Trang mới   https://gpquinhon.org

Con Khỉ trong Anh ngữ

Đăng lúc: Thứ bảy - 06/02/2016 05:37

Con Khỉ trong Anh ngữ

Trong Anh ngữ, để chỉ chung tới hằng trăm loài linh trưởng hay riêng lẻ con khỉ, người ta nghĩ ngay đến chữ “monkey”. Ngoài nghĩa đen chính là con khỉ, “monkey” còn mang một lô nhiều nghĩa đen và nghĩa bóng khác như:

  1. bộ lông của một số loài thú có lông dài nào đó,
  2. đứa trẻ hay một người có tính phá phách nghịch ngợm,
  3. điệu khiêu vũ biến cải năm 1964 từ phiên bản twist với điệu bộ như đang leo cây,
  4. sự nghiện các loại thuốc phiện (tiếng lóng),
  5. dụng cụ máy móc,
  6. lối chui chật hẹp dưới hầm mỏ,
  7. chơi đùa vớ vẩn (động từ),
  8. bắt chước, chế nhạo (động từ),…

 

Nguồn gốc của chữ “monkey” trong Anh ngữ không rõ ràng cho lắm; có thể nó bắt nguồn từ tiếng Phạn “markata” là chữ dùng để gọi loài linh trưởng. Trong hầu hết các ngôn ngữ Germanic (gồm ngôn ngữ của một số quốc gia vùng Bắc và Trung Âu), con khỉ được gọi là “meercat”. “Meercat” trong tiếng Anh lại có nghĩa khác, là tên gọi một động vật khác. Trong cổ ngữ Pháp, con khỉ gọi là “monequin” hoặc “monnekin”.

Lúc ban đầu trong tiếng Anh, giữa “monkey” và “ape” không có sự phân biệt rõ ràng. Bách Khoa Từ Điển Britannica năm 1910 ghi rằng “ape” là từ đồng nghĩa của “monkey” và được dùng để chỉ một động vật linh trưởng không đuôi giống con người. Trong đàm thoại, hai chữ “monkey” và “ape” được dùng thay thế cho nhau một cách tương đối lỏng lẻo.

Theo Từ Điển Trực Tuyến Từ Nguyên Học (Online Etymology Dictionary), chữ “monkey” có thể bắt nguồn từ một phiên bản tiếng Đức của truyện ngụ ngôn “Reynard the Fox” phát hành khoảng năm 1580. Trong phiên bản truyện ngụ ngôn này, một nhân vật tên “Moneke” là con trai của nhân vật “Martin the Ape”. Từ thế kỷ 16, người Anh hay gọi con của họ một cách trìu mến là “monkey”. Bây giờ đã khác rồi, cha mẹ mà gọi con là “monkey” thì chắc là có ý rầy trách nó nhắng nhít quá như phe ta nói “Khỉ!” hay “Nỡm!” vậy.

Bây giờ chúng ta thử ngó qua một số thành ngữ tiếng Anh coi nó có nghĩa khỉ gì nhá.

Monkey see, monkey do

9918_9928e5e1_200x200o_35bbee667d8c

“Monkey see, monkey do” có lẽ là thành ngữ về khỉ mà chúng ta thường nghe thấy nhất trong đời sống hằng ngày. Nó có nghĩa gì thì ai cũng biết rồi: Khỉ thấy thì khỉ bắt chước khỉ làm. Có phải vì vậy mà cha mẹ hay che mắt con lại khi có cảnh hôn hít nóng bỏng trên màn ảnh khi cả nhà đang cùng xem phim ở rạp hay Ti Vi. Trẻ con chưa tới tuổi biết suy nghĩ thì bắt chước một cách vô thức; khi biết suy nghĩ rồi thì cố tình bắt chước vì tò mò muốn học hỏi hoặc bắt chước để trêu chọc chơi chớ không có ác ý.

