Trang mới   https://gpquinhon.org

Một chiều kích xã hội của việc loan báo Tin Mừng: Ưu tiên chọn người nghèo

Đăng lúc: Chủ nhật - 12/10/2014 18:58

1. Dẫn nhập

Tông huấn Evangelii Gaudium (EG) là tài liệu hàm chứa một động lực tích cực của việc làm chứng cho Tin Mừng. Ngay cả những phương tiện truyền thông thế tục đã có sự quan tâm rất lớn, đặc biệt liên quan đến các khía cạnh xã hội và đạo đức. Các cuộc bàn luận toàn cầu và học hỏi trong Hội Thánh đang không ngừng diễn ra.
Như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt về chủ đề nghèo đói và sự lựa chọn ưu tiên người nghèo đã có trong những ý kiến ​​trước đó của ĐTC Phan-xi-cô, ở Tông Huấn mới nầy, Ngài đã lấy lại ý kiến của ĐTC Bê-nê-đic-tô: “người nghèo là những người ưu tiên được đón nhận Tin Mừng[1].
Đặc biệt trong chương thứ tư được dành nói về chiều kích xã hội của việc truyền giáo. Một chủ đề mà ĐTC Phan-xi-cô đặt ở trong tim mình, bởi vì "nếu chiều kích này không được hiểu một cách đúng đắn, thì luôn luôn có nguy cơ xuyên tạc ý nghĩa đích thực và trọn vẹn của sứ mạng loan báo Tin Mừng" (EG176). Trong đó đề cập đến các vấn đề lớn của việc kết nối rao giảng Tin Mừng và thúc đẩy cuộc sống của con người trong tất cả các chiều kích của nó. Đó là về một sự phát triển toàn diện của mỗi người, không được giảm thiểu tôn giáo như là một hiện tượng cá nhân và không có bất kỳ tác động đến đời sống công cộng và xã hội. "Một đức tin chân chính...luôn luôn bao hàm một ước muốn sâu xa là biến đổi thế giới" (EG183).
Hai lĩnh vực chính của Tông Huấn, ĐTC nói về chúng với một niềm đam mê truyền giáo đặc biệt, bởi vì Ngài biết rằng tương lai của nhân loại phụ thuộc vào: "sự hòa nhập của những người nghèo trong xã hội"; "hòa bình và đối thoại xã hội". Đối với điểm đầu, Hội Thánh coi như một phần của việc truyền giáo mới, "hợp tác để giải quyết những nguyên nhân của đói nghèo và thúc đẩy phát triển toàn diện của người nghèo" như sứ mệnh của mình. Ngoài ra "để đáp ứng các nhu cầu thực sự" mà chúng ta thấy hàng ngày trước mắt chúng ta, cần có "những hành vi nho nhỏ hàng ngày... của tình liên đới" (EG188). ĐTC mời gọi nhận ra " quyền năng cứu độ " nơi người nghèo. Quyền năng nầy phải được đưa vào trung tâm của Giáo Hội nhờ việc Tân Phúc Âm hóa (EG198).
Lựa chọn ưu tiên người nghèo cần được hiện thực hóa là điều mà ĐTC Phan-xi-cô nhấn mạnh, như là một " sự chăm sóc tôn giáo đặc biệt và ưu tiên ". Sự chăm sóc này trỗi vượt hơn tất cả các hình thức khác (EG 200).
Khi đọc toàn bộ Tông Huấn người ta cũng nhận thấy sự quan tâm đặc biệt của ĐTC đối với người nghèo qua việc thống kê từ: "người nghèo" được sử dụng 91 lần, đứng thứ ba sau "tình thương", có 154 lần nhắc đến, và "niềm vui" được viết 109 lần.
Gần đây Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã nói: " Chúa Giêsu dậy chúng ta đặt các nhu cầu của người nghèo trước các nhu cầu của chúng ta. Các nhu cầu của chúng ta, cho dù hợp pháp, cũng sẽ không bao giờ cấp thiết như các nhu cầu của người nghèo, là những người không có cái tối thiểu để sống. Chúng ta thường nói về người nghèo, nhưng khi nói về người nghèo, chúng ta có cảm thấy rằng người đàn ông này, người đàn bà nọ, các trẻ em ấy không có điều cần thiết để sống không? Rằng họ không có ăn, không có mặc, không thể có thuốc men. Cả các trẻ em nữa, không thể đến trường... Và vì thế, các nhu cầu của chúng ta, dù hợp pháp, sẽ không bao giờ cấp thiết bằng các nhu cầu của người nghèo không có điều tối thiểu để sống"[2].
Qua những nhận định sơ khởi trên đây, người ta thấy một hệ quả: có một quan hệ chặt chẽ giữa việc Phúc Âm hóa và thăng tiến đời sống con người.

