Trang mới   https://gpquinhon.org

Chúa Xuân Yêu Thương II (Hoa Biển 13)

Đăng lúc: Thứ bảy - 05/04/2014 19:07
TẾT NÀY LẠI VẮNG MẸ
* Anna Lý Hương Quỳnh (Gx.Sơn Nguyên)
 
Cái Tết cuối cùng mà Hưng ăn Tết có mẹ bên cạnh đã qua từ rất lâu rồi, khi ấy Hưng chỉ mới 6-7 tuổi. Hưng chỉ nhớ về mẹ một cách lờ mờ, mẹ cắt tóc ngắn ngang vai, dáng mẹ hơi lùn và gầy, mẹ hay đi bán bánh dạo tới chiều tối mới về. Mỗi lần đi bán về mẹ đều ôm lấy Hưng vào lòng và nựng yêu… Thế rồi mẹ ra đi mãi mãi vì một tai nạn giao thông, để Hưng lại cho ba nuôi nấng.
 Gia đình giờ chỉ có hai người đàn ông, vì vậy năm nào Tết đến cũng vụng về chuẩn bị và rất lúng túng. Nhưng Tết nào ba cũng cố gắng lo thu xếp cho Hưng một cái Tết vẹn toàn. Dẫu cho ba bận bịu với công việc tới đâu nhưng đến 28 Tết là ba xin nghỉ để dọn dẹp nhà cửa và tảo mộ cho mẹ. Tuy không nói ra, nhưng ngôi nhà dù có chuẩn bị đầy đủ mọi thứ đến đâu mà thiếu bàn tay phụ nữ, vẫn cứ thấy thiếu thiếu điều gì đó. Tết đến hai cha con loay hoay vào bếp, việc khó khăn nhất là gói bánh tét bánh chưng. Cái nào cái nấy cha con Hưng gói cũng méo xẹo không vuông vức như bánh mẹ làm. Ba ngồi cả buổi chiều chỉnh tới chỉnh lui nhưng nó vẫn thế. Hưng biết ba buồn nên nói vui:
- Ba làm bánh là số một rồi, không đẹp nhưng “độc”…
Ba Hưng cầm cái bánh chưng trầm ngâm:
- Nghĩ lại hồi xưa thấy thương mẹ con quá. Tết đến cứ loay hoay một tay lo hết. Ba vô tâm chẳng biết phụ mẹ. Bây giờ thấy có lỗi, gói có mấy cái bánh để bàn thờ mẹ con mà làm cũng chẳng ra hồn nữa…
Hưng thương ba, kiếm chuyện nói để ba khỏi nghĩ ngợi lung tung mà buồn.
- Ba nè! Tí gói bành xong con với ba đi mua bông Tết đi! Ngoài chợ người ta chưng hoa đẹp lắm.
Ba gật gù cái đầu: "Ừ… ừ...! Chút làm xong rồi đi.
Hưng nhìn ba lủi thủi một mình mà thương đến buốt lòng. Nghĩ tới việc sang năm đi học xa nhà không ai bên cạnh lo lắng, săn sóc cho ba. Thương ba cô đơn một mình, sợ khi trái gió trở trời, sợ ba Tết nào cũng ngồi trông cái nồi bánh chưng mà nước mắt cứ chảy ra vì nhớ mẹ. Càng nghĩ càng thấy buồn và lo quá.
Tối đến Hưng cùng ba đi chợ hoa, hai cha con lựa một chậu cúc thật đẹp đặt trước nhà. Trong nhà đầy đủ cả mà sao vẫn thấy trống trải đến lạ lùng.
- Vào nhà ăn cơm đi con! - Ba Hưng gọi.
- Dạ! Con vào ngay đây.
Mâm cơm chỉ có hai người, Hưng kể huyên thuyên đủ thứ chuyện cho ba nghe. Ngoài đường tiếng nhạc xuân mở rộn ràng cùng với đó là tiếng trẻ con la hét vì vui mừng. Ba cười và nói:
- Hưng! Con hát bài gì mà… mà… ba không nhớ tên, nhưng mẹ con hay hát mỗi khi đi nhà thờ về đó con.
Hưng gãi đầu suy nghi một lát rồi cất tiếng hát thật trầm ấm: "Xin cho con biết lắng nghe lời Ngài dạy con trong đêm tối... Lời Ngài là sức sống của con...”. Hưng biết ba đang rất nhớ mẹ và Hưng cũng thế. Tết năm nào cũng như vậy, cả hai cha con Hưng cũng cười trước khóc sau nhưng đều rất hài lòng, vì dù gì cũng chu toàn xong mọi chuyện một cách tốt đẹp. Ba Hưng là người ngoại giáo nhưng ba cho Hưng theo Đạo Thiên Chúa của mẹ. Tối 30, ba bảo Hưng bày cho ba làm Dấu đọc Kinh và cầu nguyện. Hưng ngẩn người vì ngạc nhiên. Hai cha con đã cầu xin Thiên Chúa ban cho sức khỏe để hai cha con luôn được ở bên nhau. Im lặng hồi lâu bỗng ba nhìn Hưng và cười rất tươi, chưa khi nào Hưng thấy ba cười vui như thế, chắc là  lúc cầu nguyện Chúa đã cho ba Hưng gặp lại mẹ. Cả Hưng cũng đang rất vui. Buổi tối hôm nay, hai cha con Hưng cảm thấy vui hơn bao giờ hết.  Đó cũng là cái đêm 30 Tết ấm áp nhất so với những năm trước của Hưng và ba. Họ được ở bên Chúa cùng nhau, và dường như có mẹ cũng đang cận kề… 
 