Thành ngữ nghe rất nôm na dễ hiểu này bắt đầu xuất hiện trong văn hóa Mỹ từ năm 1920 lận. Nó nôm na nhưng dễ thương như lời trẻ con chưa nắm vững quy tắc văn phạm. Nó nôm na như người chập chững nói tiếng Anh “bồi”, người nghe tuy biết lài sai nhưng… “thấy vui vui là được rồi.”

Kiểu nói tiếng “bồi” này trong Anh ngữ gọi là “pidgin”, là thứ ngôn ngữ được giản lược cho dễ hiểu khi hai bên giao tiếp là người nói và người nghe không có cùng ngôn ngữ. Vài ví dụ “pidgin” thường nghe khác như “No can do”, “Long time no see” và “No pain, no gain”.
Truy nguyên xa hơn, nguồn gốc của nó phát xuất từ một câu chuyện trong văn hóa dân gian xứ Mali ở Tây Phi. Nó chỉ nổi tiếng khi Esphyr Slobodkina kể lại trong chuyện dân gian “Caps for Sale” (Người Bán Nón và Bầy Khỉ) xuất bản năm 1938. Sau đó, câu chuyện này được Baba Wagué Diakite kể lại một lần nữa trong cuốn sách “The Hatseller and the Monkeys” năm 1999 với bối cảnh nước Mali. Diakite có lưu ý rằng cũng còn có nhiều phiên bản khác nữa của câu chuyện hiện hữu ở Ai Cập, Sudan, Ấn Độ, và Anh. Có người thì cho rằng “Monkey see, monkey do” xuất phát ở Jamaica hồi đầu thế kỷ 18, nhưng không thấy Wikipedia nhắc tới điều đó.

Dù từ đâu mà có, câu “Monkey see, monkey do” bây giờ thì khắp thế giới ai mà không biết. Người ta nói nó trong đối thoại thường nhật, dùng nó để đặt tựa nhạc bản, tên của chương trình truyền hình dành cho trẻ em, v.v…

 

Monkey house

41814_114922838556808_1123_n

Mặc dù “Monkey House” nghe có vẻ vô hại, nhưng chắc không ai muốn bị xui xẻo chui vào đó làm gì. Ban đầu “Monkey House” chỉ có thuần một nghĩa đen là nhà chuồng nuôi khỉ trong sở thú. Tới đầu thế kỷ 20, “Monkey House” cũng được dùng để chỉ nhà của người ở luôn. Tùy theo ngữ cảnh, nó có thể dùng để mai mỉa chỉ một trụ sở công đường tôn nghiêm như Quốc Hội, nơi các ông bà nghị sĩ, dân biểu “chí choé” tranh luận suốt ngày. Nó cũng dùng ám chỉ một nơi chốn đáng e sợ như Bệnh viện Tâm thần hay nhà tù. Nó cũng có thể dùng để chỉ một nơi chốn xấu xa trong xã hội, một khu phố tồi tàn, nhà tế bần, nhà cai nghiện, nhà tạm trú cho kẻ vô gia cư, v.v….

Ấy vậy mà thuật ngữ “Monkey House” rất được ưa chuộng dùng làm tên của cơ sở kinh doanh thuộc mọi ngành mới là lạ. “Monkey House” nơi chuyên tổ chức tiệc sinh nhật cho trẻ em gồm phương tiện giải trí và ẩm thực; “Monkey House” quán rượu; “Monkey House” công ty sản xuất dĩa nhạc; công ty thiết kế và tiếp thị; tiệm ảnh cưới; “Monkey House” sô truyền hình, v.v…. Thành phố Huntington Beach, California có quán Monkey House Café, tuy chỉ bán thức ăn nhanh nhưng rộng rãi và trang hoàng lịch sự lắm.

