Trang mới   https://gpquinhon.org

Lược sử giáo xứ Sông cầu

Đăng lúc: Thứ tư - 24/10/2012 13:20

SƠ LƯỢC VỀ GIÁO XỨ SÔNG CẦU
Bổn mạng : Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu

 


 

I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ:

Hiện nay (2012), địa bàn Giáo xứ Sông Cầu gồm 5 xã và 4 phường thuộc thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Các xã đó là: Xuân Thịnh, Xuân Phương, Xuân Thọ 1, Xuân Thọ 2 và Xuân Lâm; 4 phường đó là: Xuân Yên, Xuân Phú, Xuân Thành, và Xuân Đài.

Phía đông giáp biển Đông; phía tây giáp huyện Đồng Xuân (thuộc Giáo xứ Đồng Tre và Giáo xứ Đa Lộc); phía nam giáp huyện Tuy An (thuộc giáo xứ Mằng Lăng); và  Phía bắc giáp xã Xuân Cảnh, thị xã Sông Cầu (thuộc giáo xứ Gò Duối).

Nhà thờ Công Giáo Sông Cầu ở tại trung tâm thị xã, ven đường quốc lộ 1A nội thị, cách đỉnh dốc Găng chừng 2 km về phía bắc; từ Bắc vô Nam cách cầu Thị Thạc chừng 300m, thuộc khu phố Long Hải Nam, phường Xuân Phú. Toàn giáo xứ chỉ có một Nhà thờ này mà thôi  Nhà thờ của các giáo họ khác, sau chiến tranh đến nay chưa có điều kiện phục hồi được.

II. ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ:

Từ đầu thế kỷ 18, vùng đất Giáo xứ Sông Cầu ngày nay thuộc vùng truyền giáo Bắc Phú Yên do các thừa sai Hội Thừa Sai Balê đặt cư sở tại Mằng Lăng đảm nhận. Theo thống kê của Hội Thừa Sai Paris năm 1747 thì phần đất thuộc Giáo xứ Sông Cầu có Vũng Lắm được 60 Kitô hữu (Vũng Lắm là một vũng nhỏ trong vịnh Xuân Đài). Trong báo cáo của Đức Cha Stêphanô Thể gởi Hội Thừa Sai Balê năm 1850, vùng Bắc Phú Yên có 21 họ đạo trong đó có Triều Phước (Triều Sơn) 195 tín hữu, Trung Mỹ 152, Soi Nhan 89, Sơn Thượng 88, Phụng Sơn 28 tín hữu … thuộc Sông Cầu ngày nay [1].

Năm 1889 Tòa Công Sứ Pháp và sau đó Tỉnh đường Phú Yên đặt tại Sông Cầu. Tuy nhiên vùng đồng bằng và Đầm Cù Mông phía Bắc Sông Cầu thuận lợi cho việc sản xuất lúa gạo và đánh bắt cá đã thu hút nhiều người định cư ở đây hơn ở Sông Cầu. Lại nữa khi người Pháp mở đồng muối tại Tuyết Diêm, xã Xuân Lộc, nhiều người đến đây lập nghiệp. Trong bối cảnh sinh hoạt xã hội đó, nhà thờ Gò Duối được thành lập. Là vùng cực Bắc của Phú Yên giáp ranh giới của Bình Định, nên lúc đầu nhờ các Cha ở Bình Định (Ngọc Thạnh và Tân Dinh) chăm sóc mục vụ, sau đó là các Cha phó Mằng Lăng phụ trách.

Năm 1894 –1895 Thầy Sô và Thầy Tài là hai Thầy giúp xứ Mằng Lăng đã có công gầy dựng các giáo điểm Sông Cầu, Gò Duối...[2].

Năm 1895 có Cha Antôn Bản, Cha phó Mằng Lăng đến ở tại Gò Duối. Tháng 08 năm 1897 Cha Phanxicô Xaviê Hương đến Gò Duối thay thế Cha Bản. Tháng 08 năm 1898 Cha Phêrô Cao quê ở Mỹ Trang, Nước Nhĩ, vừa mới thụ phong linh mục đến thay Cha Hương. Cha Cao ở tại Gò Duối 12 năm đến tháng 03 năm 1910.

Năm 1903, lúc chưa hoàn thành nhà thờ Mằng Lăng, Cha Wendling khởi công xây dựng nhà thờ Sông Cầu vì nhu cầu tôn giáo của các quan viên chức Tòa Sứ và Tỉnh đường [3]. Nhà thờ nầy được làm phép ngày 08. 3. 1904.