2. Liên quan giữa Phúc Âm hóa và thăng tiến đời sống con người:

Từ tâm điểm của Tin Mừng, chúng ta thấy mối liên kết sâu xa giữa loan báo Tin Mừng và thăng tiến con người. Sự thăng tiến này cần được biểu hiện và phát triển trong mọi hoạt động loan báo Tin Mừng.
Học thuyết xã hội của Giáo Hội đề cập đến: phẩm giá của mọi nhân vị, liên đới, bổ trợ, mục đích phổ quát của của cải, công ích. Trước những nguyên tắc xã hội,"Chúng ta không thể tránh sống cụ thể – mà không có tham vọng đi vào chi tiết – để các nguyên tắc xã hội to lớn chỉ là những chỉ dẫn chung chung không chất vấn ai "[3]. Thánh Giáo Hoàng Gio-an-Phao-lô II nhấn mạnh:" Không thể chấp nhận được rằng công cuộc Phúc Âm hóa có thể hay chểnh mảng những vấn đề cực kỳ nghiêm trọng, đang náo động như thế hôm nay, liên quan đến công bằng, giải phóng, sự phát triển và hòa bình trên thế giới"[4].
Chính trong thần học mà mối liên hệ chặt chẽ giữa Phúc Âm hóa và sự dấn thân xã hội được xây dựng. Nếu có một " chiều kích xã hội không thể tránh khỏi của việc loan báo Tin Mừng ", là vì " lời đề nghị của Tin Mừng không chỉ hệ tại nơi một mối tương quan cá nhân với Thiên Chúa " và vì " trong Chúa Kitô, Thiên Chúa không chỉ cứu chuộc cá nhân nhưng còn có các mối tương quan xã hội giữa những con người "[5].
ĐTC Phan-xi-cô đã xác định việc ưu tiên: làm sống lại đức tin trong Giáo Hội cách mới mẻ và tạo ra niềm vui mới trong đức tin. Khi thực thi việc ưu tiên nầy, giúp xác quyết: Tân Phúc Âm hóa không thể tách rời chiều kích xã hội và phải hướng đến một sự tiến bộ của con người. Tôn giáo không được phép an phận trong những thực hành đạo đức cho chính mình, nhưng phải có ảnh hưởng đến các sự kiện xã hội và chính trị, cũng phải quan tâm đến lợi ích chung và lo lắng xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.
ĐTC cũng mời gọi tín hữu lo lắng chăm sóc cho những hạng người bé mọn nhất trong xã hội, những người vô gia cư, nghiện ngập, tỵ nạn, thổ dân, những người già, những nạn nhân của nạn buôn người và các hình thức mới của chế độ nô lệ, các thai nhi...
Dựa vào Tin Mừng, có lần ĐTC đã giải thích: " Thật ích lợi đối chiếu phản ứng của các môn đệ trước người dân mệt mỏi và đói khát, với phản ứng của Chúa Giêsu. Các môn đệ nghĩ rằng tốt hơn là giải tán dân chúng, để họ có thể đi mua thức ăn. Trái lại, Chúa Giêsu nói: các con hãy cho họ ăn đi. Hai phản ứng khác nhau, chúng phản ánh hai luận lý trái nghịch nhau: các môn đệ phản ứng theo thế gian, theo đó mỗi người nghĩ tới chính mình; họ đã phản ứng như thể nói rằng: “Anh chị em hãy tự lo liệu.” Chúa Giêsu lý luận theo cái luận lý của Thiên Chúa, là cái luận lý của sự chia sẻ. Biết bao nhiêu lần chúng ta đã quay mặt đi nơi khác để không trông thấy các người anh em cần giúp đỡ. Và cái nhìn đi chỗ khác này là một kiểu lịch sự để nói rằng, trong đôi găng tay trắng: “Hãy tự lo liệu lấy”. Điều này không phải là của Chúa Giêsu: đó là sự ích kỷ. Nếu Chúa Giêsu đã giải tán các đám đông, thì cũng sẽ còn có biết bao nhiêu người không có ăn"[6].
Sự thăng tiến đời sống con người nói chung là một đòi hỏi của việc Phúc Âm hóa, nhưng đối với những người nghèo lại là một chọn lựa ưu tiên. Nhưng trước khi nói đến sự chon lựa nầy, chúng ta nhìn cách sơ lược về nghèo đói.

3. Vấn đề nghèo đói

Quan niệm của ĐTC Phan-xi-cô: Nghèo đói không nên chỉ được hiểu "nghèo tinh thần", vì nếu tất cả chúng ta là người nghèo, sau đó lựa chọn ưu tiên cho người nghèo là một lựa chọn cho tất cả mọi người, và nếu tất cả đều ưu tiên, thì không ai là ưu tiên cả. Đối với Ngài có 3 loại nghèo: vật chất, tinh thần và luân lý.

