Trang mới   https://gpquinhon.org

Hội thảo “Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ quốc ngữ”: Những tồn nghi

Đăng lúc: Chủ nhật - 28/08/2016 18:56

https://vtv1.vcmedia.vn/thumb_w/650/2016/dinh-tran-1472028765021.jpg

HỘI THẢO “DINH TRẤN THANH CHIÊM VÀ CHỮ QUỐC NGỮ”
NHỮNG TỒN NGHI
                                                                                  


Nguyễn Thanh Quang
Sở VH-TT-DL Bình Định

          Ngày 24/8/2016, tại thị xã Điện Bàn diễn ra Hội thảo khoa học “Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ” do UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Bộ Khoa học Công nghệ, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Viện Ngôn ngữ Việt Nam … tổ chức. Sau một ngày Hội thảo với nhiều ý kiến thảo luận sôi nổi, một số tồn nghi chưa được Hội thảo giải quyết rốt ráo. Thay mặt đoàn chủ trì Hội thảo, nhà sử học Dương Trung Quốc – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam báo cáo đề dẫn và tổng kết Hội thảo: “Hội thảo chưa có tổng kết …”

1. Từ việc xác định địa điểm Dinh trấn Quảng Nam

          Mặc dù, vị trí địa lỵ sở của Dinh trấn Quảng Nam tại Thanh Chiêm (Điện Bàn) hay tại Cần Húc (Duy Xuyên), đã được đưa ra bàn thảo từ Hội thảo khoa học về Dinh trấn Quảng Nam tổ chức tại Hội An ngày 27/8/2002, nhưng “hãy còn những ý kiến khác nhau. Nhưng tạm đi đến thống nhất là lúc đầu đặt tại địa bàn thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên hiện nay, sau mới chuyển sang địa phận Thanh Chiêm, xã Điện Phương, huyện Điện Bàn (Tổng kết Hội thảo của GS. Trần Quốc Vượng).

          Tại Hội thảo “Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ” lần này, có hai nhóm tác giả tham gia Hội thảo, một nhóm chứng minh Dinh trấn Quảng Nam đặt ở địa phận huyện Duy Xuyên, một nhóm chứng minh đặt ở huyện Điện Bàn.

Tiêu biểu của nhóm tác giả xác định Dinh trấn Quảng Nam tại Duy Xuyên là PGS.TS. Ngô Văn Minh (Học viện Chính trị khu vực III). Theo PGS, các danh xưng: Kẻ Chiêm, Kẻ Chàm, Dinh Chiêm, Cacciam Ciam, Dinh Cham, Dinhciam, Digcham, Cacciam, Cachao, Cáchão, Cacham, Cachàm …trong các nguồn sử liệu Việt Nam và sử liệu phương Tây vào các thế kỷ XVII – XIX chỉ khẳng định đó là lỵ sở của Dinh trấn Quảng Nam mà không chỉ rõ đó là Thanh Chiêm như cách hiểu của nhiều người. Đồng thời, PGS.TS. Ngô Văn Minh trưng dẫn một số nguồn sử liệu: Bản đồ An Nam đồ do Đặng Chung, Phó tổng binh Quảng Đông vẽ năm 1608 xác định “vị trí của lỵ sở thừa chánh Quảng Nam nằm ở phủ Thăng Hoa” (Duy Xuyên); Sách Nam Triều công nghiệp diễn chí của Nguyễn Khoa Chiêm viết 1719 cho biết: chúa Tiên Nguyễn Hoàng đặt lỵ sở Dinh Quảng Nam tại phủ Thăng Hoa; Năm 1776, Lê Quý Đôn viết Phủ biên tạp lục nói rõ: dinh Quảng Nam, tục gọi là Dinh Chiêm ở xã Cần Húc, huyện Duy Xuyên; “Đại Nam thực lục tiền biên”, Quốc sử quán triều Nguyễn viết: năm Nhâm Dần (1602), mùa thu, tháng 7, chúa Tiên Nguyễn Hoàng đi chơi núi Hải Vân … liền vượt qua núi xem xét hình thế, dựng trấn dinh ở xã Cần Húc; “Đại Nam nhất thống chí” (bản thời Tự Đức) chép: Lỵ sở cũ của Dinh Chiêm ở xã Cần Húc, huyện Duy Xuyên …Và đi đến kết luận: lỵ sở ban đầu của dinh Quảng Nam ở thời chúa Nguyễn được đặt tại phần đất Duy Xuyên. Còn Thanh Chiêm, được chọn làm nơi đặt lỵ sở mới của dinh Quảng Nam ở thời triều Nguyễn,  vào tháng 12 năm Gia Long thứ 6 (1807).

