuốc đặc trị để chữa lành những hư hoại cả bên trong lẫn bên ngoài khiến chúng ta ngày càng tụt dốc trong đời sống thiêng liêng, nhân bản, tu đức, đặc biệt là đời sống huynh đệ cộng đoàn.

SÁM HỐI

  • Bên ngoài tôi tỏ ra cười nói vui vẻ, dùng từ hoa mỹ, ban tặng lời khen với người khác nhưng có khi nào đó chỉ là những lời nói xã giao, nụ cười vô cảm của cô tiếp viên hàng không chứ chẳng thật lòng, thật tình và thật tâm chăng?
  • Bên ngoài tôi tỏ dấu cảm thông, yêu thương, quan tâm đến người khác nhưng có khi nào ẩn sâu bên trong chỉ là những hiềm khích, ghen tỵ, kết án, chỉ trích.
  • Bên ngoài tôi tỏ ra kính trọng và vâng phục người khác nhưng bên trong có khi nào lại là vâng mà bất phục, kính mà chẳng yêu, dạ mà không làm chăng?
  • Bên ngoài tôi đưa ra những quyết tâm thật cao siêu hô to như những khẩu hiệu là sẽ hy sinh, sẽ quảng đại mở rộng trái tim để quan tâm đến tha nhân nhưng có khi nào tôi lại chỉ sống ích kỷ, lo cho mình, chú trọng đến bản thân mình chăng?
  • Với những gánh nặng hay gánh nhẹ được trao trong bổn phận, có khi nào tôi làm chỉ vì tìm lợi ích hay tầm ảnh hưởng cho tôi thay vì phải dấn thân cho lợi ích tha nhân và cộng đoàn với tinh thần phục vụ chăng?
  • Với những yếu đuối, thiếu sót của những bạn còn trẻ người non dại, với  những khó chịu, bẳn gắt của những người đau bệnh, cao niên, có khi nào tôi không muốn vui vẻ đón nhận họ với lòng kính trọng, dầu khác biệt tuổi tác, tính tình, trình độ, khả năng chăng?
  • Có khi nào tôi đã nói những lời nói thiếu trung thực, thiếu nhã nhặn và lịch sự, thiếu tính xây dựng và thiếu bác ái khiến cho người khác phải buồn phiền, thương tổn hay muốn nói đi nói lại chuyện của người vắng mặt để hạ danh dự của họ chăng?
  • Có khi nào tôi sẵn sàng giúp đỡ khi người khác cần, nâng đỡ khi người khác gặp những khó khăn và khủng hoảng trong đời sống, chia sẻ nỗi buồn khi người khác gặp những bất trắc trong cuộc sống chăng hay tôi cứ như người dửng dưng, vô lo, vô cảm.
  • Có khi nào tôi dán nhãn, in trí, loại trừ, cô lập người khác hoặc nhìn người khác bằng cặp kính màu đen nên chỉ thấy họ toàn những thiếu sót, lỗi lầm, giới hạn chăng?
NIỀM KHAO KHÁT BIẾN ĐỔI VÀ QUYẾT TÂM SỐNG YÊU THƯƠNG, PHỤC VỤ

Và hôm nay Chúa mời chúng ta cùng “biến hình” với Chúa. Biến hình không phải là trở thành cái gì xa lạ khác thường, nhưng là để trở về với cái tôi sâu thẳm của chính mình.

Biến hình với Đức Giêsu là thay đổi cuộc sống của chúng ta, là biến đổi tâm hồn chúng ta, là mang vào lòng chúng ta một trái tim mới, trái tim của yêu thương, của tin tưởng và cậy trông, phó thác.

Biến hình với Đức Giêsu là vất bỏ ý riêng của chúng ta, chấp nhận và vâng phục Thánh Ý Thiên Chúa, là lên đường bước đi với Chúa trong tình yêu và ân sủng Ngài ban.

Biến hình với Đức Giêsu là từ giã con người tội lỗi yếu hèn của mình, là trở nên giống Chúa mỗi ngày một hơn.

Biến hình với Đức Giêsu là chấp nhận tha nhân khi chúng ta gặp gỡ trên đường đi, những người đang sống trong cộng đoàn, những anh chị em đang sống trong gia đình, những người cùng làm việc với chúng ta; chấp nhận những khác biệt về tính tình, tuổi tác và nếp suy nghĩ; chấp nhận những bất toàn của cả những vị đang hướng dẫn chúng ta.

Biến hình với Đức Giêsu là chấp nhận bước ra khỏi pháo đài của ích kỷ, nói hành nói xấu, hận thù, ghen ghét, kết án, chỉ trích, loại trừ, để cầm tay nhau, nói với nhau những lời nói dễ nghe, hòa nhã; giúp đỡ nhau tận tình, khen tặng nhau chân thành, góp ý xây dựng nhau thật lòng, đón nhận những thành công thất bại của người anh chị em như của mình, giúp nhau sống vui và trung thành với công việc bổn phận, yêu thương và tôn trọng nhau như chính Chúa đã yêu dù chúng ta lỗi tội.

LỜI KẾT

Lạy Chúa Giêsu, Chúa mời gọi chúng con cùng lên núi biến hình với Chúa và dấn thân ra đi trên hành trình đức tin. Bởi khi chấp nhận biến hình, chúng con mới gặp được Đức Kitô Phục sinh vinh quang, muốn được chung phần vinh quang với Chúa đòi chúng con phải biến hình mỗi ngày. Xin Chúa gia tăng tình yêu nơi chúng con để dù cuộc sống có muôn vàn khó khăn, thử thách hay tâm hồn của mỗi chúng con là một thế giới bí mật, khôn dò khôn thấu, cho dù mỗi chúng con với những tính khí mỗi người mỗi cách, mỗi người mỗi cá tính, chúng con biết can đảm biến đổi từng ngày, biết xoá mình để đón nhận nhau như món quà Chúa tặng ban, và xin Chúa giúp chúng con biết ra khỏi mình để đến với mọi người, nhất là những người mà con ít thiện cảm. Xin cho chúng con nhận ra Chúa nơi những người mà chúng con có dịp gặp gỡ và phục vụ.
                                                                                                    
Hội dòng MTG Qui Nhơn
 

Tác giả bài viết: Hội dòng MTG Qui Nhơn