Trang mới   https://gpquinhon.org

Lòng đạo đức bình dân: Hội nhập văn hóa để rao giảng Tin Mừng (phần I)

Đăng lúc: Thứ bảy - 18/10/2014 22:23
LÒNG ĐẠO ĐỨC BÌNH DÂN
HỘI NHẬP VĂN HÓA ĐỂ RAO GIẢNG TIN MỪNG

 


Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính

DẪN NHẬP

“Tân Phúc Âm hóa mời gọi một nổ lực được hoạch định tốt, nghiêm túc và kỹ lưỡng để phúc âm hóa nền văn hóa. Từ thời Tin Mừng được rao giảng lần đầu tiên, Giáo hội đã biết đến tiến trình gặp gỡ và hòa mình vào các nền văn hóa. Để chuẩn bị cho sự Nhập Thể của Ngôi Lời vào trong xác phàm giống như chúng ta, từ trong các nền văn hóa xa xưa của nhân loại, Thiên Chúa đã chọn cho mình một Dân Tộc với nền văn hóa mà Ngài đã thâm nhập, tinh luyện và làm cho phong phú. Kinh Thánh, được sinh ra từ linh hứng của Thiên Chúa và tài năng của con người, là công trình hội nhập văn hóa của đức tin vào Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô”[1]

Như vậy, lịch sử hội nhập cũng lâu đời như lịch sử cứu rỗi. Và trong khi sự hội nhập của đức tin xảy ra trong phụng vụ thì lòng đạo đức bình dân mang đức tin đi sâu hơn vào trong đời sống hằng ngày của một nền văn hóa đặc thù. Lòng đạo đức bình dân có một nhiệm vụ không thay thế được là mang phụng tự vào trong cuộc sống hằng ngày đến với các dân tộc thuộc các nền văn hóa và thời đại khác nhau, là dấu hiệu cho thấy đức tin đang vươn rễ vào trong tâm hồn của một dân tộc, chạm đến đời sống thường ngày. Chính vì thế mà lòng đạo đức bình dân đã hội nhập văn hóa là một sức mạnh rao giảng Tin Mừng.    

I. LÒNG ĐẠO ĐỨC TRONG KINH THÁNH

1. Cựu Ước

Trong Cựu Ước, không có từ tiếng Hêbrơ nào để dịch “lòng đạo đức” (Piété/Piety). Là một ơn của Chúa Thánh Thần, lòng đạo đức làm phát sinh trong con người một tình cảm phụ tử đối với Thiên Chúa và một tình yêu đối với mọi người chung quanh như con cái của cùng một Chúa. Lòng đạo đức là ơn thứ bảy của Chúa Thánh Thần trong sách ngôn sứ Isaia 11,2 theo bản dịch Bảy Mươi (tiếng Hy Lạp) và bản Phổ Thông (tiếng Latinh), mặc dù trong nguyên bản tiếng Hêbrơ chỉ liệt kê có sáu ơn. Từ “Lòng đạo đức” chỉ được các dịch giả Hy Lạp và Latinh đưa vào trong đoạn sách Is 11,2 khi họ tách đôi từ “lòng kính sợ Chúa” để tạo thành “ơn Chúa Thánh Thần” thứ bảy mà không hề có từ tương đương trong tiếng Hêbrơ[2]. Các dịch giả hiện đại thường dùng từ Hêbrơ h̥esed để dịch “lòng đạo đức” … nhưng ý nghĩa của nó thì khác phức tạp.

Có lẽ “Lòng kính sợ Chúa” là khái niệm mà Cựu Ước sử dụng (trên 30 lần) để chỉ lòng đạo đức là thái độ tôn kính, vâng phục đối với Thiên Chúa, điều mà Tân Ước gọi là “vâng theo Tin Mừng” hay “vâng theo chân lý” (Rm 10,16; Gl 5,7; 2 Tx 1,8; 1 Pr 1,22; cf. Rm 6,16), là lời đáp trả đối với mạc khải của Thiên Chúa.

Trong Cựu Ước, mối liên hệ được đánh giá là đạo đức đối với người khác, dù là với Thiên Chúa hay tha nhân, được diễn tả bằng từ h̥esed, một từ rất khó dịch nhưng gần với lòng đạo đức. H̥esed là sự trung thành liên lỉ và tình yêu có bổn phận và trách nhiệm. Những người đạo đức trong Cựu Ước sống phù hợp với giao ước Sinai bằng cách cần mẫn giữ luật Môisen. Tuy nhiên, việc giữ luật theo hình thức đôi khi chỉ là bề mặt của lòng đạo đức[3]. Trong tiếng Latinh, lòng đạo đức là pietas, có nghĩa là “trách nhiệm” hay “cảm thức về bổn phận và lòng sùng mộ”, bao hàm một sự trung thành, tôn kính, vâng lời và dấn thân.

2. Tân Ước

Các bản văn Tân Ước rất ít dùng từ đặc biệt để chỉ “lòng đạo đức”. Từ eusebes và các từ phát sinh không được dùng trong các Tin Mừng, các thư lớn của Thánh Phaolô, sách Khải Huyền, mà chỉ được dùng trong các thư mục vụ và 4 lần trong Tông Đồ Công Vụ. Trong Cv 17,23, trong diễn từ của Phaolô ở Aeropage, động từ eusebein có nghĩa là “có lòng đạo đức đối với” và có túc từ là “Thần vô danh” (bản tiếng Việt dịch là “Kính thần vô danh”)… Trong Cv 3,12, Phêrô phản kháng rằng việc chữa lành một người què không phải do quyền năng hay “lòng đạo đức” của cá nhân mình. Cuối cùng, trong Cv 10,2.7, từ “đạo đức’ được dùng để chỉ những người Roma đã theo Do Thái giáo, những người cũng được gọi là “những kẻ kính sợ Chúa”.

Eusebeia là một trong các từ riêng của các thư mục vụ. Từ này được dùng để chỉ một nhân đức và một nhân đức tuyệt hảo tóm kết mọi nhân đức khác. Nhân đức này thích hợp với một cuộc sống bình lặng, an cư lạc nghiệp (1 Tm 2,2). Nó phát sinh từ những “việc lành phúc đức” mà đối với các phụ nữ thì nó còn lóng lánh hơn mọi thứ đồ trang sức (1 Tm 2,10), nhưng đối với các góa phụ thì đây là một nhân đức trong gia đình (1 Tm 5,4). Timôthê phải có lòng đạo đức để được lợi ích đời này và đời sau (1 Tm 4,7-8). Lòng đạo đức gắn liền với sự chừng mực (Tt 2, 12), nhất là “sự công chính” (1 Tm 6,11; Tt 1,8)… Lòng đạo đức trái với thói tham lam và hà tiện (1 Tm 6,6) vì yêu chuộng tiền bạc là nguồn gốc tất cả mọi thói xấu (1 Tm 6,10). Tất cả những điều này có vẻ như vô hại, thế nhưng đạo đức là một cách sống kéo theo những cơn bách hại (2 Tm 3,12) … Cuối cùng, có một “Mầu nhiệm của Lòng Đạo Đức”, đây là một điều thật lớn lao nhưng không phải là một sự vật, một ý tưởng trừu tượng, nhưng là một con người “đã xuất hiện trong thân phận người phàm … được cả hoàn cầu tin kính và được siêu thăng cõi trời vinh hiển” (1 Tm 3,16), theo như từ ngữ mà người ta ngờ rằng đó là một bài thánh ca “phụng vụ”.

Trong các thư Công giáo, từ eusebeia xuất hiện 4 lần trong thư 2 Phêrô. “Sự sống và lòng đạo đức” là những mục đích theo đuổi của thần lực Thiên Chúa (2 Pr 1,3). Và Thiên Chúa sẽ cứu thoát những người đạo đức khỏi cơn thử thách như đã giải thoát ông Lót khỏi Sôđôma và Gômôra (2 Pr 2,9).[4]

3. Lòng đạo đức theo mẫu gương Chúa Giêsu

Trong Tân Ước, lòng đạo đức giả tạo là tội của nhóm Pharisiêu bởi vì nó thiếu đi cái ý hướng đúng đắn. Theo Chúa Giêsu trong Bài giảng trên núi (Mt 6,1–18), ý hướng của một người khi làm trọn trách nhiệm đối với Thiên Chúa hay người khác thì phải trong sạch và thoát khỏi mọi hình thức bên ngoài và sự phô trương của kẻ giả hình chỉ tìm kiếm lời khen và vinh quang trần thế.

