Trang mới   https://gpquinhon.org

Các cuộc luận chiến trí thức phương Tây đằng sau các tư tưởng của Kim Định

Đăng lúc: Thứ sáu - 24/07/2015 06:04


Le Minh Khai
 
 
Khi đọc các tác phẩm của triết gia Nam Việt Nam Kim Định, một trong những điểm mà tôi thấy hấp dẫn là việc nhận ra được mức độ mà những ý tưởng của Kim Định đã được định hình bởi nhận thức của ông về một số cuộc luận chiến trí thức chính ở phương Tây trong thế kỷ XIX và XX.

Ở mức độ rộng lớn nhất là cuộc luận chiến về các tộc người và các nền văn hóa "nguyên thủy". Đây là một cuộc luận chiến nổi lên với sự phát triển của nhân học văn hóa như là một lĩnh vực nghiên cứu trong thế kỷ XIX.

Nhà nhân học người Anh Edward B. Tyler, "cha đẻ" của nhân học văn hóa, trong các tác phẩm chẳng hạn như Văn hóa Nguyên thủy (Primitive Culture1871) đã cho rằng các nền văn hóa phát triển từ một trạng thái sơ khai đến một trạng thái phức tạp hơn.

Do đó, Tyler cảm thấy rằng con người tất cả về cơ bản đều như nhau. Những khác biệt đã tồn tại chỉ đơn giản là kết quả của những mức độ tiến hóa xã hộikhác nhau.

Trong những năm đầu thế kỷ XX, học giả người Pháp Lucien Lévy-Bruhl đưa ra một lý lẽ tranh luận. Trong công trình Les fonctions mentales dans les sociétés inférieures (Các chức năng tinh thần trong các xã hội thấp kém - 1910) của ông, (bản dịch sang tiếng Anh là How Natives Think (1926), Người bản địa suy nghĩnhư thế nào), Lévy-Bruhl cho rằng vấn đề không phải là tất cả mọi người đều giống nhau, mà có những khác biệt chủ yếu giữa người phương Tây và các tộc người "nguyên thủy".  

Người "nguyên thủy" là người "thần bí". Họ không phân biệt giữa hiện thực và siêu nhiên. Họ không hiểu khái niệm nhân quả, vv… còn người phương Tây, ngược lại, là "hợp lý".

Sau đó, trong những năm 1960, Claude Lévi-Strauss đã đóng góp thêm vàocuộc luận chiến này, trong các tác phẩm như La Pensée Sauvage (Tư duy Hoang dã, 1962), được dịch ra tiếng Anh là The Savage Mind (1966) bằng cách lập luận  rằng nếu chúng ta xem xét cấu trúc của ý nghĩa đằng sau những lối tư duy của các tộc người từ khắp nơi trên thế giới, thì chúng ta có thể thấy rằng mọi người về cơ bản đều giống nhau ở cung cách suy nghĩ.

Lévi-Strauss công nhận có rất nhiều loại tư duy khác nhau, mà ông gọi là tư duy thần thoại và tư duy khoa học, nhưng ông lập luận rằng chúng đều hợp lý như nhau và loại tư duy này (tư duy thần thoại) đã không tiếp tục phát triển thành loại tư duy kia (tư duy khoa học). Đó chỉ đơn giản là hai cách nhận thức và tư duy về hiện thực có giá trị ngang nhau.

Cuộc luận chiến ấy trong các lĩnh vực nhân học và xã hội học về  cách thức tư duy của người nguyên thủy / người bản địa / người hoang dã đã giao thoa với tri thức học thuật trong lĩnh vực Trung Quốc học.
 
Lévy-Bruhl được cho là người đầu tiên quan tâm đến chủ đề về "tâm tính" khác nhau của con người sau khi người bạn của ông, nhà Hán học Édouard Chavannes, cung cấp cho ông một số bản dịch các tác phẩm của Trung Quốc cổ đại. Rõ ràng là Lévy-Bruhl nhận thấy các tác phẩm này không thể hiểu được và điều đó dường như đã khiến ông bắt tay vào việc nghiên cứu cách thức tư duy của các dân tộc khác nhau.

