Trang mới   https://gpquinhon.org

Giáng sinh yêu thương I (Hoa Biển 23)

Đăng lúc: Thứ ba - 10/01/2017 18:00
GƯƠNG SÁNG TÌNH YÊU
* Matta Nguyễn Ngọc Thanh Hiền (ĐH Quy Nhơn)
 
Sống tâm tình Mùa Vọng theo cung cách của Gioan Tẩy Giả là một con đường khiêm nhường và quảng đại trao đi. Nhận ra sứ vụ của mình chỉ là dọn đường, sau khi đường dọn đã xong thì biết thu mình vào trong im lặng để tiếp tục hoàn tất cuộc đời. Giống như chiếc chổi, sau khi làm công việc quét dọn, lại được cất vào trong góc khuất. Gioan Tẩy Giả là một mẫu gương thật đẹp cho tất cả chúng ta, cho những con người đang làm phận vụ của những người “dọn dẹp”. Như người phu quét đường chỉ quét vào đêm tối, khi đường phố không còn người qua lại; người công nhân lặng lẽ với đồng lương ít ỏi, âm thầm sống thanh bần trong ngõ hẻm đường quê. Đó là những con người đang phục vụ trong âm thầm lặng lẽ với lương tâm ngay thẳng, không ồn ào. Khi thi hành xong sứ vụ, người dọn đường cao thượng âm thầm rút lui và còn nhận ra trách vụ của mình như “đầy tớ vô dụng” (Lc 17, 10). Là người khiêm nhường trong khi thi hành sứ vụ, Gioan chỉ mong muốn cho mọi người nhận biết rõ về Đấng sẽ đến sau chứ không phải là mình. Biết nhấn chìm cái tôi của mình là một đòi hỏi của cả đời sống âm thầm và cầu nguyện. Con đường dứt bỏ chính mình là con đường tu luyện, nếu không dứt bỏ chính mình thì chẳng dứt bỏ được gì cả. Chính vì thế, Gioan trước khi xuất hiện trước đám đông, ông đã sống cả một thời gian dài trong âm thầm và cầu nguyện ở nơi thanh vắng. Sứ vụ của người loan báo hôm nay, thực sự cần trở nên con người biết sống như Gioan để chiến thắng được cái tôi của mình, biết cầu nguyện để nhận ra chính mình cũng còn nhiều yếu đuối, mỏng dòn và bất toàn.
Tôi chỉ là tiếng hô. Tiếng hô chỉ nhất thời khi cần loan báo hay cảnh báo, không phải lúc nào người ta cũng thích nghe tiếng hô. Tiếng hô nếu còn lại sau sự việc đã xảy ra thì chỉ là tiếng át đi của người to tiếng. Biết nhường chỗ là một thái độ khiêm nhường cao thượng khi biết sứ vụ của mình đã hoàn tất. Là tiếng hô, Gioan biết sứ vụ của tiếng hô ấy chấm dứt khi Đấng Emanuel xuất hiện, Gioan đã rút lui vào đời sống âm thầm cho người đến sau hoạt động. Không ai ngoài Thiên Chúa là người “không thể thay thế”. Thiên Chúa dùng người này, người kia trong một sứ vụ, với một thời đoạn, rồi sau đó, người này người khác. Là khí cụ trong tay của Thiên Chúa, người khiêm nhường cũng chỉ biết thưa sau khi xong công việc: “Chúng tôi chỉ làm việc vì bổn phận” (Lc 17, 10). Hoàn thành nhiệm vụ là một chuyện, nhưng biết sẵn sàng ra đi mới là quyết định một đời hiến dâng. Bài thơ của Tagore diễn tả tâm tình của người hiến dâng đó: “Tôi đã được phép giã từ. Chúc tôi ra đi may mắn nhé, anh em! Tôi cúi đầu chào tất cả trước khi lên đường. Này đây chìa khóa tôi gài lên cửa, và cả căn nhà cũng trao trọn anh em. Chỉ xin anh em lời tạ từ lần cuối thắm đượm tình thân. Từ lâu rồi, sống bên nhau, chúng mình là láng giềng lối xóm; nhưng anh em đã cho tôi nhiều hơn tôi cho lại anh em" (R.Tagore, Lời Dâng, bài 93). Gioan Tẩy Giả là nhân vật của Mùa Vọng. Tôi tự nhủ mình phải học bài học khiêm nhường nơi ngài không chỉ trong Mùa Vọng không thôi, mà còn sống tâm tình ấy hết mọi ngày trong đời sống tôi. Sống tinh thần “Gioan Tẩy Giả” - khiêm nhường như Gioan Tẩy Giả để dọn máng cỏ tâm hồn mình đón chờ tình yêu cao cả và trọng đại đến.
Tình yêu ấy như Tagore đã tự gọi mình trong tập thơ “Người làm vườn”. Trong đó Tagore nhận mình là người giữ khu vườn của tình yêu, không phải được mặc đẹp, được dạo cảnh xem hoa, nhưng làm công việc của phàm nhân bước đi trong những lao nhọc của ngày tháng để hiểu được con người. Một người giữ vườn không chỉ biết yêu thiên nhiên, chăm sóc vườn cây mà còn là một thi nhân. Một thi nhân không chỉ ngồi trầm ngâm bên lề của cuộc đời mà còn là người say đắm cuộc đời; không sợ lấm lem bụi trần, mà giữ hoài chiếc áo hoàng tử.
Tình yêu mà chúng ta sắp được đón nhận, nó đúng với tên gọi của nó: Tình Yêu không chỉ là thương cảm mà còn là gánh chung số phận. Một tình yêu đúng nghĩa được gọi tên “cởi áo hoàng tử” mặc lấy chiếc “áo phàm nhân”. Một tình yêu giáng thế vào nhân trần, vướng đầy bụi nhưng lại là một bụi trần trong lành giữa những vẩn đục. Sinh ra giữa tội nhân nhưng là người vô tội chết thay cho tội nhân. Tình Yêu không còn là hình tượng mà đã là một Tình Yêu nhập thế. Không chỉ là tên gọi mà là một con người hiện diện bằng xương bằng thịt, bằng con người thật như bao người chúng ta. Một Thiên Chúa uy quyền sinh ra là một em bé trong cảnh khó nghèo nơi hang lừa máng ngựa, Chúa đã đến để bày tỏ lòng thương xót của Người nơi chúng ta, Thiên Chúa có cần thiết phải mặc lấy thân phận này để chuộc lấy nhân loại không?
Tình yêu là dâng hiến, chọn lựa hy sinh. Đó là câu trả lời cho một Tình yêu đích thực là tình yêu, đón nhận tất cả để tha thứ tất cả và yêu thương tất cả. “Vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, Người đã từ trời xuống thế”. Xin Người đến, sinh ra trong tâm hồn chúng con những xúc cảm về tình yêu chân thành đơn sơ nhưng thống thiết như Người, để mùa đông năm nay nồng ấm tình Người, tình đời, tình anh em, đồng loại…
 
 
CHẠY VỀ PHÍA YÊU THƯƠNG
* Matta Võ Thị Kim Yến (Gx.Phú Hòa)
 