Lòng đạo đức của kitô hữu có nền tảng nơi lòng đạo đức của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã mạc khải mầu nhiệm của đạo thánh qua cái chết, giáo huấn và sự phục sinh để tiến vào vinh quang (1 Tm 3,16). Đạo đức thật sự là đi theo đường lối Chúa Giêsu trong sự tuân phục khiêm hạ ý muốn của Chúa Cha trong sự tín thác và vâng lời hoàn toàn. Kitô hữu đạo đức là người sống “chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này” (Tt 2,12) và điều này sẽ khiến họ bị bắt bớ (2 Tm 3,12). Mặc dù họ phải ép mình với các bài tập thiêng liêng để sống đạo đức (1 Tm 4,7–8), nhưng đời sống đạo đức là ơn nhưng không mà Thiên Chúa ban tặng (2 Pr 1,3).[5]

Tuy nhiên, cũng giống như trong Do Thái giáo, lòng đạo đức được thể hiện mỗi người mỗi kiểu tùy theo phái Pharisiêu, Sađucêô, Essênêô, hay Nhiệt Thành, thì lòng đạo đức Kitô giáo cũng là một hợp nhất trong đa dạng được thể hiện qua nhãn quan của mỗi cuốn Tin Mừng. Lòng đạo đức theo nghĩa Kitô giáo là cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu Nazareth với Đấng mà Ngài gọi là “Abba”. Đây là ý tưởng chính nằm trong 4 cuốn Tin Mừng.[6]

a) Kiểu mẫu của Thánh Matthêô. Sự khôn ngoan là đặc điểm của Thánh Matthêô. Nhãn quan của Thánh Matthêô về lòng đạo đức chính là sự tuân giữ luật lệ, trung thành với truyền thống, có bổn phận với xã hội, tôn trọng thượng quyền. Matthêô bắt đầu với bản gia phả, đưa Chúa Giêsu – Môisen mới và Đavít mới – vào trong truyền thống của Ngài. Bài giảng trên núi và các giáo huấn khác về các bổn phận của người tín hữu trong xã hội được xây dựng để hình thành nên một ekklesia . Đó là một hệ thống của những điều phải làm và không được làm để giữ cộng đoàn lại với nhau.  Matthêô luôn trích dẫn Cựu Ước, cố gắng trình bày sự tiếp nối giữa quá khứ với hiện tại để khẳng định quyền bính của Chúa Giêsu. Tin Mừng này kết thúc với lời kêu gọi về quyền bính, giảng dạy và vâng lời (Mt 28,18–20). Như vậy, lòng đạo đức theo khuôn mẫu Matthêô là sự tiếp cận với Thiên Chúa một cách có bổn phận và trật tự lớp lang, một sự trộn lẫn khôn ngoan giữa cái cũ và cái mới (Mt 13,51–52). Sự gặp gỡ với Thiên Chúa trong Tin Mừng Matthêô được khám phá khi hiện thực hóa đức tin được chuyển giao cho tổ tiên mình.

b) Kiểu mẫu của Thánh Marcô. Hành động là điểm nhấn của Thánh Marcô. Lòng đạo đức trong Thánh Marcô nhấn mạnh đến sự hiện diện của Thiên Chúa trong hành động ở thời khắc hiện tại. Chúa Giêsu trong Marcô luôn dịch chuyển, tự phát, không bị ràng buộc bởi nhu cầu phải giải thích. Ngài là điều mà Ngài làm. Được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, Chúa Giêsu luôn dịch chuyển liên lỉ và tức thì (Mc 1,12), vì Nước Trời đã đến rất gần (1,15). Cái nhìn về Thiên Chúa qua những điểm cụ thể và thực tiễn là đặc tính của nhãn quan Marcô. Mặc dù là Tin Mừng ngắn nhất, nhưng Marcô chứa đựng nhiều chi tiết làm nên ý nghĩa này. Những đặc điểm chính xác về nơi chốn (4,38 “Đức Giêsu đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ”, 12,41 “Đức Giêsu ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho Đền Thờ”), màu sắc (6,39 “mọi người ngồi thành từng nhóm trên cỏ xanh”), và thời gian (1,35 “Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy…”) đều là những yếu tố rất quan trọng trong nhãn quan của Marcô. Marcô viết ngay đầu Tin Mừng của mình với những việc như sai đi, hô lớn, hành động ngay tức thì chứ không vòng vo để rồi kết thúc – với phần kết của bản văn cổ nhất – bằng hình ảnh người phụ nữ thinh lặng và run rẩy chạy trốn (16,8). Hành động ở hiện thời là trung gian cho sự gặp gỡ với Thiên Chúa nơi lòng đạo đức của Marcô.

c) Kiểu mẫu của Thánh Luca. Tâm hồn cháy bỏng là dấu hiệu của lòng đạo đức trong Luca. Mối tương quan cá nhân là điều tiên quyết. Nhãn quan Luca nhìn ra những động lực tình yêu bên dưới hành động. Chúa Giêsu trong Luca càng về cuối cuộc đời thì càng cầu nguyện, đó là mối tương giao cá nhân với Thiên Chúa. Trong Luca, Chúa Giêsu cầu nguyện lúc chịu phép rửa (Lc 3,21), trước khi chọn mười hai tông đồ (6,12), lúc Biến Hình (9,29). Ơn biến đổi của Chúa Thánh Thần được kết hợp với lời cầu nguyện cá nhân. …. Luca là Tin Mừng dành riêng cho các môn đệ mà tâm hồn của họ bừng cháy lên khi tìm thấy Chúa Giêsu qua cuộc đối thoại, kinh thánh hay các hành động như bẻ bánh chẳng hạn (Lc 24,13–35).

d) Kiểu mẫu của Gioan. Ước ao chân lý là điểm chính của lòng đạo đức trong Gioan. Nhận biết chân lý sẽ đem lại sự giải thoát (Ga 8,32) và Chúa Giêsu là hiện thân của Logos chân lý và ân sủng chiếu soi làm cho mọi người trở thành con cái Thiên Chúa (Ga 1,1–18). Lòng đạo đức trong Tin Mừng Gioan là sự chiêm niệm, suy tư có phương pháp và hợp lý. Nhìn thấy với sự hiểu biết qua các biểu tượng, được gọi là các dấu hiệu trong Tin Mừng Gioan, là con đường dẫn đến niềm tin (Ga 20,30–31). Đức tin trong Gioan chỉ được đạt được khi lùng sục qua hàng lớp ý nghĩa. Nó nằm đâu đó ở tận đáy mà phải có lòng ước ao chân lý thì mới bõ công tìm kiến được. Đức tin đi vào trong tâm hồn mầu nhiệm qua cái đầu được Chúa Thánh Thần hướng dẫn (Ga 16,13).

II. LÒNG ĐẠO ĐỨC BÌNH DÂN

1. Từ ngữ

Không mấy ngạc nhiên khi những từ ngữ liên quan đến lãnh vực tôn giáo đều có một trường ý nghĩa rất rộng, đôi khi được xem như đồng nghĩa nhưng lại khác nhau tí chút. Trong giới học thuật người ta sử dụng những hạn từ như lòng đạo đức bình dân hay tôn giáo bình dân “bình dân” là một từ gây bối rối và nhiều khi mang nghĩa xem thường, không tôn trọng. Tính từ “bình dân” hàm ý một sự phân biệt với những gì là trí thức, những hành động bộc phát, tự do, thể hiện tình cảm hay cảm xúc của con người. Lòng đạo đức là một sự hiến dâng sâu thẳm, một ý muốn sẵn sàng phục vụ Chúa, và các tín hữu thể hiện điều đó bằng những diễn tả xuất phát từ cảm xúc của mình: dâng một đóa hoa, bánh trái lên Thiên Chúa, quỳ gối, ca hát, nhảy múa, hành hương, lần chuỗi, thắp một cây nến. Họ làm những điều đó mà không cần sự chuẩn nhận chính thức hay một cái gật đầu của Giáo Hội.  Họ không sợ mình làm sai hay bị khiển trách vì đã không làm điều đúng.  

Những thuật ngữ nói về “lòng đạo đức bình dân” thật đa dạng, không đồng nhất, có thể nói chúng được dùng để diễn tả chứ không định nghĩa[7].

- Các thực hành đạo đức (pieux exercices / pious exercises / pio esercisio) dịch từ tiếng Latinh “pia exercitia”, đơn giản đây là từ mà Hiến chế về phụng vụ Sacrosanctum Concilium, số 13, đã dùng. “Đây là những diễn tả riêng tư hay công khai của lòng đạo đức Kitô giáo, không phải là một phần của phụng vụ nhưng hài hòa với phụng vụ, với tinh thần, quy tắc và nhịp điệu của phụng vụ”[8]

- Lòng sùng mộ (dévotions / devotions / devozioni), dùng ở số nhiều, từ này chỉ những thực hành khác nhau bên ngoài … Được đức tin thúc đẩy, các thực hành bên ngoài này biểu lộ mối tương quan đặc biệt giữa người tín hữu với các ngôi vị Thiên Chúa, với Đức Trinh Nữ Maria hoặc với các thánh.[9] 

- Lòng đạo đức bình dân (piété populaire / popular piety / pietà popolare) chỉ “những thể hiện thờ phụng riêng tư hay cộng đồng khác nhau không theo những hình thức phụng vụ nhưng dùng những hình thức rút ra từ một quốc gia, một dân tộc hay từ nề văn hóa của họ”[10]

- Tín ngưỡng bình dân (religiosité populaire / popular religiosity / religiosità popolare), từ này chỉ một chiều kích tôn giáo hiện hữu trong tâm hồn mỗi người và mỗi nền văn hóa. Khi thực hành “tín ngưỡng bình dân”, không nhất thiết gắn liền với mạc khải Kitô giáo.[11] Phải nhìn nhận sự hiện hữu của các yếu tố không Kitô giáo hay tiền Kitô giáo gắn liền với cảm thức về cuộc sống nhân sinh và xã hội: tất cả mọi dân tộc đều có những nghi lễ có tính biểu tượng và hiệu quả của riêng mình. Những nghi lễ này bảo đảm sự sinh sản, giữ gìn họ khỏi tật bệnh hay chưa lành họ, bảo vệ họ hỏi mọi nguy hiểm. Tôn giáo bình dân xuất hiện như “ngôn ngữ tôn giáo mẹ đẻ được mọi người bập bẹ trước khi lịch sử xuất hiện”[12]  

Những điều cần lưu ý chung quanh thuật ngữ “Lòng đạo đức bình dân”[13]:

- “Bình dân” không đối nghịch với “hàn lâm”. Từ thời Trung cổ, giáo sĩ, tu sĩ và cả giáo dân đều thực hành các hình thức đạo đức bình dân chứ không riêng gì những người quê mùa ít học. Tuy nhiên, có thời kỳ mà giáo dân siêng thực hành đạo đức bình dân hơn là phụng vụ.

- “Đạo đức bình dân” là hành vi phụng tự ngoài phụng vụ. Những hình thức này giống với phụng vụ nhưng không chia sẻ quy chế phụng vụ.

