Đại Hội Di Dân và Đồng Hương Giáo Phận Qui Nhơn Lần III - 2017

Đại Hội Di Dân và Đồng Hương Giáo Phận Qui Nhơn Lần III - 2017
Cội nguồn là gốc rễ tiếp thêm sức mạnh và tinh thần hiệp nhất cho những người con xa quê Giáo phận Qui Nhơn vì cuộc sống mưu sinh đã phải rời quê hương xứ sở để hòa mình vào chốn thị thành. Điều đó được thể hiện sinh động trong ngày Đại hội Di Dân và Đồng Hương Giáo phận Qui Nhơn lần thứ III được tổ chức vào ngày 07.05.2017 tại dòng Don Bosco Bến Cát với mục đích gặp gỡ, giao lưu, kết nối tình đồng hương huynh đệ, giúp nhau thăng tiến đức tin và nghề nghiệp.

ĐẠI HỘI DI DÂN VÀ ĐỒNG HƯƠNG

GIÁO PHẬN QUI NHƠN LẦN III - 2017

TẠI TỔNG GIÁO PHẬN SÀI GÒN

CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH

 

CHỦ ĐỀ: YÊU THƯƠNG - PHỤC VỤ

Cội nguồn là gốc rễ tiếp thêm sức mạnh và tinh thần hiệp nhất cho những người con xa quê Giáo phận Qui Nhơn vì cuộc sống mưu sinh đã phải rời quê hương xứ sở để hòa mình vào chốn thị thành. Điều đó được thể hiện sinh động trong ngày Đại hội Di Dân và Đồng Hương Giáo phận Qui Nhơn lần thứ III được tổ chức vào ngày 07.05.2017 tại dòng Don Bosco Bến Cát với mục đích gặp gỡ, giao lưu, kết nối tình đồng hương huynh đệ, giúp nhau thăng tiến đức tin và nghề nghiệp.

Từ sáng sớm trên con đường dẫn vào nhà dòng Don Bosco Bến Cát quận Gò Vấp đã thấp thoáng bóng dáng của các bạn và Qúy Cha trong BTC cùng một niềm vui, một niềm phấn khởi cùng chung tay cho ngày Đại hội diễn ra tốt đẹp.

Ánh nắng vàng của đất Sài Thành những ngày chuyển mùa càng tô thêm vẻ đẹp cho khuôn viên Đại hội, mặc dù sân khấu đã được trang hoàng rất lộng lẫy qua những ngày hì hụi dàn dựng của các Cha và anh chị trong BTC. Không quản tính khí thất thường của tiết trời Sài Gòn những ngày chuyển giao, không quản đường xá xa xôi hiểm trở, không quản những ngày tạm gác công việc và việc học sang bên. Tình yêu thương đã thúc giục và đồng hành cùng các anh chị để có được ngày Đại hội hôm nay.

Đúng 08g00, bầu không khí của Đại hội rộn ràng hẳn lên. Trong tiếng nhạc tưng bừng, các bạn trong ban tiếp tân nối đuôi nhau tiếp đón đoàn người cùng đổ về nơi thân thương này.

Rộn ràng nối tiếp niềm hạnh phúc, đúng 09g00 các tham dự viên xếp thành hai hàng, hân hoan chào mừng Đức Cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi – vị chủ chăn của Giáo phận. Đâu đó những giọi nước mắt đã lặng lẽ rơi và lặng lẽ giấu đi trong cái khoảnh khắc này. Như con chiên bơ vơ tìm được hơi ấm mẹ.

Tham dự Đại hội còn có sự hiện diện của Cha Giuse Trương Đình Hiền – Tổng Đại Diện , Cha Antôn Nguyễn Huy Điệp – Hạt Trưởng Mằng Lăng – Nguyên Trưởng ban Mục vụ gia đình, Cha FX Phan Văn Mạnh – Trưởng ban MVDD, cha Giuse Phan Văn Hay – Thư kí ban MVDD, cùng Qúy Cha trong và ngoài Giáo phận, Qúy Soeurs dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn cùng hơn 400 anh chị em di dân là con cái đất Mẹ Qui Nhơn cùng hòa mình trong niềm vui hội ngộ này.

