Trang mới   https://gpquinhon.org

Thư ĐGM giáo phận gửi cộng đoàn dân Chúa về chương trình mục vụ năm 2014

Đăng lúc: Thứ bảy - 15/03/2014 10:57



THƯ ĐỨC GIÁM MỤC GIÁO PHẬN

GỬI CÁC LINH MỤC, TU SĨ NAM NỮ, CHỦNG SINH
VÀ ANH CHỊ EM GIÁO DÂN
TRONG GIA ĐÌNH GIÁO PHẬN QUI NHƠN
VỀ CHƯƠNG TRÌNH MỤC VỤ NĂM 2014


 

Anh chị em thân mến,

1. CON ĐƯỜNG TÂN PHÚC-ÂM-HÓA mà chúng ta đang đi là lộ trình hướng về Năm Thánh giáo phận sẽ được cử hành vào năm 2018, kỷ niệm 400 năm giáo phận đón nhận Tin Mừng. Trong bức thư gửi toàn thể cộng đồng dân Chúa giáo phận Qui Nhơn nhân ngày cử hành Năm Đức Tin cho việc truyền giáo của giáo phận, 20.10.2013, tôi đã viết: “Trong hoàn cảnh hiện nay, giáo phận cần phải được “tân Phúc-Âm-hóa”, tức là cần phải đẩy mạnh công cuộc truyền giáo bằng một nhiệt tình mới, với những phương pháp mới và những cách diễn tả mới phù hợp với những hoàn cảnh mới. Mọi thành phần dân Chúa trong giáo phận đều phải tích cực tham gia. Cách riêng các linh mục đang làm công việc mục vụ tại các giáo xứ được giao cho mình không những chỉ quan tâm chăm sóc các tín hữu, mà còn phải đi đến với anh chị em lương dân đang sống chung quanh.”

2. Công cuộc tân Phúc-Âm-hóa phải bắt đầu từ mỗi gia đình, để một khi đã được Phúc-Âm-hóa, các thành phần trong gia đình sẽ có khả năng góp phần vào công trình Phúc-Âm-hóa xã hội. Phúc-Âm-hóa là loan báo Tin Mừng về tình yêu cứu độ của Thiên Chúa đối với con người, để mọi người vui mừng nhận biết mình được Thiên Chúa yêu thương và làm cho tình yêu ấy được lan tỏa đến những người đang sống trong đau khổ và những người chưa nhận biết Thiên Chúa là tình yêu. Gia đình vốn là cộng đoàn tình yêu, nhưng hiện nay tình yêu ngày càng vắng bóng trong các gia đình, nên gia đình cần được Phúc-Âm-hóa trước hết bằng cách gia tăng đức ái. Vì vậy, chủ đề mục vụ của giáo phận Qui Nhơn trong năm 2014 này là gia tăng đức ái trong đời sống gia đình để loan báo Tin Mừng tình thương. Việc gia tăng đức ái không dừng lại tại ngưỡng cửa gia đình, nhưng phải được mở rộng trong các quan hệ xã hội.

ĐỊNH HƯỚNG VÀ TINH THẦN

3. Để tiến nhanh hơn trên lộ trình mục vụ mà toàn thể cộng đồng dân Chúa giáo phận Qui Nhơn đã chọn, cần phải có một định hướng và một tinh thần phù hợp xuyên suốt nhiều năm. Về điểm này chúng ta có thể tìm thấy ánh sáng trong tông huấn Niềm Vui Của Tin Mừng của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Định hướng

4. Đức Thánh Cha Phanxicô đã phác họa định hướng này bằng hai chữ ‘đi ra’, một Hội Thánh đi ra.[1] Ngài viết: “Không thể thụ động và thản nhiên ngồi đợi trong các nhà thờ của chúng ta; chúng ta cần phải chuyển đổi từ một nền mục vụ thuần túy bảo tồn sang một mục vụ dứt khoát mang tính truyền giáo”.[2] Đây cũng chính là con đường của Đức Kitô mà Hội Thánh và mỗi người chúng ta phải bước theo. Quả thế, Đức Kitô đã từ gia đình Ba Ngôi đi ra về phía nhân loại và mang lấy những hệ lụy của cuộc sống con người trần gian để cứu độ họ. Đến lượt mình, Hội Thánh cũng đi ra về phía dân ngoại để loan báo cho họ Tin Mừng của Đức Kitô.