   3.1 Tình trạng nghèo đói về vật chất:
        3.1.1. Thế giới:[7]
- Gần một nữa dân số thế giới, tức khoảng 3 tỷ người có mức sống dưới 2,5USD/ngày; trên 1,3 tỷ người sống ở mức nghèo cùng cực: dưới 1,25USD/ngày (2008).
- 1 tỷ trẻ em trên thế giới sống trong tình trạng nghèo. Theo UNICEF, mỗi ngày có 22.000 trẻ em chết vì nghèo.
- Hơn 1 tỷ người không có nguồn nước uống sạch, trong đó khoảng 400 triệu là trẻ em. Nguồn nước ô nhiễm gây ra nhiều bệnh tật làm cho học sinh không thể đến lớp 443.000.000 ngày học/năm.
- Năm 2011, có 165.000.000 trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thường xuyên, và 19.000.000 trẻ em không được chích ngừa.
- 2.000.000 trẻ em chết mỗi năm vì không đủ khả năng để chữa trị những bệnh có thể phòng ngừa như tiêu chảy và bệnh phổi.
- 870.000.000 người trên thế giới không đủ lương thực để ăn (2010-2012).
3.1.2. Việt Nam:[8]
- Theo Ngân Hàng Thế Giới tại Việt Nam trong 20 năm qua, Việt nam đã thực hiện khá thành công việc giảm nghèo, nhưng thống kê vẫn cho thấy: còn 19.000.000 người nghèo (12/2013). Trong số này có 75% là người dân tộc sống quá nghèo. Ngoài ra còn có những người nằm ở cận dưới thoát nghèo và luôn có nguy cơ rơi trở lại nhóm nghèo.
- Tình trạng bất bình đẳng có chiều hướng gia tăng. Trong khoảng 2004-2010 thu nhập bình quân của nhóm 20% người giàu nhất so với thu nhập của nhóm 20% nghèo nhất đã tăng từ 7 lần lên 8,5 lần. Bất bình đẳng trong các dịch vụ xã hội cũng đáng quan ngại: Vấn đề bảo hiểm y tế, tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh cách biệt đến 5 lần giữa địa phương cao nhất (Điện Biên) và thấp nhất (Sài Gòn).
Tính chung thì tỷ lệ là 3 lần giữa người dân tộc và người kinh.
- Việc xóa đói giảm nghèo chưa bền.
- Khoảng cách giàu-nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Tại một số nơi số người nghèo vẫn còn trên 50%, cá biệt có chỗ còn trên 60-70%.
- Số hộ nghèo người dân tộc chiếm gần 50% tổng số hộ nghèo trong cả nước, thu nhập bình quân của hộ người dân tộc chỉ bắng 1/6 mức thu nhập bình quân của cả nước. Số người nghèo nơi người dân tộc vẫn gia tăng: Năm 1993, người dân tộc chỉ chiếm 20% tổng số hộ nghèo. Đến năm 1998, tăng lên 29%, và năm 2010, chiếm tới 47% và 68% nghèo cùng cực.
- Khoảng cách về mức sống giữa người dân tộc và người kinh rất lớn: Thông kê vào năm 2010 cho thấy:
* Nghèo: dân tộc: 66,3%; kinh: 12,9%.
* Nghèo cùng cực: dân tộc 37,4%; kinh: 2,9%.
Tình trạng nghèo đói được mô tả sơ lược trên đây có nguyên nhân của nó.
        3.2. Nguyên nhân:
Dĩ nhiên nghèo đói có nhiều nguyên nhân, nhưng điều cần lưu ý ở đây, ĐTC đã trình bày cách đanh thép về các nguyên nhân của sự ác xã hội nầy: Ngài cảnh báo về quyền tự chủ tuyệt đối của thị trường và đầu cơ tài chính, về sự phân bố không đồng đều thu nhập. Thật hợp lý, khi Ngài đã lấy lại tư tưởng của Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II khi cho rằng: Nghèo là kết quả của lỗi lầm về mặt cơ chế (SRS 1987).
Một nguyên nhân sâu xa mà Ngài đã đề cập: "từ chối tính ưu việt của cá nhân".
Thấy được nguyên nhân, nhưng việc tìm cách loại bỏ những nguyên nhân nầy không mấy sáng sủa. Do đó,trình trạng nghèo đói vẫn chưa được khắc phục, và có khi càng ngày càng xấu đi, vì " hiện tượng toàn cầu hoá của sự dửng dưng đã phát triển" (EG 54).
Có nguyên nhân tất yếu dẫn tới hậu quả.
        3.3. Hậu quả:
Dĩ nhiên việc không loại bỏ những nguyên nhân gây nên tình trạng nghèo đói dẫn tới nhiều hậu quả, nhưng ở đây có một hậu quả tai hại được đề cập: Bất bình đẵng xã hội dẫn đến bạo lực. Kết luận nầy có cái gì tương tự như quan niệm của Việt Nam: "bần cùng sinh đạo tặc".
Để cho những hành động vì người nghèo được thực hiện cách nhiệt thành hơn và hữu lý hơn, để có thể góp phần loại bỏ hậu quả của sự nghèo đói, điều nên biết trước tiên là những lý do ưu tiên chọn người nghèo.
        3.4. Lý do ưu tiên chọn người nghèo:
            3.4.1. Từ Kinh Thánh
Trong số187chúng ta tìm thấy những đoạn Kinh Thánh mà ĐTC đã trích dẫn: Xh 3,7-8, 10; Tl 3,15; Đnl 15,9; Hc 4,6; Mt 5,7; Tb 12,9; Hc 3,30; 1 P 4,8;  1 Ga 3,17; 5,4; Gc 2,12-13; Đn 4,27 [4,24]. 
Thiên Chúa quan tâm tới các nhu cầu của người nghèo (EG187).
Người nghèo như là nơi yêu thích của sự hiện diện của Thiên Chúa. Trong trái tim của Thiên Chúa có một chỗ đặc biệt cho người nghèo, vì chính Thiên Chúa “đã trở nên nghèo khó” (2 Cr 8:9) (EG197).
Việc chọn ưu tiên đối với người nghèo có lý do thuyết phục của nó, khi nhìn qua toàn thể lịch sử cứu độ, qua thời ẩn dật và thời rao giảng của Chúa Giêsu:
- Toàn thể lịch sử cứu độ được đánh dấu bởi sự hiện diện của người nghèo.
- Ơn cứu độ đến với chúng ta qua lời thưa “xin vâng” thốt ra từ một thiếu nữ nghèo hèn xuất thân từ một làng nhỏ ở ngoài rìa một đế quốc vĩ đại.
- Thời ẩn dật: Đấng Cứu Thế sinh ra trong một máng cỏ, giữa đàn súc vật, giống như bao trẻ em của các gia đình nghèo; Ngài được dâng trong Đền Thờ với một cặp bồ câu non, là loại lễ vật của những người không có khả năng mua một con chiên con (x. Lc 2,24; Lv 5,7); Ngài được nuôi dạy trong một gia đình lao động bình thường, kiếm sống bằng bàn tay lao động của mình.
- Thời rao giảng: Khi Chúa Giê-su bắt đầu rao giảng Nước Thiên Chúa, đám đông dân chúng nghèo hèn đi theo Ngài, minh hoạ cho lời tuyên bố của Ngài: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn” (Lc 4,18). Ngài quả quyết với những người trĩu nặng buồn phiền và bị đè nặng bởi cảnh nghèo khó rằng Thiên Chúa có một chỗ đặc biệt cho họ trong trái tim Người: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em” (Lc 6,20); Ngài đồng hoá mình với họ: “Ta đói, các ngươi đã cho ăn”, và Ngài dạy họ rằng lòng thương xót đối với những người này là chìa khoá để vào nước Trời (x. Mt 25,5tt.)" (EG197).
