Trang mới   https://gpquinhon.org

Sứ vụ và vai trò của các hội dòng trong công việc mục vụ và truyền giáo của Giáo Phận Qui Nhơn hiện nay

Đăng lúc: Thứ hai - 28/09/2015 18:14



SỨ VỤ VÀ VAI TRÒ CỦA CÁC HỘI DÒNG

TRONG CÔNG VIỆC MỤC VỤ VÀ TRUYỀN GIÁO

CỦA GIÁO PHẬN QUI NHƠN HIỆN NAY

(Khóa thường huấn linh mục Giáo phận Qui Nhơn 2015)

 
 
GM. Matthêô Nguyễn Văn Khôi


Trước khi về trời Đức Kitô đã trao cho các tông đồ một sứ vụ duy nhất là rao giảng Tin Mừng cho muôn dân, làm phép rửa cho họ để biến họ thành con cái Thiên Chúa và gia nhập gia đình Giáo Hội, giảng dạy họ những điều Người đã truyền cho các ông, để họ ngày càng hiểu biết các mầu nhiệm cứu độ và trưởng thành trong đức tin. Khi nói tới sứ vụ (missio) là nói tới việc sai đi để thi hành chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Để thực hiện chương trình ấy, chính Đức Kitô đã được Chúa Cha sai xuống trần gian. Tiếp đến Đức Kitô sai các tông đồ, rồi đến lượt mình các tông đồ và những đấng kế vị lại sai nhiều người đi vào giữa lòng thế giới, để tiếp nối sứ vụ của Đức Kitô. Đó chính là sứ vụ mà Giáo Hội thể hiện qua công cuộc truyền giáo cho lương dân và chăm sóc mục vụ cho cộng đoàn tín hữu. Ngày nay, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần cũng như do nhu cầu mục vụ và truyền giáo ngày càng gia tăng, sứ vụ duy nhất ấy đã mặc lấy những hình thức đa dạng, phong phú. Sự hình thành và phát triển các hội dòng khác nhau trong Giáo Hội đã nói lên điều đó. Chính khi thi hành sứ vụ đặc biệt của mình, các hội dòng đã đóng những vai trò rất quan trọng và cần thiết trong việc xây dựng và phát triển Giáo Hội.

Tại giáo phận Qui Nhơn từ ngày đón nhận Tin Mừng lần đầu tiên vào năm 1618 cho đến nay đã có nhiều hội dòng hiện diện và phục vụ. Hiện nay, vì hoàn cảnh, chỉ còn 3 dòng nam và 3 dòng nữ, cộng với một dòng nữ đang trên đường thành lập. Tuy mức độ hiện diện của các dòng này không giống nhau, nhưng chắc chắn tất cả đều mong muốn đóng góp phần mình vào sứ vụ chung của giáo phận.
 
 
1. DÒNG NAM

Các dòng nam đang phục vụ tại giáo phận Qui Nhơn là dòng Chúa Cứu Thế, dòng Ngôi Lời và cũng có thể kể đến dòng Đồng Công. Đây là những dòng giáo sĩ và các thành viên đang chính thức làm việc tại giáo phận hầu hết là các linh mục. "Những linh mục dòng tu được thánh hiến thi hành chức vụ linh mục, để chính họ trở thành những cộng sự viên khôn ngoan của hàng Giám mục, ngày nay có thể giúp đỡ các Giám mục nhiều hơn trước nhu cầu gia tăng của các linh hồn".[1]

1.1. Dòng Chúa Cứu Thế

Dòng Chúa Cứu Thế là một hội dòng thừa sai của Giáo Hội có sứ mạng chuyên lo rao giảng Tin Mừng cho người thuộc tầng lớp nghèo khổ, theo chân Đấng Cứu Thế: "Thần Khí Chúa ở trên tôi, bởi Người đã xức dầu cho tôi, Người đã sai tôi đem Tin Mừng cho người nghèo khó, ban bố ân xá cho kẻ tù đầy, cho người đui mù được thấy, cho kẻ bị áp bức được giải oan, loan báo năm hồng ân của Chúa" (Lc 4,18-19). Chính vì thế hiến pháp của hội dòng từ số 3 đến số 5 đã đưa ra tiêu chuẩn quan trọng cho sự lựa chọn của các tu sĩ thuộc dòng: ưu tiên cho người nghèo, người bị bỏ rơi và người đang cần được giúp đỡ cách cấp bách.

"Phục vụ người nghèo như Đức Kitô đã làm", đó là châm ngôn sống và cũng là sứ vụ của các tu sĩ dòng Chúa Cứu Thế. Thế giới ngày nay càng văn minh tiến bộ thì sự chênh lệch giữa người giàu và người nghèo trong xã hội càng lớn. Mối quan tâm của Giáo Hội ngày nay là ưu tiên phục vụ người nghèo, giúp thăng tiến phẩm giá của họ, như là một trong những phương thế rao giảng Tin Mừng. Những người nghèo, đối tượng của công cuộc phục vụ và rao giảng Tin Mừng, không chỉ là những người thiếu thốn của cải vật chất, mà còn thiếu thốn tất cả những gì cần thiết để sống xứng đáng phẩm giá con người, như sức khỏe, sự giáo dục, sự kính trọng, tình thương, niềm tin và các đức tính, v.v.