Tháng 11 lại về… Trời bắt đầu có những cơn gió lạnh tê tái. Phúc khoác cho mình một cái áo len mỏng rồi xin phép các sơ đi nhà thờ. Để hai tay vào túi áo khoác, lâu lâu cô lại chà sát hai bàn tay lại với nhau rồi áp vào má, để tự giữ ấm cho bản thân. Vừa đi, Phúc vừa ngẫm lại cuộc sống của mình… 18 năm trước, vào một đêm trước Giáng Sinh, trời lạnh rét đến run người, Phúc bị bỏ rơi trước cổng cô nhi viện. Nghe mấy sơ kể lại, không biết vì sao nhưng lúc đó Phúc cũng còn dính máu, rốn thì chưa cắt hết. Phúc được đặt trong một cái mền mỏng, để ngay trước cổng cô nhi viện. Mấy sơ đi nhà thờ ra thì thấy và vội ôm Phúc vào để chăm sóc. Vì trời lạnh và rét, mà không biết Phúc đã ở đó tự bao giờ, có khi là mấy tiếng đồng hồ, nên các sơ đặt tên cho là Ân Phúc. Phúc không biết ba mẹ mình là ai, cũng chẳng biết lí do bị bỏ rơi một cách tàn nhẫn như vậy. Trong lòng cô vẫn ôm một mối hận lớn lắm. Cô hận lắm những người đáng lí ra cô phải gọi là ba mẹ, những người đã sinh ra cô ra rồi nhẫn tâm bỏ cô.
Lễ ra, về nhà cô quét dọn lại nhà cửa, giặt đồ cho mấy em nhỏ, sau đó đi học bài để chuẩn bị bước vào kì thi Đại học quan trọng, là một bước ngoặt của cuộc đời mình. Nhưng cô học mãi cũng chẳng vô nữa, vì cô đang mắc trong mớ hỗn độn suy nghĩ về những lời nói của của Tiến nói lúc sáng. Cô chợt nhận ra, ai cũng cần phải có một gia đình, và cô cũng như biết bao nhiêu người khác. Cô cũng đang ở vào cái tuổi nhạy cảm nhất của đời người. Cô cũng cảm thấy ganh tị khi thấy những gia đình khác cùng nhau đi nhà thờ, cô thèm lắm cái cảm giác đó. Cô lớn rồi, cũng biết suy nghĩ hơn, cũng biết bản thân mình đang thật sự cần gì. Đang bắt đầu với những suy nghĩ của mình thì cô thấy một chiếc xe con bóng loáng chạy vào và đỗ trước sân nhà. Bước xuống xe là một người phụ nữ rất đẹp, theo sau đó là một chàng trai trẻ tuổi, chắc hai người này là mẹ con. Cô đang ngồi học bài thấy vậy thì đứng lên, đi vào phòng. Nói là học bài thôi chứ cô đang rất ngạc nhiên và suy nghĩ xem hai người vào nhà mình là ai. Đang mơ màng thì cô nghe tiếng sơ Thảo gọi mình:
- Phúc ơi… Ra sơ nhờ việc này cái con…
- Dạ!- Cô đáp lại rồi nhanh chóng ra ngoài.
- Ngồi xuống đây với sơ nè.
- Dạ.
Cô ngồi xuống bên cạnh sơ Thảo trong sự ngạc nhiên, vì ít khi sơ gọi cô ra ngoài ngồi như vậy. Cô vừa ngồi xuống thì bỗng nhiên người phụ nữ kia chộp lấy bàn tay của cô…
- Di, Di con….
Cô rút vội tay ra.
- Xin lỗi cô, con không…
- Di, Di… là mẹ đây, con ơi, mẹ đây…- Người phụ nữ ấy nói mà nước mắt giàn dụa, hai tay bà giữ chặt lấy tay cô.
- Xin lỗi, cháu không có bố mẹ, cô nhầm rồi!- Vừa nói Phúc vừa đẩy tay bà ấy ra khỏi tay mình, khó khăn lắm Phúc mới nói được hết câu. Trong lòng cô đã quyết, dù cho người đó có là mẹ mình thì cô cũng sẽ không nhận nữa. Họ phải chịu trách nhiệm về hành động tàn nhẫn năm xưa của họ.
- Mẹ… mẹ xin lỗi, ngày đó… ngày đó mẹ đã bỏ con… Mẹ có lí do, con à, nghe mẹ nói…
- Tôi không có lí do gì để nghe hết!... Tại sao ư? Tại vì các người phải trả giá cho hành động tội lỗi của các người… 18 năm trước, tôi xém chết trong cái đêm dài mà các người đã bỏ tôi đó. Tại sao chứ? Các người đã tạo ra tôi, tôi đã hình thành trong bụng của bà… Vậy tại sao, tại sao? Lương tâm của một người mẹ tại sao bà không có chớ?
- Con ơi, con ơi… mẹ biết con hận mẹ nhiều lắm…- Nói rồi người phụ ấy khóc nấc lên, sau đó xỉu luôn trong tay của chàng trai trẻ kia mà Phúc đoán là anh trai mình.
Những ngày sau đó, ngày nào Phúc cũng nhận được khi thì quần áo, thức ăn, còn có cả tiền từ người phụ nữ ấy. Vẫn biết là Phúc đang mong muốn có một gia đình, nhưng sao cô thấy xa lạ quá, cô không thể tha thứ cho họ. Cô không thể tha thứ cho những người đã từng muốn-loại-bỏ cô ra khỏi cuộc sống của họ. Cô không biết phải làm sao hết!
- Phúc ơi, có ai tìm con này.
- Dạ.
Cô ra ngoài và gặp người thanh niên ấy, người đã đi cùng mẹ cô.
- Bé Di…
- Hả? Ai là bé Di?
- Di à, anh Hai biết, em rất hận gia đình mình. Nhưng xin em, hãy vì mẹ một lần được không? Từ ngày dứt lòng bỏ em, mẹ đã rất đau khổ, mẹ đã rất hối hận… Anh, anh cũng đã biết lỗi khi ngày đó không cố ngăn giữ bố mẹ lại để mất em. Anh đã cố gắng thuyết phục bố với bà nội lắm, bé Di. Em hãy nghĩ cho anh với mẹ, chấp nhận gia đình đi nha em… Anh xin em đó.
Phúc im lặng.
- Em có biết khi em còn trong bụng mẹ, mẹ và anh đã mong em như thế nào không, mong em từng ngày… Mỗi lần em đạp bụng mẹ là anh cứ mừng lên, chuẩn bị em sẽ ra đời, anh sẽ có một đứa em gái. Nhưng anh không biết ba và nội lại còn phong kiến như vậy. Ngay lúc em vừa sinh ra, nội đã cho người đem bỏ em đi. Mẹ và anh đã khóc lóc và cầu xin rất nhiều, nhưng không được. Em biết không? Khoảng thời gian đó mẹ sống không bằng chết. Nhưng vì muốn tìm được em nên mẹ đã ráng sống tới giờ… Cho tới khi vô tình anh nghe được ba và nội nói chuyện nên đã thuyết phục và đi tìm em. Em hãy về với gia đình em nhé!
- Anh về đi, em không muốn nghe.
- Em suy nghĩ kĩ đi bé Di à!
Phúc vào nhà thờ, cô cầu nguyện với Chúa. Cô cần nói chuyện với Chúa, cô cần tìm ra những suy nghĩ đúng cho riêng mình. Cô tin trong thinh lặng, Chúa sẽ đến và đỡ nâng cô. Cô ở trong nhà thờ từ sáng tới chiều. Trong nhà thờ lúc này mấy chú cũng đang chuẩn bị làm hang đá. Mùa Giáng Sinh đang đến gần… Cô cứ nhìn vào hang đá rồi nở nụ cười.
*   *   *
Thời gian cứ trôi đi, hôm nay là sinh nhật Phúc. Vì là gần ngày Giáng Sinh nên cô cứ phấn khởi trong lòng, hôm nay dọn nhà sạch sẽ, làm một cái hang đá nhỏ để Chúa đến. Người phụ nữ ấy lại đến… Nhưng lần này có thêm cả người đàn ông, chắc là ba (Phúc nghĩ thầm) và một người lớn tuổi chắc là nội. Trên tay bà là một cái bánh kem rất to. Cả bốn người vào và ngồi trong nhà khách. Sơ Thảo gọi Phúc lên. Phúc nở một nụ cười thoải mái và lên chào hỏi mấy người đó. Người phụ nữ ấy nói:
- Con có thể làm một bữa tiệc sinh nhật với ta được không?- Nói rồi bà đốt nến lên cắm vào bánh, 18 năm, là khoảng thời gian bà đã bỏ đứa con tội nghiệp của mình. Bà định đưa bánh cho Phúc thổi nhưng lại rụt tay lại, bà không dám, bà nghĩ mình không đủ tư cách để thân thiết với Phúc như vậy. Nhưng Phúc kéo tay bà lại và nói:
- Ơ, mẹ làm sao vậy, sao không đưa bánh cho con thổi?
Sau đó Phúc thổi nến và ước. Tất cả mọi người ngạc nhiên và không nghĩ cô lại chấp nhận như vậy. Ai cũng “đứng hình”! Mãi mấy giây sau, anh Hai của Phúc lên tiếng nói:
- Mọi người làm gì vậy? Con bé đã chấp nhận chúng ta rồi, sao không ai phản ứng gì hết vậy?
Nói rồi ôm chầm lấy Phúc. Mẹ và ba Phúc cũng đứng lên và ôm chầm lấy Phúc. Lần đầu tiên, Phúc cảm nhận được tình cảm gia đình mà lâu nay cô không biết và thèm khát. Và cũng là lần đầu tiên, trong ngôi giáo đường nhỏ ấy, Phúc bước vào với ba người nữa, nắm chặt tay nhau dưới ánh mắt trìu mến và yêu thương của Thiên Chúa.
 
 
ĐÊM ĐÔNG KHÔNG LẠNH
* Maria Đồng Thị Bích Duyên (Gx.Đồng Tre)
 
“Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời… Chúa sinh ra đời, nằm trong hang đá nơi máng lừa…”. Những câu hát ngân vang trong đêm lạnh, hòa cùng tiếng ghi-ta trên con phố lắm người qua. Đêm đông, đêm Sài Gòn vẫn nhộn nhịp, người qua kẻ lại tấp nập. Họ đua nhau mua sắm, hẹn hò, vui chơi… Mùa đông không lạnh, họ tay trong tay, êm ấm bên gia đình, vui vẻ bên bạn bè. Mùa đông không lạnh, tiếng cười nói của trẻ thơ, nụ cười tươi tắn khi được nhận quà… Mùa đông không lạnh… Những hình ảnh ấy dễ bắt gặp trong đêm đông ấm áp, vui vẻ, nên mùa đông không lạnh.
Nhưng còn có những góc khuất tối tăm, những ống cống tạm bợ được ví như “khách sạn ngàn sao”… Những ngôi nhà hoang cũ nát che chẳng được gió, chắn đâu được mưa, được xem như “tổ ấm” nhỏ sau một ngày làm việc mệt nhọc. Mùa đông lạnh, em ước được một đôi găng tay ủ ấm vào đêm đông, ước được vòng tay cha mẹ ôm ấp. Mùa đông lạnh, những món quà chỉ có thể chiêm ngưỡng qua tủ kính, đứng xa xa trông ngóng mà ước ao. Mùa đông lạnh, lạnh lắm… Em ước được có lò than, bánh ngọt, nến hồng, mừng sinh nhật đêm đông.
Sự rực rỡ, ánh hào quang chớp nháy sẽ được con người để ý đến. Những góc tối âm u, lạnh lẽo đã bị bỏ qua. Hai ngàn năm trước, Thiên Chúa đã đến với chúng ta cũng trong đêm đông giá lạnh. Bị loài người bỏ qua, đâu hay biết! Vẫn còn đó những mục đồng bé thơ dâng hơi ấm bò lừa, còn ba vua từ xa thăm viếng tặng vàng, nhủ hương, mộc được. Ngài vẫn còn được nhớ đến, nên, đêm đông không lạnh.
Hãy bỏ qua những ánh đèn rực rỡ, cùng bước vào góc khuất tận hẻm sâu. Thêm ánh lửa xua tan đêm đen giá lạnh, cho em một vòng tay ấm, cho em một nụ cười xinh để em không còn lạnh lẽo. Hãy còn đó những con người hảo tâm, nhớ đến em khi em cô quạnh, cho em một tình thương thật sự mà không phải tìm đâu xa. Và như thế, mùa đông không còn lạnh…
 
 
ĐIỀU KÌ DIỆU Ở NƠI ĐÂU?
* Anna Dương Thị Thái Chân (Gx.Ngọc Thạnh)
 
