Trang mới   https://gpquinhon.org

Một số vấn đề về văn hóa của giới trẻ

Đăng lúc: Thứ năm - 26/02/2015 17:59

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ VĂN HOÁ CỦA GIỚI TRẺ

Lê Thu Hường - Lê Duy Thể

Bài viết này nhằm tìm hiểu bản chất cũng như nguyên nhân hình thành những hiện tượng này và qua đó đưa ra một số nhận xét về văn hoá của giới trẻ Việt Nam đương đại cũng như ảnh hưởng của nó trong việc định hình phong cách sống của thanh niên. Bài viết tập trung vào ba hiện tượng trong văn hoá giới trẻ là thời trang, âm nhạc, và lối sống là ba đặc điểm chủ yếu đại diện cho ‘lối sống’ của thanh niên.





1. Giới thiệu

Hiện nay chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều các bài viết, các bài phóng sự khác nhau đề cập đến những hiện tượng đã và đang nảy sinh trong giới trẻ Việt Nam. Mọi người dường như quen dần với một số hiện tượng văn hoá mới du nhập sau một thời gian xuất hiện. Một số hiện tượng khác vẫn đang tiếp tục nổi lên. Điểm chung của những hiện tượng này là tính ‘gây sốc’ bởi đa số đều bị cho là đi ngược lại hoàn toàn với những giá trị văn hoá truyền thống, là ‘lai căng’, có ảnh hưởng xấu đến lối sống và tư cách đạo đức của thế hệ trẻ và điều ‘nguy hiểm’ là những hiện tượng này mọc lên như ‘nấm sau cơn mưa’ và ‘lây lan’ rất nhanh chóng. Một vài hiện tượng còn bị xem như những ‘dịch bệnh’. Các bài viết đề cập đến những hiện tượng này thì nhiều, góc nhìn của người viết cũng khác nhau song dường như đa phần chỉ dừng lại ở mức độ thống kê, phản ánh hay miêu tả những hiện tượng đó mà thôi [Lao Động 2003; VietNamNet 2003].

Bài viết này nhằm tìm hiểu bản chất cũng như nguyên nhân hình thành những hiện tượng này và qua đó đưa ra một số nhận xét về văn hoá của giới trẻ Việt Nam đương đại cũng như ảnh hưởng của nó trong việc định hình phong cách sống của thanh niên. Bài viết tập trung vào ba hiện tượng trong văn hoá giới trẻ là thời trang, âm nhạc, và lối sống. Đây là ba đặc điểm chủ yếu đại diện cho ‘lối sống’ của thanh niên [Kidd 2002].

2. Những biến chuyển của văn hoá giới trẻ Việt Nam đương đại

2.1. Nhạc trẻ

Nhạc trẻ hiểu nôm na là thể loại âm nhạc đáp ứng được thị hiếu chung của giới trẻ, được giới trẻ ưa chuộng. Do vậy, dòng nhạc này còn được gọi là nhạc thị trường. Bên cạnh pop (popular music - một thể loại âm nhạc phổ biến, dễ nghe), gần đây một số thể loại nhạc khác cũng bắt đầu được đưa vào ‘thử nghiệm’ trên thị trường như R&B, Hip Hop, Rock…song phổ biến nhất hiện nay vẫn là pop.

Xung quanh dòng nhạc này hiện c nhiều vấn đề đã và đang được các nhà phê bình đề cập đến ở nhiều khía cạnh khác nhau như nội dung; giai điệu; trang phục, tác phong của các nhóm nhạc và ca sĩ; quan hệ ca sĩ - người quản lý… Nội dung theo các nhà phê bình cũng như nhiều tác giả nói chung là chưa lành mạnh bởi nếu không ủy mị, chia ly, xa cách thì cũng yêu cuồng, sống vội, yêu vô tư, yêu vô trách nhiệm. Giai điệu thì đều ‘na ná’ như nhau mà có tác giả đã gọi đó là hiện tượng ‘ca khúc gà công nghiệp’, là hiện tượng ‘sinh sản vô tính’ [Người Lao Động 2003; Tuổi trẻ 2003b]. Việc thành lập các nhóm nhạc nam, nữ cũng là một khuynh hướng ngày càng trở nên phổ biến. Còn mối quan hệ giữa ca sĩ và người quản lý thì nhìn chung chưa chuyên nghiệp, không căn cứ trên hợp đồng, chủ yếu ‘dựa vào tình cảm’ là chính. Phần đông ý kiến đánh giá về phong cách biểu diễn và phục trang của ca sĩ thì cho là chưa phù hợp vì nếu không quá hở hang thì cũng thuộc diện ‘dị hợm’. Thậm chí gần đây Bộ Văn Hoá còn phải đưa ra một số qui định về vấn đề trang phục của ca sĩ [Đỗ Thị Ngọc Hà 2003].