Chúa Giê su đã nói và hành động với tư cách là Con Thiên Chúa đã tái xã hội hóa, chữa lành toàn diện đối với những người bệnh tật, tù đày, tội lỗi, trần truồng, mù, què, thất bại, ô uế...(x.Lc 4).
Tông huấn cũng nhắc đến tư tưởng của Phaolô như một mệnh lệnh: không được bỏ quên người nghèo (EG195).
            3.4.2. Từ Giáo Phụ[9]
Trong số193, chúng ta thấy ĐTC đã đề cập đến Thánh Giáo Phụ Augustinô, De Catechizandis Rudibus, I, XIX, 22: PL 40, 327.
            3.4.3 Từ đức tin của chúng ta
Chúng ta ưu tiên chọn người nghèo từ "Đức tin của chúng ta vào Đức Kitô" (EG186). Tin vào Chúa Ki-tô đồng thời sống theo giới luật của Ngài.
Sự liên quan giữa mến Chúa và yêu người được tìm gặp trong EG 198, nơi đó người ta thấy được: Tình yêu Thiên Chúa cũng tỏ lộ bằng một tình yêu được sống với và săn sóc những người lân cận.
Chiều ngang của đức tin-yêu người lân cận - không tách khỏi chiều dọc của đức tin - tình yêu Thiên Chúa. Từ đó biểu thị sự khả tín của đời sống và giáo huấn của Giáo Hội: Một Ki-tô giáo đánh mất chiều dọc của nó tức là đánh mất chính mình, nhưng một Kitô giáo lấy cớ lo lắng chiều dọc như một phương tiện, để tránh né trách nhiệm của mình đối với con người, thì không còn khả tín nữa và như là một cách nào đó phủ định Mầu Nhiệm Nhập Thể. Thời giờ đã điểm, mỗi thành viên của Giáo Hội từ chối trách nhiệm của mình đối với người nghèo, xem như phạm tội dị giáo, tức là từ chối chân lý đức tin.
Giáo hội đã có một chọn lựa cho người nghèo, được hiểu như một ưu tiên đặc biệt trong cách thức, như tình yêu Ki-tô giáo được thi thố, và một sự chọn lựa được minh chứng trong toàn bộ truyền thống của Hội Thánh.
Như thế, chọn lựa cho người nghèo là "tiêu chí quyết định" (EG 195) của Giáo Hội, đó là bản sắc của tính tông đồ chân thực.
Một trong những lý do mà Giáo Hội trân trọng vị trí của người nghèo là vì chúng ta có thể nhìn ra từ họ và với họ về toàn bộ xã hội, kinh tế và chính trị, nếu không có cái nhìn nầy, chúng ta đánh mất  những gì là ưu việt. Chúng ta thấy thế giới không đúng nếu chúng ta không cố gắng để nhìn thấy chúng với con mắt của người nghèo. Nếu không có tầm nhìn này, chúng ta không có một quan niệm đầy đủ về thực tại. Ngoài ra, trân trọng nhân vị của người nghèo, vì họ xinh đẹp và có giá trị cao quý. Nếu không có sự lựa chọn ưu tiên người nghèo, “việc rao giảng Tin Mừng, tự nó là hình thức cơ bản của đức ái, sẽ có nguy cơ bị ngộ nhận hay bị nhấn chìm bởi đại dương những lời nói hằng ngày nuốt trửng chúng ta trong cái xã hội truyền thông hôm nay" (EG 199).
Trong thực tế, Hội Thánh Công Giáo được công luận coi là một tổ chức khả tín, và được tin cậy vì sự liên đới và quan tâm tới những người cùng khổ (EG 65).
Từ những lý do đã được trình bày, chúng ta cũng đã thấy phần nào việc lựa chọn người nghèo chủ yếu là một phạm trù thần học.
            3.4.4. Lựa chọn người nghèo chủ yếu là một phạm trù thần học hơn là một phạm trù xã hội học, chính trị hay triết học (EG198).
Sự hiện diện những người nghèo liên quan đến thần học trên khía cạnh cánh chung của việc trì hoãn cũng như sự khước từ sự hiển trị của Nước Chúa, vì tình trạng sống trong những bối cảnh của sự chết, vì đặt ra cũng như tiếp nhận những điều kiện trái với ý Chúa.
Theo G. Gutiérrez, sự chọn lựa ưu tiên đối với người nghèo là một quyết định thần học, nó đến từ niềm tin vào Thiên Chúa. Người nghèo được Thiên Chúa yêu thương cách đặc biệt, không vì họ tốt, nhưng vì họ nghèo, vì họ sống trong những điều kiện mà Thiên Chúa không muốn. Những người sống trong áp bức, bị gạt ra ngoài lề và nghèo đói, nghịch lý với một dấu chỉ sống động của sự hiện diện thật tiềm ẩn của Thiên Chúa trong sự cùng hiện hữu và cùng đau khổ của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đồng hóa với người nghèo. Xuyên qua việc gặp gỡ với người nghèo, nơi họ khuôn mặt của Thiên Chúa được tỏ hiện [Christian Mellon (CERAS ngày 30/12/2013)]. Người nghèo trong ngôn ngữ và thái độ như là sự hiện diện của Thiên Chúa, sự hiện diện nầy được nắm bắt trong những phát biểu của thần học và của Giáo Hội và làm cho thần học mặc khải mang lại kết quả - "hướng đến sự chú ý vào mỗi dấu ấn biểu thị Lời Chúa trong bàn luận xã hội".
Khi đặt vấn đề về Nước Chúa (không còn khổ đau, nghèo khó) - là một phản chiếu quan trọng cho sự khả tín của phát biểu thần học.
ĐTC Phan-xi-cô chỉ ra vấn đề nghèo đói và sự tồn tại của nó như một vấn đề thần học trung tâm, và do đó là một thách thức cơ bản đối với tự nhận thức của tín hữu Công giáo. Ngài viết: "Một cộng đoàn loan báo Tin Mừng dấn mình vào đời sống hằng ngày của dân chúng bằng lời nói và hành động; cộng đoàn ấy vượt qua các khoảng cách, sẵn sàng hạ mình khi cần, và ôm ấp đời sống con người, chạm vào thân thể đau khổ của Đức Kitô nơi người khác" (EG 24). Những gì được xây dựng ở đây trong ngôn ngữ thần học, đó là Giáo Hội Công Giáo chỉ được tìm thấy sự tồn tại của nó trong tình liên đới với người đau khổ và bị áp bức. Mỗi giáo hội (địa phương) mà không quan tâm đến tiêu chí này và Tin Mừng không rao giảng như là Tin Mừng "vật chất" - chấm dứt nghèo nàn, bóc lột và áp bức -  thì Giáo Hội đã làm khiếm khuyết bản chất của mình.
ĐTC đã cho rằng; "lựa chọn cho người nghèo" đối với Giáo Hội  là một phạm trù tôn giáo sâu sắc  - và đến một mức độ nhất định nào đó nó thuộc về điều kiện cốt lõi. Điều nầy dẫn tới một sự gắn kết của mình với người nghèo không chỉ trong sự quan tâm về văn hóa, xã hội và chính trị, mà còn hướng đến người nghèo về mặt nhân bản và tinh thần.
Mặt khác, chắc chắn hậu quả của nghèo đói là điều không ai mong muốn. Cho nên cần những hành động thiết thực để loại bỏ những nguyên nhân gây nên nghèo đói và hậu quả của nó là điều đáng được chú ý.
            3.4.5. Hành động cho người nghèo
                3.4.5.1. Đối với mọi người:
Tông Huấn không chỉ đưa ra những cơ sở lý thuyết mà là một chương trình hành động (EG 25).