"Giáo Hội địa phương là không gian lịch sử để một ơn gọi bộc lộ trong thực tế và thể hiện sự dấn thân tông đồ của mình".[2] Giáo phận Qui Nhơn là nơi rất thích hợp để hội dòng thực hiện sứ vụ này, vì đây là một vùng đất bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh, thường xuyên hứng chịu những thiên tai như bão lụt, hạn hán, nên dân chúng có mức sống rất nghèo khổ. Sự nghèo khổ chẳng những dẫn đến bệnh tật thể xác, dốt nát, thất nghiệp, mà còn đưa đẩy con người vào con đường tệ nạn xã hội.

Theo gương Chúa Cứu Thế, cùng với việc rao giảng Tin Mừng bằng lời, hội dòng cũng chú trọng đến việc thăng tiến con người, qua các chương trình giáo dục, phát triển kinh tế xã hội, như: mở các trung tâm xóa nạn mù chữ, tìm nguồn học bổng giúp sinh viên học sinh, mở trường dạy nghề, mở các trung tâm săn sóc các bệnh nhân, hỗ trợ vốn cho người nghèo mua đất đai, vật tư, v.v. Bộ Tu Sĩ đã khẳng định: "Các đề tài về cuộc 'giải phóng của Tin Mừng' đặt nền tảng trên Nước Thiên Chúa phải trở thành đặc biệt quen thuộc đối với các tu sĩ. Thực tế, chứng tá của các nam nữ tu sĩ đã can đảm tham gia vào việc nâng đỡ những kẻ hèn kém và bảo vệ quyền con người đã là tiếng vang hữu hiệu của Tin Mừng và tiếng nói của Giáo Hội".[3]

Tại giáo phận Qui Nhơn, từ năm 1963, dòng Chúa Cứu Thế được giáo phận giao giáo xứ Châu Ổ để làm địa bàn đẩy mạnh công cuộc truyền giáo ra chung quanh. Nhờ ơn Chúa và nỗ lực kiên trì của dòng, hiện nay từ giáo xứ Châu Ổ đã tách ra giáo xứ Lý Sơn và giáo họ biệt lập Bình Hải. Tuy nhiên, theo gương Chúa Giêsu, sứ vụ của dòng không phải chính yếu là quản trị giáo xứ, nhưng luôn sẵn sàng lên đường tìm kiếm và cứu những gì đã hư mất (x. Lc 19,10). Việc rao giảng Tin Mừng được thực hiện ưu tiên cho những người bình dân và áp dụng những hình thức đạo đức bình dân. Một trong những hoạt động đặc thù của dòng Chúa Cứu Thế thể hiện đường lối này là việc tổ chức các tuần đại phúc tại các giáo xứ và công việc mục vụ tại giáo xứ các cha dòng phục trách cũng được tổ chức "như thể một tuần đại phúc trường kỳ" (Quy luật 018).

Các linh mục quản xứ trong giáo phận có thể mời các linh mục và tu sĩ của dòng đi giảng tĩnh tâm cho các giới và nhất là giúp tổ chức tuần đại phúc tại giáo xứ của mình. Các tuần đại phúc nhằm đem đến cho dân Chúa một mùa hồng ân như Đức Kitô đã làm. Cùng với những nghi thức sống động, những bài giảng để đánh thức lương tâm và lòng đạo đức của dân Chúa, các linh mục và tu sĩ còn chia nhau đi thăm viếng các gia đình, nhất là những gia đình có vấn đề; các ngài đến tận nơi và kêu mời, lôi kéo những người khô khan, tội lỗi, những người nghèo về phần thiêng liêng, để đưa họ về với Chúa. Cả giáo xứ sẽ được canh tân sức sống, phục hồi niềm tin, sẵn sàng đón nhận muôn vàn hồng ân của Thiên Chúa. Những ai đã dự các tuần đại phúc đều cảm nghiệm rõ điều này.

Tại Châu Ổ và những vùng phụ cận, nhờ sự bám trụ và tinh thần tông đồ truyền giáo của hội dòng mà số giáo dân vẫn ổn định trong thời chiến tranh và đang ngày càng phát triển. Các cha đã đóng một vai trò rất quan trọng không những trong việc truyền giáo, mục vụ giáo xứ, mà còn trong các lãnh vực văn hóa và dân sinh, tạo được nhiều cảm tình nơi mọi người chung quanh. Sứ vụ và vai trò của hội dòng đang ngày càng được khẳng định tại vùng đất này. Đó là những điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh công cuộc truyền giáo trong giáo phận.

1.2. Dòng Ngôi Lời - Giuse

Dòng nam thứ hai đang hiện diện và hoạt động tại giáo phận Qui Nhơn là dòng Ngôi Lời, tỉnh dòng Giuse. Tỉnh dòng Ngôi Lời Giuse tại Việt Nam hiện nay vốn có tiền thân là dòng thánh Giuse được thành lập tại giáo phận Qui Nhơn từ hội thầy giảng. Hội thầy giảng đã có mặt tại Việt Nam ngay từ đầu, vào thế kỷ XVII, với các thừa sai dòng Tên đầu tiên. Khuôn mặt nổi bật nhất của các thầy giảng tại Việt Nam nói chung và tại giáo phận Qui Nhơn nói riêng chính là chân phước Anrê Phú Yên.

