Trang mới   https://gpquinhon.org

Kiến trúc Công giáo trong hồn đô thị

Đăng lúc: Thứ ba - 19/04/2016 20:33




Xây dựng đô thị cần có nhiều bản sắc khác nhau, trong đó bản sắc quy hoạch kiến trúc của từng cộng đồng hợp lại sẽ tạo nên sự gắn kết tạo thành bản sắc đô thị.

Điểm nhấn của toàn khu vực

Nhìn vào kiến trúc tôn giáo ở Việt Nam, bên cạnh nhà thờ thì có chùa nhưng bố cục và ý nghĩa của chùa Phật giáo khác nhà thờ Công giáo. Cuộc sống sinh hoạt của người dân trong cộng đồng Công giáo hướng ngoại nhiều hơn, vì vậy nhà thờ với kiến trúc cao trở thành điểm nhấn của toàn khu vực và thường gắn kết với không gian trường học, chợ, nhà ở của người dân bao quanh. Chùa không như vậy mà thường tách ra với đời, tránh xa sự náo nhiệt, gần hơn với thiên nhiên và cảnh quan, tạo ra không gian thư giãn.

Trong không gian đô thị, nhà thờ là một kiến trúc rất cao do nhu cầu cần một không gian lớn thật thông thoáng để chứa một số lượng người khá lớn cùng lúc. Sau này khi đô thị ngày càng phát triển, xu hướng cao tầng hóa bùng nổ, nhà thờ không còn là công trình cao nhất. Một số nhà thờ bị lọt thỏm trong nhà cao tầng xung quanh khiến tỉ lệ nhà thờ nhỏ đi, mất đi ảnh hưởng không gian kiến trúc, như không gian xung quanh nhà thờ Đức Bà, nhà thờ khá lâu đời không những của Sài Gòn mà của cả nước. Do đó, chúng ta cần phải bảo vệ không chỉ giá trị di sản của các nhà thờ cổ mà còn cả bản sắc của khu vực xung quanh, trong đó chiều cao của các công trình sẽ xây dựng gần đó phải được khống chế phù hợp để giữ gìn giá trị không gian kiến trúc cảnh quan.

Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn đang bị các công trình xung quanh lấn át chiều cao, làm mất sự hài hòa tổng thể kiến trúc. Ảnh: NINH DOÃN HIẾU

Có những biến tấu pha trộn với bản sắc địa phương

Xu hướng càng về sau này càng có nhiều nhà thờ vượt ra khỏi ảnh hưởng ban đầu của kiến trúc châu Âu, trong đó hoặc là xây theo phong cách cổ điển nhưng không giữ quy luật thiết kế về tỉ lệ và bố trí, hoặc là bắt đầu có những biến tấu pha trộn với các yếu tố mang bản sắc địa phương nhằm giúp người dân gần gũi hơn với kiến trúc, từ thiết kế đến vật liệu, nhân công. Như ở Kon Tum có nhà thờ gỗ với nhiều chi tiết thể hiện bản sắc của người dân cao nguyên, vùng Phát Diệm kiến trúc nhà thờ kết hợp phong cách đình chùa...

Tuy vậy, không nên ủng hộ sự lạm dụng quá mức thành ra pha tạp nhiều thứ. Một nhà thờ mà có Tàu, có ta, có cả Tây Nguyên là không nên, đây không phải xu hướng nên khuyến khích.

Mặt khác, hiện nay khi cần tu sửa cải tạo nhiều nhà thờ cũ, chúng ta nên cố gắng giữ lại bản sắc của thời kỳ xây dựng đó. Hãy nhớ mỗi nhà thờ đều có giai đoạn xây dựng và phát triển, đấy là tâm huyết của các kiến trúc sư (KTS), của các vị lãnh đạo tinh thần thời đó, họ đã tạo nên những tuyệt tác kiến trúc và mỹ thuật, đấy là giá trị lịch sử, là một ký ức đô thị cần gìn giữ.

Khi có cơ hội ở những vùng đất mới, nếu có thể hãy tạo điều kiện cho các KTS thiết kế những nhà thờ với phong cách mới. Tôi cho rằng thiết kế nhà thờ hiện nay nên hướng đến sự sáng tạo mới thể hiện tính thời đại của kiến trúc và của người Công giáo trong thế kỷ mới. Trong đó các yếu tố bản sắc địa phương có thể gây cảm hứng được nâng tầm thể hiện qua các vật liệu và kỹ thuật hiện đại của thế kỷ 21.

 

KTS Nguyễn Hữu Thái:

Cộng đồng Công giáo tồn tại các đặc trưng văn hóa riêng

“Linh hồn chính là quá khứ”, một triết gia đã từng viết và khi nhắc về cái hồn của một TP người ta nghĩ lại quá khứ của nó. Như vậy một TP cũng phần nào là ký ức tập thể của một xã hội, là lịch sử gắn kết cư dân một cộng đồng, kinh qua kinh nghiệm một lối sống, nền văn hóa và môi trường chung. Tất cả yếu tố đó gom lại sẽ tạo nên cái di sản văn hóa phi vật thể gọi là hồn đô thị.

Sài Gòn sớm xuất hiện ở vị trí mũi nhọn của cuộc Nam tiến tìm đất sống của người Việt, trở thành tụ điểm di dân tứ xứ, nơi gặp gỡ của nhiều luồng giao lưu. Quá khứ đó đã tạo nên diện mạo và bản sắc của Sài Gòn, một TP ngã ba đường, khác hẳn với những đô thị truyền thống Việt Nam.