Để có thể hành động người ta cần có sự hiểu biết và thúc đẩy từ bên trong. Vì vậy, sự hoán cải thiêng liêng, tình yêu sâu đậm với Thiên Chúa và tha nhân, nhiệt tình đối với công lý và hoà bình, nắm chắc ý nghĩa Tin Mừng của người nghèo và cảnh nghèo, là những điều đòi hỏi mọi người (EG 201).
Phẩm giá của mỗi con người và sự mưu cầu lợi ích chung là những mối quan tâm cần phải có khi định hình mọi chính sách kinh tế (EG 203). ĐTC còn có mong ước cao hơn: sự thăng tiến toàn diện người nghèo, một sự thăng tiến vượt lên trên não trạng thuần tuý an sinh (EG 204). Tuy vậy, cũng cần chú ý đến những gì là bức thiết cho đời sống con người như: "nền giáo dục, chăm sóc y tế, và trên hết là việc làm" (EG 192).
Với những những nguyên nhân đã nêu trên, ĐTC đề nghị: Cần phải nói không với
- "một nền kinh tế loại trừ và bất bình đẳng",
- "ngẫu thần mới là tiền bạc",
- "một hệ thống tài chánh thống trị thay vì phục vụ" (EG 53-56).
Như thế cần phải "thay đổi các cơ cấu" và đồng thời "tạo ra được những niềm tin và thái độ mới"(EG 189). Từ một "nền văn hóa liên đới" (EG 188 ), sự chống lại những lỗi lầm về cơ chế của đói nghèo toàn cầu luôn được mong đợi. Cần giải quyết các nguyên nhân của nghèo khó cách triệt để bằng cách loại bỏ tính tự trị tuyệt đối của các thị trường và nạn đầu cơ tài chánh cũng như bằng cách tấn công vào các nguyên nhân của cơ cấu bất bình đẳng (EG 202). Giúp người nghèo không chỉ là từ thiện mà là thay đổi cơ chế, bởi vì nếu không, vấn đề thế giới sẽ không giải quyết được. Ngài không ngần ngại gọi nền kinh tế "không sử dụng biện pháp khắc phục là chất độc mới", và  Ngài còn nhấn mạnh: "sự phát triển trong công bằng" đòi hỏi nhiều hơn "tăng trưởng kinh tế".
Gợi hứng từ thánh Gioan Kim Khẩu, ĐTC đề nghị: trả lại cho người nghèo những thứ đúng ra thuộc về họ (EG 189). Không chia sẻ với người nghèo những gì mình có là ăn cắp và tước đoạt những gì đáng ra là của họ. Như thế, không làm thăng tiến người nghèo là lỗi đức công bằng.
Những đề nghị trên đây được gởi tới tất cả mọi người trong xã hội. Riêng đối những Ki-tô hữu, ĐTC đã đưa ra những chỉ dẫn quý báu.
               3.4.5.2. Đối với tín hữu:
Sự lựa chọn ưu tiên người nghèo đã đi cùng với lịch sử của Giáo Hội, nhưng ĐTC không muốn bảo vệ người nghèo và để họ cứ tiếp tục nghèo, mà Ngài ao ước tạo nên một xã hội bao gồm người nghèo và tham gia của người nghèo. Đối với con cái trong Giáo Hội, ĐTC đề nghị: đi vào cảm thức nội tâm mới của Giáo Hội trong sự nối kết thực sự với những người nghèo cần được thể hiện, những người nghèo nầy từ nay về sau sẽ không còn được coi là đối tượng đơn thuần của sứ vụ.  Với tư cách là Ki-tô hữu, chúng ta cần giúp người nghèo vì chúng ta đã được giải thoát của ân sủng. Chính vì thế mà mỗi người chúng ta cần thực thi lệnh truyền: “chính anh em hãy cho họ ăn đi!” (Mc 6,37) (EG 188). Chia sẻ những gì mà chúng ta đã lãnh nhận như một đòi buộc cần phải thi hành cách nhiệt tình, với ý thức và trách nhiệm. Nhận nhưng không hãy cho nhưng không.
Thiên Chúa muốn Ki-tô hữu như là "khí cụ" của tấm lòng từ phụ đầy yêu thương của Ngài đối với người nghèo. ĐTC đã diễn tả điều này bằng lời lẽ sau: "Mỗi cá nhân và mỗi cộng đồng Kitô hữu được kêu gọi trở thành một dụng cụ của Thiên Chúa" (EG187), để thi thố lòng thương xót của Chúa đối với người nghèo, "mở lòng và chăm chú lắng nghe tiếng kêu của người nghèo và đến cứu giúp" (EG187). Theo sự trình bày của Kinh Thánh Hy lạp của Bản Bảy Mươi: Thiên Chúa nghe tiếng rên rỉ (stenagmon) của họ; và Thiên Chúa đã nhớ lại giao ước với Abraham, I-sa-ac và Gia-cóp (x. Xh 2,24). Thiên Chúa cũng nói với Môi-sen: " Chính Ta đã nghe tiếng kêu (stenagmon) của con cái It-ra-en rằng những người Ai-cập bắt họ làm nô lệ, và Ta đã nhớ lại giao ước với các ngươi" (Xh 6,5). Thiên Chúa "nhớ lại" có nghĩa là Ngài sẽ can thiệp để cứu giúp họ[10]
Để phục vụ người nghèo có hiệu quả hơn cần có sự cộng tác của các thành phần trong Giáo Hội. Giữa linh mục và giáo dân cần có sự liên đới sâu xa để phục vụ người nghèo. Giáo sĩ cùng với giáo dân cùng lắng nghe tiếng kêu của người nghèo (EG191). Nhưng không chỉ lắng nghe tiếng kêu của lớp người nghèo mà còn "lắng nghe tiếng kêu của cả dân tộc" (EG 190).
Lo cho người nghèo về phần "xác" là một chuyện nhưng quan tâm đến phần "hồn" vẫn là ưu tiên hàng đầu.
               3.4.5.3. Chăm sóc mục vụ đối với người nghèo:
Trước hết, xin có một đề nghị: Đọc lại bài đọc kinh sách thứ bảy, tuần 21 thường niên của Thánh Gioan Kim Khẩu.
Đại đa số người nghèo dành cho niềm tin tôn giáo một sự quan tâm đặc biệt, họ cần Thiên Chúa. Chính vì thế, người mục tử không được bỏ quên họ, nhưng ngược lại cần chia sẻ cho họ tình bạn, ơn lành, Lời Chúa, cử hành các bí tích và chỉ cho họ con đường cứu độ, giúp họ trưởng thành trong đức tin. Việc lựa chọn ưu tiên người nghèo cần được phản ánh chủ yếu trong một sự tiếp đón niềm nở đặc biệt về mặt tôn giáo đối với họ. Thiếu chăm sóc thiêng liêng, chăm sóc tôn giáo đặc biệt và ưu tiên là một kỳ thị tối tệ (EG 200). Cha Jacques Dournes có kể lại một kinh nghiệm truyền giáo của Ngài giữa người dân tộc Ja-rai: " Khi tôi cho họ chăn mùng, tôi chỉ thấy họ trở nên ganh tị và bất mãn. Nhưng khi tôi giảng về hy sinh, tôi thấy đôi mắt họ rực sáng và tôi thấy có những người khóc khi tôi đọc chuyện thương khó của Chúa"[11]. Lựa chọn này không chỉ duy nhất hệ tại các hoạt động hay chương trình thăng tiến và cứu giúp, mà còn coi người nghèo “hầu như là một với chúng ta" (EG199). Thái độ của chúng ta: gần gũi thực sự và chân thành, đồng hành với họ và làm cho họ cảm thấy ở trong Giáo Hội như ở nhà mình.
Người nghèo cần được đón nhận cách nghiêm chỉnh với những đau khổ và sức mạnh của họ.
