Trang mới   https://gpquinhon.org

Loan báo Tin Mừng bằng niềm vui và nhiệt tình - Một con đường tân Phúc Âm Hóa

Đăng lúc: Thứ sáu - 19/09/2014 18:52
LOAN BÁO TIN MỪNG BẰNG NIỀM VUI VÀ NHIỆT TÌNH
MỘT CON ĐƯỜNG TÂN PHÚC ÂM HÓA
 
 
NHẬP ĐỀ

Nhân loại đang sống trong một thế giới thấm nhiễm chủ nghĩa tiêu thụ của nền văn minh vật chất và xã hội kỹ thuật. Nhưng Đức Phaolô VI đã nhận định: "Xã hội kỹ thuật của chúng ta đã tạo ra vô số điều kiện để hưởng thụ, nhưng lại rất khó tạo ra niềm vui".[1] Quả thế, người ta tự hào là đã tạo nên được những công nghệ cao có khả năng giải quyết những vấn đề khó khăn trong cuộc sống và thỏa mãn những nhu cầu của con người. Nhưng thái độ tự mãn và sôi nổi chạy theo những thú vui phù phiếm ấy đã đẩy đưa con người vào những tham vọng làm cho họ kiệt sức, khiến họ luôn cảm thấy bất an lo lắng, đồng thời giam hãm họ vào một thế giới ích kỷ, bị trói chặt vào những lợi ích riêng tư, không còn chỗ cho Thiên Chúa và tha nhân, khiến họ cảm thấy cô đơn. Lương tâm của họ bị phai mờ không còn đủ khả năng nhận ra và ước muốn điều thiện hoặc bị chai lỳ trong điều xấu. Tất cả những điều đó góp phần cướp đi niềm vui và hạnh phúc của con người trong cuộc sống.[2]

Trong một bối cảnh thế giới như thế, Giáo Hội cảm thấy nhu cầu phải đẩy mạnh một cuộc tân Phúc-Âm-hóa đã bắt đầu từ những thập niên trước, được xác định là "mới trong nhiệt tình, trong các phương pháp, trong cách diễn tả".[3] Một trong những điểm mới trong nhiệt tình, trong các phương pháp và trong cách diễn tả, để thực hiện công cuộc tân Phúc-Âm-hóa, đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô phác họa qua hai chữ "niềm vui", như ngài đã mở đầu tông huấn Evangelii Gaudium: "Niềm vui của Tin Mừng đổ đầy trái tim và cuộc sống của tất cả những ai gặp Chúa Giêsu. Những ai chấp nhận đề nghị cứu độ của Người thì được giải thoát khỏi tội lỗi, buồn phiền, trống rỗng nội tâm và cô đơn. Với Đức Kitô, niềm vui luôn luôn được tái sinh. Trong tông huấn này, tôi muốn khích lệ các tín hữu đi vào một chương mới của công cuộc loan báo Tin Mừng ngập tràn niềm vui này, đồng thời vạch ra những lối đi mới cho hành trình của Hội Thánh trong những năm sắp tới".[4]

Điều quan trọng trước hết đối với người loan báo Tin Mừng chính là nhiệt tình và nhiệt tình bao hàm niềm vui, hay đúng hơn chính niềm vui cứu độ được cảm nhận trong cuộc sống tạo nên nơi người tín hữu một nhiệt tình nóng bỏng muốn lên đường loan báo Tin Mừng cứu độ cho mọi người. Niềm vui tự nó có sức thu hút. Do đó có thể nói, theo tông huấn Evangelii Gaudium, loan báo Tin Mừng bằng niềm vui là một phương pháp vừa phù hợp với bản chất của Tin Mừng, vừa dễ được đón nhận bởi một thế giới đang cần đến niềm vui để sống.  
 
1. NIỀM VUI CỨU ĐỘ TRONG THÁNH KINH

Trước hết, tông huấn khởi đi từ những dữ kiện Thánh Kinh. Ngay từ Cựu Ước, niềm vui đã là một đặc tính của ơn cứu độ mà dân Israel cảm nghiệm được qua những biến cố lớn nhỏ trong lịch sử dân tộc cũng như trong cuộc sống mỗi người, qua đó họ thấy mình được Thiên Chúa tuyển chọn, yêu thương và giải thoát khỏi mọi điều ác hại. Từ những kinh nghiệm trong quá khứ, các sách Cựu Ước báo trước niềm vui cứu độ sẽ ngập tràn chan chứa vào thời thiên sai, như những lòng suối khô cạn ở miền Nam sẽ có nước tuôn chảy reo vui ngập tràn phong phú sau những trận mưa rào.