Chiều Sài Gòn… Hoàng hôn buông sắc tím trên khắp các nẻo đường. Cảnh sắc này những tưởng sẽ thơ mộng như quang cảnh ngàn hoa nơi Đà Lạt, nhưng chỉ thấy xe cộ tấp nập xô bồ bon chen nhau trên các con lộ.
- Vé số… Vé số đây…
- Chú ơi, mua vé số giúp con đi ạ!
Những cái lắc đầu xua đuổi của bao con người đang hối hả quay về sau giờ làm việc khiến cậu bé bán vé số tội nghiệp buồn bã. Em lại tiếp tục lang thang trên các vỉa hè, nơi hàng ngày em đội nắng mưa chạy đôn đáo mời khách với xấp vé số trên tay.
Chỉ còn mười phút nữa là chương trình xổ số kiến thiết bắt đầu, em buồn bã đi đến sạp để trả lại xấp vé số còn thừa. Thế là hôm nay em chẳng có tiền mua thuốc cho bà nội, em sẽ phải nhường phần ăn của mình để mua cháo cho bà. Lại một buổi tối nữa, em nhịn đói…
Bước vào căn nhà ọp ẹp, em tới bên giường có bà nội nằm đó, vội đổ bịch cháo vào tô cho bà nội. Bà em nằm đó, đôi mắt nhăn nheo chớm mở, thấy cháu mình về thì ngồi dậy.
- Con về rồi hả con! Đã ăn gì chưa?
- Con ăn rồi bà ạ! Cháo bà này, bà ăn đi cho nóng.
Căn nhà nhỏ chỉ khoảng hai mươi mét vuông củ kĩ, nằm trong một con hẻm nhỏ giữa lòng thành phố, ngày qua ngày vẫn như vậy. Một bà, một cháu, nương tựa nhau mà sống. Bao năm nay, làng giềng xung quanh chỉ thấy hai bà cháu nương tựa nhau, chẳng ai biết bố mẹ cậu bé là ai. Nghe đâu mẹ em mất trong một vụ tai nạn, còn bố em thì qua đời sớm. Nhà nghèo, em chẳng có điều kiện đi học như bao trẻ khác. Ngày ngày, mọi người chỉ thấy em cùng bà đẩy xe nước ra phố, sau đó em sẽ lại đi bán vé số.
*  *  *
Những cơn gió se lạnh thổi vào người như buốt cả da thịt, trên đường phố các cửa hàng đã trang trí những hình ảnh Giáng Sinh đẹp mắt. Chỉ còn năm ngày nữa thôi, một mùa Giáng Sinh mới sẽ đến trong không khí tưng bừng hòa quyện với niềm vui của những con người trên khắp địa cầu. Nhưng có lẽ chẳng ai biết được, đâu đó trên thế giới vẫn còn những thân phận chẳng thể nào biết được niềm vui của những ngày lễ lớn như vậy.
Em vẫn cầm xấp vé số, vẫn chạy hết phố này đến phố khác. Tất nhiên tâm hồn trẻ thơ của một cậu bé mười hai tuổi vẫn không thể nào không để ý đến những món đồ trang trí ở hầu hết các cửa hàng. Em cảm thấy chúng thật vui mắt, em thích được bán vé số trên những con đường được tô điểm sinh động như thế. Những ngày này, em lại cầm xấp vé số trên tay, vừa đi em vừa tung tăng hát những khúc ca em yêu thích, như để quyện vào với niềm vui của tất cả những người trên khắp đường phố.
- Cậu bé, lại đây nào…
- Dạ, chú mua vé số phải không ạ?
- Đưa xấp vé chú xem, có số đẹp không?
Người đàn ông cao to ăn mặc bảnh bao sành điệu, khuôn mặt phong trần, cầm xấp vé số trên tay rồi lựa chọn. Ông chọn được số ưng ý rồi mua hai mươi tờ. Sau khi trả tiền, ông toan bỏ đi thì ông chợt nhìn thấy đôi dép nhựa đã mòn đến gần lủng lổ của cậu bé. Đôi mắt ông chợt lộ lên nét xót xa, ông quay lại, dúi vào tay cậu bé một tờ vé số.
- Cầm lấy đi, cho mày đó. Bán tờ này rồi mua đôi dép khác. Tao hết tiền rồi, nếu không thì tao cũng cho mày mấy chục mua dép.
Nói rồi, ông ta bỏ đi, để lại cậu bé chưa kịp nói lời nào, ngẩn ngơ nhìn theo vóc dáng to cao dần mất hút trong cảnh phố đông tấp nập.
Cậu bé suy nghĩ một hồi lâu, rồi cất tờ vé số ấy trong túi quần. Cậu lại chạy tiếp trên hết những con phố ở quận Nhất. Những con đường đẫn cậu bé đến ngôi nhà thờ đẹp nhất thành phố, nhà thờ Đức Bà. Cậu bé dừng lại, ngước mắt ngắm nhìn cảnh nhà thờ được trang trí vô cùng đẹp. Nhà thờ lúc này khác xa so với những lần cậu thấy khi đi bán quanh đây. Cậu bé rón rén nhìn vào bên trong nhà thờ. Một hang đá nhỏ ngay trên cung thánh, bên trong là tượng Chúa Hài Đồng, Mẹ Maria và Thánh Giuse. Cậu bé biết họ, vì cậu được nghe bà kể những câu chuyện về họ. Bà kể ngày xưa bà cũng đi nhà thờ, cũng hát thánh ca, cũng đọc kinh cầu nguyện. Nhưng khi cưới ông ngoại, gia đình ông ngoại không cho bà làm những điều đó nữa. Bà nói rằng Chúa đẹp lắm, Chúa yêu bà và cậu bé nhiều lắm, nên khi nào bà dư một ít tiền, bà sẽ mua cho cậu một chiếc áo sơ mi trắng, rồi bà sẽ dẫn cậu bé đi đến nhà thờ để chịu phép rửa tội, để được biết Chúa nhiều hơn. Cậu bé thích điều đó lắm, em cũng mong được rửa tội thật sớm, để được cơ hội biết đến một Thiên Chúa giàu lòng yêu thương như bà đã từng nói.
Một người đàn ông trung niên, mặc áo chùng đen, đang tiến lại gần cậu bé. Ông đi lướt ngang qua cậu, nhưng như có gì đó kéo chân, ông quay lại nhìn vào cậu. Đôi mắt trìu mến đưa xuống gương mặt nhem nhuốc của cậu.
- Con là ai? Sao lại đứng một mình ở cửa nhà thờ vậy?
- Con… Con…
“Cha ơi… Có người muốn tìm gặp cha ạ!”- Một thanh niên chạy đến nói với người đàn ông ấy. Vị linh mục đưa mắt nhìn cậu bé, ngài toan bước đi, thì có một bàn tay bé nhỏ níu ngài lại.
- Chú là “ông cha” phải không?- Cậu bé ngước đôi mắt long lanh nhìn vị linh mục.
- Đúng rồi con…- Vị linh mục ngạc nhiên.
Cậu bé nhìn ngài, rồi rụt rè rút trong túi ra, đưa cho ngài tờ vé số.
- Con nhờ cha chuyển cho Chúa tờ vé số này.
- Vì sao con lại tặng cho Chúa tờ vé số?
- Bà con nói: Vì Chúa rất thương trẻ em, nên tới Noel, Chúa sẽ biến thành trẻ em để chơi với chúng con. Con không có bạn, con chỉ muốn tặng bạn Chúa một món quà… Bà con nói, nếu con tặng quà cho Chúa, thì Chúa sẽ ở bên con mãi mãi.
Vị linh mục cầm tờ vé số trên tay, lòng ngài chợt cảm động đến nghẹn ngào. Ôi, Thiên Chúa đang gởi đến cho ngài một thiên thần nào đây? Ngài toan hỏi cậu bé thêm vài câu nữa thì người thanh niên kia chợt kéo ngài đi: “Cha ơi, mau lên ạ, khách đợi cha lâu lắm rồi!”.
Ngài đi được vài bước thì quay lại. Cậu bé đã rời khỏi nhà thờ, đi qua phía đường bên kia. Ngài vội nói với người thanh niên:
- Dũng à, cha nhờ con một việc… Con đi theo cậu bé bán vé số kia kìa, tìm hiểu nơi ở và hoàn cảnh gia đình cậu bé ấy giúp cha nhé.
*  *  *
Một năm sau…
Nơi ngôi thánh đường đẹp nhất thành phố ấy, đang diễn ra thánh lễ rửa tội. Tại hàng ghế đầu, có một bà cụ ngồi đó, nhìn đứa cháu yêu quí đang được lãnh bí tích. Đôi mắt nhăn nheo ấy ánh lên niềm hạnh phúc khôn tả.
Cậu bé  bây giờ chẳng còn bán vé số nữa. Em được một ân nhân giúp đỡ, à mà không, là chính Thiên Chúa đã thương đến em, nên em đã được đi học, được đến nhà thờ học giáo lý, được gần Thiên Chúa hơn. Và giờ đây, em được chính thức công nhận là Kitô hữu. Em đã tin Chúa bằng chính niềm tin đơn sơ. Em đã yêu Chúa bằng chính trái tim thơ ngây bé bỏng.
Và tôi, một trong những người dự thánh lễ rửa tội hôm ấy, luôn tin rằng chỉ cần vững tin vào Thiên Chúa giàu lòng thương xót, những điều kì diệu sẽ luôn xảy đến.
 
 
NỖI NHỚ MÙA ĐÔNG
* Têrêxa Lê Thị Mỹ Duyên (Gx.Tuy Hòa)
 
Ánh nắng vàng nhè nhẹ xen lẫn với cơn gió khe khẽ của những ngày đông đầu tháng 11 khiến tâm trạng của mỗi con người cảm thấy lắng đọng vô cùng. Tháng 11 đầy cảm xúc, tháng 11 đầy yêu thương. Đông về… Cũng khung cảnh này, cũng cảm giác này, tháng 11 để lại cho tôi một nỗi nhớ da diết về kỉ niệm giữa tôi và cô bạn thân. Cô bạn đã đem lại cho tôi những niềm vui trong những tháng ngày đông đến.
Tôi chợt nhớ về năm lớp 10 khi mới bước chân vào trường cấp ba… “Chân ướt chân ráo", tôi cảm thấy sợ sệt và cô đơn khi chẳng hề quen biết một ai. Cô giáo xếp cho tôi ngồi với cô bạn tên Mai. Tôi thấy Mai đeo vòng chuỗi Mân Côi nên tôi nghĩ cô bạn cũng theo đạo Công giáo. Mới đầu tôi ngại nói chuyện, ngại tiếp xúc lắm, nhưng cô bạn lại hết sức cởi mở nên ngày qua ngày tôi trở nên mạnh dạn hơn, nói chuyện nhiều hơn với cô bạn, và rồi tôi với Mai trở nên thân thiết với nhau. Tôi cảm thấy vui khi mình đã có được một người bạn thân, có thể là do tôi và Mai hợp tính cách hoặc là Mai quá dễ gần. Sự thân thiết ấy khiến cho các bạn khác trong lớp nghĩ chúng tôi như hình với bóng. Mai rất hiền, dễ thương và điều tôi nể phục cô bạn là cô rất đạo đức. Mai rất siêng năng lần chuỗi, có mấy lần tôi thấp thoáng thấy Mai ngồi chắp hai tay cầu nguyện một mình, trông cô bạn như một thiên thần.
Tình bạn của tôi với Mai ngày một sâu đậm và chính sự thân thiết ấy, giờ đây mỗi lần nghĩ về điều đó tôi lại thấy lòng mình tê tái. Không gian thu gọn qua ô cửa sổ, mỗi lần làn gió nhẹ thoảng qua thì tôi lại thấy nhớ Mai. Cũng hàng ghế đá ấy, cũng ánh nắng vàng nhẹ ấy, nhưng tại sao không gian trở nên trống vắng. Tôi nhớ lắm, nhớ những tháng ngày tôi cùng Mai ngồi "bà tám", cô bạn kể nhiều chuyện nhất là kể về Chúa cho tôi nghe. Cô bạn hát rất hay, mấy lần Mai hát thì đa số là hát nhạc đạo, ánh mắt Mai biểu cảm theo lời hát làm cho tôi cảm thấy âm thanh trở nên da diết, và điều đó khiến tôi gần Chúa nhiều hơn. Tôi thường để ý Mai vì cô bạn có đôi mắt long lanh với ngoại hình đẹp nên khi mặc áo dài trông Mai thật giống búp bê, điều đó làm cho tôi ấn tượng nhất.
Tôi nhớ nhất là cái ngày Mai tặng cho tôi tượng Chúa Hài Nhi nhỏ nhỏ xinh xinh và dặn tôi cất giữ cẩn thận, giữ tượng này mãi để làm kỉ niệm, có gì khi đi học đại học thì còn nhớ về nhau. Gần đến Noel, nên hai đứa tôi trao nhau nhiều hứa hẹn, sẽ cùng làm một hang đá nhỏ để lót ấm cho Chúa Hài Nhi, và hẹn đến ngày Chúa giáng trần thì sẽ cùng nhau đi đến nhà thờ dự lễ. Thế nhưng vài ngày sau khi hứa, cô bạn bị tai nạn khi trên đường đi học. Mai bị nặng lắm đến nỗi không giữ được tính mạng… Tôi đã khóc, khóc nhiều lắm! Tôi khóc khi cô bạn đi rồi, đi qua một thế giới khác một cách chớp nhoáng. Mai đi để lại lòng tôi nặng trĩu nỗi buồn. Mới hôm kia hai đứa còn hứa hẹn đủ điều nhưng rồi chỉ mình tôi thực hiện.
Giờ đây Noel nữa lại sắp đến rồi, tượng Chúa Hài Nhi xinh xinh vẫn còn đây nhưng hình bóng cô bạn thân ngày nào giờ đã xa khuất trời mây. Hang đá nhỏ vẫn một mình tôi làm mà thôi. Cứ thế và gió đông về, lòng tôi trở nên giá lạnh và cô đơn khi thiếu vắng một người bạn thân mà tưởng chừng như tôi và bạn sẽ gắn bó cùng nhau suốt đời. Tôi thầm cảm ơn cô bạn vì nhờ cô mà tôi mới biết được tình bạn thật cao quý, và cầu nguyện cho cô được hưởng hạnh phúc Nước Trời như cô hằng mong ước.
 