"Giáo Hội của người nghèo" cần thể hiện trong hành động qua chính sách đối ngoại của mình. Vì thế những trăn trở, suy nghĩ, những chương trình hành động cụ thể và dài hơi để phục vụ người nghèo một cách thiết thực về vật chất và tinh thần luôn là lời mời gọi tha thiết đối với những mục tử trong Giáo Hội. Trong "Kim chỉ nam về tác vụ và đời sống linh mục" cũng có một xác quyết: " Tính khả tín và hiệu năng tông đồ của linh mục phụ thuộc một phần lớn vào sự nhất quán giữa những gì ngài nói và những gì ngài làm, đặc biệt là trong những gì liên quan đến sự nghèo khó"[12]. Kim chỉ nam còn xác định mối tương quan giữa linh mục và người nghèo "là bạn..., linh mục dành cho họ những chăm lo tinh tế nhất từ đức ái mục tử của mình"[13]. Chăm sóc người nghèo là một việc làm tốt chỉ khi với tấm lòng chân thành yêu thương thật sự, chứ không làm vì mình. ĐTC Phan-xi-cô nói trong nhà thờ chính tòa Cagliari (Italia) ngày 22.9.2013: " Một số người muốn làm nổi bật những việc làm tốt của họ. Họ liên tục nói về người nghèo, nhưng sau đó lại sử dụng những người túng thiếu nầy để làm lợi cho cá nhân mình. Tôi biết đó là việc người ta thường làm, nhưng phải nói ngay rằng điều đó không tốt . Đó chắc chắn không phải ý Chúa Giê-su muốn. Tôi sẽ đi xa hơn nữa và nói đó là một tội lỗi. Một tội lỗi nghiêm trọng. Đó là việc lợi dụng người nghèo, những người về bản chất là thân thể của Chúa Giê-su, để trang điểm cho chính mình. Đây là một tội lỗi nghiêm trọng!".
Đó là những gì mà đối với ĐTC là những thách thức của truyền giáo. Nó không phải chủ yếu về những nỗ lực từ thiện trong cái nhìn về người nghèo, nhưng để rao giảng Tin Mừng, cần sống tháp nhập với người nghèo, những người sống ở ngoại vi vật chất và / hoặc hiện hữu . Họ không chỉ là "đối tượng" chăm sóc của chúng ta, nhưng hơn thế họ phải có một chổ đứng trong Giáo Hội và xã hội. Trong bài nói chuyện với Hội nghị các bề trên thượng cấp ngày 05.11.2013, Đức Tổng Giám mục Phao-lô Bùi Văn Đọc cũng đã xác định: "Giáo Hội của người nghèo và cho người nghèo". Ngài lý luận dựa trên việc thiết lập Giáo Hội khi Ngài viết: " Giáo Hội do Chúa Giê-su Ki-tô thiết lập xuất thân từ những người nghèo, bao gồm phần lớn là những người nghèo, thì trong Giáo Hội, người nghèo phải có chổ đứng, có tiếng nói. Người nghèo không thể mãi là những người thấp cổ bé miệng"[14]. Ngài đề nghị: "Giáo Hội phải lưu tâm nhiều hơn đến những hạng người nầy, chăm sóc đặc biệt hơn, đồng hành với họ, chia sẻ nếp sống của họ, chia sẻ của cải cho họ, trợ giúp thực tế khi họ cần"[15].
Đức Cha Giáo Phận cũng mượn lời của Ủy Ban Bác Ái Xã Hội - Caritas Việt Nam của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam  đề nghị: "Đức ái không phải là một nhãn hiệu hay lời nói suông, nhưng phải được thể hiện bằng những việc làm cụ thể. Để thực hiện điều này, Ủy Ban Bác Ái Xã Hội - Caritas Việt Nam của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam kêu gọi mọi thành phần dân Chúa tham gia phục vụ con người, nhất là những người nghèo khổ cả vật chất lẫn tinh thần, những người bị bỏ rơi, bị gạt ra bên lề xã hội, thiếu những điều kiện sống căn bản của con người"[16].
Đức Cha Giáo Phận cũng thấy sự phù hợp giữa chủ đề "gia tăng đức ái" của chương trình mục vụ với lời kêu gọi của Đức Thánh Cha: "Đức Kitô đã đến chia sẻ kiếp sống lầm than của con người để giải thoát con người khỏi ba mức độ lầm than. Trước hết là cảnh lầm than vật chất, thường được gọi là sự nghèo khổ, khiến con người phải sống trong những hoàn cảnh không xứng đáng với phẩm giá con người. Tiếp đến là sự lầm than luân lý, tức là tình trạng con người bị nô lệ các tật xấu và tội lỗi. Cuối cùng là sự lầm than tinh thần, tức là tình trạng con người xa lìa Thiên Chúa và từ khước tình thương của Người. Và Đức Thánh Cha kêu gọi toàn thể Giáo Hội noi gương Đức Kitô, biết quan tâm giúp đỡ những anh chị em đang ở trong ba cảnh lầm than ấy. Điều này phù hợp với chủ đề “gia tăng đức ái” của giáo phận Qui Nhơn trong năm 2014 này"[17].
Ngày 28.08.2014, Lễ khấn dòng đầu tiên của dòng Nữ Tỳ Chúa Giê-su Tình Thương của tám chị em tuyên khấn lần đầu. Chị em không chỉ hứa sống theo ba lời khuyên Phúc Âm, mà còn có như là một cam kết long trọng: Thực thi đức ái trọn hảo đặc biệt đối với những người nghèo khổ. Biến cố nầy hứa hẹn một viển cảnh tốt đẹp cho công việc rao truyền Tin Mừng cho người nghèo của Giáo Phận nhà.
Như là đề nghị  để tham khảo về những việc làm phục vụ người nghèo theo chị Agnes Lanfermann, Bề Trên Tổng Quyền của dòng MMS (Medical Mission Sisters)[18]:
a) đến tiếp cận nỗi đau của người nghèo - ngay cả khi bạn không hoàn toàn hiểu và có thể giải thích nó;
b) cho người nghèo một diện mạo;
c) tìm kiếm Thiên Chúa trong họ - ngay cả khi người nghèo và Thiên Chúa ẩn mình;
d) trong trái tim của chúng ta một sự đồng cãm vang lên - trong sự tách ly giữa hành động và chiêm niệm, và trong quyết định cơ bản không bao giờ bỏ quên người nghèo;
e) nói với những người quẩn bách về Thiên Chúa;
f) đặt tên cho những gì đã bị giết chết bằng tên gọi; và
g) để trải nghiệm khích lệ - một loại của sự sống lại trong sức mạnh của Thần Khí.
Có một điều chúng ta cần cố gắng đó là đến gặp gỡ cách cụ thể và đích thân những người nghèo, đến lân la trò chuyện với họ, cho dẫu mất nhiều thời gian và những bất tiện khác.
Ngày 18.08.2014, Đức Cha Phao-lô Nguyễn Thanh Hoan, nguyên Giám Mục Phan Thiết đã về với Chúa, sau một cuộc đời vâng theo lời và bắt chước gương sống của Thầy Chí Thánh của mình là Đức Ki-tô, Ngài đã hết lòng phục vụ người nghèo với khẩu hiệu giám mục: "Tin Mừng cho người nghèo". Như thế, phải chăng "tình yêu Đức Ki-tô thúc bách" Ngài để Ngài sống cho Tin Mừng và cho người nghèo.
Nhiệt thành hành động cho người nghèo và ưu tiên chọn người nghèo để rao giảng Tin Mừng là những quan tâm của chúng ta, nhưng chính trong việc phục vụ người nghèo nầy chúng ta lại nhận được những điều tốt lành từ họ.