- “Lòng đạo đức bình dân” (piété populaire / popular piety / pietà popolare) khác với “tín ngưỡng bình dân” hay “tín ngưỡng dân gian” (religiosité populaire / popular religiosity / religiosità popolare) vì được soi sáng bởi mạc khải Kinh Thánh. Tuy là cảm thức của con người trước Thiên Chúa và mang dấu ấn văn hóa xã hội, lòng đạo đức bình dân tham chiếu Tin Mừng chứ không chỉ là tâm tình chủ quan hướng đến cõi siêu việt vô hình.

2. Nguồn gốc

Không như các bí tích, lòng đạo đức bình dân không không trực tiếp bắt nguồn từ sứ vụ của Chúa Giêsu hay thực hành của các tông đồ. Hầu hết đều được phát triển dần qua nhiều thế kỷ khi các tín hữu tìm cách sống đức tin của mình. Nguồn gốc của một vài lòng đạo đức bình dân cổ xưa không dễ gì biết được ngọn ngành. Nhiều biểu hiện như lần chuỗi hay mang áo Đức Bà chẳng hạn, đã được lưu truyền bằng cách thích ứng những thực hành của các dòng tu. Một ít lòng đạo đức như tôn sùng Thánh Tâm hay ảnh làm phép lạ có nguồn từ mạc khải tư.
 
Nhiều lòng đạo đức phát sinh từ thời mà thánh lễ được cử hành bằng tiếng Latinh, rước lễ thì không được thường xuyên, và lối kiến trúc nhà thờ làm cho người giáo dân cách xa bàn thờ. Người tín hữu (thường là ít học) đã sáng tác ra những lời kinh và những thực hành đơn giản để có chuyện gì đó mà làm khi tham dự phụng vụ. Các hình thức lòng đạo đức khác được phát triển nơi những niềm đặc biệt nào đó, ban đầu chỉ được dùng như dụng cụ để Phúc Âm hóa và rồi sau đó để duy trì đức tin của người tín hữu. Các thể hiện lòng đạo đức nổi bật nhất là Chuỗi Mân Côi, Đàng Thánh Giá, Kinh Cầu Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Kinh Cầu Thánh Giuse. Tuần Cửu Nhật là thực hành bắt chước các môn đệ cầu nguyện trong chín ngày từ ngày Thăng Thiên cho đến Hiện Xuống.

Vào thời nở rộ công cuộc truyền giáo cho các tân thế giới thì người ta đã áp đặt các thực hành tôn giáo ở Châu Âu lên các dân tộc vừa mới bị thuộc địa hóa. Nền văn hóa của các dân tộc này không được tôn trọng đầy đủ, họ đã trở thành nạn nhân. Chính trong thời gian này, các dân tộc bị trị đã phát triển lòng đạo đức bình dân của riêng mình mang đậm dấu ấn của ý nghĩa sự đau khổ nhân loại, nói lên nỗi đau của riêng mình. Lòng đạo đức của các dân tộc này tập chú vào cuộc khổ nạn đau khổ của Đức Kitô, của Đức Maria, 7 sự thương khó, sự đau khổ của các thánh tử đạo và tôn kính “máu”.

Cũng nên biết rằng lịch sử Giáo Hội đã tạo nên sự cách biệt này. Thật vậy, có thời mà linh mục cử hành thánh lễ ở gian cung thánh, tách biệt khỏi cộng đoàn giáo dân, và được cử hành bằng tiếng Latinh mà đa số giáo dân không hiểu được. Không có gì phải ngạc nhiên khi sự cách xa Lời Chúa này đã đưa người giáo dân đi đến chỗ đọc những kinh cầu khác và làm những việc đạo đức của mình trong thánh lễ.

Lòng đạo đức bình dân có thể được phân thành 4 thể loại, theo Domenico Sartore[14]:

1. Lòng sùng kính Đức Kitô, Đức Mẹ, các thánh (vd. Thánh Tâm Chúa Giêsu, Giờ Thánh, Chầu Mình Thánh, lần chuỗi, đọc kinh cầu, lễ bổn mạng, hành hương Đền Thánh)
2. Lòng đạo đức có liên quan đến phụng vụ, năm phụng vụ (vd. Cầu nguyện và ăn chay trong Mùa Chay,…)
3. Các thực hành truyền thống liên hệ với các cử hành bí tích và các nghi thức Kitô giáo khác (vd. Tang lễ, sát tế thú vật, cạo đầu, …) 
4. Kính các đồ vật tôn giáo (vd. Mộ các thánh, nơi sinh, sinh quán, tượng đeo và tranh ảnh)

 3. Giá trị của lòng đạo đức bình dân

Lòng đạo đức bình dân là cách thể hiện của các tín hữu, quy chiếu về mầu nhiệm Đức Kitô, hướng lòng các tín hữu về Chúa và ơn cứu rỗi. Theo Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và phụng vụ (2001) của Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Các Bí Tích, lòng đạo đức bình dân thực thụ có những giá trị sau đây[15]:

1. Cảm thức về sự vô tận và trọn hảo của Chúa vượt qua khỏi hiện hữu tự nhiên của con người.  “Lòng đạo đức bình dân có một cảm thức bẩm sinh về sự thánh thiện và sự siêu việt, có một lòng khao khát chân thật về Thiên Chúa và một cảm thức sâu sắc về những thuộc tính của Thiên Chúa như: tình phụ tử, sự quan phòng, sự hiện diện yêu thương và thường xuyên của Thiên Chúa cũng như lòng thương xót của Ngài.” (số 61)

2. Quy chiếu về Cuộc Khổ Nạn của Đức Kitô và cuộc sống đời sau: “Lòng đạo đức bình dân có thể dễ dàng hướng sự chú ý đến Con Thiên Chúa, Đấng vì yêu thương nhân loại đã trở nên nghèo khó, bé thơ, sinh bởi người phụ nữ đơn sơ khiêm nhượng. Đồng thời, nó cũng có một sự nhạy cảm đặc biệt về mầu nhiệm Khổ Nạn và cái chết của Đức Kitô. Suy niệm về mầu nhiệm sự sống đời sau cũng là đặc điểm của lòng đạo đức bình dân khi quan tâm đến việc thông công với các thánh trên trời, Đức Maria, các thiên thần, và cứu vớt các linh hồn người đã qua đời” (số 62)

3. Nhấn mạnh về Chúa Ba Ngôi:  “Lòng đạo đức bình dân được hình thành như là cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và con người, qua Đức Kitô trong Chúa Thánh Thần. Dù cho có một vài khiếm khuyết nào đó, chẳng hạn như sự lầm lẫn giữa Chúa Cha với Chúa Giêsu Kitô, lòng đạo đức bình dân vẫn lộ ra dấu vết của Chúa Ba Ngôi” (số 79)

4. Dựa vào Kinh Thánh: “Kinh Thánh là nguồn cảm hứng của lòng đạo đức bình dân. Thường xuyên quy chiếu Kinh Thánh cũng là phương tiện và là tiêu chuẩn kìm hãm các hình thức rờm rà của lòng đạo đức bình dân thường bị ảnh hưởng bởi tôn giáo bình dân khiến cho các biểu lộ lòng đạo đức bình dân trở nên hàm hồ và ngay cả sai lạc. Lời cầu nguyện nên kèm theo Kinh Thánh để trở thành cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và con người. Như vậy, khuyên nên có những hình thức lòng đạo đức bình dân bao gồm cả bản văn Kinh Thánh, được chọn lựa phù hợp và có chú giải thích đáng’ (các số 88-89)

5. Quy Thiên Chúa (Theocentric):  “‘Bạn thuộc về Đức Kitô và Đức Kitô thuộc về Thiên Chúa”. Hãy để mọi sự quy về Thiên Chúa nếu chúng ta muốn hướng mọi sự về vinh quang Thiên Chúa qua sự sống tuôn chảy từ Đầu là Thiên Chúa đến tâm hồn chúng ta”. (Thông điệp Mediator Dei, số 33)

6. Được Chúa Thánh Thần hướng dẫn: “Phụng tự Kitô giáo bắt nguồn và được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, bắt đầu và hoàn tất trong Chúa Thánh Thần. Vì thế, có thể kết luận rằng không có Thần Khí của Đức Kitô thì chẳng có phượng tự phụng vụ cũng chẳng có các biểu hiện của lòng đạo đức bình dân” (số 78)

Lòng đạo đức bình dân đã và đang vẫn còn rất quan trọng. Loại bỏ nó thì chẳng khác nào dứt đi một chiều kích quan trọng trong căn tính Công giáo. Tuy đây không phải là một phần trong phụng vụ chính thức của Giáo Hội, song là cách mà những người Công giáo trải qua nhiều thế kỷ đã sống theo lời khuyên của Thánh Phaolô là hãy cầu nguyện luôn. Nhiều hình thức đạo đức được Giáo Hội nhìn nhận là có khả năng nâng đỡ tinh thần cho giáo dân, nhưng không được xem là những điều cần thiết cho ơn cứu rỗi. Thời Hậu Công Đồng Vatican II, người ta ít quan tâm hơn đến lòng đạo đức bình dân nhưng đây vẫn còn là một phần sống động trong truyền thống Công Giáo và được nhiều giáo dân thực hành trong đời sống hằng ngày. Trong Tông huấn Giáo Hội ở Châu Mỹ (tháng Giêng 1999), Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói: “những hình thức này hay hình thức khác của lòng đạo đức bình dân vẫn còn là những cơ hội để các tín hữu gặp gỡ Đức Kitô.”