 
MÓN QUÀ Ý NGHĨA
* Phêrô Nguyễn Minh Khả (Gx.Cây Rỏi)
 
Trời đã chuyển rét suốt mấy ngày qua. Từng cơn gió mang theo những hạt mưa phùn rả rích cả ngày. Ngoài phố, chắng mấy ai qua lại trong cái tiết trời lạnh lẽo rét buốt như thế này. Hầu hết mọi người đều ở trong nhà cùng với gia đình sum vầy, trò chuyện bên cạnh chiếc lò sưởi. Trên đoạn đường này chỉ có mình lão với những bước chân cô độc. Lão chắc cũng đã bước qua cái tuổi 60, thân thể chẳng còn được khỏe mạnh như xưa, đi vài bước lão lại ho vài tiếng mệt nhọc. Dừng lại ở phía cuối đường, từ túi chiếc áo ấm sờn màu, lão rút ra một chùm chìa khóa với đủ các loại lớn nhỏ. Lạch cạch, chậm rãi lão mở thùng thư và lấy ra khoảng dăm ba lá thư. “Thời buổi hiện đại công nghệ thông tin, ngồi viết một lá thư tay chắc còn mấy ai thực hiện!”- Lão đưa thư lẩm bẩm một mình. Bỏ thư vào túi xách, lão từ từ rải bước đi.
Lão mở cửa bước vào phòng, ngoài trời cơn mưa lất phất vẫn chưa có hồi dừng lại. Đặt chiếc mũ lưỡi trai trên giá, lão khẽ phủi những hạt mưa tinh nghịch vướng lên mái tóc hoa râm của mình. Hớp một ngụm rượu, lão thả lưng xuống ghế, nhắm mắt nghe bài thánh ca Giáng Sinh. Có chút trống vắng cô đơn lại vồ lấy lão, chẳng biết bao lâu, lão chỉ có một mình trong căn phòng lặng lẽ này. Vợ lão đã về bên Chúa hai năm về trước, hai đứa con của lão cũng đã trưởng thành, an bề gia thất, không thể bên cạnh chăm sóc cho lão được. Hằng tháng lão vẫn nhận được tiền gửi về của các con, lâu lâu chúng nó vẫn hay chạy về thăm lão. Thế nhưng, phần lớn thời gian là chỉ có một mình lão cùng với nỗi trống vắng.
Lão kéo cái túi đựng thư lại gần mình, đem những lá thư xếp lại cẩn thận ngay ngắn. Lão lục tìm trong đó những lá thư của tụi nhỏ ở cái xóm đạo này. Cứ vào khoảng thời gian này, mấy đứa nhỏ lại viết thư cho ông già Noel để xin quà. Và người đọc những bức thư đó chính là lão, tùy theo yêu cầu của chúng, nếu ông lão có thể làm được, bọn chúng sẽ có quà. Mỗi lần như thế, ông thấy mình trở lại với tuổi thơ, trở về lúc ông còn là một cậu nhóc. Những bức thư của ông hồi ấy cũng như thế này, xin chiếc ô tô đồ chơi, xin bì kẹo… Nhưng mà chúng chỉ để trong góc tủ, không được gửi đi bất kì lá nào, bởi vì ông không có tiền để mua tem mà dán. Vậy nên bây giờ ông thích đem những món quà tặng lại cho những đứa nhỏ, dù ông cũng chẳng khấm khá gì lắm…
Một bức thư với bên ngoài là hình ảnh cả nhà nắm tay nhau được vẽ bằng bút màu khá là dễ thương, kèm theo dòng chữ nhỏ nhắn nắn nót: “Gửi ông già Noel”.
“Ông già Noel thân mến,
Con biết cứ mỗi đêm Giáng Sinh là ông sẽ đi phát quà cho trẻ em khắp mọi nơi. Con muốn nhờ ông tí việc được không ạ? Năn nỉ ông á! Nếu ông có đi ngang chỗ ba con đang làm việc thì nhắn ba ngày mai về dẫn tụi con đi lễ Giáng Sinh nha ông, chứ bà đang ốm chắc không đưa tụi con đi được.
Con cảm ơn ông nhiều lắm ạ. Yêu ông nhiều lắm!
Mai”.
Lão im lặng hồi lâu… “Ngày mai ông sẽ nhắn”.
Hôm nay là ngày Chúa Giáng Sinh, bên ngoài trời vẫn tiếp tục dầm dề mưa phùn. Lão bước vào nơi công trường đang xây dang dở, ngổn ngang những là sắt thép.
- Anh Nam ơi!
- Có việc gì thế ông Năm?- Một người đàn ông vẻ mặt hốc hác quay lại hỏi.
- À… Hai đứa nhỏ nhắn anh về dẫn tụi nó đi lễ Giáng Sinh. Bà cụ bị đau, anh nên về đi.
- Ông Năm à, hiện tại công việc đang lúc bừa bộn, chắc tôi không về được. Ông ghé qua giúp tôi được không?
- Ừ!- Lão cười, khẽ gật đầu.
Lão bước đến căn nhà ở cuối xóm. Lão khẽ cất tiếng gọi. Căn nhà cấp bốn đã nhiều rêu bám vì mưa gió. Đây là nơi ở của nhà bé Mai. Nhà chỉ có bốn người, bà cụ nay đã 75, bố con bé thì đi làm công nhân, tất bật với công việc mưu sinh. Má bé Mai đã qua đời khi sinh thằng Bảo, em của Mai. Bọn trẻ khá quen với lão, mỗi khi lão ra ban-công ngồi thì tụi nhỏ luôn tới trò chuyện với lão.
- Mai ơi, con có ở nhà không thế?
- Dạ…- Một bé gái lớp 6 chạy ra mở cửa.
- Có gì không thế ông Năm?
- À… Ba cháu nhờ bác qua dẫn hai đứa đi lễ Giáng Sinh, nhân tiện cũng muốn thăm thử bà cháu đỡ hơn chưa.
- Bà cháu cũng đỡ rồi, nhưng mà còn mệt lắm ông Năm ạ.
- Nói em Bảo chuẩn bị thay đồ đi, ông Năm dẫn đi xem diễn nguyện mừng Chúa Giáng Sinh.
Ba ông cháu nắm tay nhau đi vào ngôi nhà thờ nhỏ. Lâu lắm rồi lão mới có người kề bên đón Giáng Sinh như thế này. Nhớ khi trước ông cùng hai đứa con với vợ, họ cũng cùng nhau tham dự lễ Giáng Sinh. Bây giờ có hai đứa trẻ cùng đi, ông cảm thấy trong lòng ấm áp lạ kì. Ông lấy hai tràng chuỗi đưa cho hai đứa bé.
- Quà Giáng Sinh của tụi con nè.
- Con cảm ơn ông Năm, ông giống ông già Noel quá!
Không biết ai mới là ông già Noel? Hai đứa đã đem đến cho lão một món quà thật ý nghĩa. Lão mỉm cười, tạ ơn Chúa.
Cuối ngôi thánh đường, có một người đàn ông gầy ốm, khuôn mặt sạm đen vì nắng, khẽ chắp tay cúi đầu chào Chúa.
 
 
MÓN QUÀ HẠNH PHÚC
* Maria Phan Nguyễn Cẩm Nhung (Gx.Tân Quán)
 
2 giờ sáng...
Tít… tít… tít... Tiếng còi vang inh ỏi.
- Dì đi nha, ở nhà lo học vào, hạn chế ham chơi… Quan trọng là phải nhớ thắp nhang cho ngoại nghe con! Khi về, dì sẽ có quà cho.
Lòng nó sung sướng khi nghe chữ quà.
- Dạ, con biết rồi, Năm đi nhớ về sớm đó!- Nó chợt thấy nao nao.
Chiếc xe chú Thương mở cửa đón dì để nó đứng ngó một mình, lòng nặng nặng. Thật thương cho dì! Năm nào cũng vậy, cứ tháng Các Đẳng về thì dì lại đi làm xa để kiếm đủ tiền cho nó ăn học.
Nó thật vô phúc phải xa cha mẹ từ nhỏ, nhưng thật có phúc vì có dì Năm là người mẹ thứ hai trong đời nó. Dì cho nó cuộc sống, cho nó cái chữ, cho nó tình thương, cho nó tất cả, còn dì chỉ có hy sinh, lam lũ một đời. Càng nghĩ nó càng xúc động, những giọt nước mắt hòa với sương thấm vào áo nâu đã bạc màu. Không nén được nữa nó kêu lớn tiếng: “Dì… Năm… ơi!”.
Thời gian rồi cũng trôi nhanh, không  một ai bắt kịp được. Kể từ ngày dì đi, trong ngăn tủ đã cất đi 26 tờ lịch. "Nhanh thế sao, ủa mà còn vài ngày nữa tới lễ Giáng Sinh rồi, phải gọi cho Năm, nhắc Năm về sớm mới được!".
- Alô, Năm  hả! Năm vẫn khoẻ  chứ?... Khi nào Năm về? Lễ Noel này Năm về chứ?... Sao Năm không trả lời? Năm trả lời con đi, con nhớ Năm lắm!
- Dì vẫn ổn. Dì không về kịp Noel đâu, dì chưa làm xong con à...
"Mọi người lên đây bàn chút công việc cho ngày mai".
- Bà chủ gọi. Chắc sẽ lâu đấy… Con học bài rồi nghỉ sớm đi nhé, dì sẽ gọi cho con sau.
Một giờ sau… Có tiếng chuông điện thoại reo, mẹ nó gọi.
- Dạ, mẹ…
- Con sao rồi, bữa giờ có còn nhức đầu nữa không? Ngoài đó không xảy ra chuyện gì chứ?
- Dạ không, thưa mẹ! Mà mẹ này …
- Sao con? À... chắc là hết tiền ăn phải không?
- Không đâu mẹ... Tiền Năm cho con vẫn còn nhiều.
- Chứ sao thế con, có chuyện gì với con hả?
- Mẹ à… Khi nãy con mới gọi cho dì, dì bảo công việc nhiều, về thì không ai làm… Mẹ ơi, con không muốn phải đón Giáng Sinh một mình đâu, ba mẹ về với con đi!
Nó nghe có tiếng khóc.
- Mẹ xin lỗi, ba mẹ không thể về được con à… Con biết mà!
Ba thì đi buôn suốt thôi, mẹ làm mọi việc nhà rồi phải trông bé út, phải đưa đón bé lớn đi học. Nó biết vậy, nhưng vẫn cố tình hỏi mẹ, bởi tâm trạng của nó lúc này chỉ có buồn.
- Con hiểu rồi mẹ, mẹ ngủ sớm đi.- Nó ngồi thừ ra đó.
- Giữ ấm nha con, trời lạnh đó…
Câu nói cuối cùng của Mẹ làm nó đau hơn nữa. Dù cho chiếc chăn có dày đến đâu cũng không bằng có mẹ và dì ở bên. Tại sao dì với mẹ lại như vậy chứ, không còn thương con nữa sao? Nó còn tính khoe với dì là năm nay nó được diễn vai Đức Mẹ trong hoạt cảnh Giáng Sinh, ước mơ từ bao lâu nay. Nhưng giờ thì sao, không  còn cần  thiết nữa rồi!
Nó nhìn sang hang đá nhỏ xinh, được trang trí nhiều dây kim tuyến, đèn nhấp nháy cùng với những quả thông mơ màng… Hang đá này nó đã cất công làm từ mấy bữa trước. “Hài Đồng Giêsu ơi, bên con lúc này chỉ có Ngài. Ngài nói con phải làm sao đây? Chưa khi nào con cảm thấy đau… đau… đau như lúc này!”. Nó đã khóc thút thít suốt đêm, phá đi cả cái yên tĩnh của trời khuya...
Sáng hôm sau, nó lên lớp với dáng dấp mệt mỏi, không giống nó mọi ngày. Vào lớp, nó chỉ gập mặt xuống bàn và ủ rủ.
- Quỳnh Như, em lên dò bài!- Tiếng thầy chủ nhiệm gọi.
- Dạ, hôm nay em chưa thuộc bài, thưa thầy.
- Em có chuyện gì sao? Đây không phải là Như mà thầy biết… Em ra ngoài nói chuyện với thầy một chút… Lớp trưởng giữ trật tự lớp cho thầy.
Nó cùng với thầy ra ngoài.
- Thầy biết tình cảnh của em lúc này. Dì, ba mẹ, họ không thể gần em bởi họ phải mưu sinh để lo cho cuộc sống của em.
- Vâng… Dẫu em hiểu đó là sự sắp xếp của Chúa mà vẫn buồn!
- Này cô gái nhỏ, hãy mạnh mẽ lên, em sẽ vượt qua thôi! Thầy tin tưởng ở em.
Bởi đâu thầy hiểu gia đình nó như vậy, bởi thầy là người cùng chung giáo xứ và rất thân với gia đình nó...
Ngày đó cũng đến, đêm hoạt cảnh Giáng Sinh diễn ra một cách suông sẻ, nó nhận được nhiều lời khen ngợi. Và đặc biệt hơn:
- Hai ơi, Hai diễn hay muốn chết mất, hệt như Mẹ Maria vậy.- Em Út của nó reo lên.
- Chị diễn hay lắm!- Đứa em kề nó nói.
- Dì và ba mẹ thật sự tự hào về con.
Mọi người đã về bên nó. Mong muốn của nó, ước mơ của nó, suy nghĩ thôi thúc nó cứ nghĩ đó là trong mơ. Nó bàng hoàng do dự. Gì chứ? Sao mình lại có cảm giác này, không phải sự thật sao! Thời gian như dừng lại, nó đứng đơ ra. Cho tới khi, một giọng nói quen thuộc cất lên…
Không một chút do dự, nó lao đến ôm chầm lấy dì, ba mẹ, các em. Nó không muốn nói gì hết, chỉ biết lúc này, mọi người có mặt ở đây chính là niềm hạnh phúc, món quà to lớn Chúa dành cho nó.
 
