Trang mới   https://gpquinhon.org

Sống viên mãn: Tặng phẩm Giáng sinh

Đăng lúc: Chủ nhật - 22/12/2013 22:05


Một trong những điều quan trọng nhất về Lễ Giáng Sinh là nhắc các Kitô hữu nhớ rằng mọi lĩnh vực của cuộc sống đều là ân sủng. Lễ Giáng Sinh là dịp nhắc nhở về Mầu nhiệm Nhập thể, Con Thiên Chúa mặc xác phàm để chia sẻ mọi thứ với nhân loại qua thần tính. Khi làm vậy, Đức Kitô đã tái định hình nhân tính, làm cho hoàn hảo tình yêu tuân phục đối với Chúa Cha, đó là bài-thánh-ca-sống (life-hymn) mà chính mỗi chúng ta đều được mời gọi tham dự vào.

Lễ Giáng Sinh nhắc nhở chúng ta rằng mỗi hành động của thể xác và linh hồn đều có thể biểu lộ sự hiện hữu của Thiên Chúa, không chỉ hành động mà còn cả những khoảnh khắc sống của chúng ta nữa. Mỗi khoảnh khắc đó đều có cơ hội để nhân tính của chúng ta trở nên hoàn hảo nhờ ân sủng, và để ân sủng thể hiện qua bản chất của chúng ta đối với thế gian.

Đức tin nhập thể

Dĩ nhiên, Thiên Chúa không mặc xác phàm trong chúng ta như Ngài đã mặc xác phàm trong Đức Giêsu Kitô. Chúng ta không là “người trời” với nhân tính. Nhưng Thiên Chúa ở trong mỗi Kitô hữu, làm cho mỗi chúng ta trở nên đền thờ của Chúa Thánh Thần (1 Cr 6:19) – đền thờ sống động, giống như đền thờ mà Đức Kitô đã nói rằng Ngài sẽ “xây dựng lại nội trong ba ngày” (Ga 2:19). Ngài cũng nói: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4:34). Và Ngài xác định: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4:4). Chúng ta cũng được kêu gọi để sống viên mãn theo Thánh Ý Chúa Cha.

Chúng ta bị cám dỗ trong xác thịt, đó là lúc ân sủng chống lại sự cám dỗ. Chúng ta có thể bị bệnh hoặc bị thương, đó là lúc ân sủng chấp nhận Ý Chúa và dâng đau khổ của chúng ta lên Ngài để chúng ta có thể “vui mừng được chịu đau khổ vì Đức Kitô” (Cl 1:24). Cũng vậy, đó là lúc ân sủng dùng thân thể để làm tốt cho những người mặc xác phàm, để hoàn thiện tình yêu càng nhiều càng tốt. Khi thân thể chúng ta thờ ơ, nếu chúng ta biết nâng tâm hồn lên Chúa thì đó là khoảnh khắc của ân sủng. Khi chúng ta đầy sức sống và hăng hái, nếu chúng ta biết tạ ơn Chúa thì đó là khoảnh khắc của ân sủng.

Với thân thể thế nào thì với tinh thần cũng như vậy. Mỗi tư tưởng được hướng về Thiên Chúa thì chúng ta có thể ở trước mặt Chúa mọi nơi và mọi lúc. Đau khổ tinh thần, thử thách tinh thần, chiến thắng tinh thần: Tất cả đều là ân sủng. Cùng với Đức Kitô, chúng ta có thể như Chúa Giêsu “ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (Lc 2:52).

