Trang mới   https://gpquinhon.org

Tân Phúc-Âm-Hóa không phải là...

Đăng lúc: Thứ ba - 15/04/2014 18:49
TÂN PHÚC-ÂM-HÓA KHÔNG PHẢI LÀ...

 

ĐGM Matthêô Nguyễn Văn Khôi


Thuật ngữ ‘tân Phúc-Âm-hóa’ không phát sinh từ một trò chơi chữ để lôi kéo sự tò mò hay sự chú ý, nhưng nó có một nội dung thần học và mục vụ. Để hiểu nó một cách đúng đắn, cần phải đặt nó trong mối tương quan với chính Tin Mừng, với sứ vụ loan báo Tin Mừng được Giáo Hội thực hiện qua các thế kỷ và với hoàn cảnh của thế giới hiện nay.

Trước hết, cần xác định rõ rằng đề xuất một cuộc tân Phúc-Âm-hóa không có nghĩa là phủ nhận giá trị của công cuộc Phúc-Âm-hóa trước đó, hoặc tệ hơn, cho rằng nó là sai lầm. Có lẽ không thể chối cãi rằng trên con đường rao giảng Tin Mừng dọc theo lịch sử Giáo Hội không thiếu dấu vết của những yếu đuối và tội lỗi của con người, như Đức Gioan Phaolô II đã bày tỏ trong bài giảng của ngài tại Santo Domingo,[1] tuy nhiên, công cuộc tân Phúc-Âm-hóa không thể đặt sang một bên hay phủ nhận các nguồn cội Kitô giáo đi trước, theo nghĩa là nó không thể được coi như một cây mọc lên cách tình cờ từ con số không, nhưng đúng hơn, nó như một mầm non phát triển từ những hạt giống liên tiếp được sản sinh do việc rao giảng Tin Mừng đã bắt đầu từ lâu.[2]

Nói cách khác, cuộc tân Phúc-Âm-hóa không có ý định trở về với một điểm không, một khởi điểm tuyệt đối ; nó không tương đương với một sự đoạn tuyệt quá khứ. Trái lại, nó phải được gợi hứng từ mô hình tông đồ đầu tiên của việc rao giảng Tin Mừng là kiểu mẫu của mọi khởi đầu và mọi cuộc canh tân Giáo Hội, đồng thời nó phải khởi đi từ một nền văn hóa đã được Phúc-Âm-hóa tự căn bản, trong đó đức tin Kitô giáo tiếp tục là điểm qui chiếu rõ ràng và là nguồn mạch của các tiêu chuẩn, cách đánh giá và cách sống. Đó chính là điều Đức Gioan Phaolô II muốn nói với toàn thể Giáo Hội trong bài giảng của ngài với tựa đề là Trung thành với quá khứ đức tin, nhìn vào những thách đố của hiện tại, dấn thân cho một cuộc tân Phúc-Âm-hóa, nhân dịp khai mạc tuần cửu nhật để chuẩn bị cử hành đệ ngũ bách chu niên rao giảng Tin Mừng tại lục địa Châu Mỹ La-tinh.[3]

‘Tân Phúc-Âm-hóa’ không có nghĩa là loan báo một tin mừng khác, nghĩa là một nội dung hoàn toàn mới so với lời loan báo căn bản, đầu tiên và tối hậu, như thánh Phaolô đã nói với giáo đoàn Galát và Côrintô (x. Gl 1, 6-9 ; 1Cr 15, 1s). Đó cũng không phải là sự cải thiện Tin Mừng, bởi vì Tin Mừng tự bản chất không thể hoàn thiện hơn, cũng không chịu bất cứ sự hao mòn nào của thời gian, vì Tin Mừng là chính Đức Kitô, Đấng luôn luôn mới, như lời Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong tông huấn Evangelii Gaudium :

« Đức Kitô là ‘Tin Mừng vĩnh cửu’ (Kh 14, 6); Người ‘vẫn là một, hôm qua, hôm nay và mãi mãi’ (Dt 11, 33), nhưng sự giàu có và vẻ đẹp của Người thì vô biên. Người mãi mãi trẻ trung và là nguồn mạch vĩnh hằng của cái mới [...]. Hay như thánh Irênê viết: ‘Với việc đến trần gian này, Đức Kitô mang theo với Người tất cả sự mới mẻ’.[4] Với sự tươi trẻ này, Người luôn luôn có thể đổi mới cuộc đời chúng ta và các cộng đoàn chúng ta, và cho dù sứ điệp Kitô giáo đã từng biết đến những thời kỳ đen tối và sự yếu đuối của Giáo Hội, sứ điệp ấy sẽ không bao giờ già đi. Đức Giêsu cũng có thể chọc thủng những phạm trù nhàm chán mà chúng ta dùng để giam hãm Người và Người luôn luôn làm chúng ta ngạc nhiên bằng sự sáng tạo thần linh của Người. Mỗi khi chúng ta cố gắng trở về nguồn và khôi phục lại sự tươi trẻ của Tin Mừng, những đại lộ mới sẽ xuất hiện, những con đường sáng tạo mới sẽ mở ra, với những hình thức biểu hiện khác nhau, những dấu chỉ và từ ngữ phong phú mang theo ý nghĩa mới cho thế giới hôm nay. Mọi hình thức loan báo Tin Mừng đích thực đều luôn luôn là ‘mới’ ».[5]

Hơn nữa, không phải Tin Mừng lớn lên và thay đổi theo dòng lịch sử : đúng hơn phải nói rằng nhờ chạm trán với Tin Mừng mà lịch sử thay đổi. Tin Mừng luôn hàm chứa một sự mới mẻ đối với người nào đón nhận và loan báo nó.
 
 

[1] Xem GIOAN PHAOLÔ II, ‘Bài giảng thánh lễ Loan báo Tin Mừng cho các dân tộc tại Santo Domingo’ (12-10-1984), trong Insegnamenti di Giovanni Paolo II (1984) VII/2, tr. 889.
[2] Xem GIOAN PHAOLÔ II, ‘Bài giảng thánh lễ Loan báo Tin Mừng’, sđd., tr. 887.
[3] Xem GIOAN PHAOLÔ II, ‘Bài giảng thánh lễ Loan báo Tin Mừng’, sđd., tr. 885.
[4] T. IRÊNÊ, Adversus haereses, IV, c. 34, n. 1: PG 7, pars prior, 1083.
[5] PHANXICÔ, Tông huấn Evangelii Gaudium về việc rao giảng Tin Mừng trong thế giới hôm nay (24-11-2013), 11.
 
Tác giả bài viết: ĐGM Matthêô Nguyễn Văn Khôi
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 30
  • Khách viếng thăm: 25
  • Máy chủ tìm kiếm: 5
  • Hôm nay: 6665
  • Tháng hiện tại: 157826
  • Tổng lượt truy cập: 12134613