2.2.Thời trang

Bên cạnh vấn đề phục trang của ca sĩ, thời trang của giới trẻ hiện nay cũng thuộc trường phái cấp tiến hướng về phong cách phương Tây với quan niệm ăn mặc càng thoáng càng dễ khẳng định được giá trị tự thân hay dẫu biết kì dị nhưng vẫn dám chơi, dám chấp nhận bởi như thế mới là ‘sành điệu’. Đơn cử như việc mặc áo hai dây. Vào thời điểm cuối năm 1997, việc thanh niên mặc những chiếc áo không tay cũng rất hiếm vì thường bị cho là không đứng đắn. Vậy mà những năm gần đây, không chỉ áo không tay mà nhan nhản khắp phố ở đâu cũng có thể nhìn thấy những chiếc áo hai dây. Tuy nhiên, việc này vẫn chưa được xã hội chấp nhận rộng rãi. Hà Nội sẽ có quy định ai đi dạo phố mặc áo hai dây và áo lót có thể sẽ bị phạt [Đỗ Thị Ngọc Hà 2003]. Phụ huynh thì cho là do thanh niên bắt chước ‘thần tượng’ nên mới ăn mặc quá đà như thế song thật khó nói là ai bắt chuớc ai, thanh niên bắt chước ‘thần tượng’ hay nghệ sĩ phải chạy theo thời trang để nhằm đáp ứng được thị hiếu của thanh niên. Theo Đỗ Thị Ngọc Hà:

“Một thế hệ thời trang không thích vâng lời, không có chuẩn mực, ưa phá cách ra đời. Những chiếc áo khoét sâu như những sản phẩm may dở. Những chiếc quần bản rộng như dân tứ chiếng, giang hồ... Không thể áp đặt thước đo thời trang cho giới trẻ, nhưng kiểu phục trang kì quặc của họ đã trở thành nỗi ám ảnh ăn mặc đô thị thời mở cửa” [2003].

Không chỉ quần áo mà kiểu tóc, giày dép, và các loại phụ trang khác như hình xăm, các loại khoen móc trên cơ thể v.v. cũng ngày càng được chú ý hơn, cũng phá cách hơn. Chẳng hạn như mốt đầu trọc. Trước kia đầu trọc là biểu tượng của những phần tử xấu, bị coi là ‘đầu gấu’ là ‘quân khu’, nay ai để đầu trọc là có thể được xem là người có cá tính (một số văn nghệ sĩ, họa sĩ hiện nay rất chuộng kiểu tóc này). Đầu trọc còn là mốt thời trang mà có một dạo (khoảng đầu năm 2001) các tiệm cắt tóc không làm hết việc. Bởi đó là thời điểm David Beckham, ngôi sao bóng đá nổi tiếng người Anh cạo bỏ mái tóc vàng quyến rũ thường ngày và thay vào đó là một cái đầu trọc với chân tóc xanh rì một màu [Tuổi trẻ 2003a].

Thời trang bây giờ thâm nhập vào tất cả các ngõ ngách của cuộc sống, từ trong nhà ra đến ngoài phố, vào cả giảng đường đại học. Chuyện sinh viên chạy theo thời trang, làm nô lệ cho thời trang không còn là chuyện mới mẻ.

Những năm gần đây, đặc biệt là ở những vùng đô thị lớn như Hà Nội, thành phố HCM, cùng với sự phát triển nhanh chóng về kinh tế là những biến đổi trong quan niệm về thời trang của giới trẻ. Ở một bộ phận thanh niên, thời trang không còn là việc chạy theo mốt mới để có đuợc những bộ trang phục hợp thời mà thời trang đồng nghĩa với hàng hiệu. Xu hướng này đang ngày càng lan rộng.

2.3.Lối sống và quan niệm về cuộc sống

ện nay, c

Buồn tràn lan từ những cuộc chat chít đến những diễn đàn trên website. Buồn từ văn thơ uỷ mị học trò đến ngổn ngang những nỗi niềm không ai hiểu nổi. Buồn từ những thao thức trầm cảm cho đến những cuộc nổi loạn phá phách…” [2003].

Lối sống

Có hai vấn đề nổi cộm trong lối sống của thanh niên Viêt Nam đương đại tại các đô thị lớn. Những hiện tượng này đã xuất hiện được một thời gian và đang ngày càng trở nên phổ biến đó là quan hệ tình dục trước hôn nhân và kiểu bắt chước lối sống phương Tây. Tuy hai hiện tượng này có một điểm chung đó là quan niệm rất ‘thoáng’ rất ‘mở’ trong quan hệ tình dục, cả hai vẫn có những nét khác biệt.

Ở kiểu bắt chước lối sống phương Tây mà đối tượng chủ yếu ‘tôn thờ’ lối sống này là các cô gái trẻ, các cô ủng hộ kiểu quan hệ theo ‘hợp đồng’, ngắn hạn, dài hạn đều có. Theo họ, kiểu sống thực nghiệm này rất ‘an toàn’ vì khi không còn hợp nhau thì đường ai nấy đi không ràng buộc gì và không lúc nào là muộn cả. Trong thời gian hợp đồng, nếu thích thì vẫn có thể quan hệ với một hay vài người khác nữa [Việt Quỳnh 2003]. Cũng có những cô (mà không ít trong số này là những sinh viên vẫn còn đang đi học) chọn cách này như một kiểu kiếm sống, song cũng không ít cô con cái những gia đình khá giả cũng chuộng kiểu quan hệ này như là mốt, như là một cách khẳng định phong cách sống hiện đại của mình. Theo Việt Quỳnh [2003], “xét trên phương diện nào đó, khái niệm hôn nhân kiểu Phương Đông không hề tồn tại”.