Hội thầy giảng là một tổ chức đã đóng góp rất nhiều vào công cuộc truyền giáo tại giáo phận Qui Nhơn. Sau khi đã được thiết lập thành hội dòng thánh Giuse, sứ vụ của hội dòng vẫn không thay đổi. Khắp nơi trong giáo phận, các thầy đã giúp đỡ các linh mục quản xứ trong việc giảng dạy giáo lý và rao giảng Tin Mừng cho lương dân. Một sự đóng góp quan trọng vẫn còn để lại ảnh hưởng cho đến ngày nay của hội dòng này là việc mở trường dạy văn hóa cho dân chúng, nổi tiếng nhất là trường thánh Giuse Kim Châu.

Ngày nay hội dòng đã trở thành một tỉnh của dòng Ngôi Lời thuộc quyền Tòa Thánh, một hội dòng truyền giáo, nên sứ vụ của hội thầy giảng và dòng thánh Giuse vẫn được tiếp tục với những cách thức mới và tầm mức rộng lớn hơn. Đức Giêsu Kitô là Ngôi Lời Thiên Chúa đã làm người để loan báo Tin Mừng về Nước Chúa và đem ơn cứu độ cho muôn dân. Dòng Ngôi Lời được hiến dâng đặc biệt cho Ngôi Lời Thiên Chúa. Ơn gọi của Dòng Ngôi Lời là dõi bước theo Đức Giêsu Kitô, cách riêng trong sứ vụ loan báo Tin Mừng về Nước Chúa và làm chứng cho tình thương cứu độ của Thiên Chúa dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Các thành viên Dòng Ngôi Lời sẵn sàng rời bỏ quê hương để ra đi thi hành sứ vụ truyền giáo tại bất cứ nơi đâu.

Đặc sủng và linh đạo của hội dòng bắt nguồn từ sứ vụ của Ngôi Lời, với phương châm: "Cuộc sống của Đức Kitô là cuộc sống của chúng ta, sứ vụ của Đức Kitô là sứ vụ của chúng ta". Đặc sủng của dòng được ghi rõ trong hiến pháp, từ điều 101 đến 105: rao truyền Lời Chúa cho mọi người, kiến tạo những cộng đoàn mới trong lòng dân Chúa, giúp họ phát triển và hiệp thông với nhau và với toàn thể Giáo Hội. Trong công cuộc truyền giáo, dòng Ngôi Lời chú ý cách riêng bốn ngành sau đây như là những chiều kích đặc trưng và liên kết với nhau: tông đồ Thánh Kinh, hoạt động truyền giáo, phát triển nhân sinh và môi trường, truyền thông xã hội. Những hoạt động mục vụ và truyền giáo của tỉnh dòng Ngôi Lời - Giuse Việt Nam gồm có: mục vụ di dân, mục vụ giáo xứ, mục vụ sinh viên và giới trẻ, mục vụ tông đồ Thánh Kinh, mục vụ cho bệnh nhân HIV/AIDS, chữa bệnh và giúp đỡ bệnh nhân nghèo, chăm sóc và hướng nghiệp cho trẻ em mồ côi.

Hiện nay, do hoàn cảnh, sự hiện diện của dòng tại giáo phận Qui Nhơn bị giảm thiểu đáng kể, giáo phận mong muốn hội dòng tìm mọi cách để khắc phục những khó khăn, hạn chế, và đóng góp nhiều hơn cho công cuộc mục vụ và truyền giáo của giáo phận vốn là nơi mà từ đó hội dòng đã bắt đầu hiện diện và trong quá khứ đã có những hoạt động đáng kể, nhất là trong lãnh vực truyền giáo. Hội dòng có thể áp dụng đặc sủng và linh đạo của mình tại những nơi mà giáo phận giao và sẵn sàng đi phục vụ tại những giáo xứ theo lời mời của các cha xứ. Vì truyền giáo là ưu tiên hàng đầu của giáo phận và đồng thời cũng là sứ vụ chuyên biệt của hội dòng, nên giáo phận thiết tha mời gọi hội dòng dấn thân nhiều hơn trong lãnh vực này.

1.3. Dòng Đồng Công

Dòng Đồng Công là một hội dòng nam được thiết lập tại Việt Nam, nhằm mục đích đào tạo các linh mục, tu sĩ thánh thiện, để phục vụ công cuộc truyền giáo và Phúc Âm hóa dân tộc, với châm ngôn: "non ministrari, sed ministrare", "không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ" (Mt 20,28).

Đặc sủng và cũng là sứ vụ của hội dòng là "Phúc Âm hóa những người ngoài công giáo, nhất là những người nghèo khổ bị bỏ rơi trong xã hội, đặc biệt trong xã hội Việt Nam".[4] Để chu toàn sứ vụ truyền giáo này, hội dòng đã chọn linh đạo "tận hiến cho Chúa Giêsu nhờ Mẹ Maria" (ad Jesum per Mariam),[5] và noi gương Mẹ cộng tác vào công trình cứu độ của Đức Kitô.

Hoạt động chính của hội dòng hướng về mục tiêu truyền giáo. Tại Việt Nam, do hoàn cảnh chưa thuận tiện, công việc chính của các tu sĩ là nêu bật chứng tá Tin Mừng bằng đời sống cầu nguyện chiêm niệm. Ngoài ra, tùy theo yêu cầu của các giáo xứ, hội dòng cũng tổ chức các lớp huấn luyện giáo dân sống Tin Mừng trong môi trường gia đình và xã hội.