III. LÒNG ĐẠO ĐỨC BÌNH DÂN VÀ PHỤNG VỤ

Từ thập niên 60, người ta thấy nổi lên phong trào  muốn dẹp bỏ các thực hành đạo đức thường được gọi là đạo đức bình dân … Những cuộc canh tân phụng vụ  và việc xuất bản các sách báo phụng vụ chính thức xuất bản với mục tiêu quy tắc hóa những nghi thức mới và những bản văn phụng vụ mới đã dường như đẩy sang bên lề những thực hành đạo đức bình dân của nhiều kitô hữu. Để nâng tầm quan trọng cho cuộc cải cách phụng vụ, trong nổ lực dọn đường cho Dân Chúa bao gồm cả linh mục và tín hữu đón nhận, đào sâu và thích ứng đời sống mình với các tuyên bố của Công Đồng Vatican II, các nhà phụng vụ đã chống đối “các thực hành đạo đức” (pia exercitia), họ nhấn mạnh đến tính ưu việt của phụng vụ và dè bỉu « lòng đạo đức bình dân ». Thậm chí vào thập niên 40 đã xuất hiện vài khuynh hướng “toàn phụng vụ” (panliturgique), nghĩa là phụng vụ độc tôn và thống trị mọi lối diễn tả Kitô giáo. Chính vì thế, Đức Piô XII đã đánh giá lại trong Thông Điệp Mediator Dei rằng: “Thật nguy hiểm và sai lầm khi muốn cải cách mọi thực hành đạo đức bằng cách giảm thiểu chúng thành những hình thức phụng vụ »

Trong suốt thời gian hậu công đồng này, « lòng đạo đức bình dân » đã gặp phải một thời kỳ khó khăn nhất trong lịch sử Giáo Hội, nhất là nơi các linh mục và các nhà trí thức.  Phụng vụ dần lên ngôi. Các bản văn phụng vụ được dịch ra tất cả mọi ngôn ngữ, các linh mục quay mặt về phía giáo dân. Người ta cổ võ cho sự tham dự tích cực của giáo dân vào các nghi thức phụng vụ và cũng kể từ đó « lòng đạo đức bình dân » bị bỏ ngõ. Thêm vào đó, ảnh hưởng của phong trào tục hóa, khuynh hướng phản bác lại những gì là thánh thiêng và truyền thống đã góp phần đẩy lùi lòng đạo đức bình dân xuống hàng thứ yếu.

Nhiều sự ngẫu nhiên trong lịch sử cũng góp phần ảnh hưởng đến tình trạng này. Lòng đạo đức bình dân bị ảnh hưởng bởi thần học tin lành về tục hóa – sự đối chọi giữa đức tin và tôn giáo, sự lên ngôi của chủ nghĩa Marxism cùng với quan niệm « tôn giáo là thuốc phiện mê dân » của nó.

Trước tình trạng khó khăn này, nhiều hình thức lòng đạo đức bình dân đã bị ảnh hưởng, dẫm chân tại chỗ. Vì thế, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói trong Tông thư Marialis cultus: “Những biểu hiện đạo đức phải chịu bào mòn qua nhiều thế kỷ, cần phải được cải cách để thay thế đi những yếu tố xưa cũ, đem lại giá trị cho những điều đã được thử thách qua thời gian cũng như đưa vào đấy những giáo lý nhờ các suy tư thần học hay huấn giáo của Giáo Hội ». Và Hiến chế Sacrosanctum Concilium cũng đã nhắc nhớ rằng những hoạt động mục vụ có nhiệm vụ dẫn dắt các tín hữu tham dự cách đầy đủ, có ý thức và tích cực (participatio plena, conscia, actuosa) vào phụng vụ và họ cũng chính là những người được khuyến khích thể hiện lòng “đạo đức bình dân” (pia excercitia) dưới sự kiểm soát của những người có trách nhiệm trong Giáo Hội (số 13)

1. Sự khác nhau giữa phụng vụ và lòng đạo đức bình dân

Phụng vụ là lời cầu nguyện chính thức và công cộng của Giáo Hội là thân thể của Đức Kitô là Đầu – Giáo Hội tôn vinh và thờ phượng Thiên Chúa Cha, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Cùng với nhau, chúng ta cử hành mầu nhiệm phục sinh, cuộc khổ nạn, cái chết và sự lên trời vinh hiển của Đức Kitô mà chúng ta cũng được tham dự trong đó. Chúng ta cần đến cả năm phụng vụ để khám phá mọi khía cạnh của nó. Phụng vụ là công việc của Giáo Hội được biểu lộ trong phụng vụ thánh thể, các cử hành bí tích khác – là opus Dei. Trái lại, thực hành đạo đức là những hình thức của lòng đạo đức, không nằm trong “khu vườn được tỉa tót” là phụng vụ. Thế nhưng sự tham dự vào phụng vụ thường đi đôi với các cử chỉ của lòng đạo đức nằm bên ngoài việc lắng nghe Lời Chúa và bẻ bánh, ví dụ như đấm ngực, dang tay, đứng, ngồi, quỳ… Và những cử chỉ này có tính biểu tượng cao. Thánh lễ là phụng vụ nổi bật nhất. Ngoài ra, cũng còn có những nghi thức phụng vụ dành cho các á bí tích, nghi thức an táng, chúc lành và rước lễ ngoài thánh lễ. Phụng vụ giờ kinh là lời cầu nguyện chính thức của Giáo Hội thánh hóa một ngày sống cho Chúa.

Công Đồng Vatican II nhắc nhở rằng phụng vụ là chóp đỉnh mà mọi hoạt động của Giáo Hội hướng đến và là nguồn mạch tuôn trào mọi năng lực cho Giáo Hội. (Hiến chế phụng vụ Sacrosanctum Concilium, số 10).

Tuy nhiên, đời sống thiêng liêng của chúng ta không chỉ giới hạn vào việc tham dự tham dự phụng vụ. Chúng ta được mời gọi cùng cầu nguyện với người khác và cầu nguyện lên Chúa Cha trong chốn riêng tư (Sacrosanctum Concilium, số 12, cf. Mt 6,6). Thỉnh thoảng, một mình hay với người khác, chúng ta có thể làm những việc thể hiện lòng đạo đức. Lòng đạo đức là những thực hành bên ngoài có liên hệ đến các danh thánh của Chúa Giêsu, Đức Mẹ Maria, các thánh, các địa điểm hành hương, các phù hiệu …. Lòng đạo đức này giúp chúng ta làm phong phú thêm mối liên hệ với Chúa Ba Ngôi, Đức Maria và các thánh.

Sau khi hiểu rõ tầm quan trọng của phụng vụ cũng như lòng đạo đức bình dân, cần phải phân biệt sự khác nhau cơ bản giữa hai cách thức biểu lộ này.


Phụng vụ Lòng đạo đức bình dân
Bản tính hướng thượng và hướng hạ Bản tính hướng thượng
Là phụng tự cộng đoàn và công khai Là quan tâm của cá nhân
Do chính Đức Kitô ban hành (bổn phận) Do Giáo Hội
(không buộc)
Thi hành bởi thừa tác viên có chức thánh Bất kỳ ai đã rửa tội
Đem lại ân sủng Không chắc có ân sủng


Chúng ta đừng nghĩ rằng bên này đối chọi với bên kia mà đúng hơn là bên này dẫn đưa đến bên kia. Lòng đạo đức bình dân phải làm cho ai đó hiểu rõ các mầu nhiệm mà họ đang cử hành. Hẳn nhiên, Phụng vụ và đặc biệt là bí tích Thánh Thể, là đỉnh điểm của phụng tự Công giáo và là nguồn kết hợp đầu tiên với Đức Kitô. Tất cả những việc đạo đức khác nên xuất phát từ suối nguồn phụng vụ và dẫn đưa tín hữu đến phụng thờ phụng vụ.

Một trong những kết quả của Công Đồng là định nghĩa Giáo Hội như là dân Thiên Chúa, khuyến khích các hiệp hội giáo dân. Trong bối cảnh đó, có những nhóm nhỏ nổi lên và tự xem mình là những người dấn thân hơn cả. Những người Công giáo dấn thân hay “cấp tiến” này chống lại các kitô hữu khác đang thực hành những việc đạo đức bình dân, cho rằng những người này là đơn sơ, duy hình thức, không thích ứng được với thời đại mới. Họ cho phục hồi lòng đạo đức bình dân sẽ ảnh hưởng đến sự tinh tế trí thức của Công Giáo hoặc ngăn cản nổ lực đại kết. Sợ rằng những biểu hiện của lòng đạo đức này sẽ dần thay thế cho phụng tự hay cho rằng giáo dân không thể phân biệt được hai hoạt động này, thì đó là điều vô lý. Dân Chúa được khuyến khích cầu nguyện và bày tỏ lòng sùng kính mình đối với Thiên Chúa và các thánh. Lòng đạo đức bình bình dân một khi bùng phát, được thực hành đại trà hơn, thì điều đó cũng có nghĩa là sẽ có nhiều người tham dự lễ Chúa Nhật hơn, nhiều ơn gọi vào chủng viện hơn, nhiều người trở lại hơn, đời sống cầu nguyện của Giáo Hội sẽ sinh động hơn. Như thế, lòng đạo đức bình dân sẽ là một hoạt động thêm vào hay bổ túc chứ không gây ra mâu thuẫn nào cả.