Từ đời Cha Cao (1898 – 1910), Cha phó Mằng Lăng nhưng ở tại Gò Duối, phía bắc Mằng Lăng [4] đã có 6 nhà thờ: Gò Duối, Sông Cầu, Lệ Uyên, Trùm Tường, Thạch Khê và Tuỳ Lực, trong đó Gò Duối là nơi có linh mục ở thường xuyên.

 Sáng ngày 09. 4. 1907, Đức Cha Grangeon Mẫn đến Gò Duối ban Bí tích Thêm Sức. Ngày 20. 02. 1914 Đức Cha Jeaningros Vị ban Bí Tích Thêm Sức tại Gò Duối, và sau đó, ngày 22. 02. 1914 tại Sông Cầu. Năm 1918 sau khi ban bí tích Thêm Sức ở Gò Duối, Đức Cha cũng ban Bí tích Thêm Sức tại Sông Cầu.

Tháng 07. 1927, Đức Cha Damien Grangeon Mẫn đã đưa Cha Phaolô Trần Huấn  từ Tịnh Sơn về làm Cha sở tiên khởi của Giáo xứ Sông Cầu.

Từ thời điểm nầy, Sông Cầu chính thức là một trong 07 Giáo xứ của Hạt Phú Yên: Mằng Lăng 1.276 tín hữu, Sông Cầu 197 tín hữu, Đồng Tre 351 tín hữu,Trà Kê 496 tín hữu,  Tịnh Sơn 354 tín hữu,  Hoa Châu 238 tín hữu, Hoa Vông 636 tín hữu[5].

Từ năm 1927 đến nay, Giáo xứ Sông cầu được chăm sóc mục vụ với sự hiện diện của các Cha sở:     

 
1. Phaolô Trần Huấn                    1927-1939 8. Phêrô Phan Anh Thụ                    1960-1967
2. Giacôbê Nguyễn Hữu Thiên    1939-1944 9. Phaolô Nguyễn Xuân Bàn            1967-1970
 3. Phêrô Trần Anh Tước                  1944-1946 10. Phêrô Nguyễn Hữu Sanh            1970-1973
 4. Gioakim Phan Công Sử   1946-1949 11.  Giuse Khổng Năng Bao 1973-1975
 5. Phêrô Nguyễn Đức Mân  1949-1954 12.  Phaolô Trương Đắc Cần            1975-2005
6. Phêrô Nguyễn Kỳ Hội                    1954-1955 13.  Phêrô Lê Nho Phú                2005 - ...
7. Phêrô Lê Vĩnh Phước              1955-1960  

Cha Phaolô Bàn là Cha sở Mằng Lăng nhưng trong thời gian từ 1967-1970 Cha kiêm nhiệm quản xứ  Sông Cầu, ở tại Sông Cầu [6].  Thời Cha Phêrô Nguyễn Hữu Sanh, có Thầy Phêrô Võ Tá Khánh giúp xứ, Thầy thụ phong Linh mục cuối năm 1975.
Đầu năm 1993, thầy F.x. Trần Đăng Đức đến giúp xứ Sông Cầu, thụ phong linh mục vào ngày 12. 5. 1999, làm Phó xứ Sông Cầu nhưng ở tại Gò Duối đến ngày 01. 7. 2003 được bổ nhiệm làm Cha sở tiên khởi giáo xứ Sơn Nguyên. Cha Augustinô Nguyễn Văn Phú về giáo họ Gò Duối làm Phó xứ Sông Cầu thay thế Cha F.x. Đức đến ngày 27. 5. 2009 được bổ nhiệm làm Cha sở tiên khởi giáo xứ Hóc Gáo.

Vào tháng 09. 1999 có thầy Anrê Đoàn Văn Điểm về giúp xứ, thụ phong linh mục ngày 25. 4. 2002 và làm Phó xứ Sông Cầu đến ngày 17. 5. 2004 đi du học ở Áo quốc.

Trước ngày 27. 5. 2009, địa bàn Giáo xứ Sông Cầu gồm trọn huyện Sông Cầu, Phú Yên. Vào thời điểm 27. 5. 2009, trong khi số dân trong toàn huyện gần 100 nghìn người thì số lượng giáo dân chỉ vỏn vẹn 762 người. Địa bàn giáo xứ quá rộng, cánh đồng truyền giáo vẫn bao la!

Ngày 27. 5. 2009, vì lợi ích mục vụ cho đoàn chiên, Đức Cha Phêrô Nguyễn Soạn đã tách giáo họ Gò Duối từ giáo xứ Sông Cầu để thiết lập giáo xứ Gò Duối, 260 tín hữu (gồm 5 xã).

