Trang mới   https://gpquinhon.org

Tìm hiểu Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo – Phần III: - Bài 18. Tội là gì?

Đăng lúc: Thứ ba - 24/03/2015 05:01
Tìm hiểu Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo – Phần III: Đời sống mới trong Đức Kitô - Bài 18. Tội là gì?
 








TÌM HIỂU SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
Phần III: ĐỜI SỐNG MỚI TRONG ĐỨC KITÔ
Bài 18. TỘI LÀ GÌ?

Từ bài đầu đến nay, khi trình bày luân lý Kitô giáo, chúng ta chủ yếu nói về những yếu tố tích cực, những viên đá tảng của đời sống luân lý tốt lành. Thế nhưng không ai lại không có kinh nghiệm về những sai trái, lỗi lầm, thất bại trong đời. Cũng vậy, kinh nghiệm dạy rằng chúng ta không chỉ đơn thuần đối diện với những khó khăn về kỹ thuật, nhưng là những lỗi phạm về mặt luân lý đạo đức, những lỗi phạm mà chính chúng ta thấy xấu hổ và phải chịu trách nhiệm. Chúng ta đang nói về tội (GLHTCG số 386).
Tội là gì? Có “tội” thật không? Ý thức về tội phải chăng chỉ là hậu quả của thứ cảm tính tôn giáo do Giáo Hội nhồi nhét? Nhiều nhà triết học và tâm lý học đã cố gắng “lột mặt nạ” của tội, cho rằng đó chỉ là sự nhồi nhét (hoặc tưởng tượng) của tôn giáo để tạo quyền lực trên con người. Nhưng trong thế kỷ này, khi đối diện với quá nhiều độc ác, quá nhiều sự dữ cố ý và tính toán tinh vi, quả là quá ngây thơ nếu muốn khước từ thực tại tội lỗi. Thế nhưng tội là gì?
Trước hết, đó là việc làm sai trái, vi phạm lề luật. Khi chúng ta nói đến việc “vi phạm luật giao thông”, điều đó có nghĩa là vi phạm lề luật khi lái xe, và bị coi là tội. Cách nói đó giúp ta hiểu tội là sự vi phạm trật tự của tạo thành, trật tự được trình bày trong Mười Điều Răn. Tuy nhiên không giống như việc vi phạm luật giao thông, trật tự tạo thành không do con người quyết định, nhưng do Thiên Chúa Tạo Hóa. Khi ta sống và hành động phù hợp với trật tự đó, thì đời sống nội tâm cũng như bên ngoài của ta có trật tự. Hạnh phúc và niềm vui ta cảm nhận thể hiện sự phù hợp của hành động với thánh ý Thiên Chúa.
Sự vô trật tự của tội xuất hiện khi chúng ta gắn chặt với một cái gì đó, chẳng hạn chỉ thấy mỗi “trái cấm” là hấp dẫn, còn bao nhiêu thứ trái khác trong vườn thì lại bị bỏ quên (St 3,1-7). Cũng vậy, chúng ta lãng quên hoặc dẹp bỏ tiếng gọi của Thiên Chúa, trong lương tâm, trong giáo huấn. Sách Giáo Lý gọi là “sự quyến luyến lệch lạc với một số điều tốt đẹp nào đó” (số 1849). Do đó, tội tự bản chất là quay lưng với Thiên Chúa, tránh mặt Chúa, không nghe tiếng Ngài: “Cũng như tội đầu tiên, tội là một sự bất tuân, một sự nổi loạn chống Thiên Chúa, vì ao ước muốn sẽ nên như những vị thần biết điều thiện, điều ác” (số 1850). Nói như thánh Augustinô, tội là “yêu mình đến mức khinh chê Thiên Chúa”.
J. Pieper nhận xét độc đáo rằng yếu tính của tội được minh chứng qua sự kiện này: chúng ta không bao giờ phạm tội với “hết linh hồn, hết sức lực”, nhưng luôn có sự e dè nào đó. Chỉ khi làm điều lành, chúng ta mới tận hiến toàn bộ sức lực và tâm hồn. Khi làm điều xấu, không bao giờ ta cảm thấy thoải mái, nhưng đúng hơn là bị xâu xé giữa cái mình đang làm và cái mà mình nhìn nhận là tốt và góp phần mang lại hạnh phúc đích thực.
Một khía cạnh khác của tội là nó làm cho chúng ta mù quáng trước những liên hệ này. Thảm kịch của tội là nó thúc đẩy một người tìm cách biện hộ cho mình (St 3,8-13). Nguy hiểm lớn nhất là sự cứng lòng, không hối cải. Chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể vạch trần tội lỗi, làm cho trái tim chúng ta hoán cải, và “nên công chính để được sống đời đời nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 5,12).
 
ĐHY Christoph Schönborn

Nguồn tin: WHĐ
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 10
  • Hôm nay: 75
  • Tháng hiện tại: 155882
  • Tổng lượt truy cập: 12132669