Trang mới   https://gpquinhon.org

Khỏa thân: từ điều hổ thẹn đến sự bất tử

Đăng lúc: Thứ hai - 09/05/2016 18:26
Jonas

Ngôn sứ Giôna ra khỏi họng cá voi

Tranh của Felice Filcherelli (1605-1669)
Khổ 88 x 113 cm
Bảo tàng mỹ thuật Chambéry

 


Khỏa thân hiện diện ngay từ đầu Kinh Thánh. Khi Thiên Chúa tạo dựng nên ông Ađam và Eva thì họ đã là tín đồ của chủ nghĩa khỏa thân cho đến khi vi phạm lệnh cấm và ăn trái cây biết lành biết dữ (Stk 3, 7).  Sau đó, họ hổ thẹn và tìm áo quần để che thân, bảo vệ mình trước cái nhìn của người khác.

     Trong Cựu Ước, để phạt một gái điếm, người ta lột cô trần truồng nơi công cộng để làm nhục và gạt cô ấy ra ngoài lề xã hội. Trong ý nghĩa tượng trưng, Babylone, Giêrusalem và Israël cũng đã nếm trải cùng một số phận vì sự bất trung của mình[1].

     Sách Lêvi cũng đề cập đến nhiều luật lệ liên quan đến khỏa thân. Chương 18 nhiều lần sử dụng thành ngữ « lột trần chổ kín » như là một cách nói hoa mỹ để chỉ quan hệ tính dục loạn luân bị cấm đoán.  Thành ngữ này cũng thấy có trong trình thuật về ông Noê sau trận đại hồng thủy. Trong câu chuyện này, ông Noê say khướt đến độ ngã nằm trần truồng và chẳng biết trời trăng gì. Và lời chúc dữ được dành cho đứa con trai nhìn thấy cha mình trần truồng (Stk 9, 18-27). Trình thuật này minh họa cho sự hổ thẹn được gắn liền với việc khỏa thân.

     Ý tưởng về sự trần trụi và tính mong manh của sự sống cũng được diễn tả qua sự khỏa thân. Chẳng hạn, ông Gióp đã nói: « Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng.” (G 2, 21) Bắt đầu và kết thúc cuộc sống cũng được đánh dấu bằng một kinh nghiệm trần truồng.

Ảnh hưởng Hy Lạp

     Kinh Thánh nhìn sự khỏa thân một cách tiêu cực hơn các nền văn hóa cổ khác. Chẳng hạn, văn hóa Hy Lạp đã ghi dấu ấn lên khắp vùng địa trung hải với tập quán trần truồng để chơi thể thao, Hơn nữa, từ « gymnase » (thao trường) có nguồn gốc nơi từ « gumnos », tiếng Hy Lạp, có nghĩa là “trần truồng”. Thực hành này đã làm cho người Do Thái tức tối dù rằng cũng đã có một thao trường ở Giêrusalem. Những người Do Thái gần gũi với nền văn hóa Hy Lạp còn khâu lại da quy đầu để có thể trần truồng chơi thể thao mà không bị phân biệt với những người khác! (1 Mac  1, 14-15[2])

     Nhiều tôn giáo thời Thượng Cổ đã nối kết tính thánh thiêng với sự trần truồng. Đây không phải trường hợp của người Israel khi cẩn thận mô tả đến ngay cả  những chiếc quần đùi dành cho các tư tế để tránh cho họ khỏi bị hở hang khi hành lễ và cầu nguyện (Xh 28, 42[3]). Trình thuật về điệu nhảy hở hang của vua Đavít cũng nói lên sự khác nhau giữa điều thánh thiêng và sự trần truồng (2 Sm 6, 20-22[4]).

     Các kitô hữu đầu tiên đến từ nền văn hóa Hy Lạp, họ không có cùng một quan miện về sự trần truồng như người Do Thái. Thật vậy, họ mang dấu ấn của môi trường sống của mình, liên kết sự khỏa thân với tính thần thiêng. Các ảnh tượng của những thế kỷ đầu tiên minh họa sự bất tử gắn liền với khỏa thân khi trình bày các nhân vật trần truồng tiên trưng cho sự phục sinh. Chẳng hạn, ông Giôna trong bụng cá, Đaniel trong hầm sư tử  hoặc ba người Do Thái trong lò lửa ở sách Đaniel. Vì người ngoại giáo Hy Lạp dùng sự trần truồng để diễn tả những người bất tử của họ nên các kitô hữu đầu tiên cũng đã tượng trưng cho những người được tuyển chọn của mình bằng sự trần truồng.

Sébastien Doane
 

[1] Is 47, 1: “Hỡi trinh nữ, con gái Babylon, xuống đi, ngồi trên cát bụi; hỡi con gái Canđê, ngồi phệt xuống đất, không ngai không bệ,vì người ta sẽ không bao giờ gọi ngươi là cô gái yêu kiều đài các nữa.”
Êd 23, 29: “Chúng sẽ hành hạ ngươi vì thù ghét; chúng sẽ chiếm lấy tất cả lợi tức của ngươi. Chúng sẽ bỏ ngươi trần truồng không mảnh vải che thân, phơi bày sự trần truồng và thói đàng điếm của ngươi ra. Chính tội ác tày trời, thói đàng điếm của ngươi”
Hs 2, 5.12: “Nếu không, Ta sẽ lột trần nó ra, và để nó như ngày mới lọt lòng mẹ. Ta sẽ biến nó thành sa mạc hoang vu, cho nó trở nên đất khô khan cằn cỗi, và làm cho nó chết khát.” “Giờ đây, trước mặt các tình nhân của nó, Ta sẽ phơi bày ra cái đáng hổ thẹn của nó, và không ai giựt được nó khỏi tay Ta.”
[2] Thế là họ đã xây một thao trường ở Giêrusalem theo thói các dân ngoại ; họ huỷ bỏ dấu vết cắt bì, chối bỏ Giao Ước thánh để mang chung một ách với dân ngoại và bán mình để làm điều dữ.
[3] Ngươi cũng sẽ may quần đùi bằng vải gai cho họ, để họ khỏi bị hở hang; quần đó sẽ che thân từ ngang lưng đến vế
[4] Khi vua Đavít trở về để chúc phúc cho nhà mình, bà Mikhan, con gái vua Saun, ra đón vua và nói: "Vua Ítraen hôm nay thật là danh giá, khi để hở hang trước mắt các nữ tỳ của tôi tớ mình, như một đứa vô danh tiểu tốt để hở hang! " Vua Đavít nói với bà Mikhan: "Trước nhan ĐỨC CHÚA, Đấng đã chọn tôi thay vì thân phụ bà và cả nhà thân phụ bà, để đặt tôi làm người lãnh đạo dân ĐỨC CHÚA là Ít-ra-en, trước nhan ĐỨC CHÚA tôi sẽ vui đùa. Tôi sẽ còn hạ mình hơn thế nữa, tôi sẽ coi mình là thấp hèn; nhưng đối với các nữ tỳ mà bà nói, đối với chúng, tôi sẽ được danh giá.
 
Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ
Từ khóa:

kinh thánh, khoả thân

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 10
  • Hôm nay: 2998
  • Tháng hiện tại: 158805
  • Tổng lượt truy cập: 12135592