Trong khi đó, Edouard Chavannes là một học giả người Pháp đầu tiên vào năm 1901 đã đi đến một lý thuyết cho rằng người Việt ở Việt Nam là những người đã di cư từ Trung Quốc về phương nam, sau đó lý thuyết này được Leonard Aurousseau làm cho trở nên nổi tiếng hơn nhiều vào năm 1923, và chính lý thuyết ấy cũng đóng phần vào các tác phẩm của Kim Định.

Trong mọi trường hợp, nhà Hán học quan trọng nhất đối với Kim Định là Marcel Granet. Granet thực sự vừa là một nhà Hán học lại vừa là một nhà xã hội học, và tri thức học thuật của ông đã đóng góp cho cả hai lĩnh vực này.

Trong công trình La Pensée Chinoise (Tư tưởng Trung Quốc, năm 1934) của ông, chúng ta có thể thấy rõ ảnh hưởng của Lévy-Bruhl. Đối với Granet, cung cách suy nghĩ của người Trung Quốc chắc chắn khác với cung cách suy nghĩ của người phương Tây.

Để chứng minh cho vấn đề này, Granet đã cố gắng giải thích chi tiết các khái niệm thể hiện cách thức suy nghĩ của người Trung Quốc, và ở đây ông đã thảo luận nhiều vấn đề mà sau này Kim Định đã tập trung vào, chẳng hạn như khái niệm âm dương và ngũ hành.

Hệt như Claude Lévi-Strauss đã lập luận về lĩnh vực nhân học trong những năm 1950 và 1960 cho rằng người phương Tây và không phải phương Tây không phải tất cả đều khác nhau, do đó đã đưa ra một cuộc thảo luận tương tự xuất hiện vào thời gian đó về lĩnh vực Trung Quốc học.

Một người đã tham gia rất sâu vào cuộc thảo luận đó là nhà Hán học người Anh Joseph Needham. Vào những năm 1950, Needham bắt đầu nghiên cứu và xuất bản một loạt sách (khối lượng thực sự khổng lồ) được gọi là Khoa học và văn minh ở Trung Quốc - Science and Civilization in China.

Trong những cuốn sách này, Needham và nhiều cộng tác viên của mình, năm này qua năm khác, đã tìm cách xem xét tri ​​thức Trung Quốc từ bằng phương pháp so sánh để hiểu "khoa học" Trung Quốc. Các công trình của Granet là bước khởi đầu quan trọng cho Needham, nhưng theo thời gian, ông đã vượt khỏi các đặc trưng mô tả của Granet để đi đến phát hiện ra nhiều điểm tương đồng giữa tư tưởng Trung Quốc và phương Tây.

Do đó Needham đã tìm cách cung cấp cho độc giả của mình một cái nhìn tích cực vào nền văn minh Trung Quốc hơn là họ đã nhận thức được.

Một nhà Hán học khác cũng đã làm như vậy là Herrlee Creel. Là một giáo sư Đại học Chicago, Creel đã xuất bản các công trình về Trung Quốc trong cùng thời gian này và đã đem đến một cái nhìn rất tích cực về vùng đất đó.

Trong những năm đầu thế kỷ XX, các học giả phương Tây tin rằng các giai đoạn sớm nhất của lịch sử Trung Quốc, chẳng hạn như thời nhà Thương, là huyền thoại, nhưng Creel đã giới thiệu người đọc các phát hiện khảo cổ học về các giáp cốt văn ở An Dương để ủng hộ cho giá trị lịch sử của giai đoạn đó.

Ông cũng đã viết một cuốn tiểu sử rất đồng cảm về Khổng Tử trong đó ông cho rằng Khổng Tử là một nhà cải cách dân chủ. . .

Sau đó là Wolfram Eberhard. Eberhard là một nhà Hán học người Đức đã phá vỡ huyền thoại cho rằng về phương diện lịch sử, Trung Quốc là một xã hội đồng nhất bằng cách chứng minh Trung Quốc luôn luôn là một xã hội đa luân lý (vì vậy mở ra cánh cửa cho Kim Định để lập luận rằng luân lý Việt quan trọng hơn so với luân lý Hoa, hoặc Trung Quốc ).