Khung cửa đầu tiên mà từ đó chúng ta đi ra để thực hiện sứ mạng này chính là khung cửa gia đình: gia đình Kitô hữu, gia đình cộng đoàn dòng tu, gia đình giáo xứ, gia đình giáo phận và gia đình Hội Thánh. “Mỗi Kitô hữu và mỗi cộng đoàn phải nhận ra con đường mà Chúa chỉ cho, nhưng tất cả chúng ta phải vâng theo tiếng gọi của Người là ra đi từ vùng đất tiện nghi của mình để đến với mọi vùng ‘ngoại vi’ đang cần đến ánh sáng Tin Mừng”.[3] Nếu gia đình là tổ ấm tiện nghi, thì những vùng ngoại vi được hiểu là nơi đang thiếu tình thương, đầy khó khăn và bất ổn.

5. Khi đi ra những vùng ngoại vi như thế, chắc chắn chúng ta không thể tránh được những hệ lụy khiến chúng ta chùn chân. Tuy nhiên Đức Thánh Cha đã phát biểu một cách chắc nịch: “Tôi thà có một Hội Thánh bị bầm dập, mang thương tích và lem luốc vì đi ra ngoài đường, hơn là một Hội Thánh ốm yếu vì bị giam hãm và bám víu vào sự an toàn của mình. Tôi không muốn một Hội Thánh chỉ lo đặt mình vào trung tâm để rốt cuộc bị mắc kẹt trong một mạng lưới các nỗi ám ảnh và thủ tục…Tôi mong rằng, thay vì sợ đi lạc, chúng ta nên sợ bị giam hãm trong những cấu trúc làm cho chúng ta có một cảm giác an toàn giả tạo, những qui tắc biến chúng ta thành những quan tòa tàn nhẫn”.[4]

6. Với lập trường vững chắc ấy, ngài khẳng định: “Việc đổi mới các cơ cấu theo đòi hỏi của sự hoán cải mục vụ chỉ có thể được hiểu trong ánh sáng này: như một phần của cố gắng làm cho chúng có định hướng truyền giáo hơn, làm cho hoạt động mục vụ thông thường ở mọi cấp mang tính bao gồm và mở rộng hơn, khơi dậy nơi những người làm mục vụ một ước muốn không ngừng đi ra và nhờ đó kích thích một đáp ứng tích cực từ tất cả những người được Đức Kitô mời gọi đi vào tình bạn với Người”.[5]

Như vậy, một Hội Thánh đi ra cũng là một Hội Thánh mở cửa để tiếp nhận tất cả mọi người, ngay cả những người lạc lối và tội lỗi, để dẫn đưa họ trở về trong lòng Hội Thánh là nhà Cha, như lời Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: “Thỉnh thoảng chúng ta phải giống như người cha của đứa con hoang đàng, luôn luôn để cửa mở, hầu khi đứa con trở về nó có thể vào ngay trong nhà”.[6]

Tinh thần

7. Có một định hướng như con đường để bước theo, nhưng cũng cần phải có một tinh thần để nâng đỡ và thúc đẩy bước chân trên con đường ấy, nhất là khi con đường ấy có nhiều chông gai và trở ngại. Tinh thần này được biểu lộ dưới nhiều hình thức khác nhau nhưng liên kết mật thiết với nhau.