Với chủ đề YÊU THƯƠNG – PHỤC VỤ cùng nhau nhìn lại chiều dài lịch sử Giáo phận. Người con xứ nẩu cùng hướng lòng về GPQN thân yêu bằng lời cầu nguyện và sự hiệp thông, khi Giáo phận chuẩn bị bước vào Năm Thánh, kỷ niệm 400 năm đón nhận và loan báo Tin Mừng. Với tinh thần đó, bầu không khí được làm nóng qua bài cử điệu khai mạc: “Hiệp nhất Phục vụ” do các bạn trong BTC trình bày với thông điệp “ra đi chẳng ngại chi vì Chúa luôn đồng hành mỗi bước đường ta đi”. Tiếp đến là lời chào mừng của Cha Trưởng ban Di dân, những người con xa quê cùng chào đón nhau bằng tràng vỗ tay ấm tình yêu thương.

Cái cảm giác bỡ ngỡ, cái ánh nhìn ngơ ngác của các bạn lần đầu tiên tham dự đã thật sự chôn vùi, niềm vui nhân đôi niềm vui, hạnh phúc đã vỡ òa qua Huấn từ khai mạc của Đức Cha Matthêô. Đã thật lâu lắm rồi những người con xa quê mới lại được thấy vị chủ chăn của quê hương xứ sở, đã thật lâu lắm rồi mới lại được nghe cái giọng đặc trưng của người dân xứ nẩu. Ngài đã gợi nên sự thích thú và giúp gợi nhắc cội nguồn cho những người con xa quê qua việc giải thích cụm từ “di dân” và “đồng hương” để hướng về hai chữ “Quê hương”, giúp người xa quê tìm lại được cội nguồn tên gọi của Quảng Ngãi – Bình Định – Phú Yên để hợp nhất nên một Mẹ Qui Nhơn.

Tiếp nối chương trình là tiết mục nhảy “I Love Giêsu” do các bạn di dân Phú Yên trình bày đã làm cho bầu không khí đại hội thêm tươi vui.

Không khí nhộn nhịp qua đi, mọi người cùng nhau cảm nhận và biến đổi qua chuyên đề “Gia đình công giáo thời hiện đại” do Cha Antôn Nguyễn Huy Điệp chia sẻ. Cha dẫn dắt mọi người đến với cuộc sống gia đình công giáo thời hiện đại để giúp các bạn trẻ thức tỉnh với tình yêu chớp nhoáng hiện tại và một phần nào đó có thêm hành trang để bước vào đời sống gia đình, bên cạnh đó giúp các gia đình công giáo hiện nay nhìn lại và trau dồi thêm hạnh phúc của Tình yêu Thánh Gia trong gia đình mình. Mượn lời Tin Mừng Thánh Matthêu, Cha mở đầu buổi nói chuyện bằng câu hỏi của những nhà biệt phái hỏi Chúa Giêsu: “Có thể ly dị với lý do gì không?” và câu trả lời là: Chúa tạo dựng nên vũ trụ muôn loài, có nam có nữ, đến tuổi trưởng thành người nam sẽ bỏ gia đình, cha mẹ để đến với người nữ, cả hai không tách biệt mà đã trở nên một, vì vậy “Điều gì Thiên Chúa đã kết hợp loài người không được phân ly”. Và cho đến nay lời Chúa vẫn còn mãi không thay đổi chỉ có gia đình thế giới đổi thay. Trước vấn nạn chia ly ấy ĐGH đã có Tông Huấn dẫn đưa con người đến niềm vui của Tình Yêu, với mong muốn trong tình yêu họ tìm được nhau thật sự, cùng giúp nhau thăng tiến và đơm hoa kết trái như ý Chúa muốn. Và cũng trong Tông Huấn Ngài đã nói lên hai thách thức mà gia đình công giáo đang phải đương đầu đó là chủ nghĩa cá nhân và áp lực của nhịp sống hôm nay. Con người ngày nay đang chạy theo xu hướng yêu chuộng tự do cá nhân, chính vì vậy họ không thể sống cùng nhau và sống lâu bền được. họ không muốn bị quấy rối và thích cuộc sống riêng tư hơn. Bên cạnh đó vì cuộc sống mưu sinh áo cơm gạo tiền họ phải chạy đua theo vòng xoáy công việc. Thực tế là đây: Giữa Sài Thành hoa lệ đất chật người đông này rất nhiều người cảm thấy cô đơn, cảm thấy lạc lõng. Vì sao? Vì chính họ tự tạo khoảng cách cho nhau, thay vì những buổi gặp gỡ, chuyện trò cùng nhau lại được thay bằng những giờ tăng ca kiếm thêm ít đồng để chăm lo cho cuộc sống. Chính bởi vì điều này đã dẫn đến việc “sống thử” người ta tìm đến nhau, sống cùng nhau hợp thì tiến tới, không hợp thì bỏ đi. Chính hành động này đã kéo theo một tràng hệ lụy đau thương: Ly dị, có thai trước hôn nhân, có thai ngoài ý muốn và cướp đi sự sống của hàng ngàn sinh linh bé nhỏ qua việc nạo phá thai từng giờ, từng ngày trên đất nước Việt Nam, và đây cũng là nỗi trăn trở trước vấn nạn đau thương của các vị chủ chăn. Vậy lý do vì sao. Một trong những lý do cần lưu tâm đó là vì nạn đói. Người di đân tha hương cầu thực vì lẽ gì? Nơi thôn quê đang bị chảy máu vì người dân túa về các thành thị quá đông. Để làm gì? Để kiếm miếng cơm manh áo, để có một con đường học vấn trang hoàng hơn. Lý do thứ hai đó là người ta tìm đến một tình yêu ảo, tình yêu trên mạng chóng đến và chóng đi. Bên cạnh đó cách ứng xử với nhau như đồ vật, mua bán sử dụng vắt kiệt sức lực của nhau rồi vứt bỏ. Chắc chắn những điều đó không thể dẫn đến một tình yêu thật sự. Nhưng bên cạnh đó cũng không thể không ngợi khen các gia đình đã lấy gia đình Thánh gia làm gương mẫu để sống một đời sống một vợ một chồng biết quý trọng sự thủy chung và tình yêu của nhau, luôn biết chạy đến cùng Chúa qua việc sốt sắng lãnh nhận hai bí tích Giao Hòa và Thánh Thể để thăng tiến đời sống gia đình ngày một đẹp lòng Chúa hơn.