 
BAO LÂU CHO SỰ QUAY VỀ
* Maria Thân Thị Hồng Kiều (Gx.Cây Rỏi)
 
Khi mùa xuân nô nức theo bước chân của những người con xa xứ trở về với quê hương, cũng là khi đôi mắt của người cha người mẹ thêm tha thiết đợi chờ, thêm lo lắng bồn chồn cho những đứa con vì bao nguy hiểm có thể bất ngờ ập đến.
Nhấp ngụm trà đắng, người cha chép miệng thở dài nặng nề, đôi mắt trũng sâu vì bao đêm thao thức, vết chân chim in hằn lên như những dấu thời gian. Không khí xuân đã  tràn khắp xóm nhỏ, vậy mà trong phút chốc tiếng thở dài làm lòng tôi chùng lại. Tôi bắt chuyện với bác Ba, mong muốn xua tan dòng suy nghĩ buồn miên man trong lòng ông.
- Mấy anh chị gần về chưa bác Ba?
Không vội trả lời câu hỏi của tôi, bác Ba lại nhấp một ngụm trà, nhưng không đặt chiếc ly xuống, bác ngắm nghía nó như thể một vật gì đó rất đẹp đẽ và lạ lẫm, rồi lại thở dài cất tiếng đáp:
- Về thì sắp về, nhưng cũng gần đi rồi!
Tôi ngớ ra vì câu trả lời sao khó hiểu quá. Chắc có lẽ nhìn dáng vẻ nhăn mặt gãi đầu của tôi bác Ba đã biết tôi không hiểu câu nói của ông.
- Cả năm trông chờ dịp tết đợi con về, nhưng gần tới ngày về lại sợ ngày tiễn con đi. Tụi nó về cũng chỉ dăm ba bữa, có lưu luyến lắm cũng là mươi hôm chứ bao lâu. Gần về thì cũng gần đi mà. - Bác Ba giải thích cho tôi.
Tôi chỉ biết im lặng, nén một tiếng thở dài để không làm lòng người cha già đó thêm đau.
 Bữa cơm chiều, khi anh em tôi còn đang chí chóe tranh nhau thức ăn, ba tôi tư nhiên ngồi sững nhìn chúng tôi. Tôi cứ ngỡ sắp bị ba mắng cho một trận vì hai anh em lại chọc nhau trong bữa cơm. Nhưng ánh mắt ba dịu lại, sự hài lòng hiện rõ nơi ánh nhìn.
- Hai đứa cứ bé mãi thế này cũng không được, ba mẹ không già cũng không được. Lúc nhỏ còn ở với ba mẹ thì mong con cái lớn khôn đi học, đi làm, thực hiện ước mơ. Con cái đi rồi hằng ngày lại nặng mang bao lo lắng, trông đợi từng ngày con mình về. Rồi cũng đến lúc mong chúng thành gia lập nghiệp, chúng đi lấy vợ lấy chồng cũng lại lo lắng. Một vòng luẩn quẩn không biết đâu là điểm dừng…
- Sao tự nhiên ba lại nói chuyện đó vậy? - Tôi thắc mắc vì thái độ lạ lùng của ba.
- Hồi nãy con không hiểu bác Ba nói gì sao? Nỗi lòng của bác Ba nhưng cũng là nỗi niềm chung của ai làm cha mẹ. Muốn giữ con mãi bên cạnh nhưng vì tương lai của con phải để con xa mình. Mong cho con cái trường thành, hạnh phúc, sống thật tốt, nhưng cũng mang nỗi nhớ con cái mong đợi chúng từng ngày, có trở về cũng không được bao lâu…
- Vậy đừng tính trở về phải là gặp mặt, cứ tính từ lúc chúng ta bắt đầu mong đợi trở về là được rồi. Cảm giác mong đợi đó cũng tốt mà, nó làm người ta có thêm nghị lực cố gắng, trở về thật ra chỉ là mục tiêu mà mỗi người cần có để không bị lạc lối thôi mà. Giống như người ta trông đợi tết vầy nè, những ngày giáp tết không khí nào nức, mọi người tất bật chuẩn bị, có mệt nhưng rất vui, nhưng đến buổi sáng mùng một tết đâu còn náo nức như vậy đâu.
Con em tôi nói một hơi, nét mặt ngô nghê làm ba tôi bật cười. Suy nghĩ vô tư của trẻ con đơn giản nhưng luôn làm người lớn phải bất ngờ.
Chợt nhận ra sự trở về là vô tận, chỉ cần có người đợi chờ, chỉ cần ta luôn muốn quay về. 
 