Để chứng minh và khẳng định Cachao, Cacham, Dinh Cham … chính là Thanh Chiêm ngày nay, lm. Antôn Nguyễn Trường Thăng, đại diện nhóm tác giả dẫn chứng 5 bản đồ do phương Tây vẽ vào thế kỷ XVII, trên đó có ghi vị trí Cacchiam, Dinh Cham …nằm ở phía bờ Bắc sông Thu Bồn, ứng với làng Thanh Chiêm ngày nay… Và hai tác giả Đinh Trọng Tuyên – Đinh Bá Truyền cho rằng: tên gọi của vùng đất Thanh Chiêm ngày nay có nguồn gốc từ: Champa Chăom Chàom Kẻ Chàm Kẻ Chiêm (Nhân Chiêm) Thanh Chiêm Thanh Triêm (viết theo Hán tự).

2. Đến Lm. Pina, “cha đẻ chữ Quốc ngữ”

          Lịch sử ra đời chữ Quốc ngữ đến nay khoảng 400 năm. Đã có một số công trình nghiên cứu về lịch sử chữ Quốc ngữ, hầu hết do các linh mục thực hiện dựa trên các nguồn tư liệu lưu trữ ở các thư viện của Dòng Tên, đặc biệt thư viện của nhà dòng tại Rôma. Tuy nhiên, thông tin tư liệu và nhận định của các tác giả trong các tác phẩm có những điểm không thống nhất, ngay cả trong hai tác phẩm của cùng một tác giả cũng có sử liệu không nhất quán. Phần lớn các tác giả tham luận Hội thảo Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ dựa vào một vài công trình nghiên cứu đã được xuất bản, các tác giả chưa có điều kiện tiếp cận các tài liệu nguyên bản. Để chứng minh Thanh Chiêm là miền đất khai sinh chữ Quốc ngữlm. Pina là cha đẻ chữ Quốc ngữ, các tác giả “tham luận đinh”, “giàu tính thuyết phục” của Hội thảo (theo Ban tổ chức) đã đưa ra dẫn chứng “đầu Ngô, mình Sở”, trích dẫn không đúng với tài liệu gốc … Xin được nêu một số tham luận có trích dẫn sử liệu không chuẩn xác sau:

          PGS.TS. Lưu Trang, Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng, với tham luận: Quảng Nam – Trung tâm dạy, học tiếng Việt và ngôn ngữ các nước phương Tây đầu tiên ở nước ta thời chúa Nguyễn  đã viết: “Trong thời gian bốn tháng, Buzomi có thể truyền đạo trực tiếp bằng tiếng Việt, và “dân Quảng Nam rất thích nghe cha Buzomi giảng bằng tiếng Việt, 10 người xin chịu phép Rửa (tội) dịp Lễ Phục Sinh năm 1615” (Kỷ yếu HT Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ, tr. 712).

          Không thể trong năm 1615 (sau 4 tháng đến Quảng Nam) Buzomi có thể truyền đạo trực tiếp bằng tiếng Việt. Đây là trích dẫn không chuẩn xác.

Trong tham luận Giáo đoàn Thanh Chiêm thời kỳ sơ khai 1623-1626,          Lm. Nguyễn Hai Tính, S.J. – Ts. Nguyễn Huy Hoàng, S.J., viết: “Các thừa sai khi vào Đàng Trong đầu tiên ngụ ở Hội An (Faifo) sau đó nhanh chóng hoạt động tại Quy Nhơn (Nước Mặn từ năm 1618), và năm năm sau tiếp tục thành lập cư sở ở Thanh Chiêm (1623). Trong khoảng thời gian này (1620) tại Hội An, các thừa sai đã viết một quyển sách giáo lý bằng “chữ Đàng Trong”, tức chữ Nôm…”. (Kỷ yếu HT Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ, tr. 625).