Kim Định trích dẫn tất cả các học giả đó trong các tác phẩm của ông. Và trong khi ông không nhất thiết đi theo những ý tưởng chính xác của họ (chẳng hạn Eberhard không cho rằng người Việt ở Trung Quốc trước người Hoa, như lý lẽ của Kim Định), tôi vẫn sẽ cho rằng không thể hiểu được ý tưởng của Kim Định nếu không hiểu được các học giả mà ông đã đọc và suy nghĩ về các ý tưởng của họ.

Kim Định đọc các tác phẩm của Marcel Granet, Claude Lévi-Strauss, Joseph Needham và Wolfram Eberhard, nhưng để hiểu những gì mà các học giả này đã viết, chúng ta cũng cần phải hiểu về những gì mà các học giả như Edward Tyler và Lucien Lévy-Bruhl đã viết.

Điều này có thể khiến chúng ta hiểu “cái tinh thần" đằng sau tất cả những gì mà các học giả này đã làm, và suy nghĩ về "cái tinh thần" đằng sau những gì Kim Định đã tìm cách làm.
______________________________________________

Hà Hữu Nga dịch
Nguồn: Le Minh Khai, The Western Intellectual Debates Behind Kim Định’s Ideas, đăng trong trang mạnghttps://leminhkhai.wordpress.com/2015/07/03/the-western-intellectual-debates-behind-kim-dinhs-ideas/
Nguồn tin: http://vanhoanghean.com.vn/
 



Lương Kim Định (1914-1997)
Nguồn: Wikipedia


Giáo sư Kim Định tên đầy đủ là Lương Kim Định (15-6-1915 – 25-3-1997) là giáo sư, nhà triết học, linh mục Việt Nam. Ông có công lớn trong việc xây dựng nền tảng cho triết học Việt Nam (mà ông gọi là Việt Triết hay Việt Nho).

Tiểu sử hoạt động

Kim Định sinh tại Trung Thành thuộc tỉnh Nam Định. Ông tốt nghiệp môn Triết học tại Giáo Hoàng Chủng Viện Sait Albert Le Grand. Năm 1943 đến 1946 ông dạy triết học tại Chủng Viện Bùi Chu.

Năm 1947, ông lại sang Pháp nghiên cứu về triết học 10 năm. Ông tốt nghiệp Triết học tại Học viện Công giáo Paris (Institut Catholique de Paris), và tốt nghiệp Nho học tại Học viện Trung Hoa Paris (Institut des Hautes Etudes Chinoises), Paris.

Năm 1958 ông dạy triết học phương Đông tại Học viện Lê Bảo Tịnh, Trường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, Viện Đại học Vạn Hạnh và Viện Đại học Đà Lạt. Cùng với Nguyễn Văn Thích và giáo sư Nguyễn Ðăng Thục, ông là người khai mở khoa Triết học Đông phương tại Trường Đại học Văn khoa từ năm 1958 và sau này tại vài trường đại học khác. Từ những năm 1960, ông bắt đầu cho ra mắt một loạt những cuốn sách về minh triết Việt, mở đầu là cuốn Nguyên Nho / Cửa Khổng...

Ông từ trần ngày 25-3-1997 tại Carthage, Missouri, Hoa Kỳ. Hưởng thọ 82 tuổi.

Công lao đóng góp

Ông có công lớn trong việc xây dựng nền tảng cho triết học Việt Nam (mà ông gọi là Việt Triết hay Việt Nho). Ngày nay, tổ chức An Vi (An Việt, nghiên cứu triết học Việt Nam) xem ông như tổ sư triết học.