Giáo xứ Sông Cầu lúc bấy giờ còn lại 502 tín hữu.

Đến ngày 08. 3. 2012, số giáo dân trong toàn giáo xứ là 567 người (171 gia đình). Họ ở tập trung tại giáo họ Sông Cầu (352 người, 108 gia đình), còn lại ở rải rác trên các họ đạo khác: Phú Dương, Lệ Uyên, Phương Lưu, Triều Sơn, Hảo Danh và Hảo Nghĩa.

Từ năm 1982 đến nay, Hội dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn có cộng đoàn Fiat giúp việc mục vụ tại giáo xứ Sông Cầu.

Thầy Giuse Trần Hoàng Thiện mãn triết ở Đại Chủng Viện Sao Biển Nha Trang, thực tập mục vụ một năm (từ 28. 8. 2011 đến 06. 8. 2012). Hiện nay có thầy Phaolô Nguyễn Duy Thanh cũng thực tập mục vụ một năm (từ 09. 9. 2012 đến 05. 8. 2013).

Về ơn gọi đi tu: tính đến nay (2012), mặc dù giáo xứ đã được thành lập được 85 năm nhưng chỉ mới có một người theo đuổi ơn gọi đi tu. Đó là thầy Antôn Thạch Bích Ngọc, đang theo học năm thứ hai tại Đại Chủng Viện Sao Biển Nha Trang.
 
III. HƯỚNG TỚI TƯƠNG LAI:

          Cộng đoàn giáo dân Sông Cầu chỉ là một nhóm nhỏ. Ước mong cộng đoàn này trở nên như muối như men để tràn tình Chúa, ngập tình người! để thêm nhiều người nhận biết Chúa, để có được ơn gọi dâng đời phụng sự Chúa và anh em. Giáo xứ Sông Cầu cần nhiều người quảng đại, nhiệt tâm góp công sức để giáo xứ được phát triển về đời sống đức tin, chất lượng và số lượng…Xin dâng Chúa những trăn trở và ước mơ!
 
Phụ lục:
 
1. NỮ TU DÒNG MẾN THÁNH GIÁ QUY NHƠN
GIÚP  MỤC VỤ TẠI GIÁO XỨ SÔNG CẦU:
 

 
1. Antônia Nguyễn Thị Bảo             1982 – 2004
2. Clara Mai Thị Mỹ Xoa                 1982 – 1994
3. Têrêxa Nguyễn Thị Ngọc Vàng   1994 - 2000
4. Anna Trương Thị Huyền               2000 -2002
5. Anê Nguyễn Thị Thu Trang         2002 - 2004
6. Maria Lê Thị Hạc                         2004 - 2007
7. M. Mad. Nguyễn Lê Phương Hà  2004 – 2005
 
8. Anna Hồ Thị Lành                        2006 - 2009.
9. Anna Nguyễn Thị Túy Phượng       2007 - 2011
10. Anna Nguyễn Thị Lệ Thủy           2010 – 2011
11. Têrêsa Nguyễn Thị Ngọc Vàng    2011 -
12. Martha Huỳnh Thi Huệ                 2011 -
* Từ 10. 10. 2011, các nữ tu bắt đầu ở nhà mới do Hội Dòng xây dựng, cách Nhà thờ Sông Cầu chừng 100m.
 
2. THÊM MỘT SỰ KIỆN ĐÁNG NHỚ TRONG LỊCH SỬ CỦA GIÁO XỨ SÔNG CẦU

Theo sổ rửa tội còn lưu tại nhà xứ Sông Cầu thì từ 17. 10. 1962 đến khi chế độ Ngô Đình Diệm bị sụp đổ (11. 1963), cha sở Sông Cầu lúc bấy giờ là cha Phêrô Phan Anh Thụ đã rửa tội được 8 người tại thôn Vịnh Hòa, xã Xuân Thịnh, Huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Sau tháng 11. 1963, các người tân tòng và dự tòng ở xã Xuân Thịnh (thôn Vịnh Hòa và thôn Phú Mỹ) đều gặp nhiều khó khăn trong việc sống đạo. Do đó, vào tháng 3. 1964, cha Thụ đã tìm cách đưa họ vào Nhà thờ Sông Cầu để nuôi dưỡng và tiếp tục dạy đạo.

Ngày 17. 5. 1964 cha Thụ đã rửa tội tại nhà thờ Sông Cầu cho 20 người thuộc thôn Phú Mỹ, xã Xuân Thịnh, Huyện Sông Cầu.