Đặc biệt ngôn sứ Isaia hoan hỉ báo trước thời đại Đấng Mêsia từng được trông đợi bằng lối diễn tả chắc nịch như thể một điều đã xảy ra: "Chúa đã làm cho dân nên đông số, đã cho dân chan chứa niềm vui" (9,3). Ông khuyến khích những ai đang ở Xion hãy ra nghênh đón Người với tiếng "reo hò mừng rỡ" (12,6). Ông bảo những ai đã thấy Người từ đàng xa, tức đã cảm nghiệm được niềm vui thiên sai và tin vào ơn cứu độ của Người, hãy đem tin vui này đến cho người khác: "Hỡi kẻ loan tin mừng cho Xion, hãy trèo lên núi cao. Hỡi kẻ loan tin mừng cho Giêrusalem, hãy cất tiếng lên cho thật mạnh" (40,9). Cùng với dân Israel, mọi tạo vật cũng được mời gọi chia sẻ niềm vui cứu độ: "Trời hãy hò reo, đất hãy nhảy múa, núi non hãy bật tiếng hò reo, vì Ðức Chúa ủi an dân Người đã chọn và chạnh lòng thương những kẻ nghèo khổ của Người" (49,13).[5]

Niềm vui của thời thiên sai được loan báo trong Cựu Ước đã được thực hiện trong thời Tân Ước. Điều này có thể được nhìn thấy rõ ràng, đặc biệt qua những trang Tin Mừng được biên soạn dưới ánh sáng của mầu nhiệm Phục Sinh. Sứ thần Gabriel đã nói với trinh nữ Maria trong ngày truyền tin Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể làm người: "Mừng vui lên!" (Lc 1,28). Sau đó Đức Maria đến thăm bà Êlisabét làm cho Gioan nhảy mừng trong lòng mẹ (x. Lc 1,41). Chính Đức Maria cũng đầy niềm vui nên đã thốt lên trong bài thánh ca Magnificat: "Thần trí tôi hớn hở vui mừng trong Chúa, Ðấng cứu độ tôi" (Lc 1,47).

Khi Đức Giêsu bắt đầu sứ vụ của Người, ông Gioan đã gặp Người tại sông Giođan và đã nói với các môn đệ rằng: "Niềm vui của tôi đã được trọn vẹn" (Ga 3,29), niềm vui mà Gioan đã cảm nghiệm được từ khi còn trong lòng mẹ. Chính Đức Giêsu đã "vui mừng trong Thần Khí" (Lc 10,21) và qua sứ điệp của Người, Người đã đem niềm vui đến cho các môn đệ: "Thầy đã nói những điều này cho anh em, để niềm vui của Thầy ở trong anh em, và niềm vui của anh em được trọn vẹn" (Ga 15,11). Đây là một niềm vui siêu nhiên vượt trên mọi đau thương thử thách. Do đó Người đã hứa với các môn đệ: "Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui... Bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em không ai lấy mất được" (Ga 16,20.22). Quả thế, sau khi những ngày khổ nạn trôi qua, các môn đệ "vui mừng" (Ga 20,20) vì được nhìn thấy Chúa phục sinh.

Trong sách Công vụ Tông đồ, chúng ta thấy các Kitô hữu tiên khởi "dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ" (2,46). Bất kể các môn đệ đi đến đâu, Tin Mừng đều được rao giảng kèm theo những phép lạ chữa lành khiến "người ta rất vui mừng" (8,8). Viên quan thái giám vừa mới được rửa tội "tiếp tục lên đường, lòng đầy hoan hỉ" (8,39), trong khi người cai ngục của Phaolô "và cả nhà vui mừng vì đã tin Thiên Chúa" (16,34). Về phần các tông đồ, dù bị ngược đãi và trục xuất, các ngài vẫn "ngập tràn niềm vui" (13,52). Từ những chứng từ Thánh Kinh ấy, Đức Phanxicô đã đưa ra một lời kêu gọi: tại sao chúng ta lại không đi vào cùng một dòng suối niềm vui ấy? [6]

Trong tông huấn Gaudete in Domino, Đức Phaolô VI đã khẳng định: "Không một ai bị loại trừ khỏi niềm vui mà Chúa Giêsu đem đến".[7] Bởi lẽ Đức Giêsu đã truyền cho các môn đệ phải loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo, không loại trừ ai. Niềm vui đi liền với ơn tha thứ khi con người hoán cải trở về với Thiên Chúa, như trong dụ ngôn người cha nhân hậu và đứa con hoang đàng. Bởi vậy Đức Phanxicô đã nói: "Vui biết chừng nào khi trở lại với Người sau mỗi lần chúng ta lạc lối! Xin cho tôi lặp lại điều này một lần nữa: Chúa không bao giờ thấy mệt khi tha thứ cho chúng ta; chỉ có chúng ta thấy mệt khi đi tìm lòng thương xót của Người...Với một sự dịu dàng không bao giờ gây thất vọng nhưng luôn luôn có sức phục hồi niềm vui của chúng ta, Người làm cho chúng ta có thể ngẩng đầu lên và bắt đầu lại. Chúng ta đừng chạy trốn sự phục sinh của Chúa Giêsu, chúng ta đừng bao giờ ngã lòng, bất luận điều gì xảy ra".[8]
 
2. LOAN BÁO TIN MỪNG BẰNG NIỀM VUI

Tin Mừng mời gọi con người hoán cải để được ơn tha thứ. Từ cảm nghiệm niềm vui vì được Thiên Chúa tha thứ, các Kitô hữu được mời gọi mang Tin Mừng cứu độ đến cho tất cả mọi người xung quanh, bằng thái độ vui vẻ và nhiệt tình.