 
VỀ
* Giuse Nguyễn Mậu Linh Vũ (Gx.Kỳ Tân)
 
Kim đồng hồ đã chỉ hơn 2 giờ chiều. Uể oải trở mình ngồi dậy, tôi ngáp một cái thật dài, tự càu nhàu: Hôm nay chủ nhật, được ngủ thoải mái mà dậy giờ này làm gì không biết nữa!
Ngoài kia, trời đang mưa, từng hạt lất phất bay trong gió, se lạnh, man mác buồn. Hình như trời sang đông thật rồi. Có gì đó khiến tâm hồn này chùng xuống. Phải chăng vì sự nuối tiếc khi thu vội qua? Không! Là do tôi nhớ nhà…
“Vào đó cố gắng giữ sức khoẻ nghen con! Đừng ham công việc quá mà sinh bệnh”. Câu nói của ba vọng về từ quá khứ. Đã ba năm từ khi tôi phải xa nhà để mưu sinh nơi đất khách. Vậy mà chẳng hiểu sao, hôm nay, một ngày như bao ngày khác, tôi lại nhớ nhà, nhớ ba mẹ. Nhớ đến da diết!
Đoạn đường chưa đến 200km không thể gọi là quá xa, nhưng cũng không gần, nên với tôi, đó vẫn được xem là một cách ngăn địa lý giữa những con người cùng huyết thống. Ngược ngạo thay, tôi lại không giống ai ở thời điểm và cách nhận ra điều đó. Tôi an tâm ngay từ những ngày đầu tiên xa nhà, rằng mình sẽ làm được, rằng mình sẽ quen thôi. Thế nhưng, tôi đã lầm. Càng ở xa nhà lâu, tôi lại càng… không quen. Mỗi khi thấy những gia đình hạnh phúc bên nhau, tôi lại nhớ nhà, nhớ ba mẹ, nhớ nhiều lắm.
Thời gian đã cởi bỏ chiếc áo mùa thu mà khoác lên mình chiếc áo mùa đông rét mướt. Giáng Sinh cũng đã đến gần. Cái không khí se lạnh càng khiến người ta khao khát hơi ấm gia đình. Tự nhìn lại bản thân: Đã bao lâu rồi tôi chưa nói chuyện với ba mẹ? Đã bao lâu rồi tôi chưa về thăm nhà? Những bộn bề công việc và cuộc sống đã kéo tôi xa gia đình, nơi mà tôi từng gắn bó và hết mực yêu thương. Hay bởi tôi vô tâm, hời hợt với những gì mình đang có?

- Alô! Ba ơi, con đây! Giáng Sinh này con về thăm nhà, ba nhé…
 
 
CHỢT NHẬN RA
* Matta Võ Thị Thu Uyên (Gx.Phú Hòa)
 
Tháng 12 về… Trời bắt đầu lạnh hơn, từng cơn gió mùa lạnh tê tái. Hắn lê lết từng bước chân trên đường. Thành phố đã lên đèn, dòng người cũng đã thưa bớt. Tay ôm cái bụng đói meo mốc của mình, hắn lê từng bước. Từng bước chân như lạnh lẽo hơn, mang theo bao nhiêu gánh nặng đè lên thân xác gầy còm của hắn. Đã bao lâu rồi, hắn rời khỏi cô nhi viện đi lang thang như thế này. Hắn không nghĩ cuộc sống trong cô nhi viện, với những ngày đi nhà thờ, sống bên cạnh các sơ, suốt ngày đọc kinh đi lễ sẽ mang lại cho hắn một sự hạnh phúc. Hắn đã quá bất hạnh khi bị ba mẹ bỏ rơi rồi. Hắn không tin Chúa sẽ mang lại hạnh phúc cho hắn. Thế là vào một đêm lạnh vắng, hắn ra khỏi cô nhi viện, và đi lang thang…
Những tưởng ra ngoài cuộc sống sẽ khá hơn, nhưng không, ra ngoài hắn mới biết, cuộc sống bên ngoài không như các sơ đã chỉ dạy, không như những gì hắn đã học được ở trên trường lớp. Ngày đầu ra đi, hắn đã bị giật mất ví tiền. Đến nay cũng là một tháng rồi, hắn cứ đi vòng vòng xin ăn. Ai thương tình thì cho hắn năm ba ngàn, may thì không bị đói, nếu không thì hắn sẽ phải nhịn đói. Hắn không dám về lại cô nhi viện, hắn không đủ dũng cảm để bước vào đó một lần nữa, hắn không dám về khi mình đã bỏ học và đi lang thang như thế này…
Đôi chân gầy guộc của hắn vẫn rảo bước, đêm nay không ai cho hắn chút gì, thế là hắn lại phải nhịn đói. Hắn vừa đi, vừa suy nghĩ về cuộc đời mình…
Hắn nhớ lại những ngày tháng ở cô nhi viện cùng với các sơ, tuy thiếu thốn tình yêu thương cha mẹ, nhưng hắn không bao giờ thiếu tình yêu của các sơ, trong nhà ai cũng thương hắn. Hắn học rất giỏi, nhất nhì lớp, điều đó càng làm các sơ hãnh diện về hắn hơn. Hắn nhớ những mùa tự tay mình làm hang đá nhỏ trong nhà để đón Chúa giáng sinh. Hắn nhớ những lúc ngồi bên và đàn hát cho những đứa em hắn trong cái đại gia đình đó. Hắn nhớ, mọi người ai cũng có những công việc riêng, nhưng không ai bỏ bê ai. Hắn nhớ những lần đi học về, lũ trẻ vui mừng. Hắn nhớ những lần đi nhà thờ xúng xính. Hắn nhớ những bài học giáo lí của các anh chị, của các sơ. Hắn nhớ, hắn nhớ…
Đôi chân vẫn rảo bước, hắn lại bước ngang qua nhà thờ. Hắn nhìn vào đó, thật lâu, thật lâu, nhưng hắn vẫn không đủ dũng cảm để bước vào, hắn sợ, hắn đã tràn trề tội lỗi, hắn đã bỏ Chúa. Hắn sợ.
Hắn đứng nhìn thật lâu vào đó. Mọi người đang tất bật chuẩn bị cho lễ Giáng Sinh, không ai để ý tới sự có mặt của hắn. Hắn bước vào và nhìn trước hang đá hớn. Hắn nhìn Chúa Giêsu Hài Đồng. Phía bên kia, cha sở đang giải tội cho mọi người dọn lòng đón Chúa vào. Nó đứng nhìn Chúa một lúc lâu thì quay bước ra. Chợt hắn nghe tiếng gọi:
- Tiến, Tiến phải không con?
Nó quay lại, nhìn thấy sơ Liên. Nó vội bước nhanh hơn thì sơ đã giữ nó lại.
- Tiến ơi, đúng là con rồi, mấy tháng nay con đã đi đâu vậy hả? Con có biết mọi người lo cho con nhiều lắm không?
- Sơ ơi, sơ… con… con…
- Không được, sao con lại ăn mặc mỏng manh vầy, trời lạnh lắm… Đi về, về với sơ, sơ lấy đồ cho con.
- Sơ à, con… con không dám đâu… Con đã bỏ đi… con không dám về đâu.
- Con ơi, con nghĩ gì vậy, cả nhà không ai giận con hết, ai cũng lo cho con thôi. Con có biết một tháng nay mấy sơ đã mất ngủ không hả, tối nào cũng đọc kinh tận khuya để cầu nguyện xin Chúa soi lòng mở trí cho con trở về. Về với sơ đi con…
- Sơ ơi…- Hắn lưỡng lự, nhưng vì sự kiên quyết của sơ Liên nên hắn theo sơ về.
- Mọi người ơi, thằng Tiến về rồi đây!- Sơ Liên nói lớn.
Mọi người vội chạy ra ôm chầm lấy hắn, mấy đứa em quấn quít bên hắn mãi. Hắn chợt nhận ra, mọi người vẫn yêu thương hắn, vẫn nhớ mong hắn, không ai bỏ hắn cả. Hắn chợt nhận ra, có thể hắn thiếu tình yêu của ba mẹ, nhưng hắn không hề thiếu tình yêu của các sơ, của các em và quan trọng hơn là của Thiên Chúa. Chúa vẫn luôn đón nhận hắn trở về.
 