Vậy ĐGH mời gọi bạn điều gì: Hãy mở lòng cho ân sủng Chúa, tình yêu phải xuất phát từ tình yêu Thiên Chúa. Hãy trân quý và bồi dưỡng tình yêu của nhau như đôi vợ chồng già đã sẻ chia, một cử chỉ yêu thương làm lòng ngập tràn hạnh phúc suốt chặng đường cuộc đời. Năm 2017: Năm chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân, điều gì đánh động bạn và tôi? Là một người vợ, người chồng điều gì đã biến đổi tôi chính trong giây phút này? Hãy cầu nguyện thật sốt sắng vì đó là bí kíp hạnh phúc mà cô Lý và bạn Khang đã chia sẻ.

Trong tâm trạng nghĩ suy về đời sống gia đình ca sĩ Lý Thiên Kim đã mời gọi mọi người hãy dâng hết mọi sự cho Chúa và cầu bầu cùng Mẹ Maria qua ca khúc: Phó thác và Ave Maria

Một giọng ca tươi vui, một tính cách hóm hỉnh, một người Cha không quản vất vả đã cùng các bạn trong BTC chuẩn bị từ ánh đèn sân khấu đến chai nước, cái khăn lạnh. Dù mệt nhọc nhưng trên môi miệng của Cha luôn cất vang tiếng hát – nguồn động lực cỗ vũ tinh thần mỗi người. Và giờ đây đến với Đại hội Cha lại đem đến một luồng gió mát qua ca khúc “Khúc cảm tạ”. Tạ ơn vì ngày hôm nay giữa bộn bề lo toan cuộc sống, Chúa đã dẫn lối soi đường cho mỗi người di dân chúng con cùng quy tụ về đây, cùng hòa mình cất tiếng vang cảm tạ dâng lên Ngài. Tạ ơn vì tình yêu Chúa luôn đồng hành và đỡ nâng chúng con, để những người xa quê vẫn không quên gốc gác nguồn cội của mình. Tạ ơn vì những lúc bản thân yếu đuối trước cám dỗ hào nhoáng của cuộc đời Chúa luôn giữ gìn và đón nhận sự ăn năn trở về của chúng con. Khúc cảm tạ còn ngân vang và tiếp tục qua tiết hát của Cha Nam là giọng ca vàng truyền cảm của Giáo phận. Mới chợt nhận ra tình yêu Chúa đã thấm thía trong từng lời ca tiếng hát của mỗi người con đất mẹ.