 
VIẾNG MỘ BÀ
* Anna Phạm Thị Kim Viên (Gx.Mằng Lăng)   
 
Sáng hôm nay rất khác với mọi khi, luồng gió nào đã đánh thức tôi dậy thật sớm. Mọi hôm, mẹ gọi mãi tôi mới dậy đi lễ. Tôi đi dạo một vòng trước sân, cơn gió thoảng qua hơi se se lạnh. Cơn gió thơm mùi hương lúa mới, một thứ mùi đặc trưng của đồng quê. Chung quanh, những màn sương vẫn còn dày đặc, tôi đưa tay chạm vào và bỗng dưng quá khứ mười năm trước lại hiện về…
Mỗi khi đến mồng hai tết, lễ kính nhớ ông bà tổ tiên, thì lòng tôi lại thắt lại như ngàn mũi kim đâm vào đau nhói. Hình ảnh bà tôi lại hiện về trong màn sương mờ ảo cùng với những việc làm mà tôi đã gây ra. Chính tôi, đứa cháu ngoại bất hiếu đã gây ra cái chết của bà. Tôi đưa tay chạm vào để níu giữ quá khứ thì màn sương tan biến, bà tôi cũng dần dần biến mất. Tôi cất tiếng gọi thất thanh: “Bà ngoại ơi!”… Tôi ngồi sụp xuống ôm mặt khóc. Bỗng có tiếng gọi:
- Bé ơi! Dậy đi lễ!
Tôi vội lau nước mắt, đánh răng rửa mặt rồi thay đồ đi lễ. Mồng hai tết là ngày lễ kính nhớ ông bà tổ tiên và những ân nhân đã qua đời. Tôi vừa bước vào nhà thờ đã nghe bài ca nhập lễ: “Cây có cội, suối có nguồn, con người có tổ có tông”. Mười năm nay tôi đã quên tổ tông của mình. Kể từ ngày bà chết, tôi phải sống trong đau khổ và hối hận. Lễ xong, mọi người đều ra viếng mộ. Mười năm nay, tôi chưa một lần ra viếng mộ bà ngoại. Mẹ tôi gọi:
- Bé! Ra viếng mộ bà đi con.
Ông ngoại và mọi người trong gia đình đã viếng mộ ngoại từ mồng một rồi, giờ chỉ còn mình tôi. Tôi ra mộ ngoại thắp nén hương, làn khói hương bay nghi ngút cả ngôi mộ. Tôi chảy nước mắt vì khói hương, vì nhớ bà, và tôi xin Chúa hãy thương bà tôi ở “bên kia”, bên cái thế giới tôi mong và tôi tin là có. Tôi đưa tay chạm vào ảnh bà, trong ảnh bà còn rất trẻ, cười thật tươi. “Bà ơi, bà đang cười với cháu phải không? Đứa cháu bất hiếu đến thăm bà đây. Xin bà hãy tha lỗi cho cháu”. Bỗng dưng, có một con bướm đen đậu trên tay tôi. Tôi ngước nhìn lên trời: “Chắc bà vẫn còn nhớ đến cháu…” 
 