         Và tham luận Khai sinh chữ Quốc ngữ (từ 1620-1659), đồng tác giả Đinh Trọng Tuyên – Đinh Bá Truyền, khẳng định: “Tại Thanh Chiêm, Pina cùng với phêrô, một thanh niên địa phương, đã lần đầu tiên dịch Kinh Thánh sang chữ Quốc ngữ, sự kiện này được biết qua một bản phúc trình chính thức của Francisco Eugenio, tu sĩ Dòng Tên người Ý ở Macao”. Hai tác giả kết luận: “Francisco de Pina đáng được phải tôn vinh như là người khai sinh ra chữ Quốc ngữ”. (Kỷ yếu HT Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ, tr. 340, 345).

- Cư sở Cacham được thành lập sau tháng 7-1625 (GASPAR LUIS, Cocincinae Missionis Annuæ Litteræ Anni 1625. ARSI, JAP-SIN 71, F. 56-71 ). Báo cáo thường niên năm 1624 do cha Manoel Fernandes viết tại Faifo (Hội An) ngày 02 tháng 7 năm 1625 gởi cho cha Nuno Mascarenhas, Bề trên của Dòng: "…Một nhà đã được lập tại Cachão, thủ phủ của chúa. Cho đến lúc nầy, chiếu theo luật của Dòng, nhà nầy không được tính vào số các nhà [Casa-Residentia/Cư sở] của Dòng, mặc dù một cha và người bạn dòng của ngài luôn ở đó. Hiện giờ, tại nhà nầy cha Francisco de Pina đang dạy ngôn ngữ cho cha Alexandre de Rhodes và cha Antonio de Fontes". (Thư Manoel Fernandes gởi Nuno Mascarenhas, ARSI. JAP-SIN 68, tr. 11-12).

          - Bản báo cáo năm 1618 của học viện Macao do Francesco Eugenio viết tại Macao ngày 21 tháng Giêng năm 1619 cho biết: cuốn sách giáo lý đầu tiên bằng ngôn ngữ địa phương được soạn tại Nước Mặn, có sự cộng tác của một thanh niên, tên thánh rửa tội là Phêrô. Và Giáo sư, Linh mục Roland Jacques xác định: cuốn sách bổn được làm tại Nước Mặn vào năm 1618 dưới sự giám sát của Linh mục Buzomi, Bề trên cư sở Nước Mặn. Tác nhân chính của cuốn sách là Linh mục Pina và một người thanh niên Việt Nam. (Roland Jacques Các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha…tr. 82-85).

       Trong tham luận Dinh trấn Thanh Chiêm xứng đáng là cái nôi phát triển chữ Quốc ngữ, Lm. Antôn Nguyễn Trường Thăng “đã điểm lại các khuôn mặt đệ tử trực tiếp được Pina hướng dẫn, ta thấy có: Girolimo Majorica để lại gần 40 tác phẩm chữ Nôm, chắc chắn phải quá rành chữ Quốc ngữ”. (Kỷ yếu HT Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ, tr. 380).

Và tham luận Vị trí, vai trò dinh trấn Thanh Chiêm đối với sự ra đời và truyền bá chữ Quốc ngữ, Thy hảo Trương Duy Hy “xoáy vào chính điểm” Thanh Chiêm, cái nôi phát minh ra chữ Quốc ngữ đã liệt kê các vị thừa sai đến Quảng Nam hoạt động giáo vụ thời gian lâu, tiêu biểu, năm 1624: Gaspar Louis. Tác giả cho rằng: Sau ngày bị nạn tại biển Hội An (1625) tất cả công trình nghiên cứu chữ quốc ngữ của linh mục Francisco de Pina, không thể để ngoài cư sở Thanh Chiêm, nơi đó cũng là nơi ăn ở và làm việc của A. de Rhodes, thì không còn nghi ngờ gì là những tài liệu đó được tập trung vào tay A. de Rhodes…”. Thanh Chiêm còn là nơi có trường dạy chữ Quốc ngữ Việt Nam đầu tiên với duy nhất hai học trò là Alexandre de Rhodes và Antonio de Fontes gốc người phương Tây do một giáo viên người Bồ Đào Nha là Francisco de Pina giảng dạy”. (Kỷ yếu HT Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ, tr. 460, 464).