Trong tạp chí Playboy phát hành tháng 1 năm 1968 có đăng một truyện ngắn tựa đề là “Welcome to the Monkey House” của tác giả Mỹ Kurt Vonnegut Jr. Tác giả hư cấu vẽ ra một viễn cảnh đen tối nhằm phản ảnh sự bất bình của ông đối với nhiều vấn đề chính trị và xã hội tại Hoa Kỳ trong thập niên 1960. Trong câu chuyện khoa học giả tưởng này, tác giả dùng chữ “Monkey House” (Nhà Khỉ) với ngụ ý ám chỉ một thế giới tương lai bị nạn nhân mãn với dân số 17 ti người vào năm 2158; con người lúc bấy giờ sống khổ sở chật chội như những con khỉ dưới sự kiểm soát điều khiển hoàn toàn của chính quyền. Lúc ấy hầu hết các loài động vật và thực vật trên thế giới đang bị tuyệt chủng. Chính phủ hạn chế sự tăng trưởng dân số bằng cách vừa khuyến khích tự sát vừa bí mật làm tê liệt khả năng sinh sản của con người.

 

Monkey business

monkey business

“Monkey business” là một thành ngữ có nghĩa bao quát rộng rãi dùng để chỉ một hoạt động mờ ám, một thủ đoạn gian trá, xảo ngôn, lén lút và có thể trái pháp luật. Ngoài ra nó còn có nghĩa là công việc làm nghịch ngợm tai quái, phá phách gây phiền người khác, làm chuyện khùng điên, lường gạt, cẩu thả, bê bối, ngớ ngẩn, ngu ngốc, phí thì giờ.

Nghiêm trọng hơn, “Monkey business” còn để chỉ sự giở trò quái đản để ám hại hành hạ người -nhất là trẻ con- của kẻ điên khùng tâm thần. Tóm lại, “”Monkey business” là chuyện làm xấu, xấu và xấu!

Thành ngữ này bắt nguồn từ chữ bāndarāmi tiếng Bengal Ấn Độ với nghĩa ẩn dụ và được Trung tướng Thomas Perronet Thompson mang vào trong Anh ngữ. Là người từng phục vụ ở Ấn Độ thuộc địa Anh, khi mãn hạn phục vụ trở về Anh quốc, ông ra làm dân biểu đơn vị Bradford. Ông dùng thành ngữ “Monkey business” trong một bức thư gởi cử tri năm 1837 và sau đó bức thư này được xuất bản trong tập “Exercises, Political and Others” năm 1843. Theo bước chân di dân, “Monkey business” du nhập vào châu Mỹ và trở nên thông dụng kể từ đó.

 

Monkey wrench

free-vector-cartoon-monkey-with-wrench_102604_Cartoon_Monkey_with_Wrench

“Monkey wrench” là một cái mỏ lết gồ ghề (ngày nay người trong nước gọi nó là cờ lê) điều chỉnh được dùng để siết chặt hay tháo mở ốc bù lon nhiều cỡ khác nhau. “Monkey wrench” rất thông dụng và phổ biến trong hai thế kỷ vừa qua khi kỹ nghệ cơ khí và xây dựng phát triển mạnh. Hiện nay nó chỉ được dùng cho các tác vụ nặng nề và riêng lẻ, chẳng hạn như lắp thay ống nước, mở hay khóa vòi trụ nước cứu hỏa, v.v. Sau này người ta chế ra các loại mỏ lết gọn nhẹ có đầu mở nhỏ hơn để dùng dễ dàng ở nơi chật hẹp, như đầu máy xe chẳng hạn.

Một người làm cho từ ngữ “Monkey wrench” nổi tiếng là Edward Abbey, một tác giả và nhà văn Mỹ. Năm 1975, ông tung ra cuốn tiểu thuyết “The Monkey Wrench Gang” của ông viết về một nhóm các nhà hoạt động bảo vệ môi trường biểu tình phản đối sự phát triển đất đai ở miền Tây Hoa Kỳ. Với biệt danh “The Monkey Wrench Gang“, nhóm người biểu tình này dùng phương cách phá hoại để bày tỏ lập trường chính trị. Thế là ngữ vựng có thêm động từ “to monkeywrench” có nghĩa là “phá hoại (một cái gì đó), đặc biệt như là một hình thức phản đối.”