 
XUÂN NÀY VẮNG BÀ
* Anê Dương Trần Thương Thương (Gx.Châu Ổ)
 
Nó sống trong một gia đình có ba thế hệ, lại là con út trong nhà nên có thể nói nó được yêu thương, chiều chuộng nhiều hơn các chị của nó. Đặc biệt là bà nội, lúc nào cũng dành cho nó những phần ngon, cũng dành nhiều tình cảm và chăm sóc cho nó từng li từng tí.
Mỗi lần Tết đến xuân về, nó lại được bố mẹ đưa đi sắm sửa quần áo mới. Nó muốn gì thì hầu như bố mẹ nó đều đáp ứng cả.Trong những ngày Tết, đi đâu nó cũng được bố mẹ đưa đi theo, nào là về phía ngoại, phía nội, rồi còn đến cả nhà những người bạn của bố mẹ nó nữa. Trông nó có vẻ thật hạnh phúc.
Vì bà nó cũng đã lớn tuổi nên nó rất thương bà. Nó chăm sóc bà rất tận tình. Đặc biệt trong những ngày Tết, lúc nào ở nhà nó cũng quanh quẩn bên bà. Mỗi lần nó đi chơi hơi lâu là bà nhắc nó liền.Thỉnh thoảng bà lại gọi nó xuống phòng của bà, lấy trong túi ra những đồng tiền mà người ta mừng tuổi cho bà, bảo nó đếm và xếp lại, rồi bà dấm dúi vào tay của nó những đồng tiền đó để nó đi chơi cùng bạn. Đi đâu về nó cũng chạy xuống bên bà rồi lại ôm bà hôn lấy hôn để.
Tuổi đã cao nên sức khỏe của bà ngày càng yếu đi. Trong thời gian lâm bệnh, bà không khi nào không nhắc tới nó, dặn dò nó từng li từng tí. Hầu như lúc nào rảnh là nó túc trực bên bà. Ngày bà nó ra đi, nó như người mất hồn, òa khóc nức nở.
Tết năm nay, nó buồn hơn mọi năm vì bà nó đã không còn nữa. Nó chỉ quanh quẩn trong nhà không đi đâu ra ngoài. Bạn nó đến thăm và rủ nó đi chơi nhưng nó dứt khoát không đi và còn nói: "Mình muốn ở nhà cùng bà của mình, các cậu đi đi!". Rồi nó lại quay vào trong và đến bên bàn thờ của bà nó.
Nó có một người bạn rất thân, lúc nào cũng ở bên cạnh nó an ủi và chia sẻ với nó tất cả mọi thứ. Nhờ có người bạn thân đó mà nó hình như đã vơi bớt đi phần nào nổi buồn vắng bà... 
 