2.1. Nguồn mạch phát sinh niềm vui truyền giáo

Trước hết cần khẳng định rằng niềm vui được nói đến ở đây không chỉ là một cảm giác chủ quan, nhưng phát sinh từ một thực tại khách quan, đó là chính bản chất và tính mới mẻ của Tin Mừng. Tự bản chất, Tin Mừng là một tin vui mà những ai đón nhận hay có sứ mạng loan báo đều muốn mau mắn đem chia sẻ cho người khác, như Đức Giêsu đã làm tại hội đường Nadaret (x. Lc 4,16-21). Như người ta vẫn thường nói: vui vẻ là tính cách của tuổi trẻ, niềm vui của Tin Mừng cũng phát xuất từ tính mới mẻ và tươi trẻ của Tin Mừng mà Đức Giêsu đem đến. Tin Mừng luôn luôn mới và không ngừng đổi mới những ai đón nhận nó. Cũng vậy chính những tâm hồn giống như trẻ thơ mới có thể đón nhận Tin Mừng. Một khi con người trở về và khám phá sự mới mẻ tươi trẻ của Tin Mừng, thì sáng kiến và nhiệt tình sẽ xuất hiện, vì "những đại lộ mới sẽ xuất hiện, những con đường sáng tạo mới sẽ mở ra, với những hình thức biểu hiện khác nhau, những dấu chỉ và từ ngữ phong phú mang theo ý nghĩa mới cho thế giới hôm nay", như lời Đức Phanxicô đã nói.[9]

Trở về với Tin Mừng cũng có nghĩa là tìm về gặp gỡ chính Đức Kitô và chính kinh nghiệm về sự gặp gỡ này sẽ làm phát sinh nơi chúng ta niềm vui loan báo Tin Mừng. Sau cuộc gặp gỡ Đức Giêsu bên bờ sông Giôđanô, ông Anrê đã vội vàng dẫn anh mình là Simon đến giới thiệu với Người, và Philipphê cũng đã làm như thế đối với bạn mình là Nathanael. Kinh nghiệm gặp gỡ Đức Kitô cũng là cảm nghiệm về tình yêu của Thiên Chúa: "Với mỗi người tuỳ theo cách của mình, tất cả các niềm vui này đều bắt nguồn từ tình thương vô biên của Thiên Chúa, Đấng tự mặc khải cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô".[10] Chính tình thương ấy là điều đánh động các tông đồ nhiều nhất, khiến các ông hân hoan lên đường rao giảng Tin Mừng khắp nơi. Chính thánh Phaolô đã khẳng định như thế trong thư thứ hai gửi giáo đoàn Côrintô: "Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng tôi" (2Cr 5,14).

2.2. Loan báo Tin Mừng là một niềm vui

Niềm vui tự nó mang tính "đi ra", chiếu tỏa, như những tia sáng tươi vui của bình mình, vì thế niềm vui có thể được coi như anh em song sinh hay bạn đồng hành với sứ mạng loan báo Tin Mừng. Theo Đức Phanxicô, việc vươn ra truyền giáo là một hệ hình của mọi hoạt động của Giáo Hội, vì Giáo Hội tự bản chất là truyền giáo, tức là đi ra loan báo Tin Mừng để dẫn đưa mọi người trở về với Thiên Chúa. Cuộc đi ra này nối dài và được thực hiện trong năng động và theo khuôn mẫu cuộc đi ra của Ngôi Hai từ cung lòng Ba Ngôi Thiên Chúa đến với nhân loại, để đưa nhân loại về với Thiên Chúa là nguồn mạch và cùng đích của họ. Đức Giêsu đã nói: "Quả thật, tôi bảo anh em, trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn hối cải hơn chín mươi chín người công chính không cần ăn năn hối cải" (Lc 15,7). Nếu Thiên Chúa vui mừng vì người tội lỗi hối cải, thì đó cũng là niềm vui vô biên mà Giáo Hội cảm nhận được khi loan báo Tin Mừng để hoán cải các tâm hồn và có thể nói chính việc loan báo Tin Mừng đã là một niềm vui phát xuất từ Thiên Chúa.[11]