8. Trước hết, đó là sự vui tươi phấn khởi, một nét mới mẻ trong cuộc tân Phúc-Âm-hóa, không những mới trong các phương pháp, trong cách diễn tả, mà còn mới trong nhiệt tình, tức là một sự hăng say phấn khởi, một niềm vui thực sự khi được Đức Kitô sai đi loan báo Tin Mừng của Người. Vì thế Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: “Tôi muốn khích lệ các tín hữu đi vào một chương mới của công cuộc loan báo Tin Mừng ngập tràn niềm vui này”.[7] Và ngài giải thích: “Người Kitô hữu phải tỏ ra như là những người muốn chia sẻ niềm vui của mình, chỉ ra một chân trời của cái đẹp, và mời gọi mọi người khác tới dự bữa tiệc ngon. Hội Thánh phát triển không phải bằng việc chiêu dụ, nhưng bằng ‘sức thu hút’”.[8] Đó là sức thu hút của niềm vui.

9. Tiếp đến là sự nhiệt thành hưởng ứng và tinh thần cộng tác của mọi thành phần dân Chúa đối với chương trình mục vụ của giáo phận. Điều này vừa nói lên sự hiệp nhất của Hội Thánh, “một lòng một ý” (Cv 4,32) như cộng đoàn Hội Thánh tiên khởi tại Giêrusalem, vừa là yếu tố tạo nên sự thành công cho chương trình.

Để một chương trình đưa ra được hoàn hảo và phù hợp, cần phải có sự cộng tác của mọi thành phần dân Chúa. Xin quí cha, quí tu sĩ nam nữ và anh chị em giáo dân mạnh dạn góp ý trực tiếp với Tòa Giám Mục hay với Hội Đồng Mục Vụ. Một khi chương trình đã được đưa ra, mọi thành phần Chúa hãy vui vẻ đón nhận và tích cực thi hành với tất cả lòng nhiệt thành tông đồ, để biến các ý tưởng thành hiện thực và khu vườn giáo phận sẽ sinh hoa kết trái dồi dào.

Sự nhiệt thành tông đồ này ngược lại thái độ cầu an của giáo dân cũng như của các linh mục mà Đức Thánh Cha đã nói đến trong tông huấn của ngài: “Một số người không dấn thân truyền giáo bởi vì họ nghĩ rằng chẳng thay đổi được gì và có cố gắng bao nhiêu cũng vô ích… Đây chỉ là một cái cớ dối trá để tiếp tục bị vướng mắc trong tiện nghi, lười biếng”.[9] “Họ không đồng hoá mình với sứ mạng loan báo Tin Mừng của mình và điều này làm suy yếu sự dấn thân của họ. Tình trạng này cuối cùng bóp nghẹt niềm vui truyền giáo bằng một thứ ám thị rằng họ cứ sống như mọi người và có tất cả những gì người khác có. Như thế hoạt động rao giảng Tin Mừng của họ trở thành bị ép buộc, họ dành rất ít công sức và thời gian cho công việc này”.[10]

10. Sau cùng là thái độ kiên nhẫn và tín thác vào quyền năng của Thiên Chúa. Suy tư về những dụ ngôn Thánh Kinh mô tả sự phát triển âm thầm của hạt giống Tin Mừng, Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta đừng chán nản buông xuôi trước những thất bại, nhưng hãy tin tưởng vào sức mạnh của Tin Mừng, kiên trì trong công việc, kiên nhẫn chờ đợi và phó thác kết quả cho Thiên Chúa với niềm xác tín rằng không một cố gắng quảng đại nào là vô nghĩa. Ngài nói:

“Loan báo Tin Mừng phần lớn hệ tại sự kiên nhẫn và không quan tâm tới áp lực của thời gian”.[11]“Chúng ta hãy tin vào Tin Mừng khi Tin Mừng nói với chúng ta rằng Nước Thiên Chúa đã hiện diện trong thế giới này và đang lớn lên, ở đây và ở kia, cách này hay cách khác: giống như hạt cải nhỏ xíu lớn lên thành một cây to (x. Mt 13,31-32), giống như nắm men làm cho dậy cả đấu bột (x. Mt 13,33) và giống như hạt giống tốt mọc lên giữa cỏ dại (x. Mt 13,24-30) và luôn luôn có thể làm chúng ta ngạc nhiên thích thú”.[12]

Và ngài kết luận: “Vì không luôn nhìn thấy các hạt giống này lớn lên, chúng ta cần có một sự chắc chắn nội tâm, một niềm xác tín rằng Thiên Chúa có khả năng hành động trong mọi tình huống, ngay cả giữa những cái bề ngoài có vẻ thất bại…Tất cả những ai tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa trong tình yêu sẽ sinh nhiều hoa trái (x. Ga 15,5). Sự sinh hoa kết quả này thường không nhìn thấy, khó nắm bắt và không thể định lượng…Chúa Thánh Thần hoạt động theo Người muốn, khi Người muốn và ở nơi nào Người muốn; chúng ta phó thác cho Người mà không đòi nhìn thấy các kết quả ấn tượng. Chúng ta chỉ biết rằng dấn thân của chúng ta là cần thiết”.[13]

CHƯƠNG TRÌNH MỤC VỤ NĂM 2014

11. Trong định hướng và tinh thần ấy, Hội Đồng Mục Vụ Giáo Phận, với sự tham gia của đại diện mọi thành phần dân Chúa, đã cùng nhau suy nghĩ, trao đổi, và cuối cùng đã vạch ra một lộ trình mục vụ cho năm 2014 gồm những bước như sau: cùng nhau học hỏi về đức ái, thực hành gia tăng đức ái từ gia đình đến các gia đình, đồng hành với các gia đình.

Học hỏi về đức ái

12. Trong năm 2014, các thành phần dân Chúa trong giáo phận đều học hỏi về chủ đề gia tăng đức ái, dựa trên giáo huấn Thánh Kinh và lời dạy của Giáo Hội. Trong các ngày tĩnh tâm hằng tháng, các linh mục học hỏi các đề tài :

- Linh mục: hình ảnh của Thiên Chúa tình yêu,

- Linh mục: người cha của gia đình giáo xứ,

- “Trong lòng Hội Thánh, hiền mẫu của con, con sẽ là tình yêu”.

- Đức ái: đặc sủng đời linh mục,

- Đức ái của linh mục,

- Đức ái mục tử,

- Đức ái trong tư tưởng,

- Tình yêu thương quảng đại: tấm lòng tha thứ,

13. Đối với giáo dân, Toà Giám mục gởi tài liệu học hỏi hàng tháng theo các đề tài được lấy từ sắc lệnh truyền giáo Ad Gentes của công đồng Vaticanô II, bài ca đức mến trong thư thứ nhất của thánh Phaolô tông đồ gửi giáo đoàn Côrintô, 13,4-7 và lịch sử giáo phận Qui Nhơn. Các đề tài được sắp xếp theo thứ tự như sau:

- Sắc lệnh về truyền giáo Ad Gentes, chương III (tháng 12.2013 và tháng 01.2014) ;

- Đức ái: nhẫn nhục, hiền hậu (tháng 02);

- Đức ái: không ghen tương (tháng 03);

- Đức ái: không vênh vang, tự đắc (tháng 04);

- Đức ái: không làm điều bất chính (tháng 05);

- Đức ái: không tìm tư lợi (tháng 06);

- Đức ái: không nóng giận (tháng 07);

- Đức ái: không nuôi hận thù (tháng 08);

- Đức ái: không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật (tháng 09);

- Lịch sử giáo phận Đàng Trong và Đông Đàng Trong: thời thánh Stêphanô Thể (tháng 10 và 11).