Hiện tượng quan hệ tình dục trước hôn nhân đang ngày càng trở nên phổ biến và không chỉ giới hạn ở những đôi lứa đang yêu hoặc chuẩn bị tiến đến hôn nhân mà đã lan rộng ra ở cả độ tuổi học sinh cấp hai, cấp ba. Một học sinh được hỏi cho biết ở lớp cô có đến 70% bạn học có người yêu, rất nhiều cặp đã có quan hệ tình dục [Tin Tức 2003a]. Một nghiên cứu về sinh viên chưa lập gia đình của tác giả Võ Thị Cẩm Hiền đưa ra năm 1998 [Tiền Phong 2003] cho biết 20% chấp nhận quan hệ tình dục trước hôn nhân. Một nghiên cứu của Khoa Xã hội học – Phân viện Báo chí Tuyên truyền trên phạm vi cả nước năm 1998 [Tiền Phong 2003] cho biết 65% sinh viên chỉ quan hệ tình dục với người yêu; 42,1% với các đối tượng khác; 7,9% với nhiều đối tượng (có cả người yêu).

3. Những tác nhân

Cùng với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá; xu hướng toàn cầu hoá và hội nhập khu vực, cũng đang vươn mình để bắt kịp tốc độ phát triển của các quốc gia trong khu vực. Nỗ lực hội nhập của có thể nhìn thấy rất rõ ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong đó có kinh tế và văn hoá. Đi cùng với những thành quả đạt được, những tinh hoa văn hoá chắt lọc được còn là những thách thức.

3.1.Kinh tế, xã hội

Về mặt kinh tế, mặc dù mức tăng trường kinh tế hiện tại của rất tốt song có thể thấy rằng sự phát triển này là chưa đồng đều. Các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã cảnh báo về tình trạng bất bình đẳng đang gia tăng tại Việt Nam. [Tuổi Trẻ 2003c] Chênh lệch chi tiêu giữa nhóm giàu nhất và nhóm nghèo nhất đã tăng từ 4,97 lần năm 1993 lên đến 6,03 lần năm 2002, và nếu sử dụng các số liệu đã được điều chỉnh cho những trường hợp báo cáo thấp hơn thực tế thì tỉ lệ này có thể lên tới 8,84 lần. Sự bất bình đẳng và chênh lệch giàu-nghèo đã có tác động rất lớn đến văn hoá giới trẻ, ảnh hưởng đến quan niệm của họ về cuộc sống cũng như lên chính cách sống của họ. Chính sự bất bình đẳng và chênh lệch giàu nghèo này cũng góp phần nào tạo nên cảm giác bất an, buồn vu vơ, hay sự vô vị của cuộc sống trong rất nhiều bạn trẻ hiện nay.

 

3.2.Văn hoá

Về mặt văn hoá, cùng với sự ra đời của chính sách mở cửa, văn hoá phương Tây lại được dịp ồ ạt thâm nhập vào xã hội Việt Nam. Lần này, với sự hỗ trợ tích cực của xu thế hội nhập và toàn cầu hoá, của những tiến bộ trong khoa học và công nghệ như mạng internet, điện thoại di động, máy ảnh kỹ thuật số cùng những phương tiện thông tin đại chúng khác, ảnh hưởng của văn hoá phương Tây lan tỏa sâu rộng đến tất cả các tầng lớp dân cư cũng như mọi ngõ ngách của xã hội Việt Nam. Không thể phủ nhận những ảnh hưởng tích cực của xu hướng mở cửa lên nhiều khía cạnh của đời sống như đô thị, công nghiệp phát triển hơn; đời sống vật chất được nâng cao hơn, tiện nghi đầy đủ hơn; vai trò cá nhân được nâng cao hơn; tinh thần tự do phê phán được đề cao hơn; và sự liên kết quốc tế cũng ngày càng rộng rãi hơn [Trần Ngọc Thêm 1999]. Sự liên kết quốc tế rộng rãi thể hiện rõ nét trong văn hoá giới trẻ qua sự thịnh hành của các thể loại nhạc trẻ, của những kiểu thời trang phá cách. Tuy vậy, tác động của văn hoá phương Tây cũng mang theo nó những mặt trái khiến không ít người lo ngại bởi nó không phù hợp với những giá trị văn hoá truyền thống . Điều này có thể thấy qua sự ‘cởi mở’ trong các mối quan hệ giới tính; qua quan niệm của thế hệ trẻ về tình yêu, hôn nhân, và gia đình.

4. Văn hoá giới trẻ và vấn đề bản sắc

4.1.Sự chuyển dịch về văn hoá

Những hiện tượng kể trên cho thấy một sự chuyển dịch về văn hoá khá rõ rệt trong thế hệ trẻ. Song những thay đổi này có thể nói lại chưa được quan tâm đúng mức, chưa được nhìn nhận và đánh giá một cách khách quan. Chúng ta hãy quay trở lại với ba đặc trưng của văn hoá giới trẻ.