Bảy mươi hai môn đệ đã cảm nhận được niềm vui này khi họ từ nơi truyền giáo trở về (x. Lc 10,17). Niềm vui Tin Mừng làm sinh động cộng đoàn các môn đệ là một niềm vui truyền giáo. Đó là một dấu chỉ cho thấy rằng Tin Mừng đã được công bố và đang sinh hoa kết quả.[12] Từ đó Đức Phanxicô đã đưa ra nhận xét: "Một cộng đoàn loan báo Tin Mừng thì chan chứa niềm vui; nó biết cách để luôn luôn vui mừng. Nó ăn mừng trước mỗi chiến thắng nho nhỏ, mỗi bước tiến trong công cuộc loan báo Tin Mừng".[13] Khi sắp kết thúc tông huấn, ngài lặp lại một lần nữa: "Một người truyền giáo nhiệt tình cảm nhận được niềm vui của mình là một suối nước vọt ra để tưới mát người khác. Chỉ người nào cảm thấy hạnh phúc khi tìm lợi ích cho người khác, mong muốn hạnh phúc cho họ, người ấy mới có thể là người truyền giáo. Sự mở lòng này là một nguồn vui, vì "cho thì có phúc hơn là nhận" (Cv 20,35)".[14]

2.3. Loan báo Tin Mừng là sự chia sẻ niềm vui cứu độ

Để có thể đi ra loan báo Tin Mừng cứu độ với lòng hân hoan như các tông đồ xưa, người loan báo Tin Mừng hôm nay trước hết cũng phải được Tin Mừng hóa, tức là cảm nghiệm được niềm vui cứu độ mà Tin Mừng đem lại. Từ đó, theo lời khuyên của tông huấn, trên bước đường loan báo Tin Mừng, thay vì tỏ ra muốn áp đặt cho người nghe những bó buộc mới, người Kitô hữu phải tỏ ra như là những người muốn chia sẻ niềm vui của mình, niềm vui mà mình đã cảm nghiệm được qua những đoạn Tin Mừng, cũng như những hoa quả tốt lành mà Tin Mừng đã làm phát sinh trong chính cuộc đời của mình. Đồng thời cố gắng mở ra cho mọi người thấy một chân trời của cái đẹp có sức đánh động và lôi cuốn, như khi người ta thực hiện những tác phẩm nghệ thuật, đó là điều mà Đức Phanxicô gọi là via pulchritudinis, 'con đường thẩm mỹ', khi ngài viết: "Rao giảng Đức Kitô có nghĩa là cho thấy rằng tin Người và theo Người không chỉ là điều đúng và chính đáng, mà còn là một cái gì xinh đẹp, có khả năng đổ đầy đời sống bằng sự rực rỡ mới mẻ và niềm vui sâu xa, ngay cả giữa những hoàn cảnh khó khăn".[15] Chính vì thế mà trong Tin Mừng, Đức Giêsu thường diễn tả mầu nhiệm Nước Trời bằng hình ảnh những bữa tiệc, nhất là tiệc cưới và mời gọi mọi người tới dự. Hội Thánh phát triển không phải bằng việc chiêu dụ, nhưng "bằng sức thu hút".[16]

Như trên đây chúng ta đã nói, thế giới chúng ta đang sống quả thực có đem lại cho con người sự tiện nghi và sung túc vật chất, nhưng không có khả năng tạo ra niềm vui đích thực. Điều này cũng ảnh hưởng đến cả những Kitô hữu, nhất là những người không sống niềm tin Phục Sinh. Vì thế Đức Phanxicô đã nói: "Có những Kitô hữu sống đời mình giống như chỉ có mùa Chay mà không có mùa Phục Sinh. Đương nhiên tôi hiểu rằng niềm vui ấy không phải lúc nào trong cuộc đời cũng được biểu lộ giống nhau, nhất là trong những lúc hết sức khó khăn...Tôi hiểu được nỗi ưu phiền của những người phải chịu đau khổ nặng nề, nhưng tuy chậm mà chắc chắn, tất cả chúng ta phải để cho niềm vui của đức tin từ từ làm sống lại một lòng trông cậy âm thầm nhưng kiên vững, ngay cả giữa những thử thách nặng nề nhất".[17]

Như vậy, việc loan báo Tin Mừng trước hết hệ tại việc đem niềm vui Phục Sinh đến cho những người chưa nhận biết Chúa, cũng như phục hồi niềm vui ấy nơi những người đã có đức tin, nhưng nay không còn sống đức tin ấy, hoặc đang bị thử thách nặng nề về đức tin do những đau khổ sầu buồn trong cuộc sống. Chính Đức Giêsu cũng đã làm như thế khi Người kết hợp lời loan báo Tin Mừng của Người với việc chữa lành các bệnh tật tâm hồn và thể xác là những thứ tạo ra bóng tối u buồn trong cuộc đời con người. Lời loan báo Tin Mừng đầu tiên, tức kerygma, cũng tập trung vào việc loan báo mầu nhiệm Phục Sinh, tức mầu nhiệm của niềm vui, và các môn đệ đã hân hoan lên đường làm chứng cho niềm vui ấy.