Quí cha hãy tìm cách trao các tài liệu ấy cho các gia đình trong giáo xứ và mời gọi họ bỏ chút thời gian để học hỏi. Quí cha cũng có thể triển khai các đề tài ấy trong khuôn khổ các nhóm hay các đoàn thể trong giáo xứ. Ngoài ra, hàng tuần các giáo xứ học hỏi qua các giáo huấn đã ghi trong lịch giáo phận. Các cộng đoàn dòng tu nên có sáng kiến, tổ chức học hỏi chủ đề này theo linh đạo và phạm vi phục vụ của mình.

Thực hành gia tăng đức ái từ gia đình đến các gia đình

14. Gia đình cầu nguyện và sống bí tích: Đức ái là hoa trái của đức tin và đồng thời cũng là ân sủng Chúa ban. Vì vậy, để đức ái có thể được thể hiện và ngày càng gia tăng trong gia đình, mỗi thành viên trong gia đình trước hết phải siêng năng tham dự thánh lễ, lãnh nhận các bí tích, đọc kinh sáng tối trong gia đình. Nơi nào có thể được, nên tổ chức chầu Thánh Thể cho từng gia đình hay nhóm gia đình tại nhà thờ hay nhà nguyện. Các phụ huynh thường xuyên chăm sóc việc học giáo lý của con em mình.

15. Củng cố và xây dựng sự hòa thuận trong gia đình: Đức ái Kitô giáo khởi đi từ cuộc sống gia đình là cộng đoàn tình yêu và hiệp nhất. Vì thế anh chị em giáo dân hãy cố gắng làm sao để gia đình mình có được bầu khí hạnh phúc và thánh thiện, trở thành trường dạy sống bác ái với nhau và với mọi người. Cảm thông, yêu thương, nâng đỡ giữa mọi thành viên sẽ giúp gia đình sống thuận hòa và cư xử với nhau theo lễ nghĩa gia phong. Tránh những lời nói làm tổn thương nhau, những bất hòa chia rẽ, những cư xử thiếu bác ái, công bằng và trung tín. Đặc biệt, các vợ chồng quyết tâm bảo vệ sự chung thủy hôn nhân và nếu đã lỡ ly dị thì hãy hoán cải và cố gắng kết hợp trở lại.

16. Nuôi dưỡng, bảo vệ và phát triển sự sống trong gia đình: Sự sống là một hồng ân Chúa ban. Cha mẹ thay mặt Chúa làm phát sinh những sự sống mới. Sự sống là hoa quả của tình yêu và chỉ lớn lên trong bầu khí yêu thương. Vì thế mọi người trong gia đình hãy quan tâm đến sự sống của nhau, tránh những gì có thể làm phương hại đến sức khỏe và sự sống như nghiện ngập rượu chè, ma túy, v.v. Đặc biệt phải bảo vệ sự sống của các thai nhi bằng mọi giá, tuyệt đối không trực tiếp phá thai vì bất cứ lý do gì. Đó là một tội nặng nghịch đức ái và đức công bình đối với những người vô phương tự vệ và vô tội nhất là các thai nhi, mà không gì có thể biện minh hay bù đắp lại được.

17. Xây dựng tình thân ái trong gia tộc: Gặp gỡ gia tộc trong ngày giỗ, ngày tết để đẩy mạnh giáo dục Kitô giáo theo định hướng “Tám mối phúc thật”. Xây dựng tình hiệp thông và hiệp nhất từ gia đình tới gia tộc, đồng thời qua con đường dòng họ, làm lan tỏa đức ái và ánh sáng Tin Mừng đến các anh chị em đồng tộc người lương. Phụ huynh cần quan tâm đào tạo cho con em biết sống tình gia tộc, quan tâm chăm sóc và có lòng bác ái với những người trong gia tộc, đặc biệt những người có hoàn cảnh khó khăn, nghèo khổ.