Nhạc trẻ

Các nhạc sĩ khi được hỏi cho biết “nhạc trẻ là một sự phát triển tất yếu của lịch sử âm nhạc; dù muốn hay không, chúng ta cũng không thể cưỡng lại sự phát triển này” (nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện [Tuổi Trẻ 2003b]). Còn đối tượng của nhạc trẻ - những người trẻ tuổi - thì cho rằng tuy họ không hoàn toàn giống như những gì được miêu tả trong các bài hát, nhìn chung họ vẫn thích nhạc trẻ vì giai điệu, tiết tấu sôi nổi, mới mẻ phù hợp với lối sống mới năng động, phóng khoáng. Một số nhạc sĩ khác thì cho biết “nhạc trẻ luôn gắn với thời trang và thị trường cho nên nhiều lúc bị tác động cũng là tất yếu” (nhạc sĩ Trần Minh Phi [Tuổi trẻ 2003b]) nhất là khi nhu cầu của thị trường quá lớn (nhạc sĩ Quốc An [Tuổi trẻ 2003b]). Trong quá trình tìm tòi sáng tạo đồng thời vừa nhắm đáp ứng nhu cầu của thị trường thì việc các bài hát có giai điệu gấn giống nhau là điều không thể tránh khỏi. Nói như nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện thì “một vài hạt sạn thì có sá gì khi thế giới đang xích lại gần nhau trong giai điệu”. Nỗ lực của người làm công việc sáng tác nhìn chung thường ít được đồng điệu chia xẻ, ít khi nhận được những góp ý, chỉ bảo thiện chí mà phần lớn là những chê bai thiếu khách quan (nhạc sĩ Quốc An [Tuổi trẻ 2003]).

Thời trang

Có thể nói không ít thanh niên còn có những hiểu biết rất hạn chế thậm chí lệch lạc về thời trang kết hợp với tâm lý hiếu kỳ, thích chơi nổi của tuổi trẻ tạo nên những kiểu thời trang lập dị, chưa phù hợp với môi trường và hoàn cảnh xã hội. Song ở một khía cạnh nào đó, chúng ta phải hiểu rằng những thử nghiệm với thời trang, với những sự khác biệt là một phần của tính hịên đại và bản sắc [Grossberg 1996]. Chúng ta sẽ trở lại vấn đề hiện đại và bản sắc ở phần sau.

Lối sống và quan niệm về cuộc sống

Với điều kiện vật chất đấy đủ, thanh thiếu niên hiện nay được chăm sóc tốt hơn, về thể chất cao to hơn các thế hệ trước và đây cũng là một nguyên nhân của sự trưởng thành sớm về mặt tâm sinh lý của thế hệ trẻ [Tìền Phong 2003]. Bên cạnh đó, lượng thông tin ở khắp mọi nguồn liên quan đến chủ đề tình yêu, tình dục đang ngày càng trở nên phổ biến và thậm chí không thể kiểm soát được (như mạng internet gia đình, các cơ sở cho thuê internet) đã có ảnh hưởng và tác động rất lớn tới sự nhạy cảm đối với vấn đề giới tính và tình dục ở lứa tuổi thanh thiếu niên [Tiền Phong 2003]. Ngoài ra, sự ngăn cấm và lảng tránh vấn đề này của người lớn nói chung (bao gồm cả gia đình, nhà trường, và xã hội) càng kích thích trí tò mò của các bạn trẻ. Sự ngăn cấm và lảng tránh đã để lại những nguy cơ tai hại đến tâm sinh lý, sức khoẻ sinh sản của cả một thế hệ trẻ. Theo số liệu của Tin Tức [2003a], Lao Động [2003], trung bình mỗi năm có khoảng 200.000 ca nạo phá thai ở tuổi vị thành niên, và có khoảng 5% các sản phụ ở độ tuổi dưới 18, Thậm chí có trường hợp mới chỉ 13 tuổi đã có thai với chính... bạn trai cùng lớp. Một nghiên cứu khác của Bộ Y tế chỉ ra rằng 50% vị thành niên chưa có tri thức đầy đủ về sinh lý tuổi dậy thì và các vấn đề tình dục, mang thai [Lao Động 2003]. Hậu quả của sự thiếu hiểu biết này không phải là nhỏ. Theo Tin Tức [2003b], đến cuối năm 2002 số người nhiễm HIV ở lứa tuổi 20-29 (lứa tuổi đẹp nhất cuộc đời) lên tới 62%. Nhiễm HIV ở tuổi vị thành niên từ 10-19 tuổi chiếm 8,3%. Còn số liệu về các bệnh lây qua đường tình dục khác, các bệnh xã hội ở lứa tuổi thanh thiếu niên thì đến nay cả ngành y tế lẫn ngành giáo dục vẫn chưa có một điều tra chính thức nào [TTVNOL 2003].

Sự phê phán là cần thiết nhưng những lên án (về văn hoá giới trẻ nói chung) dựa trên sự lảng tránh và thiếu khách quan không giúp giải quyết được vấn đề mà đội khi còn đưa đến kết quả ngược lại. Vậy đâu là nguyên nhân của những phê phán này?