Lý do chính xác tại sao người ta gọi nó là “monkey wrench” vẫn còn đang là một vấn đề tranh cãi. Món đồ dùng đó có liên quan gì tới con khỉ? Có giả thuyết cho rằng nó được phát minh bởi một người Mỹ tên Charle Moncky ở Williamsburg Kings County New York vào cuối thế kỷ 19. Ông Moncky này đem bán bằng phát minh được 2,000 đô; ông lấy món tiền đó mua nhà ở. “Moncky wrench”, cái “wrench” của ông “Moncky” chế ra; gọi như vậy là đúng lý rồi. Chẳng may cái họ của ông khi phát âm nghe y chang như “monkey” con khỉ, thế mới khổ. Cái nhà ông ở cũng bị gọi là nhà khỉ luôn! Đúng là khỉ!

Tuy nhiên, câu chuyện vừa kể trên đây cũng chỉ là giả thuyết mà thôi. Truy lục các nghiên cứu lịch sử và sổ đăng ký bằng sáng chế trong những năm cuối thế kỷ XIX, người ta không tìm thấy bằng chứng nào.

 

Monkey suit

o-MONKEY-IN-SUIT-facebook

Monkey Communication

Như trường hợp chữ “Monkey wrench”, nguồn gốc của “Monkey suit” cũng không được rõ ràng cho lắm. Hồi xưa tại các nước Âu Mỹ hay có những người đờn hát dạo theo kiểu “one man band” lưu diễn từ nơi này tới nơi khác để làm kế sinh nhai. Đồ nghề của họ thường chỉ là một cây đàn organ; nếu sang hơn thì có vài món nhạc cụ khác, có khi có cả trống, chập chã. Người nào có được một con khỉ đi theo phụ diễn nữa thì càng lôi cuốn người xem. Muốn con khỉ trông dễ thương thì phải cho nó mặc đồ: một cái áo chẽn màu nổi, một cái nón không vành. Thế là từ ngữ “Monkey suit” nảy sinh.

Một tự điển tiếng Anh năm 1876 cho rằng “Monkey suit” để định nghĩa bộ quần áo con nít. Tới năm 1914 nó có thêm định nghĩa là bộ đồng phục thể thao hay quân đội. Năm 1920 báo Saturday Evening Post gọi trang phục chỉnh tề đàng hoàng là “Monkey suit”. Tự điển Webster’s New Collegiate định nghĩa “Monkey suit” là một chiếc áo khoác ngoài có lỗ thưa (mess jacket) mà binh sĩ Anh mặc có từ năm 1830.

Như vậy biến chuyển theo thời gian, ngày nay “Monkey suit” là một tiếng lóng có nghĩa là bộ đồ mặc chỉnh tề đàng hoàng của đàn ông. Nó có thể là bộ “tuxedo” đám cưới, bộ “suit” dạ tiệc hay cũng có thể là đồng phục mặc đi làm hàng ngày nhằm tạo nên một bầu không khí đám đông hòa hợp đồng nhất.

Chữ “áo khỉ” mà người Việt mình dùng thì lại có nghĩa là chiếc áo cụt không tay mà những người hầu bàn hay mặc bên ngoài áo sơ mi. Dĩ nhiên tôi đồng ý nhứt với định nghĩa của phe ta.

 

Monkey around

a

“Monkey around” nghĩa là đùa giỡn cà rỡn khơi khơi tùy hứng cho qua thì giờ. Đó là người ta muốn ám chỉ mấy con khỉ làm gì cũng cốt chỉ để vui chơi.  “Monkey around” cũng có nghĩa là tọ mọ, táy máy, lục lạo để làm quen, tìm hiểu, sửa chữa món đồ gì đó. Cũng có thể nói tôi đang “monkey around” với bài viết này vì nó chẳng là thành quả gì mà chỉ cho vui, có cũng được mà không có cũng xong.