4. Người nghèo Phúc Âm hóa và dạy chúng ta.

Giáo Hội "luôn luôn cần được loan báo Tin Mừng" (EG 164) và khát vọng vô cùng trong mỗi người (EG165), là sống với lối sống nghèo của Đức Giê-su Ki-tô và gặp gỡ vẻ đẹp của nghèo khó. Dựa trên nền tảng nầy con đường nghèo khó chiếm vị trí trung tâm trong công việc truyền giáo của Giáo Hội. Giáo Hội nên để cho người nghèo lên tiếng và lắng nghe họ cũng như "ôm ấp sự khôn ngoan mầu nhiệm mà Thiên Chúa muốn chia sẻ với chúng ta thông qua họ" (EG 198). ĐTC nhấn mạnh : " Họ có nhiều điều để dạy chúng ta. Không những họ tham dự vào cảm thức đức tin (sensus fidei), nhưng giữa những khó khăn họ biết Đức Kitô chịu đau khổ. Chúng ta cần phải để mình được Phúc Âm hoá bởi họ. Tân Phúc Âm hoá là một lời mời gọi nhìn nhận quyền năng cứu độ đang hoạt động trong đời sống của họ và đặt nó vào tâm điểm cuộc lữ hành của Hội Thánh... " (EG 198). Đa số người nghèo có một sự mở lòng đặc biệt với đức tin (200).
Người nghèo Phúc Âm hóa chúng ta, không vì họ là những người tốt hơn, nhưng vì họ ở trong những hoàn cảnh bị hạn chế, bị đầu độc, nạn nhân của bạo lực, bóc lột, giết hại ...  mơ ước về một tương lai tốt hơn, họ sống trong hy vọng.
Vai trò của người nghèo thật là quan trọng đối với việc Phúc Âm hóa Giáo Hội, khi ĐTC Phan-xi-cô xem họ không chỉ là chủ thể sứ vụ, mà còn cho là người mang mặc khải của Thiên Chúa (EG 198).
Ngay cả tang chế, đau khổ, nghèo nàn về vật chất, không có quyền hạn cũng chỉ cho chúng ta con đường đi vào Nước Chúa (Mt 5).
Những người bé mọn là những đại diện Chúa Kitô trên trần gian. Cách đối xử của chúng ta đối với họ quyết định sự cứu độ của chúng ta (Mt 25,40). Phải chăng có sự chất vấn của các khái niệm như "tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo", "giáo dục miễn phí cho tất cả", "hỗ trợ quân sự cho hòa bình", "dân chủ", "toàn cầu hóa", " nền kinh tế mở", "hoạt động an toàn trên biển - để bảo vệ người tị nạn, "...  của người nghèo, và thái độ của chúng ta bị đặt trong sự kiểm nghiệm về sự đáp ứng đối với những chất vấn nầy.
Đức Ki tô tự tỏ lộ cách đặc biệt trong người nghèo, Ngài đã đón nhận số phận của họ, theo ĐTC họ được xem như là người Phúc Âm hóa Giáo Hội, yêu cầu của "con đường của cái đẹp"(EG 167), gọi là via pulchritudinis, là một liên kết căn bản với nghèo khó.
Qua những trình bày trên, người ta thấy được: Tông Huấn đã minh thị mối quan hệ giữa Phúc Âm hóa và thăng tiến con người, đã nêu lên cách rỏ ràng chiều kích xã hội của việc rao giảng Tin Mừng là kết quả của sự tiếp nối và mở rộng những tài liệu đã có trước đó.