 
ĐỒNG HƯƠNG
* Maria Nguyễn Thị Thanh Huyền (Gx.Mằng Lăng)
 
        Mỗi độ xuân về, ngày hết Tết đến, tâm trạng háo hức mong ngóng không khỏi "giày vò" thâm tâm mỗi đứa con sinh viên xa nhà.Và con nhỏ Như cũng không ngoại lệ.
         Lật qua lật lại, quyển lịch Công giáo nho nhỏ mà nó hằng mang theo bên người, để trong cái hộp viết, cũng sắp rách tơi ra rồi. Vậy mà nó cứ lật xuôi rồi thì lật ngược đếm từng ngày để được "zìa xứ nẫu" ăn tết.
         Sáng Chúa nhật, ngày 19 tháng 1 cũng là ngày 19 tháng chạp âm lịch. Như dậy thật sớm để đi lễ dù đêm qua nó soạn đồ đạc, thao thức nôn nao đến mất ngủ. Vậy mà mới
sớm ra, nó đã dậy sửa soạn rồi chạy vèo ra nhà thờ. Trưa hôm ấy, nắng giòn rượm chiếu
qua từng đường tơ tuyệt đẹp của một chú nhện còn ngủ đông, một con bướm xuân la đà giữa nền trời không một gợn mây, trời trong xanh và cây cỏ chung quanh cũng nô đùa mơn mởn đâm chồi dưới cái nắng đầu xuân óng ả. Ôi! Bức tranh xuân qua ô cửa nhỏ quen thuộc bấy lâu trở nên xinh đẹp một cách lạ kỳ làm cô bé Như cảm thấy bối rối! Xưa Nguyễn Du có câu: "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?", nay cô nàng xa quê với niềm hân hoan đoàn tụ lại cất lên: "Em vui cảnh phải vui hơn em này!".
        Có điện thoại, nó bắt máy và nói chuyện với Quyên, bạn cùng quê cùng đạo với nó từ nhỏ:
- Alô, gì vậy mày?
- Chiều mấy giờ mày ra bến xe, tao ra tiễn mày cho vui?
- Quá đã! Chiều khoảng 4 giờ tao đi, tao định đi xe buýt đó. Mà mày khi nào về?
- Tao thì chiều mốt, 21 đó mày! Tao có xe nè, chiều tao qua đèo mày với đồ đạc ra bến xe luôn nha!
- Ngon à! Tao chịu liền! Mày đúng là con bạn tốt nhất của tao, Quyên "quỷ quái" à!
Hai đứa bạn đồng hương tán gẫu giòn tan. Như lại có thêm một niềm vui mới, nó càng hớn hở hơn nữa!
           Bốn giờ kém, con Quyên chạy qua nhà trọ của nó. Hai đứa bạn, đứa xách giỏ, đứa vác ba lô trên vai và chiếc Honda cúp "cu-te" của Quyên nổ máy. Trên đường đi, mẹ của Như gọi nó: “Con tới bến xe chưa? Con nhớ cẩn thận, ngoài bến xe nguy hiểm lắm, dịp Tết là dịp tụi cướp nó hành động... Cẩn thận nghen con!". Nó "dạ" luôn miệng. Rồi con Quyên ngoảnh đầu nghiêng nghiêng hỏi nó: "Mới mua điện thoại hả mày? Đẹp
vậy!" - "Ừ, do dì tao bán heo trúng lớn nên thưởng cho tao nửa số tiền mua cái điện thoại này, lướt đã luôn nha mày!" - "Mày sướng quá hen, cái điện thoại chắc cũng tầm 5 triệu chứ ít gì" – “Ừ, đâu chừng đó đó...". Chưa dứt lời, bỗng con Quyên thắng xe cái "két". Qua ngã tư tụi nó không nhìn đường nên bị xe khác quẹt phải, hất chiếc xe ngã xuống
đường. Như bị ngã lăn ra đất. Quyên vội chạy lại đỡ nó dậy và dắt nó vào trong lề. Rồi con Quyên chạy ra chỗ chiếc xe, vừa dựng chiếc xe lên thì có tín hiệu đèn xanh. Xe chạy nườm nượp khiến nó bị choáng, nhưng chợt nhìn thấy có cái gì đó màu trắng trắng nằm trên mặt đường. Quyên sợ xe cán phải vật ấy liền nhào tới quơ ngay và tiện tay nhét