 
TUỔI THƠ CỦA TÔI LÀ…
* Maria Kiều Nguyễn Yến Nhi (Gx.Cây Rỏi)
 
Tiếng chuông điện thoại reo vang một khúc nhạc vui nhộn. Na đang cuộn tròn trong chiếc chăn ấm thò tay với lấy điện thoại, một số lạ, nó lằm bằm: “Giờ này hông cho người ta ngủ trưa, ai mà rảnh vậy trời!”.
- Alô!
- Đang ngủ hay sao vậy gái?- Tiếng của một đứa con gái ở đầu dây bên kia.
- Ừm…! Ai vậy? Trời mưa trời gió để người ta ngủ miếng đi, rảnh quá sao gọi điện giờ này!
- Hihi… Tao Vy nè má, biết mày ngủ nên gọi đánh thức mày nè! Giờ rảnh không lên nhà thờ tập dâng hoa với mấy đứa tao nè…
- Ôi trời, nay lớn rồi không tham gia tập tành mấy cái đó nữa đâu, mệt lắm! Tập rồi mấy đứa nó chọc đủ thứ, dị lắm!
- Ờ… vậy thôi nha mắm, để tao kiếm đứa khác.
Những tháng cuối năm thường nhộn nhịp lắm, cứ lễ ra là thấy giáo khu này tập múa giáo khu kia tập hát tập kịch này nọ. Tháng 10 êm dịu với những khúc ca dâng Mẹ, ềm đềm, ngọt ngào, nhẹ nhàng đưa ta chìm vào những yêu thương. Hôm nay là thứ 7, lễ xong tôi nán lại đùa nghịch cùng tụi nhóc, Vy cùng mấy bạn thì đang tập múa trước hang đá Đức Mẹ. Nhìn chúng bạn tung tăng trong những điệu múa quen thuộc được chế biến lại, còn nó thì ngồi buồn thiu ở góc chân tháp chuông, lủi thủi một mình chờ nhóc em về.
- Hù…
- Hết hồn!- Nó giật mình.
- Về thôi, làm gì mà tập trung quá vậy gái?- Vy nói.
- Ờ, ngồi chờ mấy đứa mà tao ngủ gục luôn chứ làm gì.
Trên đường về bọn chúng tranh luận với nhau về bài múa, đoạn đó phải thế này, đoạn kia phải thế nọ làm cho bọn cún trong xóm sủa rân cả lên. Chỉ mình tôi chẳng biết nói gì, lặng lẽ đi về tới nhà.
Ngày mai dâng hoa rồi, bọn bạn xúng xính váy áo, bàn chuyện tóc tai, hoa nến… Nó thấy buồn, thấy tủi thân, nó của ngày xưa đâu mất rồi? Cầm cành hồng trên tay nó đến nhà thờ thật sớm, một mình nơi ghế đá và nhìn lên Đức Mẹ, chẳng biết nói gì với Mẹ nhưng chỉ cần ngồi đây là con thấy ổn. Bỗng nghe xa xa tiếng ai đó gọi:
- Na, Na ơi!
Nó loay hoay khắp nơi cuối cùng cũng thấy mắm Vy ở trong phòng giáo lý gọi í ới.
- Na, vào đây tụi tao nhờ tý coi! Vào mà trổ tài tết tóc của mi, mấy nhóc đông quá mày vào giúp một tay đi… Đang rảnh mà đúng hông?- Miệng vừa nói tay vừa kéo tôi đi theo nó.
Sau cái sai lầm lần đó không đi tập múa vì những lý do vô cùng “tào lao bí đao”, vì những suy nghĩ vội vàng tuổi mới lớn do ngại ngùng, mắc cỡ ấy, tôi quay lại là tôi của ngày xưa, lại hào hứng lu bu vào những bài múa nhảy hát hò chuẩn bị cho đêm Giáng Sinh cùng chúng bạn. Có lẽ tuổi thơ tôi là những lần tập văn nghệ, tập dâng hoa, tập hát ở nhà thờ. Từ những lần tập tành đó mà đến mùa cây trái gì là tụ tập đủ kiểu, đứa mang muối, đứa đem me, xoài, cốc, ổi… tranh nhau vét sạch hết những miếng cuối cùng. Tuổi nhỏ chỉ biết hy sinh thời gian rong chơi cùng lũ bạn để dâng lên Chúa những lời ca điệu múa, chỉ cần như thế là đủ. Tất cả là những cành hoa thơm tỏa hương dâng lên Mẹ, là những cọng rơm tạo nên một máng cỏ sưởi ấm Hài Nhi, và là những yêu thương mà chúng con mang đến cho những người đang sống xung quanh mình, đặc biệt là những bạn cùng trang lứa.
Để rồi hôm nay khi lớn lên, ta đến với thế giới rộng lớn, gặp những con người chưa từng quen biết hay đã là tri kỉ kể lại, nhắc lại cái tuổi thơ “dữ dội” mà đáng tự hào ấy. Ôi, tuổi thơ tôi cùng những kỷ niệm nhớ mãi với những người đã từng gặp từng quen và từng được giúp đỡ.
 
 
CUỘC SỐNG LÀ CỦA CHÚA
* Maria Nguyễn Thị Kim Lan (Gx.Tuy Hoà)
 
Ai sống trên đời cũng có lúc trở về cát bụi. Ba mẹ Quỳnh cũng vậy, họ đã qua đời lúc Quỳnh mới lên tám. Chuyện là như thế này: Vào đêm 24, là cái đêm mà Chúa ra đời, ba Quỳnh muốn đi lễ Giáng Sinh lắm và Quỳnh cũng vậy, nhưng buồn cái là gia đình Quỳnh không có xe máy nên ba Quỳnh sang nhà tôi mượn xe ba tôi. Vừa bước vào nhà, ba Quỳnh nới với mẹ tôi:
- Chị B! Anh H có ở nhà không cho em mượn xe máy đi lễ chút?
Mẹ tôi đáp với vẻ tiếc nuối:
-Không em ạ! Anh nhà chị đi làm chưa về, hay em qua nhà hàng xóm mượn thử xem.
Nghe câu trả lời của mẹ tôi ba Quỳnh rất buồn, nhưng trên mặt vẫn nở nụ cười cám ơn mẹ tôi rồi qua nhà khác. Mặc dù đã đi mượn hết nhà này đến nhà kia, nhưng nhà thì người đi làm chưa về, nhà thì không có. Cuối cùng ba Quỳnh về nhà với vẻ buồn rầu và thất vọng, cởi bỏ quần áo rồi lên giường ngủ thiếp đi. Nhưng mọi chuyện vẫn chưa kết thúc tại đó. Vào đêm hôm ấy, khi mẹ và em Quỳnh đọc kinh xong thì lên giường ngủ, trời đang yên lành bỗng có một trận mưa to kéo đến cùng với làn gió mạnh. Nhà Quỳnh được dựng lên bằng gỗ và lá, còn ở sát núi nên khi mưa to gió lớn thì hòn đá lâu năm sau nhà Quỳnh tự dưng lở ra và lăn xuống đè sập nhà Quỳnh. Hậu quả là mẹ Quỳnh bị đè dưới đá, còn ba Quỳnh bị đập trúng nên ngất xỉu, và đứa em trong hai đứa em sinh đôi của Quỳnh cũng vậy, chỉ còn lại ba chị em Quỳnh còn sống sót vì đang ở bên nhà ngoại. Lúc đó khoảng 4 giờ sáng, Quỳnh và em Quỳnh ngồi khóc, còn chị Quỳnh thì đi kêu người giúp đỡ, kêu mãi kêu mãi thì cũng có người tới nhưng rất ít vì trời quá lạnh mà mưa lại to nên không ai nghe thấy tiếng kêu của chị Quỳnh. Khi mọi người đến thi đã là 5 giờ sáng, người thì đi gọi thêm người, người thì gọi cứu thương nhưng mọi thứ đã quá muộn. Lúc đó tôi còn ngủ không biết gì thì ông anh gọi tôi dậy:
- Lan… Lan ơi! Lan… Dậy mau ra mà xem gia đình Quỳnh gặp chuyện rồi.
Lúc đầu anh gọi, tôi còn muốn ngủ nướng thêm, nhưng khi nghe “gia đình Quỳnh gặp chuyện”  tôi bật dậy và đi theo anh. Khi đến nơi thì thấy ba và em Quỳnh đang nhắm nghiền mắt trên giường và dường như không bao giờ tỉnh lại nữa, còn mẹ Quỳnh thì người ta đang nhấc đá lên để lấy ra. Khi nhìn thấy vậy tôi không thể kìm nỗi nước mắt. Và người đau khổ nhất bây giờ không ai khác là ba chị em Quỳnh, nhìn Quỳnh như không còn sức sống vì lúc này mọi thứ đối với Quỳnh như hoàn toàn sụp đổ. Tôi cũng muốn lại an ủi Quỳnh, nhưng một phần là do tôi và Quỳnh đang giận nhau, phần khác là mọi người xung quanh Quỳnh khá đông nên không thể lại gần. Từ xa, tôi nhìn Quỳnh mà cứ nghĩ nếu là mình thì sẽ ra sao, càng nghĩ tôi càng thương Quỳnh quá.  Ngày lễ tang, Quỳnh như người mất hồn, trong giờ lễ Quỳnh chỉ nhìn về hướng nơi người ta đã đặt ba mẹ và em Quỳnh mà hai hàng nước mắt cứ chảy không ngớt. Khi thánh lễ kết thúc, người ta đem ba mẹ và em Quỳnh đến nơi an nghỉ, Quỳnh cứ đòi theo và khóc đến nỗi ngất xỉu.
Từ ngày ba mẹ mất, Quỳnh đã oán trách Chúa rất nhiều, vì Quỳnh cho rằng Chúa đã cướp đi ba mẹ Quỳnh. Rồi Quỳnh không còn đến nhà thờ nữa, cũng không thèm đọc kinh cầu nguyện mà suốt ngày mặt mũi bơ phờ như muốn đi theo ba mẹ Quỳnh. Tôi thấy vậy nên bỏ ý định giận Quỳnh và khuyên nhủ Quỳnh, nhưng bạn ấy không nghe. Tôi vẫn kiên nhẫn không từ bỏ mà tiếp tục thuyết phục Quỳnh. Đến một ngày nọ, chắc Quỳnh thấy tôi hay làm phiền quá nên hứa sẽ đi lễ với tôi một lần. Và chiều hôm ấy, chúng tôi đã cùng nhau đến nhà thơ xem lễ. Trong thánh lễ Quỳnh không thèm để ý gì cả, nhưng khi nghe cha giảng đến câu: “Con người chúng ta được Thiên Chúa dựng nên, và một ngày nào đó sẽ ra đi, nếu Chúa thương sẽ gọi về sớm…”. Nghe đến đây, Quỳnh như người sau cơn mê đã tỉnh lại và hiểu ra được chân lí của Chúa. Từ đó, Quỳnh không còn oán trách Chúa nữa mà ngược lại nó sống ngoan hơn, siêng năng đến nhà thờ và luôn đối xử tốt với mọi người. Và nó cũng không quên cảm ơn tôi: “Lan à! Xin lỗi bạn nhé! Và cảm ơn bạn rất nhiều vì nhờ bạn mình mới hiểu được ý Chúa hơn”.
 