Dòng Đồng Công đã hiện diện tại giáo phận Qui Nhơn từ thập niên 50 của thế kỷ trước, sau khi hội dòng di cư từ miền Bắc vào miền Nam, và tham gia công cuộc truyền giáo bằng cách mở trường dạy học miễn phí cho học sinh nghèo không phân biệt lương giáo. Sau năm 1975, vì hoàn cảnh xã hội, hội dòng không còn hiện diện và phục vụ tại giáo phận Qui Nhơn nữa. Tuy nhiên, giữa giáo phận và hội dòng vẫn có những mối dây liên lạc và giúp đỡ nhau bằng cách này hay cách khác. Trong những năm gần đây hội dòng đã thử trở lại phục vụ tại giáo phận Qui Nhơn nhưng gặp không ít khó khăn. Chúng ta hãy hiệp ý cầu nguyện cho hội dòng thực hiện được nguyện vọng của mình để tiếp tục đóng góp cho giáo phận như những năm trước kia. Theo đặc sủng và linh đạo của mình, hội dòng được mời gọi cộng tác vào công cuộc truyền giáo của giáo phận nơi những vùng quê nghèo khó, giúp các giáo xứ huấn luyện giáo dân sống Tin Mừng trong gia đình và xã hội.
 
2. DÒNG NỮ

"Trong cánh đồng mục vụ rộng lớn của Giáo Hội, một chỗ đứng mới và rất quan trọng được dành cho phụ nữ. Xưa kia là những trợ tá quí báu của các tông đồ (x. Cv 18,26; Rm 16,1tt), các phụ nữ ngày nay phải hội nhập sinh hoạt tông đồ của họ vào cộng đồng Giáo Hội, bằng cách thể hiện trung tín mầu nhiệm chân tính người phụ nữ như Thiên Chúa đã tạo dựng và mạc khải (x. St 2; Ep 5,1; 1Tm 3) và lưu tâm tới việc tăng gia sự hiện diện của họ trong xã hội trần thế. Vì vậy, nhờ trung tín với ơn gọi đặc thù, đồng thời phù hợp với tính cách riêng của người phụ nữ, cũng để đáp lại các đòi hỏi cụ thể của Giáo Hội và thế giới, các nữ tu sẽ tìm kiếm và đưa ra những hình thức tông đồ phục vụ mới".[6]

2.1. Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn

Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn là một hội dòng nữ thuộc giáo phận đã hiện diện và phục vụ công cuộc truyền giáo ngay từ sau khi Tòa Thánh thiết lập giáo phận Đàng Trong, tiền thân của giáo phận Qui Nhơn ngày nay. Trong suốt chiều dài lịch sử của giáo phận, sứ vụ và vai trò của hội dòng đã để lại những ảnh hưởng và dấu ấn sâu đậm. Hội dòng được thiết lập giữa lòng xã hội Việt Nam với bản chất, đặc sủng, linh đạo và đặc tính phù hợp với bối cảnh mục vụ và truyền giáo trong xã hội Việt Nam.

Về bản chất, hội dòng gồm những chị em được thánh hiến để sống giao ước tình yêu với Thiên Chúa, có lời khấn công, sống thành cộng đoàn, vừa chiệm niệm vừa hoạt động, hướng về sứ mệnh truyền giáo cho lương dân, dưới quyền Đấng Bản Quyền sở tại.[7]

Đặc sủng của hội dòng là yêu mến Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh và tham dự vào sứ mạng cứu thế của Người. Tiếp nối sứ mạng cứu thế của Chúa Giêsu Kitô bằng lời kinh chuyển cầu để xin ơn hoán cải cho những tín hữu sống xa lìa Chúa và cho lương dân ơn nhận biết Chúa; bằng đời sống chứng nhân và phục vụ trong các lãnh vực: đức tin, luân lý, giáo dục, xã hội và y tế; ưu tiên cho giới nữ.[8]

Linh đạo của hội dòng tập trung vào mầu nhiệm thập giá cứu độ của Chúa Giêsu Kitô qua ba chiều kích: chiêm niệm, khổ chế, tông đồ.[9]

Đặc tính của hội dòng gồm hai nét chính: 1) Gắn bó với Giáo Hội địa phương và cộng tác với hàng giáo sĩ theo qui định của giáo luật và luật riêng của hội dòng; 2) Sống giản dị, vui tươi, khiêm tốn, yêu thích trầm lặng, chuyên cần học hỏi, đảm đang công việc và quên mình phục vụ mọi người.[10]

Chính bản chất, đặc sủng, linh đạo và các đặc tính của hội dòng được qui định trong hiến chương đã khẳng định sứ vụ tông đồ của hội dòng. "Việc tông đồ của mọi tu sĩ trước tiên hệ tại ở chứng tá đời sống thánh hiến của họ mà họ có bổn phận phải gìn giữ bằng lời cầu nguyện và bằng việc sám hối".[11] Do hình thức thánh hiến đặc biệt của mình, các chị em đương nhiên gắn liền với sứ vụ của Đức Kitô một cách sâu xa. Cũng như Người, các chị em được kêu gọi vì người khác: hoàn toàn được dành cho công cuộc cứu độ của anh chị em mình. "Khi Thiên Chúa chọn ai, đó là vì ơn cứu độ của kẻ khác: người được thánh hiến là người được sai đi, để phục vụ công trình của Thiên Chúa trong quyền năng của Người".[12]