2. Sự cần thiết của lòng đạo đức bình dân

“Đừng nên xem lòng đạo đức bình dân là điều gì đó đối nghịch với phụng vụ. Thực sự đã có thời mà việc giáo sĩ hóa phụng vụ làm cho giáo dân xa rời phụng vụ mặc dù bản tính thật sự của phụng vụ phải là biểu lộ lòng đạo đức của dân Chúa, của pietas populi Dei. Hành hương, rước kiệu, làm tuần cửu nhật là những thực hành đạo đức để sống thực tại phụng vụ cách sâu đậm hơn. Đọc Kinh Truyền Tin sáng tối, kinh trước bữa ăn, lần hạt, cầu nguyện ngắn, viếng đền thánh … đây là những cách giúp nhớ đến sự hiện diện của Đức Kitô trong ngày sống và làm chứng về sự hiện diện này. Lòng đạo đức bình dân hình thành nên truyền thống, một sự khôn ngoan Kitô giáo khi đối diện với các vấn đề nền tảng của hiện hữu. “Từ ‘bình dân’ thường bị dè bỉu là không trau chuốt, mê tín, cảm tính, có tính cá nhân, và ngay cả phản phụng vụ. Trong khi đó, tuy phải đứng dưới sân khấu của phụng vụ và thần học, nhưng lòng đạo đức bình dân đã không chết cái chết thầm lặng. Trái lại, đối với nhiều kitô hữu mà nhu cầu thiêng liêng, thẩm mỹ, văn hóa và cảm xúc của họ không được phụng vụ Roma đáp ứng với các tiêu chuẩn sobrietas, brevitas, simplicitas thì lòng đạo đức “bình dân” - nghĩa là xuất phát và được thực hành bởi những người dân bình thường (popular) – vẫn tiếp tục trở nên “phổ thông” (popular) – nghĩa là được yêu mến – và là nguồn dưỡng nuôi thiêng liêng và đang tái sinh mạnh mẽ trong những năm gần đây”[16]   

Vì thế, Tài liệu Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và phụng vụ đã đánh giá cao các thực hành này:

1. Lòng đạo đức bình dân làm phong phú phụng vụ. Các phụng vụ đầu tiên là sự kết hợp giữa các mệnh lệnh của Chúa Giêsu Kitô cũng như các tông đồ và lòng đạo đức bình dân trong hình thức nguyên thủy của nó. Những lời ngợi khen và tạ ơn hiện diện sẵn bên ngoài phụng vụ đã tìm đường đi vào phụng vụ. Sau đó, nhiều nghi thức phụng vụ được thêm vào để tôn vinh Đức Maria và các thánh, cũng là những đối tượng của lòng đạo đức bình dân. Những nhìn nhận sớm sủa nhất về tính thánh thiện của các vị tử đạo đều xuất phát từ lòng đạo đức bình dân, và rồi được các giám mục thông qua và được kết nạp vào trong phụng vụ.

2. Lòng đạo đức bình dân làm cho đời sống phụng vụ của Giáo Hội vươn xa hơn. Theo Giáo lý Giáo Hội Công Giáo thì “Cảm thức tôn giáo của dân Kitô giáo được biểu lộ qua nhiều hình thức khác nhau của lòng đạo đức, bên cạnh đời sống bí tích của Giáo Hội, chẳng hạn việc tôn kính các thánh tích, đi viếng các đền thánh, đi hành hương, đi kiệu, đi đàng thánh giá, các vũ điệu tôn giáo, lần hạt mân côi, các ảnh tượng thánh …” “Những hình thức biểu lộ này nối dài sinh hoạt phụng vụ của Giáo Hội, nhưng không thể thay thế phụng vụ”. [17]

3. Lòng đạo đức bình dân được Đức Gioan Phaolô II cho là “kho tàng của dân Thiên Chúa”. Khi có lòng khát khao Thiên Chúa, trông cậy vào sự quan phòng của Thiên Chúa, các tín hữu có được lòng quảng đại hy sinh và chịu đựng. Các nhân đức được nuôi dưỡng bởi lòng đạo đức bình dân như: kiên nhẫn, phó thác, khả năng chịu đựng và chấp nhận “thánh giá trong mỗi ngày sống”, ước muốn làm vui lòng Chúa và thống hối vì những xúc phạm đến ngài, đoàn kết và cởi mở với tha nhân, “một cảm thức về tình bằng hữu, đức ái và sự hiệp nhất như trong gia đình”. [18]

4. Lòng đạo đức bình dân bảo tồn di sản văn hóa. Có mối liên hệ hài hòa giữa lòng đạo đức bình dân và phụng vụ, cả hai ảnh hưởng nhau, và như vậy có mối tương quan giữa lòng đạo đức bình dân và nền văn hóa đặc thù mà các tín hữu sống trong đó. Với ngôn ngữ, văn hóa và phong tục, các tín hữu diễn tả sứ điệp Tin Mừng bằng những hình thức đặc thù trong nền văn hóa của họ. Khi làm như vậy Tin Mừng cũng trở nên dễ tiếp cận với nền văn hóa ấy. Sự lưu truyền di sản văn hóa từ cha đến con, từ thế hệ này sang thế hệ khác, cũng bao hàm sự lưu truyền các nguyên tắc Kitô giáo. Trong một vài trường hợp, sự pha trộn này lẫn vào nhau đến độ đức tin Kitô giáo đã trở thành các yếu tố của căn tính văn hóa nơi các quốc gia đặc thù này. [19]

5. Lòng đạo đức bình dân bảo tồn đức tin ở những nơi thiếu sự chăm sóc mục vụ hoặc những nơi mà các giáo phái hoạt động mạnh mẽ. Lòng đạo đức bình dân nhờ có cội rễ Công giáo sẽ là thuốc giải các giáo phái và là bảo đảm cho sự trung thành với sứ điệp cứu độ. Đây cũng là phương tiện quan phòng để gìn giữ đức tin trong những hoàn cảnh mà các kitô hữu thiếu đi sự chăm sóc mục vụ hay những miền đất chưa được Phúc Âm hóa đầy đủ. [20]

6. Nếu thiếu lòng đạo đức bình dân Kitô giáo thực thụ, người ta có thể nghiêng chiều về các thực hành phương Đông. Các thực hành “tôn giáo” phương Đông, dưới nhiều vỏ bọc, cho thấy rằng có một khao khát nền linh đạo về sự sống, đau khổ và chia sẻ. [21]

Có thể nói lòng đạo đức bình dân cần thiết và phù hợp với khuynh hướng của con người.  “Phải làm một điều gì đó chứ không thể cứ yên vị mà không làm gì cả. Thiên Chúa đã sáng tạo chúng ta như thế. Ngài sáng tạo chúng ta có thân thể để hành động và rồi đặt chúng ta vào một thế giới đầy những việc phải làm. Trong suốt lịch sử, Ngài đã biết khuynh hướng tự nhiên này và cho chúng ta những việc phải làm. Khi dân khát, Thiên Chúa bảo ông Môisen đập vào tảng đá để nước chảy ra. Tại sao Ngài làm điều đó? Không phải vì Ngài cần làm. Ngài có thể cho các bình nước rơi từ mây trời xuống hoặc dựng nên một hồ nước lớn giữa sa mạc hoặc ngay cả sai thiên thần phục vụ “cocktail” chanh margarita. Song Ngài biết bản tính nhân loại và biết chúng ta cần phải là một điều gì đó. Thế là Ngài lệnh cho Môisen làm điều một điều gì đó.

Từ thời ông Môisen cho đến thời Chúa Giêsu, bản tính nhân loại vẫn không gì thay đổi. Chúa Giêsu vẫn có thể chữa người mù chỉ với cái gật đầu hay một lời nói. Vậy mà Ngài vẫn đắp lên đôi mắt với bùn và nước miếng rồi sai người mù đi rửa sạch ở cái ao gần đó…. Sống đời Công giáo – một truyền thống Kitô giáo vĩ đại – là thừa kế hai ngàn năm sống của các thánh trên khắp mọi miền đất và hoàn cảnh. Là người Công giáo có nghĩa là không bao giờ nói chúng ta không còn gì để làm. Lời cầu nguyện của chúng ta được phong phú thêm lên nhờ các ảnh tượng, hương nhan, nến và tràng hạt, nước và dầu, các cử chỉ và tư thế, các tập quán và những lễ nghi …”[22]

3. Các nguy cơ của lòng đạo đức bình dân

Nếu không được hướng dẫn và “điều hướng tốt”, lòng đạo đức bình dân có thể đưa đến:

1.    mê tín
2.    phàm tục hóa (làm mất đi ý nghĩa thánh thiêng)
3.    thương mại hóa (làm tuần cửu nhật, xin cầu nguyện)
Trong lịch sử Giáo Hội đã từng có những lòng đạo đức dẫn đến sự thiếu quân bình trong đời sống thiêng liêng. Vài lòng đạo đức lại không đạo đức trong ý hướng hay có những sai lầm. Tài liệu Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và phụng vụ, số 64, trình bày những nguy cơ có thể ảnh hưởng đến lòng đạo đức bình dân:

  • Thiếu một số yếu tố Kitô giáo cần thiết như ý nghĩa cứu độ của sự phục sinh của Đức Kitô, ý thức thuộc về Giáo Hội, ngôi vị và hành động của Chúa Thánh Thần.
  • Sự quan tâm thiếu cân đối giữa các thánh và vương quyền tuyệt đối của Chúa Giêsu Kitô cũng như các mầu nhiệm của Ngài.Thiếu tiếp xúc trực tiếp với Kinh Thánh
  • Cách ly với đời sống bí tích của Giáo Hội
  • Có sự đối lập giữa sự thờ phượng và các bổn phận của đời sống Kitô giáo
  • Cái nhìn vụ lợi của một vài hình thức đạo đức bình dân
  • Các sử dụng “các dấu hiệu, cử chỉ và các công thức đôi khi trở nên quan trọng thái quá hoặc ngay cả mang tính diễn kịch”
  • Trong vài trường hợp có nguy cơ “cổ vũ các giáo phái hoặc ngay cả tính dị đoan, pháp thuật, theo thuyết định mệnh hoặc có tính áp bức”
Liên kết với phụng vụ, lòng đạo đức bình dân không thay thế nhưng làm phong phú và nối dài phụng vụ. Vấn đề chỉ nổi lên khi các tín hữu không hiểu biết hết những gì xảy ra trong phụng vụ. Tầm quan trọng của mầu nhiệm Phục Sinh bị giảm thiểu và thay vào đó là các mầu nhiệm khác ít có tính trung tâm hơn. Các tín hữu quay sang những hình thức biểu hiện quen thuộc hoặc các thực hành mà họ cảm thấy gần gũi với nhu cầu hằng ngày của họ.