 
NHẬN RA
* Maria Lê Minh Ngọc (Gx.Xuân Quang)
 
Hôm nay đã là 24 tháng 12, trời lạnh thật! Phải khoác thêm chiếc áo len rồi, ý nghĩ chợt nảy lên trong đầu nó. Nó đã sẵn sàng cho cuộc đi chơi với đám bạn, nó háo hức lắm. Nó nghĩ, năm nào nó cũng dự lễ Mừng Chúa Giáng Sinh rồi, với lại từ hơn một năm nay nó bỏ nhiều lễ trọng mà có bị sao đâu, nên dù có bỏ thêm một lễ này nữa vẫn vậy thôi.
Dắt xe ra ngoài, nó hứng khởi đi đến chỗ hẹn. Đến nơi thì mới biết buổi hẹn bị hủy, nó buồn bã lái xe quay trở về. Nó chán nản hơn khi về nhà phải đi dự lễ Giáng Sinh. Đang trong dòng suy nghĩ thì bỗng nhiên:
- Rầm!
Nó ngã xuống mặt đất lạnh lẽo và chiếc xe đạp đè lên người đau quá. Nó thấy ánh đèn từ chiếc xe máy đụng phải nó trong làn mưa nhạt. Lòng nó thổn thức:
- Chúa ơi, mưa làm ướt con rồi, con lạnh lắm, Chúa che chở con với. Con xin lỗi vì đã nguội lạnh với Ngài hơn cái lạnh của tiết trời đêm nay, xin Ngài cứu con khỏi nỗi sợ hãi này. Con sẽ hoàn thiện mình, con sẽ dự lễ Sinh Nhật của Ngài, Ngài đừng trừng phạt con nữa...
Nỗi sợ bao trùm lấy nó. Người mà nó suy nghĩ tới đầu tiên và cũng là duy nhất trong cơn sợ chính là Chúa. Nằm trên mặt đường lạnh lẽo, nó không biết là mưa đã làm ướt mắt nó hay những giọt nước mắt đã rơi của kẻ hối lỗi, nhưng chắc chắn rằng nó đã nhận ra sự vô tâm của mình và cầu mong Chúa tha thứ.
Sáng hôm sau, mở mắt ra, nó ngửi thấy nồng nặc mùi thuốc sát trùng, nó cảm thấy may mắn vì mình chưa chết. Nó cảm ơn Chúa nhiều lắm, nó tự nhủ sau này sẽ dành thời gian cho Chúa nhiều hơn. Nó sẽ bắt đầu lại, bắt đầu làm con chiên ngoan của Chúa.
 
 
CUỐI CÙNG VẪN LÀ NGÀI
* Tê-rê-xa Thái Thị Mỹ Trà (Gx.Cây Rỏi)
 
Tan lễ, nó nán lại bên tượng đài Đức Mẹ. Những cơn gió đầu đông lạnh lẽo như từng mũi gai xuyên thấu lòng nó. Bầu trời xám xịt như cùng tâm trạng với nó. Nó buồn…
Vừa nghe tin mình được chọn đóng vai "thiên thần", nó hớn hở chạy về khoe với mẹ. Mới bước vào nhà, nó nghe tiếng ba mẹ:
- Bà đã quyết định xong chưa?
- Rồi! Tôi đã kí vào đơn rồi đấy. Còn ông thì sao?
- Vậy còn bé Nhi?
- Tôi sẽ gửi nó về ngoại ở quê, hằng tháng ông và tôi gửi tiền về quê cho nó.
- Vậy cũng được.
Vừa lúc đó ba mẹ trông thấy nó. Họ hơi ngạc nhiên, lại ra vẻ như chẳng có chuyện gì xảy ra. Ba nó nói:
- Con về rồi hả? Vào nhà thay đồ đi con.
- Ba mẹ đừng đóng kịch nữa, con đủ lớn để biết chuyện gì đang xảy ra.- Nó nói như hét.
- Nếu con đã biết thì...
- Con không muốn nghe gì cả!- Nó cắt ngang lởi ba rồi bỏ vào phòng.
*  *  *
Nó nhớ lại một người khoảng 13-14 tuổi ngồi hàng ghế đối diện ở đài Đức Mẹ, có mái tóc ngắn ngang vai đen tuyền với nước da trắng, đôi mắt mang vẻ đượm buồn. Trước giờ, nó ít thấy ai ở lại đây như nó, sao hôm nay lại có cô bé này? Nó muốn làm quen, nhưng thôi chắc bạn ấy đang cầu nguyện.
Sáng hôm sau, cơn mưa mùa đông ngày càng nặng hạt như đồng cảm với tâm trạng của nó. Nó chẳng muốn đến trường, nhưng chỉ còn một tháng nữa thôi là nó phải về quê rồi, nó muốn lưu giữ những kỉ niệm với bạn bè. Nó đến lớp trễ. Cô giáo cũng bỏ qua cho nó, có vẻ như cô biết chuyện của nó rồi. Cô nói với lớp:
- Hôm nay lớp ta có hai chuyện. Chuyện buồn là một tháng nữa bạn Nhi  sẽ chuyển về quê sống với bà ngoại. Còn chuyện vui là lớp ta sẽ có thêm thành viên mới.
Vừa lúc đó cô bạn mới bước vào:
- Chào các bạn mình tên là Tường Vy, xin các bạn giúp đỡ.
Vy với ánh mắt buồn ngồi vào chỗ của nó. Nó định hỏi: "Bạn là người hôm qua ngồi bên tượng Đức Mẹ?”, thì Vy đã hỏi nó trước. Nó gật đầu nhẹ mỉm cười.
Biết Vy có đạo, các sơ cũng chọn Vy tập múa thiên thần chung với nó. Mỗi khi tập xong nó và Vy hay cầu nguyện với Mẹ. Chắc vì thế mà tụi nó càng ngày càng thân thiết.
Gần đến Giáng Sinh, khí trời càng lạnh và nó càng buồn. Buổi sáng nay, mây đen dày trời, gió khẽ rít từng cơn lạnh buốt. Cô giáo tô đậm đề bài trên bảng: "Hãy kể về gia đình của em". Nước mắt nó rơi lúc nào không hay, nó cố gắng lau thật nhanh để mọi người không nhìn thấy. Quay sang Vy cậu ấy đã ôm mặt khóc nức nở. Nó chẳng biết làm gì hơn, đành để Vy khóc. Nó vô cùng thắc mắc về điều đó.
Buổi chiều bên tượng Đức Mẹ, nó hỏi Vy:
- Bạn không sao chứ?
Vy nhìn nó, lại ánh mắt buồn:
- Cảm ơn cậu, mình không sao.
Như hiểu rõ thắc mắc trong lòng nó, Vy nói bằng giọng buồn buồn:
- Ba mẹ mình li hôn, mình theo mẹ về đây sống. Được một thời gian sau mẹ mình cũng đi mất, để lại mình sống với bà.
Nước mắt nó như chực sẵn, hễ cứ cần là rơi lúc nào không hay. Nó nói trong tiếng nấc nhẹ:
- Ba mẹ mình li hôn, sau lễ Giáng Sinh mình sẽ về quê sống với ngoại.
Vy ôm chầm lấy nó, an ủi nó:
- Không sao đâu, mọi chuyện sẽ qua và mình sẽ được gặp nhau mà.
Nó tò mò hỏi Vy:
- Làm sao bạn có thể vượt qua được điều đó?
- Mình đến với Chúa, cầu xin Ngài cũng có, trách móc Ngài cũng có… Cuối cùng sau mọi thứ cũng chỉ có Ngài là người bên cạnh an ủi mình, lắng nghe mình, thêm sức cho mình bước tiếp.
- Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi mình đúng không?
- Ừ, đúng vậy.
Suốt những ngày cuối nó còn ở lại, hai đứa nó luôn dành thời gian bên nhau, cùng cầu nguyện cho gia đình mình.
Sau lễ Giáng Sinh cũng là ngày nó đi, Vy khóc rất nhiều. Nó cố gắng gượng cười để Vy khỏi lo về nó nhưng không sao làm được.
Lại một lần nữa mừng ngày sinh nhật Chúa, lại một lần nữa nhân loại được cảm nhận tình thương của Thiên Chúa. Thế nhưng nó và Vy phải xa nhau. Không sao cả, nó và cả Vy đều có chung một điểm tựa trong cuộc đời: Đó là Chúa và mãi mãi là Chúa.
 
 
GIÁ NHƯ…
* Têrêxa Đậu Cao Hoàng Nhi (Gx.Tuy Hoà)
 
Đồng hồ điểm 10 giờ…
Mọi người ai cũng đã chìm vào giấc ngủ. Còn nó vẫn ngồi thơ thẫn một mình suy nghĩ mông lung. Sao năm nay trời đổ lạnh sớm quá, sớm hơn mọi năm nhiều lắm lại còn lạnh hơn nữa. Lạnh đến nỗi nó ngồi trong phòng bao quanh là bốn bức tường, người thì phủ chăn kín mít mà vẫn còn nổi cả da ốc. Có lẽ nó lạnh vì không có bàn tay của mẹ sưởi ấm. Lại một năm nữa nó không được đón Giáng Sinh cùng gia đình, cùng bạn bè của nó. Nó thấy nhớ mọi người quá. Nó nhớ cái đêm mà nó cùng với gia đình đi tham dự buổi diễn nguyện Giáng Sinh rồi cùng nhau tham dự thánh lễ đến tận 11 giờ đêm mới về. Nó nhớ những phút giây mà gia đình nó cùng nhau quây quần bên mâm cơm, với những món ngon do chính tay mẹ nấu để chiêu đãi cả nhà… Hay những lúc nó cùng với mấy đứa bạn đi ăn vặt và selfi với nhau những tấm hình thật đẹp bên hang đá… Nó nhớ nhiều lắm. Giá như lúc đó nó suy nghĩ kĩ hơn, giá như lúc đó nó không quay lại và nói chuyện với người đó, giá như gia đình nó khá giả hơn thì cuộc đời nó đâu phải sống trong cảnh tối tăm với bốn bức tường bao quanh như vậy.
*  *  *
Lúc trước gia đình nó nghèo lắm, ba nó lại mất sớm vì bị ung thư phổi. Một mình mẹ nó phải lam lũ suốt ngày để nuôi hai anh em nó, và còn phải trả nợ cho người ta. Có lần nó thấy người ta đến đòi nợ bắt mẹ nó phải trả không thì họ sẽ lấy lãi cao hơn. Đã vậy họ còn đập phá đồ đạc trong nhà, nó tức lắm, nó hận những con người đó lắm. Lúc đó còn nhỏ không biết làm sao nên nó đành ngậm ngùi đứng nhìn người ta phá. Đợi những người đó về nó mới dám bước vào nhà ôm mẹ mà khóc. Nó tự hứa với lòng mình phải học thật giỏi, lớn lên kiếm thật nhiều tiền để bảo vệ mẹ khỏi tay kẻ xấu. Nhưng cuộc sống đâu như nó nghĩ. Đến năm nó lên lớp 12, cái năm mà nó phải chiến đấu thật nhiều với đống sách vở để thi tốt nghiệp và thi được vào trường đại học mà nó hằng mong muốn. Nó phải cố giữ lắm mới chống chọi lại được những cám dỗ hằng ngày mà đám bạn nó rủ rê. Nó luôn cầu xin Chúa ở với nó mỗi ngày và cầu nguyện với Ngài rất nhiều. Rồi ngày thi cũng đã tới, nhờ ơn Chúa nó làm bài rất tốt. Trong thời gian chờ đợi kết quả, nó muốn tìm một công việc nào đó để phụ mẹ. Nó quyết định đi tìm việc làm. Hôm sau, nó đến các quán nhậu gần nhà nhưng quán nào cũng đã đủ nhân viên. Nó lang thang đi vào những quán café nhưng cũng không được. Nó đành ra về với vẻ mặt buồn bã. Bỗng có tiếng ai đó gọi nó từ sau lưng…
- Này, nhóc! Lại đây anh hỏi xíu.
- Dạ, anh gọi em có gì không?
- Chú mày đang tìm việc làm hả?
- Dạ… dạ, mà sao anh biết?
- Hì, anh đoán vậy thôi. Sao, kể anh nghe coi anh giúp cho.
- Anh… anh nói thật sao?
- Ừ!
- Dạ, gia đình em nghèo lắm, ba em lại mất sớm, một mình mẹ phải nuôi hai anh em ăn học. Trong thời gian này em đang chờ kết quả thi nên em muốn tìm việc gì đó để phụ mẹ.
- Anh có việc làm này kiếm tiền dễ lắm, chú mày có chịu làm không?
- Dạ… Việc gì cũng được, khổ mấy em cũng chịu. Mà việc gì vậy anh?
- Lại đây… Buôn ma tuý cùng anh đi!
- E… em…
- Sao? Chú mày sợ à? Mình chỉ buôn ít để kiếm sống thôi, chú mày im lặng, anh im lặng thì đâu ai biết.
- Nhưng…
- Nhưng nhị gì nữa… Chú mày không thương mẹ à?
Nghe đến mẹ lòng nó cứ cay cay. Làm thì sợ mà không làm thì làm sao có tiền cho mẹ nuôi em ăn học… Suy nghĩ một lúc…
- Em… em đồng ý.
Cuộc sống của nó thay đổi hoàn toàn từ đây. Một tuần nó nhận hàng từ ông anh này rồi lại đi giao cho khách một lần. Công việc của nó diễn ra rất yên ổn. Cho đến một hôm, đang giao hàng cho khách, bỗng công an đột ngột xuất hiện sau lưng và tóm lấy nó. Nó như không tin vào mắt mình. Vậy là cuộc đời của nó lụi tàn trong chốc lát.
Tin này truyền đến tai mẹ nó. Mẹ nó như không tin vào tai mình, bà đã ngất xỉu sau khi nghe cái tin động trời này. Lúc đó ở đồn công an nó luôn nghĩ về mẹ, nó lo cho mẹ lắm, lỡ mẹ có chuyện gì thì nó biết phải làm sao. Còn em nó ai sẽ bảo vệ khỏi tay kẻ xấu đây?...
*  *  *
Không biết giờ này mẹ và em ở nhà sao rồi? Ở nhà mình có lạnh không ta? Nhà mình đã làm hang đá để đón Chúa Giáng Sinh chưa? Bọn xấu còn đến tìm mẹ và em nữa không?... Hàng loạt câu hỏi cứ đua nhau chạy trong đầu nó. Càng nghĩ nó càng buồn.
- Này đi ngủ đi… Giờ này còn chưa chịu ngủ hả? Muốn về nhà sớm thì lo mà cải tạo cho tốt vào.
Tiếng chú công an làm nó trở về với thực tại. Nó vội làm dấu đọc kinh và cảm ơn Chúa về những gì Chúa đã ban cho nó và gia đình nó. “Xin Chúa hãy giữ gìn con khỏi tay ma quỷ, cho con biết nhận ra đúng sai. Xin Ngài luôn ở cạnh mẹ và em con như lúc trước Ngài luôn ở cạnh con vậy. Mặc dù không được đón Giáng Sinh cùng gia đình nhưng con luôn có Chúa bên cạnh là con vui rồi. Amen!”.
 
