Trang mới   https://gpquinhon.org

Giuliano Baldinotti có phải là giáo sĩ Phương Tây đầu tiên đến xứ Đàng Ngoài

Đăng lúc: Thứ sáu - 12/08/2016 18:51


 

Lê Nguyễn



Một số tư liệu của người châu Âu viết về hoạt động của giáo hội Thiên Chúa giáo tại Đàng Ngoài vào thế kỷ 17 khẳng định nhà truyền giáo người Ý Giuliano Baldinotti là giáo sĩ phương Tây đầu tiên đến truyền đạo tại Đàng Ngoài vào năm 1626. Song theo một số tư liệu khác, trong đó có bộ Khâm Định Việt sử Thông giám Cương mục của sử quán triều Nguyễn, người phương Tây đầu tiên đến nước ta giảng đạo là Inikhu (Ignacio). Người này đi bằng đường biển đến các làng Ninh Cường, Quần Anh thuộc huyện Nam Chân và làng Trà Lũ thuộc huyện Giao Thủy (nay thuộc tỉnh Nam Định) vào năm 1533 dưới triều vua Lê Trang tông.

****
Không thấy có tài liệu viết về những hoạt động của Inikhu (có tài liệu âm là I-nê-khu), song trong năm đó, triều đình Đại Việt đã ban hành lệnh cấm giảng đạo và theo đạo Gia tô (âm từ tên Jésus). Năm 1588, lại có hai giáo sĩ người Bồ Đào Nha khác là Alfonso da Costa và Gonsalvesde Sa đến An Trường, làm lễ rửa tội cho công chúa Mai Hoa (Maria Flora) và bà công chúa này đã lập một tu viện tại đây.

Phải chờ đến những thập niên đầu thế kỷ 17, hoạt động truyền giáo của các giáo sĩ phương Tây mới được ghi nhận một cách rõ rệt và giáo sĩ người Ý Giuliano Baldinotti đến Đàng Ngoài vào năm 1626 được nhắc đến khá nhiều. Ông là người đã để lại một trong những hồi ức sớm nhất về sinh hoạt cung đình triều Lê-Trịnh và cuộc sống của người dân thường quanh kinh thành Thăng Long.

Baldinotti mang quốc tịch Ý, sinh năm 1591 tại Pistoia, gần thủ phủ Florence, gia nhập giáo đoàn Jesus từ năm 1609. Mười hai năm sau (1621), ông lãnh sứ mạng công tác về phương Đông và trong chuyến du hành này, ông có cơ may gặp và học hỏi với Peter Della Valle, nổi tiếng là một nhà toán học giỏi. Trong thời gian ghé lại Macao, nơi có nhiều người Bồ Đào Nha sinh sống, Baldinotti nảy ra ý định tìm đến vương quốc Đàng Ngoài. Ngày 2.2.1626, ông cùng các thương nhân Bồ Đào Nha và một thày dòng người Nhật tên Giulio del Piano khởi hành từ Macao, sau một hành trình dài, tới kinh đô Kẻ Chợ (Thăng Long) ngày 7.3.1626. Lúc bấy giờ Thanh Đô vương Trịnh Tráng đang nuôi ý định tạo mối liên lạc với các thương nhân Bồ Đào Nha nên đã tiếp đãi Baldinotti và các thương nhân này một cách ân cần. Điều đáng nói là kiến thức về toán học của viên giáo sĩ người Ý đã thu hút sự chú ý đặc biệt của chúa Trịnh, và chúa đã ngỏ ý muốn Baldinotti lưu lại lâu hơn. Chính trong thời gian này, viên giáo sĩ người Ý đã có dịp vào ra phủ chúa, chứng kiến nhiều sinh hoạt cung đình và tiếp xúc thường xuyên với cuộc sống thường nhật ở Kẻ Chợ. Ngày 12.11.1626, ông gửi cho các cha Bề Trên một lá thư dài báo cáo những việc đã làm cùng những điều mắt thấy tai nghe. Ba năm sau, lá thư này được in trong một tác phẩm ngắn của những người kế tục Bartolomeo Zanetti, xuất bản tại Rome năm 1629 với nhan đề Lettere dell’ Ethiopia dell’ Anno 1626 fino al Marzo del 1627, e della Cina dell’ Anno 1625 fino al Febraio del 1626. Đến khoảng nửa sau thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, nhà nghiên cứu Lodovico Nocentini (1840-1910) công bố trên tờ “Nhật báo Ý” số tháng 3-tháng 4.1903 tài liệu của Baldinotti dưới nhan đề The voyage of the P.G.Baldinotti in the Tonkin 1626 (chuyến du hành của giáo sĩ G. Baldinotti tại xứ Đàng Ngoài năm 1626). Trước đó, Nocentini cũng công bố tài liệu này tại Hội nghị Quốc tế đầu tiên về nghiên cứu vùng Viễn Đông diễn ra tại Hà Nội năm 1902 và đăng lại trên Tập san trường Viễn Đông Bác cổ (BEFEO) - số III năm 1903 (trang 71-78). 