18. Liên kết với các gia đình công giáo khác: Việc liên kết chặt chẽ giữa các gia đình công giáo trong giáo xứ sẽ làm gương sáng về đời sống bác ái và chia sẻ niềm vui cứu độ cho mọi người. Tránh hết sức có thể những vụ cãi vã, tranh chấp, bất hòa giữa các gia đình công giáo. Ngược lại hãy sống hòa thuận, nhịn nhục, thương yêu, tương trợ, nhất là đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đau ốm bệnh tật hay chết chóc. Các gia đình nên liên kết với nhau trong những buổi đọc kinh cầu nguyện liên gia và thúc đẩy nhau dấn thân tham gia công tác tông đồ.

19. Đến với các gia đình lương dân: Tất cả những gì các gia đình công giáo làm cho nhau để thể hiện đức ái thì cũng phải được thực hiện như thế đối với các gia đình lương dân. Việc thực thi bác ái đối với những người lương dân không có tính chiêu dụ, nhưng họ sẽ được thu hút bằng sự tốt lành của đức ái, để cuối cùng nhận ra khuôn mặt yêu thương của Thiên Chúa và vui vẻ đến với Người. Điều quan trọng là cần phải khéo léo và tế nhị khi giải thích và giới thiệu về Chúa và về niềm tin Kitô giáo cho anh em lương dân.


Đồng hành với các gia đình

Sự đồng hành của giáo xứ

20. – Các giáo xứ cố gắng áp dụng chương trình học hỏi của giáo phận, để mọi gia đình đồng hưởng ứng chương trình “gia tăng đức ái”.

-   Tổ chức những buổi hội thảo, nói chuyện về các đề tài “gia tăng đức ái” cho các giới.

-   Quan tâm giúp đỡ các gia đình nghèo, neo đơn không phân biệt lương giáo.

-   Tổ chức bác ái xã hội tại giáo xứ, động viên nhiều người tham gia vào hội Caritas tại giáo xứ.

-   Hướng dẫn và khuyến khích các bạn trẻ và những đoàn thể khác trong giáo xứ liên kết thành những nhóm thiện nguyện, quên mình vì ích chung và mau mắn cứu giúp người gặp hoạn nạn.

-   Chuẩn bị chu đáo cho các bạn trẻ sắp bước vào đời sống gia đình trong các lớp dự bị hôn nhân, nhất là trường hợp hôn nhân khác đạo.

-   Chăm sóc các gia đình, đặc biệt là các gia đình trẻ, các gia đình mới nhập cư, các gia đình có vợ hoặc chồng là tân tòng hay khác đạo, bằng những cuộc gặp gỡ chia sẻ, giúp giải gỡ những gia đình rối, hòa giải những gia đình bị tổn thương và hàn gắn những gia đình ly tán.

Sự đồng hành của các dòng tu và hội đoàn

21. – Các cộng đoàn dòng tu, các đoàn thể được mời gọi tích cực dấn thân hơn nữa để giúp các gia đình sống đức ái Kitô giáo, thăm viếng giúp đỡ những bệnh nhân tại nhà hay tại bệnh viện.

-   Giáo lý viên giúp hướng dẫn các em về đời sống nhân bản, đức tin, luân lý Kitô giáo, đặc biệt là sống đức ái.

Sự đồng hành của các mục tử

22. – Các cha cần hoán cải thái độ khép kín của mình và của giáo xứ để can đảm đi ra đến với các gia đình, đặc biệt là các gia đình bị bỏ rơi và gia đình lương dân.

- Trong năm nay các cha cố gắng thăm viếng tất cả các gia đình trong địa bàn giáo xứ, để biết rõ tình trạng sống đạo và hoàn cảnh của họ. Nhân dịp này giúp họ làm sổ gia đình công giáo nếu chưa có và nhờ đó giáo xứ hoàn thiện sổ tình trạng các gia đình.

