Đau khổ: những mảnh dăm vụn vặt của thập giá Đức Kitô

Đau khổ: những mảnh dăm vụn vặt của thập giá Đức Kitô
Khi suy tư về tầm quan trọng của thanh gỗ, ta thấy Đức Kitô đã hiện thực nhiều biến cố lớn trong lịch sử cứu độ cũng như nhiều hình ảnh liên quan đến chất liệu “gỗ” khác nhau của Thiên Chúa. Ngài là Người Thợ Mộc Bậc Thầy (x. G 38, 4-7). Hãy xem:

Đau khổ: những mảnh dăm vụn vặt của thập giá Đức Kitô



Tiến sĩ Joseph R. Hollcraft
Avila Institute

 

Khi suy tư về tầm quan trọng của thanh gỗ, ta thấy Đức Kitô đã hiện thực nhiều biến cố lớn trong lịch sử cứu độ cũng như nhiều hình ảnh liên quan đến chất liệu “gỗ” khác nhau của Thiên Chúa. Ngài là Người Thợ Mộc Bậc Thầy (x. G 38, 4-7). Hãy xem:

  • Trong câu chuyện Ađam, chúng ta có trái táo treo trên cành cây trong vườn (x. Stk 3,1-5).
  • Trong câu chuyện Noê, ta có con tàu đóng bằng gỗ bách (x. Stk 6,14).
  • Trong câu chuyện ông Abraham, chúng ta có gỗ làm củi đốt mà Isaac mang lên núi Moria để dâng lễ hiến tế (x. Stk 22,1-19);
  • Trong câu chuyện Môsê, ta có quy định về ngày Vượt Qua, bôi máu chiên lên cửa và khung bằng gỗ (x. Xh 12,7; xem thêm Xh 21,6; Đnl 15,17 về các truyền thống nói về cánh cửa bằng gỗ).
  • Trong câu chuyện Đavít, ta có Hòm Bia Giao Ước bằng gỗ keo (x. Xh 25,10) được kiệu đến Giêrusalem.
  • Trong sấm ngôn của Isaia về Đấng Messia, chúng ta có hình ảnh cành cây mọc ra từ gốc Giêsê, và Thánh Thần Thiên Chúa sẽ ngự trên người ấy (x. Is 11,1-11);
Như gỗ được sử dụng để đóng tàu nhằm bảo vệ và che chở cho gia đình ông Nôê khỏi nước lũ của cơn lụt hồng thủy, chúng ta cũng uống nước từ “mạch nước vọt lên sự sống đời đời” chảy ra từ cạnh sườn Đức Kitô trên thập giá (Ga 4,14). Như Isaac vác củi trên lưng leo lên núi thì Đức Kitô là Isaac mới cũng vâng lời Chúa Cha vác thanh gỗ leo lên đồi Golgotha. Như dân Israel bôi máu chiên lên các thanh cửa gỗ thì Đức Kitô là “con chiên Thiên Chúa” (Ga 1,36) cũng đã đổ máu mình trên các thanh ngang dọc của cây thập giá. Như vua Đavít mang Hòm bia bằng gỗ quý về Giêrusalem thì Giêrusalem là nơi mà chúng ta phải đến để chiêm ngắm sự hiện diện của Thiên Chúa trên thập giá trong cuộc Khổ Nạn và cái chết của Đức Kitô.

Về sấm ngôn của Isaia, từ nguyên của địa danh “Nazareth” là một từ tiếng Hípri có nghĩa là “cành cây”. Đức Kitô là cành cây mọc ra từ dòng dõi Giêsê.

Nói chung, gỗ trong lịch sử cứu rỗi luôn nói đến cái chết và sự sống: nhánh cây, gỗ bách, gỗ keo, củi đốt, cánh cửa, tất cả đều đóng một phần trong bài trường ca tình yêu Thiên Chúa đối với con người, mà điểm cao vút cuối cùng là cái chết của Đức Kitô trên cây gỗ thập tự.

Chất liệu gỗ đã để lại dấu vết của mình trên bức tranh lịch sử cứu độ. Thật thích hợp khi Thiên Chúa dùng ngay chất liệu gỗ (trái táo trên cành cây) là nguyên nhân dụng cụ khi con người đánh mất ân sủng để làm chất liệu (gỗ cây thập giá) được sử dụng trong việc hồi phục ân sủng (x. Rm 5,14).

Thật mỉa mai, Người Thợ Mộc Bậc Thầy tạo dựng nên thế giới, khi làm kiếp con người, đã phải học nghề thợ mộc, và rồi đã đổi mới thế giới ấy từ trên cây gỗ thập tự. Biểu tượng thập tự luôn mang ý nghĩa cái chết trong thế giới Roma thời cổ nay lại mang nghĩa sự sống, và lịch sử đã sang trang vì cây thập tự ấy.