Bản báo cáo đề ngày 12.11.1626 của Baldinotti là một sử liệu quan trọng trong thời kỳ đầu hoạt động của các giáo sĩ phương Tây ở Đàng Ngoài. Ông cho biết khi tàu cập bờ biển miền Bắc, chúa Trịnh Tráng được báo tin, bèn cử 4 thuyền chiến đi đón và hộ tống đoàn thuyền của những người Bồ Đào Nha suốt hành trình dài 18 dặm dọc trên một con sông. Nhà chúa đang trong thời kỳ chờ đợi người phương Tây đến để giao thương nên đã dành cho Baldinotti cùng đoàn thương nhân Bồ Đào Nha sự tiếp đón trọng thị, mở tiệc thết đãi và hứa hẹn hỗ trợ cho họ thật nhiều.

Khi đoàn khách phương Tây từ tạ ra về, chúa Trịnh Tráng còn ban tặng cho Baldinotti và người thuyền trưởng những chiếc áo dài rất đẹp, lại còn ra lệnh cho tả hữu tìm cho họ những chỗ ở tốt nhất tại Kẻ Chợ. Ông còn ngỏ ý mời họ dự khán các cuộc đua ngựa, đua thuyền, những trận chiến tập có sự tham dự của voi. Bản thân chúa cũng cưỡi một con voi to, biết dùng vòi chuyển lên cho chúa những binh khí mà quân sĩ đưa cho. Các con chiến mã cũng vậy, chúng biết nhấc lên khỏi mặt đất những giáo mác và chuyển cho các binh sĩ đang cưỡi chúng. Chúa cũng mời các vị khách phương Tây xem hát tuồng và dự nhiều lễ hội khác. Khi nghe tả hữu kể về khả năng toán học của Baldinotti, Trịnh Tráng cho một viên hoạn quan đến xin ông dạy cho biết về những vật thể trên bầu trời. Viên quan này ngỏ ý muốn Baldinotti ở lại lâu dài để dạy cho họ nhiều điều, song giáo sĩ người Ý cho biết không thể ở lại Đàng Ngoài lâu được, vì ông ta được lệnh phải tháp tùng đoàn thương nhân Bồ Đào Nha trong suốt cuộc hành trình đi, đến và rời khỏi Đàng Ngoài. Ông ta cũng hứa hẹn là sau khi về đến Macao, sẽ xin phép để trở lại định cư tại Đàng Ngoài để phục vụ chúa Trịnh. Một thời gian ngắn sau, chúa Trịnh Tráng cho vời Baldinotti đến phủ chúa, mở tiệc mời và đặt ra nhiều câu hỏi về toán học và thiên văn học. Chúa cũng mời Baldinotti quay lại Đàng Ngoài vào năm sau và hứa sẽ miễn cho ông ta mọi nghĩa vụ đóng góp. 

Tuy nhiên, sự hiện diện của Baldinotti và các thương nhân Bồ Đào Nha đã sớm nhận được phản ứng bất lợi của các cận thần ở phủ chúa. Họ phao tin rằng nhóm người này là gián điệp của chúa Nguyễn ở Đàng Trong, ra Đàng Ngoài để dọ dẫm tình hình. Tin đồn tới tai Trịnh Tráng, lúc đầu ông không tin, song về sau, ông bắt đầu nghi ngờ, buộc đoàn khách phương Tây phải thề là luôn trung thành với chúa, không đi vào Đàng Trong và không hỗ trợ chúa Nguyễn về mọi phương diện. Lễ ăn thề được tổ chức trọng thể trong một ngôi chùa với sự hiện diện của đám đông dân chúng hiếu kỳ. Tất cả những người có liên quan đứng quanh một chiếc bàn trên có đặt một bình đựng rượu và nước. Người của phủ chúa châm lửa đốt cháy một tờ giấy trên có ghi các lời thề rồi dập tắt tờ giấy, đặt lên bàn, sau đó cắt cổ một con gà, nhỏ máu lên tờ giấy. Khi được yêu cầu uống rượu thề trên bàn thờ, Baldinotti từ chối, lấy cớ rằng việc đó trái với giáo lý của đạo mà ông ta đang rao giảng. Được trình báo việc này, chúa Trịnh Tráng tỏ rõ sự khéo léo trong ứng xử, ông cho người thông báo là Baldinotti và những người Bồ Đào Nha có thể làm những điều họ muốn và không làm những điều họ không muốn. Chúa còn lưu đoàn khách phương Tây lại thêm vài tháng sau khi xét thấy không cần thiết phải lo sợ là họ sẽ tìm vào Đàng Trong.