Để tránh tình trạng này, vài mục tử đã loại bỏ lòng đạo đức bình dân ra và trình bày phụng vụ như là hình thức biểu hiện đầy đủ lòng đạo đức. Làm như thế là không cần biết đến lòng đạo đức bình dân xuất phát tự nhiên từ các tín hữu như là biểu hiện chính đáng của sự thờ phượng hài hòa với phụng vụ. Cách tiếp cận đúng nhất của các mục tử đối với lòng đạo đức bình dân đã được Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trình bày trong số 18 của Tông thư Vicesimus Quintus Annus: “Không thể bất cần biết đến hay thờ ơ hoặc không tôn trọng lòng đạo đức bình dân bởi vì nó rất phong phú và tự thân nó là một thái độ tôn giáo trong mối tương quan với Thiên Chúa. Tuy nhiên, nó cần được phúc âm hóa liên lỉ để trở nên trưởng thành và đúng đáng. Các thực hành đạo đức của dân Kitô giáo và các hình thức sùng đạo khác có thể được chấp nhận và khuyến khích miễn là chúng không thay thế phụng vụ hay sáp nhập vào các cử hành phụng vụ.  Việc đẩy mạnh phụng vụ sẽ phải biết cách xây dựng trên sự phong phú của lòng đạo đức bình dân, làm cho nó nên tinh sạch và hướng nó về phụng vụ như là của lễ của dân Chúa”.

4. Ba nguyên tắc của lòng đạo đức bình dân[23]

4.1. Ưu thế của phụng vụ

Mỗi cử hành phụng vụ là hành động của Đức Kitô và Thân Thể Ngài. Không gì có thể ngang bằng với phụng vụ; vì thế phụng vụ là đỉnh điểm của linh đạo Kitô giáo. Thực sự có những thời điểm trong lịch sử Giáo hội lòng đạo đức bình dân đã ăn sâu vào trong đời sống các tín hữu nhiều hơn phụng vụ, nhưng sẽ là sai lầm nếu cho rằng phụng vụ không “bình dân”… các kitô hữu phải ý thức giá trị tối thượng của phụng vụ trên các hình thức diễn tả tôn giáo khác. Đời sống bí tích là cần thiết cho mỗi kitô hữu nhưng các hình thức của lòng đạo đức bình dân chỉ là sự lựa chọn tùy ý. Vì thế mới có luật buộc tham dự ngày lễ Chúa Nhật trong khi chẳng có luật buộc nào đối với các thực hành đạo đức dù chúng đáng giá đến đâu.[24] Tuy nhiên, cả hai không đối chọi lẫn nhau.

Như vậy, lòng đạo đức bình dân phụ thuộc và hướng đến phụng vụ. Hướng đến phụng vụ, lòng đạo đức bình dân thăng tiến phụng vụ, bảo đảm sự tham dự sâu xa hơn vào các mầu nhiệm thánh. Một ví dụ khá rõ ràng là lần hạt Mân Côi. Chuỗi Mân Côi là lòng đạo đức bình dân suy niệm về các mầu nhiệm Đức Kitô, có thể được thực hành để chuẩn bị cho việc cử hành cùng một mầu nhiệm trong hành vi phụng vụ. Tuy nhiên, không được lần hạt Mân Côi đang khi cử hành phụng vụ.
 
4.2. Đánh giá và canh tân

Cần phải đánh giá đúng về những phong phú trong các thực hành bình dân khác nhau cũng như khả năng chúng có thể đem lại sự tận tâm, nhiệt tình cho đời sống Kitô hữu. Các thực hành bình dân cần được đánh giá và canh tân. Tiêu chuẩn để đánh giá là sự phù hợp với Tin Mừng. Cũng như phụng vụ, các diễn tả của lòng đạo đức bình dân “không bao giờ chấp nhận những nghi thức có mùi ma thuật, mê tín, thuyết vật linh, hoặc có hơi hướng tính dục”[25]

Theo thần học phụng vụ của Công Đồng Vatican II, lòng đạo đức bình dân nên bao gồm 4 yếu tố sau đây[26]:

  • Tinh thần Kinh Thánh (biblical spirit), được gợi hứng hay rút tỉa từ Kinh Thánh. Không thể nào tưởng tượng được kinh nguyện Kitô giáo mà không trực tiếp hay gián tiếp quy chiếu về Kinh Thánh.
  • Tinh thần phụng vụ (liturgical spirit), giúp các tín hữu đi vào các mầu nhiệm của phụng vụ, chuẩn bị cho tín hữu tham dự phụng vụ hay nối dài phụng vụ trong đời sống hằng ngày của họ
  • Tinh thần đại kết (ecumenical spirit), quan tâm đến cảm tính và truyền thống của các kitô hữu khác.
  • Tinh thần nhân loại học (anthropological spirit), trung thành với nền văn hóa và thời đại mà không sa vào mê tín, giữ các biểu tượng truyền thống và lối diễn tả của dân tộc mà không rơi vào tính nệ cổ không thích hợp với các giá trị hiện đại.
4.3. Lòng đạo đức bình dân phân biệt và hài hòa với phụng vụ.

“Theo một quan điểm nào đó, tương quan giữa phụng vụ và lòng đạo đức bình dân cũng gần giống như tương quan giữa Mạc Khải Thánh và những mạc khải tư : phụng vụ là tiêu chuẩn, là hình thức sống động của Giáo Hội, được nuôi dưỡng trực tiếp bằng Tin Mừng. Lòng đạo đức bình dân là đức tin đã đâm rễ sâu trong tâm hồn dân Chúa đến nỗi đã đi vào trong cuộc sống thường ngày. Lòng đạo đức bình dân là hình thức đầu tiên và nền tảng của đức tin «hội nhập văn hóa», vẫn tiếp tục hướng về và chịu sự hướng dẫn của phụng vụ để đến lượt mình làm nẩy nở đức tin từ trong tâm hồn.”[27]

Các thực hành đạo đức không được lẫn lộn với các hành vi phụng vụ hay tranh chấp với phụng vụ của Giáo Hội. Ưu thế của ngày Chúa Nhật, lễ trọng và các mùa phụng vụ không ở bên dưới lòng đạo đức bình dân. Ngược lại, các hình thức cử hành phụng vụ không áp đặt trên các thực hành đạo đức bình dân. “Lòng đạo đức bình dân phải gìn giữ những nét riêng, tính đơn giản và ngôn ngữ của mình. Cần phải tránh mọi nổ lực áp đặt các hình thức “cử hành phụng vụ” trên lòng đạo đức bình dân.”[28]

5. Đức tin thông thái – Đức tin bình dân

Trên bình diện đức tin thì không có cơ sở nào để phân chia đức tin thông thái và đức tin bình dân. Đức tin là ân huệ của Thiên Chúa. Nếu đức tin là một ân huệ thì mọi người đều có cùng một đức tin như nhau, không có cấp độ sở hữu chênh lệch nhau. Trong tương quan với ân huệ đức tin thì người tín hữu bình thường, nhà thần học, tu sĩ hay giáo sĩ đều cùng ở trên một bình diện hay mức độ. Tất cả đều tin vào một cùng một Thiên Chúa, Đấng đã ban cho họ đức tin và bảo đảm tính chắc chắn của đức tin.

Tuy nhiên trên bình diện diễn tả thì có khác. Nền giáo dục, và đặc biệt là sự giáo dục về thần học, hoặc môi trường của một cộng đoàn tôn giáo có thể giúp cho một cá nhân có một khả năng lớn lao hơn để hiểu về ân huệ đức tin và Đấng ban phát đức tin, thế nhưng ân huệ đức tin thì cũng không vì thế mà lớn hơn nơi người có thể diễn đạt đức tin theo thần học cũng như không thể ít hơn nơi những người chẳng biết diễn tả nó ra như thế nào. Ngay cả những công thức thông thái nhất của những nhà thần học sắc bén nhất cũng không nói hết về Thiên Chúa là Đấng vượt xa mọi hiểu biết của con người. Nên nhớ lại lời Thánh Tôma Aquinô đã nói vào lúc cuối đời: “Những điều tôi đã viết chỉ là cọng rơm”. Trên cấp độ đức tin và cách diễn tả, mọi người dù có tài năng hay ở vị trí nào đi nữa cũng đều ở trên một bình diện mà ta có thể gọi là “bình dân” nếu xét theo tính nhân loại và tính sai lầm của con người trong tương quan với Thiên Chúa.