Cũng như “Monkey House”, ” Monkey Around” được người ta lấy đặt tên cho cơ sở kinh doanh và dịch vụ thương mại thường có liên quan tới giải trí vui chơi trong đó không thể thiếu mục ăn uống. Thử hỏi ở đời ai mà chẳng muốn thoải mái vui chơi, nhứt là trẻ con.

Thủ đô Ottawa có một nơi cung cấp dịch vụ giữ trẻ với đầy đủ phương tiện vừa cho giải trí vui chơi vừa học hỏi như vậy đó. Nó có tên là “Monkey Around Play And Learn Centre”  tại địa chỉ 1650 Queensdale Ave, Ottawa, ON K1T 1N8. Thành phố Cambridge tỉnh bang Ontario có tiệm bán đồ cũ “Monkey Around Consignment Shop” tại địa chỉ 5 Queen St E, Cambridge, ON N3C 2A7. Khách hàng tới đó tha hồ lục lạo đồ đạc tìm món vừa ý, lựa lựa thử thử khơi khơi cho vui mà.

“Monkey around” là tên một bản nhạc dân ca Mỹ sáng tác và trình bày bởi ca nhạc sĩ Travis Tritt ở Marietta, tiểu bang Georgia. Bản nhạc mở đầu với đoạn: “So, your friends have been telling you I’m outta my mind, Actin all wild and weird, Shoutin and screechin, Bouncin off the walls, Swinging from the chandeliers. I’ve been running thru the neon jungle. I’ve been chasing every woman in town. When you turn a man into a monkey, That monkey’s gonna monkey around”. Tạm khỉ khọn dịch như vầy: “Vậy là đám bạn bảo bạn rằng tôi nổi khùng. Tôi hành động hoang dại lạ lùng la hét lung tung. Tôi dội người vào tường, đu người lên đèn trần tòn teng. Tôi chạy nhong xuyên phố lên đèn. Tôi đuổi theo tán tỉnh các nàng. Khi bạn biến một người thành một con khỉ, thì con khỉ đó sẽ nghịch xóm phá làng.”

 

More fun than a barrel of monkeys

barrel

Theo từ điển “The Oxford English Dictionary” (OED), câu thành ngữ “More fun than a barrel of monkeys” hiện hữu từ đầu thế kỷ 19 để mô tả sự vui nhộn của đám đông nhưng có kèm theo hàm ý mỉa mai châm biếm. Nó được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1840 với chữ “cage” (lồng) thay vì chữ “barrel” (thùng). Đến năm 1890, thuật ngữ này đã phát triển thành “wagonload” (một toa xe chở khỉ), mô tả rất đúng một cảnh tượng vừa hỗn loạn vừa khủng khiếp. “Vui còn hơn một thùng (chuồng, lồng, toa chở) đầy khỉ!” Thì ra nó cần có dấu chấm than mới lột tả trọn ý nghĩa “nói vậy mà không phải vậy.” Tôi bắt nghĩ tới câu người Việt mình hay nói “Ồn ào như cái chợ”. Nó cũng gợi tưởng một không khí nhộn nhịp lăng xăng lít xít, mạnh ai nấy oang oang nói chí chóe nhưng không hẳn hoàn toàn là vui mà có khi là bực bội gây lộn.  Chợ là chỗ buôn bán chớ đâu phải chỗ vui chơi, nhứt là đối với trẻ con.

Như chúng ta biết, “barrel” là cái thùng đựng rượu làm bằng những thanh gỗ ghép vào nhau và được niềng bằng những vòng thép. Chuyện kể thời nước Mỹ khai phá miền tây, có người dùng thùng đã hư bỏ để làm đồ chơi cho trẻ con. Một đám mấy đứa ngồi vào đó và lăn xuống đồi cỏ, lấy làm thích chí, cười giỡn la hét chí choé như một bầy. Thế là ta có một giải thích khác rất hợp lý cho thành ngữ “More fun than a barrel of monkeys”.