Đối với những tín hữu đã đánh mất niềm vui đức tin, Giáo Hội với tất cả sự quan tâm từ mẫu trong công việc mục vụ muốn dùng việc rao giảng Tin Mừng để giúp họ trải nghiệm một sự hoán cải, nhằm phục hồi niềm vui đức tin trong tâm hồn họ và khơi dậy nơi họ một sự dấn thân cho Tin Mừng.[18]

2.4. Nét vui tươi trong những trình bày các đòi hỏi của Tin Mừng

Dĩ nhiên chúng ta không che giấu hay phủ nhận những bó buộc và những đòi hỏi của Tin Mừng, vì niềm vui nào cũng có những cái giá của nó, như niềm vui của người phụ nữ sinh con đi liền theo sau những đau đớn lúc lâm bồn. Tuy nhiên niềm vui vẫn lớn hơn cơn đau, có sức xóa tan cơn đau và đáng để người ta vui lòng chấp nhận cơn đau. Chính vẻ đẹp của chân lý và niềm vui Tin Mừng có sức thu hút người ta và giúp họ vượt qua mọi thử thách để đạt được chúng.

Trước khi về trời Đức Giêsu đã truyền cho các môn đệ: "Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em" (Mt 28,19-20). Việc loan báo Tin Mừng bao hàm việc đưa ra những đòi hỏi luân lý, để mọi người tuân giữ tất cả những điều Đức Kitô đã dạy. Khi nói đến luân lý, người ta nghĩ ngay đến sự bó buộc. Như vậy phải chăng những đòi hỏi luân lý mâu thuẫn hay không đi đôi với Tin Mừng vốn mang tính giải thoát? Thực ra không có gì mâu thuẫn, nhưng tùy ở cách trình bày. Về vấn đề này Đức Phanxicô đã viết: "Về yếu tố luân lý trong huấn giáo là cái giúp phát huy sự tăng trưởng trung thành với lối sống Phúc Âm, cần liên tục nhấn mạnh sự hấp dẫn và lý tưởng của một đời sống khôn ngoan, hoàn thành và làm phong phú bản thân. Dưới ánh sáng của sứ điệp tích cực ấy, chúng ta có thể hiểu rõ hơn tại sao mình xa tránh những điều xấu gây nguy hại cho đời sống ấy. Thay vì có thái độ của những chuyên gia chỉ tiên đoán những tai họa, hay những quan tòa khắc nghiệt luôn tìm cách nhổ tận gốc mọi mối đe dọa hay hành vi sai trái, chúng ta phải tỏ ra là những sứ giả hân hoan về những đề nghị đầy thách thức, những người bảo vệ cái tốt và cái đẹp rạng ngời trong một đời sống trung thành với Tin Mừng".[19]

2.5. Lạc quan và hy vọng giúp vượt qua mọi khó khăn trong việc loan báo Tin Mừng

Để có thể đem lại niềm vui Tin Mừng cho kẻ khác và giúp họ sống những đòi hỏi của Tin Mừng để đạt được niềm vui ấy, theo lời khuyên của Đức Phanxicô trong tông huấn Evangelii Gaudium, số 84, chính chúng ta là những người loan báo Tin Mừng phải luôn giữ niềm vui ấy nơi mình và ý thức rằng niềm vui của Tin Mừng là cái không ai hay điều gì có thể lấy mất được khỏi chúng ta (x. Ga 16,22). Những điều xấu của thế giới và ngay cả của Giáo Hội không thể là cái cớ để chúng ta giảm bớt sự dấn thân và nhiệt tình, vì nghĩ rằng mình có cố gắng cho lắm cũng chẳng tới đâu, một cánh én chẳng làm nên mùa xuân! Chúng ta hãy coi chúng như là những thách đố có thể giúp chúng ta lớn lên và thêm vững mạnh. Với con mắt đức tin và dựa vào Lời Chúa, chúng ta có thể thấy ánh sáng của Chúa Thánh Thần luôn chiếu dọi giữa bóng tối, đồng thời không bao giờ quên rằng "ở đâu tội lỗi lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội" (Rm 5,20), vì Thiên Chúa không chịu thua sức mạnh của sự ác và Người có thể từ sự dữ rút ra sự lành để mọi sự đều sinh ích cho những kẻ tin vào Người.

Năm mươi năm sau công đồng Vaticanô II, những rắc rối mà Giáo Hội đang gặp phải không cho phép chúng ta có một sự lạc quan ngây thơ, tuy nhiên thái độ thực tế hơn của chúng ta không thể đồng nghĩa với việc chúng ta ít tin cậy vào sức mạnh và hoạt động của Chúa Thánh Thần hay ít quảng đại hơn. Theo nghĩa này, Đức Phanxicô mời gọi chúng ta cùng nghe lại những lời của Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII trong diễn từ khai mạc công đồng Vaticanô II vào ngày 11 tháng 10 năm 1962: "Đôi khi chúng ta ân hận khi phải nghe những tiếng nói của những người thiếu thận trọng và thiếu chừng mực, mặc dù họ cháy bỏng nhiệt tình. Trong thời đại hôm nay, họ không nhìn thấy gì khác ngoài sự bấp bênh và tàn phá... Chúng ta thấy không thể đồng tình với những nhà tiên tri của thảm hoạ, những người luôn luôn tiên báo có thảm hoạ, như thể ngày tận thế đã tới gần. Ở thời đại chúng ta, Chúa Quan Phòng đang đưa chúng ta tới một trật tự mới của các mối tương quan giữa con người; nhờ sự cố gắng của con người và thậm chí vượt quá mọi mong đợi, các mối tương quan này được qui hướng tới sự hoàn thành các ý định cao cả và khôn dò của Thiên Chúa, trong đó mọi sự, kể cả các thất bại của con người, đều dẫn tới lợi ích lớn hơn cho Hội Thánh".[20]

