Trang mới   https://gpquinhon.org

Fides Quaerens Dialogum: các phương pháp thần học của Liên hiệp các Hội đồng Giám mục Á châu

Đăng lúc: Thứ tư - 21/11/2012 18:15

Fides Quaerens Dialogum:
Theological Methodologies of the Federation of Asian Bishops’ Conferences




Bài của Tiến sĩ Peter Nguyễn Văn Hải, đăng trong tập san “Australian eJournal of Theology” 8, số tháng 10/2006. Bản dịch Việt ngữ của Nguyễn Hoàng Vinh với tựa đề “Fides Quaerens Dialogum: các phương pháp thần học của Liên hiệp các Hội đồng Giám mục Á châu”, đăng trong tập “Thời sự Thần học”, số 55, tháng 1/2012, Trung tâm học vấn Đa Minh.

Tiến sĩ Peter Nguyễn Văn Hải là cựu chủng sinh Qui Nhơn (CCSLSQN), cựu sinh viên Giáo Hoàng Học Viện Piô X Đà Lạt, hiện đang sống và làm việc tại Úc. Anh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Đại học Công giáo Úc vào năm 2009 với đề tài: “Lay People in the Asian Church: A Critical Study on the Role of the Laity in Contextual Theology of the Federation of Asian Bishops' Conferences (1970-2001) with Special Reference to John Paul II's Apostolic Exhortations Christifidelis Laici (1989) and Ecclesia in Asia (1999), and the Pastoral Letters of the Vietnamese Episcopal Conference” (tạm dịch: “Giáo dân trong Giáo hội Á châu: nghiên cứu phê bình về vai trò giáo dân trong thần học bối cảnh của Liên hiệp các Hội đồng Giám mục Á châu (1970-2001), đặc biệt tham chiếu với Tông huấn Christifidelis Laici (1989) và Ecclesia in Asia (1999) của Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II, và các thư mục vụ của Hội đồng Giám mục Việt Nam”. (Lời giới thiệu của BTTVHQN)

Trích
  
Hầu hết những tuyên bố của FABC bắt đầu với một thảo luận  về  những  thực  tại  của  bối  cảnh  Á  Châu.[36]  Đồng  thời những  văn  kiện  này  phác  họa  Á  Châu    như  một  lục  địa  của những  thay  đổi  và  khủng  hoảng,  cưu  mang  nhiều  khó  khăn nhưng cũng cho thấy  những dấu chỉ của niềm hy vọng. Ngay trong lần họp đầu tiên diễn ra năm 1970, trước khi FABC được chính thức thiết lập, các giám mục Á Châu đã nhìn ra rằng Á Châu, một lục địa của những nền văn hóa và tôn giáo cổ kính, là quê hương của “gần hai phần ba nhân loại”, mang những dấu tích của sự nghèo đói, và những vết sẹo của chiến tranh và đau khổ.[37] Gần 60% dân số của châu lục này dưới hai mươi lăm tuổi.[38] Với hệ quả của thực dân để lại, các quốc gia Á Châu đã nỗ lực tìm kiếm và khẳng định căn tính của mình, và đám đông những người nghèo khổ mong ước có được một cuộc sống khấm khá hơn.[39] Cuộc họp khoáng đại lần đầu tiên của FABC (1974) nhìn  nhận  rằng  có  một  “sự  chuyển  biến  nhanh  chóng  và  sâu rộng”, ở Á Châu, một lục địa “đang trải qua quá trình hiện đại hóa,  thay  đổi  xã  hội,  tục  hóa  và  sự  sụp  đổ  của  những  xã  hội truyền thống”.[40] trong cuộc họp khoáng đại thứ hai (1978) các giám mục diễn tả mối âu lo rằng thế giới hiện đại đe dọa những giá trị truyền thống và tình huống này mang lại một sự khủng hoảng thực sự cho Giáo hội.[41] Trong hội nghị khoáng đại tiếp theo  (1982)  các  ngài  nhìn  ra  được  những  dấu chỉ  hy  vọng  và những  dấu  cho  thấy  sự  hiện  diện  và  hoạt  động  của  Thánh Linh.[42] Hội nghị khoáng đại lần thứ tư (1986) nhấn mạnh đến như cầu phải đối diện với “những thực tại đen tối giữa lòng Á Châu” liên quan đến “những chính sách quyền lực ích kỷ và lệch lạc”, và Hội nghị cũng làm nổi bật cảnh ngộ của giới trẻ và phụ nữ.[43] Các giám mục khẳng định rằng “gia đình Á Châu là tế bào hứng chịu tất cả những vấn đề của châu lục, nghèo đói, đàn áp,  bóc  lột  và  thoái  hóa,  chia  rẽ  và  xung  đột”.[44]  Hội  nghị khoáng đại lần thứ năm (1990) nêu lên những mối quan tâm về sự thay đổi gây ra bởi hiện tượng toàn cầu hóa, bất công gia tăng, phân biệt đối xử với phụ nữ và tương lai ảm đạm đối với người trẻ.[45] Hội nghị khoáng đại lần thứ sáu (1995) bắt đầu với một cái lướt nhanh qua thực tại Á Châu, lấy lại những phân tích của những hội nghị khoáng đại trước đó, lần này nhấn mạnh “tất cả mọi mối đe dọa, yếu kém, suy giảm, và những gì tàn phá cuộc sống của cá nhân, nhóm hay con người’.[46] Cuối cùng, trong phiên họp khoáng đại lần thứ bảy (2000) các giám mục Á Châu điểm duyệt lại cách bao quát tất cả những vấn nạn, liên quan đến toàn cầu hóa lĩnh vực kinh tế, những chính quyền độc đoán cùng với những nạn tham những lan tràn, cùng với sự nảy sinh trào lưu bảo căn (fundamentalism), sự thoái hóa  của môi trường, và gia tặng việc thi đua võ trang của các quốc gia.[47]