Xét về cấp độ lòng đạo đức thì cũng thế thôi. Lòng đạo đức là những hình thức cầu nguyện hay thờ phượng, là những nổ lực đáp trả với ân huệ đức tin. Sự phân biệt giữa việc thờ phượng và sự cầu nguyện của người học thức hay ít học thức hơn cũng chẳng ích gì ở đây. Một học giả đã bênh vực cho lòng đạo đức bình dân khi viết rằng: “Trước hết, Chúa Giêsu hết lòng ca ngợi lòng tin đơn sơ và đám trẻ con hơn là những trí thức vào thời Ngài, và tôi đoan chắc rằng quy luật này vẫn còn áp dụng được cho nhân loại ngày nay. Thứ đến, tôi biết rằng lòng đạo đức bình dân có nền tảng vững chắc trong Kinh Thánh và được thực hành dưới ánh sáng của truyền thống thí thức Công giáo. Cuối cùng, tôi biết có nhiều người thánh thiện hơn tôi nhưng không có cơ hội được giáo dục thần học. Thực tế, nhiều vị thánh chẳng được học hành gì. Như vậy, các nhà trí thức nên lần hạt với các đoàn thể đạo đức trong giáo xứ.…. Louis Pasteur là một trí thức lớn của thời đại thế mà ông vẫn lần hạt như một đứa trẻ. Thật là nhần lẫn khi cho rằng trí thức và lòng đạo đức là những hạn từ đào thải lẫn nhau. Điều tốt nhất mà ta có thể làm là tỏ lòng sùng kính của mình với sự hiểu biết rằng Chúa Giêsu không dạy chúng ta cầu nguyện như các nhà thần học giả hình (Mt 6,5), cũng không muốn chúng ta cầu nguyện như dân ngoại không biết mình đang làm gì (Mt 6,7). Một vị thánh thế kỷ XX, Thánh Josemaría Escrivá đã dàn xếp như thế này: chúng ta phải có sự thông thái của các nhà thần học và lòng đạo đức của đứa trẻ. Là người Công giáo, chúng ta có tự do sống đời đạo đức phong phú, được rút tỉa từ nhiều miền đất và nhiều thời đại. Nhưng như Thánh Phaolô nói: “Hãy làm mọi sự cách nghiêm trang và có trật tự” (1 Cr 14, 40).”[29]

“Đối với nhiều người Công giáo bình thường, lòng đạo đức bình dân là một trong những kinh nghiệm hình thành nên căn tính của họ. Cái nhìn và suy tư của họ về mối tương quan với Thiên Chúa, họ hiểu thế nào về con người và công việc của Đức Kitô, lời kinh của họ, tất cả đều được diễn tả qua lòng đạo đức bình dân. Viếng thăm bất kỳ ngôi nhà thờ nào chúng ta cũng có thể thấy được các chặng đàng thánh giá, bàn thờ Đức Mẹ, thánh Giuse, một số vị thánh đặc biệt … và chúng cũng góp phần hình thành nên linh đạo cho người Công giáo, ngay cả sống luân lý phù hợp nữa.” [30]

Khi còn tại thế, Chúa Giêsu có một đời sống đạo đức rất phong phú. Ngài lên rừng xuống biển cầu nguyện, không lúc nào ở yên một chỗ nhưng đi hành hương và đến hội đường suốt. Cầu nguyện lúc thì bộc phát lúc chuẩn bị trang nghiêm. Đứng quỳ phủ phục, đủ mọi tư thế. Ngài cầu nguyện lúc một mình, lúc với cộng đoàn, lúc với bạn bè, lúc thì rút lui vào nơi hoang vắng để tĩnh tâm trong thinh lặng. Cũng vậy, truyền thống Công giáo cũng đã cho chúng rất nhiều cách để làm, để cầu nguyện, đó là lòng đạo đức bình dân. Tuy nhiên, thật sự không phải mọi sự đều ngang nhau. Sống đời sống đức tin Công giáo, cần phải phân biệt điều chính yếu và những điều chúng ta có thể chọn lựa hay từ chối. Chúng ta buộc phải rửa tội và đi lễ Chúa Nhật và các ngày lễ buộc nhưng không buộc phải lần chuỗi hay sử dụng nước thánh, làm tuần cửu nhật. Chúng ta cần gạch và vữa để xây nhà, nhưng đời sống trong căn nhà sẽ ấm áp hơn khi có mùi thơm từ bếp hay tiếng bập bẹ của trẻ thơ. Đó là những gia vị cho cuộc sống. Những việc đạo đức sẽ biến đức tin của chúng ta thành ra có sức sống.

“Thật hữu ích khi nhắc lại từ nguyên và là nghĩa đầu tiên của từ “liturgy/liturgie” - “phụng vụ”. Từ này được ghép từ hai từ Hy Lạp là laosergon, có nghĩa là hành vi của dân chúng hay hành động cho dân chúng. Phụng vụ sẽ không còn là chính mình nữa nếu không được dân chúng cử hành hay cử hành cho dân chúng. Khi tôn trọng tín ngưỡng và lòng đạo đức được gọi là “bình dân”, phụng vụ sẽ không trở thành bất bình dân hay phi bình dân”[31]
 
 
IV. LÒNG ĐẠO ĐỨC BÌNH DÂN VÀ CẢM THỨC ĐỨC TIN

Lòng đạo đức bình dân được biểu lộ bằng nhiều cách ngoài phụng vụ bí tích … và Giáo Hội luôn lưu tâm đến lòng đạo đức này, phản ánh sự khôn ngoan Kitô giáo, để nâng đỡ và ủng hộ hoặc làm cho tinh sạch hay chỉnh sửa nó, để làm cho dân Chúa thêm hiểu biết về các mầu nhiệm của Đức Kitô. Là một cách diễn tả của đông đảo đoàn dân Thiên Chúa, lòng đạo đức bình dân này có liên hệ gì với cảm thức đức tin cũng là cảm nhận của đoàn dân Chúa?

1. Cảm thức đức tin

Trước hết, bản tính và vị trí của “cảm thức đức tin” (sensus fidei) hay “cảm thức của tín hữu” (sensus fidelium) cần phải được hiểu đúng. Sensus fidelium không chỉ là ý kiến của đa số trong một thời gian hay một nền văn hóa nhất định.... sensus fideliumsensus fidei của người dân Thiên Chúa như một toàn thể tuân phục Lời Chúa và được các chủ chăn của họ dẫn đi trong đường lối đức tin. Như vậy, sensus fidelium là cảm thức đức tin ăn sâu trong dân Chúa là đoàn dân lãnh nhận, hiểu và sống Lời Chúa trong Giáo Hội.[32]

Cảm thức của tín hữu sensus fidelium theo đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: “không chỉ và cần thiết là sự đồng thuận của các tín hữu. Theo Đức Kitô, Giáo Hội tìm kiếm chân lý, không phải luôn là sự đồng ý của đa số”[33].  Đức Bênêđictô XVI cũng cảnh báo những hiểu nhầm về cảm thức đức tin: “Ngày nay, thật quan trọng phải phân biệt rõ đâu là tiêu chuẩn được dùng để phân biệt “cảm thức đức tin” đích thực và giả tạo. Thực sự, cảm thức đức tin không phải là một loại ý kiến chung nào đó của Giáo Hội, và không thể tưởng được là người ta dùng nó để thách đố giáo huấn của Huấn Quyền. Cảm thức đức tin không thể phát triển cách đúng đắn nơi người tín hữu trừ phi nó là sự vươn dài ra của người tín hữu khi họ tham dự vào đời sống Giáo Hội, và điều này đòi hỏi một sự gắn bó có trách nhiệm với Huấn Quyền”[34]

Tuy rằng, Giáo Hội luôn tham khảo và tôn trọng ý kiến của các tín hữu: “Tập tục tham khảo các tín hữu không phải là tập tục mới mẻ gì trong đời sống Giáo Hội. Trong Giáo Hội thời trung cổ, người ta đã sử dụng nguyên tắc của luật Rôma sau đây: Quod omnes tangit, ab omnibus tractari et approbari debet (điều gì tác động tới mọi người, cần được mọi người thảo luận và chấp thuận)”[35]. Nhưng cảm thức đức tin không phải kết quả của một cuộc trưng cầu dân ý cũng không phải là ý kiến của Giáo Hội ở một nơi chốn nào đó và ở một thời điểm nào đó bởi vì Giáo Hội trải dài khắp thế giới và xuyên qua mọi nền văn hóa và đi suốt lịch sử. Giáo Hội chọn lựa niềm tin của mình trong kho tàng khôn ngoan được chuyển giao cho chúng ta qua Thánh Kinh, Thánh Truyền và trong sự trung thành với Chúa Thánh Thần luôn hướng dẫn Giáo Hội. Với sensus fidelium, chúng ta nợ nần với quá khứ nhưng đồng thời cũng còn có bổn phận đối với tương lai.

Chắn hẳn cần phải phân biệt cảm thức đức tin với ý kiến đa số bởi vì đức tin là một ân huệ không phải ai cũng có được nên không thể đánh đồng với công luận. “Ý kiến thường chỉ là những phát biểu, hay thay đổi và nhất thời, nói lên tâm tính hay ước muốn của một nhóm người hay một nền văn hóa nào đó, trong khi đức tin là tiếng vang dội của Tin Mừng duy nhất vốn có giá trị cho mọi nơi và mọi thời”. Và thực tế đã chứng minh điều ngược lại rằng: “Trong lịch sử dân Chúa, thường không phải đa số mà đúng hơn thiểu số mới thực sự sống và làm chứng cho đức tin. Cựu Ước từng biết tới số các tín hữu “thánh thiện còn sót lại”, đôi khi rất ít so với vua chúa, tư tế và phần đông người Do Thái. Chính Kitô Giáo cũng đã bắt đầu như một thiểu số rất nhỏ, bị nhà cầm quyền đổ lỗi và bách hại. Trong lịch sử Giáo Hội, các phong trào sống Tin Mừng như Dòng Phanxicô và dòng Đa Minh, hay sau này, Dòng Tên, đều đã bắt đầu như những nhóm nhỏ bị nhiều giám mục và thần học gia đối xử cách nghi ngờ. … Cho nên, điều hết sức quan trọng là phải biện phân và lắng nghe tiếng nói của ‘những người bé nhỏ biết tin” (Mc 9,42)[36].