- Năm 1622, sau khi gọi lm. Borri về Macao, Bề trên đưa ba lm: Em. Fernández, Em. Borges (Bồ), J. Leira (Ý) và thầy Romano Niti (Nhật) vào Đàng Trong. Fernández thay Marquez ở Hải Phố, Marquez đi giúp Pina, còn hai lm. Emmanuel Borges (Bồ) và Giovani Leira (Ý) vào Nước Mặn học tiếng Việt và tập sự với lm. Buzomi. (Lm. BÙI ĐỨC SINH, Giáo hội Công giáo Việt Nam, Quyển I, tr. 100). Năm 1624, lm. Gaspar Luis và lm. Girolamo Majorica vào Nước Mặn học tiếng Việt và tập sự với lm. Buzomi. (Đỗ Quang Chính, Dòng Tên trong xã hội Đại Việt, tr. 65-69; DANIELLO BARTOLI, Dell' Istoria Della Compagnia Di Gesù La Cina, Terza Parte, Delle Asia, Libro Quarto, Torino 1825, tr. 61; Wikipedia, the free encyclopedia, mục từ Jerônimo Majorica; Thư Fernandes gởi cho Nuno Mascarenhas ngày 02/7/1625 tại Faifo. ARSI. JAP-SIN 68, tr. 11).

          - Trong bài tựa Tự điển Việt-Bồ-La (Giáo sĩ Đắc Lộ và Tác phẩm Quốc ngữ đầu tiên, Nxb Tinh Việt Văn đoàn, Sài Gòn, 1961, tr. XLIV-XLV), Nguyễn Khắc Xuyên – Phạm Đình Khiêm cho biết: giáo sĩ Đắc Lộ đã nhắc tới ba nhân vật có công trong việc biên soạn các tác phẩm của ngài, người đầu tiên Đắc Lộ nhắc tới là Pina chỉ: là người đầu tiên am tường tiếng Việt… Tiếc thay, ngày nay chúng ta không được biết gì về những bút ký của nhà truyền giáo De Pina, nếu thực ra ngài có viết. Hẳn để sử dụng riêng cho ngài, ngài đã có một phương pháp viết Quốc ngữ nào đó? Ngài có truyền cho người học trò trẻ tuổi một văn kiện nào của ngài không? Có lẽ không, theo chính lời giáo sĩ Đắc Lộ trong bài tựa kể trên.

         Song hai vị khác đã được xướng danh rõ ràng, đó là giáo sĩ Gaspar d’Amaral và Antonio Barbosa. Theo Đắc Lộ thì vị thứ nhất đã soạn một tự điển Việt-Bồ và vị thứ hai một tự điển Bồ-Việt.

3. Hội thảo chưa có Tổng kết…

          Thanh Chiêm là nơi đầu tiên khai sinh ra chữ Quốc ngữ Giáo sĩ Francisco de Pina là cha đẻ của chữ Quốc ngữ, hai vấn đề trọng tâm được Hội thảo Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ nhằm xác định. Tuy nhiên, với những tồn nghi tiêu biểu trong các tham luận nêu trên và kết luận của GS.VS.NGND. Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tại Hội thảo Bình Định với chữ Quốc ngữ tổ chức tại TP. Qui Nhơn ngày 13/01/2016: “Chữ Quốc ngữ trong trạng thái phôi thai, ra đời sớm nhất ở ba trung tâm: Nước Mặn, Hội An và Thanh Chiêm, trong đó Nước Mặn có phần sớm hơn. Nước Mặn cũng là trung tâm học tiếng Việt hình thành sớm ở Đàng Trong. Năm 1622, giáo sĩ Emmanuel Borges, Giovanni di Leira, rồi năm 1624, giáo sĩ Gaspar Luis, Girolamo Majorica đều đến Nước Mặn học tiếng Việt”, nên nhà sử học Dương Trung Quốc – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã tổng kết Hội thảo: “Hội thảo Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ chưa có tổng kết …”.                                                         
 
 
 
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 23
  • Hôm nay: 3949
  • Tháng hiện tại: 113551
  • Tổng lượt truy cập: 12257811