Xét về nguồn gốc, văn hoá là một nền văn hoá nông nghiệp với các đặc điểm chủ yếu như coi trọng sự hài hòa thiên về âm tính; coi trọng tình cảm hơn lí trí, tinh thần hơn vật chất; ưa sự tế nhị kín đáo [Trần Ngọc Thêm 1996/2001]. Những đặc điểm này đã tồn tại bền vững hàng ngàn năm nay cùng với sự phát triển của lịch sử dân tộc mà theo Trần Ngọc Thêm thì chúng như một thứ ‘gien xã hội’ di truyền lại từ hết đời này sang đời khác. Trong khi đó, áp dụng phương pháp nghiên cứu văn hoá bằng thuyết âm-dương của giáo sư Trần Ngọc Thêm thì những hiện tượng nảy sinh trong văn hoá giới trẻ hiện nay lại mang những đặc điểm hoàn toàn trái ngược với những giá trị truyền thống vốn lâu nay bền vững. Chẳng hạn, nhạc pop là thể loại nhạc có giai điệu hay nhưng tiết tấu nhanh, sôi động; phong cách biểu diễn thường kèm vũ đạo rất mạnh mẽ (dương tính) hoàn toàn trái ngược với âm nhạc truyền thống thường có tốc độ chậm, da diết gợi nên những tình cảm quê hương buồn man mác với những điệu múa cũng chứa đựng những đường nét tròn trĩnh, uốn lượn mềm mại, không gãy góc, đôi chân khép kín (âm tính). Còn về thời trang, những kiểu thời trang phá cách hở hang (dương tính) thì đi ngược lại xu thế ưa ổn định, tôn trọng sự hài hòa, sự kín đáo (âm tính). Về lối sống và quan niệm sống, lối sống thực dụng, hướng ngoại, cá nhân chủ nghĩa (dương tính) được đề cao dẫn đến sự suy giảm tính ổn định gia đình (âm tính) [Trần Ngọc Thêm 1996/2001].

Tuy nhiên, điều đáng lưu ý ở đây về khía cạnh những giá trị truyền thống (những giá trị có ảnh hưởng lớn, mang tính chi phối) là chúng được áp dụng chung chứ không dành riêng cho một lớp văn hoá nào. Những giá trị này sẽ được tiếp nối truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Và thế hệ trẻ mặc nhiên được cho là phải tiếp nhận và có trách nhiệm duy trì những giá trị này. Với ảnh hưởng của văn hoá và quan niệm truyền thống như vậy, có thể hiểu được tại sao người lớn luôn cho rằng họ cần phải ‘dạy’ cho bọn trẻ làm như thế này, như thế kia hay lảng tránh những gì mà họ cho là không thuộc ‘phạm vi’ của tuổi trẻ. Ví như giáo dục giới tính. Đến tận bây giờ, đây vẫn là một vấn đề còn đang được xem xét xem có nên đưa vào chương trình giáo dục phổ thông hay không vì người lớn sợ rằng không khéo sẽ vẽ đường cho hươu chạy, dạy cho con trẻ những chuyện của người lớn.

Ngày nay cùng với những biến đổi về cơ cấu kinh tế, xã hội, cấu trúc gia đình cũng đã thay đổi (gia đình hạt nhân đang ngày càng phổ biến; kiểu gia đình nhiều thế hệ đã không còn phù hợp). Vai trò cá nhân được đề cao, thanh niên ngày nay trở nên chủ động hơn, có nhiều tự do hơn, và họ cũng bắt đầu vượt ra khỏi những rào ngăn của văn hoá truyền thống để sống cho riêng mình tạo nên một lớp văn hoá riêng gọi là văn hoá giới trẻ. Lớp văn hoá này hoàn toàn phù hợp với định nghĩa về văn hoá giới trẻ của Kidd [2002] mà theo đó văn hoá giới trẻ là lớp văn hoá của một nhóm những người trẻ tuổi. Lớp văn hoá này tồn tại song song trong lòng của một tầng văn hoá rộng hơn - tầng văn hoá làm chuẩn mực cho toàn xã hội. Tuy vậy, nó vẫn có sự phát triển độc lập với những giá trị và chuẩn mực của riêng mình. Thanh niên thông qua văn hoá giới trẻ nhằm khẳng định vai trò, vị trí của mình trong hệ thống chung của xã hội, đó là môi trường để họ tìm tòi và định hình hướng đi, lối sống - hay còn gọi là bản sắc - cho riêng mình.

4.2.Bản sắc của thanh niên: trào lưu chung và những khó khăn

Nếu văn hoá là cách mọi người ứng xử theo những chuẩn mực được đề ra trong xã hội mà họ đang sống [Đào Duy Anh, 1938; Kidd, 2002] thì bản sắc là cách mọi người thể hiện chính bản thân mình, nhìn nhận những người xung quanh mình, và xem xét những gì người khác nghĩ về mình [Kidd, 2002]. Bản sắc có nghĩa là chúng ta cần phải biết ‘chúng ta là ai’. Như vậy, bản sắc không thể được hình thành một cách tách rời với văn hoá. Đây là hai yếu tố luôn song hành với nhau và bản sắc được định hình bởi văn hoá. Theo Kidd [2002] thì ý thức cá nhân ‘chúng ta là ai’ (bản sắc) có liên hệ mật thiết với những gì mà xã hội mong muốn chúng ta thực hiện và trở thành (văn hoá). Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa bản sắc là một phạm trù thụ động bị kiểm soát bởi văn hoá. Theo xã hội học hiện đại thì bản sắc có khả năng thích nghi và thay đổi được bởi con người là những thực thể năng động và có suy nghĩ.

