Trang mới   https://gpquinhon.org

Người đàn bà xức dầu thơm

Đăng lúc: Thứ năm - 06/10/2016 18:38
http://www.allanstanglin.com/wp-content/uploads/SinfulWomanWashingFeet.jpg

NGƯỜI ĐÀN BÀ XỨC DẦU THƠM

(Lc 7, 36-50)
Tại Vương Cung Thánh Đường Latêranô, 30/1/2016
Đọc và suy gẫm Lời Chúa do Nuria Calduch - Benages[1], MN



Một người đàn bà vô danh

Sứ điệp tàng ẩn phía sau?

Vốn bị truyền thống coi như người tội lỗi trước công chúng, đã được tha thứ và sám hối ăn năn, “người đàn bà xức dầu thơm” là một trong những phụ nữ vô danh được kể lại trong Phúc Âm Thánh Luca. Còn đối với chúng ta, đó là “người đàn bà xức dầu thơm”, người đã đổ bình bạch ngọc trên chân Thầy Chí Thánh, một người đàn bà được Thiên Chúa tỏ lòng thương xót. “Người đàn bà xức dầu thơm”: tại sao lại có danh xưng mới mẻ này? Câu trả lời đơn giản thôi: chúng ta muốn tiếp cận bản văn Phúc Âm bằng cách khởi sự từ nhãn quan mới, chúng ta muốn chiêm ngưỡng với đôi mắt mới, muốn nghe bằng đôi tai mới, muốn vuốt ve bằng đôi tay mới, muốn lợi dụng tất cả hương vị, muốn khám phá những tiểu tiết và những âm vang, chúng ta muốn tự do và vui mừng hít thở hương thơm.

Luca kể lại nhiều câu chuyện về những người đàn bà: Êlizabét, Anna, Maria, bà góa nghèo đã cho hết những gì mình có... những câu chuyện thật độc đáo. Còn “người đàn bà xức dầu thơm”, không đui mù, phong cùi, điếc lác, hay là bất toại; căn bệnh của bà thuộc về một cấp bậc khác: “người đàn bà xức dầu thơm” đã sống trong tội lỗi. Chúa Giêsu lập tức cho bà một liều thuốc công hiệu, Ngài tha thứ mọi tội lỗi của bà. Ngài không nhớ, không tính, cũng không xét những tội đó. Chúa Giêsu phục hồi những xúc cảm nhân văn hết sức tinh tế của người đàn bà: yêu mến và biết ơn. “Người đàn bà xức dầu thơm” là người tỏ ra yêu mến nhiều, một tình yêu với lòng biết ơn vô hạn (như Maria Mađêlêna). Người đàn bà không thể nói nên lời những tâm tình đối với Chúa Giêsu, và vì không thể nói được, trái tim của bà dẫn đưa tới một cử chỉ táo bạo.

Chúa Giêsu được mời đến dùng bữa

Mọi sự bắt đầu chỉ bằng một lời mời. Ông Simon mời Chúa Giêsu đến dùng bữa tại nhà ông. Việc này chẳng có gì lạ: dùng bữa là một điều rất thông thường trong xã hội Do Thái lúc bấy giờ, cũng như trong xã hội chúng ta. Cùng nhau dùng bữa là một sự kiện xã hội rất quan trọng. Mời Chúa Giêsu, đó là một cử chỉ hiếu khách, một sự cởi mở thân tình từ phía người biệt phái đối với Thầy Chí Thánh. Simon có cách để tiếp cận Chúa Giêsu. Chúng ta không thể biết những ý định của riêng ông, nhưng nếu một người mở cửa đón Chúa Giêsu vào nhà mình, chắc hẳn người đó muốn biết Ngài và muốn bắt đầu một mối quan hệ liên vị với Ngài. Lần này là một bữa thết đãi đặc biệt, với một vị khách mời danh dự mà mọi người đều biết đến. Chúa Giêsu đã tự nguyện chấp nhận lời mời: vào nhà người biệt phái, thoải mái ngồi đồng bàn với những thực khách khác, theo thói quen của người Hy-La. Chúa Giêsu không phát biểu hay bình luận điều gì, Ngài chỉ thể hiện sự thân tình. Ngài biết rõ việc ngồi đồng bàn với một người biệt phái, một cách nào đó, có nghĩa là bước vào một thế giới khép kín.

