Trang mới   https://gpquinhon.org

Chữ Hán - Nôm trong kiến trúc nhà thờ Công giáo Việt Nam

Đăng lúc: Thứ ba - 07/02/2017 06:39


Chữ Hán - Nôm trong kiến trúc nhà thờ Công giáo Việt Nam
 

Nguyễn Thế Nam

Những nhà thờ Công giáo Việt Nam cổ nhất tồn tại đến nay cũng chủ yếu chỉ được xây dựng kiên cố từ nửa cuối thế kỷ XIX đến nay. Dù còn có những định kiến nhất định do lịch sử để lại, nhưng phải khẳng định rằng nhà thờ Công giáo là những khối kiến trúc có giá trị nghệ thuật, giá trị lịch sử. Những nhà thờ được xây dựng theo phong cách “truyền thống” như Phát Diệm song song tồn tại cùng với những nhà thờ được xây dựng theo kiểu Baroque, Gothique, Roman… tạo nên sự đa dạng trong phong cách kiến trúc nhà thờ. Đặc biệt là trong kiến trúc của một số nhà thờ Công giáo còn thấy xuất hiện chữ Hán Nôm trong các văn bia, đại tự, câu đối… khiến nhiều người nghĩ đến tính hội nhập văn hoá của Công giáo vào xã hội Việt Nam. Di sản Hán Nôm trong các nhà thờ Công giáo không có nhiều, tuy nhiên tính chất thiểu số của nó đã đem lại nhiều giá trị đáng trân trọng.

Bước đầu thống kê, chúng tôi cho rằng hiện nay các nhà thờ có chứa di sản chữ Hán-Nôm (gồm bia ký, câu đối, đại tự) đã được biết tới là(1):

1. Nhà thờ Đại Ơn (Chương Mỹ - Hà Nội)(2): có bia đề thơ, cổng nhà thờ có câu đối chữ Hán.

2. Nhà thờ Hà Hồi (Thường Tín - Hà Nội): có câu đối.

3. Nhà thờ Tri Thuỷ (Phú Xuyên - Hà Nội): có hai tấm bia đá nhỏ, một tấm khắc năm 1924, 1 tấm khắc năm 1927.

4. Đền Thánh Phêrô Lê Tuỳ (Bằng Sở - Thường Tín - Hà Nội): tấm bia ký mới được dựng lại ở đây có lẽ có tuổi đời rất lâu, chữ đã mờ mất khá nhiều.

5. Nhà thờ Phùng Khoang (Từ Liêm - Hà Nội): có bia hậu, cổng nhà thờ có câu đối chữ Nôm.

6. Nhà thờ Phú Mỹ (Phú Xuyên - Hà Nội): có các chữ Nôm phiên âm tiếng nước ngoài, câu đối, được đắp trên một số bộ phận của nhà thờ.

7. Nhà thờ Từ Châu (Thanh Oai - Hà Nội): có khá nhiều câu đối, đại tự.

8. Nhà thờ Thạch Bích (Bích Hà - Thanh Oai - Hà Nội): có câu đối.

9. Nhà thờ Xâm Dương (Sở Hạ - Thường Tín - Hà Nội): có câu đối trên chất liệu gỗ.

10. Nhà thờ Ổ Thôn (Bình Phú - Thạch Thất - Hà Nội)(3): có bia hậu.

11. Nhà thờ Xuân Hoà (Bạch Đằng - Tiên Lãng - Hải Phòng): có bia hậu.

12. Nhà thờ Tiên Đôi Ngoại (Đoàn Lập - Tiên Lãng - Hải Phòng): có bia hậu.

13. Nhà thờ Đức Bà (Trung Lao - Trung Đông - Nam Ninh - Nam Định): có bia công đức.

14. Nhà thờ Vinh Sơn (Trung Lao-Trung Đông-Nam Ninh-Nam Định): có bia công đức.

15. Nhà thờ Kẻ Vĩnh (Ngân Trị-Ý Yên-Nam Định): có các bức đại tự được đắp trên cửa mặt tiền nhà thờ.

16. Nhà thờ Phú Nhai (Xuân Thuỷ-Nam Định)(4): có bia viết về nhân vật lịch sử cụ thể.

17. Nhà thờ Hảo Nho (Yên Lâm-Tam Điệp-Ninh Bình): có câu đối, đại tự.

18. Nhà thờ Quảng Nạp (Yên Thắng-Yên Mô-Ninh Bình): có câu đối, đại tự ở mặt tiền nhà thờ.

19. Nhà thờ Phát Diệm (Kim Sơn-Ninh Bình): có câu đối, đại tự.

20. Nhà thờ giáo họ Vinh Trung (Kim Sơn-Ninh Bình): có các đại tự, câu đối được đắp tại mặt tiền nhà thờ.

21. Nhà thờ Ba Làng (Tĩnh Gia-Thanh Hoá): có đại tự tại mặt tiền nhà thờ.

22. Nhà thờ Lăng Cô (Phú Lộc- Thừa Thiên Huế): có bức cuốn thư bằng gỗ sơn son ghi chữ Hán được thếp vàng.

23. Nhà thờ An Vân (Hương Trà-Thừa Thiên Huế): chữ Hán Nôm xuất hiện với nhiều hình thức đa dạng.

24. Nhà thờ Phủ Cam (Thành Phố Huế): có bia viết về nhân vật lịch sử cụ thể.

25. Nhà thờ Cha Tam (Quận 5-Tp Hồ Chí Minh): có đại tự ở cổng vào nhà thờ, ở cửa vào gian chính, và có câu đối bên trong nhà thờ.