Giờ Kinh Sách tuần 1 thường niên, đáp ca 1: “Cây đem lại quả trường sinh, chính là cây thập giá”. Gỗ cây thập giá, trước đây đã từng là một cây sống, sinh trưởng và mạnh mẽ, nó đã chết khô đi. Chỉ khi nó được Người Thợ Mộc Bậc Thầy sử dụng, nó mới đem lại cho chúng ta sự sống toàn vẹn.

Và những mảnh dăm vụn vặt của chúng ta?

Mỗi thập giá chúng ta mang đều gây khó khăn và đau đớn (excruciating). Thật thú vị khi từ  “đau đớn” (excruciating) xuất phát từ tiếng Latinh là ex-cruces, dịch theo nghĩa đen là “từ cây thập giá”. Như vậy từ mà chúng ta sử dụng để diễn tả sự đau đớn xuất phát từ nỗi thống khổ và hành hình trên “cây thập giá”. Đức Kitô bị treo trên cây thập giá, đem lại cho đau khổ ý nghĩa cứu rỗi. Có thể nói rằng điều đau đớn nhất trong đời sống chúng ta chính là điều mà Đức Kitô trao ban cho chúng ta từ trên “cây thập giá”. Đó là điều thật khó nghe nhưng chúng ta cũng nên nhớ rằng Thánh Phaolô đã vui mừng vì điều đó trong thư gởi tín hữu Côlôsê: “Nay tôi vui sướng trong các nỗi thống khổ chịu vì anh em; và trong thân xác tôi, tôi bù đắp những gì còn thiếu nơi các nỗi quẫn bách Ðức Kitô phải chịu vì Thân mình Ngài, tức là Hội thánh” (Cl 1,24).[1] Câu này của Thánh Phaolô đã hình thành nên giáo huấn nền tảng của Giáo hội về sự đau khổ cứu rỗi mà sách “Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo” đã quảng diễn: “Kết hiệp với Ðức Kitô chịu khổ nạn. Nhờ ân sủng bí tích này, bệnh nhân lãnh nhận sức mạnh và hồng ân kết hiệp chặt chẽ hơn với Ðức Kitô chịu khổ nạn : có thể nói, họ được thánh hiến để sinh hoa kết trái nhờ đồng hình đồng dạng với Ðấng Cứu Thế chịu khổ nạn. Ðau khổ, hậu quả của nguyên tội, nhận một ý nghĩa mới : được tham dự vào công trình cứu độ của Ðức Giêsu.” (số 1521).

Vì thế, trong ánh sáng của Đức Kitô chịu đau đớn và hành hình, sự đau đớn hay khổ đau của chúng ta có được một “ý nghĩa mới” – ý nghĩa cứu rỗi - và được thêm sức mạnh. Và như Thánh Phaolô và Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo nhấn mạnh, chúng ta chia sẻ sứ mệnh và sức mạnh cứu rỗi bằng cách kết hiệp sự đau khổ của chúng ta với Đức Kitô chịu khổ nạn và đồng thời dâng lên Thiên Chúa Cha sự đau khổ này.

Những mảnh dăm vụn vặt của thập giá chúng ta mang vác cần phải được kết hiệp với Thập Giá Đức Kitô. Ta thường phàn nàn: “Chẳng ai có thể hiểu được điều tôi sắp phải trải qua!” Khi ta loay hoay tự hỏi về sự đau khổ, hãy đọc lại những trang viết của Đức Gioan Phaolô II trong Tông thư Salvifici Doloris (Khổ đau cứu độ), về “Ý nghĩa đau khổ của con người theo Kitô giáo”, số 26, ngài viết:


Nói chung, cá nhân chúng ta hầu như luôn bước vào sự đau khổ với sự phản kháng đặc trưng của con người và với câu hỏi “tại sao?”. Ta hỏi về ý nghĩa của đau khổ và tìm kiếm câu trả lời trên bình diện nhân loại. Chắc hẳn nhiều lần con người chúng ta cũng đặt câu hỏi này với Thiên Chúa và Đức Kitô. Vả lại, chúng ta cũng nên lưu ý rằng đấng mà chúng ta đặt câu hỏi cũng là chính đấng đã chịu đau khổ và mong muốn trả lời cho chính mình từ trên thập giá, từ sâu thẳm đau khổ của riêng mình. Tuy nhiên, câu trả lời cần phải có thời gian và thậm chí một thời gian rất lâu dài. Thật sự Đức Kitô không trả lời trực tiếp hay cách trừu tượng về ý nghĩa đau khổ của con người. Con người nghe được câu trả lời của Đức Kitô khi chính mình dần dà chia sẻ sự đau khổ của Đức Kitô.