Người đàn bà bước vào và xức dầu cho Chúa Giêsu

Người đàn bà đột nhiên xuất hiện một cách bất ngờ. Thực ra bà đến bữa tiệc không phải bởi được mời nhưng bằng cách lén lút. Bà không thuộc về nhóm này, bà không được hướng dẫn và chỉ là một người đàn bà tội lỗi. Bà bước vào khu vực dành cho đàn ông. Bà biết Chúa Giêsu ở đâu và đi thẳng về phía Ngài. Bà muốn gặp Ngài. Bà phá vỡ mọi luật lệ khắc khe của xã hội. Bà đối mặt với nguy cơ bị đuổi ra, bị hiểu lầm, bị coi khinh, bị lên án. Lòng yêu mến và biết ơn của bà đối với Chúa Giêsu vượt xa các quy tắc xã hội. Chỗ ngồi của bà đã nói lên điều đó: Chúa Giêsu ngồi trên ghế phía sau bàn, người đàn bà ngồi dưới đất đàng sau Ngài, đầu kề sát chân Thầy; Chúa Giêsu ở vị trí cao hơn bà, còn bà ở phía dưới khóc lóc, ngắm nhìn Ngài và thưa chuyện với Ngài bằng cả thân thể mình, trong thinh lặng, không một lời nói. Sấp mình dưới chân Chúa, bà tỏ một thái độ phục vụ, như người môn đệ đang lắng nghe thầy, sẵn sàng đón nhận lời Ngài nói. Trong nhà Simon ai nấy đều có ghế ngồi, chỉ mình bà là ngồi dưới đất. Tất cả đều ngồi đối mặt với nhau, còn bà thì ở đàng sau. Tất cả nhìn thấy mặt nhau, còn bà chỉ thấy chân Chúa Giêsu. Lúc này, bà bị loại khỏi bàn tiệc, chỗ của bà là phía dưới thấp ở đàng sau. Lát nữa đây bà sẽ trở thành nhân vật chính của câu chuyện. Chắc chắn sẽ chẳng có gì đặc biệt xảy ra ở nhà Simon nếu không có sự xuất hiện đột ngột của “người đàn bà xức dầu thơm”.

Các nhân vật chính của câu chuyện: Chúa Giêsu, người đàn bà tội lỗi, Simon người biệt phái và những thực khách khác, tất cả đều ở trong diễn tiến của lề luật, điều đối chọi với diễn tiến của tình yêu. Simon người biệt phái và nhóm của ông biểu trưng cho lề luật, còn Chúa Giêsu là hiện thân của tình yêu. Ở giữa là người đàn bà tội lỗi. Simon tố cáo, còn Chúa Giêsu tha thứ. Hành động của Chúa Giêsu là một sự thách thức.

Chúa Giêsu và người đàn bà vẫn lặng yên, hay đúng hơn hai người giao tiếp với nhau trong thinh lặng. Người đàn bà không thể nói, bà xúc động. Tại sao bà khóc? Vì ăn năn, vì yêu mến, vì cảm động trong lòng hay là vì biết ơn? Chúng ta không biết, nhưng chắc chắn Chúa Giêsu biết. Dựa vào khung cảnh, chúng ta có thể nghĩ là hai người đã gặp nhau trong một dịp nào đó. Người đàn bà khóc lóc, Chúa Giêsu trả lời bằng sự yên lặng. Một sự yên lặng được lấp đầy bằng sự quan tâm, trân trọng, biết ơn của người bên cạnh Ngài. Chúa Giêsu không thay đổi tư thế, Ngài vẫn nghiêng người về phía bàn ăn, còn người đàn bà khóc dưới chân Ngài. Khung cảnh thật dịu dàng khiến cho người ta phải thinh lặng chiêm ngưỡng.