Ông để lại ít nhất 45 cuốn sách, trong số đó những sách sau đây đã được ấn hành :
  1. Nguyên Nho / Cửa Khổng, 278 trang, Nxb Ra khơi ấn hành 1965
  2. Chữ Thời, 700 trang, Nxb Thanh Bình ấn hành 1967
  3. Vũ trụ Nhân linh, 230 trang, Nxb Khai Trí phát hành 1969
  4. Ðịnh hướng văn học, 237 trang, Ra Khơi 1969
  5. Những dị biệt triết lý Ðông Tây, 222 trang, Ra Khơi 1969
  6. Tâm tư, 348 trang, Khai Trí 1970
  7. Việt lý tố nguyên, 430 trang, Nxb An Tiêm 1970
  8. Dịch kinh linh thể, 170 trang, Ra Khơi 1970
  9. Hiến chương Giáo dục, 155 trang, An Tiêm 1970
  10. Triết lý Cái Ðình, 188 trang, Nguồn Sáng 1971
  11. Lạc thư Minh triết, 149 trang, Nguồn Sáng 1971
  12. Cơ cấu Việt Nho, 285 trang, Nguồn Sáng 1972
  13. Tinh hoa Ngũ điển, 192 trang, Nguồn Sáng 1973
  14. Loa Thành đồ thuyết, 187 trang, Thanh Bình 1973
  15. Vấn đề nguồn gốc văn hóa Việt Nam, 139 trang, Nguồn Sáng 1973
  16. Vấn đề Quốc học, 157 trang, Nguồn Sáng 1973
  17. Triết lý Giáo dục, 190 trang, Ca Dao 1975
  18. Nhân chủ (tái bản từ cuốn Nhân Bản), 306 trang, Thanh Niên QG USA
  19. Hồn nước với Lễ gia tiên (tái bản từ cuốn Căn bản triết lý trong Văn hóa Việt Nam), 321 trang, Nam Cung USA 1979
  20. Hùng Việt sử ca, 272 trang, Thằng Mõ San Jose 1984
  21. Kinh hùng Khải triết, 241 trang, Thanh Niên QG USA
  22. Pho tượng đẹp nhất của Việt tộc, 226 trang, HT Kelton USA
  23. Sứ Ðiệp Trống Ðồng, 431 trang, Thanh Niên QG USA 1984
  24. Văn Lang vũ bộ, 251 trang, H.T Kelton USA
  25. Hoa kỳ & Thế chiến lược toàn cầu, 185 trang, An Việt Úc Châu 1986
  26. Ðạo Trường chung cho Ðông Á, 111 trang, An Việt Houston 1987
  27. Hưng Việt, 125 trang, An Việt Houston 1987
  28. Cẩm nang triết Việt, 80 trang, An Việt Houston 1987
  29. Việt Triết Nhập Môn, 174 trang, An Việt Houston 1988
  30. Gốc rễ triết Việt, 182 trang, An Việt Houston 1988
  31. Thái bình minh triết, 225 trang, Thời Điểm 1997
  32. Phong Thái An Vi, 230 trang, An Việt Houston 2000
 


Tưởng nhớ GS Kim Định - nhà văn hóa lớn của Việt Nam

Sáng 14/7/2012. tại Văn Miếu, Quốc Tử Giám, Hà Nội đã diễn ra buổi tọa đàm về cố triết gia và cũng là để tưởng nhớ 15 năm ngày mất của GS Lương Kim Định, do Trung tâm Minh triết phối hợp với Trung tâm Lý học Phương Đông tổ chức.
 

Buổi tọa đàm có sự góp mặt của 30 nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử với các tham luận giá trị của GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, TS Trần Ngọc Linh, nhà nghiên cứu Hà Văn Thùy, nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh… Các nhà nghiên cứu đã phân tích, đánh giá công sức của GS Kim Định trong công cuộc truy tìm cổ văn hóa sử và minh triết của dân tộc Việt Nam.

Nhắc đến GS Kim Định là nhắc đến một người đã dành gần như cả cuộc đời để nghiên cứu trống đồng của người Việt. Ông cho rằng tinh hoa văn hóa của người Việt đều dồn tụ vào những hình ảnh trên mặt trống. Kim Định đã dành hẳn một cuốn sách để mô tả triết lý Việt trên chiếc trống đồng và đưa ra rất nhiều những phát hiện thú vị của ông lý giải những hình ảnh trên mặt trống.

GS Lương Kim Định đã để lại một di sản văn hóa lớn với hơn 40 đầu sách ở nhiều lĩnh vực triết học, văn hóa, cổ sử… Trong những tác phẩm của mình, ông đã có những dự đoán tài tình, ngày càng được khoa học liên ngành khảo cổ, cổ thư, nhân chủng xác minh luận điểm của ông là có cơ sở và giá trị.


 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 17
  • Khách viếng thăm: 16
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 1345
  • Tháng hiện tại: 157152
  • Tổng lượt truy cập: 12133939