- Thành lập và tích cực hỗ trợ các hội đoàn, nhất là những hội đoàn tông đồ, để giáo dân có điều kiện thánh hóa bản thân và tham gia công việc mục vụ giáo xứ cũng như công tác tông đồ. Cách riêng, Legio Mariae là hội đoàn tông đồ hữu hiệu nhất. Vì thế các cha hãy cố gắng thiết lập hội đoàn này trong giáo xứ của mình và đảm nhận vai trò linh giám để hướng dẫn, đồng hành và đôn đốc họ trong công tác tông đồ. Ngoài ra, giáo phận cũng xúc tiến việc thành lập Thiếu Nhi Thánh Thể để giúp các em sống đạo và được đào tạo để trở thành những tông đồ tương lai.

QUYẾT TÂM

23. Trong định hướng của một “Hội Thánh đi ra” và với tinh thần vui tươi phấn khởi, nhiệt thành hưởng ứng và cộng tác, kiên nhẫn và tín thác, chúng ta quyết tâm thực hiện tất cả và từng điều trong chương trình mục vụ năm 2014 mà giáo phận đã đưa ra, nhất là việc đọc kinh trong gia đình và việc các mục tử đi thăm từng gia đình trong giáo xứ.

KẾT LUẬN

24. Cùng với những nỗ lực của mọi thành phần dân Chúa, cả giáo phận đã bước vào năm cuối của chu kỳ ba năm đầu (2012-2014) hướng về cộng đoàn Kitô hữu. Năm 2014 sống Gia tăng đức ái trong gia đình để loan báo Tin Mừng là một bước chuyển tiếp quan trọng để sang giai đoạn chuẩn bị gần của ba năm sau (2015-2017) : hướng về anh chị em lương dân, trong lược đồ chuẩn bị mừng kỷ niệm 400 năm Giáo phận đón nhận Tin Mừng tại Nước Mặn (1618-2018). Chúng ta đã có lộ trình mỗi năm một chặng, cứ kiên nhẫn bước đi từng chặng chúng ta sẽ đạt tới đích.

Nguyện xin Chúa Thánh Thần luôn hướng dẫn, đồng hành và chúc lành cho công việc truyền giáo của giáo phận, nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, Thánh Cả Giuse, quan thầy giáo phận và các Thánh Tử Đạo của giáo phận: Thánh Stêphanô Cuénot Thể, Thánh Anrê Kim Thông và Á Thánh Anrê Phú Yên. Xin Người soi sáng và thúc bách mọi thành phần dân Chúa trong giáo phận nỗ lực gia tăng đức ái và đem hết lòng yêu mến, nhiệt thành mà dấn thấn phục vụ gia đình giáo phận, giáo xứ và các gia đình cả giáo và lương.

                                            Tòa Giám Mục Qui Nhơn, ngày 14 tháng 03 năm 2014

 

                                                                + Matthêô Nguyễn Văn Khôi
Giám mục Giáo phận Qui Nhơn



----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

[1] Xem PHANXICÔ, Tông huấn Niềm vui của Tin Mừng: Evangelii Gaudium, (24.11.2013), các số 20-24.
[2] Evangelii Gaudium, số 15.
[3] Evangelii Gaudium, số 20.
[4] Evangelii Gaudium, số 49.
[5] Evangelii Gaudium, số 27.
[6] Evangelii Gaudium, số 46.
[7] Evangelii Gaudium, số 1.
[8] Evangelii Gaudium, số 14.
[9] Evangelii Gaudium, số 275.
[10] Evangelii Gaudium, số 79.
[11] Evangelii Gaudium, số 24.
[12] Evangelii Gaudium, số 278.
[13] Evangelii Gaudium, số 279.






 

Tác giả bài viết: Gm. + Matthêô Nguyễn Văn Khôi
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 7
  • Hôm nay: 1138
  • Tháng hiện tại: 94562
  • Tổng lượt truy cập: 12238822