Cùng với sự chuyển mình hình thành một kết cấu xã hội ‘hậu truyền thống’ (post-traditional)[1]; sự tăng trưởng trong mức sống và thói quen tiêu dùng cho thấy xã hội Việt Nam đương đại đã xuất hiện những đặc điểm của một xã hội mang tính chất hiện đại phản ánh (reflexive modernity)[2]. Theo Giddens (1996, trong [Kidd 2002]), quá trình toàn cầu hoá có tính chất phản chiếu (reflexive globalization) đã góp phần tạo nên bản sắc riêng của mỗi người chúng ta. Toàn cầu hoá với sự phát triển của những phương tiện giao tiếp toàn cầu, của ngành công nghiệp du lịch, của những ý tưởng sáng tạo được phổ biến rộng khắp trên toàn thế giới đã tạo cho chúng ta cảm giác trái đất này dường như nhỏ bé hơn [Kidd 2002]. Do vậy, trong quá trình xây dựng bản sắc của mình, toàn cầu hoá buộc chúng ta phải xem xét đến những yếu tố văn hoá ngoại lai và định vị lại mình trong một bối cảnh văn hoá rộng lớn hơn – bối cảnh văn hoá của toàn thế giới [Kidd 2002]. Toàn cầu hoá cũng làm cho ranh giới phân định giữa hai nền văn hoá Đông - Tây[3] dường như không còn tồn tại. Theo Giddens [1996], cũng vì xã hội hiện nay mang tính chất hậu truyền thống mà mỗi cá nhân chúng ta phải tự thân vận động, phải độc lập trong việc xây dựng và duy trì các mối quan hệ; phải biết làm chủ tương lai của bản thân; đồng thời tạo được một bản sắc riêng cho mình. Đây là những thứ mà trước kia chúng ta có thể được thừa hưởng từ những thế hệ đi trước. Nghĩa là hiện nay chúng ta đang sống trong một thời đại không có gì được bảo đảm; song điều đó cũng có nghĩa là văn hoá hậu hiện đại đem đến cho chúng ta nhiều tự do hơn: tự do thoát khỏi những ràng buộc của truyền thống, tự do trong việc quyết định trở thành một người như thế nào, và tự do thực hiện những lựa chọn của mình.

Về việc xây dựng bản sắc, những phương thức truyền thống hình thành bản sắc có tính chi phối, khá khắt khe và độc đoán dựa trên giai cấp, tuổi tác, giới tính, thành phần dân tộc… đã tan rã và thay vào đó là những nguồn hình thành bản sắc khác nhau dựa trên chủ nghĩa tiêu dùng (việc chúng ta cho rằng chúng là ai được hình thành dựa vào không chỉ những gì chúng ta làm mà còn dựa trên những gì chúng ta tiêu thụ và cách thức chúng ta sử dụng những món hàng đó). Điều này thể hiện rõ nét qua khuynh hướng thích nghe nhạc thị trường, mua quần áo thời trang, dùng hàng hiệu, xăm mình, xỏ khoen, và quan hệ tình dục trước hôn nhân. Tuy nhiên, chính sự tự do quá lớn đó đã đem đến những lo ngại khôn lường bởi giờ đây một khi những chuẩn mực về đạo đức đã bị hòa tan thì những quyết định về cuộc sống là không có giới hạn. Kết quả là mọi người (đặc biệt là thanh niên) rất dễ trở thành ‘nô lệ’ của sự hỗn mang và những điều xấu xa bởi họ không thể nói họ là ai và cách xử sự như thế nào là sai [Kidd 2002]. Những kiểu bản sắc thời hậu hiện đại được miêu tả là vụn vặt và rời rạc [Kidd 2002]. Đặc tính của những bản sắc này được Douglas Kellner [1991] khắc họa là “gia tăng nhanh chóng, có tầm ảnh hưởng lớn, (nhưng) không ổn định, không liền lạc, mong manh, nông cạn, và viễn vông”. Mercer (1990, trong [Kidd 2002: 95]) lưu ý rằng sự tập trung vào tính nhất thời, viễn vông, vô nghĩa, và mơ hồ của bản sắc thời hậu hiện đại đã góp phần “cổ vũ mọi người quên đi quá khứ của mình”.

Theo Kidd [2002: 26], có thể phân bản sắc ra làm ba dạng. Ba dạng bản sắc này tuy có những khác biệt song liên hệ mật thiết với nhau:

- Bản sắc cá nhân: mặc dù ở một khía cạnh nào đó loại bản sắc này mang tính xã hội vì người ta cho rằng nó được tạo ra qua sự tương tác với những cá nhân khác trong xã hội, song bản sắc cá nhân là một đặc trưng người rất riêng được nắm giữ bởi mỗi cá thể riêng biệt trong một xã hội.