Và Đức Phanxicô quả quyết: "Các thách thức xuất hiện là để bị vượt qua! Chúng ta hãy là những con người thực tế, nhưng không để mất niềm vui, sự táo bạo và sự dấn thân trong hi vọng tràn trề của chúng ta. Đừng để mình bị cướp mất nhuệ khí truyền giáo".[21]

Thái độ lạc quan tin tưởng trước mọi khó khăn và sẵn sàng đối diện với mọi thách đố trong việc loan báo Tin Mừng không phát xuất từ bản thân người rao giảng, nhưng từ sức mạnh của mầu nhiệm Phục sinh đang hiện diện và của Đức Kitô phục sinh đang đồng hành với Giáo Hội trên con đường sứ vụ. Thật vậy, sau khi ban cho các tông đồ mệnh lệnh truyền giáo, Đức Kitô phục sinh đã nói với các ông: "Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28,20). Vì thế, Đức Phanxicô đã viết:  

"Sự sống lại của Đức Kitô không phải là một biến cố của quá khứ; nó chứa đựng một sức mạnh cốt yếu đã thấm nhuần thế giới này. Ở đâu tất cả có vẻ như đã chết, ở đó các dấu hiệu phục sinh đột nhiên xuất hiện. Đó là một sức mạnh không thể cưỡng lại được... Bất kể hoàn cảnh đen tối đến đâu, sự thiện luôn luôn xuất hiện trở lại và lan tỏa. Mỗi ngày trong thế giới của chúng ta, cái đẹp luôn luôn tái sinh, nó lớn lên xuyên qua những bão tố của lịch sử. Các giá trị luôn luôn có khuynh hướng xuất hiện trở lại dưới những dạng mới, và loài người cũng đã tái sinh hết lần này qua lần khác từ những tình huống xem như đã tận số. Sức mạnh của sự sống lại là như thế và tất cả những người loan báo Tin Mừng là những khí cụ của sức mạnh ấy".[22]
 
3. ÁP DỤNG VÀO VIỆC LOAN BÁO TIN MỪNG TẠI GIÁO PHẬN

- Sống vui tươi phó thác trong mọi hoàn cảnh

Giáo phận Qui Nhơn chúng ta là một giáo phận nghèo cả về vật chất lẫn nhân sự. Các linh mục làm việc mục vụ tại các giáo xứ, nhất là những giáo xứ miền quê, thường phải sống trong những điều kiện thiếu tiện nghi, đi lại khó khăn, thiếu người có trình độ và điều kiện sống khá giả để cộng tác và đóng góp. Đó là chưa kể những khổ tâm tinh thần do những hiểu lầm, thiếu thông cảm, phê bình chỉ trích, chống đối, vu khống, làm khó dễ, v.v. Tuy nhiên, theo gương và lời dạy của Chúa Giêsu, chúng ta sẵn sàng chấp nhận tất cả cách vui lòng, hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa. Luôn nhìn sự việc và con người bằng con mắt đức tin và sự lạc quan, để thấy được những điểm tích cực thay vì chỉ thấy những điều tiêu cực.

- Vui nhận mọi nhiệm vụ được giao

Linh mục là những tông đồ, tức là những người được Thiên Chúa tuyển chọn và sai đi làm việc trên cánh đồng truyền giáo. Đó là một niềm vui. Không phải chúng ta đã chọn Chúa, nhưng chính Chúa đã thương yêu tuyển chọn chúng ta và đã cắt đặt để chúng ta ra đi và đem lại hoa trái. Chúng ta không tự chọn cho mình những công việc, nhưng chính Chúa giao việc cho chúng ta và nâng đỡ trợ lực để chúng ta đạt được kết quả như Người mong muốn. Vì thế, chúng ta sẵn sàng vui nhận mọi nhiệm vụ Chúa giao, dù khó khăn khổ sở đến đâu đi nữa, vì biết rằng có Chúa luôn nâng đỡ và bù đắp cho chúng ta một cách dồi dào. Hơn nữa, khi vì nhiệm vụ mà chúng ta phải khổ, chúng hãy vui mừng vì được chịu khổ vì Chúa để chứng tỏ tình yêu của chúng ta đối với Người. Chúng ta không nên so bì với những giáo phận khác hay những linh mục khác trong giáo phận. Giáo phận sẽ cố gắng sắp xếp để không có linh mục nào phải chịu thua thiệt hay bị phân biệt đối xử đâu.