vào cái túi đang mang xéo bên hông.
       Như chạy ra chỗ Quyên đang đứng, nó quan tâm tới con bạn nên hỏi xem Quyên có bị sao không? Còn nó thì chỉ bị trầy nhẹ ở chân. Lát sau hai đứa lên xe đi tiế. Hai con nhỏ đồng hương băng băng qua những hàng quán hào nhoáng của Sài Gòn phố. Xế chiều rồi, đèn điện bật lên rồi, trông thành phố thật xinh đẹp lộng lẫy.Thế nhưng, trong đôi mắt của Như, thì giờ đây chỉ có quê hương mình là nơi đẹp nhất! Gió lùa tóc hai cô bé bay bay, màu bóng đêm như chiếc bát úp ngược bao trùm lấy bầu trời. Một chút gì đó hiện đại, phá cách, nhộn nhịp của thành phố làm không ít người ngay lúc này đây muốn ôm cả cuộc sống vào lòng. Nhưng đôi mắt và nụ cười của Quyên đã làm cho cái không khí ấy trở nên nhạt nhẽo. Trên suốt đường đi, nó cứ băn khoăn... Con bạn của nó chưa biết rằng nó đã bị mất điện thoại. Nó nhặt được và chưa chịu cất lời rằng: "Chính là tao..."
         Như choáng váng khi nhận ra chiếc điện thoại mới của mình không còn nữa... - "Giờ biết ở đâu mà tìm đây mày, Quyên?"...  Nó khóc nức lên, nhưng con Quyên bạn nó cố tảng lờ và tỏ ra an ủi, động viên. Xe đã gần đến giờ xuất phát, về quê ăn Tết, về đoàn tụ với gia đình là phải đánh đổi như vậy đó. Không riêng Như, còn biết bao bạn sinh viên khát khao một cái Tết an vui, hạnh phúc bên gia đình nhưng đâu mấy ai hưởng được một mùa xuân trọn vẹn nếu không có ơn Ngài? Như về quê ăn Tết, mang theo nỗi lo sợ to đùng khi không biết ăn nói sao với mẹ về cái điện thoại bị mất. Nó thức suốt, quên cả say xe mặc dù lần nào đi xe nó cũng không chịu được. Còn Quyên, con bạn đồng hương, học giáo lý với nhau từ thuở lớp ấu nhi tới bây giờ lại làm một việc hết sức "độc ác" với Như!
         Tết năm nay, Quyên không sang nhà Như chơi. Cứ mỗi lần Như ghé nhà Quyên lại nghe bảo không có nó ở nhà. Cùng một giáo xứ, đi lễ ba ngày Tết năm nào hai đứa cũng hào hứng làm nguyên một an-bum ảnh để khoe lên facebook, thế mà nay... Cho tới bây giờ, qua một mùa Tết viên mãn với gia đình, Như vẫn không thể nào hiểu nổi lý do khiến hai đứa xa cách như vậy!
          Xuân chỉ ở trong ta thực sự khi ta sống không toan tính, dối gian. Một mùa xuân đi qua, Chúa Xuân đã phần nào lấp đầy những ngõ ngách dòi bọ, mối mọt nơi tâm hồn cô bé Quyên, đó là một loại thần dược bổ tâm, thông trí và diệt sạch bọn ghê tởm kia. Hy vọng rằng Quyên sẽ thức tỉnh và trở lại là một cô bé yêu đời, thật thà để rao truyền danh Ngài nơi học đường, nơi nhiều bạn trẻ chưa nhận biết danh Chúa Giê-su Ki-tô. Chỉ có Ngài mới là mùa xuân vĩnh cửu trong tâm hồn cô bé.
 
Tác giả bài viết: Hoa Biển 13
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Từ khóa:

Hoa Biển 13

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 12
  • Khách viếng thăm: 10
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 1868
  • Tháng hiện tại: 114024
  • Tổng lượt truy cập: 12258284