Giáo phận Qui Nhơn là môi trường chính và trước hết để hội dòng thể hiện bản chất, đặc sủng, linh đạo và các đặc tính của mình. Đặc tính gắn bó với Giáo Hội địa phương đã được thể hiện trước hết tại giáo phận nhà, nhất là trong lãnh vực mục vụ và truyền giáo. Giáo phận Qui Nhơn hiện nay với tỉ lệ giáo dân chưa tới 1,8% đang rất cần đến sự cộng tác và phục vụ của các chị em, theo chương trình và định hướng của giáo phận, dưới sự lãnh đạo của Giám mục, trong sự hiệp thông với các linh mục và những thành phần khác của dân Chúa. Khi tổ chức công việc tông đồ của hội dòng, các chị em cần theo sát đường hướng mục vụ chung của giáo phận, theo sự hướng dẫn và chấp thuận của linh mục chính xứ. Ngoài ra, đời sống cộng đoàn cần được tổ chức phù hợp với nhu cầu mục vụ địa phương và công việc tông đồ của chị em.[13]

Đấng Sáng lập đã đề ra cho hội dòng bốn nhiệm vụ tông đồ cụ thể: giáo dục đức tin và văn hóa, phục vụ bệnh nhân, bảo vệ trẻ thơ, thăng tiến nữ giới. Khi thực hiện các nhiệm vụ này, các chị em có thể vận dụng tinh thần sáng tạo và thích nghi dựa theo giáo huấn của Giáo Hội, để công việc phục vụ được hữu hiệu hơn.[14]
Đối với nhiệm vụ giáo dục đức tin, giáo phận cần các chị em dành nhiều thời gian và công sức để cộng tác với các linh mục trong việc dạy giáo lý: giáo lý phổ thông, giáo lý dự tòng và hôn nhân. Đây là công việc của chính các mục tử, nhưng cần đến sự cộng tác của các chị em, cộng tác chứ không thay thế. Hội dòng đã tổ chức chương trình học viện cho các chị em, một phần cũng để các chị em được trang bị kỹ lưỡng cho nhiệm vụ cao cả và quan trọng này.

Hội dòng hiện đang phụ trách hai cô nhi viện và một số lớp học tình thương tại một số nơi trong giáo phận. Đó là lãnh vực phục vụ cần đến những tấm lòng và sự tận tụy của người nữ tu, bù đắp những đau thương mất mát mà các em phải chịu vì hoàn cảnh gia đình của chúng. Một nhiệm vụ khác các chị nên ân cần thực hiện để góp phần vào việc truyền giáo, đó là thường xuyên đi thăm viếng các gia đình đang cần đến sự giúp đỡ cả tinh thần lẫn vật chất, nhất là những gia đình rối, khô khan nguội lạnh, bỏ đạo hay lương dân, đang sống trong địa bàn phục vụ của các chị em.

Để có thêm nhiều người tham gia công tác tông đồ theo đặc sủng và linh đạo của hội dòng, theo lời thỉnh cầu của hội dòng, giáo phận đã thiết lập "Hiệp hội Mến Thánh Giá Qui Nhơn tại thế", gồm các thành viên là những anh chị em giáo dân đang sống giữa đời. Hội dòng có nhiệm vụ chăm sóc và làm cho hiệp hội này được ngày càng lớn mạnh và có sức sống, theo quy định của giáo luật: "Nếu những tu hội nào có các hiệp hội Kitô hữu được kết nạp, thì những tu hội đó phải ân cần giúp đỡ họ cách đặc biệt, để họ được thấm nhuần tinh thần đích thực của gia đình tu hội".[15]

2.2. Dòng Thánh Phaolô

Dòng thánh Phaolô là một hội dòng nữ thuộc quyền Tòa Thánh, hiện diện tại Việt Nam từ hơn 150 năm qua và đã có những đóng góp to lớn về giáo dục và y tế, phục vụ xã hội và đặc biệt là phục vụ sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội.

Theo đặc sủng của hội dòng, các chị em là những nữ tu tông đồ với sứ mạng bác ái, sống tinh thần đơn sơ khiêm tốn, dũng cảm. Các chị em ý thức rằng trong tất cả những công việc bác ái, chẳng có gì đẹp lòng Chúa hơn và có công nghiệp hơn là việc dạy dỗ những người thất học và giúp đỡ những người khốn cùng. Ngay từ đầu, chị em đã ý thức đi đến những vùng hẻo lánh và bị bỏ rơi nhất, nơi mà những người khác không thể đến được.

Là một hội dòng thừa sai tông đồ, chị em tiếp tục dấn thân cho sứ mạng của Chúa Kitô: đó là sứ mạng chữa lành và giải thoát, giúp đỡ con người tìm thấy con đường sống dồi dào. Chị em chú ý quan tâm đến những người nghèo khổ thiếu thốn về điều kiện vật chất cũng như điều kiện sức khỏe. Chị em luôn tìm kiếm và dấn thân vào những con đường mới theo tinh thần Phúc Âm trước tác động của sự phức tạp và những vấn nạn của xã hội đương thời.

Hội dòng được nuôi dưỡng bằng linh đạo quy về Đức Kitô và mầu nhiệm Vượt Qua, tức là linh đạo được ghi dấu bởi mầu nhiệm Tử nạn và Phục Sinh của Đức Kitô. Chị em đón nhận Đức Kitô làm trung tâm, là nguồn mạch sự sống và là lý do hiện hữu của đời sống mình. Linh đạo ‘quy Kitô” của hội dòng được sống trong sự trọn vẹn của mầu nhiệm Phục Sinh, theo gương thánh Phaolô, quan thầy của hội dòng.