Cũng tại nhà thờ Sông Cầu, ngày 21. 6. 1964 cha Thụ rửa tội cho 24 người và ngày  28. 6. 1964 rửa tội 23 người. Tất cả số 47 người này đều thuộc thôn Vịnh Hòa, xã Xuân Thịnh. Trong số đó, đáng lưu ý nhất là ông F.x Nguyễn Văn Điểu. Được biết, từ năm 1962, chính ông là người có lòng mộ đạo và ông đã về tại làng Vịnh Hòa của mình để truyền đạo mặc dù lúc này ông chưa được rửa tội.

Cũng tại nhà thờ Sông Cầu, ngày 21. 6. 1964 cha Thụ rửa tội cho 24 người và ngày  28. 6. 1964 rửa tội 23 người. Tất cả số 47 người này đều thuộc thôn Vịnh Hòa, xã Xuân Thịnh. Trong số đó, đáng lưu ý nhất là ông F.x Nguyễn Văn Điểu. Được biết, từ năm 1962, chính ông là người có lòng mộ đạo và ông đã về tại làng Vịnh Hòa của mình để truyền đạo mặc dù lúc này ông chưa được rửa tội.

Lúc 5 giờ chiều ngày 12. 9. 1964, cha Thụ cho những người đàn ông của nhóm Tân Tòng này bắt đầu cuộc di dân vào nam bằng đường thủy trên hai chiếc tàu đánh cá mà Cha đã cho đóng trước. Vợ con của những người này ở lại và đi vào sau bằng đường bộ.

Lúc đầu họ vào ở Cam Linh thuộc Cam Ranh được 10 ngày, nhưng thấy không thuận lợi. Cuối cùng họ đã tìm đến định cư tại vùng đất bãi biển ở Xuân Ninh thuộc Cam Ranh. Lúc bấy giờ cha Giuse Lê Quang Ngọc làm cha sở của giáo xứ Xuân Ninh.
Đến năm 1969, bà con giáo dân đóng góp công sức, tiền của để làm nhà nguyện bằng gỗ, mái tole. Đến năm 1994, nhà nguyện này được bà con xây dựng kiên cố hơn. Nhà nguyện này khởi đầu có tên “nhà nguyện Sông Cầu”. Nay là nhà nguyện Antôn, theo tên của giáo họ (trực thuộc giáo xứ Xuân Ninh).



 
            Ghi chú:

a. Vào dịp lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, Bổn mạng Giáo xứ Sông Cầu (ngày 23. 6. 2006), có 18 người cao niên  từ Xuân Ninh về quê hương dự lễ  sau 42 năm xa cách. Bà con được  gặp lại  nhiều người quen và rất vui. Chính bà con này đã cung cấp một  số dữ liệu chính trong các thông tin trên.
b. Tháng 6. 2006, số người Công Giáo gốc Giáo xứ Sông Cầu (Phú Yên)  đang ở tại giáo họ Antôn, thuộc Giáo xứ Xuân Ninh (Cam Ranh) chừng550 người(120 hộ).
Tháng 01. 2008, chừng 658 người (161 hộ).
Ngoài ra còn một số đông đã đi làm ăn và sinh sống nơi khác.
c. Địa chỉ hiện nay (2012) của bà con: ở tại một trong hai tổ (Phúc Thủy và Phúc Hải), Xuân Ninh, Phường Cam Phúc Nam, TP.  Cam Ranh, Khánh Hòa.
Thuộc Giáo họ Antôn, Giáo xứ Xuân Ninh, Giáo phận Nha Trang.
 

 

3.  Địa chỉ hiện nay (2012) của Cha sở Sông Cầu:

                        Linh mục Phêrô Lê Nho Phú,
                        Nhà thờ Công Giáo Sông Cầu,
                        Phường Xuân Phú, Thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, VIỆT NAM.
                        Tel: 057. 3876 337; 0914 243 365; Email: petnhophu@yahoo.com

 

 

[1] M. 31/10/1909. no.58
[2] M. 06/1927. p.58
[3] M. no 11/1924. p.169
[4]  Giáo xứ Sông Cầu ngày nay
[5] M.11/1927. P.124
[6] Thông tin Địa Phận số 51/1967, trang 28


 




 
Tác giả bài viết: Giáo xứ Sông Cầu
Đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 37
  • Hôm nay: 5327
  • Tháng hiện tại: 84590
  • Tổng lượt truy cập: 12061377