- Bản sắc xã hội: khi dùng thuật ngữ ‘bản sắc xã hội’, các nhà xã hội học muốn nói đến khía cạnh tập thể của các cá nhân - những người tự cho mình giống hay có những nét tương đồng với các thành viên viên khác trong cùng một nhóm.

- Bản sắc văn hoá: khái niệm này được dùng để chỉ thành phần văn hoá của một cá nhân, xem họ thuộc một nhóm dân tộc hay một nhóm văn hoá, một lớp văn hoá phụ (subcultural) nào.

Cùng với những bấp bênh sản sinh từ quá trình chọn lựa và hình thành bản sắc trong giai đoạn hậu hiện đại, thanh niên Việt Nam ngày nay (đặc biệt là những bạn trẻ sống ở các đô thị lớn) còn phải đối mặt với nhiều khó khăn khác bắt nguồn từ văn hoá truyền thống. Những đánh giá dựa trên quan niệm truyền thống ở khía cạnh nào đó vô hình chung làm cho thế hệ trẻ càng thêm mơ hồ và hoang mang về chính bản thân họ. Ví dụ, ‘những gì một người làm’ và ‘người đó như thế nào’ là hai khái niệm hoàn toàn độc lập trong văn hoá phương Tây (thuộc nhóm Low Context Cultures). Song trong văn hoá Việt Nam cũng như một số nước phương Đông (thuộc nhóm High Context Cultures) nói chung, hai khái niệm này đôi khi bị trộn lẫn với nhau. Nghĩa là việc đánh giá một con người có thể được thực hiện qua những cảm nhận chủ quan về hình thức bên ngoài hay những hành động bề nổi của người đó. Chẳng hạn, những người thích nghe nhạc pop có thể bị cho là có ‘gu’ thưởng thức âm nhạc kém. Hay những ai mặc áo hai dây thường bị đánh giá là người thiếu đứng đắn. Kiểu quan niệm truyền thống khi cho rằng thanh niên là những ‘đứa trẻ’ thụ động cần phải được chỉ bảo cũng góp phần tạo nên những rào cản cho lớp trẻ. Hoặc lối sống truyền thống trọng tình cảm cũng đem đến nhiều khó khăn cho những quan hệ hiện đại. Quan hệ ca sĩ-người quản lý là một ví dụ.

5. Kết luận

Những hiện tượng nảy sinh trong giới trẻ thể hiện qua âm nhạc, thời trang, và lối sống cho thấy một lớp văn hoá mới - văn hoá giới trẻ - đã ra đời, hoàn toàn phù hợp với những biến đổi về cơ cấu kinh tế, xã hội của đất nước trong thời đại mới, đặc biệt là ở những đô thị lớn. Với những đặc điểm của một xã hội mang tính chất hiện đại phản ánh (reflexive modern society), xã hội đô thị đương đại mang lại cho giới trẻ nhiều tự do và chọn lựa hơn. Toàn cầu hoá khiến cho nhạc trẻ rút ngắn khoảng cách với các quốc gia trong khu vực cả về giai điệu và thể loại. Thanh niên cũng không còn thấy mình lạc hậu trước những kiểu thời trang mới nhất được tung ra trên thế giới và hàng hiệu cũng đang là ‘mốt’ được giới trẻ ưa thích. Cơ cấu gia đình thay đổi, vai trò cá nhân được đề cao, lối sống của thanh niên cũng có những biến chuyển rõ rệt. Quan hệ tình dục trước hôn nhân là một trong những biểu hiện của sự biến chuyển đó. Tuy nhiên, bên cạnh đó, chủ nghĩa hiện đại phản ánh (reflexive modernism) cũng đem đến những lo âu và bấp bênh khi những đổi thay ồ ạt đang diễn ra trên toàn thế giới bao gồm trong nó cả sự mơ hồ do không hề có những chuẩn mực nhất định nào cho những thay đổi này. Đây là những khó khăn mà thế hệ trẻ phải đối mặt trong quá trình xây dựng bản sắc cho riêng mình, những bản sắc đang trong giai đoạn định hình được miêu tả là vụn vặt và rời rạc. Quá trình này đòi hỏi thanh niên phải luôn tỉnh táo, độc lập, làm chủ được những mối quan hệ cũng như tương lai của bản thân. Thực tế cho thấy thanh niên ngày nay phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Những định kiến dựa vào văn hoá truyền thống do vậy sẽ chỉ làm tăng thêm nơi họ sự mơ hồ vốn có. Văn hoá giới trẻ là một thực tế xã hội cần được công nhận. Thanh niên ngày nay rất năng động và luôn nỗ lực hết sức để khẳng định mình. Chúng ta cần khuyến khích điều đó. Cách suy nghĩ cởi mở, khách quan là rất cần thiết trong việc hỗ trợ thế hệ trẻ chọn lựa cho mình một hướng đi đúng đắn.