Sống trong Đức Kitô

Mới đầu thì điều này không dễ chút nào. Nhưng Lễ Giáng Sinh làm cho nó có thể, không chỉ theo thói quen mà còn ngấm vào tận xương, tủy, và bản chất nhân loại của chúng ta. Đó là nhờ ân sủng. Trong thư của Thánh Gioan đôi khi có những câu đơn giản được lặp đi lặp lại, y như lẩm cẩm vậy. Ví dụ mấy câu này:

“Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, tôi viết cho anh em: anh em đã được tha tội nhờ danh Đức Giêsu Kitô. Hỡi các bậc phụ huynh, tôi viết cho anh em: anh em biết Đấng vẫn có từ lúc khởi đầu. Hỡi các bạn trẻ, tôi viết cho anh em: anh em đã thắng ác thần. Hỡi anh em là những người con thơ bé, tôi đã viết cho anh em: anh em biết Chúa Cha. Hỡi các bậc phụ huynh, tôi đã viết cho anh em: anh em biết Đấng vẫn có từ lúc khởi đầu. Hỡi các bạn trẻ, tôi đã viết cho anh em: anh em là những người mạnh mẽ; lời Thiên Chúa ở lại trong anh em và anh em đã thắng ác thần” (1 Ga 2:12-14).

Cứ cho là đặc tính hiện thân của đức tin được thánh hóa, rõ ràng chúng ta đều có những đứa con nhỏ, cha mẹ già, và ai cũng đã là trẻ nhỏ thuở đầu đời. Cũng vậy, những người lớn mới vào đạo thì cũng chỉ là nhữ “trẻ em” trong đời sống đức tin. Khi nói về Mầu nhiệm Nhập thể, Thánh Gioan nhắc nhở rằng chúng ta là các Kitô hữu cảm nghiệm nhiều về sự sống của Thiên Chúa và tình yêu của Thiên Chúa: “Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác” (Ga 1:16).

Mọi vật nên tốt

Không thể thấy bất kỳ phương diện nhỏ nào trong cuộc sống lại không thể là cơ hội của ân sủng, vì tất cả đều phản chiếu vinh quang của Thiên Chúa. Chuyển động đơn giản nhất của ý muốn khi cố gắng tìm góc tối nào đó để chiếu sáng thì đó là khoảnh khắc của ân sủng. Không thành vấn đề dù chúng ta có kinh nghiệm hay không, mọi thứ đều có thể đưa chúng ta tới gần Thiên Chúa. Bị đau khổ kéo xuống, chúng ta cố vươn lên tới Chúa, hãy xin Ngài thánh hóa những gì bất toàn nơi chúng ta: “Cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8:38-39).

Niềm tin này không chỉ nói đến mối quan hệ siêu nhiên của linh hồn đối với Thiên Chúa mà còn đối với cả nhân loại. Điều này có vẻ là quan điểm của Thánh Phaolô nói về những nỗi đau khổ của ngài:

Năm lần tôi bị người Do-thái đánh bốn mươi roi bớt một; ba lần bị đánh đòn; một lần bị ném đá; ba lần bị đắm tàu; một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi! Tôi còn hơn họ, vì phải thực hiện nhiều cuộc hành trình, gặp bao nguy hiểm trên sông, nguy hiểm do trộm cướp, nguy hiểm do đồng bào, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố, trong sa mạc, ngoài biển khơi, nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em. Tôi còn phải vất vả mệt nhọc, thường phải thức đêm, bị đói khát, nhịn ăn nhịn uống và chịu rét mướt trần truồng. Không kể các điều khác, còn có nỗi ray rứt hằng ngày của tôi là mối bận tâm lo cho tất cả các Hội Thánh! Có ai yếu đuối mà tôi lại không cảm thấy mình yếu đuối? Có ai vấp ngã mà tôi lại không cảm thấy lòng sôi lên?” Nếu phải tự hào, thì tôi sẽ tự hào về những yếu đuối của tôi” (2 Cr 11:24-30).

Tại sao Thánh Phaolô tự hào về sự yếu đuối trong bản chất con người? Đó là vì Chúa Giêsu đã nói với ngài: “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2 Cr 12:9). Thánh Phaolô có lý do để kết luận: “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định” (Rm 8:28). Không có gì, dù thể xác hoặc linh hồn, có thể là cơ hội của ân sủng.