- Chiếu tỏa niềm vui qua những cuộc tiếp xúc, gặp gỡ

Linh mục phải là con người của niềm vui vì là người rao giảng Tin Mừng. Niềm vui ấy phải chiếu tỏa ra qua những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với mọi người. Đây là những cơ hội thuận tiện để chúng ta rao giảng Tin Mừng. Một nhân viên có nhiệm vụ rao bán các sản phẩm tại các cửa hàng phải luôn vui tươi niềm nỡ với khách hàng, phương chi là những người có nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng. Dù vẫn phải luôn nghiêm trang đứng đắn khi tiếp xúc, nhưng gương mặt của chúng ta lúc nào cũng phải lộ nét vui tươi tự nhiên, cử chỉ niềm nỡ. Chính thái độ vui tươi khiến chúng ta trở nên gần gũi, dễ tiếp xúc đối với mọi người, vì người ta rất ngại gặp các linh mục khó chịu, gắt gỏng. Kinh nghiệm cho thấy các linh mục không tỏ ra vui tươi đối với giáo dân thì giáo dân ngại cộng tác và thường khó thành công trong công việc mục vụ, đó là chưa kể việc các ngài có thể bị cô lập và sống trong cảnh cô đơn.

- An ủi nâng đỡ những ai sầu buồn

Trong công việc mục vụ, hạng người mà các linh mục cần quan tâm đặc biệt là những người đau khổ, sầu buồn. Hơn ai hết, linh mục là những người mà họ tin tưởng và muốn tìm gặp để được an ủi, nâng đỡ. Có thể họ mượn cớ xin lễ để có dịp gặp chúng ta và giải bày tâm sự. Chúng ta đừng để họ ra về với một nỗi buồn mới là không được chúng ta quan tâm lắng nghe, thông cảm, an ủi, nâng đỡ. Trái lại, chúng ta hãy tận dụng những cơ hội này để làm cho niềm vui Tin Mừng thấm nhập lòng họ và cứu họ khỏi tình trạng đau khổ. Chúng ta có thể dùng Lời Chúa để soi sáng cảnh tối tăm của họ, giúp họ thoát khỏi buồn sầu thất vọng. Không gì có sức mạnh bằng Lời Chúa trong những lúc như thế, vì Lời Chúa là ánh sáng và sự sống. Đặc biệt chúng ta có thể chia sẻ với họ những kinh nghiệm của chúng ta về sức mạnh nâng đỡ của Lời Chúa mà chúng ta đã từng có khi chúng ta gặp đau khổ sầu buồn.

- Vui mừng vì được đón nhận những người tội lỗi, lương dân để có dịp rao giảng Tin Mừng cho họ

Niềm vui của người mục tử cần phải được thể hiện và biểu lộ khi có những người tội lỗi và lương dân đến xin gặp gỡ. Chính Chúa Giêsu ngày xưa cũng đi gặp gỡ những người tội lỗi và làm cho họ biến đổi. Nhiệm vụ của chúng ta là phải ra đi tìm kiếm những con chiên lạc và những con chiên còn ở ngoài đàn để đưa về với Chúa. Giờ đây chính những người ấy lại chủ động tìm đến chúng ta thì còn gì vui hơn. Hãy coi đó như những phần thưởng Chúa ban cho chúng ta. Vì thế, đừng tỏ ra khó khăn, lạnh nhạt hay xua đuổi họ, trái lại hãy vồn vã đón tiếp với tất cả tình thương và sự kính trọng. Thay vì la rầy, chửi mắng, chúng ta hãy vui vẻ giúp họ làm hòa với Chúa và chúc mừng họ vì họ đã tìm về với Người, như người cha nhân hậu trong dụ ngôn Tin Mừng ăn mừng vì đứa con hoang đàng trở về. Trên trời vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn hối cải, tại sao chúng ta không vui mừng?

Đối với những anh chị em lương dân cũng thế. Khi có một người lương đến trao đổi về đạo, hoặc đến xin học giáo lý, dù là học để cưới vợ công giáo, chúng ta hãy vui mừng cám ơn Chúa vì Người đã gửi họ đến cho chúng ta mà chúng ta không phải vất vả tìm kiếm như trong những trường hợp khác. Chúng ta hãy ân cần đón tiếp họ và tận tâm hướng dẫn từ đầu đến cuối, giúp họ chuẩn bị chu đáo để trở thành một Kitô hữu tốt và nhiệt thành. Không nên coi đó là gánh nặng để rồi làm khó khăn, đòi hỏi quá đáng hay thoái thác trách nhiệm cho những người khác.

- Hăng hái tham gia mục vụ giới trẻ

Tuổi trẻ thích vui và do đó để lôi cuốn giới trẻ chúng ta cần phải tổ chức những chương trình mục vụ dành riêng cho các thanh thiếu nhi, với những nét vui tươi, năng động. Cần quan tâm đào tạo trong giáo xứ những người chuyên môn cho công việc mục vụ này. Hãy sẵn sàng để cho khuôn viên nhà xứ thành nơi sinh hoạt của các em. Các cha có thể không trực tiếp tham gia các sinh hoạt của chúng, nhưng hãy tỏ ra quan tâm và gần gũi với chúng. Các cha lớn tuổi nên nhận những cha phó, để nhờ sự trẻ trung năng động của các linh mục này, giới trẻ được phục vụ tốt hơn và nhờ đó bầu khí giáo xứ đầy tràn niềm vui và sức sống.
 