Tài liệu tham khảo

  1. Đào Duy Anh 1938: Việt Nam văn háa sử cương. Sài gòn: Bốn Phương.
  2. Đỗ Thị Ngọc Hà 2003: Thời trang không dành cho người yếu tim. Kinh tế & Đô thị. www.tintucvietnam.com, ngày truy cập 20/12/2003.
  3. Giddens, A. 1996: Introduction to Sociology, 2nd ed. New York: W. W. Norton.
  4. Grossberg, L. 1998: Mediamaking: mass media in a popular culture. Thousand Oaks, Calif.: Sage
  5. Hall, E. T. 2000: Context and Meaning. Intercultural Communication: A Reader. L. A. Samovar and R. E. Porter. Belmont, C.A., Wadsworth Publishing Company: 34-42.
  6. Hall, E. T. and Hall, M. R. 1990: Understanding Cultural Differences. Yarmouth, Me., Intercultural Press.
  7. Katan, D. 1999: Translating Cultuer: An Introduction for Translator, Interpreters and Mediators. Brooklands, Bookcraft (Bath) Limited, UK.
  8. Kellner, D. and Steven, B. 1991: Postmodern theory: critical interrogations. Houndmills, Basingstoke, Hampshire: Macmillan.
  9. Kidd, W. 2002: Culture and identity. Basingstoke: Palgrave.
  10. Lao Động 2003: Hậu quả của sự "tế nhị". www.tintucvietnam.com, ngày truy cập 20/12/
  11. Người Lao Động 2003: Hiện tượng “sinh sản vô tính” trong dòng nhạc trẻ. www.tintucvietnam.com, ngày truy cập 20/12/2003.
  12. Nguyễn Vĩnh Nguyên 2003: Hội chứng … buồn. Sài gòn Tiếp thị. www.tintucvietnam.com, ngày truy cập 20/12/
  13. Việt Quỳnh 2003: Những cô gái Vịêt sống kiểu Tây. SVVN. www.tintucvietnam.com, ngày truy cập 20/12/
  14. Tien Phong 2003: Sinh viên & chuyện ăn cơm trước kẻng. www.tintucvietnam.com, ngày truy cập 20/12/
  15. Tin Tức 2003a: Dở dang áo trắng vì tình. www.tintucvietnam.com, ngày truy cập 20/12/
  16. Tin Tức 2003b: 62% người nhiễm HIV ở độ tuổi đẹp nhất cuộc đời. www.tintucvietnam.com, ngày truy cập 20/12/
  17. Trần Ngọc Thêm 1996/2001: Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam. – Nxb Tp. HCM.
  18. TTVNOL 2003: Ẩn học khủng khiếp trong bình yên học đường. www.tintucvietnam.com, ngày truy cập 20/12/
  19. Tuổi trẻ 2003a: Hà Nội: ‘Thời trang’ đầu trọc lên ngôi. www.tintucvietnam.com, ngày truy cập 20/12/
  20. Tuổi trẻ 2003b: Nghĩ về nhạc trẻ hôm nay. www.tintucvietnam.com, ngày truy cập 20/12/
  21. Tuổi trẻ 2003c: Trong 10 năm, chênh lệch giàu - nghèo tại Việt Nam tăng 6-8 lần. www.tintucvietnam.com, ngày truy cập 20/12/
  22. Vietnam Net 2003: Lối sống sinh viên thời nay. www.tintucvietnam.com, ngày truy cập 20/12/

Nguồn: In trong: Những vấn đề Khoa học Xã hội & Nhân văn – Chuyên đề Văn hoá học, Tp.HCM - Nxb Đại học Quốc gia, 2013

 

 

 

[1] Do chưa được biết đến cũng như chưa tìm được một thuật ngữ hay hơn tương đồng trong tiếng Việt, nên tác giả bài viết này tạm dịch từ các thuật ngữ được dùng trong tiếng Anh

[2] ‘Hậu hiện đại’ (postmodernity) là một thuật ngữ khác có khái niệm tương tự mà một số tác giả hiện nay thích dùng hơn

[3] Thuật ngữ được dùng rất phổ biến trong xã hội học và nhân chủng học để chỉ sự khác biệt giữa những nền văn hoá có đặc điểm trái ngược nhau là ‘High’ và ‘Low’ Cultures. Đây là cách nói tắt của các thuật ngữ High Context/Contact và Low Context/Contact Cultures, được Edward Hall dùng lần đầu tiên vào năm 1977 trong lý thuyết về bối cảnh giao tiếp (context), nói về sự khác biệt trong cách thức truyền tải thông điệp trong giao tiếp giữa các nền văn hoá (Hall, 1990; Hall, 2000; Katan, 1999). Hiểu một cách nôm na, những nền văn hoá chủ yếu dựa vào bối cảnh giao tiếp (context) hay thông qua bối cảnh giao tiếp để truyền tải thông điệp của mình sẽ được xếp vào nhóm High Context Cultures (chẳng hạn như Nhật Bản, Hàn Quốc. Việt Nam cũng thuộc nhóm văn hoá này). Còn những nền văn hoá không xem trọng bối cảnh giao tiếp mà chủ yếu dùng lời nói trực tiếp để chuyển tải thông tin đến người nghe sẽ được xếp vào nhóm Low Context Cultures (chẳng hạn như Mỹ, Australia …).

 
Tác giả bài viết: Lê Thu Hường - Lê Duy Thể
Nguồn tin: vanhoahoc.net
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 24
  • Khách viếng thăm: 21
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 5942
  • Tháng hiện tại: 118259
  • Tổng lượt truy cập: 12262519