Đại hội di đân hôm nay không chỉ dừng lại ở tình yêu hôn nhân gia đình mà còn hướng lòng mọi người đến một tình yêu tuyệt vời không kém đó là tình yêu quê hương – cái nôi hình thành và dưỡng nuôi đời sống đức tin qua bài nói chuyện “Người xa quê hướng về Giáo phận nhân dịp kỷ niệm 400 năm Giáo phận đón nhận Tin Mừng (1618–2018)” do cha Giuse Trương Đình Hiền chia sẻ:

“Quê hương là gì hở mẹ

Mà cô giáo dạy phải yêu

Quê hương là gì hở mẹ

Ai đi xa cũng nhớ nhiều”

Mượn lời thơ Đỗ Trung Quân, Cha dẫn lối tâm hồn mỗi người cùng hướng về nơi chôn nhau cắt rốn, nơi đất Mẹ Qui Nhơn luôn dõi theo người di dân và đồng hương mỗi ngày qua sự quan tâm của Đức Cha và Qúy Cha và điều đó được minh chứng qua việc có ngày đại hội và sự hiện diện của các Ngài trong ngày vui hôm nay. Nói đến quê hương là nói đến “gà nướng Thiên Ấn hay cá Bống sông Trà” của Quảng Ngãi. Nói đến quê hương là nói đến “Rượu Bầu Đá Sông Côn hay bánh xèo tôm nhảy Tuy Phước” của Bình Định. Nói đến quê hương là nói đến “Bánh tráng Hòa Đa, bánh bèo núi Nhạn hay là nơi có hoa vàng trên cỏ xanh” của Phú Yên... còn nhắc đến quê hương đức tin thì đó chính là GPQN, là “bà mẹ già Hội thánh địa phương” và vui mừng hơn  bà Mẹ ấy sắp sửa mừng sinh nhật 400 tuổi.

400 năm – một chặng đường lịch sử phát triển đầy cam go và thử thách để thật vui mừng cho ngày hôm nay. Ngày Mẹ Qui Nhơn hùng dũng, oai nghiêm, khoác lên mình chiếc áo được đan dệt bằng máu, nước mắt, đau thương, hạnh phúc của các Vị Tử Đạo đã ngã xuống để 400 Mẹ luôn vững chãi một niềm xác tín kiên trung. Là người con di dân và đồng hương thật tự hào biết bao cuộc sống chứng tá của Mẹ. Trong suốt chặng đường dài phát triển, có lúc tưởng chừng sẽ trút hơi thở cuối nhưng bằng niềm cậy trông Mẹ đã ngoan cường qua bao cuộc chiến. Mẹ đã sản sinh ra những anh hùng “đi lên từ những đau khổ lớn lao, giặt áo mình trong máu con chiên” (Kh 7,13 -14)  và “tung hô chiến thắng trong quê hương vĩnh hằng” (Kh 7,9 -10). Đó là bốn vị thánh: Á Thánh Anre Phú Yên – chứng nhân đầu tiên của Giáo hội Việt Nam, Thánh linh mục Phanxico Isidore Gagelin Kính, Thánh Anre Nguyễn Kim Thông. Thánh Giám mục Stêphanô Theodore Cuét Thể. Dải đất dài miền Trung, cái eo của Tổ Quốc, cái mảnh đất hứng chịu nhiều đau thương, cái mảnh đất cằn cỗi ấy lại là nơi đã mang đến chữ Quốc Ngữ đầu tiên cho dân tộc Việt Nam và trở thành khí cụ hữu hiệu cho công cuộc loan báo Tin Mừng và cho nền văn hóa của dân tộc Việt Nam hôm nay. Tiếp nối trung tâm Quốc Ngữ là nhà in Làng Sông (giữa thế kỉ 19) một trong ba trung tâm truyền bá chữ quốc ngữ và văn học quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam. Đặc sản văn hóa còn là sự có mặt của các linh mục GioaKim Đặng Đức Tuấn, Trăng Thập Tự với các tập san và hoa biển ra đời cùng các giải văn thơ nhằm lưu truyền món ăn tinh thần qua bao đời thế hệ. cùng sự góp mặt của nhà thơ Hàn Mặc Tử – một cây bút đại thụ trong phong trào Thơ Mới 1932.

Là người con của đát Mẹ Qui Nhơn chúng ta không thể nào quên được cái “mùi của Mẹ”. Mùi của đau thương loạn lạc trong quá khứ, mùi của kiên cường bất khuất trong thời chiến chinh. Và ngày nay cái mùi ấy sẽ vẫn còn lưu truyền mãi nếu bạn và tôi cùng nắm tay nhau hướng lòng mình về cội nguồn dù có đi xa tận chân trời góc bể nào. Sắp đến ngày sinh nhật Mẹ hãy dành tặng những món quà bằng tất cả lòng mến yêu dâng lên Mẹ nhé!