 

* Giuse Mai Đức Tây (Gx.Ghềnh Ráng)
 
- Mình dừng lại đi anh...
Đã hơn 11 giờ khuya, không gian tĩnh mịch của khu phố nhỏ bỗng có gì đó xao động. Anh ngồi lọt thỏm trong cái ghế bành cũ rích ở trước dãy nhà trọ, em thì đứng kề bên, trong bóng tối nhưng em vẫn thấy trong ánh mắt anh một nét thảng thốt, tay anh vẫn nắm chặt tay em.
- Nhưng... em à… sao lại thế?... Anh vẫn luôn yêu em... nhưng sao... - Anh bối rối.
- Vì em với anh có nhiều điều không hợp... và em rất mau chán... Anh biết không?
Không hợp? Có lẽ vì anh là một tín hữu Công giáo còn em là lương dân. Nhà em ở quê sát bên nhà thờ, nghe tiếng chuông, nghe tiếng kinh nguyện, sinh hoạt mỗi ngày, đôi lúc em cũng qua bên nhà thờ chơi, tiếp xúc với người có đạo. Em cũng luôn đặt nhiều câu hỏi cho anh, về đạo Công giáo, về cuộc sống sau này nếu đến với nhau, và em nhận ra có những khoảng cách vô hình... Hay là em còn nhớ thương người trước, một người đã bên em nhưng sớm lìa xa vì vụ tai nạn thảm khốc ngày nào, người làm em khóc vì nhớ dù cho đang ngồi sau xe anh? Em nhớ lúc đó anh im lặng, lầm lũi đạp xe, em biết anh cũng buồn... Có lẽ còn nhiều điều nữa... Là đồng lương eo hẹp của một người công nhân, và khoảng cách địa lý... Còn nhiều lắm...
- Em suy nghĩ kĩ rồi anh à, có lẽ chúng ta nên dừng lại, anh còn nhiều người yêu thương anh... sẽ đến với anh.
- Anh có thể làm nhiều điều vì em… Anh sẽ ra ngoài đó với em, cố gắng hơn trong công việc. Anh sẽ vì em, em hiểu chứ ?
- Dừng lại đi anh...
Em quay trở vô dãy nhà trọ, em đi vội vã, khuất dần trong bóng tối. Anh đứng trông theo em, không nói được lời gì, mà biết nói gì đây?
Khuya lắm rồi...
*  *  *
- Mệt chưa em, núi cao quá chừng!
Tiếng anh văng vẳng khắp núi, đi trước em vài bước, vừa đi vừa ngoái lại canh chừng em, thỉnh thoảng nắm tay em cho em khỏi vấp.
- Chưa anh ơi, mà cảnh đẹp ghê! - Em cười mỉm.
Quệt vội mồ hôi rịn trên trán, em ngoái nhìn cảnh quan từ trên cao. Đây là lần đầu em leo lên đỉnh Xuân Vân, cũng nhờ anh dụ dỗ mãi, rằng núi cao rất đẹp, có Đức Mẹ, có cảnh nước non đẹp lắm, có thể nhìn toàn bộ thành phố, và chụp ảnh rất đẹp nữa. Em cũng thích đi chụp ảnh thăm thú đó đây, thu xếp cả tuần mới đi được. Rảnh rỗi anh hay đề xuất đi chơi, đi chụp ảnh, anh làm phó nháy cho em, và đôi khi anh bĩu môi vì em suốt ngày chê anh chụp xấu...
- Đức Mẹ đẹp quá hả em?... À, thành phố nữa chứ!- Anh chỉ tay.
- Lần đầu em thấy Qui Nhơn từ trên cao á! Thành phố gì kì, vừa có núi vừa có biển vừa có sông hồ...
- Quê anh mà, đẹp khỏi chê chớ sao, học xong về quê đừng quên nơi này là được rồi!- Anh cười khúc khích.
- Quê em cũng đẹp chớ bộ, có sông Trà nè, núi Ấn nè, khi nào ra đó đi, em dẫn anh đi chơi.
- Biết khi nào được hen, đi làm miết mà ta, chỉ sợ ra đó em bỏ đói anh thì khổ à!
- Làm gì có, chỉ là cho anh ngủ ngoài sân thôi.
Em bông đùa, anh tít mắt, tay cầm máy hướng về em bấm nhay nháy, tranh thủ chớp lấy khoảnh khắc "tự nhiên" nhất của em. Ngước đầu đón lấy gió núi, em nhớ hồi còn học sinh hay lên núi Ấn chơi, tíu tít với chúng bạn bên mấy hàng cây rợp bóng, tai nghe tiếng chuông chùa cùng tiếng kinh Phật râm ran. Sông Trà gần nhà, chiều tối em hay ra ngắm hoàng hôn xuống. Em nhớ mấy con mèo bé xíu hay quấn lấy chân em, nhớ ba với mẹ, lâu lắm rồi em không về nhà...
Nhìn thành phố, rồi ngước nhìn Đức Mẹ, và em nhận ra rằng cũng gần năm cuối rồi, còn ở đây bao lâu nữa đâu, em biết anh cũng nghĩ đến điều này rồi. Hai đứa hai quê, liệu sau có còn bên nhau? Em muốn Mẹ cho thời gian dài ra, em thích thành phố này rất nhiều, và em cũng quý anh rất nhiều, anh làm em vui, làm em cười, ở bên em luôn luôn. Những đêm khuya anh hay qua, đem cho em cái bánh, li trà sữa, bắt em dùng cho hết, rồi bảo em đi vào nhà rồi anh mới chịu về... Quen dần với cuộc sống này rồi, sau này sẽ ra sao?
- Ở bên anh nha em!- Anh khoác vai em, tay còn cầm miếng bánh.
- ...
Em lặng yên, lại cười.
Rồi anh đọc kinh, em ngồi đó im lặng, gió thổi tóc em bay trong gió, em thấy Mẹ nhìn em trìu mến...
*  *  *
Anh băng băng qua dòng người đông nghẹt, vội vã gửi chiếc xe Dream cà tàng vào bãi, nhận phiếu rồi kéo tay em hòa vào đám đông. Nhà thờ Chính tòa Giáng Sinh năm nào cũng đông đúc người qua kẻ lại, đi lễ lẫn đi tham quan. Những cặp đôi xúng xính quần áo ấm áp, chụp tí tách liên hồi, mấy em nhỏ đầu đội sừng tuần lộc cầm bong bóng ríu rít bên chân mẹ... Em thích con đường phía trước nhà thờ, được giăng đầy đèn xanh đỏ nhấp nháy, ngôi sao chổi tỏa ánh quang, khác hẳn với vẻ đơn sơ ngày thường...
Dúi vào tay em cây kẹo bông gòn, sau một hồi giới thiệu khái quát về lễ Giáng Sinh và những địa điểm bên trong khuôn viên nhà thờ như một "guide" chuyên nghiệp, anh gợi ý em chụp một tấm ảnh có nhà thờ phía sau lưng, e dè ậm ừ mãi em mới chịu chụp.
- Uầy, xấu quá nhen anh!- Em bĩu môi.
- Do em đó, mặt suốt ngày nhăn nhó… À, chắc do mùa thi cử đây mà!- Anh phân bua.
Mùa thi năm nào em cũng căng thẳng, làm anh cũng căng thẳng theo. Tối hôm qua ngày 24, mưa tầm tã với khuya lắm rồi mà anh đội mưa qua nhà em, mặc nguyên bộ sơ mi trắng, đem qua một hộp sữa nhỏ. Anh hối em uống rồi vào học bài tiếp, nhắc thêm câu quen thuộc: "Nhớ ngủ sớm!". Rồi anh ôm em thật chặt...
- Cứ bình tĩnh đi em, mình cứ thi hết sức đi, chắc chắn là đậu rồi.
- Anh là thầy bói hả?
- Anh mới coi bói mà, em sẽ ở bên anh mãi.
Em cù léc anh mấy cái, anh chụp lấy tay em, dẫn em thoát ra khỏi đám đông đang dồn dập tới...
*  *  *
Tiếng chớp làm em bừng dậy, mặt em ngơ ngác.
- Nãy giờ chỉ là giấc mơ thôi sao?- Em bần thần.
Mưa gió mỗi lúc mỗi to, em chợt nhận ra anh không còn ở bên em...
Đã một năm trôi qua từ đêm hôm ấy.
Bật màn hình điện thoại, tin nhắn hiện ra, vẫn là dòng tin nhắn quen thuộc ấy, tin anh gửi em chúc ngủ ngon...
Mắt em bỗng nhòe đi, rồi thấy cay cay...
Ngoài hiên mưa vẫn rơi đầy...
Tác giả bài viết: Hoa Biển 23
Từ khóa:

Hoa Biển 23

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 3
  • Hôm nay: 1959
  • Tháng hiện tại: 95383
  • Tổng lượt truy cập: 12239643