Từ đó hội dòng đã dấn thân vào những lãnh vực hoạt động phù hợp với đặc sủng và linh đạo của mình. Có ba lãnh vực được quan tâm đặc biệt, đó là: giáo dục trẻ em, chăm sóc bệnh nhân, giúp đỡ những người bất hạnh, đặc biệt ưu ái đối với những người bị lãng quên hơn hết. Để thực hiện các hoạt động này, hội dòng đã hiện diện tại giáo phận Qui Nhơn từ năm 1914 với công việc phục vụ các bệnh nhân tại nhà thương Kim Châu. Hiện nay các nữ tu dòng thánh Phaolô có 5 cộng đoàn trong giáo phận, tại các giáo xứ: Chính Tòa, Hội Lộc, Phú Thạnh, Tuy Hòa và Hoa Châu.

Mặc dù số cộng đoàn và số nữ tu không nhiều, nhưng các chị em cũng được mời gọi đẩy mạnh những hoạt động đặc trưng của hội dòng tại các giáo xứ. Việc giáo dục các trẻ em đang cần đến sự giúp đỡ của các chị em. Tại các giáo xứ các chị em đảm nhận công việc dạy giáo lý do cha xứ giao phó. Đó là nhiệm vụ quan trọng nhất. Ngoài ra, hội dòng cũng tìm cách giúp đỡ con cái các gia đình nghèo được học hành về văn hóa cũng như nghề nghiệp. Việc chăm sóc phát thuốc cho các bệnh nhân nghèo cũng là lãnh vực chuyên môn của hội dòng, nhất là những người mắc bệnh HIV/AIDS. Những chương trình khám chữa bệnh miễn phí cho dân nghèo không phân biệt lương giáo được các chị tổ chức tại các giáo xứ miền sâu miền xa là một việc làm đáng trân trọng và có âm vang sâu xa. Việc tổ chức phân phát lương thực và áo quần cho những người nghèo khổ, già cả neo đơn, cũng là một hoạt động từ thiện cao quí.
 
2.3. Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ

Đây là một hội dòng nữ thuộc quyền Tòa Thánh, hiến thân cho việc truyền giáo khắp nơi trên thế giới bằng đời sống chiêm niệm và hoạt động tông đồ. Dòng mang tên là "Phan sinh thừa sai Đức Mẹ": Phan sinh là tinh thần thiết yếu, thừa sai là sứ mạng phục vụ, Đức Mẹ là mẫu gương.

Đặc sủng của hội dòng là đặc sủng mà Mẹ Sáng Lập Marie de la Passion đã lãnh nhận từ Thiên Chúa, đã sống và để lại cho con cái, bao gồm các yếu tố chính: hy lễ, thờ phượng Thánh Thể và thừa sai:

Hy lễ: Chị em ước muốn hiến dâng triệt để đời sống mình, trở nên của lễ dâng lên Thiên Chúa và góp phần cứu độ thế giới, như hiến pháp điều 2 nhấn mạnh. Thờ phượng Thánh Thể: Thánh Thể được cử hành, được tôn thờ và được sống, là trung tâm của đời sống và sứ vụ truyền giáo của các nữ tu Phan sinh. Chính khi “chiêm ngưỡng Chúa Giêsu Thánh Thể là lúc chị em kín múc nguồn sức mạnh và tình yêu trào vọt năng động chiêm niệm và thừa sai cho cả cuộc sống.[16] Thừa sai: Chị em cam kết hiến thân cho việc truyền giáo khắp nơi trên hoàn cầu. “Là thừa sai, chị em sẵn sàng đi khắp mọi nơi và đến với mọi người, ưu tiên cho những người chưa biết Đức Kitô, những nơi thiếu vắng sự hiện diện của Giáo Hội”.[17]

Linh đạo hướng dẫn cuộc sống các chị em trong hội dòng là linh đạo Thánh Mẫu và Phan sinh. Linh đạo Thánh Mẫu: Như Đức Maria, chị em sống thái độ căn bản của 2 tiếng ECCE và FIAT. Chính cách thức của Mẹ nâng đỡ và gợi hứng cho đời sống cầu nguyện của các chị em: “Luôn ngỡ ngàng thán phục hồng ân nhưng không của Thiên Chúa, chăm chú lắng nghe và tuân giữ Lời Người, niềm nở đón nhận các nhu cầu của tha nhân để chuyển cầu cho ”.[18] Linh đạo Phan sinh: Chị em sống Phúc Âm trong cộng đoàn huynh đệ, được đánh dấu bằng nếp sống “bước theo Đức Kitô khiêm nhường, nghèo khó, trong đơn sơ, bình an và vui tươi”,[19] theo tinh thần của thánh Phanxicô Assisi.

Hội dòng đã được thành lập năm 1877 và bắt đầu hiện diện tại Việt Nam từ năm 1932, khi được Đức Cha Augustinô Tardieu Phú, giám mục giáo phận Qui Nhơn, mời đến phục vụ tại trại phong Qui Hòa. Ngày nay hội dòng đã thiết lập một số cộng đoàn tại các giáo phận khác. Chị em hội nhập vào lòng Giáo Hội và xã hội Việt Nam qua những dấn thân trong nhiều lãnh vực khác nhau tùy theo nhu cầu của Giáo Hội và xã hội, như: mục vụ, huấn giáo, giáo dục, y tế và xã hội, huấn nghiệp và phát triển.

