Trang mới   https://gpquinhon.org

Tản mạn hai chữ “thành nhân”

Đăng lúc: Thứ hai - 10/10/2016 05:26
       http://dantri4.vcmedia.vn/y0V2Vnsx49nhQPv7HdH/Image/2013/06/tnghiep0906132-8aeb1.jpg


TẢN MẠN HAI CHỮ “THÀNH NHÂN”
 
    Nhân dịp đầu năm học, Giám mục Giuse Đinh Đức Đạo- Chủ tịch Ủy ban Giáo dục Công giáo đã có “ Thư gửi các sinh viên, học sinh Công giáo dịp đầu năm học 2016-2017”. Trong thư có đoạn viết: “…Vì vậy, để trở thành những người con xứng đáng và hữu ích cho Giáo hội và Quê hương, ngay từ bây giờ, khi đến trường, các con không được chỉ tìm học thêm kiến thức, nhưng còn phải rèn luyện con người của mình về mọi mặt mà Cha gồm tóm lại trong 4 chữ “Thành”: Thành Tài, Thành Công, Thành Nhân, Thành Thánh.”

    Trong bài viết này chúng ta chỉ đề cập đến “Thành Nhân”.Vậy “Thành nhân” là gì? Tự điển Việt Nam của Ban Tu thư Khai trí đã giải thích hai chữ “Thành Nhân”: Người  đã đến tuổi trưởng thành.      
                   
     Nếu hai chữ “Thành nhân” được viết bằng chữ Hán thì ý nghĩa của nó không phải đơn giản như giải thích của Tự điển Việt Nam.Từ điển Hán Việt Hán ngữ cổ đại và hiện đại của Trần Văn Chánh có hai từ cùng phát âm “Thành nhân” nhưng có chữ “Nhân” viết nét chữ Hán khác nhau:

1       -Thành nhân (nhân là người): a- Đã lớn, đã trưởng thành, thành nhân
                                                      b- Người lớn, người đã trưởng thành.

2  -Thành nhân (nhân là lòng nhân từ, lòng thương yêu, đức nhân): Trọn điều nhân nghĩa, làm được điều nhân, thành nhân: Bất thành công tắc thành nhân (Không thành công thì thành nhân)

    Chúng ta thường nghe các bậc cha mẹ nói: Con cái chúng tôi đã “thành nhân chi mỹ” cả rồi, thế mà chưa có đứa nào biết báo đáp ơn sinh thành cả!

  Nhiều người nghĩ rằng: “thành nhân chi mỹ” có nghĩa là đã lớn, đã trưởng thành thì hoàn toàn sai, bởi vì cụm từ “thành nhân chi mỹ” có nghĩa là giúp người làm việc tốt. Sách Luận ngữ chương thứ XII ghi : “ Quân tử thành nhân chi mỹ, bất thành nhân chi ác. Tiểu nhân phản thị” (Người quân tử giúp người làm việc tốt, chẳng giúp người làm việc xấu. Còn kẻ tiểu nhân thì khác hẳn).

     Nhà yêu nước Nguyễn Thái Học đã nói: “Không thành công cũng thành nhân”. Câu nói này được lấy ý từ Luận ngữ chương thứ XV: “Chí sĩ nhân nhân vô cầu sanh dĩ hại nhân; hữu sát thân dĩ thành nhân” (Người có chí và người có nhân chẳng vì lẽ bảo tồn sanh mạng mà làm hại đức nhân; hạng người ấy có khi phải tự mình quyên sinh để giữ tròn đức nhân vậy). Do sợ nhầm lẫn giữa các chữ “Nhân” với nhau cho nên dịch giả Đoàn Trung Còn đã phiên âm: “ Chí sĩ nhân nhơn vô cầu sanh dĩ hại nhân; hữu sát thân dĩ thành nhân”. Chữ “Nhân” là nói về đức nhân; còn chữ “Nhơn” là con người.

    Trong thư Giám mục Giuse Đinh Đức Đạo không có ý nói tới những chữ “Thành nhân” được trích từ sách Luận ngữ ở trên mà Giám mục muốn các sinh viên, học sinh “Thành nhân” là trở thành một con người hoàn hảo để phục vụ Giáo hội và Quê hương

   Sách Luận ngữ chương thứ XIV ghi: “ Tử Lộ vấn thành nhân (nhơn). Tử viết: “ Nhược Tang Võ Trọng chi trí, Công Xước chi bất dục, Biện Trang tử chi dũng, Nhiễm Cầu chi nghệ, văn chi dĩ lễ nhạc, diệc khả dĩ vi thành nhân (nhơn) hỹ” (Ông Tử Lộ hỏi: “ Thế nào là bực thành nhân (nhơn), tức là người hoàn hảo?”Khổng tử trả lời: “: Như ai có trí như Tang Võ Trọng, thanh liêm như Mạnh Công Xước, dũng cảm như Trang tử đất Biện, tài nghề như Nhiễm Cầu, đó là về tánh chất, còn về văn thái thì có thêm lễ để tiết chế, nhạc để điều hòa, có cả chất và văn như thế mới đáng gọi là bực thành nhân ). Như vậy bậc “Thành nhân” phải có tài và đức.

    Khổng tử lại nói tiếp: “Kim chi thành nhân (nhơn) giả, hà tất nhiên?Kiến lợi tư nghĩa, kiến nguy thọ mạng, cửu yếu bất vong bình sanh chi ngôn, diệc khả dĩ vi thành nhân (nhơn) hỹ” ( Những bậc thành nhân đời nay hà tất có đủ các tài đức ấy? Nếu ai thấy món lợi bèn nhớ đến điều nghĩa mà chẳng dám phạm; thấy thế nguy mà dám hy sinh chẳng tiếc mạng; bình sanh đã giao ước điều gì thì dẫu bao lâu cũng chẳng quên, người như vậy cũng đáng gọi là bực thành nhân được rồi).

     Sinh viên, học sinh để được “Thành nhân” như Giám mục Giuse Đinh Đức Đạo mong muốn phải cố gắng “ bác ngã dĩ văn, ước ngã dĩ lễ”( dùng văn học mà mở mang trí thức của ta, đem lễ tiết mà ước thúc thân tâm ta).
 

Nguyễn Văn Nghệ
Diên Khánh- Khánh Hòa

 
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 73
  • Khách viếng thăm: 71
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 1056
  • Tháng hiện tại: 156863
  • Tổng lượt truy cập: 12133650