Thật vậy, về mặt cơ cấu văn hóa và nếp sống, Sài Gòn xưa đã tồn tại song song nhiều dạng ở và sinh hoạt. Có mạng lưới ngõ xóm của người Việt, TP vườn cây của người Pháp, phố sá sầm uất của người Hoa, đường phố bazar của người Ấn. TP chưa bao giờ mang tính chất đa văn hóa, đa chủng tộc như thời đó. Cho nên ở Sài Gòn, khác với bất cứ nơi nào ở nước ta, ta có thể nhìn thấy bên cạnh đình chùa Việt là chùa miếu, hội quán của người Hoa, chùa Miên, thánh đường Công giáo bên cạnh chùa Chà, mosque Hồi giáo, đền Chàm…

Trước cả khi người Pháp đến Việt Nam, các cộng đồng người Việt theo Công giáo đã tồn tại với nếp sống và các đặc trưng văn hóa riêng. Đặc biệt là về phương diện tín ngưỡng. Đã xuất hiện các nhà thờ, tu viện, cơ sở giáo dục và xã hội mang dáng dấp phương Tây khác lạ bởi đã được kết hợp với phong cách bản địa. Trong rất nhiều nhà thờ như thế ở Sài Gòn, tôi đặc biệt thú vị với nhà thờ Công giáo nhưng lại mang dáng dấp Việt ở Thị Nghè. Tác giả thiết kế - KTS Nguyễn Hữu Thiện là một Phật tử thuần thành và chuyên thiết kế chùa. Vậy mà ông đã thành công cùng vị linh mục khi sáng tạo ra một công trình tôn giáo vừa mang phong cách Roman (Pháp) với dáng dấp tháp Việt cổ. Tháp chuông mái cong lợp ngói ống, hoa gió làm theo mô-típ trang trí truyền thống Việt xưa…

KTS Nguyễn Văn Tất, Phó Chủ tịch Hội KTS TP.HCM:

Nhà thờ là một quỹ kiến trúc trong những dòng kiến trúc đương đại của đô thị

Đất nước Việt Nam đã từng có một thời kỳ xây dựng đô thị với số lượng công trình kiến trúc cực lớn trong lịch sử, trong đó kiến trúc nhà thờ nở rộ, đó là thời Pháp thuộc. Nguyên nhân tự thân Công giáo vốn đã là một tôn giáo có lịch sử lâu đời, được tổ chức truyền giáo, thực hiện giáo luật một cách khoa học và hiệu quả nhất. Vì vậy mà nhà thờ Công giáo trên khắp thế giới không riêng Việt Nam cũng được quản lý một cách chặt chẽ về chất lượng cũng như có vị thế kiến trúc trong bất kỳ không gian đô thị nào.

Tại sao trong di sản của Việt Nam các công trình tôn giáo luôn có một chỗ đứng hết sức quan trọng về nghệ thuật kiến trúc? Bởi vì nó có giá trị nghệ thuật kiến trúc thật sự. Những dòng kiến trúc để lại nhiều thang bậc giá trị lớn trong lịch sử luôn luôn chứa đựng một nội hàm về nghệ thuật. Công giáo đưa rất nhiều tinh hoa nghệ thuật vào các nhà thờ. Nhìn một ngôi nhà thờ đó là sự tổng hợp “kinh khủng” của các loại hình nghệ thuật kiến trúc, hội họa, điêu khắc, trong đó có cả sự nghiên cứu để đạt hiệu quả và hiệu ứng cao về ánh sáng, âm nhạc, âm thanh…

Như ở Việt Nam, kiến trúc đình chùa thời thịnh trị rồi sau này là nhà thờ đã để lại dấu ấn lớn và nhìn chung những công trình mà tất cả người tham gia từ người đầu tư đến nhà tạo tác (riêng danh hiệu KTS sau này mới có mà thôi), từ người thợ tham gia vào công trình nếu với lòng kính trọng, nhiệt tình sẽ không thể cho phép mình có hành vi gian dối nào ở đây. Ở thời kỳ đó, chính nhờ sự tập hợp của những con người như vậy đã tạo ra những công trình tôn giáo hoành tráng, có giá trị và thực sự tôn giáo hội đủ điều kiện để đạt được điều đó. Những công trình đó vẫn còn giá trị tới hôm nay là nhờ những niêm luật của tôn giáo, đấy cũng là hành lang kiểm soát cực kỳ hiệu quả vì chính bản thân đối tượng bị kiểm soát họ cũng là người kiểm soát.

Tôi hơi tiếc là có những giai đoạn trong quá khứ không hiểu vì lý do gì mà có vẻ như một số vị chức sắc lại có sự can thiệp cá nhân vào tiến trình hình thành kiến trúc của nhà thờ này hay nhà thờ khác… Điều này là không nên và cần để trả lại giá trị đích thực của kiến trúc, trong đó KTS được toàn quyền làm nghề. Nhà thờ là một trong những công trình tạo ra thách thức rất lớn, đồng thời là những cơ hội quý để các KTS thể hiện mình.

Là một người theo đạo Phật nhưng tôi phải thực tâm nói rằng: Nhà thờ là một quỹ kiến trúc và văn hóa nghệ thuật trong những dòng kiến trúc đương đại của các đô thị.

PHẠM TRƯỜNG GIANG thực hiện


TS-KTS NGÔ VIẾT NAM SƠN


Nguồn tin: plo.vn
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 7
  • Khách viếng thăm: 5
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 3949
  • Tháng hiện tại: 112353
  • Tổng lượt truy cập: 12256613