Trang mới   https://gpquinhon.org

Đôi điều thú vị quanh dòng tên họ của người Anh

Đăng lúc: Thứ bảy - 12/11/2016 06:13



Đôi điều thú vị quanh dòng tên họ của người Anh

ĐINH KỲ THANH
http://honvietquochoc.com.vn/products/5223-hv103-i-iu-th-v-quanh-dng-tn-h-ca-ngi-anh.aspx
 
Nhiều năm rồi tôi vẫn thường thắc mắc không hiểu vì sao người dân Anh lại có nhiều dòng họ mang tên kỳ vậy. Nào là dòng họ Đá - Stone, họ Cây - Wood, Bạc - Silver, Người đi săn - Hunter, Thợ nề - Mason, rồi Người quản gia - Steward, Thợ đóng thùng - Cooper, Nấu ăn - Cook, Bờ sông - Bank, Đầm lầy - Morass, Kho than - Bunker, Thợ may - Tailor, Mũ trùm đầu - Hood, Hẻm phố - Lane hoặc Dinky, Người câu cá - Fisher, Người đầy tớ - Lacky, Người kể chuyện dân gian - Folkner, Người chăn gia súc - Stockman, Kẻ nói líu lo như chim - Tweet, Anh hàng thịt - Butcher, Chàng lính thủy - Marine, Người không ruộng đất - Lacland… Thậm chí có cả dòng họ Bò đực - Bull, Dưa tây - Melon, Cuốc chim - Pick, Màu nâu - Brown, Con lừa nhỏ - Dickey, Hoa - Flower, Bông cúc - Marguerite, Cây đậu - Bean…

Cũng đã nhiều lần tôi đem những thắc mắc này hỏi các nhà giáo dạy chuyên Anh ngữ ở các trường đại học song họ chỉ đáp chung chung: “Có lẽ các dòng họ của người Anh từ xưa đã thế rồi!”. Thậm chí có vị còn chỉ trích tôi: “Đó là tên riêng, không thể có nghĩa đen thô thiển như ông hiểu!”.

Thế rồi, tôi có dịp qua thăm nước Anh. Tại đây tôi đã sống ở nhiều vùng khác nhau và gặp gỡ nhiều người. Nhờ các nhà ngôn ngữ học, các nhà nghiên cứu lịch sử dân tộc Anh, các nhà văn hóa và một số cụ già… giải thích rõ cho, tôi mới hiểu vì sao người Anh thường có những dòng tên họ giản dị, gần gũi với đời sống thật như thế!

Theo các vị đó cho biết, xưa kia đảo quốc Anh đất rộng, người thưa, mỗi gia đình chiếm ngụ tại một khoảng đất riêng như một rẻo núi, một khúc sông, một cánh rừng, làm đủ các nghề để sinh sống. Người Anh cổ cũng giống một số bộ tộc ít người ở nước ta, chỉ có tên mà không có họ. Nhưng tên người thì cũng dễ trùng lắp. Vậy là họ bèn gọi tên từng người đi liền với chức trách, nghề nghiệp, hoặc nếu không rõ nghề thì ghép với đặc điểm nơi cư ngụ của họ như bờ sông, con hẻm, gốc cây lớn, tảng đá, bãi lầy, vườn ô liu…

Thế là chàng Roger thợ mộc liền có tên gọi Roger Wood, anh Adam thợ bạc có tên gọi Adam Silver, chú Tom chuyên đi săn thành Tom Hunter, còn chàng Martin có nhà bên gộp đá thì trở thành Martin Stone, anh thợ đóng thùng Fleming sẽ có tên gọi rất đẹp là Fleming Cooper, ông Albert sống ở rừng thưa có tên gọi Albert Shaw, bạn thân của ông là ông Babel ở trong hẻm thì có tên là Babel Lane, cậu thợ nề Steven mang tên Steven Mason… Cũng như thế, anh George làm vườn da nâu sậm vì cháy nắng có tên gọi George Brown, anh này thường ngồi uống bia với ông John đánh cá tức John Fisher, cả hai lại thường đánh bài với anh chàng Philippe ở đầm lầy gọi tên là Philippe Morass. Ông Josepth thợ in trở thành Josepth Printer, anh Blanco gốc dân Ma Rốc thì có tên Blanco Moorish, ông Tim thợ may có tên Tim Tailor, chú Dick chăn súc vật có tên dài khá hay là Dick Stockman, anh Paul hay đội mũ trùm đầu có tên gọi là Paul Hood… Ngay cả những người buôn lậu, lái xe ngựa… cũng có họ là Smuggler hoặc Driver…

Cứ thế, các biệt danh đi kèm đã trở thành tên gọi các dòng họ của dân Anh lúc nào chẳng rõ.

Đời sống mỗi lúc một thay đổi, một số người Anh trở thành dân có văn hóa cao, hoặc bị ảnh hưởng ngoại lai, họ không muốn gọi tên theo các đặc điểm nghề nghiệp, chỗ ở, thói quen… nữa. Vậy là họ chuyển qua cách gọi tên các con trai của bạn mình bằng tên cha ghép thêm chữ SON vào. Thế là con trai ông Wat trở thành Watson, con trai nhà Ander thành Anderson, con trai ông John thành Johnson… Trào lưu mới làm cho hàng loạt dòng tên họ mới ra đời như: Nelson, Robinson, Morrison, Peterson, Edison, Fugerson… Đây cũng là sự đánh dấu lịch sử của dân đảo sương mù nước Anh khi họ chấm dứt chế độ mẫu hệ, chuyển qua phụ hệ… và người ta cần chỉ đích danh con trai nhà nào cho rõ!

Thế nhưng nhiều gia đình Anh rất thích giữ gìn truyến thống cổ xưa của ông cha. Họ không thích thay đổi họ cũ, dù đọc lên nghe mộc mạc, xấu xí… song giới thiệu được truyền thống, gốc gác của tổ tiên họ. Tìm hiểu được những điều thắc mắc nhiều năm như thế, tôi thấy thật thú vị. Càng ngẫm càng thấy dân Anh thật giản dị đáng yêu. Người ta sống giàu có, văn minh như thế song không hề giấu đi gốc gác ngàn xưa, không chạy theo những lối sĩ diện, văn hoa giả tạo, tự đánh bóng mình bằng những tên gọi mỹ miều song chẳng tôn thêm được chút giá trị nào… Giống như cô Thắm gái quê ở xứ ta, lúc lên thành phố sống vội đổi tên là Diệu Hương cho đẹp. Còn cô Xu thì cải tên thành Mộng Trinh khiến bà già cô lên tìm muốn hụt hơi, hỏi thăm cô Xu mãi không ai biết, khi gặp được con, bà la mắng ào ào: “Mồ tổ bây, bày đặt cải tên ba má đặt cho. Bây tưởng hay hớm lắm hả?! Chớ tao hỏi bây một Xu hổng giá trị bằng 10 Trinh hay sao?!”.

Xin kể hầu quý bạn đôi điều thâu lượm được từ phương xa để chúng ta cùng có thêm chút hiểu biết nhỏ thú vị về một sắc dân ở vùng biển Tây Bắc châu Âu, đảo quốc thường bị chê là bảo thủ. Thiển nghĩ, bảo thủ được như họ cũng hay lắm chứ!
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 19
  • Khách viếng thăm: 17
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 4911
  • Tháng hiện tại: 154053
  • Tổng lượt truy cập: 12130840