Trang mới   https://gpquinhon.org

Chúa Giêsu thắt cà vạt màu gì?

Đăng lúc: Chủ nhật - 29/05/2016 19:18
http://www.downvids.net/video/bestimages/img-the-jesus-film-trailer-953.jpg

Chúa Giêsu thắt cà vạt màu gì?
Ý nghĩa của y phục trong Kinh Thánh
 
 
Ta biết rằng y phục rất hữu ích vì nó che chở chúng ta khỏi  những bất thường của thời tiết và cái nhìn của người khác. Ta mặc quần áo cũng để làm đẹp. Y phục cũng là cách để biểu lộ và cho người ta thấy mình thuộc về một nhóm nào đó.  Y phục cũng có thể mặc lấy một giá trị biểu trưng. Nếu thấy ai đó mang áo cổ trắng roma thì ta biết đó là một linh mục. Y phục có thể gắn liền với chức vụ. Chúng nói lên tầng lớp xã hội, văn hóa hoặc cội nguồn dân tộc của  những người mặc chúng.
 
 
Trong Kinh Thánh, y phục rất quan trọng. Thường thì người ta chỉ có một chiếc áo choàng hoặc một áo dài. Vì không có gì khác nữa nên bộ y phục này rất quan trọng đối với một người. Từ đó người ta thường hay đồng hóa cách biểu trưng một con người với bộ y phục mà người ấy mặc.
 
Bộ y phục đầu tiên là chiếc áo dài bằng da do Thiên Chúa ban cho ông Ađam và bà Evà để che giấu sự trần truồng của họ (Stk 3, 21[1]). Chức năng tiện ích của quần áo đôi khi được chuyển hướng về tính trang trọng. Nhiều chức vụ đòi hỏi một cách ăn mặc đặc biệt như linh mục, lính tráng, chính khách. Thay đổi y phục là thay đổi tình trạng hoặc chức vụ.
 
Lột sạch quần áo của ai là làm nhục người ấy, là tước đi cái căn tính của người ấy. Trái lại, mặc áo quần cho người nghèo là ban lại cho người ấy cái phẩm giá mà họ có quyền hưởng. Những khi tang chế hay bị thử thách, nhiều người trong Kinh Thánh đã xé áo quần của mình để cho thấy rằng mình bị xé nát trong tâm hồn.
 
Với ý nghĩa biểu trưng, người ta có thể mặc lấy sự công chính (Is 59, 17), quyền năng (Is 51, 9) và vẻ oai phong (Tv 93, 1). Nhưng đồng thời cũng có thể mặc lấy sự hổ thẹn (G 8, 22). Kinh Thánh còn đi đến chỗ sử dụng các hình ảnh về áo quần để minh họa cho mối tương quan giữa Thiên Chúa và dân người. Sách Đệ Nhị Luật (32, 10) nói Thiên Chúa đã che phủ cho đứa trẻ được tìm thấy trong hoang địa. Isaia (6, 1) nói rằng Thiên Chúa như một vị vua đã lấy tà áo của mình bao phủ Đền Thờ. Ở vào cuối thời gian, Thiên Chúa sẽ mặc cho dân mình như một tân nương bằng y phục cứu độ và công chính (Is 61, 10).
 
Có những quy luật đặc biệt hơn về cách ăn mặc như trong Đệ Nhị Luật (22, 5[2]) cấm mặc áo quần của người khác phái. Lệnh truyền này rất quan trọng trong Kinh Thánh vì ăn mặc lộn xộn như vậy thì có thể gây nhầm lẫn không biết đàn ông hay đàn bà. Sách Giảng Viên (Qohélet), được nhiều người cho là khá bi quan, nhưng cũng khuyên mọi người nên mặc áo trắng (Gv 9, 8[3]). Sách ấy cho rằng phải tận hưởng cuộc sống và mọi thú vui của nó như là  những ân huệ của Thiên Chúa. Áo trắng là biểu tượng của niềm vui.
 
Nhiều bản văn Tân Ước cũng nói đến quần áo. Người phụ nữ được khỏi bệnh khi chạm vào áo của Đức Giêsu. Một cách biểu trưng, bà đã chạm đến ngài và quyền năng của ngài. Trong cuộc biến hình, Đức Giêsu xuất hiện với áo quần rực rỡ. Y phục trắng nói lên sự thuộc về Thiên Chúa.
 
Trình thuật về cuộc khổ nạn và phục sinh nói nhiều về tính biểu trưng của y phục. Đức Giêsu bị lính lột sạch quần áo đem đi bắt thăm. Sự trần truồng này nói lên hình ảnh khiêm hạ và tính dễ bị tổn thương của Đấng sắp bị đánh đòn và đóng đinh. Trong trình thuật  sống lại, người thanh niên (thiên thần) trong Tin Mừng Marcô mặc áo trắng, là biểu tượng cho sự thuộc về Thiên Chúa. Sách Khải Huyền cũng nói Đức Kitô vinh hiển mặc chiếc áo trắng.
 
Đức Giêsu thắt cà vạt màu gì?
 

Ta không có nhiều chi tiết về cách ăn mặc của Đức Giêsu. Hình ảnh hiện nay mà chúng ta có về Ngài đó là Ngài mặc một chiếc áo dài trắng. Có lẽ Ngài mặc chiếc áo dài bởi vì đó là trang phục phổ biến vào thời đó. Đức Giêsu không phải là tư tế cũng chẳng phải là vua nên ngài ăn mặc có lẽ cũng như mọi người. Và hiển nhiên là ngài không thắt cà vạt …

Sébastien Doane
 

[1] ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa làm cho con người và vợ con người những chiếc áo bằng da và mặc cho họ
[2] Đàn bà không được mặc quần áo đàn ông; đàn ông không được mang y phục đàn bà, vì hễ ai làm những việc ấy thì là điều ghê tởm đối với ĐỨC CHÚA
[3] “Mọi thời, áo ngươi hãy trắng ngời. Và trên đầu ngươi, dầu thơm cũng đừng thiếu!” (Bản dịch của cha Nguyễn Thế Thuấn). “Lúc nào cũng hãy ăn mặc cho sang, mái tóc luôn xức dầu thơm phức” (Bản dịch của nhóm CGKPV)
 
Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 8
  • Hôm nay: 4410
  • Tháng hiện tại: 93630
  • Tổng lượt truy cập: 12237890