 

Monkey’s wedding

dam cuoi

“Monkey’s wedding” là một thành ngữ vay mượn từ chữ “umshado wezinkawu”, thổ ngữ Zulu ở Nam Phi có nghĩa là đám cưới của khỉ, để mô tả hiện tượng thời tiết vừa nắng lại vừa mưa cùng một lượt. Lạ thiệt và cũng dễ thương thiệt. Người dân Sudan ở châu Phi có phong tục làm lễ cưới cho một số loài động vật, nhất là khỉ. Trong nhiều ngôn ngữ khác, hiện tượng thời tiết vừa nắng vừa mưa cũng được gọi là đám cưới nhưng của nhiều động vật khác nhau. Với Ả Rập là chuột, Bảo Gia Lợi là gấu, Hindi là chó rừng, Calabria (đặc ngữ Tây Ban Nha) là chồn cáo, Nhật, Đại Hàn là cọp, v.v. Ba Lan thì gọi hiện tượng đó là “phù thủy đang làm bơ”; Thổ Nhĩ Kỳ nói là “quỷ dữ đang làm đám cưới”; dân ở một số nước Nam Mỹ thì nói “quỷ đang đánh vợ”.

Anh ngữ dùng ở Hoa Kỳ, Canada, Úc, Tân Tây Lan gọi hiện tượng đó là “sunshower”: mưa rào có nắng, có sao nói vậy, chẳng ẩn dụ gì hết.

 

A monkey on one’s back

monkey

Tôi chọn bức hình trên đây để minh họa cho câu thành ngữ “A monkey on one’s back” vì nó thích hợp và lột tả đúng nghĩa: một gánh nặng, một vấn nạn trầm trọng khó xử, một nỗi phiền toái bực mình hết sức! Thử hỏi một con khỉ ngồi trên lưng của bạn làm đủ trò thì bạn có bực mình không.

Không ai thực sự chắc chắn về nguồn gốc của thành ngữ này. Một số học giả tin rằng ban đầu câu diễn đạt đó là “Have a monkey on the roof” (Có một con khỉ trên mái nhà) được dùng trong những năm cuối thế kỷ 19 với ý nghĩa ẩn dụ có liên quan tới ngành địa ốc là “căn nhà này còn nợ tiền vay ngân hàng phải trả góp (mortgage)”, một gánh nặng mà người sở hữu căn nhà phải đối mặt.

 

Bởi vậy từ đó nảy sinh câu thành ngữ đối ngược lại là Get the monkey off the back, là dẹp bỏ con khỉ trên lưng đi, thanh toán gánh nặng, vứt nỗi bực mình khó chịu đi.

 

Not my circus. Not my monkey

monkeys

“Not my circus. Not my monkey” là dịch từ câu thành ngữ Ba Lan “Nie mój cyrk, nie moje małpy” với nghĩa bóng là “Not my problem” (Không phải vấn đề của tôi). Ngườ Ba Lan dùng câu này với ý là “tôi có ý nghĩ riêng của tôi, nhưng tôi không muốn xía vô chuyện rắc rối lộn xộn của người khác”.

Người Ba Lan nói ví von như vậy cũng hay. Bạn hãy tưởng tượng một  hoạt cảnh như vầy. Trong màn trình diễn có khỉ của đoàn xiệc, bỗng một ai đó trong khán giả tinh nghịch ném đậu phọng lên sân khấu khiến cho những con khỉ quên diễn và chạy lung tung gây náo loạn. Vậy ai là người có trách nhiệm vãn hồi trật tự? Người quản lý gánh xiệc. Nếu người ta yêu cầu nhân viên an ninh đang có mặt ở đó hãy can thiệp, ông ta có thể trả lời “Not my circus. Not my monkey”. Vì đó không phải là nhiệm vụ của ông.

Không xía vô chuyện rắc rối lộn xộn của người khác không phải là một điều xấu. Đôi khi cách tốt nhất để giúp đỡ mọi người là cứ để cho họ tự giải quyết khó khăn của họ! Nếu lúc nào bạn nhào vô giải quyết vấn đề thì người kia mất đi một cơ hội học hỏi kỹ năng đối phó và tập luyện tinh thần tự lập. Và cuối cùng, nếu bạn không cẩn thận, một số người vô đạo đức sẽ cố lợi dụng lòng tốt của bạn!

