Trang mới   https://gpquinhon.org

Lời góp ý chân thành với Viện Ngôn Ngữ Học Việt Nam

Đăng lúc: Thứ năm - 21/08/2014 22:13
Kính thưa Viện Ngôn Ngữ Học Việt Nam,

Thể theo lời ''đề nghị'' của Giáo sư Hoàng Văn Hành, Viện Trưởng Viện Ngôn Ngữ Học như sau: ''Tất nhiên, lời phán xét cuối cùng về giá trị cuốn sách vẫn thuộc về hàng ngàn, hàng triệu độc giả trong và ngoài nước. Song, tôi và các soạn giả vẫn mong chờ ở quý vị độc giả những lời chỉ giáo chân thành, nhân hậu và công bằng đối với những sơ suất, sai sót chắc chắn có thể có trong công trình rộng lớn và khó khăn này.'', tôi xin mạo muội nêu ý kiến:

Trong cuốn ''Les Grands Coeurs'' của De Amicis có câu: ''Nắm vững tiếng Mẹ Đẻ là có trong tay chìa khóa mở các cửa nhà tù.''

TỪ ĐIỂN ANH-VIỆT (ENGLISH-VIETNAMESE DICTIONARY) được ''TRUNG TÂM KHOA HỌC VÀ NHÂN VĂN QUỐC GIA - VIỆN NGÔN NGỮ HỌC'' dịch sang tiếng Việt, là sách bán ''rất chạy'' ở Việt Nam và hải ngoại, nhất là tại Mỹ, đã khiến nhiều học sinh và sinh viên viết, nói sai tiếng Việt, lại còn là ''cớ'' cho các em ở bên nhà hiểu sai rất nhiều từ ngữ của tiếng Anh.

Ở Đức, tôi dạy tiếng Anh cho một số người, nhất là cho con của mình khi các cháu còn Trung Học. Một trong những cách dạy để các cháu rành tiếng Việt là dùng TỪ ĐIỂN ANH-VIỆT (ENGLISH-VIETNAMESE DICTIONARY) được ''biên soạn'' bởi ''TRUNG TÂM KHOA HỌC VÀ NHÂN VĂN QUỐC GIA - VIỆN NGÔN NGỮ HỌC gồm một số Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Phó Tiến Sĩ, Chuyên gia... thuộc Trung tâm Khoa học Xã hội Nhân văn Quốc gia các Viện nghiên cứu Khoa học chuyên ngành. (Trích đúng từng chữ và cách viết KHÔNG có dấu phẩy.)

Tôi cho các cháu tìm cách ''dùng sai từ'' và cách ''dịch không đúng'' của các ''vị'' có bằng cấp cao. Nhìn chung, trong những trang (mà tôi đã đọc và cho cháu sửa), có lỗi từ năm mươi đến tám mươi phần trăm nếu tính thật chi li.

Xin nêu ví dụ:

1- Trong ''LỜI GIỚI THIỆU''

Giáo sư Hoàng Văn Hành, Viện trưởng Viên Ngôn ngữ học, HÀNH VĂN như sau:

Trước mắt bạncuốn Từ điển Anh-Việt, tập đại thành của tiếng Anh hiện đại. Cuốn sách do một nhóm các học giả và các nhà dịch thuật làm một cách công phu, dựa trên cơ sở cuốn Oxford Advanced Learner's Dictionary, 1992,cuốn từ điển mới nhất của nước Anh hiện nay. …..

Song, khi mặt bằng về trình độ tiếng Anh của độc giả Việt Nam đã được nâng lên thì các công trình nói trên không còn thỏa mãn được yêu cầu của người đọc, là, phải cung cấp cho họ những hiểu biết sâu sắc và tinh tế, cập nhật, về tiếng Anh......

Với tư cáchcuốn sách công cụ dùng để tra cứu, so với tất cả cuốn từ điển Anh-Việt hiện có, cuốn Từ điển Anh-Việt này có những ưu điểm nổi bật riêng, rất đáng chú ý....

Trước hết, và cũng là điều quan trọng nhất là, tiếng Anh được phán ánh trong từ điển này là thứ tiếng Anh đích thực, cập nhật, được miêu tả qua cảm thức của người bản ngữ, tức người Anh. Người đọc sẽ thẩm nhận...

Đây là điều mà các cuốn từ điển Anh-Việt trước không thể có được, bởi vì, người biên soạn là người Việt Nam....

Nếu ai hiểu được bếp núc của nghề làm từ điển...

Theo thiển ý của tôi, trong ''ngần ấy'' hàng (vừa nêu) mà Giáo Sư Viện Trưởng Viện Ngôn Ngữ Học phạm quá nhiều lỗi về cách dùng từ, văn phạm (ngữ pháp) gồm có dấu phẩy... thì quả là điều đáng ngạc nhiên.