Không thể không có Lễ Giáng Sinh

Không gì có thể, nếu không có Chúa giáng sinh. Nếu mối quan hệ của chúng ta đối với Thiên Chúa thuần túy là tâm linh, chúng ta sẽ sớm coi thân thể thấp kém hơn chính chúng ta, hoặc bị khuất phục qua sự từ khước nghiêm ngặt như thể thân xác chẳng là gì hơn là cái chứa đựng linh hồn, hoặc được giải thoát như thể những gì được làm trong thân thể mà không có gì liên quan mục đích tâm linh của cuộc sống. Không có Lễ Giáng Sinh, sự hài hòa giữa bản chất sẽ bị biến dạng hoặc bị hủy hoại.

Thực sự đây là hệ quả đầu tiên và cấp thời nhất của bất kỳ loại dị giáo nào đã từng không chịu chân nhận Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật và con người thật, đó là mối nguy hiểm trầm trọng của các loại triết học và tôn giáo không biết gì về Chúa Con Nhập Thể. Chẳng hạn, trong tà thuyết Manichaeanism, chúng ta có kiểu khổ hạnh cực đoan hoặc thú nhục dục hoang dã, lại được tái sản sinh trong tà thuyết Albigensianism hồi thế kỷ XII. Theo tư tưởng Platon, thân thể (người bình thường) bị làm cho bất xứng. Trong Hồi giáo, người ta nhấn mạnh sự vâng lời Thiên Chúa, cho rằng ý Ngài rất độc đoán, rất khó sử dụng lý lẽ. Các Phật tử muốn từ bỏ mình vì đặc tính riêng khi họ muốn hòa mình vào linh hồn thế giới. Những người theo chủ nghĩa trần tục hiện đại đối xử bản chất nhân loại của họ như thể vừa linh động vừa hoàn toàn mà không cần luân lý. Sự nhập thể trở thành sự từ khước cứng ngắc và vui vẻ nhất với bất kỳ sự thể hiện nào đối với sự thật về loài người hoặc Thiên Chúa.

Nhờ có Lễ Giáng Sinh mà chúng ta không cảm nghiệm về sự biến dạng hoặc sự méo mó như vậy. Sự sống siêu nhiên và tự nhiên của chúng ta hòa nhập làm một, với ân sủng hoàn hảo hơn. Chúng ta biết rằng dấu ấn Thiên Chúa không là không có thân thể mà là không có tội lỗi, sự hiện hữu của tình yêu tinh tuyền, sẵn sàng làm sinh động xương cốt, cơ bắp, trí tuệ và tâm hồn. Hãy nhìn sâu vào Lễ Giáng Sinh bằng con mắt đức tin, chúng ta sẽ thấy mong đợi trời mới và đất mới theo lời hứa của Thiên Chúa (2 Pr 3:13).

Nhờ Lễ Giáng Sinh chúng ta cũng biết luật về tặng phẩm, “lương bổng mà tội lỗi trả cho người ta, là cái chết; còn ân huệ Thiên Chúa ban không, là sự sống đời đời trong Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 6:23). Giáo huấn của Chúa không nói về ân sủng thông qua Lễ Giáng Sinh sao? Ngài nói: “Nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, lại không ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Người sao?” (Mt 7:11; Lc 11:13).

Hãy cân nhắc lời Chúa Giêsu nói với phụ nữ Samari: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị: ‘Cho tôi chút nước uống’, thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống” (Ga 4:10). Đúng vậy, nếu chúng ta biết rõ tặng phẩm của Thiên Chúa là Ngài cho chúng ta “được sống và sống dồi dào” (Ga 10:10), chúng ta càng khao khát và mong đợi Ngài.

Lễ Giáng Sinh là cơ hội để chúng ta thể hiện sự sống viên mãn trong Đức Kitô.

Tác giả: TS. JEFF MIRUS
Trầm Thiên Thu chuyển ngữ từ CatholicCulture.org
Tác giả bài viết: Trầm Thiên Thu chuyển ngữ
Nguồn tin: lamhong.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 48
  • Khách viếng thăm: 44
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 8254
  • Tháng hiện tại: 88539
  • Tổng lượt truy cập: 12232799