Có lúc bạn cũng phải mạnh dạn nói “Not my circus. Not my monkey”.

 

Well, I’ll be a monkey’s uncle!

monkey uncle

“Well, I’ll be a monkey’s uncle!” là câu thốt lên để bày tỏ sự ngạc nhiên, hoài nghi sau khi bất ngờ nghe một cái tin sửng sốt nào đó.

Theo tự điển The Oxford English Dictionary, thành ngữ này xuất hiện lần đầu tiên trên một tờ nhật báo ở Ohio vào ngày 08 Tháng 2 năm 1925 tường thuật một vụ xử có tên là Scopes Trial. Khi tòa án tiểu bang Tennessee phán quyết tính hợp pháp của việc giảng dạy thuyết tiến hóa tại các trường công lập tiểu bang, có người cho đó là một sự báng bổ và kêu lên “Well, I’ll be a monkey’s uncle!”  Nó được coi như là một phản ứng châm biếm đối với lý thuyết mới khám phá qua hai quyển sách The Origin of Species (1859) và The Descent of Man (1871) của Charles Darwin về nguồn gốc của muôn loài và sự tiến hóa của con người. Dần dần qua đầu thế kỷ 20 thuyết tiến hóa mới bắt đầu được công chúng chấp nhận rộng rãi.

Người ta cũng dùng câu “Well, I’ll be a monkey’s uncle!” để bày tỏ sự bất khả chấp nhận của một tình huống thậm vô lý nào đó chẳng hạn. Ví dụ như khi ai đó bảo 2 + 2 = 5, người nghe trả lời: nếu tôi cho đó là đúng thì quả thật tôi là chú của khỉ.

 

Go ape

go ape.png

“Go ape” có nghĩa là nổi điên vì quá tức giận, cư xử ngu xuẩn, phi lý, và bạo lực; ví dụ như khi đứa trẻ bị cha mẹ rầy, nó la hét và quăng ném đồ đạc. Ngược lại, nó cũng có nghĩa là rất nhiệt tình, vô cùng ngưỡng mộ, cực kỳ phấn khích; ví dụ như khán giả phản ứng khi gặp thần tượng ca nhạc của họ.

Có thể thành ngữ này bắt nguồn từ tiếng lóng dùng trong quân đội Hoa Kỳ ít nhất là từ năm 1951 khi những quân nhân bị cấm trại quá lâu trở nên bất mãn bực bội. Các biến thể của “Go ape” là “Go apeshit”, “Ape sweat”, “Go bananas”, “Go batshit”.

Từ điển The Routledge Dictionary – Modern American Slang and Unconventional English của Tom Dalzell năm 2009 nói rằng “go apeshit” có nghĩa là mất sự tự kiểm soát, nổi khùng.

Ấn bản tháng 11 năm 1954 của Tạp chí Phi Haành Hoa Kỳ (US Flying Magazine) có kể về một trường hợp “go ape” như sau:

Tại Căn Cứ Thule của Không Quân Hoa Kỳ ở Greenland, vì nằm trên biển băng, doanh trại của binh sĩ đồn trú được neo xuống bằng những khối bê tông khổng lồ. Dù vậy, các tòa nhà đôi khi cũng bị gió bão cấp 3 nhồi nhấc khiến cho binh sĩ đồn trú rất hồi hộp đổ mồ hôi khỉ (go ape sweat). Có thể ban biên tập tạp chí này thế chữ “go apeshit” bằng “go ape sweat” cho dễ nghe hơn.

Ngoài ra còn có một số dẫn chứng khác cho thấy từ lóng này khá phổ biến trong quân đội Hoa Kỳ và Canada trong thập niên 1950. Trong đời thường ngày nay, ít ai dùng “go ape”; chỉ thường nghe thấy “go crazy” mà thôi.