Dù cho có những thực tại đen tối, những dấu chỉ hy vọng vẫn đang xuất hiện, và Á Châu vẫn còn lại “bối cảnh của hành động sáng tạo, nhập thể và cứu độ của Thiên Chúa, là sân khấu mà nơi đó vở kịch về ơn cứu độ của Á Châu được trình diễn”.[48] Người nghèo và những người bị bỏ rơi ở Á Châu được nhận biết hơn, họ ý thức về phẩm giá con người của mình, và không chấp nhận rằng tình trạng của họ hiện nay là định mệnh không thể tránh khỏi, nhưng là “điều cần phải đấu tranh”.[49] Có những phong trào đòi dân chủ và nhân quyền, những phong trào phụ nữ và  phong  trào  sinh  thái,  và  người  ta  dấn  thân  nhiều  hơn  cho những cuộc đối thoại đại kết và liên tôn.

Giáo hội Kitô giáo tiếp tục đối diện với nhiều vấn đề, khó khăn do bởi ba lần bị gạt ra bên lề: Kitô giáo là một tô giáo thiểu số ở Á Châu,[51] Giáo hội địa phương được cảm nhận như một bộ phận ngoại lai được các nhà truyền giáo Tây phương mang trồng vào mảnh đất Á Châu,[52] và Giáo hội hoàn vũ duy trì một thái độ tự tôn đối các tôn giáo khác.[53] Vì vậy, FABC dấn thân để làm xuất hiện đặc tính Á Châu của Giáo hội ở Á Châu bằng cách cố gắng trở thành “sự hiện thân của cái nhìn Á Châu và những giá trị cuộc sống, nhất là tính hướng nội tâm, hài hòa, [và] một lối tiếp  cận  toàn  diện  và  bao  quát  đối  với  mỗi  phạm  vi  của  cuộc sống”.[54]  Chỉ lúc ấy Giáo hội  mới có thể trở thành “Giáo hội của Á Châu” không chỉ đơn giản là “Giáo hội ở Á Châu” và không bao giờ được xem như một “sự hiện diện ngoại lai”.[55] Cái nhìn Á Châu, mà FABC đã phát triển trong suốt ba mươi năm qua, bao gồm  tám  cuộc  chuyển  động:  trước  hết  là  “một  chuyển  động hướng đến Giáo hội của những Người Nghèo và Người Trẻ’ [Cuộc họp của giám mục Á Châu năm 1970]; thứ hai là “một chuyển động hướng đến một ‘Giáo hội địa phương đích thực’” [FABC I, 1974]; thứ ba là “một chuyển động hướng đến  đời nội tâm sâu xa” [FABC II, 1978]; thứ tư là “một chuyển động hướng đến một cộng đoàn đức tin chân chính” [FABC III, 1983]; thứ năm là “một chuyển động hướng đến việc rao giảng tin mừng trọn vẹn và linh động, hướng đến một  cảm thức mới về sứ vụ” [FABC V, 1990]; sáu là “một chuyển động hướng đến việc thăng tiến con người [FABC VI, 1986]; bảy là “một chuyển động hướng đến việc tham dự tích cực vào việc phò trợ sự sinh sản và phục vụ sự sống” [FABC Vi, 1995]; tám là “một chuyển động hướng đến cuộc đối thoại ba chiều với những tín ngưỡng, với người nghèo và với các nền văn hóa”.[56]