2- MẤY LỜI CỦA NHÓM BIÊN SOẠN

Do không bị bó buộc phải khiên cưỡng tạo ra từ tương đương rất ép như trong trường hợp biên soạn... Tuy nhiên, từ điển tường giảichỗ yếu của nó: làm sao có thể biết được...

''Nhóm Biên Soạn'' viết ''MẤY LỜI''; nhưng, đối với NHÓM, khái niệm ''MẤY'' có nghĩa là viết dài tới hai trang giấy!? Tôi chẳng biết ''văn phong'' (ở trên) là tiếng Việt (của ai) mà quá lạ đời! Trong ''LỜI GIỚI THIỆU'' dài hai trang, Giáo sư Viện Trưởng cũng viết: ''Bởi cảm phục..., tôi mạo muội viết mấy lời giới thiệu...''

3- Cách dịch

Xin nêu vài trường hợp tiêu biểu:

Trang 1: My boss is a little Napoleon: Ông chủ tôi là một thứ Napoleon con.
Trang 2: an aberration in the computer: một khuyết tật của máy tính.
Trang 3: Should the death penalty be abolished?: Hình phạt tử hình có nên hủy bỏ hay không?
Trang 727: By the grace of God their lives were spared: Nhờ trời cuộc sống của họ cũng được dư dật.

Theo tôi, người dịch phạm tới năm (5) lỗi:

a- Chữ ''God'' (viết hoa) không phải là ''trời'' (viết nhỏ), mà là ''Chúa, Thiên Chúa''.
b- Hai chữ ''their lives'' không phải là ''cuộc sống của họ'', mà là ''mạng sống của họ''.
c- Trong câu tiếng Anh, không có adverb (trạng từ) ''too; also''. Vậy người dịch tìm đâu ra chữ ''cũng''?
d- Hai chữ ''were spared'' là động từ ở thể bị động (verb in the passive voice /form), có nghĩa là ''được tha'', chứ không phải ''dư dật''!!!
e- Dịch thiếu chữ ''grace'': ơn!
Tôi xin dịch đúng ý: Nhờ ơn Chúa, họ được tha mạng.

Kính thưa Viện Ngôn Ngữ Học Việt Nam,

Gạo bỏ vào cối, có đâm (tức ''có xót'' như người miền quê ở Thừa Thiên thường nói), có giã, có sứt, có mẻ, có gãy, có nát, có vụn... thì mới trắng tựa bông! Cố Giáo Hoàng Gioan XXIII cũng phát biểu: ''Ai phê bình tôi, thậm chí chỉ trích tôi, người ấy là bạn tốt; còn ai tô bốc, khen ngợi tôi, người ấy làm hại tôi.''

Vậy, tôi xin nhận định thêm: Thành phần ''được'' mang danh là ''trí thức, lỗi lạc'' mà viết, dịch ''như thế, như kia'' thì huống chi là ''Tiến sĩ lái gỗ'' bỏ tiền ra để mua bằng!

Nhân đây, tôi cũng xin kính báo cùng Viện Ngôn Ngữ Học: Tôi sẽ gởi ''lời góp ý chân thành'' này đến một số Trang bởi vì, theo như tôi thấy trên mạng, một số Việt Bào viết, nói ''thoải mái'' như sau: ''Mặt bằng tiếng Anh trên cả nước; Nếu sản phẩm từ các trường sư phạm đưa về, không qua bồi dưỡng sẽ không thể đạt mức này... Chất lượng giảng dạy; Lễ phát Bằng Tốt Nghiệp Phổ Thông, Mầm Non; …''

Trước đây, tôi được dạy: ''Chất lượng'' là ''khái niệm'' về ''phân lượng'' của ''thực chất'' trong ''vật thể'', ví dụ: chất lượng của hai miếng gỗ: mít, cẩm lai. Chữ ''tốt nghiệp'' chỉ dùng cho sinh viên Đại Học các Ban, Ngành, Trường Cao Đẳng Sư Phạm hay Trường Sư Phạm, chẳng hạn: Sư Phạm Qui Nhơn là nơi Trịnh Công Sơn tốt nghiệp, tức ra làm Thầy dạy ở Tiểu Học. Ngoài ra, các Trung Tâm Huấn Luyện khác cũng cấp chứng chỉ tốt nghiệp. Trong khi đó, học sinh Trung Học, thậm chí bé Trường Mầm Non có học ''nghiệp'' đâu, mà ''tốt''?

Kính xin Viện Ngôn Ngữ Học vui lòng ''đón nhận'' lời góp ý ở trên thể theo sự ''mong chờ'' của ông Viện Trưởng Viện Ngôn Ngữ Học.

Kính thư,
Phan văn Phước
Tác giả bài viết: Phan văn Phước
Nguồn tin: Tác giả
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 13 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 24
  • Khách viếng thăm: 18
  • Máy chủ tìm kiếm: 6
  • Hôm nay: 3660
  • Tháng hiện tại: 159467
  • Tổng lượt truy cập: 12136254