5. Những tài liệu tham khảo của ĐTC Phan-xi-cô:

Khuôn khổ thần học của Evangelii Gaudium có thể được xác định theo đường dẫn sau: Tất cả mọi điều được đề nghị theo một quan điểm truyền giáo (EG 34). Có lẽ tài liệu quan trọng nhất của tham chiếu là các tài liệu của Aparecida ( không chỉ là chú thích footnote trong EG 25, mà là kết nối các yếu tố của tài liệu Mỹ Latinh nầy trong EG 10, 15, 83, 122, 124 và EG 181).
Học thuyết về sự nghèo khó của ĐTC Phan-xi-cô dựa trên các tài liệu Evangelii NuntiandiRedemptoris Missio,  Lineamenta và Instrumentums laboris của Thượng Hội Đồng Giám Mục. ĐTC đã diễn tả thần học sứ vụ dựa trên các giáo điều của Công Đồng Vatican II: Lumen Gentium, Gaudium et SpesDei Verbum.  Ngài cũng tham khảo một số chổ trong luận thuyết thần học của Thánh Tô-ma A-qui-nô và các tông huấn: Populorum Progressio, Solicitudo rei socialis, Centesimus Annus, Redemptores mater, Ecclesiam suam, Fides et Ratio, Deus Caritas EstCaritas in Veritate. Ngoài những tài liệu đã nêu, ĐTC Phan-xi-cô cũng chú ý đến các kinh nghiệm và phản ánh của các giáo hội địa phương: Tông huấn Ecclesia in Asia, Ecclesia in America, Ecclesia in Africa, Ecclesia in Oceania, Ecclesia in Medio Oriente, một số thư mục vụ từ các Hội đồng Giám mục khác nhau (Pháp, Ba Tây, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Công Gô, Phi Luật Tân) và cuối cùng là tài liệu Mê Xi Cô cổ Nahua: Nican Mopohua.
Như thế, một cách nào đó Evangelii Gaudium đã phản ánh suy nghĩ chung của Giáo Hội hoàn vũ với một mức độ nhất định. Trong đó vấn đề nghèo đói đã được trình bày với nhiều chiều kích.
 

[1] BÊNÊĐICTÔ XVI, Diễn từ cho các giám mục Ba Tây tại nhà thờ chánh tòa São Paolo, (11-5-2007), 3, AAS 99(2007), 428.
[2] Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 3-8-2014, Linh Tiến Khải dịch.
[3] CHRISTIAN MELLON (CERAS ngày 30/12/2013),Tý Linh chuyển ngữ (đã đăng trên xuanbichvietnam.net),Nguồn : doctrine-sociale-catholique.fr.
[4] Evangelii Nuntiandi 31
[5] CHRISTIAN MELLON (CERAS ngày 30/12/2013),Tý Linh chuyển ngữ (đã đăng trên xuanbichvietnam.net),Nguồn : doctrine-sociale-catholique.fr
[6] Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 3-8-2014, Linh Tiến Khải dịch.
[7] https://www.dosomething.org/facts/11-facts-about-global-poverty
[8] http://dantri.com.vn/kinh- doanh/worldbank-viet-nam...
http://soldtbxh.haiduong.gov.vn..
http://www.wds.worldbank.org/external...
[9] Thời các Giáo Phụ: Xuất hiện các thủ bản phổ thông về đức tin để trình bày giáo lý cho các dự tòng. Đầu thế kỷ V, do yêu cầu của một giáo lý viên, Thánh Augustinô đã viết cuốn De catechizandis rudibus, gồm 27 chương sách giáo lý, trong đó ngài đã cố gắng giúp các tín hữu đào sâu đức tin của mình, khởi đi từ lịch sử cứu độ và kết thúc với sự phục sinh của Đức Kitô, tột đỉnh niềm vui của giáo lý viên và việc dạy giáo lý.
[10] CLAUDE TASSIN, Thế tục hóa và việc đào tạo linh mục tại Việt nam, 06-18.7.2014, Đà Lạt, 104-105.
[11] JACQUES DOURNES, God in Vietnam. A Christian Mission on the plateaux of Vietnam, Geoffrey Chapman, London-Dublin-Melbourne 1966, 49-50.
[12] BỘ GIÁO SĨ, Kim chỉ nam về tác vụ và đời sống linh mục, Nxb Tôn Giáo Ấn bản mới 2013, 140.
[13] Sđd, 140
[14] TGM PHAOLÔ BÙI VĂN ĐỌC, Đường hướng mục vụ của Giáo Hội Chúa Ki-tô tại Việt Nam, 05.11.2013, 6.
[15] Sđd, 6.
[16] Thư Đức Giám Mục Giáo Phận gửi Cộng Đồng Dân Chúa Giáo Phận Qui Nhơn về việc tham gia Hội Caritas Giáo Phận, ngày 04 tháng 04 năm 2014.
[17] Thư Đức Giám Mục Giáo Phận gửi các linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinhvà anh chị em giáo dân trong Gia Đình Giáo Phận Qui Nhơn nhân dịp mùa chay 2014, ngày 01 tháng 03 năm 2014.
[18] Our Mission: Medical Mission Sisters are women full of passion…for wholeness, for justice, for life. Like our Foundress, Anna Dengel, M.D., “it eats us up” when individuals and communities are denied the resources and opportunities they need to live as human beings. It moves us to the core of our being when and where people are made poor, are oppressed or are overwhelmed with a sense of powerlessness. In our broken, wounded world, Medical Mission Sisters are called to live as a healing presence. We try to bring about a world where all live in harmony and where no one is in want. We try to live as Jesus lived, with care and compassion for all. A Community of dedicated women with almost 600 Canonical members and 100 Associates, we share life and our own unique expertise with women, children and men on five continents today. We enter into their lives as partners, as peers, as friends. We work together with them to build one world, and be one world, where the gifts of all people, all cultures, all creation are affirmed and celebrated.
 
Tác giả bài viết: Lm. Anrê Đoàn Văn Điểm
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 21
  • Khách viếng thăm: 3
  • Máy chủ tìm kiếm: 18
  • Hôm nay: 3826
  • Tháng hiện tại: 107479
  • Tổng lượt truy cập: 12251739