Mẹ Qui Nhơn có lẽ được Thiên Chúa ưu ái rất nhiều, vì giờ đây những hàng ghế cách xa nhau đã lại sát gần nhau hơn; những cái ngáp dài đã thay bằng những lời hỏi thăm nhau của các tham dự viên. Mới hay có những ông bà cô chú lần đầu được biết đến ngày đại hội mà cảm xúc không nguôi “vất vả lắm cháu ơi, một ngày không làm là cái miếng ăn nó đe dọa, nhưng cô gác lại hết vì nhớ cái tiếng thân thương của mình quá rồi” – lời tâm sự của cô gánh hàng rong tại Tân Phú. Cảm tạ Chúa vì hồng ân Chúa thật bao la đối với người di dân và đồng hương chúng con. Ca sĩ Gia Ân đã thay lời cảm tạ của chúng con thể hiện qua ca khúc “Bao la tình Chúa”.

Tình yêu thương, sự quan tâm, lo lắng và luôn đồng hành cùng con dân của mình. Giờ đây Đức Cha sẽ gặp gỡ, giải đáp các thắc mắc của các con chiên. Nghẹn ngào từng tâm sự, trăn trở từng nỗi lo, Cha thật sự là người Mẹ của những người xa quê chúng con. Bằng những động viên, những sẻ chia quý báu Cha đã giúp lòng chúng con hiệp thông thật sự với tình yêu Chúa. Khép lại phần chia sẻ là những giọt nước mắt rơi, là nụ cười ấm lòng của các tham dự viên. Dù cuộc sống gia đình không đẹp như mong muốn nhưng giờ đây họ đã cảm thấy vui vì họ không đi một mình trên lữ trần này nữa mà luôn có lời Cha đồng hành cùng họ.

12g00 mọi người cùng quây quần bên nhau ăn trưa, giao lưu theo từng Giáo hạt với nhau. Tuy bữa cơm đơn sơ nhưng thật ấm lòng với người con đi xa, niềm vui của các tham dự viên như muốn kéo dài thêm nữa.

Đỉnh cao của cuộc gặp gỡ, sẻ chia là Thánh lễ. Trong Thánh lễ mọi người được cùng nhau bẻ bánh, được kín múc tình yêu Thiên Chúa. Hôm nay Lễ Chúa Chiên Lành – như một lời mời gọi các bạn trẻ hãy thật sự mở lòng đón nhận tiếng mời gọi của Thiên Chúa. Và hãy sống đời sống ơn gọi thật xứng đáng với Tình yêu Thiên Chúa dành tặng bạn.

“Hãy đến và trao yêu thương”. Nghi thức sai đi đã khép lại chương trình. Nhưng Đức Cha đã nói: hãy để tình yêu Thiên Chúa không chỉ diễn ra ở ngày đại hội và khép lại khi kết thúc mà hãy mang nó đi, đi trên mọi nẻo đường mà bạn và tôi đi qua.

Chúng ta hãy chung tay góp sức làm cho “ngôi nhà của Mẹ” đẹp hơn, rộng hơn, khang trang hơn để ai trong chúng ta cũng đều mong ước trở về “mái nhà của Mẹ Qui Nhơn”, dầu chỉ một lần trong đời. Bởi vì “Mẹ chúng ta vẫn còn ở đó” mà !

Đối tượng sống của người di dân và đồng hương của tôi và bạn là gì? Tinh thần bạn có thật sự tìm về Mẹ chúng ta không?  Hãy cùng quyết tâm biến đổi mình mỗi ngày đẹp lòng Chúa hơn bạn và tôi nhé!

Trong niềm hân hoan và chút lưu luyến, mọi người cùng ra đi mang theo tình yêu Chúa trên khắp mọi nẻo đường, hầu trở nên chứng nhân giữa cuộc đời hôm nay.

Dòng người nối đuôi nhau ra về, các Cha và anh chị trong BTC lại cùng chung tay gỡ sân khấu và thu dọn khuôn viên sạch sẽ. Tuy vất vả nhưng nụ cười luôn thường trực trên môi mỗi người.

“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”.

 


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tác giả bài viết: Bánh Tráng Cỏ (BTC Di Dân Gp)