 

Cold enough to freeze the balls off a brass monkey

800px-Stanthorpe-brass-monkey-1942

Câu “Cold enough to freeze the balls off a brass monkey” dịch thoáng có nghĩa là “Lạnh (thời tiết) đến nỗi hai hòn bi của tượng con khỉ bằng đồng cũng đông đá luôn”.

Không ai có thể theo dõi lịch sử đầy đủ của thành ngữ kỳ quái này. Có một số giả thuyết, đặc biệt nhất là giả thuyết cho rằng chữ “monkey” dùng trong câu này thực ra là những khung kệ bằng đồng (gọi là một “monkey”) được dùng để ngăn xếp đạn đại bác trên tàu. Trong thời tiết cực lạnh, khung kệ đồng co lại và làm cho các quả đạn đại bác tuột ra khỏi giá đỡ. Tuy nhiên, câu chuyện này không được xác nhận – và chẳng giải thích được lý do tại sao bộ phận cơ thể khác của khỉ cũng bị tuột ra.

Đây là một biểu hiện ngôn ngữ giao tiếp được một số người nói tiếng Anh hay dùng. Chữ “balls” (tinh hoàn, dái) dùng ở đây là một biến thể nói bạo miệng thay cho các phần cơ thể khác của con khỉ là “nose” (mũi) và “tail” (đuôi) để thêm nét khôi hài.

Trong thế kỷ 19 và 20, những tượng đúc đồng nhỏ hình con khỉ từ Trung Quốc và Nhật Bản rất phổ biến và hay được khách du lịch phương Tây mua làm quà lưu niệm. Những tượng này thường là tượng 3 con khỉ được gọi là “The Three Wise Monkeys” với một con che mắt, một con che  tai và một con che miệng (Không thấy, Không nghe và Không nói). Nhưng cũng có tượng với chỉ có một con khỉ đơn lẻ; và cũng có tượng thêm một con khỉ thứ tư với hai tay che hạ bộ mà người mê sưu tầm vật lạ rất khoái, ai cũng muốn mua. Michael Quinion, cố vấn cho The Oxford English Dictionary và tác giả của World Wide Words, nói câu thành ngữ có phần chắc bắt nguồn từ mấy tượng khỉ khọn này.

Từ ngữ “brass monkey” xuất hiện lần đầu tiên trong bài luận hài hước nhan đề On Enjoying Life của Eldridge Gerry Paige (viết dưới bút danh “Dow, Jr.”), đăng trên báo New York Sunday Mercury và trong cuốn sách Short Patent Sermons ở New York năm 1845.

Câu viết như sau: “When you love, your heart, hands, feet and flesh are as cold and senseless as the toes of a brass monkey in winter.” (Khi bạn yêu thì tim, tay chân và da thịt bạn lạnh tê như những ngón chân của một con khỉ bằng đồng trong mùa đông.)

Một dẫn chứng khác, chữ “brass monkey” xuất hiện nơi trang 108 của quyển truyện Before the Mast của C.A. Abbey vào năm 1857: “It would freeze the tail off a brass monkey.” (Tạm dịch: “Cái lạnh dám làm cho đuôi khỉ đồng cũng đóng băng luôn).

Người Việt Nam mình cũng có câu “Lạnh teo chim”; ý nghĩa cũng rõ ràng y như câu tiếng Anh “Cold enough to freeze the balls off a brass monkey” mà lại hết sức ngắn gọn và “ấn tượng” hơn nhiều.

Những ngày đầu xuân Bính Thân ấm áp ở đâu không biết chớ còn ở Toronto Canada đang mùa đông “lạnh teo chim” đây nè! Khỉ!



Nguồn: https://phanhanh.wordpress.com/2016/01/06/con-khi-trong-anh-ngu/

Tác giả bài viết: Phan Hạnh
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 11
  • Hôm nay: 2461
  • Tháng hiện tại: 158268
  • Tổng lượt truy cập: 12135055