Thay vì nói bằng lời, người đàn bà dùng ngôn ngữ của thân thể. Bằng thân thể của mình, nhất là với đôi tay, môi miệng và mái tóc, bà đã truyền đạt đầy đủ sứ điệp của mình: lòng yêu mến đối với Chúa Giêsu và cảm giác chướng kỳ đối với Simon và các khách mời của ông. Người đàn bà không nói gì; sự im lặng khác thường đã nói rất nhiều. Bà làm bốn động tác trên chân Chúa Giêsu: hôn chân, rửa chân bằng nước mắt, lau khô bằng mái tóc và xức dầu thơm trên đôi chân Ngài. Bốn động tác bao hàm sự tiếp xúc thể lý. Chúa Giêsu xúc động bởi vì Ngài được yêu mến. Sự mơn trớn của người đàn bà là biểu hiện của một tình yêu chân thành và biết ơn, một tình yêu khiến cho bà ra khỏi chính mình để bước vào hoàn cảnh của người khác. Điều này đòi hỏi thời gian; bà cần có thời gian để bảy tỏ tình yêu của mình. Bà đang giữ trong tay một vật rất giá trị đối với bà, đó là chân Chúa Giêsu. Bà ôm hôn chân Thầy một cách vô vị lợi mà không mong chờ đáp trả.

Những cử chỉ âu yếm nảy sinh tình yêu này là hoàn toàn tự do: lấy nước mắt thấm vào chân Chúa Giêsu, bà bảy tỏ những tình cảm thân mật nhất; trong lúc rửa chân Chúa Giêsu, bà cũng gột rửa tâm hồn của bà. Lấy tóc lau chân Chúa Giêsu, liệu có sự sỗ sàng hay khiêu khích nào đó nơi cử chỉ này của người đàn bà? Chắc chắn là không. Hình ảnh này khiến chúng ta nhớ lại sách Diễm Ca. Ở đây, người chồng đắm say mái tóc vị hôn thê của mình, và kêu lên “Tóc em cuồn cuộn như bầy cừu ùa xuống từ núi Galát” (Dc 4,1). Chúa Giêsu rất nhạy cảm trước vẻ đẹp của con người, và Ngài trân trọng vẻ đẹp ấy ở mọi khía cạnh: vẻ đẹp của thể xác và vẻ đẹp của tâm hồn. Người đàn bà lấy tóc lau nhiều lần trên chân Ngài, đó là một người đàn bà biết yêu và đáng được yêu. Đó là nét đẹp của bà, và điều này lý giải tại sao bà là người phụ nữ của sắc đẹp.

Cử chỉ gây phản ứng tiêu cực nơi những người dự tiệc

Dầu thơm rất đắt tiền nên người ta không sử dụng nó cách vô ích, nó được dùng làm quà biếu để tỏ lòng kính trọng đối với những người mà họ rất yêu quý. Cử chỉ xức dầu của người đàn bà tỏa ra mùi hương biết ơn. Đôi bàn tay đầy hương thơm của bà đã chạm vào Chúa Giêsu. Bấy giờ, mùi hương của người đàn bà cũng là mùi hương của Chúa Giêsu.

Chắc hẳn, cử chỉ của người đàn bà không được người đương thời chấp nhận, không thể hình dung được đối với tư tưởng của người Do Thái. Một sự phê phán ra mặt đối với Chúa Giêsu, người mà mới đây thôi còn là một vị ngôn sứ đích thực đối với Simon. Người đàn bà đã xóa tan lề luật căn bản về lòng đạo đức, được dùng để phân biệt giữa những thứ trong sạch và ô uế, của những người biệt phái. Sự xét đoán của Simon bị chặn lại: Chúa Giêsu không phải là một ngôn sứ, vì một ngôn sứ sẽ không bao giờ để xảy ra một gương xấu như vậy. Simon chỉ thấy được sự đụng chạm thể lý giữa Chúa Giêsu và người đàn bà tội lỗi, đó là điều thuộc tầm nhìn của mắt thường. Simon chỉ thấy những sự việc trần trụi: người đàn bà đụng chạm thân thể người khách mời của ông, và vị khách này đã để cho bà làm như vậy. Đây là một người đàn bà tội lỗi trước công chúng, do đó là một người ô uế. Tầm nhìn hạn hẹp của người biệt phái dẫn đến quan niệm khinh người, bất kể kinh nghiệm của trái tim, và bóp méo sự thật. Quả nhiên, Simon với sự xét đoán của mình đã làm cho Chúa Giêsu không thể làm thinh được.