Hiện nay cộng đoàn Phan sinh Qui Hòa vẫn là cộng đoàn duy nhất của hội dòng tại giáo phận Qui Nhơn. Chị em được mời gọi và giao nhiệm vụ phục vụ giáo xứ, dạy giáo lý, phụ trách ca đoàn. Để phục vụ cho việc giáo dục, chị em tìm cách giúp đỡ các học sinh nghèo, nhất là các học sinh thuộc các gia đình bệnh nhân phong, được học hành đến nơi đến chốn, bằng cách xin học bổng, giúp học phí và phương tiện di chuyển. Chị em cũng tham gia công tác xã hội để giúp đỡ và cải thiện cuộc sống dân nghèo. Về y tế, hiện nay công việc phục vụ chính thức của chị em tại bệnh viện với tư cách là nữ tu đã bị giới hạn đến mức tối thiểu, nhưng chị em vẫn còn được phục vụ các bệnh nhân phong tại khu an dưỡng. Đó là niềm vui của chị em và đồng thời cũng là niềm an ủi của các bệnh nhân xấu số. Qua trung gian đáng tin cậy của chị em, nhiều ân nhân xa gần đã thường xuyên gửi tiền và phẩm vật cứu trợ đến các bệnh nhân. Nhưng một sứ vụ hết sức quan trọng là chị em có thể tiếp cận để giúp đỡ họ về phần tinh thần và đời sống thiêng liêng, làm chứng cho họ về tình thương của Chúa qua những công việc phục vụ ân cần, vui tươi và khiêm tốn, giúp đỡ các bệnh nhân công giáo được chết an lành và giúp các bệnh nhân ngoại giáo được ơn trở lại trước khi tắt thở.

2.4. Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình Thương

Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình Thương là tên gọi của một hội dòng nữ thuộc quyền giáo phận Qui Nhơn và đang trên tiến trình thành lập. Hội dòng mang đặc tính Việt Nam để trở nên gần gũi với người Việt Nam.

Đặc sủng của hội dòng là sống chứng tá Tin Mừng và yêu thương phục vụ dân thánh Chúa trong người nghèo, những người hèn kém, những người bị bỏ rơi và những người yếu đuối, tội lỗi. Tình yêu thương bác ái trở thành luật sống của chị em: yêu trọn vẹn, yêu hoàn toàn, yêu tuyệt đối, được thể hiện bằng tinh thần hy sinh yêu thương phục vụ. Các thành viên của hội dòng theo đuổi đức ái trọn hảo, để trở thành nhân chứng cho tình yêu của Thiên Chúa.[20]

Linh đạo của hội dòng được diễn tả bằng sự khát khao nên thánh, vươn tới đức ái trọn hảo. Con đường nên thánh ấy xoay quanh mầu nhiệm Đức Kitô Nhập Thể, Người vừa là chính trọng tâm vừa là gương mẫu tuyệt vời của đời sống tu trì của chị em. Mỗi phần tử là một chứng nhân sống động của Chúa Giêsu tình thương, được thể hiện qua những việc bác ái yêu thương phục vụ.[21]

Khẩu hiệu của hội dòng là 'ngồi vào chỗ cuối cùng' (Lc 14,10). Hội dòng sẽ phục vụ bất cứ nơi nào và bất cứ công việc mục vụ hay sứ vụ bác ái nào do Đức Giám mục sở tại ủy thác. Không cạnh tranh làm bất cứ việc mục vụ nào khi đã có một hội dòng hay một tu hội nào khác đảm nhận.[22]

Sứ mạng ưu tiên hàng đầu của chị em là truyền giáo theo lệnh truyền của Chúa Kitô (x. Mt 28,19), bằng đời sống chứng tá là yếu tố quan trọng nhất trong việc rao giảng Tin Mừng. Chứng từ chính yếu và quan trọng mà chị em thể hiện để rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó là tình yêu thương chân thành, khiêm tốn và phục vụ đối với những người nghèo, những người đau yếu bệnh tật, già cả neo đơn, những người bị bỏ rơi, những người hèn kém trong xã hội, những người ở vùng sâu vùng xa và những anh chị em dân tộc thiểu số, những người yếu đuối tội lỗi. Đó là tình yêu nhập thể, tự xóa, tự hạ, theo gương Đấng Emmanuel, để lôi kéo nhiều người về với Thiên Chúa và Giáo Hội.[23]

Việc thiết lập hội dòng mới này được thực hiện dựa trên đường hướng chỉ đạo của công đồng Vaticanô II: "Về việc thành lập những hội dòng mới, phải cân nhắc kỹ lưỡng xem có cần thiết, hay ít là có ích lợi lớn lao và có khả năng tăng triển không. Như thế mới tránh được sự thành lập bừa bãi những hội dòng vô ích hoặc thiếu sinh lực. Trong các Giáo Hội mới, hãy đặc biệt cổ võ và phát triển những hình thức dòng tu thích hợp với tính tình và phong hóa dân chúng, với tập tục và hoàn cảnh địa phương".[24]

Hội dòng Nữ tỳ Chúa Giêsu Tình Thương được Đấng Bản Quyền giáo phận Qui Nhơn xúc tiến thiết lập, chẳng những vì số các hội dòng đang hiện diện và phục vụ tại đây tương đối ít, không đủ để đáp ứng nhu cầu của một cánh đồng truyền giáo bao la, mà còn vì hội dòng này có đặc sủng và linh đạo phù hợp với hoàn cảnh của địa phương, nơi mà dân cư còn nghèo nàn, thiếu thốn về mọi phương diện, nhất là thiếu người rao giảng Tin Mừng tình thương của Thiên Chúa bằng sự hiện diện gần gũi và bằng những công việc phục vụ khiêm tốn.