Vì thế, trách nhiệm của Huấn quyền và các nhà thần học là “phải làm việc không ngừng nhằm đổi mới việc trình bày đức tin trong các hoàn cảnh khác nhau, bằng cách đối chất, nếu cần, các ý niệm nổi bật trong chân lý Kitô Giáo với chân lý đích thực của Tin Mừng, nhưng cần phải nhớ rằng kinh nghiệm của Giáo Hội vốn chứng tỏ rằng đôi khi chân lý đức tin chỉ được duy trì không nhờ cố gắng của các nhà thần học hay giáo huấn của đa số các giám mục mà là trong tâm hồn các tín hữu”[37]

2. Lòng đạo đức “được điều hướng tốt”

Văn kiện “Cảm thức đức tin trong đời sống Giáo Hội” của Ủy ban Thần Học Quốc Tế đã nhìn nhận lòng đạo đức bình dân đi ra từ cảm thức đức tin, có Chúa Thánh Thần hướng dẫn và là cách biểu hiện chức linh mục phổ quát thánh thiện của dân Thiên Chúa: “Lòng đạo bình dân trổ sinh từ cảm thức đức tin và làm nó ra hiển hiện, nên phải được tôn trọng và cổ vũ. Cần phải nhìn nhận cách riêng rằng lòng đạo bình dân là “hình thức đầu tiên và nền tảng nhất của việc ‘hội nhập văn hóa’ đức tin. Lòng đạo này là “một thực tại tôn giáo được Chúa Thánh Thần thúc đẩy và hướng dẫn”; Người là Đấng đã xức dầu cho dân Chúa để họ đảm nhiệm “chức linh mục thánh thiện”. Điều tự nhiên đối với chức linh mục của dân này là tìm cách phát biểu bằng nhiều cách khác nhau.”[38] Và “ta có thể cho rằng khi được điều hướng tốt, lòng đạo bình dân, cả trong cái nhìn thấu suốt của nó đối với các mầu nhiệm sâu thẳm của Tin Mừng lẫn trong các chứng tá can đảm của nó đối với đức tin, quả là một biểu hiện và là một biểu thức của cảm thức đức tin.”[39]

Thế nào là lòng đạo bình dân “được điều hướng tốt”? Là khi nó có tính “Giáo Hội” thực sự. “Có tính Giáo Hội là được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa, không bị chính trị hóa hay các ý thức hệ phong tỏa, luôn hiệp thông mạnh mẽ với cả Giáo Hội địa phương lẫn Giáo Hội hoàn vũ, cả với các mục tử lẫn huấn quyền của Giáo Hội, và sốt sắng làm việc truyền giáo Những tiêu chuẩn này xác định ra các điều kiện cần có đối với tính chân chính của cả lòng đạo bình dân lẫn cảm thức đức tin vốn nâng đỡ nó … “nâng đỡ lòng đạo bình dân” là cả “một sức mạnh phúc âm hóa tích cực mà ta không nên đánh giá thấp: vì đánh giá thấp là không biết nhìn nhận công trình của Chúa Thánh Thần”[40]

Nhiều giáo huấn của Giáo Hội không bao giờ được định tín cách chính thức nhưng là một phần trong di sản của Giáo Hội. Chẳng hạn, Đức Gioan Phaolô II đã xác quyết trong Tông thư Ordinatio Sacerdotalis rằng chức linh mục chỉ dành cho nam giới. Đây là một giáo huấn được khẳng định bởi cái thường được gọi là “huấn quyền phổ quát của Giáo Hội”, chưa bao giờ được định tín trước đây, nhưng luôn được dạy dỗ và chấp nhận như là một vấn đề liên quan đến đức tin (de fide).

(còn tiếp)



[1] HỘI ĐỒNG GIÁO HOÀNG VỀ VĂN HÓA, The church’s apostolic mission. Evangelisation and inculturation, (Instrumentum laboris), 2002, số 4, xem tại: http://www.cultura.va/content/cultura/en/plenarie/trasmettere-la-fede/instrumentum.html
[2]Đối chiếu đoạn Is 11,2-3 trong bản dịch tiếng Latinh (Vulgate):  Et requiescet super eum spiritus Domini spiritus sapientiae et intellectus spiritus consilii et fortitudinis spiritus scientiae et pietatis. Et replebit eum spiritus timoris Domini non secundum visionem oculorum iudicabit neque secundum auditum aurium arguet” và bản dịch tiếng Việt từ nguyên bản tiếng Hêbrơ (PVCGK) : «Thần khí Đức Chúa sẽ ngự trên vị này: thần khí khôn ngoanminh mẫn, thần khí mưu lượcdũng mãnh, thần khí hiểu biếtkính sợ Đức Chúa. Lòng kính sợ Đức Chúa làm cho Người hứng thú, Người sẽ không xét xử theo dáng vẻ bên ngoài, cũng không phán quyết theo lời kẻ khác nói”
[3] DOWNEY, M., The New dictionary of Catholic spirituality, Collegeville, MN, Liturgical Press, mục từ “Piety”, Keith R. Barron, O.C.D.S.
[4] PIERRE MAURICE BOGAERT, Dictionnaire Encyclopedique de la Bible, Brepols, 1987, mục từ “Piété”, tr. 1027-1028.
[5] DOWNEY, M., The New dictionary of Catholic spirituality, Collegeville, MN, Liturgical Press, mục từ “Piety”, Keith R. Barron, O.C.D.S.
[6] Xem LOYD ALLEN, “A Brief History of Christian Devotion”, Faith and Mission, số Spring 1990, tr. 4-5.
[7] BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỶ LUẬT CÁC BÍ TÍCH, Directory on Popular Piety and The Liturgy: Principles and Guidelines (Hướng dẫn về lòng đạo đức và phụng vụ: Nguyên tắc và định hướng), xem bản tiếng Anh tại:  http://www.vatican.va/roman_curia/congregations/ccdds/documents/rc_con_ccdds_doc_20020513_vers-direttorio_en.html
[8] Directory on Popular Piety and The Liturgy, số 7
[9] Directory on Popular Piety and The Liturgy, số 8
[10] Directory on Popular Piety and The Liturgy, số 9
[11] Directory on Popular Piety and The Liturgy, số 10
[12] A.N. TERRIN, Dictionnaire Encyclopédique de la Liturgie, t. 2, Brepols, 2002, mục từ “Religion populaire et liturgie”, tr. 304
[13] Xem CORRADO MAGGIONI, SMM, “Direttorio su Pietà popolare e Liturgia”. La pietà popolare mariana nel contest della pietà popolare”, trong La Vergine Maria nel cammino orante della Chiesa, Centro di Cultura Mariana, Roma, 2013, Bản dịch Việt ngữ trong Tạp chí Thời Sự Thần Học, số 64, tháng 5/2014, Trung tâm học vấn Đa Minh, tr. 111.
[14] D. SARTORE, Nuovo Dizionario di Liturgia, Eds. D. Sartore & A. M. Triacca, Paoline, Roma
[15] Xem “Popular Piety in the Spiritual Life”, tạp chí  Lay Witness, số November/December 2007, tr. 27-30
[16] PETER C. PHAN, Directory on Popular Piety and the Liturgy: Principles and Guidelines, A commentary, Liturgical Press, Minnesota, tr. V
[17] Giáo lý Giáo Hội Công Giáo, các số 1674-75
[18] Directory on Popular Piety and The Liturgy, số 61
[19] Directory on Popular Piety and The Liturgy, số 63
[20] Directory on Popular Piety and The Liturgy, số 64
[21] Directory on Popular Piety and The Liturgy, số 59
[22] Dr. SCOTT HANS, Signs of life: 40 Catholic Customs and Their Biblical Roots, Doubleday Religion, 2009, tr.7
[23] Xem JAMES EMPEREUR, S.J. “Popular Piety and the liturgy: Principles and Guidelines”, trong Directory on Popular Piety and the Liturgy: Principles and Guidelines, A commentary, Peter C. Phan (chủ biên), tr. 5-7.
[24] Directory on Popular Piety and The Liturgy, số 11.
[25] BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỶ LUẬT CÁC BÍ TÍCH, “IV Instruction on the correct application of the Conciliar Constitution on the Sacred Liturgy”, (ss. 37-40), Varietates legitimae, 48.
[26] Directory on Popular Piety and The Liturgy, số 12.
[27] HY RATZINGER chú giải về “Sứ điệp Fatima”, xem tại http://www.zenit.org/fr/articles/commentaire-theologique-au-secret-de-fatima-par-le-cardinal-joseph-ratzinger
[28] Directory on Popular Piety and The Liturgy, số 13.
[29] Dr. SCOTT HANS, Signs of life: 40 Catholic Customs and Their Biblical Roots, Doubleday Religion, 2009, tr.8-9
[30] LAWRENCE S. CUNNINGHAM, “Liturgy and devotions”, Tạp chí The Way, số 100, năm 2001, tr. 11-21
[31] PHILIPPE ROUILLARD, Le “Directoire sur la piété populaire et la liturgie”, Tạp chí La Maison-Dieu, 236, 2003/4, tr. 89
[32] ỦY BAN THẦN HỌC QUỐC TẾ, Theology Today: Perspectives, Principles And Criteria,  Số 34, xem tại http://www.vatican.va/roman_curia/
congregations/cfaith/cti_documents/rc_cti_doc_20111129_teologia-oggi_en.html
[33] GIOAN PHAOLÔ II, Familiaris Consortio, số 5
[34] Diễn từ của Đức Bênêđictô XVI với Ủy Ban Thần Học Quốc Tế, ngày 4 tháng 12 năm 2012. Xem tại http://www.ewtn.com/vnews/getstory.asp?
number=122844
[35] ỦY BAN THẦN HỌC QUỐC TẾ, Cảm thức đức tin trong đời sống Giáo Hội, bản dịch của Vũ Văn An, số 122
[36] Cảm thức đức tin trong đời sống Giáo Hội, số 118
[37] Cảm thức đức tin trong đời sống Giáo Hội, số 119
[38] Cảm thức đức tin trong đời sống Giáo Hội, số 110
[39] Cảm thức đức tin trong đời sống Giáo Hội, số 111
[40] Cảm thức đức tin trong đời sống Giáo Hội, số 112


Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 16
  • Khách viếng thăm: 10
  • Máy chủ tìm kiếm: 6
  • Hôm nay: 4410
  • Tháng hiện tại: 94224
  • Tổng lượt truy cập: 12238484