Chúa Giêsu bênh vực người đàn bà và nói lên lập trường của Ngài bằng một dụ ngôn

Dù không ai mách bảo, Chúa Giêsu vẫn biết những suy nghĩ của Simon, và Ngài sắp tỏ cho ông biết tư cách của vị ngôn sứ đích thực. Lần đầu tiên trong suốt câu chuyện, Chúa Giêsu lên tiếng. Ngài quay về phía người biệt phái và gọi tên ông: “Simon, tôi có điều muốn nói với ông” (c.40-41). Ngài đưa ra dụ ngôn về người mắc nợ để minh họa cho lời mình nói. Chủ nợ tha hết các khoản nợ mà không đòi những người mắc nợ phải đền bù hay hứa hẹn điều gì. Chúa Giêsu tuyệt đối không đồng tình với Simon về vấn đề trong sạch hay ô uế. Ngài hỏi thẳng Simon như sau: “Ông thấy người đàn bà này chứ” (c.44). Đó là lời cảnh báo đầu tiên mà Chúa Giêsu nói với Simon. Ông phải xem và nhìn người đàn bà với một cái nhìn khác: không phải như một người không tuân thủ những lễ nghi bất khả xâm phạm, nhưng là như một con người mới, đã được giải thoát và tha thứ. Còn Simon, ông đã thiếu sự tôn trọng đối với Chúa Giêsu, không thực hiện những cử chỉ thông thường nhất để tỏ lòng hiếu khách như: rửa chân, hôn bình an và xức dầu trên đầu. Như vậy là Simon trở nên người lỗi luật, một người chủ không làm trọn bổn phận của mình.

Chúa Giêsu khen ngợi người đàn bà

Người đàn bà đã vượt qua tất cả các quy tắc lịch sự. Bà làm hết sức có thể để tôn vinh vị khách mời mà không bỏ qua một chi tiết nào. Đối với Chúa Giêsu, người chủ nhà thực sự chính là người đàn bà đang hành động yêu mến. Như vậy, Chúa Giêsu đã trả lại cho bà trọn vẹn phẩm giá mà Simon đã tước đi khỏi bà. Đàng khác, người đàn bà chứng tỏ rằng Simon đã không chu toàn bổn phận hiếu khách đối với vị khách mời đặc biệt này. Chúa Giêsu kết luận ý kiến của Ngài bằng một câu tóm lược mọi giáo huấn mà Ngài muốn truyền đạt: “Tôi nói với ông: tội lỗi của bà rất nhiều, nhưng đã được tha thứ, bởi vì bà đã tỏ lòng yêu mến nhiều. Người nào tha thứ ít thì tỏ lòng yêu mến ít” (c.47). Lần đầu tiên Chúa Giêsu quay lại phía người đàn bà: “Tội lỗi của con đã được tha. Đức tin con đã cứu con, hãy đi về bình an.”

Simon biến mất khỏi câu chuyện. Người đàn bà rời nhà Simon với trọn vẹn phẩm giá của mình và với một con tim tràn ngập sự bình an.

Simon có những lối suy nghĩ cứng nhắc. Người đàn bà yêu mến, dám bất chấp định kiến xã hội mà đánh liều. Chúa Giêsu mở ra một cánh cửa cho tương lai, khơi dậy niềm trông cậy.
 
Qui Nhơn, ngày 12 tháng 08 năm 2016
Người dịch: GM Phêrô Nguyễn Soạn
 

[1] Nữ tu Nuria Calduch-Benages, người Tây Ban Nha, thuộc Dòng nữ tử truyền giáo Thánh gia Nazarét (Misioneras Hijas de la Sagrada Familia de Nazaret), giáo sư Kinh Thánh tại Đại học Gregorian, thành viên Ủy ban Giáo Hoàng về Kinh Thánh. 
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 44
  • Khách viếng thăm: 40
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 5942
  • Tháng hiện tại: 120937
  • Tổng lượt truy cập: 12265197