KẾT LUẬN

Tất cả các hội dòng đang hiện diện và phục vụ tại giáo phận Qui Nhơn đều được mời gọi tham gia công cuộc truyền giáo cho lương dân và các hình thức mục vụ tại các giáo xứ. Tuy nhiên sứ vụ và vai trò của các hội dòng được thể hiện khác nhau tùy theo bản chất, đặc sủng và linh đạo của mỗi hội dòng.

"Nơi những hội dòng này, bản tính đời sống tu trì nhằm hoạt động tông đồ và từ thiện như một tác vụ thánh và như là công trình riêng của đức ái, do Giáo Hội ủy thác cho họ và phải được thi hành nhân danh Giáo Hội. Vì thế toàn thể cuộc đời tu dòng của tu sĩ phải thấm nhuần tinh thần tông đồ và toàn thể hoạt động tông đồ phải được linh động nhờ hình thành trong tinh thần tu dòng. Vậy để các tu sĩ trước hết đáp lại ơn kêu gọi của họ là theo Chúa Kitô và phục vụ chính Chúa Kitô trong các chi thể của Người, hoạt động tông đồ của các tu sĩ phải được phát sinh từ cuộc sống kết hiệp mất thiết với chính Chúa Kitô, nhờ đó chính đức mến Chúa yêu người được triển nở. Bởi thế các hội dòng ấy hãy thích nghi luật lệ và tập tục riêng với các đòi hỏi của việc tông đồ họ chuyên lo".[25]

Tuy có khác nhau về cách thức thi hành sứ vụ, nhưng mọi hoạt động của các hội dòng đều đặt nền tảng trên đời sống thánh hiến, tức là một đời sống được dành riêng cho Thiên Chúa và công việc của Người, như Đức Kitô đã làm. Ngoài những công việc mục vụ và truyền giáo theo lệnh truyền và mẫu gương của Đức Kitô, các hội dòng còn phải đặc biệt quan tâm đến việc cổ võ ơn gọi để có người kế thừa. Cũng như Đức Kitô đã kêu gọi các tông đồ và đào tạo họ trở thành những chủ chăn và những nhà truyền giáo thế nào, thì các hội dòng trong giáo phận Qui Nhơn cũng phải ra sức tìm kiếm và nuôi dưỡng ơn gọi tu trì, không những cho hội dòng của mình mà còn cho những hội dòng khác hay cho hàng giáo sĩ triều của giáo phận, để đáp ứng nhu cầu mục vụ và truyền giáo của giáo phận hiện nay và trong tương lai.
 

[1] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Sắc lệnh về nhiệm vụ mục vụ của các Giám mục trong Giáo Hội, Christus Dominus (28.10.1965), số 34.
[2] BỘ TU SĨ, Các liên hệ hỗ tương giữa Giám mục và tu sĩ trong Giáo Hội (14.5.1978), số 23.
[3] BỘ TU SĨ, Tu sĩ và sự thăng tiến con người (12.8.1980), số 3.
[4] Hiến pháp dòng Đồng Công, điều 3.
[5] Hiến pháp dòng Đồng Công, điều 3.
[6] BỘ TU SĨ, Các liên hệ hỗ tương giữa Giám mục và tu sĩ trong Giáo Hội, số 49.
[7] Xem Hiến chương hội dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn, điều 2.
[8] Xem Hiến chương hội dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn, điều 3.
[9] Xem Hiến chương hội dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn, điều 4.
[10] Xem Hiến chương hội dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn, điều 5.
[11] Giáo luật, điều 673.
[12] BỘ TU SĨ, Những yếu tố cốt yếu trong giáo huấn của Giáo Hội về đời tu (31.5.1983), số 23.
[13] Xem Hiến chương hội dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn, điều 69.
[14] Xem Hiến chương hội dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn, điều 73.
[15] Giáo luật, điều 677, §2.
[16] Hiến pháp dòng Phan sinh thừa sai Đức Mẹ, điều 3
[17] Hiến pháp dòng Phan sinh thừa sai Đức Mẹ, điều 4.
[18] Hiến pháp dòng Phan sinh thừa sai Đức Mẹ, điều 10.
[19] Hiến pháp dòng Phan sinh thừa sai Đức Mẹ, điều 5.
[20] Xem Bản dự thảo hiến chương dòng Nữ tỳ Chúa Giêsu tình thương, các điều 8,9 và 12.
[21] Xem Bản dự thảo hiến chương dòng Nữ tỳ Chúa Giêsu tình thương, các điều 19,20 và 26.
[22] Xem Bản dự thảo hiến chương dòng Nữ tỳ Chúa Giêsu tình thương, các điều 24,25.
[23] Xem Bản dự thảo hiến chương dòng Nữ tỳ Chúa Giêsu tình thương, các điều 23,21.
[24] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Sắc lệnh về canh tân thích nghi đời sống dòng tu, Perfectae Caritatis (28.10.1965), số 19.
[25] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Sắc lệnh về canh tân thích nghi đời sống dòng tu, số 8.
 

Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 8
  • Hôm nay: 4100
  • Tháng hiện tại: 93114
  • Tổng lượt truy cập: 12237374