Thách đố của Giáo hội Á Châu là “rao giảng Tin mừng của Vương quốc Thiên Chúa: để cổ võ công lý, hòa bình, tình yêu thương, sự cảm thông, công bằng và tình huynh đệ trong những thực tại Á Châu này”,[57] và  để “hành động vì công lý và hòa bình cùng với các Kitô hữu của những Giáo hội khác, với các tín ngưỡng khác, và với tất cả những ai có thiện ý, để làm cho Vương quốc Thiên Chúa hiện diện tỏ tường hơn tại Á Châu.”[58] FABC đã nỗ lực thúc đẩy Giáo hội của Á  Châu hướng tới một sự hiện diện cách mới mẻ, một Giáo hội dấn thân để trở thành sự hiệp thông của các cộng đoàn, và là dấu chỉ khả tín của ơn cứu độ và sự giải thoát.[59] trong hội nghị khoáng đại lần thứ bảy, FABC tự cam kết hướng dẫn sứ vụ về tình yêu và phục vụ của mình dành cho giới trẻ, phụ nữ, gia đình, dân bản xứ, những người di cư bằng đường biển hay đường bộ, và những người tị nạn.[60]

Đối diện với thế kỷ 21, các giám mục Á Châu nhận rằng các ngài đang nói đến “những nhu cầu phức tạp sâu rộng và không ngừng  gia  tăng”,  và  các  ngài  nhận  ra  “cần  phải  cảm  nhận  và hành động ‘cách trọn vẹn’,” “trong sự liên đới với người nghèo và những người bị đẩy ra bên lề, trong sự liên kết với tất cả mọi anh chị em Kitô hữu của chúng ta, và bằng cách nắm tay mọi người thuộc các niềm tin khác nhau ở Á Châu.”[61] Đối với các giám mục Á Châu “hội nhập văn hoá, đối thoại, công lý và chọn đứng về phía người nghèo” là những khía cạnh của tất cả những gì các ngài thực hiện.[62] Những thực tại, vấn nạn và thách đố của Á Châu  là bối cảnh trong đó Giáo hội sống và thần học được thực hiện tại Á Châu ngày nay. Trong bối cảnh này của Á Châu, Giáo hội được mời gọi canh tân việc rao giảng Tin mừng, điều đó đòi hỏi “một sự trình bày mới, canh tân các phương pháp và đổi mới nhiệt tâm”.[63]
 
Bản dịch Việt ngữ
Nguyễn Hoàng Vinh

 
Xin tải về bản dịch Việt ngữ và bản chính bằng tiếng Anh tại đây
http://gpquinhon.org/qn/download/than-hoc/Fides-Quaerens-Dialogum-Theological-Methodologies-of-the-Federation-of-Asian-Bishops-Conferences/

 
Tác giả bài viết: Peter Nguyễn Văn Hải
Nguồn tin: Thời sự Thần học, Australian eJournal of Theology
Từ khóa:

Thần học, FABC

Đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 5
  • Khách viếng thăm: 4
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 2128
  • Tháng hiện tại: 114284
  • Tổng lượt truy cập: 12258544