26. Nhà thờ Tân Hoà (Quận Phú Nhuận-Tp Hồ Chí Minh): có đại tự và câu đối ở mặt tiền nhà thờ.

Ngoài ra chữ Hán, chữ Nôm còn được khắc, hoặc đúc trên những quả “chuông Nam(5)” được tìm thấy tại một vài nhà thờ, như chuông ở nhà thờ Trường An (thành phố Huế), Đốc Sơ (Thành phố Huế), Lưu Phương Thượng, Phát Diệm Thượng (Ninh Bình),… hoặc được khắc trên mộ của Nguyễn Trường Tộ (Hưng Nguyên-Nghệ An).

Có thể tạm chia bia ký ghi bằng chữ Hán, Nôm được tìm thấy tại các nhà thờ Công giáo Việt Nam làm: bia hậu và bia ký ghi công đức một danh nhân nào đó, ghi lại công việc tạo lập cộng đồng Công giáo, hoặc việc kiến thiết nhà thờ. Hầu hết những tấm bia tại nhà thờ Công giáo Việt Nam đều ra đời từ cuối thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX (tức là từ thời điểm người Pháp bắt đầu thực hiện chính sách loại bỏ chữ Hán, chữ Nôm ở Việt Nam, đến khi đến khi chữ Quốc ngữ có được địa vị chắc chắn). Sự xuất hiện của bia đá ghi bằng chữ Hán, chữ Nôm tại nhà thờ Công giáo Việt Nam trong khi chính quyền thực dân đã hạn chế thứ chữ này có thể xem là hiện tượng thú vị. Cũng có thể coi đây là dấu hiệu hội nhập văn hoá của Công giáo Việt Nam, khiến ta có thể so sánh vị trí của nhà thờ Công giáo với một ngôi chùa, một đình làng truyền thống.

Số nhà thờ Công giáo được trang trí các câu đối, hay các bức đại tự viết bằng chữ Hán-Nôm chỉ là thiểu số so với số lượng nhà thờ Công giáo tại Việt Nam. Ngoại trừ hai nhà thờ có nhiều câu đối với lối kiến trúc bên trong đậm chất truyền thống là Từ Châu, Xâm Dương…, số lượng chữ Hán, chữ Nôm trong các câu đối, đại tự trong nhưng nhà thờ còn lại không lớn, thậm chí ở một số nhà thờ chỉ lác đác vài ba chữ Hán mang ý nghĩa trang trí là chính.

Nội dung của những câu đối, đại tự này phần lớn đều nhằm ngợi ca nhà thờ, hạnh tích các thánh hoặc các vấn đề thần học của Công giáo. Tương tự phong cách thường thấy trong nhiều công trình kiến trúc khác của người Việt Nam, phần lớn số câu đối, đại tự ở nhà thờ Công giáo Việt Nam đều xuất hiện ở mặt tiền, cổng ra vào hoặc các cột trụ của nhà thờ. Ở một số câu đối, đại tự ta còn bắt gặp các điển tích cổ của Việt Nam, Trung Quốc, hoặc phương Tây.

Tuy rằng ở nhiều nhà thờ việc gìn giữ di sản nói chung, di sản chữ Hán, Nôm nói riêng rất được coi trọng, nhưng do sự gián cách của lịch sử nên những di sản này đang có nguy cơ bị mai một. Đây là điều đáng tiếc bởi nhà thờ Công giáo cũng là một yếu tố gắn liền với những thăng trầm của lịch sử dân tộc, và cần được quan tâm gìn giữ một cách đúng mức. 


Chú thích:

(1). Trong một số nhà thờ còn xuất hiện những chữ Latinh trên một số bộ phận kiến trúc, hoặc có bia đá viết bằng chữ Quốc ngữ. Ở đây chúng tôi chỉ đề cập tới chữ Hán, Nôm.

(2). Con số chúng tôi đưa ra chưa thể là con số đầy đủ bởi việc khảo sát hàng trăm nhà thờ Công giáo tại Việt Nam để thống kê những nhà thờ có chữ Hán-Nôm là một công việc khó khăn nằm ngoài khả năng ở thời điểm hiện tại của chúng tôi.

(3). Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Kỷ yếu trao đổi khoa học Tư liệu Hán Nôm viết về Công giáo Việt Nam, Hà Nội, 2003.

(4). Nguyễn Hồng Dương, Nhà thờ Công giáo Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, 2003, tr 73-78.

(5). Tức là những quả chuông giống chuông chùa, khác với chuông kiểu phương Tây.

(Thông báo Hán Nôm học 2012,tr.491-495)

 

Nguồn tin: Vanhoanghean
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 18
  • Khách viếng thăm: 17
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 7459
  • Tháng hiện tại: 86722
  • Tổng lượt truy cập: 12063509