Câu trả lời đến từ sự chia sẻ này, qua sự gặp gỡ nội tâm với Người Thầy. Câu trả lời là có một điều gì đó không hẳn chỉ là câu trả lời trừu tượng cho câu hỏi về ý nghĩa của sự đau khổ. Nó ở bên trên lời mời gọi (call). Nó là một ơn gọi (vocation). Đức Kitô không giải thích bằng những lý do trừu tượng, nhưng trên hết ngài nói: “Hãy theo thầy!” Hãy đến! Qua sự đau khổ của mình, con hãy tham dự vào công trình cứu chuộc thế giới, sự cứu chuộc đã hoàn tất qua sự đau khổ của Thầy! Qua thập giá của Thầy! Bao lâu con người chúng ta vác thập giá mình lên, kết hiệp chính mình cách thiêng liêng với Thập Giá của Đức Kitô thì ý nghĩa cứu rỗi của sự đau khổ hiển hiện ra trước mặt con người.  Con người không khám phá ra ý nghĩa này trên bình diện nhân loại của riêng mình nhưng trên bình diện sự đau khổ của Đức Kitô. Tuy nhiên, từ trên bình diện của Đức Kitô, ý nghĩa của đau khổ hạ thấp xuống đến mức độ của con người và trở thành câu trả lời riêng tư cho mỗi cá nhân theo một nghĩa nào đó. Chỉ khi ấy thì con người mới tìm thấy trong sự đau khổ của mình một sự an bình nội tâm và ngay cả niềm vui thiêng liêng.

Khi suy tư về những lời này của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, ta nhận ra 4 chân lý về sự đau khổ:

Ÿ - Trước hết, có một Ai Đó đã hiểu được ý nghĩa của đau khổ và tên của người ấy là Giêsu Kitô. Thật sự có một con người đã đi vào lịch sử cách đây hơn hai ngàn năm và đã chịu đóng đinh vì tội lỗi của chúng ta. Vì thế, với đức tin, chúng ta đừng bao giờ thốt lên rằng: “Chẳng ai hiểu được nổi đau mà tôi đã phải trải qua!” bởi vì chẳng có đau khổ nào mà Đấng ấy đã không phải chịu và đã chinh phục nó cho chúng ta.

Ÿ - Thứ đến, khi biết rằng Ngài đã thấu hiểu, chúng ta phải kết hiệp những mảnh dăm của chúng ta vào cây gỗ Thập Giá. Điều này kéo theo sự tín thác vào Thiên Chúa là hành động cụ thể và là nhân đức của đức tin. Đức tin trước hết là một ân sủng và thứ đến là sự tín thác vào Chúa toàn bộ  hành trình sống của con người (bao gồm cả sự đau khổ).

Ÿ - Thứ ba, ta phải hiểu hành trình này là “tiệm tiến”. Nói cách khác, ta cần phải kiên nhẫn và tín thác vào Chúa. Ngài sẽ dần dà mạc khải cái động lực ẩn sau sự đau khổ của chúng ta khi nó được kết hiệp với Đức Kitô trên thập giá. Luôn có sự cám dỗ rằng ta phải hiểu ngay tức khắc, chính lúc này và ngay bây giờ, nhưng đó không phải là cách mà Thiên Chúa mạc khải chính mình. Ngài luôn gặp gỡ chúng ta theo như cách mà Ngài tạo dựng ta và đồng hành cùng chúng ta với tư cách là Thiên Chúa. Ngài là một Quý Ông thật sự!

Ÿ - Cuối cùng, đây là ơn gọi cá nhân. Hành trình đức tin của mỗi cá nhân thì không ai giống ai. Nói cách khác, có sự cụ thể và đặc thù của mỗi Kitô hữu  đã được rửa tội và hành trình của họ với Thiên Chúa. Có thể ta luôn bị cám dỗ so sánh sự đau khổ của chúng ta với người khác và luôn tự hỏi tại sao mình cứ phải bị thiệt thòi thua thiệt. Nhưng như Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhắc nhở là đừng so sánh kiểu đó. Thánh Têrêsa Avila nói rằng: “Thiên Chúa cho phép mọi sự xảy ra với mục đích cứu rỗi”. Chủ yếu, chúng ta được mời gọi gặp gỡ Đức Kitô trong đời sống nội tâm, nơi mầu nhiệm được tỏ lộ. Và với cánh tay giang rộng ra như đức Kitô, chúng ta dâng đau khổ duy nhất của riêng ta lên Thiên Chúa Cha.”

Người Thợ Mộc Bậc Thầy muốn đẻo gọt chúng ta giống và theo hình ảnh của mình, và chúng ta làm được điều này khi kết hiệp chính chúng ta với một điều trên hết mọi điều: cái xác thân nằm trên cây gỗ thập giá!

Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
Chuyển ngữ từ
“The Work of a Master Carpenter”
trong Tạp chí Homiletic & Pastoral Review, 2017



[1] Không thể giải thích câu “những gì còn thiếutheo nghĩa là “sự đau khổ của Đức Kitô không đủ để cứu chuộc mà còn cần đến những đau khổ của các thánh mới đầy đủ”. Điều còn thiếu ở đây có liên quan đến những đau khổ của toàn thể Giáo Hội mà Thánh Phaolô thêm vào phần của riêng mình (Ignatius Catholic Study Bible: New Testament, Edited by Hahn, Scott and Mitch, Curtis. San Francisco, CA: Ignatius Press, 2011)