KẾT LUẬN

Chúng ta có thể mượn lời của Đức Phanxicô trong tông huấn Evangelii Gaudium, số 10, để kết luận những gì chúng ta học được từ giáo huấn của ngài về việc loan báo Tin Mừng bằng niềm vui:

"Tin Mừng cho chúng ta cơ hội để sống ở một bình diện cao hơn nhưng không kém phần mãnh liệt: 'Cuộc sống phát triển bằng cách cho đi, nó suy yếu khi sống cô lập và dễ dãi. Thực vậy, những người vui hưởng đời sống nhiều nhất là những người bỏ lại sự an toàn trên bờ và được kích thích bởi sứ mạng thông truyền cuộc sống cho người khác'.[23] Khi kêu gọi người Kitô hữu đảm nhận nhiệm vụ loan báo Tin Mừng, Hội Thánh chỉ đơn giản vạch ra cho họ thấy nguồn mạch đích thực của sự hoàn thành bản thân. Bởi vì 'ở đây chúng ta khám phá ra một qui luật sâu xa của thực tại: đó là chúng ta đạt được sự sống và làm nó phát triển tùy theo mức độ chúng ta từ bỏ nó để trao ban sự sống cho người khác. Đây chắc chắn là ý nghĩa của truyền giáo'.[24] Do đó người loan báo Tin Mừng không bao giờ được mang bộ mặt của một người vừa đi đưa đám về! Chúng ta hãy lấy lại và đào sâu sự phấn khởi của mình, đào sâu 'niềm vui dịu ngọt và phấn khởi của việc loan báo Tin Mừng, cả khi chúng ta phải gieo trong nước mắt... Và chớ gì thế giới của thời đại chúng ta, một thế giới đang kiếm tìm, khi thì trong lo âu, khi thì trong hi vọng, có thể nhận được Tin Mừng không phải từ những người rao giảng rầu rĩ, chán nản, mất kiên nhẫn hay lo âu, nhưng từ những thừa tác viên Tin Mừng đang sống một cuộc đời đầy nhiệt huyết, những người trước đó đã nhận được niềm vui của Đức Kitô'[25]".

 GM Matthêô Nguyễn Văn Khôi
 



[1] PHAOLÔ VI, Tông huấn Gaudete in Domino (9-5-1975), số 8.
[2] Xem PHANXICÔ, Tông huấn Evangelii Gaudium về việc rao giảng Tin Mừng trong thế giới hôm nay  (24.11.2013), số 2.
[3] GIOAN PHAOLÔ II, 'Diễn văn tại hội nghị thường kỳ lần thứ 19 của CELAM (9.3.1983)', trong Insegnamenti di Giovanni Paolo II (1983) VI/1, tr. 698.
[4] Evangelii Gaudium, số 1.
[5] Xem Evangelii Gaudium, số 4.
[6] Xem Evangelii Gaudium, số 5.
[7] Gaudete in Domino, số 22.
[8] Evangelii Gaudium, số 3.
[9] Evangelii Gaudium, số 11.
[10] Evangelii Gaudium, số 7.
[11] Xem Evangelii Gaudium, số 15.
[12] Xem Evangelii Gaudium, số 21.
[13] Evangelii Gaudium, số 24.
[14] Evangelii Gaudium, số 272.
[15] Evangelii Gaudium, số 167.
[16]  BÊNÊDICTÔ XVI, Bài giảng Thánh Lễ Khai Mạc Hội Nghị Khoáng Đại Lần Thứ V của các Giám Mục Châu Mỹ Latinh và Caribê (13-5-2007): AAS 99 (2007), tr. 437.
[17] Evangelii Gaudium, số 6.
[18] Xem Evangelii Gaudium, số 14.
[19] Evangelii Gaudium, số 168.
[20] GIOAN XXIII, Diễn từ khai mạc công đồng Vaticanô II (11-10-1962), số 4.
[21] Evangelii Gaudium, số 109.
[22] Evangelii Gaudium, số 276.
[23] HỘI NGHỊ KHOÁNG ĐẠI LẦN THỨ V CỦA CÁC GIÁM MỤC CHÂU MỸ LATINH VÀ CARIBÊ, Văn kiện Aparecida, (29-6-2007): AAS 99 (2007), tr. 360.
[24] Ibid.
[25] PHAOLÔ VI, Tông huấn Evangelii Nuntiandi (8-12-1975), số 80.

Tác giả bài viết: Gm. Matthêô Nguyễn Văn Khôi
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 6
  • Khách viếng thăm: 5
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 1873
  • Tháng hiện tại: 95297
  • Tổng lượt truy cập: 12239557