Chính trong thời gian được lưu lại Kẻ Chợ mà Baldinotti có điều kiện tiếp xúc với nhiều người và thu thập các thông tin cần thiết về sinh hoạt của người Đàng Ngoài. Ông ta cho biết vua Lê và chúa Trịnh cai quản 9 “vương quốc”, trong đó ba vương quốc vẫn triều cống là Lai (Lào), Đàng Trong và Bau (Thuộc khu vực Tuyên Quang, Hưng Hóa ngày nay). Đổi lại triều đình nhà Lê cũng tiếp tục triều cống nhà Minh, mỗi năm đưa sang Kim Lăng 3 tượng làm bằng vàng và 3 tượng bằng bạc. Việc triều cống là một hoạt động thường xuyện trong quan hệ giữa hai nước, do thế yếu, các hoàng đế Đại Việt bề ngoài phải tỏ ra thần phục, song bên trong vẫn duy trì nền độc lập, vẫn xưng hoàng đế thay vì chỉ là An Nam quốc vương hay Quận vương như trong các chiếu chỉ tuyên phong của hoàng đế Trung Hoa. Theo Baldinotti, tại Đàng Ngoài vào nửa đầu thế kỷ 17, có khoảng 2 triệu dân đinh đóng thuế cho nhà nước và cung ứng cho triều đình một đạo quân khá hùng hậu. Số quan lại cao cấp dưới quyền vua Lê và chúa Trịnh vào khoảng 600 người. Gặp lúc đất nước rơi vào tình trạng khẩn cấp như chiến tranh hay bạo loạn, mỗi quan đại thần này có nghĩa vụ cung ứng cho triều đình từ một đến hai ngàn binh sĩ do họ trả lương, cho đến khi nào chiến tranh kết thúc. Bù lại với nghĩa vụ nặng nề đó, họ được triều đình phong cấp cho hai hay ba sở đất lớn để thu hoa lợi. Baldinotti cũng cho biết thủy quân Đàng Ngoài vào thời đó có đến 4.000 thuyền chiến với 26 tay chèo ở mỗi bên. Mỗi chiến thuyền được trang bị nhiều khẩu pháo, trong đó có một khẩu pháo nặng 14 livre (khoảng 7 kg). Hầu hết các đuôi thuyền đều được sơn son thếp vàng rất đẹp. Một lần nọ, viên giáo sĩ người Ý được chứng kiến cảnh 500 chiếc thuyền được huy động để dự lễ giỗ của thân phụ Thanh Đô vương Trịnh Tráng là Bình An vương Trịnh Tùng. Ở chi tiết này, Baldinotti đã nhầm khi kể rằng “người cha của vị chúa hiện tại, nhiều năm trước, đã bị người con nhỏ vì ham nắm quyền hành mà sát hại; người này ngay sau đó đã bị người anh lớn giết chết…”. Trên thực tế, khi Trịnh Xuân, con của Trịnh Tùng, nổi loạn, trục xuất cha ra khỏi kinh thành thì ngay sau đó Xuân đã bị anh ruột là thế tử Trịnh Tráng sát hại, và một, hai ngày sau, Trịnh Tùng mới mất.

***
Những hồi ức của Baldinotti tuy không phong phú bằng của người kế tục ông tại Đàng Ngoài là Alexandre de Rhodes, song cũng soi sáng được nhiều góc khuất trong đời sống cung đình triều Lê-Trịnh vào những thập niên đầu thế kỷ 17. Mặt khác, một điều cũng cần được minh xác khi đọc các tài liệu dịch về thời kỳ này: đó là trong hồi ký, du ký vào các thế kỷ XVI, XVII và XVIII của các thương nhân, giáo sĩ phương Tây được viết hay dịch ra tiếng Pháp, từ “roi” được một số tài liệu, sách, báo gần đây dịch là “vua Lê”, song căn cứ vào thực trạng miêu tả trong tác phẩm của họ, từ “roi” phải được hiểu là “chúa Trịnh”, chứ không phải vua Lê.

9.8.2016

(Bài trích trong sách “Xã hội Việt Nam qua bút ký của người nước ngoài” sẽ do DT Books tái bản và phát hành vào tháng 9.2016)

 

Nguồn tin: Vanhoanghean
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 19
  • Khách viếng thăm: 18
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 3225
  • Tháng hiện tại: 159032
  • Tổng lượt truy cập: 12135819